Hôm nay,  

Trên Tám Mươi Tuổi Đi Máy Bay Khỏi Trả Tiền

02/01/202500:00:00(Xem: 2253)

 

TG Lê Đức Luận (đứng giữa) nhận giải Danh Dự VVNM 2023
TG Lê Đức Luận (đứng giữa) nhận giải Danh Dự VVNM 2023

 

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự VVNM với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975, Ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023. Sau đây là một bài viết ý nhị về hoàn cảnh và suy nghĩ, tâm trạng của các vị cao niên gốc Việt trên xứ Mỹ.

 

*

 

Năm nay ông Tư đã qua tuổi tám mươi, nhưng trông ông khỏe mạnh và trí tuệ còn minh mẫn - so với những ông lão cùng lứa tuổi, ông được xếp hạng trên trung bình.

 

Những buổi họp mặt ở Hội Cao Niên, các cụ thường ngồi lại với nhau uống trà, tán gẫu chuyện đời. Có ông kể chuyện buồn bị con cháu bỏ bê; có ông than thở chuyện ốm đau; có ông nuối tiếc chưa trả được mối thù vong quốc đầu đã bạc, bèn ngâm mấy câu thơ của Đặng Dung:

 

“... Thời lai đồ điếu thành công dị/Vận khứ anh hùng ẩm hận đa…

“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma” (1)

 

Khác với mấy ông bạn già, ông Tư không buồn phiền, không than thở, không nuối tiếc điều gì. Nhưng ông hay nói về tình đời và tình người. Ông thường tâm sự với bạn bè: “Tám mươi năm cuộc đời đã đong đầy những nỗi vui, buồn, sướng, khổ trong cõi ta bà này; qua tám mươi tuổi đáng lẽ phải đi “chỗ khác chơi…” nhường chỗ cho các thế hệ kế tiếp. Nhưng nếu “số trời” chưa gọi, thì ta phải sống sao cho phải đạo làm người - tìm nguồn vui cho mình và chớ gây phiền muộn trong chốn nhân gian.”

 

Khi luận về cái khổ, ông Tư bảo:

 

“Sự sướng, khổ là vô cùng - không có rạch ròi biên giới - chỉ do suy nghĩ, tưởng tượng và cảm nhận của mỗi người mà ra cả. Về già mắt ta mờ, chân ta yếu… Ta than khổ! Nhưng khi nghĩ đến những người mù, họ ước mơ có được giây lát để nhìn ánh sáng mặt trời; hay nhìn những kẻ khuyết tật không có đôi chân để đi đứng, phải chống gậy hay di chuyển bằng xe lăn, ta sẽ thấy mình còn may mắn biết bao! Khi túng bấn, vợ con chỉ làm được những bữa cơm chiều đạm bạc… Ta nhớ lại những bữa ăn trong các trại “tập trung cải tạo” của Việt cộng hay nghĩ về những người đang bới thùng rác kiếm thức ăn hằng ngày, sẽ thấy đời còn ưu đãi cho ta có được một mái ấm gia đình…”       

 

Thuyết thêm về cái khổ trong cõi nhân gian, ông Tư nói:

 

“Vạn vật trên vũ trụ này không thoát khỏi quy luật: “Sinh, Trụ, Hoại, Diệt”; nhân loại không thoát được tiến trình: “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Tôi tin cái quy luật và tiến trình đó phải do một đấng tối cao có quyền năng tuyệt đối điều khiển và chi phối. Người đời thường gọi đó là Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế hay Ông Trời.

 

“Chỉ bàn về tiến trình của “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” mà con ngưởi thường cho là ‘bốn cái khổ’ trong cuộc đời. Nhưng suy nghĩ cho cùng và quán chiếu, ta sẽ thấy sự huyền diệu của Ông Trời khi tạo dựng muôn loài trên vũ trụ. Ông Trời cho con người có trí thông minh hơn cả, nhưng biết trước con người “lắm chuyện” nên Ông Trời chủ động hai cái: Sinh và Tử, nếu không thì sẽ loạn…

 

“Này nhé! Con người không ai lựa chọn được thời gian và nơi chốn để được sinh ra. Nếu được lựa chọn thì đứa nào cũng đòi sinh ra trên vùng dầu mỏ Trung Đông, cứ lấy dầu dưới lòng đất lên bán, rủng rỉnh thu tiền. Vậy thì trái đất này nhiều nơi sẽ trống vắng. Có đứa đòi sinh ra trong những gia đình quyền quý cao sang - ngồi mát ăn bát vàng thì lấy đâu ra kẻ làm lụng vất vả tạo ra lương thực và sản phẩm tiêu dùng? Có đứa đòi sinh ra được da trắng, tóc vàng thì nhân loại sẽ đơn điệu như một vườn hoa chỉ có hoa hồng - vườn hoa đẹp phải có muôn màu, nhân loại phải có da đen, da trắng, da đỏ, da vàng mới hấp dẫn… Cho nên Ông Trời đã chủ động trong việc Sinh - con người cho là định mệnh.

 

“Sang cái ‘Tử’ thì Ông Trời giữ bí mật tuyệt đối. Nếu con người biết được ngày chết của mình thì trước lúc ra đi sẽ thanh toán cho xong mọi mối “ân oán giang hồ” chất chứa trong lòng nhưng không dám hành động khi còn sống vì sợ tù đày, nên Ông Trời không cho con người biết trước ngày chết, nếu không sẽ đầy rẫy chuyện bạo hành.

 

“Cũng vì không biết trước ngày chết của mình, nhiều nguời già vẫn tằn tiện chắt chiu vì sợ cái cơ khổ: “sống hoài không chết, lấy gì mà tiêu?” Và vì không biết đích xác ngày chết, nên ít ai dám vung tay quá trán - ăn chơi trác táng mà phải sống chừng mực và lo cho tương lai.  Nhờ vậy xã hội loài người mới được bình an.”

 

Bàn thêm “cái Tử” ông Tư nói:

 

“Hiện nay có khoảng tám tỷ người sinh sống trên địa cầu này và hằng năm sinh sản thêm ra. Nếu con người cứ sống mãi thì trái đất không còn chỗ chứa. Vậy chết là điều tất yếu nằm trong quy luật “Sinh, Trụ, Hoại, Diệt” của vũ trụ do Ông Trời định đoạt.”

 

Khi nói về “cái Lão” ông Tư phát biểu:

 

“Những gì hiện hữu trên hành tinh này một thời gian (trụ) cũng phải thoái hóa (hoại) - chiếc xe chạy lâu ngày, máy móc phải hao mòn; lục phủ ngũ tạng trong con người cũng thế. Đó là quy luật của “Sinh, Trụ, Hoại, Diệt”. Nhưng Ông Trời đã tinh tế cho con người được hưởng những ưu ái trong việc lão hóa. Này nhé! Về già mắt ta mờ để bớt nhìn thấy cái trần trụi của cuộc đời; tai ta điếc để bớt nghe những lời thị phi cho thân tâm được an lạc! Còn chuyện ‘nhớ nhớ… quên quên…’ là một ân sủng. Nếu sống đến tám mươi mà chuyện gì cũng nhớ vanh vách thì hận thù chồng chất và đầy ắp yêu thương! Vậy làm sao chịu thấu?

 

“Bỏ qua chuyện hận thù, chỉ nói chuyện yêu đương thôi. Cứ tưởng tượng: đêm đêm nhớ đến những người yêu thưở trước, rồi sáng ra với tuổi đời trên tám mươi - đau nhức toàn thân mà chống gậy đi tìm người yêu cho thỏa lòng mong nhớ thì quá khổ!?”

 

Sau cùng ông Tư bàn về “cái Bệnh”:

 

“Bệnh là điều con người sợ nhất, nhưng xem ra từ con người gây ra nhiều hơn là do Ông Trời. Ông Trời tạo dựng muôn loài, nên lo toan mọi thứ - vật nào thức ấy… Tạo dựng con trâu, con bò, Ông cho đồng cỏ; con chim, con sóc có hạt đậu, hạt mè; con ong có hoa để hút mật; con cá có rong rêu để ăn; con người có ngũ cốc để sinh sống…  Nói chung Ông Trời lo trước mọi thứ cho muôn loài - cứ sống thuận theo ý Trời thì muôn loài sẽ có cuộc sống thoải mái. Trong dân gian có câu “Trời sinh voi thì Trời sẽ sinh cỏ” và trong sách thánh hiền cũng khuyên nhủ: ‘Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong.’ Thế mà con người cứ mãi bon chen, đèo bồng món nọ, thức kia - làm những điều trái với thiên nhiên do Ông Trời tạo dựng. Rồi trách Ông Trời gây ra bệnh tật!?”

                 

Về già Ông Tư tìm được hai nguồn vui là đọc sách và du lịch, nên  ông góp nhặt nhiều chuyện lạ bốn phương - khó tin nhưng có thật để kể lại cho các bạn già nghe chơi…

 

Ông kể chuyện về những ngôi làng dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, thuộc nước Bhutan: Ở đây con người hòa nhịp cuộc sống với thiên nhiên, với núi rừng bát ngát xanh tươi, với không khí trong lành; họ ăn uống những thổ sản sẵn có ở địa phương, không du nhập các thực phẩm chế biến bên ngoài; họ có cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái…không chú trọng nhiều về những nhu cầu vật chất như những người ở các thành phố gọi là “văn minh hiện đại”. Có lẽ nhờ vậy họ không mắc những bệnh ngặt nghèo như ung thư, đột quỵ hay cao mỡ, cao đường…Tuổi thọ của họ rất cao (trên chín mươi trông còn khỏe mạnh). Những người ở các nước được cho là văn minh hiện đại du lịch đến nơi này đã ngưỡng mộ, nói rằng: “Đây là Thiên đàng hạ giới - cuộc sống của người dân nước Bhutan được đánh giá là hạnh phúc nhất trên hành tinh này.”

 

Vậy xem ra chẳng biết đâu là bến bờ hạnh phúc… Ông Tư kết luận như thế.

       

      Cuộc họp mặt vui chơi kéo dài hơn ba tiếng, đến mười hai giờ các cụ móc ví đóng hai đô la cho bữa ăn trưa. Nhờ có quỹ xã hội yểm trợ, nên thực đơn khá hấp dẫn: cháo cá, phở, hủ tiếu, bún bò, chả giò, bánh hỏi thịt nướng…v…v… Các cụ tha hồ lựa chọn và thưởng thức.

 

Trong bữa ăn có người vui miệng hỏi: “Cùng lãnh tiền già như mình, nhưng không hiểu ông Tư đào đâu ra tiền mà đi du lịch đó đây liên tục?”

 

Ông Tư cười dễ dãi đáp: “Trên tám mươi tuổi đi máy bay khỏi trả tiền…lo gì!?” Câu trả lời của Ông Tư chẳng mấy ai tin - coi như nói vui cho qua câu chuyện, chỉ có ông Ba Râu để bụng, nhưng bán tín bán nghi, nên cố tìm cho ra sự thật.

 

Ông Ba Râu được con gái bão lãnh qua Mỹ trên bảy năm nay. Lúc mới sang, ông làm những việc phất phơ - tiền kiếm được chỉ đủ cà phê, thuốc lá, vui chơi với bạn bè…Từ ngày thi đậu quốc tịch, ông được lãnh tiền già - mỗi tháng hơn tám trăm đô la - ông dự tính mỗi tháng để dành một ít để thực hiện một chuyến về thăm quê hương mà không phải ngửa tay xin con cái.

 

Nhưng ông Ba Râu là người quảng giao và hào phóng. Cứ vài tháng “góp tiền lộ phí” cho một ông bạn già đi về Nước Chúa hay về miền Tây Phương Cực Lạc… Rồi các Hội Đoàn, Hội Ái Hữu mời tham dự tiệc gây quỹ yểm trợ chỗ nọ, nơi kia; rồi các đứa cháu ở bên nhà gởi thư sang xin tiền chữa bịnh hay sửa chữa nhà cửa do bão lụt làm hư hại… Chúng mô tả hoàn cảnh rất bi đát, thương tâm - ông không nỡ từ chối!

 

Khoản tiền già tám trăm đô la mỗi tháng đôi khi không đủ cho các chi phí linh tinh nói trên - trương mục (account) ngân hàng của ông ít khi lên đến ngàn rưỡi - không đủ để mua một vé máy bay về Việt Nam. Vậy thì chuyện về thăm quê hương coi như “ngàn trùng xa cách…” Nay nghe ông Tư nói: “Trên tám mươi tuổi, đi máy bay khỏi trả tiền” - “Được lời như cởi tấm lòng (ND)” nên ông Ba Râu nuôi hy vọng.

 

Ngoài cái tính hào phóng, Ba Râu còn thích le lói với đời. Ông muốn khi về thăm quê hương phải huy hoàng: có tiệc tùng chiêu đãi, có quà cáp cho bà con, bạn bè và có ít tiền cho người nghèo khó trong làng - nhẩm tính cũng hơn vài ngàn đô. Nếu không phải trả tiền máy bay thì ông rút hết tiền trong ngân hàng và hy vọng thế nào con gái cũng cho thêm ít tiền lộ phí. Như vậy là dư sức thực hiện chuyến về thăm quê hương huy hoàng…

 

Một ngày đẹp trời, trong lòng tràn trề hy vọng, ông Ba Râu đến văn phòng chuyên bán vé máy bay về Việt Nam nằm trong Thương xá EDEN, nơi có cô thư ký là bạn thân với con gái của ông để lấy một vé máy bay không phải trả tiền.

 

Bước vào văn phòng, ông Ba Râu được cô thư ký chào hỏi ân cần và lễ phép:

 

- Dạ, chào bác! Hôm nay bác đến để mua vé máy bay về Việt Nam? Vé đang on sale (bán hạ giá) đó bác - chỉ có ngàn rưỡi thôi.

 

- Ừ! Nhớ quê hương quá, muốn về thăm một chuyến, nhưng lâu nay chưa có cơ hội. Con gái của bác, như cháu đã biết: nó không dư gỉả gì - nợ tiền nhà, tiền xe và đủ thứ chi tiêu… nó phải lo toan, nên bác không dám xin tiền của nó để mua vé máy bay. Bây giờ nghe nói: Những người trên tám mươi tuổi, đi máy bay khỏi trả tiền, nên đến nhờ cháu lấy cho bác một vé.

 

Cô thư ký ngạc nhiên hỏi lại:

 

- Bác bảo sao? “Người già trên tám mươi tuổi đi máy bay không phải trả tiền?” Ai nói với bác như thế? Chuyện này nghe lạ quá!

 

- Ừ! Ông bạn của bác nói thế! Ông này đi du lịch khắp nơi - ông thường kể những chuyện khó tin, nhưng mà có thật.

 

Vì là bố của đứa bạn thân, nên cô thư ký nói nhỏ nhẹ như để an ủi:

 

- Bác về hỏi lại ông bạn của bác cách thức làm thế nào - nếu được cháu sẽ giúp bác.

 

Sáng hôm sau ông Ba Râu đến nhà ông Tư rất sớm. Hai ông già gặp nhau vui vẻ - thường là trà, rượu - tán hươu, tán vượn… cả buổi mới chia tay, nhưng lần này ông Ba Râu đặt ngay vấn đề “lấy vé máy bay khỏi trả tiền.” Ông kể cho ông Tư nghe chuyện gặp cô thư ký ở văn phòng bán vé máy bay hôm qua.

 

Ông Tư cười cười, bảo:

 

- Ông nói với cô ta ghi vào: “đứa con có hiếu” ngay sau số điện thoại của người thân khi cần báo tin thì ông mới không phải trả tiền.

 

Ông Ba Râu vội vã chào ông Tư và đến văn phòng bán vé máy bay ngay buổi sáng hôm ấy. Ông Ba Râu bước vào văn phòng với phong cách rất tự tin. Cô thư ký niềm nở, ân cần hỏi:

 

- Dạ! Bác đã hỏi kỹ cách làm thế nào đề lấy được một vé không phải trả tiền chưa?

 

- Ông bạn của bác bảo: Phải ghi ngay sau số điện thoại của người thân khi cần báo tin mấy chữ “đứa con có hiếu” thì mới được.

 

Cô thư ký tinh ý hiểu ngay vấn đề, cô ôn tồn nói:

 

- Bác ngồi đây chờ cháu một chút nghen.

 

Ra trước cửa văn phòng, cô ta lấy cell phone gọi… Ông Ba Râu không nghe rõ lời nói, chỉ nghe tiếng cười dòn của cô thư ký. Mấy phút sau cô ta trở lại, vui vẻ:

 

- Xong rồi! Bác không phải móc ví trả tiền máy bay… nhưng chờ ít hôm khi có người đến mua vé cùng về quê với bác, cháu sẽ nhờ họ giúp bác các thủ tục ở phi trường và lên xuống máy bay… như thế sẽ tiện lợi cho bác.

 

- Ồ! Được như thế thì may quá! Già rồi, ít khi đi máy bay mà có người giúp đỡ, hướng dẫn các thủ tục ở phi trường thì bác đỡ bận tâm lo lắng.

 

Ông Ba Râu chào cô thư ký ra về, chan chứa niềm vui… Nhưng một nỗi thương cảm tuổi già dâng lên trong lòng cô thư ký khi đưa ông Ba Râu ra cửa văn phòng. Cô ta cười như mếu!

      

Ngày lên đường, con gái ông Ba Râu đưa bố ra phi trường - lòng nó vui như bố đang vui… Vài tuần trước đó, nó sắm cho bố mấy bộ đồ mới, mua nhiều món quà để bố về biếu bà con bên nhà - đầy ắp hai thùng. Khi vào phi trường, con gái ông tìm người cùng quê để gởi gắm bố già. Xong xuôi nó đưa bố bao thư trong đó có hai ngàn đô - ông Ba Râu ngần ngừ không muốn nhận vì sợ con gái thiếu tiền tiêu, nhưng nó dí vào tay ông, bắt ông phải nhận và thì thầm: “bố cất kỹ vào túi trong, kẻo rơi mất.” Ông Ba Râu cảm động rưng rưng chia tay con gái, xếp hàng nối đuôi đến nơi gởi hành lý.

Con gái đứng chờ cho đến khi bố đến cuối hành lang, đi vào phòng khám an ninh. Hai bố con vẫy tay chào tạm biệt.

 

Trên đường lái xe về nhà, con gái ông Ba Râu nhớ lại những lời của người bạn thân bán vé máy bay nói qua cell phone hôm trước: “Bác bảo: Nhớ quê hương quá, mà không dám xin tiền mua vé máy bay, vì sợ mày phải đi vay mượn… Bây giờ nghe người ta nói chơi, nhưng bác tin là thật: “Trên tám mươi tuổi đi máy bay khỏi trả tiền” nên bác đến nhờ tao lấy một vé. Tao không nỡ nói thẳng cho bác biết sự thật - sợ làm bác thất vọng - tội nghiệp! Nên phone hỏi ý kiến của mày - mày tính làm sao?”

 

Mặc dù đã âm thầm đưa tiền mua vé máy bay cùng dặn dò đứa bạn thân tìm nguời cùng chuyến bay gởi gắm bố già và lo mọi thứ chu đáo… nhưng những lời nói qua điện thoại hôm ấy như còn vang vọng bên tai: “Nhớ quê hương quá, mà không dám xin tiền mua vé máy bay…” làm nó xúc động - nuớc mắt cứ ứa ra…

 

Rồi bao ký ức thời thơ ấu hiện về như cuốn phim quay chậm: Mẹ nó qua đời lúc nó vừa tròn bảy tuổi, bố con côi cút bên nhau, bố dành hết mọi tình yêu thương cho đứa con gái. Bố hay nói: Con ơi! “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng!” Cho nên bố nhất định ở vậy trong cảnh “gà trống nuôi con” cho đến ngày con khôn lớn.

 

Ngày con gái theo chồng sang Mỹ, bố ở lại một mình trong cảnh cô đơn, nhưng bố nói: “Tương lai đời con và mấy đứa cháu ngoại quan trọng hơn nỗi cô đơn của bố - nếu trời thương cho bố khỏe mạnh năm bảy năm nữa thì bố con ta sẽ gặp lại nhau - không phải buồn lo cho bố…” Vậy là suốt cả cuộc đời, bố đã quên mình, hy sinh cho con.

Về đến nhà đậu xe vào ga ra, nước mắt còn đọng ven mi, nó lên bàn thờ mẹ đốt nén nhang, thì thầm khấn vái: “Mẹ ơi! Hôm nay bố về thăm quê hương. Mẹ phù hộ cho bố được bình an và có những ngày vui trọn vẹn ở quê nhà.” Nó mường tượng như có lời mẹ thì thầm: “Con à! Bố con là người tử tế, thủy chung đã nhớ lời trăn trối của mẹ trước lúc lâm chung nên bố đã ở vậy để bảo bọc cho con đến ngày khôn lớn.  Mẹ đã ở bên bố và con và phù hộ cho hai bố con trên mỗi chặng đường đời. Con nhớ chăm sóc tuổi già cho bố.”

 

Nó nghẹn ngào úp mặt vào di ảnh của mẹ - khóc nức nở!

 

Sau gần một tháng ở Việt Nam, ông Ba Râu trở lại Mỹ, kể những chuyện vui buồn ở quê nhà cho các bạn già trong Hội Cao Niên nghe chơi. Và chuyện đó đến tai Bà Sáu, làm bà suy nghĩ ngẩn ngơ…

     Từ ngày được thằng Tuấn, con trai của bà bão lãnh sang Mỹ, bà Sáu cảm thấy hạnh phúc vì thằng con hiếu thảo lo cho bà chu đáo - nó hiểu lòng mẹ nhớ thương bà chị và mấy đứa cháu ngoại còn sống khổ cực ở bên nhà, nên thỉnh thoảng nó đưa tiền cho mẹ gởi về cho chị và mua cho bà cái Smartphone (điện thoại thông minh) để bà nói chuyện và xem hình (Face Time) mấy đứa cháu ngoại cho đỡ nhớ. Như thế là bà mãn nguyện và an phận tuổi già…

 

Nhưng khi nghe ông Ba Râu về thăm quê hương mà khỏi trả tiền máy bay làm bà rạo rực và ước mơ…

 

Có những buổi chiều đi làm về thấy mẹ ngồi bên cửa nhìn trời hiu quạnh với vẻ mặt thật buồn, thằng con trai hiểu lòng mẹ nhớ quê - nó đến an ủi và hỏi: “Chắc mẹ đang nhớ chị Hai và mấy đứa cháu?” “Ừ! Mẹ nhớ, nhưng biết một chuyến về Việt Nam rất tốn kém, nên mẹ không dám nghĩ tới, nay nghe ông Ba Râu nói: trên tám mươi tuổi đi máy bay không phải trả tiền, nên mẹ thèm…”

 

Thằng Tuấn và con gái ông Ba Râu làm chung sở, nên thường kể những chuyện lẩm cẩm dễ thương của cha mẹ già. Nó hiểu hết chuyện con gái ông Ba Râu sắp xếp chuyến về thăm quê hương cho bố như thế nào, nên nó dịu dàng, bảo mẹ: “Mẹ hỏi bác Ba kinh nghiệm lấy vé máy bay và chuyện đi đứng ra làm sao? Rồi tính…”

 

“Được lời như cởi tấm lòng (Nguyễn Du)” Bà Sáu hỏi con: “Vậy mẹ đi được?” “Được! Mẹ nhờ Bác Ba dẫn đến chỗ mua vé máy bay, họ sẽ sắp xếp chuyến bay, đến ngày con đưa mẹ ra phi trường, bay về Việt Nam dễ dàng như Bác Ba đã đi.”

 

Bà Sáu nhìn con cảm động, nói: “Cảm ơn con - như thế thì mẹ thỏa lòng mong nhớ, chứ vài ba năm nữa mẹ yếu, chưa chắc về thăm chúng nó được.”

 Sau ba tuần về thăm con gái, bà Sáu trở lại Mỹ an toàn. Và chuyện Bà Sáu về Việt Nam khỏi trả tiền vé máy bay được lan truyền đến các cụ trong vùng VA, MD.

 

Một ông già đang nằm trong Viện Duỡng Lão, buồn hiu hắt suốt mấy năm nay, nghe nói thế, ông mò mẫm đến văn phòng bán vé máy bay trong thương xá EDEN, hy vọng lấy được một vé máy bay miễn phí về Việt Nam để gởi nắm xương tàn trên quê hương của mình.

 

Nhưng khi cô thư ký hỏi: “Bác cho cháu số điện thoại của người con hiếu thảo.” Ông trả lời: “Thằng con trai gởi tôi vào Viện Dưỡng Lão, rồi đi mất biệt từ mấy năm nay, bây giờ không biết nó ở phương nào và tôi không có số điện thoại của nó.”

 

Cô thư ký nhìn ông già hom hem, lòng đầy thương hại, rưng rưng cô nói: “Vậy thì cháu đành chịu, không giúp cho bác được.”

 

Ông già im lặng, đứng dậy, xiêu xiêu chống gậy bước ra khỏi văn phòng. Nắng chiều xuyên qua những đám mây trôi lờ lững chiếu ánh vàng lung linh trên khuôn mặt già nua đầy thất vọng của ông già… Một chiếc Uber trờ tới, ông già leo lên, chiếc xe lao đi… Những chiếc lá vàng tung bay theo gió, rồi rơi xuống nằm yên bên vệ đường. 

Ông già trở về Viện Duỡng Lão - khép lại ước mơ: “gởi nắm xương tàn trên quê hương yêu dấu!” Không ai biết cuộc đời ông lão rồi sẽ ra sao và cũng không ai lưu tâm đến. Chỉ có cô thư ký cảm thấy ngậm ngùi và thầm trách ai đã phao ra tin đồn thất thiệt!?

 

Mọi việc xảy ra đều đến tai Ông Tư. Một buổi sáng Chú Nhật, ông Tư đến gặp các bạn già trong Hội Cao Niên nói rõ ngọn ngành: “Chuyện thật là thế này: Khi qua tuổi tám mươi, mỗi lần đi du lịch, tôi nhờ đứa con gái hay con dâu mua vé máy bay vì tụi nó giỏi máy vi tính hơn mình - tìm được giá rẻ… Nhưng khi tôi trả tiền lại, tụi nó nhất định không nhận và bảo biếu bố đi chơi. Cho nên có ai hỏi: ‘Đào đâu ra tiền mà đi du lịch nơi nọ, chỗ kia?’ Tôi nói đùa: ‘Trên tám mươi tuổi đi máy khỏi trả tiền…’ là vậy! Nhưng đã làm nhiều người hiểu lầm và gây thất vọng cho một ông bạn già trong Viện Dưỡng Lão. Tôi ân hận!”

 

Ông Tư nhấp ngụm nước trà, định nói tiếp điều gì, nhưng ông Ba Râu xúc động… lẩm bẩm: - Thì ra thế! - Ôi! Đứa con hiếu thảo! Ôi, những đứa con hiếu thảo! Thằng Tuấn con bà Sáu cũng là đứa con hiếu thảo…

 

Qua cặp kính lão, người ta thấy mắt ông Ba Râu đỏ hoe… Ông Tư vỗ vai Ba Râu: Rồi ông sẽ còn nghe nhiều chuyện người đời “Nói dzậy mà không phải dzậy!?”

 

 

 

Lê Đức Luận

 

Tháng 10 /2024

 

Chú thích: (1) Phan Kế Bính dịch:

 

      Bần tiện gặp thời lên cũng dễ/ Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay…

      Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

  

Ý kiến bạn đọc
09/01/202503:41:15
Khách
Chuyện hay !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,324
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến