Hôm nay,  

Năm Mươi Năm-Nhớ Những Người Lính Mỹ

22/04/202500:00:00(Xem: 3226)
Kim Loan tại Viet Museum San Jose tháng Ba 2025
Kim Loan tại Việt Musium-Tháng Ba 2025 (hình do TG cung cấp)

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

***

Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. Người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam năm 1973. Bàn cờ thế cuộc đã thay đổi, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu trong đơn độc và tuyệt vọng. Trong những ngày cuối cùng 30 tháng Tư 1975, dân chúng gồm cả lính tráng hay nhân viên công sở của Việt Nam Cộng Hòa đã tiêu hủy, xé đốt hết những giấy tờ hình ảnh có liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” vì sợ Việt Cộng trả thù.

Trong khi chồng Mai còn kẹt lại ở đơn vị chưa thấy tăm hơi, Mai đã thay anh đốt đi nhiều hình ảnh lính tráng từ lúc anh tốt nghiệp quân trường Thủ Đức KBC 4100 đến những hình ảnh khác, cứ hình nào anh mặc đồ lính là Mai nhắm mắt nhắm mũi cho vào ngọn lửa.

Trong cuốn album của gia đình Mai còn có một số hình ảnh lính Mỹ khi Mai buôn bán trong tổng kho Long Bình, trong số đó có hình chàng Wayne, với cái đầu mới hớt tóc xong hoặc khi đứng tụm năm tụm ba cùng bạn bè trước cửa shop của Mai, đã để lại cho Mai nhiều kỷ niệm bâng khuâng, vậy mà Mai cũng thẳng tay “thủ tiêu” hình ảnh chàng luôn.

Chồng Mai cũng về đến nhà sau những ngày hỗn loạn và anh phải đi “cải tạo”. Mai đã ân hận tiếc nuối những tấm hình vô cùng, những tấm hình đốt đi chẳng che dấu được điều gì, chẳng cứu nổi chồng Mai khỏi bị tù tội.

Chồng đi “học tập” trong trại tù, Mai và hai đứa con nhỏ cũng “học tập” trại tù lớn ngoài xã hội, những đứa trẻ con ngây thơ sống và lớn lên trong mùa “cách mạng”.

Một hôm thằng con lớn đi học về hỏi Mai:
- Ngày xưa mẹ có thấy thằng giặc Mỹ nào không?

Mai ngạc nhiên:
- Sao con hỏi thế?

Nó mở cặp lấy ra cuốn vở toán đố cho Mai xem: “Bộ đội đơn vị A đã bắn xe tăng diệt được 4 thằng lính Mỹ, bộ đội đơn vị B phục kích giết được 8 thằng lính Mỹ. Vậy tổng cộng bộ đội anh hùng của ta đã diệt được bao nhiêu lính Mỹ?”

Mai chưa kịp nói gì con Mai tiếp:
- Cô giáo bảo lính Mỹ ngày xưa là quỷ dữ tàn ác, chúng cướp phá và giết dân lành vô tội.
- Không đúng đâu. Con hãy tin lời mẹ, lính Mỹ cùng là người thường như chúng ta, họ đến để giúp đỡ chúng ta. Khi nào lớn lên con sẽ hiểu.

Làm sao trong một lúc Mai có thể giải thích cho thằng bé 7 tuổi hiểu được một khoảng đời, một khoảng thời gian Mai đã trải qua để nó biết về hình ảnh những người lính Mỹ mà Mai đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bao nhiêu kỷ niệm khó quên.

*

Năm 1967, nhờ người cháu là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa giới thiệu mẹ Mai vào tổng kho Long Bình ký hợp đồng mở shop bán hàng, mẹ cho Mai làm quản lý, đặt tên là “Mai Shop” và mướn thêm vài nhân viên cho những công việc khác. Cửa hàng bán đủ thứ quần áo, giày dép, các đồ bách hóa và kiêm luôn dịch vụ hớt tóc, giặt ủi, may vá, làm móng tay (coi như người Việt đã biết làm nails từ trước khi dòng người di tản sang Mỹ sau 1975).

Tên “Mai” dễ gọi dễ nhớ, có lẽ vì thế nên “Mai Shop” rất đông khách, những chàng lính Mỹ tuổi đôi mươi cùng trang lứa như cô chủ nên dễ thân nhau.
Ở “Mai Shop” hàng ngày Mai quen thuộc và biết nhiều về cuộc sống lính Mỹ. Tất cả thực phẩm từ rau quả đến miếng thịt quả trứng và gia vị đều từ Mỹ mang qua Việt Nam và do đầu bếp Mỹ nấu, họ chỉ mướn những nhân viên Việt Nam phụ bếp và dọn dẹp. Nhà bếp cho lính ăn sáng, ăn chiều khác món, ngày nào đồ ăn cũng ê hề dư thừa, cũng như khi thịt, trứng hết hạn sử dụng thay vì họ bỏ đi, các phụ bếp Việt chia nhau mang về vừa ăn vừa bán lại cho hàng xóm.

PX (Post Exchange) của Mỹ bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ đồ ăn thức uống đến tivi tủ lạnh và cả kim cương, mới thấy đời lính Mỹ tiện nghi và “cao cấp” biết bao. Mấy cô nhân viên thợ may, thợ nails, chú thợ hớt tóc của Mai thỉnh thoảng nhờ các anh lính Mỹ mua đồ PX giùm, hàng miễn thuế rẻ hơn so với bên ngoài. Có nhiều chuyện đã làm cả “Mai Shop” không thể nhịn cười được. Chú thợ cắt tóc nhờ anh Mark mua giùm cái quạt máy (fan), hôm sau Mark hí hửng mang cái chảo (pan) đến Shop gọi ầm lên tôi mua cái “pan” rồi nè. Từ đó về sau ai muốn nhờ mua gì đều viết ra giấy, kẻo tiếng Anh của mình lạng quạng nói một đằng người Mỹ hiểu một nẻo.

Cô thợ may đau bụng nhờ anh John gặp bác sĩ xin thuốc uống, John vui vẻ nhận lời giúp ngay. Chàng đi gặp bác sĩ và khai đau bụng cần xin thuốc, bác sĩ hỏi John đau bụng thế nào thì John thành thật nói, không phải tôi đau, mà cô thợ may của “Mai Shop” bị đau. Bác sĩ bảo, anh mang cô thợ may ấy đến đây tôi sẽ khám bệnh cho thuốc. Anh lính John và bác sĩ Mỹ đều tốt bụng, tử tế.

Mai chứng kiến những hình ảnh đẹp của lính Mỹ từ trong Shop khi họ vào hớt tóc, thứ tự kẻ trước người sau, dù là ông sĩ quan chỉ huy của họ đến sau thì cứ đợi đấy và chính ông sĩ quan cũng hiểu điều này, chẳng nề hà chi. Họ tôn trọng lẫn nhau thật đáng mến.

Lính Mỹ mua đồ, giặt đồ, hớt tóc trả tiền mặt ngay, có chàng ăn xài bạt mạng không còn tiền thì ký tên vào sổ nợ nhưng chẳng thèm để ý món hàng món tiền, Mai muốn ghi tiền bao nhiêu thì ghi, họ hào hoa phóng khoáng và tin cậy người khác. Mai khâm phục họ, không phụ lòng tin cậy của họ, buôn bán đã lời rồi, ham hố gian dối làm gì. Mẹ Mai luôn hài lòng với doanh thu kiếm được, mẹ là người thường xuyên mang tiền đô la đỏ MPC (Military Payment Certificate, dùng trong quân đội Mỹ) đến PX, người ta quy đổi ra trị giá đô la xanh (tiền bình thường của Mỹ) và họ trả bằng tiền Việt theo trị giá đô la xanh thời điểm đó vào thẳng ngân hàng của mình.

Lính Mỹ thường xuyên được liên lạc với gia đình. Mỗi chiều thứ Bảy, lính Mỹ lên phòng chỉ huy xếp hàng để “gặp gỡ” thân nhân, nhìn thấy nhau, chuyện trò cùng nhau qua màn hình. Để bảo vệ an ninh cho lính Mỹ, họ không được tự do đi ra ngoài phố trừ khi có giấy phép, nên những khi rảnh rang các lính Mỹ thường ra “Mai Shop” ngồi tán gẫu, cho vơi bớt nỗi nhớ gia đình, nhớ người yêu, nhớ trường học nơi chàng giã từ trước khi vào đời lính.

Cứ tưởng rằng sau một hai năm cuộc chiến sẽ đừng lại, những người lính sẽ trở về nhà, nhưng cuộc chiến càng ngày càng leo thang khốc liệt, ngày về xa vời quá. Vài chàng lính trẻ nguệch ngoạc viết lên vách tường trong “Mai Shop” tên tuổi mình với những ước mơ: “Go Home-Về Nhà”, “I Miss My Mom-Con Nhớ Mẹ”, “Go Home and Back to School-Về Nhà và Trở Lại Trường Học”… Những cái tên ấy, những khuôn mặt ấy, rồi đây ai mất ai còn, trở về Mỹ thực hiện những ước mơ?

Khi mùa Giáng Sinh đến, dù danh hài Bob Hope và các ca sĩ nổi tiếng từ Mỹ đã đến Việt Nam, vào từng căn cứ, từng đơn vị biểu diễn cho lính của họ nhưng cũng không thể xoa dịu được hết nỗi nhớ nhà. Mai nhìn mấy anh lính Mỹ trong căn cứ Long Bình ôm đàn hát “White Christmas” mà động lòng thương. Mùa đông Việt Nam nào có lạnh, nào có tuyết rơi, nhưng trong lòng những người lính Mỹ vẫn thấy một mùa đông tuyết trắng nơi quê hương xa xôi của họ.

Mai thương tất cả những người lính Mỹ này. Có anh khoe tấm hình từ Mỹ gởi sang, ngoài trời tuyết trắng mùa Giáng Sinh nhưng trong nhà ấm cúng cây thông xanh với những gói quà, người nhà không quên anh, vẫn có gói quà ghi tên anh để dưới gốc cây thông cứ như mùa Giáng Sinh này anh sẽ về. Có một bà mẹ đã gởi bánh cho con trai yêu quý, món bánh mà con bà yêu thích từ thuở nhỏ, người lính mang những chiếc bánh cookies nho khô khoe với Mai do chính mẹ anh làm và tấm thiệp Giáng Sinh có lời chúc của cha mẹ làm Mai rưng rưng nước mắt.

Mai đã trở thành “đồng đội” thân quen của họ. Mỗi tuần tại câu lạc bộ của lính Mỹ có 1 ngày free bia và coke. Các anh đã nhớ đến Mai và mang đến cho Mai để đầy trong tủ lạnh, có anh tưởng Mai biết hút thuốc đã vào PX mua cả phong thuốc lá Pall Mall tặng Mai… hút cho đã.

Có hôm thấy một lính Mỹ ngồi xe lăn từ trong bệnh xá đi ra ngoài để sang một phòng khác, Mai đã một tay che dù cho anh, một tay đẩy xe lăn giúp anh cho nhanh, anh cảm động cám ơn Mai. Ông chỉ huy trưởng của một đơn vị cũng có lần cám ơn Mai khi ông nhờ Mai để ý những lính Mỹ nào vào Shop có hành vi vô kỷ luật, mặc quân phục không gắn tên, không gắn lon, tóc dài không hớt thì nhắc nhở họ giùm. Mai đã nhiệt tình làm điều này vì không muốn họ bị chỉ huy bắt gặp, họ sẽ bị phạt.

Có đơn vị đi hành quân mãi đâu trong bốn vùng chiến thuật, khi trở về căn cứ Long Bình, những người lính Mỹ ghé “Mai Shop” nhờ may sửa hoặc giặt quần áo đã rách đã dơ bẩn bụi đường, sình lầy. Mai vui vẻ nhận và sẵn sàng làm cho họ với cả tấm lòng, những người lính Mỹ này đã tạm biệt quê hương giàu có thanh bình để đến đất nước chiến tranh Việt Nam, là một sự hy sinh to lớn thì có sá gì khi giúp họ mấy chuyện nhỏ nhoi này, hơn nữa họ trả tiền chứ có làm miễn phí cho họ đâu.

Có người lính sắp phải chuyển đi nơi khác, họ hỏi thăm Mai những địa danh nơi họ sắp đến. Lại chia tay, lại bùi ngùi chụp chung tấm hình với Mai và những nhân viên trong Shop, anh đến nơi đóng quân mới còn gởi hình ảnh về cho “Mai Shop” như địa chỉ người thân.

Có lính đi thì cũng có lính đến. “Mai Shop” có thêm một người khách mới, anh Wayne vừa chuyển đến Long Bình. Wayne là Mỹ trắng cao ráo đẹp trai, tóc anh nâu nâu vàng và đôi mắt màu xanh huyền diệu. Lần đầu tiên nói chuyện với Mai, chàng Wayne kể:
- Tôi vừa từ “Con To” đến đây.

Mai suy nghĩ mãi không hiểu “Con To” là tỉnh thành nào? Mai đoán mò là “Kontum” và góp chuyện:
- Nơi ấy là phố núi đẹp lắm.
- Không, “Con To” không phải phố núi, nó có nhiều sông nước cây trái ruộng vườn.

Mai chịu thua:
- Anh viết tên “Con To” ra cho tôi xem đi.

Wayne viết ra hai chữ “Can Tho” thì Mai hiểu ngay là “Cần Thơ”.

Từ đó Wayne hay đến Shop chuyện trò với Mai, anh có vẻ mến Mai lắm. Anh thường kể cho Mai nghe về quê hương anh, tiểu bang Idaho có những cảnh đẹp đồi núi bát ngát, cha mẹ anh và một đứa em đang học trung học với bao nhớ thương. Khi người ta xa quê hương xa gia đình, hàng ngày đối diện với hiểm nguy và cái chết thì nỗi nhớ thương càng tha thiết. Mai thường khích lệ Wayne và chỉ biết cầu mong chiến tranh Việt Nam mau chấm dứt để Wayne và tất cả những người lính Mỹ sớm trở về quê hương của họ đoàn tụ với người thân.

Mai cũng mến Wayne nhưng chỉ xem anh như bạn, không chỉ Wayne mà có vài anh lính Mỹ khác đến Shop cũng thích Mai. Trong thâm tâm Mai chưa bao giờ nghĩ sẽ yêu người Mỹ, lấy người Mỹ như quan niệm của nhiều người trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Lấy chồng Mỹ, rời xa cha mẹ, rời xa quê hương theo chồng về nước Mỹ cách nửa quả địa cầu, hoàn toàn là một điều xa lạ, một điều không thể, vả lại Mai cũng đang quen anh Xuân, một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa đóng quân ở Hậu Nghĩa, cả hai chưa nói yêu nhưng đã nhiều tình cảm hơn mức bình thường.

Một hôm Wayne đến Shop, anh lựa lúc vắng khách, chỉ có Mai một mình, Wayne đã đưa ra một hộp nhỏ xinh trong có chiếc nhẫn kim cương để cầu hôn làm Mai vô cùng ngạc nhiên và bối rối, Mai hỏi Wayne:
- Sao anh lại yêu tôi, muốn cưới tôi?
- Vì Mai ...đẹp!
- Vậy thôi ư?
- Còn chứ! Tôi thấy Mai rất tốt với những người lính Mỹ chúng tôi, và một điều nữa, là Mai có nhiều câu nói quan tâm nhắc nhở tôi, y như mẹ tôi bên Mỹ thường nhắc tôi, làm tôi nhớ mẹ.

Mai không nỡ từ chối một tiếng “Không” mà giải thích với anh là quá bất ngờ và chưa nghĩ đến chuyện tình yêu. Mong Wayne sẽ hiểu và đừng trách Mai.
PX Mỹ bán kim cương cũng không phải là vô lý như Mai vẫn nghĩ những người lính Mỹ trong chiến tranh nay đây mai đó, họ có rảnh đâu mà mua kim cương, họ cần gì đến kim cương? Thì ra lính Mỹ được phục vụ tất cả mọi nhu cầu của cuộc sống từ cây kim sợi chỉ đến vàng bạc kim cương dù họ đi chiến đấu ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này.

Wayne vẫn đến “Mai Shop”, vẫn hi vọng và đợi chờ. Mai ít khi dám nhìn thẳng vào ánh mắt tha thiết của anh. Mẹ Mai chỉ thỉnh thoảng ghé qua Shop để kiểm tra tình hình buôn bán mà bà cũng nhận ra:
- Wayne yêu Mai đấy.

Thời gian này anh Xuân cũng tỏ tình cùng Mai, hai người yêu nhau. Mai đã kể cho anh Xuân nghe về Wayne, cả hai quyết định cưới ngay, sẽ là câu trả lời dứt khoát cho Wayne hiểu.

Ngày Mai đi lấy chồng không biết Wayne có buồn như bài hát “Tôi Đưa Em Sang Sông” không? Nhưng anh vắng ra Shop một thời gian, rồi anh lại xuất hiện đều đặn trở lại. Có lẽ anh đã buồn và nỗi buồn cũng nguôi ngoai vì tình yêu chưa sâu đậm. Mai lấy chồng nhưng vẫn quản lý “Mai Shop” cho mẹ, cho tới khi Mai mang thai con đầu lòng và đứa bé chào đời. Wayne đã mang một bó hoa to đẹp đến tận nhà hộ sinh chúc mừng Mai. Anh âu yếm và vui thích ngắm baby. Mai cảm động tấm chân tình trong sáng của Wayne biết dường nào.

*

Gia đình Mai đến Mỹ diện HO từ năm 1992.

Hai con của vợ chồng Mai đã lớn khôn, chúng đã hiểu về người lính Mỹ đồng minh quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thằng con lớn đã vào quân đội Mỹ và cũng từng đi nước ngoài chiến đấu như những người lính Mỹ năm xưa chiến đấu tại Việt Nam.

Mai vẫn không quên “Mai Shop” của mình trong tổng kho Long Bình với những lính Mỹ khách hàng thân thương của Mai. 

Nào những buổi chiều anh lính vào làm nails để tối đi Club nhảy đầm. Ôi những ngón tay cầm súng đạn, những ngón tay trong gian khổ trên chiến địa, nay lại đẹp, lại lãng mạn trên bờ vai ai, trong tiếng nhạc, trong điệu nhảy du dương.

Nào anh lính kẹt tiền tháo chiếc đồng hồ Rolex ra năn nỉ bán cho Mai với giá 200 đồng mà Mai biết chắc là rất rẻ so với giá thực tế. Đời lính chiến là vậy đó, lúc kẹt tiền thì bán cả đồng hồ đeo tay, nhưng khi mua món gì thì cho “tip” hậu hĩ.

Nào anh lính có lần thấy cô nhân viên của Mai đang cắt cổ gà để làm món ăn chiều tại Shop, anh lính đã kêu lên: “Sao cô ta nỡ cắt cổ con gà?”. Chàng lính Mỹ nhân ái kia ơi, trong chiến tranh anh chứng kiến những cảnh đạn bom sinh tử là thường tình mà lại đau lòng khi nhìn thấy con gà bị cắt tiết ư?
Đã 50 năm.

Những người lính Mỹ năm xưa chiến đấu ở Việt Nam, họ đã hy sinh một thời tuổi trẻ, chết chóc đau thương để bảo vệ chính nghĩa cho mảnh đất này. Giờ đây họ đã già đi, đã yếu đi. Họ là ai, những người cựu chiến binh Mỹ mà đôi khi Mai nhìn thấy trong cuộc sống trên đất Mỹ ngày nay, rồi tự hỏi, có ai trong số họ đã từng đến Việt Nam, từng làm việc ở Long Bình, từng đến Shop của Mai?

Mai nhớ tất cả những người lính Mỹ một thời Mai đã biết, đã quen ở tổng kho Long Bình và nhớ nhất là Wayne, một tình yêu mới chớm nở của chàng dành cho Mai nhưng chẳng bao giờ được đơm hoa kết trái.

Mai đã đôi lần có dịp đến tiểu bang Idaho, quê hương của Wayne. Mỗi lần đến là Mai lại nhớ Wayne. Dù ngày ấy anh có bình an trở về Idaho, hoặc anh đã là thương binh, hoặc buồn hơn là tên anh đã ghi trên bức tường đá đen ở Washington DC, thì Mai vẫn cảm thấy như đã được tái ngộ anh nơi đây, trong nước Mỹ thanh bình không chiến tranh, những điều mà khi xưa anh và đồng đội tham gia cuộc chiến tại Việt Nam đã chờ đợi và ước mơ ngày trở về.

Để kết thúc bài viết này, nhân dịp tưởng niệm 50 năm Tháng Tư Buồn, tôi viết bài thơ, xin tặng cho những người lính Mỹ đã đến chiến đấu và bảo vệ Miền Nam VNCH, với tất cả sự trân trọng mến thương.

GỬI NHỮNG NGƯỜI LÍNH MỸ
 
Sao anh lại đến quê hương tôi
Từ nửa vòng trái đất xa xôi?
Biết đâu cuộc chiến tàn khốc quá
Lý tưởng hay là mộng mơ thôi!
 
Những lá thư anh gửi về nhà
New York, Utah, Alabama…
Có cả niềm vui và nỗi sợ
Cô đơn đêm vắng giữa rừng già
 
Mẹ Cha thương nhớ biết bao lần
Trông ngóng từng ngày mong tin anh
Bản đồ Việt Nam treo bên cửa
Dõi theo từng bước chân hành quân
 
Những địa danh xa, bỗng thật gần:
Quảng Trị, Hạ Lào hay Khe Sanh
Bên này anh vào sinh ra tử
Bên kia dâng Chúa những lời kinh
 
Noel về, người lính xôn xao
Nhớ người thân, phố xá hôm nào
Bên hố bom côn trùng thao thức
Mơ tuyết rơi, kỷ niệm ngọt ngào
 
Ôi những chàng trai tuổi đôi mươi
Tâm hồn phơi phới mùa xuân tươi
Vâng lệnh Tổ Quốc đi chiến đấu
Gìn giữ tự do cho muôn nơi
 
Để rồi anh đến với Miền Nam
Dẫu không cùng máu đỏ da vàng
Để mến thương nơi này tha thiết
Mưa nắng hai mùa, nhớ mênh mang
 
Và đến một ngày tàn chiến chinh
Về với gia đình anh bình yên
Cũng có khi niềm vui không trọn
Vì anh đã là người thương binh
 
Hoặc anh trở về lòng đất Mẹ
Cờ phủ quan tài trời tang thương
Quốc kỳ Mỹ vinh danh lính Mỹ
Cái giá tự do. Cuộc chiến buồn.
 
Nghĩa trang Quốc Gia anh yên nghỉ
Những ngôi mộ lặng im, thẳng hàng
VietNam War đã là quá khứ
Cám ơn anh, dẫu biết muộn màng. 

Tháng Tư Đen, 2025 
KIM LOAN
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc
17/05/202500:31:58
Khách
Tôi chán! neu the thi cu viec
28/04/202520:38:51
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay, chuc Chị Kim Loan nhiều sức khỏe và viết thêm nhiều bài viết nữa🙏🙏🙏
28/04/202515:59:17
Khách
Cách đây 3 hôm, Andrew HoangKhach chê còm của PhaoNg rồi lặn biến luôn ?! Bộp chộp, hấp tấp là điều không nên nhé.
25/04/202513:59:01
Khách
Toi se tra loi cho nguoi viet la anh/chi PhaoNg. Su suy nghi anh/chi qua "nong can". Thiet nghi, anh/chi can phai doc them va tim hieu them cuoc chien tranh bao ve Mien Nam cua nen De Nhi Viet Nam Cong Hoa.
25/04/202502:07:34
Khách
Theo lời của quân cảnh Phạm văn Thành với Lâm Hoài Thạch báo Nguời Việt thì chanh phu Mỹ đối xử với tù binh VC tai Phú Quốc tốt hơn lính VNCH. Trích bài báo Phạm Văn Thành, người Quân Cảnh thời chiến (NV):
Ông Thành kể: “Chính tôi đã chứng kiến tù binh [VC] đã hủy bỏ cơm, cá rất nhiều, vì họ đã tự nấu quá dư, đến khi ăn không hết thì họ đổ bỏ. Gạo để phát cho tù binh còn trắng tốt hơn gạo của chúng tôi đi mua ở ngoài chợ Phú Quốc, còn cá thịt, nước mắm, đường muối… tất cả đều loại mắc tiền, vì chính phủ Hoa Kỳ đã ký giao kèo với các nhà thầu thực phẩm hỗ trợ cho tù binh toàn là những thứ đắt tiền. Kể cả kem, bàn chải đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt đồ… và những vật dụng cần thiết khác, họ cũng được cung cấp đầy đủ hằng tháng.” (Lâm Hoài Thạch)
Ngày hôm nay nhìn Trump mạt sát Ukraine như ngày xưa Kissinger đối xử với VNCH cho thấy chánh phủ Mỹ không phải là bạn tốt của các nuớc đang chống xâm lăng. Nguời Mỹ tốt nhưng chánh phủ Mỹ từ 1970 cho đến nay lúc nào cũng xấu với bạn nhưng tốt với kẻ thù.
24/04/202519:47:23
Khách
Bài viết quá cảm động. Tác giả KL vẫn là tác giả tôi yêu thích. Chị càng ngày càng viết hay.
23/04/202517:55:55
Khách
Tuy chánh phủ VNCH phạm sai lầm chánh trị khi để quân đội Mỹ tham chiến ở VN cho CS tuyên truyền, và tù binh Mỹ bị CS bắt làm con tin đòi Mỹ rút quân đơn phuơng ngưng viện trợ, nhưng phải cám ơn những nguời lính Mỹ bị chánh phủ Mỹ đưa qua VN chiến đấu cho tự do. Họ đến để kéo dài thêm những ngày dân miền Nam đuợc tự do, có cơm ăn, có xe honda, có la de ngồi nhậu vỉa hè, có mái chuà nhà thờ không quốc doanh, có bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo mà dân Singapore đã từng ao uớc đuợc chữa trị tại BV Chợ Rẫy. Bài hát Tám Ðiệp Khúc : Ngày thơ ơi đã qua mất rồi, còn tìm đâu ..., hay bài hát Vuờn Tao Ngộ : Tuổi học sinh đẹp như gấm hoa. Hết rồi, mất tự do là mất tất cả Nhiều nguời VN truớc 1975 muốn cám ơn lính Mỹ nhưng họ dè dặt vì phong trào chống Mỹ của sinh viên học sinh tranh đấu Saìgòn va` Huế . Thành ra lính Mỹ nhiều nguời cảm thấy dân VN không cám ơn sự hy sinh cuả họ cho đến khi di tản sang Mỹ rồi mới lập tựơng đài tri ân. Ðây là cái sơ sót của chanh phu VNCH.
23/04/202503:40:07
Khách
Lại thêm một bài viết rất hay của chị Kim Loan. Xin vui lòng viết tiếp!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 177,298
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến