Hôm nay,  

Lỗi Của Yêu Nhau…

01/04/202500:00:00(Xem: 2396)
TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021
Tác giả Phan (hàng trước, bên phải) trao giải Chung Kết VVNM 2018 cho TG Vĩnh Chánh
 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới của tác giả bàn vui về quan hệ vợ chồng trong các gia đình gốc Việt trên đất Mỹ.
 
***
 
Một người nói, “… Hồi cặp bồ, không biết chuyện đâu mà hai người có thể trò chuyện suốt ngày. Tạm biệt đã mặt trời lặn, về đến nhà đã trăng lên, nhưng chong đèn viết thư đến gà gáy sáng còn chưa đi ngủ. Sao bây giờ, nghe tiếng nhau đã chướng tai?”
 
Cả bàn cà phê sáng cuối tuần đồng thuận về việc vợ chồng càng già càng khó trò chuyện với nhau nhưng lại giỏi chuyện bé xé ra to. Ông bức xúc nói toạc móng heo ra cho rõ, “Hồi nhỏ gặp nhau trong trường, lớn hơn gặp nhau nơi làm việc cả ngày, nói hết chuyện trên trời dưới đất nhưng lời trái tim muốn nói lại không thốt ra được nên đêm về viết thư; viết cũng ta bà trang này sang trang khác mà ý chính vẫn không thành chữ được. Bởi thế mới có lời thơ, lời nhạc được nhiều người yêu thích “ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…” Tôi kiên nhẫn, kiên trì đến cuối cùng cũng hiểu là họ giả vờ, kẻ ngu đần không hiểu không ai khác là mình. Chỉ khác nhau khi không thích nữa thì tên con trai hô biến, nhưng con gái họ không như thế, vẫn giữ quan hệ như bạn bè vì chưa hết giá trị lợi dụng cho đến khi tên con trai tự hiểu, tự rút lui. Tôi thất bại bao tập nhiêu rồi mới biết thất bại toàn tập là gặp bà xã tôi…”
 
Người khác nói tiếp, “Thời trẻ thì ai chả thế, cứ thấy gái đẹp là quên cả lối về; ai mà biết về già, tôi đá con chó trong nhà cũng không được vì ‘…ông muốn đá thì cứ đá vào mặt tôi đây này. Con chó biết gì mà đá nó?’ Thử hỏi các ông, nó tè vào đôi giày của tôi mà không đáng đá cho nó một cái sao? Nhưng vợ già cứ hay suy bụng ta ra bụng người để chuyện bé xé ra to. Tôi cũng biết mình già, biết thói xấu của nhàn cư vi bất thiện, những chuyện nhỏ nhật thay vì cho qua thì bây giờ để bụng. Trên đời chỉ có một việc đúng là không cưới vợ nhưng đã muộn, trên đời mua cái gì cũng trả lại được trừ cưới vợ, nhưng trời sinh đàn ông có bản chất u mê thì chịu thôi.”
 
Người thở dài chia sẻ thấy chưa đủ nên mở lời, “Các ông có đồng ý là khi cưới hỏi nhau rồi, vợ chồng vẫn trò chuyện với nhau được, nhường nhịn nhau được là nhường nhịn trong mọi việc. Chồng có nói, con chó đẻ trứng dưới gầm cầu thang thì vợ cũng cười ‘… Anh ngốc của em, con chó có đời nào đẻ trứng. Đó là trứng gà’. Nếu vợ lỡ miệng thì chồng cũng cười xòa, chín bỏ làm mười thì lấy đâu ra cãi vã, suy bụng ta bụng người rồi vẽ rắn thêm chân mà thành chuyện bé xé ra to.

Nhưng vợ chồng trẻ theo thời gian một mặt rồi hai ba mặt con, chồng cày sứt trán mẻ đầu lo cơm áo gạo tiền đã oải, về nhà nghe con nhỏ eo óc, vợ cũng không kịp tay lo cho chúng bữa ăn, giấc ngủ thì ai không biết mệt, vợ cũng đâu ngoại lệ. Sang Mỹ đàn ông đỡ hơn lúc còn trong nước về tính gia trưởng, nhưng đột xuất thôi, không thường xuyên. Khiến người vợ cam chịu tới tức nước vỡ bờ là tất nhiên. Từ đó, lời hay ý đẹp trong nhà không cánh mà bay, tai ương vạ gió gì cũng thành chuyện để chất vấn, nặng nề hơn là đay nghiến, được nhìn nhau bằng đôi mắt buồn vời vợi đã là may mắn khi hai người vẫn trộm nhìn nhau nhưng với ánh mắt mang hình viên đạn. Còn đâu hứng thú để trò chuyện?”
 
Còn rất nhiều ý kiến về việc sao vợ chồng già đi ít nói chuyện với nhau như hồi còn trẻ? Có người cho là áp lực cuộc sống tạo nên khoảnh cách làm tình nhạt phai, nhưng khi con cái trưởng thành thì áp lực cuộc sống có giảm đi nhưng tình không biên giới nên tình đi luôn. Căn nhà rộn tiếng con nhỏ ngày thêm im vắng, là môi trường lý tưởng cho bất đồng nảy sinh. Khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo… Thay vì để ý để khen nhau như hồi trẻ thì về già người ta hay để mắt đến nhau để trách cứ mà nên chuyện. Tôi cố gắng kiệm lời để không sinh chuyện rồi lại hối hận, nhưng khó hơn lên trời vì vợ cứ cố ý gây chuyện, con giun xéo mãi cũng oằn, phản ứng là phản xạ tự nhiên, phải như vợ nhà hiểu được…”
 
Tôi nghe đầy tai rồi tràn tai bên đây sang tai bên kia không hết chuyện ‘phải như’ của mấy ông già, không biết các bà có hiểu ‘phải như’ của các bà không có tác dụng tích cực mà chỉ đẩy quan hệ vào bế tắc khi các bà thường vận lý, ‘phải như hồi đó… thì đâu có bây giờ.’ Chuyện ván đã đóng hòm có nhắc lại cũng làm tổn thương nhau thôi chứ ích gì. Việc chồng có lỗi đã qua, thay vì cho qua hay công nhận sự phục thiện để khích lệ thì cứ nhắc lại để nhiếc móc, hay vợ đã không đúng một việc gì, thay vì khuyên nhủ quên đi thì chồng cứ lải nhải như chó tha tã thì ai mà chịu được…
 
May sao tới khúc chuyện vui, chuyện ông ăn chả bà ăn nem cũng nói luôn ra được. “Ngày nào cũng ăn cơm thì tâm lý đương nhiên là thèm phở. Nhà thơ Nguyên Nhi lúc sinh tiền có tâm sự, ‘vợ là mì gói của ta/ là hàng đặc sản của thằng cha láng giềng’. Khi đói bụng đến không ngủ được người ta mới biết giá trị của gói mì gói đêm khuya. Người đi xe đạp thèm được chiếc xe máy để khỏi đạp, nhưng người đi xe máy lại thèm xe hơi để không sợ mưa nắng, người đi xe hơi thèm có chiếc máy bay riêng… không hoa hậu, hoa khôi thì cũng đừng giống chiếc máy bay đầm già ở nhà, gầm rú đinh tai nhức óc sáng chiều thì ai chịu nổi…”
 
Có người nói về tâm lý đàn ông có mới nới cũ cũng đâu có gì lạ, gặp người thêm tính cả thèm chóng chán càng nguội lạnh vợ chồng. Kẻ cơm nhà quà vợ cũng thèm phở như ai, nhưng sợ ăn phở ói ra máu nên cam chịu. Nhưng công tâm nhìn lại khi vợ mới cưới đi đâu về trễ là chồng lo lắng ra mặt, đi tới đi lui tới chịu hết nổi thì xách xe đi tìm. Nhưng được bao lâu thì lộ nguyên hình, hết sốt sắng cuối tuần đưa vợ con về thăm ngoại, vợ có dắt con về thăm ngoại, nói ngày mai em với con mới về nha anh. Nhưng chiều đã thấy vợ con về tới nhà. Tôi không biết các ông có hỏi, ‘bên ngoại có chuyện gì mà mẹ con em về sớm vậy?’ Còn tôi, cái miệng hại cái thân nên tự nói ra, ‘Ôi ngày vui chóng tàn…’ Có khi vợ lờ đi như không nghe thấy, có khi nghe lời tên chồng khùng khùng điên điên thì hơi đâu trả lời, nhưng có khi vợ cũng đang điên tiết chuyện bên gia đình ngoại nên không khoan nhượng, ‘… Anh muốn sống một mình thì ra đường ở cho vừa ý anh, không cần phải nói xa nói gần.’ Dĩ nhiên là tôi bác bỏ mọi cáo buộc trước khi rời đi. Đi uống ly cà phê quán Mỹ cho khỏi gặp người quen, nhng ngồi ngắm chân dài không no bụng nên đi ăn tô phở cho chắc vì cơm tối coi như mình tự làm đổ mất rồi.
 
Nói chung là vợ hay chồng đều tiếc cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, anh bị đứt tay thì em làm như đổ ruột, băng bó thằng lớn vỗ về thằng nhỏ thâu đêm. Rồi khi cơm không lành canh không ngọt thì anh bị đổ ruột, em coi như đứt tay thôi đó mà. Em còn nhiều việc phải lo, anh tự lo cho anh chút được không? Thử hỏi anh chồng nào ngủ được với nỗi lòng đã âm ỉ từ thời Eva gạt Adam nói là ‘vui thôi đó mà’, đâu có nói cô ấy có thể đẻ ra tám tỷ con người rắc rối hiện nay. Trời sinh ra đàn bà càng đẹp càng trở mặt như trở bánh tráng. Xưa, anh nói sao em làm vậy. Bây giờ anh nói gì cũng bậy thì em làm sao… Thôi em làm theo ý em.
 
Bạn bè dạy tôi: khi đất không chịu trời thì trời cũng phải chịu đất cho khỏi long trời lở đất, ảnh hưởng bầy đàn. Nhưng khi sống khẩu phục mà tâm không phục thì biệt thự cũng là trại giam, mà ở trại giam thì ngoài tù nhân chỉ có quản giáo. Quản giáo học một sách ở trường đào tạo quản giáo do bà ngoại phụ trách, nhưng quản giáo có lòng độ lượng, từ bi đã tuyệt chủng. Quản giáo tân thời móng vuốt ngũ sắc, mỏ nhọn lưỡi tắc kè, nói một nó cãi mười còn doạ gọi cảnh sát…”
 …
 Người ta nói, “hai người đàn bà với một con vịt là một cái chợ”, nhưng chưa nghe ai nói mấy khựa dàn ông bất luận là già hay trẻ với cái bàn cà phê là một cái siêu thị, là trung tâm nói xấu đàn bà. Dù sao cũng có ý kiến, câu chuyện đáng suy ngẫm từ một ông ít nói dù không có gì bảo đảm là ông ấy nói đúng. Ông ấy chỉ trình bày: “Vợ chồng tôi ít nói chuyện với nhau từ khi con cái lớn, các ông ạ! Tôi quan niệm có sống ở Mỹ thì mình vẫn là người Việt nên hướng con cái sống theo quan niệm của tôi là không lãng phí. Tôi quan niệm tằn tiện chứ không hà tiện, bần tiện. Nhưng sau lưng con, vợ tôi trách: ‘Tụi nó lớn lên bên đây, đứa thì sinh đẻ bên đây mà anh cứ bắt tụi nó sống như anh thời bao cấp trong nước thì làm sao được?’ Tôi đã hiểu vợ tôi muốn vui lòng con cái chứ không phải ra mặt chống đối lão gia.
 
Tình nghĩa vợ chồng vẫn trước sao sau vậy nhưng uốn khúc tre già này theo ý vợ là bất khả thi. Từ đó tình loãng theo những việc nhỏ nhưng tích tụ thành lớn như con mua đôi giày cả trăm bạc, về mang một hai lần đã hết thích thì bỏ. Tôi đâu có bốn chân để mang hết giày con tôi bỏ khi còn mới nguyên, nhưng khuyên bảo chúng đừng hoang phí thì vợ tôi đã không còn là đồng minh của tôi. Bà ấy chấp nhận lối sống hoang phí của con cái; chấp nhận lối sống Mỹ của con cái là xài trước trả sau bằng biện luận với tôi để bênh con: ‘Chả là anh mua nhà, mua xe cũng xài trước trả sau đó sao?’
 
Khi người phối ngẫu đã ra lời ngụy biện với bạn thì có còn là vợ chồng? Đâu phải bà ấy không hiểu đó là những tài sản đắt tiền, lớn tiền thì tôi đành chịu cho nhà băng ăn tiền lời nhà suốt ba mươi năm, tiền lời xe suốt năm sáu năm. Tôi không chấp nhận việc con cái đã có cả chục đôi giày, nhiều đôi chưa xỏ chân lần nào thì hà cớ gì phải cà thẻ mua thêm đôi giày cho bằng chị bằng em. Rồi cuối tháng trả không hết thẻ thì phải chịu tiền lời của thẻ tín dụng, mà tiền lời thẻ nhựa thì đâu có cái nào dưới 18 phần trăm.
 
Chính cách chọn lối sống làm vợ chồng không còn đồng thuận với nhau được, nặng thì tạo ra cãi vã, nhẹ thì bớt nói chuyện vì trò chuyện gì được với người không cùng quan điểm, quan niệm. Tôi không nói câu phân biệt đã có từ xưa là “con hư tại mẹ” thì tôi không vui được với cách này hay cách khác vợ tôi cũng giúp con trả nợ thẻ. Xong rồi đâu phải nó thất kinh với tiền lời thẻ nhựa mà tiếp tục dễ hơn lần trước nữa vì có mẹ chống lưng.
 
Tóm lại vợ chồng già có điều chán nhất là vẫn sống bên nhau nhưng sống như âm dương cách biệt từ bao giờ đến không muốn nói cũng chẳng muốn nghe, chỉ có sự im lặng là tử tế đích thực, nhưng im lặng là sự phản kháng làm người ta khó chịu nhất mà thành chuyện…”
 …
 Không biết tôi có nghe nhầm không về chuyện ‘cuộc chiến xe Tesla’ của một ông bạn kể ra cho bạn bè nghe… Ông có người bạn gọi trước đến thăm ông, sẵn khoe chiếc xe Tesla mà con họ mới mua cho vợ chồng họ. Ông đón bạn tận ngoài đường để xem xe mới cho bạn vui. Ông kết luận một câu về xe mới vừa đủ… ‘Xe đẹp và hiện đại hơn tôi nghĩ nhiều.’
 
Vừa lúc con trai ông về đến nhà, anh ta cũng khen cái xe mới của bạn cha tương tự như cha anh khen. Ba tháng sau là sinh nhật ông vừa tròn bảy mươi lăm tuổi, người con trai tặng cha một chiếc Tesla mới tinh… Cuộc chiến Tesla bắt đầu nổ ra.
 
Ông dứt khoát không nhận cái xe Tesla vì không có nhu cầu, ít ai hiểu ông thương con trai dù ăn lương kỹ sư nhưng đang trả nợ căn nhà với hai cái xe cả triệu bạc, vợ không đi làm hãng mà chỉ đi làm từ thiện, làm công quả ngoài chùa thì con trai ông khó có tuổi thọ như ông. Con trai ông là người con có hiếu nhưng anh ta cũng có tật lớn hơn tuổi là tật sĩ diện! Con bạn của cha mua Tesla cho cha anh ta thì anh cũng mua được Tesla cho cha anh.
 
Vấn đề làm mất hòa khí của ông với con trai nên cô con gái ra tay. Cô nói sao làm vậy, “Bây giờ ba không lấy xe, trả lại đại lý lỗ mười ngàn, vậy con lấy cho khỏi lỗ tiền của anh Hai con. Chiếc xe con đang lái, vừa trả hết tiền xe sẽ cho ba, xe của ba cho con của con, nó tới tuổi lái xe rồi. Vậy là ổn hết…” Cô nói rồi làm đúng như cô nói, tưởng không mếch lòng chị dâu vì chị dâu đi làm từ thiện, công quả không lương nhưng vẫn lái xe BMW mới toanh. Cô hoàn toàn không ngờ là đụng với mẹ đẻ ra cô. Bà muốn cái xe Tesla mà không ai hiểu để làm gì vì đã chục năm hơn bà không lái xe, bà đi đâu, đi chợ, đi chùa, đi chơi… hoàn toàn ông chở bà đi. Cái xe bà mới hơn hai mươi ngàn dặm mà đã trùm mền mười mấy năm, ông quyết dịnh bán đi cho rộng garage. Nay bà muốn cái xe Tesla bảy tám chục ngàn để lại trùm mền trong garage hay sao?
 
Bà muốn không được thì giận chồng con, bỏ nhà đi. Bà về sống với người em gái của bà dưới Houston, chỉ liên lạc điện thoại với con dâu cả của bà… là người xúi mẹ chồng lấy lại chiếc Tesla bởi chồng cô ra tiền mua. Cô em chồng nói ngon miệng vậy nhưng đâu biết có trả lại tiền cho anh Hai không? Nam mô A di đà Phật, cô là người đi làm từ thiện, làm công quả, nhưng cô có biết cô đã quậy cho banh nhà chồng. Cô có biết thương người cha chồng, không còn người nấu cơm cho ăn hằng ngày nên bảy mươi lăm tuồi rồi còn tự đi chợ về nấu sao ăn vậy, không biết xài máy giặt thì gọi cháu ngoại tới chỉ ông…
 
Ôi cuộc đời, bảy mươi chưa gọi là lành nên bảy mươi lăm vẫn xảy ra xung đột nội bộ. Tình nghĩa vợ chồng nửa thế kỷ vẫn tồn tại một ngàn lẻ một lý do để xa nhau từ đồng sàng dị mộng tới xung đột lợi ích, bất đồng quan điểm, bất mãn đối xử, bất hoà giao tiếp… Cái lỗi của nói nhiều hồi trẻ yêu nhau là về già không còn gì để nói khi đúng với người nghe bây giờ không còn là lý cũng chẳng phải tình mà đúng là đúng ý người nghe. Người nói trái ý người nghe là hỏng bét. Ông có hiểu không? Bà có hiểu không? Không hiểu thì ông đi đường ông tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi…
 
Phan
     
   

Ý kiến bạn đọc
09/04/202514:29:26
Khách
Rat' hay!Cam' on tac' gia~.
08/04/202522:25:40
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
02/04/202515:32:32
Khách
Thời chiến tranh VN, trừ mấy ông sĩ quan cao cấp những nguời đàn ông khoác áo chiến y sau 1955 chịu thiệt thòi nhiều nhất. Sau 1973, nhiều đơn vị hành quân 24/7 chịu pháo ngày đêm, ăn ngủ duới hố cá nhân, trời mưa thì cũng phải bị ngập nuớc áo quần giày vớ 3 ngày chưa khô trong khi đó phụ nữ duợc ăn ngủ ở nhà. Nhiều nguời chết non truớc 20 tuổi. Ðến sau 1975 thì sĩ quan bị giam tù khổ sai bị bỏ đói, nặng là 10 đến 17 năm, hết hạn tù về là bị công an bắt đi làm lao động không luơng, mỗi ngày phải khai báo. Nữ sĩ quan đi cải tạo chỉ vài năm. Ði vuợt biên bị bắt là đan ông vào tù 1, 2 năm, đàn bà trẻ em chỉ giam vài ngày là trả về. Nhưng nhờ văn hoá VN các ông lấy vợ là vua trong nhà, nhất là các ông lấy vợ xứ Huế còn giữ truyền thống nho giáo hoàng cung.
Tuy nhiên nhờ viện trợ Mỹ hào phóng đi lính miền Nam ăn uống thoải mái không bị đói như lính miền Bắc. Ngoài đồng luơng tiện tặn đủ nuôi vợ con, Mỹ còn cho thực phẩm phụ trội như gạo sấy, đồ hộp, thịt cá hộp. Nhiều đơn vị tác chiến còn đuợc cấp chỉ huy thả ruợu xuống mặt trận thuởng chiến công. Bắn đuợc 1 tăng là đuợc 20 ngàn đồng (1 luợng vàng 1975). Hồi đi chiến dịch năm 1972, 1973 SVSQ còn đuợc huởng công tác phí do Mỹ trả thêm $200/ngày (1 dĩa cơm suờn). Tuy chánh sách Mỹ có sai lầm nhưng có đồng minh là Mỹ yểm trợ mạnh truớc 1973 quân VNCH suớng hơn quân đội các nuớc Á châu.
Qua đến Mỹ thì các ông cựu sĩ quan có vợ ngày xưa vẫn giữ nề nếp gia đình. Còn những ông sau này lấy vợ thế hệ mới thì khi xung đột mà vợ gọi cảnh sát thì vào tù. Nhất vợ, nhì con, ba là con chó, ông chồng đứng thứ tư. Ðá con chó hàng xóm thấy đuợc gọi cảnh sát là ra toà. Qua Mỹ đuợc cái này mất cái kia. Mấy ông đại gia ở VN suớng hơn mấy ông bên Mỹ vì có tài xế, nguời làm không phải thay phiên rửa chén, hút bụi, nấu ăn, chuì toilet như mấy ông bên Mỹ. Chỉ có vào duỡng lão nursing home mới có đuợc nguời làm cho mình, mà không ai muốn cả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,298
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến