Hôm nay,  

Tam Đại Đồng Đường

15/04/202520:51:00(Xem: 1464)
Tác giả Duy Nhân và phu nhân trong buổi lễ phát giải VVNM 2023
TG Duy Nhân cùng phu nhân trong Lễ Trao Giải VVNM 2023
 
Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Tác giả nay đã 80 tuổi, về hưu từ nhiều năm qua. Ông mới bay về Cali lãnh giải Danh Dự VVNM 2023. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả kể chuyện gia đình ông bà, cha mẹ và con cháu cùng sống chung "Tam Đại Đồng Đường" với nhiều vui buồn trăn trở từ khác biệt giữa các thế hệ.
 
***
 
Ba thế hệ gồm có ông bà, cha mẹ và các cháu nội, ngoại cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà là chuyện bình thường, cũng có thể xem là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng phần nào nền văn hóa Trung Hoa từ phương Bắc hơn ngàn năm trước. Tên gọi bằng chữ Hán Việt TAM ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG nói lên được ý nghĩa cùng sự trân quý của giá trị truyền thống gia đình Việt Nam. Đó là sự đoàn kết, gắn bó các thành viên trong cùng một gia đình với nhau.
 
Sau biến cố ngày 30/04/1975, nhiều gia đình Việt Nam rơi vào cảnh tan đàn, xẻ nghé, trôi dạt khắp nơi trên thế giới, hình thành những cộng đồng người Việt ở từng quốc gia khác nhau. mà lớn nhất là cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi tôi đang sống. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025 là tròn 50 năm. Nửa thế kỷ trôi qua tưởng chừng như là giấc mộng. Nghĩ gì đây và làm gì đây để đánh dấu 50 năm ngày mà có “cả triệu người vui thì cũng có cả triệu người buồn”?
 
Nói về niềm vui và nỗi buồn của cả triệu người thì lớn quá. Rốt cuộc lại phải trở về với niềm vui và nỗi buồn của chính gia đình cá nhân tác giả nhân ngày đứa con trai vừa có nhà mới và cùng vợ con nó dắt nhau rời khỏi gia đình ba mẹ, kết thúc tình trạng “tam đại đồng đường” sau mười mấy năm gắn bó, để lại hai “con khỉ già” quạnh hiu trong căn nhà trống trải, không biết phải làm gì mỗi ngày ngoài việc đếm từng chiếc lá rụng bên thềm cho hết thời gian! Đó là cảm giác hụt hẫng ban đầu cho dầu đã biết trước cái ngày này trước sau gì nó cũng sẽ đến.
 
Lúc nhỏ vì phải di chuyển nhà nhiều lần nên lớn lên đi học trễ. Tốt nghiệp đại học Luật Khoa Sài gòn, làm việc không được bao lâu lại phải nhập ngũ theo lệnh tổng động viên vào Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.
 
Sau biến cố 30/4/1975 lại phải đi “học tập” theo lệnh nhà cầm quyền mới, đến cuối năm 1977 mới được “tha” về và cưới vợ năm 1978, sinh được hai con, một gái, một trai. Đến chừng được sang tới Mỹ thì tôi đã năm mươi bốn tuổi rồi, đứa gái lớn mười tám, vào học college, em nó mười bốn tuổi, học lớp 10, trung học. Còn tôi và bà xã thì vừa ghi danh học college cùng với con gái, vừa đi làm nuôi con. Mọi chuyện đối với tôi đều rất trễ tràng và vô cùng vất vả!
 
Niềm vui lớn nhất của tôi chính là việc lo cho con ăn học đàng hoàng, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, có việc làm tử tế. Đứa con gái là kỹ sư điện toán, con trai có bằng Master toán học. Hai đứa đều chọn nghề dạy học, lương không cao nhưng cuộc sống an nhàn, ổn định, không phải bon chen, vất vả nhiều như ba mẹ. Điều đáng nói ở đây là con tôi đứa nào cũng hiền lành, chân thật, biết kính trên, nhường dưới, lễ phép với người lớn tuổi nên ai cũng khen. Tôi cũng tự hào vì chúng biết gìn giữ truyền thống gia đình, truyền thống của người miền Nam. Nhiều trẻ con ở đây thấy người lớn chỉ biết đưa con mắt ngó mà không một lời chào hỏi. Có lẽ ở trường không có môn đức dục và công dân giáo dục như ở Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
 
Khi con cái có chồng, có vợ, yên bề gia thất thì cha mẹ nào cũng vui mừng và xem như đã làm xong nhiệm vụ, riêng tôi thì khác. Con gái tôi khi lập gia đình thì theo chồng, hai đứa mua nhà ở riêng, không phải làm dâu nhà chồng, cũng là điều tốt. Vậy mà khi chúng sanh đứa con đầu lòng, Brandon được vài tháng thì ngày nào tôi cũng lái xe đến nhà giữ con cho chúng đi làm tối mịt mới về, lúc đó tôi mới về nhà thì tay chân cũng mệt mỏi, rã rời. Có người thắc mắc tại sao chúng không đem con đến nhà cho tôi giữ mà tôi phải đến nhà giữ con cho chúng như là ô sin vậy, mà là ô sin không công nữa!
 
Tôi vì thương con, thương cháu nên im lặng, không nói gì. Khi Brandon đến tuổi đi học thì cũng tôi là người đưa rước nó. Brandon thay đổi trường ba bốn lần, tôi phải chạy theo muốn hụt hơi. Em của Brandon là Allison nhỏ hơn anh nó một tuổi, lúc nhỏ thì bà nội giữ. Đến tuổi đi nhà trẻ thì tôi lại tiếp tục đưa rước nó. Lúc thì hai đứa học cùng trường, lúc thì học khác trường. Lúc này phải tăng cường thêm bà ngoại. Tôi lái xe đến trường đậu ngoài đường, bà ngoại thì nắm tay cháu dẫn vào lớp học, giao tận tay cô giáo. Canh đến giờ thì tôi và bà ngoại đi đón cháu về, cho cháu ăn uống xong thì chở cháu về nhà ba mẹ nó ở thành phố Lincolnwood, cách nhà tôi độ hai mươi phút lái xe, dỗ cho nó ngủ. Khoảng ba giờ chiều thì tôi lại phải ra trước nhà canh chừng chiếc xe bus màu vàng đến thả Brandon xuống để tôi rước nó vô nhà theo đúng quy định của nhà trường. Đến bây giờ thì Brandon đã mười bảy tuổi, năm sau thì vào đại học. Thời gian qua nhanh quá!
 
Trường hợp con trai tôi thì khác. Từ khi qua Mỹ đến giờ nó vẫn ở chung nhà với vợ chồng tôi tổng cộng hai mươi tám năm, từ lúc nó mới học lớp 9 trung học cho đến khi  ra trường đi dạy đại học, rồi cưới vợ, sanh cho tôi hai đứa cháu nội. Ngày 2/3/2025 con trai tôi dọn ra riêng, để lại trong tôi một sự hụt hẫng, trống vắng với nhiều tâm trạng khác nhau mà lần đầu tiên tôi mới trải nghiệm ở tuổi tám mươi hai: Vừa mừng vừa lo và vui, buồn lẫn lộn.
 
Mừng vì con tôi đã trưởng thành, không còn dựa vào cha mẹ nữa mà ra đời, tự lập để từ đó vươn lên, xây dựng hạnh phúc gia đình, hướng đến tương lai. Lo vì con trai tôi mặc dầu đã bốn mươi hai tuổi nhưng rất hiền lành và thật thà, nhiều lúc rất ngây thơ mặc dầu đã đi dạy ở đại học cả chục năm rồi. Vậy thì điều gì sẽ chờ đợi nó trên bước đường sắp tới? Có lẽ điều tôi ái ngại và lo hơn hết là hai đứa cháu nội tôi: Một đứa năm tuổi, một đứa mới ba tuổi! Thiếu sự dòm ngó, chăm sóc của ông bà nội thì chúng sẽ ra sao, từ miếng ăn đến giấc ngủ cho đến việc chơi bời, đùa giỡn với nhau rất mạnh bạo, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Điều quan trọng nhất là khi xa ông bà nội thì chúng không còn cơ hội để luyện tập và nói tiếng Việt, vì ba mẹ chúng nói chuyện với chúng thì sử dụng tiếng Anh nhiều hơn. Lâu dần chúng sẽ quên tiếng Việt đi, là một thiệt thòi và mất mát lớn, không gì bù đắp được.                                  
Con dâu tôi người Huế. Năm 2013, tôi về Việt Nam làm đám cưới cho con trai tôi, một năm sau thì chồng nó bảo lãnh qua Mỹ sống cùng vợ chồng tôi cho tới hôm nay. Sự khác biệt về quan điểm, lối sống, cách thể hiện, văn hóa vùng miền cũng là một vấn đề cần quan tâm trong việc hội nhập với một gia đình mới và một xã hội hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa khác biệt.
 
Để chuẩn bị cho con dâu tương lai, ngay khi nó còn ở Việt Nam tôi đã chọn lọc, gửi về cho biết bao là bài viết, tài liệu cần biết về nước Mỹ, những câu chuyện ở xứ người nhưng có tính nhân văn về cho nó đọc. Con dâu tôi vừa thông minh vừa khéo léo nên đã tiếp thu, hội nhập và tiến bộ rất nhanh, không kể bước đầu cũng có những trục trặc và va chạm nhỏ.
 
Ngày con dâu mới về nhà chồng tôi mở Youtube cho nó nghe bài vọng cổ Mẹ Dạy Con do Út Bạch Lan hát. Ý tôi muốn cho nó có dịp so sánh kiểu làm dâu thời phong kiến, trong lời bài hát  “làm dâu khổ lắm con ơi, vui chẳng dám cười mà buồn thì chăng có dám than” với cách làm dâu thời bây giờ, với bà mẹ chồng mà nó sẽ sống chung. Đồng thời tôi muốn nó tìm thấy trong những lời lẽ thiết tha của người mẹ dạy con trước khi về nhà chồng những điều tích cực và khôn khéo trong cách đối xử với gia đình nhà chồng, với anh chị em bên chồng, trong hoàn cảnh “ nhập gia thì tùy tục”.
 
Tôi là người cha chồng dạy cho con dâu học lái xe, tôi cũng là người chở nó đi học hàng ngày ở trường College Truman. Lúc nào tôi cũng coi trọng việc học hành, tạo điều kiện và khuyến khích con cháu học hành. Nhưng được một thời gian thì con dâu tôi nghỉ học để đi làm neo (nail). Tôn trọng sự lựa chọn của con nên tôi không nói gì. Có điều làm tôi bất ngờ và hơi bị sốc khi nghe nó nói “học cho đến khi làm bác sĩ thì cũng đi làm công cho người ta thôi”. Tôi thì không quan trọng lắm cái việc làm công hay làm chủ, miễn sao làm tốt công việc của mình là được. Làm chủ có thể kiếm được nhiều tiền nhưng chắc chắn phải trả cái giá đắt hơn. Làm công thì an nhàn hơn, đỡ lo lắng và nhức đầu hơn làm chủ.
 
Thực tế ở Mỹ người ta không có kỳ thị và phân biệt giữa chủ và người làm công. Một ô sin hàng ngày vẫn mặc đồ đẹp, lái xe đến nhà chủ làm việc trong thời gian nhất định, xong việc trên đường lái xe về nhà thì ghé vào một nhà hàng quen thuộc ăn những món mà mình ưa thích. Ông chủ cũng chỉ đến thế là cùng. Tôi coi trọng việc học không phải vì là cơ hội để kiếm được nhiều tiền mà vì đó là nền tảng và giá trị tinh thần mà nó mang lại là vô cùng to lớn.
Bà xã tôi cũng có một đôi điều không đồng ý với con dâu trong chuyện bếp núc nhưng không nói với nó mà tâm sự với tôi. Tôi nghe nhưng cũng không nói gì vì đó là chuyện nhỏ. Sống cùng con dâu trên mười năm mà bà xã tôi chưa có một lần trực tiếp than phiền gì về con dâu, với con ruột cũng vậy, bà hiền lành hết chỗ nói, nhiều lúc tôi cũng bực mình về việc này. Tôi thì nóng tánh nhưng khi nào cần nói thì tôi mới nói, xong thì thôi, cho nên mọi việc cuối cùng cũng êm xuôi. Bạn thử tưởng tượng một con tàu không có thuyền trưởng, không có người cầm lái thì con tàu đó sẽ đi về đâu?
 
Nhiều thế hệ sống chung trong một gia đình, trong một thời gian dài thì chuyện “đụng chạm” làm sao mà tránh được, nhất là giữa mẹ chồng và nàng dâu, từ lâu đã trở thành chuyện muôn thuở, “chuyện hàng ngày ở huyện”. Gia đình tôi thì khác, bà xã tôi không bao giờ phát biểu ý kiến thì làm sao “có chuyện”? Vậy chỉ còn lại mình tôi, với con trai và với con dâu. Mọi chuyện xảy ra từ khi đứa cháu nội Charlie (thường được gọi là cháu đích tôn) của tôi ra đời. Sự bất hòa xảy ra là do quan niệm khác nhau trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ con.
 
Tôi có hai đứa con, và hai đứa cháu ngoại sanh ra ở Mỹ, ít nhiều gì cũng có kinh nghiệm, còn chúng nó chỉ mới có đứa con đầu tiên, nếu có hiểu biết thì chỉ qua sách vở. Cho nên tôi thường góp ý mà ít khi chúng nghe. Con nít mới vài tháng tuổi đâu biết gì cho nên mọi việc đều phải trông cậy vào người lớn. Người lớn cần phải kiên nhẫn đối với trẻ con, biết tâm lý trẻ con. Đối với trẻ con phải áp dụng nguyên tắc “vừa ăn vừa chơi”, vừa “học vừa chơi” rồi theo ngày tháng trẻ con lớn dần, mọi chuyện sẽ đâu vào đó, chớ nóng lòng ép buộc nó theo ý mình thì đâu có được. Cháu nội tôi thì chịu nhiều áp lực do con trai tôi gây ra, nhiều lúc rất quá đáng. Con dâu tôi thì đỡ hơn, hiểu biết hơn con trai tôi nhưng nhiều lúc cũng cãi tay đôi với tôi, rồi sau đó thì xin lỗi.
 
Lâu dần thì con trai tôi cũng điềm tĩnh trở lại. Điều tôi vui mừng nhất mỗi khi thấy nó bày tỏ sự trìu mến với con của nó. Khi đứa con thứ hai, tên là Emma chào đời thì con trai tôi tỏ ra yêu thương và chăm sóc con gái nhiều hơn, gia đình yên bình trở lại, nhưng tôi thấy con dâu tôi cực quá. Có lúc hai tay phải ẵm hai đứa vì không đứa nào chịu bỏ mẹ ra. Sáng đi làm thì tất bật cho nên cứ quên trước quên sau. Bà xã tôi cũng cực, lớn tuổi rồi nào lo cơm nước cho cả nhà, nào phụ con, chăm sóc hai đứa cháu. Có lần tôi năn nỉ con dâu: “ Hai đứa đủ rồi, xin làm ơn đừng đẻ nữa”.
 
Emma nhỏ hơn anh Charlie của nó hai tuổi nhưng rất dễ nuôi, thứ gì cũng ăn được. Mới có sáu tháng tuổi mẹ nó đã đem gửi cho một bà hàng xóm để đi làm. Tôi không khuyến khích chuyện này và khuyên con dâu đừng có nóng lòng chuyện đi làm, hãy ở nhà, ba nuôi, đợi cho con lớn thêm chút nữa rồi tính. Con mình còn nhỏ quá mà đem giao cho người khác tội nghiệp nó! Mặc dầu tôi có ý kiến, con dâu tôi cũng không nghe. Cho đến khi không đồng ý với người giữ con thì con dâu chuyển Emma đến một day care do tư nhân làm chủ nhưng có tổ chức hơn, bài bản hơn.
 
Lúc này thì Charlie đã hơn hai tuổi và tôi là người lái xe cùng với bà xã hàng ngày đưa nó tới trường, đến giờ thì đi rước nó về. Đây là giai đoạn khó khăn nhất mà tôi và cháu tôi phải trải qua. Vì cháu tôi là đứa trẻ không thích đi học và rất sợ tới trường. Khi chở nó đi phải nói dối là đi chơi nó mới chịu lên xe. Khi đến gần trường nó nhận ra được thì giãy giụa, khóc lóc bảo ông nội đi về hướng khác đừng có ghé vô trường. Cuối cùng thì tôi và bà xã cũng đem được cháu tôi vào phòng nhận trẻ, giao tận tay cho cô giáo rồi vội vã chạy ra mà vẫn nghe được tiếng khóc của cháu. Tôi cảm thấy đau nhói trong lồng ngực, cơ hồ như muôn ngàn mũi tên đang cấm vào trái tim cằn cỗi của ông già ngoài tám mươi tuổi. Cũng có lúc tôi và bà xã cùng nán lại, lén nhìn cháu tôi qua khe cửa sổ, thấy cháu tôi ngồi khóc rấm rứt. Cuối cùng thì cô giáo tới dẫn cháu đi vào lớp học. Tôi phải chịu đựng cảnh này một thời gian dài cho tới khi cháu tôi được ba mẹ nó chuyển đi một trường khác.
 
Con gái tôi năm nay bốn mươi sáu tuổi, nói cháu nội tôi nhõng nhẽo là do tôi nuông chiều nó quá mà quên rằng trước kia khi tôi dẫn con gái tôi đi nhà trẻ nó cũng thường hay khóc, khi nào nó khóc nhiều thì tôi ẵm nó về và nghỉ làm hôm đó! Thật ra cháu nội tôi mới có một, hai tuổi mà phải chịu quá nhiều áp lực, từ ba nó cho tới nhà trường, một số người, nhất là cái đêm mà ba nó đem đến, bắt ngủ ở một nơi xa lạ. Đó là một đêm kinh hoàng, ảnh hưởng đến thần kinh nó, cho nên ngủ bên mẹ mà nó thường giật mình và nằm mơ. Nó cảm thấy không ai thương nó. Giờ đây cháu tôi đã năm tuổi, tính tình nóng nảy, mau nước mắt, dễ xúc động và thường hay hỏi mẹ: “Mẹ có thương con không?”
 
Mọi sóng gió rồi thì cũng đi qua. Gia đình chúng tôi vẫn yên vui, hòa thuận và sinh hoạt bình thường như bao gia đình khác. Con trai và con dâu tôi vẫn tiếp tục việc làm hàng ngày, ngoài ra còn làm thêm một số việc, nắm bắt cơ hội để tạo thêm thu nhập cho ngân sách gia đình và đã mua được nhà. Con dâu tôi vẫn tỏ ra khéo léo và tâm lý trong cách ứng xử với cha mẹ chồng. Vào những ngày nghỉ thì vào bếp làm những món ăn ngon, đặc biệt cho cả nhà, nhất là rất hiểu sở thích và thói quen ăn uống của tôi. Con dâu cũng thường xuyên làm những bữa tiệc nhỏ, mời gia đình bên con gái tôi về họp mặt, vui chơi cùng gia đình. Đó là những giờ phút quý báu, ý nghĩa và hạnh phúc mà tôi không mong gì hơn ở cái tuổi hoàng hôn của cuộc đời.

Tam dai dong duong 1
Ba ông cháu (hình do tg cung cấp)
                                                                                                                                     
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là ở hai đứa cháu nội. Đó là niềm an ủi lớn nhất của tôi bây giờ. Biết bao lần vợ, con làm tôi buồn nhưng cháu tôi thì không vì chúng còn nhỏ, ngây thơ, trong trắng và hồn nhiên quá. Ngoài giờ đi học, khi về nhà thì đùa giỡn, quấn quýt bên ông bà, cha mẹ. Charlie tiếng Việt rất rành. Nó nói: “Lớn lên con đi làm có tiền con nuôi ba mẹ, nuôi ông bà nội.” Chỉ nghe cháu nói vậy thôi, ông cũng mát lòng mát dạ. Emma thì ít nói tiếng Việt hơn nhưng ai nói gì nó cũng hiểu. Mới có hai tuổi mà Emma rất thích được ông nội chụp hình, còn biết làm điệu, ưỡn ẹo tạo dáng y như người lớn. Emma có gương mặt bầu bĩnh, rất hay cười, cặp mắt to, đen lay láy, liếc dọc, liếc ngang thật là tinh nghịch. Khi chụp xong một tấm hình, nhất thiết phải xem cho bằng được. Charlie thì ngược lại, mỗi khi kêu chụp hình thì chạy trốn hoặc quậy phá cho nên nó rất ít có hình.
 
Mỗi khi di chuyển từ phòng này sang phòng khác Charlie lúc nào cũng chạy. Tiếng bàn chân nện xuống sàn nhà kêu thình thịch, chưa thấy mặt đã biết là nó rồi. Trái lại, em nó mỗi khi đi thì nhón gót lên, đi trên đầu ngón chân rất nhẹ nhàng yểu điệu, đúng là con gái. Vậy mà cô bé leo trèo và phá phách không ai bằng. Mỗi chiểu khoảng bảy giờ thì leo lên giường ông bà, trèo qua đứng trên thành cửa sổ nhìn ra ngoài chờ mẹ đi làm về. Bánh kẹo để trên cao thì bắt ghế đứng lên lấy cho được. Mỗi khi hai anh em ráp lại đùa giỡn với nhau thì ôi thôi, mọi thứ rối tung lên như bãi chiến trường. Ba mẹ nó phải dẹp mệt nghỉ, ngày nào cũng vậy. Mỗi khi về Việt Nam hay đi đâu xa, người tôi nhớ nhất vẫn là hai đứa cháu nội.
 
Ngày con tôi dọn nhà có tuyết rơi lất phất, trời thì ảm đạm âm u như cảm thông được nỗi buồn của tôi. Ở trong nhà nhìn qua cửa sổ tôi thấy con trai tôi và anh rể nó khệ nệ khiêng tủ giường, bàn ghế, những vật dụng nhỏ thì đóng gói trong những thùng carton chất lên chiếc U-Haul cỡ lớn mướn từ dịch vụ chuyên chở, de đít đậu sát bên nhà trong bãi xe. Ở trong nhà con dâu tôi thì lo dọn dẹp, tập trung lại những thùng hàng đã đóng gói từ mấy ngày trước. Emma thì chạy tới chạy lui, lăng xăng lít xít. Cô bé dường như chưa cảm nhận được một cuộc chia ly đang diễn ra, trong khi Charlie thì điểm tĩnh và ít nói hơn mọi ngày, nhưng cuối cùng nó nói ra một câu với bà nội, làm tim tôi đau nhói: “Con về nhà mới thì ông bà nội sẽ alone nhưng ông bà đừng có buồn, con sẽ nói với ba mẹ cho con về thăm ông bà nội thôi.” Tôi nói thầm trong bụng: Phải rồi, cuối cùng thì mọi người đều bỏ ông mà đi, chỉ có con là nhớ tới ông thôi!
 
Từ khi cả gia đình qua Mỹ, con trai tôi đã sống với tôi hai mươi tám năm, con dâu hơn mười năm, Charlie năm năm còn Emma ba năm, từ khi mới đẻ. Ngần ấy thời gian căn nhà này đã chứng kiến biết bao là buồn vui, biết bao là kỷ niệm, trong đó có tiếng khóc, tiếng cười của cháu tôi, làm sao tôi quên được? Nếu không phải là tôi thì làm sao hiểu được tâm trạng của tôi? Vợ chồng tôi rồi sẽ ra sao trong căn nhà trống vắng, quạnh hiu trong những tháng này sắp tới?
 
Từ chín giờ sáng đến hơn một giờ trưa thì con trai và con rể tôi mới chất hết đồ đạc lên xe. Không biết tính toán như thế nào mà những món đồ chơi của hai đứa cháu tôi ở sân vườn như cầu tuột, xích đu, xe đạp được đưa lên xe sau cùng. Nhìn những món đồ chơi của cháu mà tôi ứa nước mắt. Ông già tám mươi hai tuổi, có tiếng là cứng cỏi đã rơi lệ! Chiếc U-Haul từ từ lăn bánh, tiếp theo là chiếc Camry màu trắng do con dâu lái trên đó có hai đứa cháu nội tôi, nghẹn ngào rời khỏi nhà tôi, khép lại một chương quan trọng của đời tôi, đồng thời mở ra một chương mới cho gia đình con trai tôi.
 
Lời kết: Tam đại đồng đường, một một lối sống gồm ba thế hệ trong một gia đình Việt Nam cho tới hôm nay vẫn được trân quí vì đó là cơ hội tốt để con cái chăm sóc và báo hiếu cha mẹ  trong tuổi già theo quan niệm của người Việt Nam. Các cháu cũng rất may mắn khi sống chung với ông bà, được ông bà chăm sóc, dạy dỗ, trợ giúp và chia sẻ rất đáng kể gánh nặng của cha mẹ, nhất là khi cả hai người cùng đi làm. Đặc biệt ở nước Mỹ, ông bà chính là người dạy cho cháu nói tiếng Việt, học tiếng Việt và duy trì tiếng Việt, là điều cần thiết để cho cho thế hệ thứ ba không quên nguồn cội của mình.
 
Tuy nhiên, Việt Nam có câu nhập gia thì tùy tục. Sống ở Mỹ, hiểu văn hóa Mỹ, từ đó mới hội nhập vào xã hội Mỹ. Ở Mỹ vì hoàn cảnh, vì tập tục, con cái đến mười tám tuổi, tuổi bước vào đại học, nếu có điều kiện thì rời khỏi gia đình cha mẹ để sống tự lập. Tinh thần tự lập là điều đáng khuyến khích. Ở nước này rất ít khi có cảnh nhiều thế hệ cùng sống với nhau trong gia đình nên người già thiếu sự quan tâm, chăm sóc vật chất đúng mức cũng như sự an ủi về tinh thần của người thân cho nên họ cô đơn hơn người Việt mình. Dầu sao, mỗi dân tộc có nền văn hóa khác nhau nên không thể nói nền văn hóa nào tốt hơn nền văn hóa nào. Câu hỏi là làm sao vừa hội nhập được vào nền văn hóa hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc tốt đẹp của nền văn hóa truyền thống?
 
Trong bài viết này tác giả chỉ nói về gia đình riêng của mình một cách tự nhiên và chân tình nhất. Mong được mọi người chia sẻ và góp ý, kể cả chê trách ở một vài chi tiết. Việc chê, khen đều được hoan hỉ và trân trọng. Vấn đề là mình nghĩ gì về mình và viết ra được điều mình suy nghĩ mới quan trọng!
 
Duy Nhân

Ý kiến bạn đọc
28/04/202521:41:26
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay lắm.
18/04/202513:54:55
Khách
Cha mẹ về già con cái đi hết không chỉ ở Mỹ mà còn ở VN nữa vì thế hệ trẻ ở VN ai cũng muốn đi ra nuớc ngoài sống. Nhiều gia đình ở VN con cái lấy chồng vợ ngoại kiều rồi đi ra nuớc ngoài hay đi xuất khẩu lao động không về. Thời VNCH thì dù chiến tranh, con cái cũng ở VN. Con một thì đuợc ở nhà không đi lính phụng duỡng cha mẹ già. Sống ở nuớc ngoài thì nếp sống tốt, nhưng về già thì phải sống một mình rồi vào duỡng lão chết một mình. Nếu VNCH không bị miền Bắc chiếm thì dân trung lưu thuợng lưu ở VN suớng hơn ở Mỹ. Dân VN vô phuớc nên cCộng sản thắng để bị nghèo đói như Cuba, Bắc Hàn, TQ trong khi đó dân các nuớc bị chia đôi không bị CS "giải phóng" như Ðức, Ðài Loan, Nam Hàn sống sung suớng . Chính TBT Tô Lâm đã nói năm 1960 Sài gòn là hòn ngọc viễn đông, nguời dân Singapore ao uớc đuợc chữa bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu CS không "giải phóng" miền Nam thì Nam VN nay ngang hàng với Hàn Quốc, Singapore và nguời già vẫn ở nhà với con cái và không phải ra nuớc ngoài sống. Có lẽ cái nghiệp của nguời VN nặng nên mình phải trả một phần.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,286
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến