Hôm nay,  

Tình Nghĩa Mà

10/01/202500:00:00(Xem: 2586)
  
TG-Tiểu-Lục-Thần-Phong
Tác giả lãnh giải danh dự VVNM 2023
 
Tác giả tên thật Nguyễn Thanh Hiền, Nickname: Steven N, Bút danh: Tiểu Lục Thần Phong, sinh sống ở Atlanta trên 20 năm. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2023. Qua việc ghi lại câu chuyện đôi vợ chồng gốc Việt, bài viết dưới đây cho ta thấy thấp thoáng cảnh ngộ trái ngang khi cưới và bảo lãnh vợ hay chồng từ Việt Nam sang sống trên đất Mỹ.
 
***
 
Trời rét căm căm, gió lạnh thổi ù ù bên ngoài, đường xá im vắng không một bóng người, không cả một chiếc xe qua lại. Ông Thanh uể oải ngồi dậy để đi đón Huệ, ngày nào cũng thế, mười một giờ tối phải đi rước vợ về. Huệ làm phục vụ cho nhà hàng buffet Hibachi ở vùng Riverdale. Huệ qua Mỹ đã hơn hai năm rồi mà ông Thanh vẫn không chịu tập cho Huệ lái xe, nhiều lời ra tiếng vào cũng đến tai ông nhưng ông mặc kệ. Ông chấp nhận sáng chiều đưa đón chứ không hề muốn cho Huệ lái xe, cũng may công việc của ông rất tự do, không lệ thuộc giờ giấc nên mới có thể đưa rước như thế!
 
Ông Thanh vốn là cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vượt biên qua Mỹ từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Ban đầu ở trại Paula Bidong được chín tháng, thời gian ấy được học tiếng Anh lại có tiền tiêu vặt do cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc tài trợ. Trường hợp của ông nhanh chóng được xét duyệt cho đi Mỹ, đến Mỹ học ESL một thời gian nữa thì coi như tiếng Anh đủ ngon lành để giao tiếp.
 
Thời còn ở trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Thanh vốn là dân kỹ thuật nên rất rành về xe cộ máy móc, bây giờ sang đây ông xin vào làm ở một body shop T&T, vừa làm vừa học thêm. Anh chủ body shop cũng là người Việt nên cũng tận tình chỉ vẽ thêm. Sau vài năm ông tích lũy được một số vốn và kinh nghiệm nên ông xin nghỉ làm. Về nhà sắm sửa những dụng cụ cần thiết của nghề sửa xe và từ đó đi sửa dạo. Ông có tay nghề giỏi, làm tận tình, tới tận nhà, giá cả dĩ nhiên rẻ hơn ở body shop rất nhiều… từ đó tiếng tăm Thanh sửa xe lan rộng trong cộng đồng. Đồng hương gốc Mít ở vùng Jonesboro, Morrow, Lake City, Forest Park, Riverdale, College Park… hễ xe có vấn đề thì kêu ông Thanh đến nhà sửa xe. Ông Thanh hành nghề tự do, chẳng có ràng buộc gì về thời gian địa điểm. Ông Thanh chỉ nhận tiền mặt. Việc này khiến cả hai bên đều hài lòng, chủ xe trả giá rẻ, ông Thanh không phải trả thuế. Cả một vùng ngoại ô thành Ất Lăng người Việt đều biết đến tiếng ông Thanh sửa xe.
 
Ông Thanh tướng người thấp, gầy và nhỏ con như hầu hết người Việt, điều đầu tiên đập vào mắt mọi người là dơ. Ông Thanh ở dơ dễ sợ, hầu như không tắm rửa hay thay quần áo. Người lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt, mười ngón tay đen kịt, cáu bẩn bám các kẽ thành viền, ngay cả những nếp nhăn trên da cũng là vệt đen. Quần áo thì không phải nói nữa, bộ đồ sửa xe không biết ông mặc đã bao nhiêu năm, cũ xì, dơ dáy và hôi hám dễ sợ. Chủ sao vật vậy, cái xe van của ông cũng y như một thùng rác di động, đủ thứ hằm bà lằng từ đồ nghề đến những vật linh tinh khác. Có người còn cười bảo: “Cái xe của ông Thanh có bỏ ra đấy tụi trộm cắp cũng không thèm rớ vào”.
 
Việc đầu tiên trước khi sửa xe là chủ xe phải cho ông uống vài lon Heineken, việc này gần như luật bất thành văn, mọi người ai cũng biết như thế. Có uống vào ông mới chịu làm. Ông Thanh lúc nào cũng lè nhè, người vừa hôi hám vừa có mùi chua của bia. Có lần ông bị cảnh sát quây đèn và còng tay vì DUI, phải đóng tiền phạt cả ngàn đô, đi lấy rác ngoài công cộng 40 giờ và phải đi học luật trở lại… ấy vậy mà ông vẫn không sợ, chứng nào tật nấy. Người ta bảo: “Giang san dễ đổi bản tánh khó thay” thật chí lý lắm thay!
 
Năm 2000 có người mai mối cô Huệ cho ông Thanh, ông đồng ý liền vì thấy cô Huệ cũng khá đẹp, lại là gái quê miệt vườn thuộc vùng sâu vùng xa của Sóc Trăng. Phải công nhận Huệ đẹp chơn chất, thật thà và có phần quê mùa, đó là phẩm chất của người vùng sông nước. Ông Thanh chịu, đám cưới nhanh chóng diễn ra và mọi người khuyên ông bảo lãnh diện đính hôn sẽ nhanh hơn bảo lãnh diện vợ chồng. Điều này đúng vào thời điểm đó, những người bảo lãnh diện vợ chồng chờ đến bốn hoặc năm năm mới đến lượt phỏng vấn, trong khi diện đính hôn chỉ hơn một năm là đáo hạn, tuy nhiên bảo lãnh diện đính hôn thì khi qua Mỹ phải phỏng vấn lại, làm lại đám cưới…
 
Ông Thanh làm theo lời hướng dẫn của văn phòng luật sư, đứng ra bảo lãnh Huệ diện hôn phu hôn thê. Chỉ chừng năm rưỡi sau là Huệ đến được Mỹ. Khi bảo lãnh gặp phải trở ngại là ông Thanh không có income vì toàn làm và nhận tiền mặt. Thế rồi người bà con của ông đứng ra cosign cho ông Thanh. Đám cưới ông Thanh và Huệ diễn ra ở Sóc Trăng rất vui, ai cũng mừng cho hai vợ chồng. Ai cũng chúc Huệ sớm thoát khỏi cảnh đồng ruộng sình lầy để qua Mỹ hưởng sung sướng. Tuần trăng mật của Thanh và Huệ cũng đẹp như bao cặp vợ chồng mới cưới khác. Ông Thanh quay lại Mỹ sớm nên hai người chưa kịp nhận ra được những cái xấu của hai bên. Tình viễn dương quả thật đẹp và đầy mộng ước.
 
Ngày Huệ đến Atlanta, ông Thanh ra sân bay đón và đưa nàng về ngội nhà mà ông tạo dựng nên, mấy tuần đầu ông chìu vợ dữ lắm, quấn quýt bên vợ, không nhận bất cứ cuộc gọi sửa xe nào. Dĩ nhiên là Huệ cũng rất hạnh phúc, có thể nói là tuần trăng mật lần thứ hai, tuy nhiên trăng mật lần này nhanh chóng chuyển thành mật đắng. Bây giờ Huệ không còn mơ mộng nữa mà đối diện với thực tế trần trụi, con người ông Thanh như thế, khác xa với hình ảnh ông Thanh khi về Việt Nam cưới Huệ.
 
Khi Huệ có thẻ xanh, ông Thanh cất giữ chứ không chịu đưa cho Huệ. Ông Thanh không tập cho Huệ lái xe, hoàn toàn không có ý định này! Muốn đi đâu thì ông chở, ông chấp nhận đưa đón chứ không cho Huệ lái xe. Ông sợ mất Huệ, ông đã nghe được nhiều người nói chuyện những cô gái được chồng bảo lãnh qua Mỹ, hễ có thẻ xanh là lập tức bỏ chồng! Vì vậy ông cảnh giác cao độ, phần nữa bản tánh độc tài và ích kỷ, ông muốn Huệ phải lệ thuộc ông, chịu sự sai xử của ông.
 
Huệ thất vọng não nề, những tưởng qua Mỹ được hưởng cuộc sống sung sướng như người ta vẫn thường khoe. Huệ vỡ mộng, qua Mỹ ngày ngày vào nhà hàng làm quần quật ngày mười bốn tiếng đồng hồ. Huệ vỡ mộng vì ông Thanh, chồng Huệ không như những gì Huệ tưởng. Ông Thanh hiện thực dơ dáy, ích kỷ và tính toán thủ đoạn. Phần ông Thanh cũng không hài lòng về Huệ, Huệ không phải dễ bảo, dễ sai khiến như ông tưởng. Hai vợ chồng liên miên kình cãi, hết chiến tranh nóng rồi chiến tranh lạnh. Ông Thanh đi sửa xe cho người ta, đến đâu cũng ca cẩm, than vãn thậm chí chửi Huệ thế này thế kia.
 
Hôm nọ chiếc xe Van Request nhà ông Định chết máy. Ông Thanh được gọi đến, dĩ nhiên là ông Định cũng sẵn sàng mấy lon Heineken rồi. Ông Thanh quất hai lon và càm ràm:
 
- Con vợ tui nó làm biếng trời gầm anh ơi, Nó đi làm nhà hàng vậy mà tui toàn ăn mì gói. Nó chẳng nấu nướng món gì cho tui ăn, nhà cửa bầy hầy nó cũng chẳng dọn dẹp.
 
Ông Định cười:
 
- Cổ đi làm nhà hàng mười bốn tiếng một ngày thì còn sức đâu mà nấu nướng dọn dẹp nhà cửa? Vả lại một phần cũng tại chú, chú bầy hầy quá.
 
- Nhưng nó làm vợ thì ít ra nó cũng quán xuyến nhà cửa chứ! Tui có công bảo lãnh nó qua mà!
 
- Tui nghe người ta nói chú không chịu dạy cho con Huệ lái xe, sao vậy? Phải tập cho cổ lái xe chứ, rồi mua cái xe cũ cũ rẻ rẻ một chút cho cổ tự lái đi làm chứ hơi đâu ngày nào cũng đưa đón cho mệt!
 
- Không được đâu anh ơi, tui nhất định không tập cho nó lái xe, thà chịu khổ đưa đón cho nó lành.
 
Ông Định biết tâm địa của ông Thanh nhưng giả vờ không biết, ghẹo:
 
- Có phải chú sợ mất vợ?
 
Ông Thanh thật thà thú nhận:
 
- Đúng đó anh! Nhiều người bảo lãnh vợ qua Mỹ, chỉ một thời gian sau khi có thẻ xanh, biết lái xe là nó bỏ chồng theo trai liền! Nhất là những ông nào bảo lãnh vợ trẻ đẹp lại cho đi làm nails, tụi nó nhanh chóng nhập hội đua đòi và bỏ chồng. Thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy đó.
 
- Vậy chú định làm tài xế đưa rước suốt đời à?
 
- Ừ, thì tới đâu hay tới đó.
 
Huệ làm ở nhà hàng Buffet ngày mười bốn tiếng, tuy cực khổ nhưng chịu được vì bản chất Huệ vốn gái quê, chịu thương chịu khó, ngày xưa ở quê làm ruộng còn cực hơn mà lại không có tiền. Giờ làm nhà hàng tiền cũng tích lũy kha khá, lại ngày ngày không tốn tiền ăn. Ở nhà thì ngày nghỉ ông Thành chở đi chợ mua chút ít gì đấy cho nấu ăn trong ngày nghỉ.
 
Ông Định và ông Thanh tuy chênh lệch tuổi nhưng cả hai cũng là bạn, cùng đi lính quốc gia, cùng ở một địa phương, giờ ở xứ Mỹ lại gặp nhau nên thân nhau. Qua mối quan hệ của hai ông mà Huệ cũng quen và thân với bà vợ ông Định, bà hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Huệ, ngày Huệ không đi làm bà thường ghé qua chở Huệ đi chợ, đi mall… Huệ tâm sự với bà vợ ông Định:
 
- Con khổ lắm cô ơi, ông xã con ổng ghen dữ quá, ghen bóng ghen gió, đàn ông gì mà ghen còn hơn đàn bà. Hễ con nghe điện thoại là ổng nghe lén, con gọi phone về nhà là ổng theo dõi, tra hỏi, nghi ngờ. Việc gì ổng cũng tra gạn chi li từng tí một, thậm chí ổng nói trổng trơ về những người làm ở nhà hàng Buffet mà con có biết ai đâu. Hồi mới có thẻ xanh, ổng dấu chứ đâu có đưa cho con, đến khi điền đơn đi làm ổng mới chịu đưa ra. Ổng nhất định không tập cho con lái xe…
 
Những lời than vãn của Huệ bà Thu đã nghe người ta xì xầm nhiều rồi, bà cũng biết phần nào về ông Thanh như thế rồi. Bà thương con Huệ là vậy, với bản tánh chơn chất, thật thà, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam ngày trước. Bà khuyên Huệ:
 
- Thôi ráng chịu đi con, dù sao chú ấy cũng tốt, chú ấy thương con, sợ mất con nên mới ghen như vậy!
 
Huệ im lặng một lát rồi bộc bạch:
 
- Người gì đâu mà dơ dáy hôi rình, đã vậy lúc nào cũng nhè nhè bốc mùi bia rượu.
 
- Cái này thì chịu thôi, thói quen hình thành, bản chất khó thay, vả lại chú ấy sống độc thân gần hai mươi năm nên sống lùi xùi bầy hầy đã thành nết.
- Con lấy chồng Việt Kiều, qua Mỹ tưởng sướng như người ta đồn, nào ngờ khổ quá cô ơi!
 
- Ráng chịu đi con, phước phần và duyên số mỗi người khác nhau, chẳng ai giống ai, hơn nữa đừng tin mấy người nổ sảng. Ở bên này làm nhà hàng hay chà chân thấy mẹ luôn, vậy mà dzìa bển nổ banh nhà lồng, khoe khoang này nọ làm cho bao người hiểu lầm, thấy lệch lạc về cuộc sống ở Mỹ.
 
Bà Thu vợ ông Định là chỗ quen và gần gũi nhất với Huệ bây giờ, ngoài hai vợ chồng ông Định ra Huệ đâu có quen biết ai khác. Người bà con xa đã mai mối ông Thanh cho Huệ thì đã di chuyển theo con qua bang khác rồi. Ngoài sáu ngày làm quần quật ở nhà hàng, về đến nhà chỉ còn tắm rửa và đi ngủ. Ngày nghỉ thì đi chợ với bà Thu, đây cũng là chút thời gian thoải mái nhất của Huệ.
 
Cuộc sống ở nhà và đời sống vợ chồng của Huệ sao ảm đạm từ bao nhiêu năm nay. Ngày ngày đi làm về, nếu chưa ngủ thì Huệ lướt mạng xã hội xem người ta chửi nhau, khoe thân khoe của hay làm những chuyện xàm. Huệ tránh đụng mặt ông Thanh, xưng hô toàn ông với bà. Đêm nay cũng như mọi đêm khác, sau khi Huệ xuống xe bước vào nhà. Ông Thanh lầu bầu trong miệng:
 
- Làm nhà hàng mùi đồ ăn chiên xào bám vào đầy quần áo tóc tai, vậy mà trong nhà hổng có món gì để ăn.
 
Huệ đáp trả:
 
- Muốn ăn thì tự nấu mà ăn, tui cũng đi làm mười bốn tiếng một ngày, sức đâu nữa mà hầu! Ông nói tui người toàn mùi thức ăn nhà hàng, vậy ông thử nhìn lại thử xem, người đầy mùi dầu nhớt, quần áo dơ hầy.
 
- Vậy chứ tui bảo lãnh bà qua Mỹ để làm gì?
 
- Người ta bảo lãnh vợ qua Mỹ, cuộc sống sung sướng, đi làm, đi chơi, giao thiệp với mọi người. Tui chỉ có đi làm rồi về nhà, xe cũng không được tập để lái. Sống với ông cứ như tù nhân.
 
- Đàn bà gì hổng biết điều, tui lo cho hạnh phúc của gia đình, tụi sợ… lỡ có gì thì tan đàn sẻ nghé.
 
- Ông đừng có mà ngụy biện, ông ghen bóng ghen gió, ông ích kỷ.
 
- Tui bảo lãnh bà qua Mỹ tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc, vậy mà chẳng hưởng được chút gì ngọt ngào, toàn cay đắng.
- Tại ông, ông ghen quá, tính toán kỹ quá, vả lại hồi ông bảo lãnh nhờ có chú Định cosign chứ ông đâu có đủ điều kiện bảo lãnh. Qua Mỹ rồi bao nhiêu năm nay tui có biết gì về Mỹ đâu? Quanh năm ở trong xó nhà này, ngày ngày chui rúc trong nhà hàng Hibachi, cả tuần có được buổi đi chợ… Tui qua Mỹ hưởng được như thế sao? Ông nói thử tui sướng chỗ nào?
 
Ông Thanh nốc cạn chai Heineken, lắc đầu quầy quậy, ngồi thu lu trên sofa, vừa xem football vừa càm ràm:
 
- Thì qua Mỹ cũng phải làm ăn chứ không lẽ ngồi không? Ai mà hổng đi làm!
 
- Làm thì làm, nhưng người ta ngoài làm ra còn có cuộc sống. Tui chỉ có đi làm và ru rú trong nhà.
 
Cứ như thế, những cuộc cãi vã liên miên bất phân thắng bại, ai cũng có cái lý của mình. Hai người sống chung trong một nhà nhưng hai tư tưởng khác nhau, quan điểm khác nhau, lối sống khác nhau, chịu đựng lẫn nhau. Cả hai cùng khổ, cùng than vãn, cùng công kích nhau, kể xấu nhau nhưng còn may (hay là không may) vì chưa bỏ nhau? Cái duyên số chi mà lạ! Ở đời này thiên hạ chẳng ai giống ai, chẳng có cái khổ nào giống cái khổ nào.
 
Ông Thanh không bỏ vợ là chuyện dĩ nhiên, là chuyện phải thế! Nhưng Huệ không bỏ ông Thanh, chịu đựng ông Thanh mới là điều đáng nói. Huệ vẫn còn trẻ và đẹp, sau mấy năm ở trong bóng mát càng thêm trắng trẻo ra. Huệ giờ có tiền và đã biết nhiều thứ hơn khi mới qua Mỹ. Huệ không bỏ ông Thanh là cái phước của ông ấy, nếu Huệ bỏ ông ấy thì chẳng còn ai chịu lấy ông ấy! Nhiều người cứ xì xầm: “ Người ngợm như ông Thanh sao có thể sống chung được?”
 
Có lẽ Huệ là cô gái quê mùa, chịu thương chịu khó, chấc phác và nhẫn nhục...Huệ chấp nhận cái hoàn cảnh của mình. Huệ không đua đòi theo trào lưu xã hội, không có đòi hỏi nhiều về sắc dục. Căn bản là Huệ có tư cách, cô ấy vẫn thường nghĩ: “Dù gì thì ông Thanh cũng đã bảo lãnh mình qua Mỹ, đưa mình từ vùng sâu vùng xa đồng ruộng bùn lầy đến đất Mỹ”. Huệ làm nhà hàng cực khổ nhưng tích lũy cũng kha khá vốn liếng. Đồng tiền ấy, công sức quần quần quật ấy đượm mùi dầu mỡ chiên xào, cái mùi ấy bám vào người Huệ, dù có tắm gội mấy cũng vẫn còn nghe mùi.
 
Huệ có tiền để dành, có tiền gởi về Việt Nam giúp ba má và gia đình, điều này làm Huệ vui và cũng vì điều này mà Huệ chấp nhận đánh đổi tất cả. Huệ không được hạnh phúc cá nhân như ước mơ nhưng bù lại Huệ vui vì sống có ích, giúp đỡ được ba má, trả chút ơn nghĩa sinh thành. Huệ là cô gái nghèo ở vùng sâu vùng xa, qua Mỹ vẫn còn giữ được nét chân quê, tình nghĩa của người miền sông nước, sự chịu thương chịu khó của người miệt ruộng vườn. Huệ là cô gái khó thấy, khó tìm được ở trong thời buổi bây giờ.
Huệ và bà Thu xà quần trong chợ đồ cũ Goodwill cả mấy tiếng đồng hồ, lựa quần áo, mua những món lặt vặt linh tinh… Có lẽ đây là thú vui của hai người và cũng là thú vui của hầu hết những bà vợ, bà nội trợ ở vùng ngoại thành Ất Lăng này!

Có một lần chị Chi, người bạn quen thông qua bà Thu, cùng đi chợ đồ cũ. Chị ta buột miệng:
 
- Người như ổng (ông Thanh) sao em dám ngủ chung?
 
Không biết Huệ có buồn hay cố dấu nỗi buồn mà giọng tỉnh queo:
 
- Phòng ai nấy ngủ, từ lâu rồi em đâu có ngủ chung.
 
Chị Chi nói xong có lẽ thấy mình cũng vô duyên nên gỡ gạc:
 
- Nói thì nói vậy chứ “Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”
 
Càng gỡ lại càng hố hơn, Huệ thật thà:
 
- Quen gì nổi chị ơi! Ráng mà sống thôi, tình nghĩa mà!
  
Tiểu Lục Thần Phong 

Ý kiến bạn đọc
26/01/202501:49:27
Khách
Theo nhà Phật thì Giác Ngộ rất quan trọng, không phải ai cũng giác ngộ dễ dàng. Kinh Phật thì có kinh hữu tự cho nguời thuờng đọc, còn kinh vô tự là cho cấp bậc cao, phải có duyên hay công quả mới đọc đuợc và giác ngộ. Khi CS đánh chiếm miền Nam, không có kinh sách nào nói CS sẽ đánh tư sản, đổi tiền, bắt sĩ quan còng tay chen chúc nhốt xuống hầm tàu Sông Huơng đổ phân trên đầu đưa ra Bắc, lao động bỏ đói tù cải tạo hơn 10 năm, chỉ đuợc mua hàng nhà nuớc cho bán bao cap. Nguời ta chỉ thấy nhà hàng Soái Kình Lâm có bồi mặc áo trắng dọn bưa ăn cho nguời trình diện cải tạo. Sách vở về chủ nghĩa Cộng Sản rất ít, mà dân miền Nam vì nghiệp u mê nên không đọc, không tin vào phim Chúng Tôi Muốn Sống hay các nhân chứng vuợt tuyến miền Bắc vào Nam 1954. Giống như kinh vô tự không có sách vở về chánh sách CS, chỉ có một số nguời nhờ phúc đức giác ngộ thấy rõ đuợc CS nên tìm cách vuợt biên năm 1975 khi CS chưa kiểm soát đuợc miền Nam. Những bài viết của ông TG TLTP tuy có thuyết giảng Phật Pháp, nhưng đôi khi cũng như kinh vô tự, ai muốn hiểu sao cũng đuợc. Thích nhất là bài viết về con ngựa kéo xe bị che mắt hai bên của ông TLTP có ngụ ý về nghiệp bị bịt mắt của dân VN duới chế độ CS. Ai ở VN bị bịt mắt mà thấy CS hiện nguyên hình là đã đọc đuợc kinh vô tự. Dân Mỹ bị báo chí bưng bít kiểm duyệt về chiến tranh Trung Ðông mà thấy đuợc sự thật thì cũng đọc kinh vô tự tuy không có chữ nhưng rõ như ban ngày.
25/01/202519:07:20
Khách
Sĩ quan VNCH nhiều nguời đi từ cấp bậc binh nhì lên, có nguời đi lính thời Pháp lên sĩ quan nên không phải ai cũng có bằng cấp. Ði học SQ Thủ Ðức thì chỉ cần Tú tài I. Dĩ nhiên lại có nguời binh nhất mà xưng là Ðại Uý. Sĩ quan VNCH phần đông tốt nhưng cũng có nguời quá tệ như ông tự xưng là Ðại Uý này. Cái áo không làm nên thầy tu, cấp bậc không làm nên tư cách. Nguyễn Cao Kỳ là tuớng mà không có tư cách. Trong trại cải tạo, có những ông Trung Tá Ðại tá làm ăng ten nịnh bợ cán bộ trong khi đó mấy ông Thiếu Úy lại có tư cách đáng kính. Cấp chỉ huy cao cấp thiếu tư cách và khả năng một phần làm cho VNCH sập đổ, dù siêu cuờng như Hoa Kỳ đổ hàng trăm tỷ đô la cũng không cứu đuợc. Tác giả TLTP chỉ viết lại những gì ông nghe và thấy. Ông TLTP muốn nói lên cái duyên nợ của đôi vợ chồng, hai nguời mắc nợ nhau, thay vì ly dị cố gắng sống mà trả nợ. Chỉ khi nào trả hết nợ trong kiếp này thì mới giải thoát.
21/01/202506:50:57
Khách
Thanks Steven - tác giả - đã trả lời. Trừ trường hợp một thiểu số tác phẩm hoàn toàn trình bày sự thật (100%), có thể nói các nhân vật luôn là sản phẩm hư cấu, tổng hợp cá tính của nhiều hơn một người, đặc biệt nhân vật chính trong những tác phẩm đầu tay thường mang hình ảnh, tâm tư của chính tác giả - một vô thức mà nhiều tác giả cũng không nhận ra......... Nói về người lính Miền Nam, cấp sĩ quan phải có ít nhất trình độ Tú Tài toàn phần (TT II), được giáo dục đúng đắn mười mấy năm trong học đường và sau đó với kỷ luật sắt trong quân ngũ, thật không dễ tin được ông Thanh lại có thể tệ đến mức như được (bị thì đúng hơn) mô tả - từ tư cách đến chuyện nhỏ nhặt như vệ sinh cá nhân tối thiểu..... Nhà văn cũng là con người, đôi lúc chủ quan, sai sót, lầm lẫn hoặc nói quá cũng không có gì lạ. Can đảm nhìn nhận thay vì chụp mũ độc giả mới là người trưởng thành, chân thật.
20/01/202522:45:23
Khách
(Thời còn ở trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Thanh vốn là dân kỹ thuật nên rất rành về xe cộ máy móc,) Vậy ô Thanh này chắc là ở quân vận , quân cụ . Ông có phải là Đ/U hay không thì chỉ có Ô Định ban ông rõ, mà nhiều khi vì là bạn thân nên cũng bao che cho nhau. Tôi đã gặp năm 91 một Thượng sĩ KQ , sau thanh lọc ra tự do tự phong là Đ/U . Trung sĩ Y tá thành Trung tá Y sĩ là chuyện thường.
14/01/202523:54:13
Khách
Thật 100% kể cà lời thoại của nhân vật, rất tiếc các vị chụp mũ vô lý, các vị đọc mà không nhận biết thông điệp của bài viết!
13/01/202521:29:41
Khách
Đồng ý với ông Lộc. Hình ảnh ông Thanh, cựu đại ý VNCH, sao có thể dơ bân, và đầy tính xấu như vậy được. Xin tác giả TLTP lưu ý dùm.
13/01/202512:25:19
Khách
Tôi đồng ý với anh Lộc. Đại Uý quân lực VNCH sao lại có người như vậy ?
Một lần tôi đã bị chủ bút của một báo nổi tiếng chất vấn vì cũng dùng hình ảnh của một người lính VNCH vất vả vươn lên sau khi giải ngũ.
11/01/202518:23:05
Khách
Chuyện có những ông bảo lãnh vợ (trẻ) từ VN qua rồi hạn chế khả năng vợ bỏ cũng có nghe. Nói cho công bằng thì một phần cũng do có những cô thật sự chỉ muốn tấm vé rời bỏ "thiên đường" (địa ngục trần gian) VN, sau khi yên ổn ở xứ người thì thẳng tay "giã từ đêm mưa". Một vài anh khi ra phi trường đón để "đưa nàng dzề dinh" đứng ngẩn ngơ suốt buổi mà em vẫn như "bóng chim tăm cá", sau mới hay em đã sắp xếp sao đó để người khác "đưa em về quê hương (mới) ta đó" rồi, mà 1 trường hợp tôi biết có thật 100%. Riêng trong bài này xin hỏi tác giả TLTP (lâu nay tôi vẫn mến mộ văn chương, truyện của bạn), xuất thân của nhân vật chính là thật hay HƯ CẤU? Quân nhân (miền Nam) thường quen kỷ luật (sắt), quy củ, có tư cách, khác với tính chất mô tả của ông Thanh - mà đọc lên có cảm tưởng như bị bôi nhọ với sự thiếu thiện cảm. Hy vọng tác giả Thành Thật cho hay. Cảm ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,324
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến