Hôm nay,  

Ơn Em

07/03/202500:00:00(Xem: 4161)

TG Minh Thuy Thanh Noi

Hình tác giả VVNM Minh Thúy Thành Nội

 

Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thúy, sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải Vinh danh Tác giả 2023. Bài viết kỳ này kể về một người phụ nữ Việt tận tụy hy sinh cả một đời cho chồng con, gia đình từ thời gian khổ ở Việt Nam cho đến những bước gian nan tạo dựng cuộc sống mới nơi xứ người.

 

*** 

 

Tôi đến thăm chị Dung đang nằm bịnh. Anh Việt mở cửa đón tôi với bộ mặt hốc hác xanh xao tiều tụy. Nhìn chị nằm trên giường gần như bất động, tôi đè nén sự xúc động. Không ai ngờ vợ anh đang còn mạnh mẽ bất ngờ bị ung thư bướu trong não, chữa trị trong thời gian ngắn, nay đành bất lực.

 

Dầu biết luật đời gắn chặt Sinh Lão Bệnh Tử không ai tránh thoát. Nhưng có chia lìa là có đau buồn ngậm ngùi, nhất là với người phụ nữ có quá nhiều đức tánh tốt, người vợ tuyệt vời, người mẹ mà các con xem như thần tượng, người dâu được cả dòng họ nhà chồng khen ngợi, bạn bè thương mến.

 

Anh Việt mời tôi ra phòng khách uống nước. Ngoài trời đang mưa, bầu trời ủ ê, mây mù trắng xóa càng tăng thêm vẻ ảm đạm. Tôi thả dòng suy nghĩ theo những hạt lệ mưa đang rơi qua khung cửa sổ...

 

Tôi biết chị Dung từ lúc còn ở Việt Nam. Thời gian anh Việt đi “cải tạo”, ngày đêm chị phơi mặt với nắng la lết trước chợ Bà Chiểu bán thuốc vấn hơn bảy năm lam lũ, rồi xoay qua xe hủ tiếu. Cơ may sau đó có bà con chuyền nghề bán mặt hàng khác khá hơn. Ngày chồng về cùng nhau phụ bán buôn, tuy nguy hiểm nhờ trời cho phất lên như diều gặp gió. Nhưng anh chị vẫn tìm đường vượt biên vì nghĩ đến tương lai con trẻ, và vì không có niềm tin nơi quê hương mình đang ở, lòng canh cánh sợ một ngày nào bị đánh tư bản mại sản, công an có thể ập vào nhà bất cứ lúc nào không hay. Anh chị luôn đề phòng khi nghĩ đến lời Tổng Thống Thiệu “Đừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm”, như đã từng nghe “các anh học tập một tuần rồi sẽ được thả về”, và nhiều chuyện khác nữa. 

 

Đi vượt biên không thành, sau đó anh chị cũng qua Mỹ theo diện HO. Hai vợ chồng bắt tay vào đời sống mới ở Mỹ. Chị học tóc, anh học Smog Check, làm thời gian đầu lấy kinh nghiệm rồi mở tiệm. Bước đầu anh kể thật thà: khách bản xứ tới tiệm, anh nói tiếng Mỹ “ù ù cạc cạc”, họ đòi gặp manager, anh nói là tao, họ đòi gặp boss, anh nói ...cũng tao, họ cám ơn bảo sẽ trở lại, nhưng rồi... đi luôn. Vậy mà anh lại thành công hơn 30 năm trên đất Mỹ, bây giờ thuê người làm. Hai vợ chồng siêng năng cần cù nuôi sáu con ăn học đều tốt nghiệp bằng đại học và có công ăn việc làm ổn định.

 

Còn nhớ những ngày đầu chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhờ người bảo trợ thuê căn nhà hai phòng dạng apartment trong khu chung cư. Anh chị nhờ tôi hướng dẫn đi chợ. Tôi lựa dùm mấy vỉ gà, nhưng chị để xuống bảo” gà nằm trong bịch rẻ hơn em ơi”. Tôi tiếp tục bốc cà chua dùm, chị lại nói “chợ Food 4 Less gần nhà mình đang sale giá chỉ bằng 2/3 so ở đây, để chị đi bộ qua mua cũng được. Tôi cảm phục thầm, suy nghĩ: “Đời sống đang sung túc bên Việt Nam, vừa qua Mỹ biết chịu cực chịu khổ hà tiện, tính toán tiết kiệm lo xa, so với sự vụng về tính toán của tôi.”

 

Gia đình anh chị sống chung quanh bà con nhà chồng, mỗi lúc có đám giỗ mời hơn một trăm người chứa trong ngôi phòng apartment chật chội. Bụng mang bầu lớn, chị quơ tay nấu nhanh nhẹn các món mì vịt tiềm, soup, cá hấp, tôm rim ...v..v… mặt tươi vui chào đón bà con bên chồng, đến nỗi có ông cậu hơi lẫn lộn: “con giỏi dang, đảm đang biết kính nể bà con nhà chồng, rất xứng đáng là dâu họ Lê” (trong khi chị là dâu họ Nguyễn).

 

Dần dần anh chị mua được ngôi nhà, và việc mời mọc đám giỗ vẫn duy trì cho đến nay, chị lo liệu một mình vì dâu con đi làm cả. Lần nào dự đám giỗ ba má chồng chị, thức ăn bày ngập mấy bàn một tay chị nấu. Dâu con ở riêng đi làm về muộn, tới đứng hỏi “con làm gì bây giờ hở má?”, chị cười hiền hòa “các con chỉ việc ăn và sau đó dọn dẹp dùm má”. Giờ đây chị ở nhà giữ cháu nội, thương con chị còn lo nấu bới xách, hoặc cuối tuần nấu nồi phở, nồi bún gọi các con về ăn. Các con kể cả dâu rể rất quý chị, sinh nhật mời má ăn nhà hàng, nhưng chị không bao giờ để các con trả tiền. Mấy con trai gặp chị dù lớn vẫn ôm hôn má như đứa trẻ thơ. Nhiều khi tôi đến bắt gặp con trai đầu xay đủ thứ trái cây đem đến má uống, hỏi ra mới biết mỗi chiều đi làm về cháu đều làm công việc đó...

 

Anh Việt trở lại phòng khách sau khi chăm sóc chị Dung vài việc. Hai anh em cùng nhìn mưa, hình như trời mưa làm tăng thêm nỗi buồn, nỗi uẩn khúc mà lâu nay anh chưa từng nói...Giọng anh trầm xuống, anh kể như đang sống lại với quá khứ ...

 

Ngày xưa đời lính phiêu bạt nơi này chốn nọ, anh được thuyên chuyển đến Cần Thơ đóng quân. Những lần về thành phố thường ghé tiệm ăn ba má chị làm chủ. Gia đình chị thuộc diện giàu có, lúc đó chị ở tuổi thiếu nữ dậy thì đang đi học, anh là khách thường ghé ăn hủ tiểu lâu dần cũng quen mặt với chị Dung, rồi “phải lòng nhau”. Ba chị biết được cấm cản, ông nói “quen lính sớm trở thành góa bụa”. Chị vẫn lén lút hẹn hò đi chơi với anh, ông biết được càng cấm đoán nghiêm khắc dùng những biện pháp mạnh. Chị tức tối đòi tuyệt thực, rồi một hôm mù quáng dùng liều thuốc quyên sinh nhưng số còn lớn được cứu thoát.

 

Cuối cùng ba má chị phải bằng lòng gả con gái. Anh lại thuyên chuyển về Sài Gòn, dẫn vợ về ở ké nhà chị ruột của anh. Thời đó chị ruột cũng nghèo, nhà không có phòng ốc, chỉ che màn làm buồng ngủ. Lúc chị Dung sinh được hai cháu, có khi về ở chung trong căn cứ quân sự, đêm ngày bị pháo kích nhảy xuống hầm núp, chị nói “sống chết có nhau”.

 

Nhờ tài vén khéo dành dụm của chị, cuối cùng cũng tậu được căn nhà. Chị xoay sở buôn bán thêm. Đời lính rày đây mai đó, anh thuyên chuyển xuống căn cứ vùng xa nơi Long Khánh, lúc này chị không thể theo sát anh được vì bận buôn bán. Giai đoạn ấy thường có các nhóm nữ xuống căn cứ anh đóng để ủy lạo hoặc ban nhạc tâm lý chiến đến ca hát giúp vui. Anh bị vướng mắc một cô gái đẹp tên H thường xuyên xuống thăm và ở lại cùng anh. Tình cảm kéo dài được thời gian, cô đòi anh giải quyết để cô được làm vợ, anh thẳng thắn nói “ngay từ đầu anh đã cho H biết có gia đình với vợ bốn con, anh không thể bỏ vợ, chính H tự nguyện đến thì phải chấp nhận điều đó thôi”. Cô H đã cuồng loạn tự tử, bạn cô tìm đến nhà cho vợ anh hay tin. Chị biết hoàn cảnh gia đình cô ở tận miền Tây chẳng có ai, nên nuốt nước mắt vào thăm nuôi cô một tuần, cô H hồi tỉnh có vẻ cảm động mến chị, và hứa từ nay sẽ trả lại hạnh phúc cho gia đình chị. Anh về chị chỉ biết khóc nói một câu nhẹ nhàng “Em bỏ danh dự gia đình, bỏ cuộc sống giàu có và hy sinh cả mạng sống vì anh mà…” câu nói đã đâm vào tim anh sự nhói buốt và ray rứt ân hận đến bây giờ.

 

Tháng 4 năm 1975, Việt cộng tràn vào miền Nam, ngày tang thương của đất nước. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, thời điểm lộn xộn căn thẳng, cô H lại về nơi căn cứ Sư Đoàn. Tình hình đang nguy hiểm náo loạn, anh thay bộ lính mặc quần áo thường dân thúc giục cô H về gấp. Không thể dùng xe Jeep, anh lái chiếc Vespa chở cô H về Sài Gòn bị ngăn chận nhiều đoạn, cũng nhờ cô nói chuyện khéo được thoát nhiều lần. Chạy tới Quốc lộ 1(nay gọi là Cách Mạng Tháng 8), xác lính Nhảy Dù tự tử nằm chết giữa đường la liệt, ngang chợ Hòa Hưng anh thả cô H xuống và chạy về nhà. Tâm tư rối bời, tinh thần đang còn hoảng loạn thì hai hôm sau anh bị bắt đi “cải tạo”. Đầu óc chấn động nhục nhã chuyện mất nước, hối hận dày vò với vợ con, hãi hùng kết quả sự bê tha tình cảm của mình, anh như một cái xác không hồn chẳng còn tha thiết sống nữa. 

 

Anh Việt dừng lại có lẽ để ngăn chận sự xúc động. Hồi lâu lại kể tiếp. Anh bị tù ngoài Bắc vùng Lào Cai, vì ngành An Ninh nên đã từng bị nhốt xà lim suốt tuần nhiều lần sau màn tra tấn. Còn ngôn từ nào cho đủ để diễn tả những ngày gian khổ lưu đày. Lao động việc nặng, thức ăn thiếu thốn, người suy dinh dưỡng, lúc nào cũng thấy đói khát, thấy con vật nhỏ gì cũng bắt như sâu bọ, rắn rít, bóp mạnh cho chết dúi vào túi quần, chờ lúc vào nhà xí xẹt que xiêm vội vã, chẳng biết còn sống hay đã chín, bỏ vào miệng nhanh chóng vì sợ quản giáo phát hiện. Anh bị nhốt chung với tù hình sự, chúng là những thiếu niên đói quá ăn cắp củ mì, củ khoai bị bắt, nhưng được ra ngoài lao động như đi lấy củi về. Bạn bè chung trại ra đi cũng nhiều lớp vì bịnh hoạn, lớp đói rách suy dinh dưỡng yếu dần.

 

Lần đầu tiên chị ra thăm anh, mấy trăm người tù ngồi nhìn sững sờ số thực phẩm thăm nuôi. Không thể ngờ tưởng được, người ba vợ luôn ghét anh không thèm nhìn mặt, nay lại đi cùng con gái ra thăm anh. Thức ăn chất mấy bao bố thuê người khiêng phụ vào, chị kể nỗi đoạn trường lết bao nhiêu chặng đường vất vả mới đến được đây. Nhìn chị khác hẳn, tóc hớt cao, mặt mày đen đủi như con trai, chứng tỏ chị lăn lết ngoài chợ đời dữ lắm. Chị cố kể chuyện trên trời dưới đất để đè nén những giọt nước mắt khi nhìn anh tiều tụy. Ba vợ bắt tay anh, ánh mắt lộ vẻ biết thương yêu đứa rể lính Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày.

 

Tối đó bạn bè cũng được chia sẻ niềm vui chung. Anh dọn dẹp các thứ bới xách cho gọn thì thấy bộ áo Trây-Di, ai ngờ có mớ tiền trong túi, nhờ vậy anh thường nhờ tù hình sự đi lao động bên ngoài mua dùm thứ gì mình cần. Một lần bạn anh bị bệnh kiết lỵ, anh nhờ mua nếp, nấu lén trong lon sữa bò cho bạn ăn, không ngờ ăng-teng báo cáo cán bộ quản giáo, anh bị lôi nhốt vào xà lim một tuần, còng chân trong gian phòng tối om. Một chính sách cai quản tàn nhẫn độc ác không xem ai là con người, phải chăng họ chỉ muốn những người tù chết lần chết mòn khô xương nơi đó. Nếu không có vợ anh thăm nuôi nhiều lần có lẽ anh cũng khô máu đổ bệnh nặng, từng đêm anh đã ứa nước mắt vì thấy mình nhận cái ơn quá lớn của người vợ.

 

Giờ đây cuộc đời ba chìm bảy nổi đã qua, cũng giống như chị Dung khi ngồi ghế cao, lúc ngồi đòn thấp, xoay chuyển lăn lộn như trái banh. Nếu không có chị thì cuộc đời anh đã bỏ từ lâu, các con anh cũng không được như ngày hôm nay. Anh chỉ biết làm việc, chẳng để ý gì ngoài ba bữa cơm ăn, bao nhiêu tiền bạc cũng như việc sổ sách giấy tờ, cùng việc nhà chị đều quán xuyến hết. Chị động viên các con mua nhà bằng cách cho tiền “down” một số, mua thêm cơ sở khác cho thuê, sắp xếp vén khéo.

 

Anh không hề lái xe, đi đâu có chị làm tài xế, giờ đây anh cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Không biết có người vợ hiền nào chăm sóc chồng như chị đối với anh?!! Mỗi trưa chị bới cơm ra tiệm, hâm nóng để trên khay, bên cạnh món trái cây và cây tăm xỉa răng chu đáo, anh có muốn nói chữ cám ơn triệu lần cũng vẫn chưa đủ và luôn hổ thẹn một thời trăng hoa bay bướm làm chị khổ, đồng thời cũng không dám biết tin tức về cô H, vì nỗi dày vò đã làm hai người đàn bà trong tình yêu dám sống chết vì mình.

 

Tôi không biết nói gì hơn, lắng nghe câu chuyện với nỗi xúc động vô bờ. Chị sống như thế nào mà để người chồng thương quý tôn thờ, các con yêu mẹ, người người mến phục nể trọng. Còn nhớ hồi xưa nhiều người qua Mỹ trước anh chị Việt đã kể rằng: chú thím Việt tốt bụng rộng rãi lắm, bao nhiêu gia đình HO ngoài làng vào Sài Gòn chờ đi Mỹ, chú thím đều cho tá túc trong nhà, kể cả người không quen đi theo diện con lai, biết người cùng làng cũng mở lòng.

 

Mấy năm trước có người anh tên Hưng, anh chị Việt không quen, chỉ nghe qua người bạn thân giới thiệu. Biết được anh bạn này cũng là lính Việt Nam Cộng Hòa và ở tù còn lâu hơn anh, nay lại góa vợ, anh chị niềm nở chào đón và đưa đi nhà hàng đãi phủ phê nhiều lần mỗi khi anh Hưng qua chơi. Đây cũng là nét đẹp theo cách nhìn về Chân Thiện Mỹ để mọi người học theo những đức tánh tốt đáng ngưỡng mộ. 

 

Tôi muốn phá tan bầu không khí buồn bã, đùa với anh:

 

- Nãy giờ em ngồi lắng yên nghe anh trang trải nỗi lòng, vậy bây giờ anh trả tiền đi nhé

 

Anh cười gượng đứng lên vừa đi vào phòng chị vừa nói:

 

- Để anh vào xem chị một tí 

 

Tôi cũng có ý chào về nên muốn vào thăm chị lần nữa trước khi từ biệt. Chị vẫn mắt nhắm. Anh lấy khăn ướt lau nhẹ mặt chị, vừa lau vừa hát nho nhỏ giọng run run cố ru chị:

 

Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi. 

Ơn em dáng mộng mưa vời, theo ta lên núi, về đồi yêu thương. 

Tạ ơn em, tạ ơn em. 

Ơn em tình như mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi. 

Ơn em hồn sớm ngậm ngùi, kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. 

Tạ ơn em, tạ ơn em (*1) 

 

Tiếng anh nghẹn dần nhưng vẫn cố hát, tôi thấy nơi khóe mắt chị có dòng nước mắt trào ra, có lẽ chị vẫn còn biết nhưng không thể nói được nữa sau lần mổ đầu, các dây thần kinh đã lấp bộ dây nói, và những bộ phận khác. Chị không bị hành hạ bởi những cơn đau đớn vật vã, chị nằm yên như ngủ...

Chào ra về. Trên đường lái xe, tôi nghĩ mông lung “một đời người sống thật xứng, thật đẹp, sống xây dựng cho gia đình, góp phần an lành cho xã hội. Một tấm gương sáng để mình soi, để người chồng hồi tâm sống đúng, sống phải và bù đắp thương yêu với cái “Ơn” quá lớn đối với người vợ lính trong thời chiến tranh, người vợ nuôi chồng bị cộng sản giam tù dài năm.

 

Chị yên nghỉ nay mai...rồi ai cũng sẽ lần lượt ra đi, chỉ là kẻ trước người sau...

 

Tôi lái xe, đầu óc miên man nhớ từng chi tiết anh Việt vừa kể, anh nhắc không biết bao nhiêu lần về cái “Ơn sâu” mà cuộc đời anh đã may mắn gặp được chị. Tôi sẽ xa rời người chị rất quý, rất thương nay mai.

 

Nỗi buồn bao trùm, mắt hơi cay, mưa rơi ngoài trời, mưa rơi trong lòng... Tôi nhẩm lại lời mà hồi nãy anh Việt đã hát cho chị Dung nghe:

 

“Ơn em ngực ngải môi trầm, cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan. 

Ơn em hơi thoáng chỗ nằm, dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi. 

Tạ ơn em, tạ ơn em. ...” (*1)  

 

Chị Dung đã trút hơi thở cuối cùng ba ngày sau ... chị xứng đáng được vinh danh là người vợ “tù cải tạo“ đáng ca tụng. Chị ngủ yên, giấc ngủ nghìn thu...nguyện cầu hương hồn chị sớm được vãng sanh tịnh độ ... 

 

“Về đi lữ khách! đường xa lắm. Cát bụi sầu thương đã vướng nhiều. Thanh thản ngủ trong lòng Đạo cả. Cho hồn thơ ấu được nâng niu.” (*2)

 

(*1) “Ơn Em” nhạc Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê 

(*2) Thơ Sư Ông Thích Nhất Hạnh 

 

 

Minh Thúy Thành Nội

 

Ý kiến bạn đọc
28/03/202519:46:56
Khách
Cám ơn tác giả chia sẻ một bài viết. Cầu xin công Linh của Cô Dung sớm về cõi cực lạc Vĩnh hằng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,324
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến