Hôm nay,  

Đi Tìm Cơ May Hạnh Phúc

08/07/202521:38:43(Xem: 300)
TG Lê Đức Luận (đứng giữa) nhận giải Danh Dự VVNM 2023
TG Lê Đức Luận (đứng giữa) đang nhận giải Danh Dự VVNM 2023

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2021 với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975, ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023.
 
***
 
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận.
 
Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống;  làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
 
Nhớ lại những ngày đầu mới đến Hoa Kỳ, gia đình tôi được văn phòng An sinh Xã hội quận Fairfax, tiểu bang Virginia tìm cho chỗ ở trong khu chung cư đa số là người Mễ, Ấn Độ và dân Phi châu, trong đó có thêm hai gia đình người Việt Nam nữa là gia đình ông Năm Đại Lãnh và gia đình ông giáo Lộc.
 
Trong môi trường có sự khác biệt về ngôn ngữ và tập quán, ba gia đình người Việt chúng tôi tìm đến với nhau trong tình đồng hương - chia sẻ vui buồn và hết lòng giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Thời đó, cách nay trên bốn mươi năm, những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đến Mỹ được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội khá dồi dào, cộng với tấm lòng bác ái và hào sảng của người dân Hoa Kỳ giúp những người tỵ nạn sớm ổn định đời sống và nhìn thấy tương lai tốt đẹp trên đất nước có nhiểu cơ hội để thực hiện những ước mơ.
 
Ông giáo Lộc nhờ khá tiếng Anh, sau ba tháng định cư, tìm được một chân bán hàng cho tiệm 7-Eleven - làm việc từ 6:00 giờ sáng  đến 2:00 chiều. Sau đó ông vào Đại học Cộng đồng (Community College) học ngành kế toán (accounting). Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai duy nhất, trên bảy tuổi. Khi thằng con được xe buýt đón vào trường, bà Lộc đến làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt Nam gần đó - kiếm thêm thu nhập. Sau giờ làm phụ bếp, bà đi học Anh văn (lớp ESL) để chuẩn bị xin học ngành y tá. Trước năm 1975, bà đã là một cán sự y tế điều dưỡng làm việc ở Quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, nay sang Hoa Kỳ bà mong muốn được làm công việc mà bà yêu thích. Ở Mỹ học ra nghề y tá không dễ - bà biết, nhưng vẫn nuôi hy vọng.
 
Vậy là vợ chồng ông giáo Lộc đang đi tìm hạnh phúc ở tương lai.
 
Ngược lại, ông Năm Đại Lãnh luôn luôn có vẻ ưu tư.  Những buổi chiều, ngồi trên ban công (balcony) của căn apartment, ở tầng ba, ông nhìn mông lung với ánh mắt đăm chiêu… thật buồn! Ông nhớ về những ngày hạnh phúc ở xóm chài Đại Lãnh. Ông nhớ biển!
 
Mùi xăng nhớt thoát ra từ những chiếc xe vội vã ra vào ở chỗ đậu xe dưới sân khu chung cư - khét lẹt! Làm ông khó chịu! Ông Năm nhớ mùi biển mặn quê ông - sao mà đậm đà! Hít căng buồng phổi vẫn còn thèm cái mặn mòi của hơi nước biển. Ông Năm thường bảo: Ở trong căn chung cư hai phòng này, như chui vào cái hộp, ông cảm thấy tù túng! Ông nhớ căn nhà lộng gió ở làng chài Đại Lãnh. Ôi! Nó mát mẻ làm sao!
 
Cái máy quạt trần, hệ thống điều hoà không khí trong căn chung cư này làm sao sánh được với cái mát mẻ của ngọn gió nam non mỗi sáng thổi về từ núi cao Đèo Cả. Và ngọn gió nồm dìu dịu phảng phất mùi rong biển, thổi nhẹ qua khu rừng dương tạo nên âm thanh vi vút như tiếng sáo diều, có lúc du dương như bản nhạc êm dịu của thiên nhiên ru ngon giấc ngủ vào những buổi trưa hè… Nhiều lần ông Năm tự thán:  Trên đất Mỹ này, khó lòng bắt gặp được ngọn gió nam non hay ngọn gió nồm như ở làng chài Đại Lãnh quê ta!

Ông Năm còn bảo, cái máy truyền hình (TV) ở đây vô dụng đối với ông. Tin tức phát ra tiếng Anh, ông không hiểu! Còn chương trình giải trí với những bản nhạc disco làm ông nhức óc. Đôi khi xem mấy cuốn băng Paris By Night với những bài hát điệu bolero rất “mùi”, ông vẫn thấy không hay bằng nghe giọng hò kéo lưới - mộc mạc nhưng rộn rã  như tiếng lòng ngư phủ kéo lên món quà của biển - những mẻ lưới đầy cá …
 
Nhìn cái tủ lạnh, bên trong chứa thịt cá đông lạnh, ông nhớ đến nồi canh cá liệt - những con cá liệt vừa vớt lên từ biển nấu với cà chua - chỉ  nêm chút muối, mắm và thêm vài cọng hành, ngò… Thế mà ngon tuyệt! Ông cũng thường nói: Cái hamburger không ngon bằng món cá nục kho mặn ăn với cháo trắng vào buổi sáng. Ông nhắc đến những buổi chiều cả nhà quây quần bên lò than hồng, nướng những con cá ồ tươi rói quấn lá chuối, rồi xé ra cuốn với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm nhĩ pha ớt, tỏi… Ôi! Nó ăn đứt món gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken). 
 
Xem ra, ông Năm đang nhớ về quá khứ và tiếc nuối cái hạnh phúc của những ngày trước năm 1975 ở quê nhà. Hiện tại tất cả thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác của ông chưa quen với phong thổ trên đất lạ quê người. Chỉ còn cái thị giác giúp ông thấy được sự tự do trên đất khách. Tuy vậy, ông luôn tư lự và đôi khi muốn quay về với làng chài Đại Lãnh.
 
Một hôm, tôi nghe ông Năm tâm sự:
 
- Nếu như không có cái ngày “Giải phóng 30-4-1975” thì tôi đâu có sang đây làm gì để đêm đêm đi rửa chén cho nhà hàng, một công việc tôi không thích tí nào; còn bà vợ phải ngồi may những lố áo thun thâu đêm suốt sáng… Tôi muốn trở về với biển, với làng chài Đại Lãnh quê tôi. Nhưng về, chắc gì mấy ông “cách mạng” để tôi sống yên thân với biển. Họ sẽ kết tội những người bỏ nước ra đi như tôi là thành phần phản quốc, sẽ bắt vào tù. Nhớ lại những ngày lên núi chăn dê trong trại cải tạo sau ngày gọi là “giải phóng” mà tởn đến già! Thôi đành sống kiếp tha hương… ông ạ!
 
Tôi hỏi ông Năm:
 
- Nghe kể hồi đó ông chỉ làm nghề chài lưới, không tham gia chính quyền hay quân đội trong chế độ cũ. Tại sao lại bị bắt vào trại trại cải tạo?
 
- Chỉ làm dân mà bị bắt đi cải tạo mới tức chớ! Tréo ngoe như chuyện Phong Thần chỉ xảy ra dưới chế độ Cộng sản. Ông Năm trả lời, rồi kể tiếp:
 
- Trước năm 1975, tôi nhận thằng Báo, con bà hàng xóm nghèo khổ làm con nuôi. Nó mồ côi cha từ lúc lên năm, mẹ con nó đùm bọc nuôi nhau. Khi thằng Báo vừa tròn mười tám tuổi, sợ thằng con bị bắt lính, bà mẹ mới đến tha thiết năn nỉ tôi cho nó theo ghe ra biển để trốn đi quân dịch. Thương tình mẹ góa, con côi, tôi nhận nó làm con nuôi, nhưng trả tiền công đầy đủ như những người bạn chài khác để nó nuôi mẹ già.
 
Khi ghe rời bãi, lênh đênh trên biển cả, không lo bị bắt lính. Khi ghe vào bãi, nếu có bố ráp, nó trốn trong hầm ghe. Thời gian trôi qua, thằng Báo sống bình an bên mẹ già và vui với nghề chài lưới.
 
Bỗng ngày 30-4-1975 ập đến - thằng Báo đổi đời! Sáng hôm đó, nó mang băng đỏ trên cánh tay trái, tay phải cầm loa, hướng dẫn một đám người, đầu đội nón tai bèo, cổ quấn khăn rằn, chân mang dép râu, vai mang súng AK, đi khắp làng chài kêu gọi dân chúng bỏ bãi đến miếu thờ Cá Ông dự lễ “Mừng Ngày Giải Phóng” và nghe chỉ chỉ thị của chính quyền mới.
 
Từ hôm ấy, thằng Báo trở thành “ông quan cách mạng” ngang xương. Nó không còn phải xuống ghe lo chuyện kéo lưới, chở xăng dầu … Công việc của nó bây giờ không còn dùng đến chân tay mà chỉ xử dụng cái tai và cái miệng - cái tai để nghe các chỉ thị, còn cái miệng để loan truyền các chỉ thị của “cách mạng” để dân chúng chấp hành.
 
Một hôm, thằng Báo ghé qua nhà, nói với tôi: “Bây giờ nước nhà được giải phóng, nhân dân ta không còn bị Mỹ, Ngụy kềm kẹp, bóc lột nữa. Nước ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh lên Chủ nghĩa Xã hội, một xã  hội công bằng, không còn cảnh người bóc lột người. Tài sản, vật tư chủ yếu thuộc sở hữu chung của toàn dân, nhân dân sẽ làm chủ đất nước. Trước tiên là phải cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản, chuyển các tư liệu sản xuất của tư nhân về cho nhân dân và nhà nước quản lý…”
 
Tôi nghe nó nói những tiếng lạ hoắc, không hiểu, nên hỏi: “Tư sản mại bản, tư liệu sản xuất…. là gì vậy mậy?” Nó trả lời: “Trên nói sao, tui nói lại vậy thôi… chứ rạch ròi chữ nghĩa làm chi thêm rắc rối! Cấp trên chỉ thị thế nào thì thi hành thế ấy thôi.  Cụ thể là nay mai các ghe tàu, giàn lưới sẽ sung công đưa vào Hợp Tác Xã, làm ăn tập thể. Cấp trên ra chỉ thị cho các cán bộ địa phương bình chọn và chuẩn bị kiểm kê tài sản của các chủ ghe lớn. Ở xóm chài này, có ba gia đình bị xếp vào hạng tư sản mại bản, chiếm giữ tư liệu sản xuất và bóc lột sức lao động của dân chài. Tía biết ba gia đình đó là ai không?” - “Làm sao tao biết được!” Nó ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Tía là một, ông Ba Râu là hai, thứ ba ông Út Trọc. Đây là chuyện bí mật, tui chỉ cho tía biết, tía chớ nói lại với ai, nguy hiểm lắm.”
 
Tôi nghe mà rụng rời tay chân, nhưng cũng cố lấy giọng bình tĩnh nói với nó: “Giỡn chơi sao mầy? Tao đánh lưới hơn mười năm, không dám ăn, dám tiêu mới dành dụm mua được chiếc ghe bầu, bây giờ sung công ngang xương coi sao được mậy? Mầy nhớ lại xem: những bạn ghe, ngay cả với mày, tao có bóc lột ai không? Tao cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ra biển kéo lưới như mọi người, mẻ được, mẻ không… Nhưng làm chủ ghe tao phải lo trả tiền công trả cho bạn chài, lúc lời, lúc lỗ… Mày biết quá mà! Có lúc tao sai mày đi vay tiền bên ngoại trả lương cho bạn chài khi biển động lâu ngày để họ có cái ăn. Làm chủ ghe, nếu trời cho thì khấm khá, nếu mất mùa cá, coi như sạt nghiệp, đói cả đám! Chứ bóc lột nỗi gì?”
 
Thằng Báo có vẻ suy tư, hình như nó đang nhớ về quá khứ, nó nói với giọng buồn buồn: “Thì biết vậy, nhưng bây giờ thời kỳ cách mạng, phải đổi mới tư duy. Tài nguyên thiên nhiên phải thuộc về sở hữu của toàn dân. Cá trên biển bây giờ cũng là của nhân dân đó. Cấp trên giải thích rằng: Các chủ ghe, có tư liệu sản xuất, lợi dụng sức lao động của dân chài, ra biển bắt cá về bán làm giàu cho riêng mình. Bây giờ bắt họ phải hợp tác với nhân dân làm ăn tập thể, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu! Như thế mọi người mới tìm được hạnh phúc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…”
 
Nghe nó nói mà ứa gan, tôi bảo: “Chim trời, cá nước là của nhân dân, vậy nhân dân ra biển hốt về, làm giàu… tại sao bắt các chủ ghe phải hợp tác với nhân dân, mà cái ghe đâu phải từ trên trời rơi xuống hay của nhân dân đóng góp. Nó là mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu, cần kiệm bao năm mới mua được chiếc ghe. Bây giờ, bắt vào hợp tác xã, ăn đều chia đủ, là nghĩa lý làm sao vậy mầy?
 
Thằng Báo im lặng một lúc, rồi nói: “Cấp trên bảo tui về đả thông tư tưởng, vận động để tía xung phong tự nguyện hiến ghe cho Hợp Tác Xã, như thế là giác ngộ cách mạng sẽ được tuyên dương và ưu đãi…”
 
Tôi trả lời thẳng thừng: “Tao chẳng cần ai tuyên dương, ưu đãi. Tao chỉ mong yên phận làm ăn với nghề chài lưới như tao với mày đã làm ăn lúc trước.”
 
Thằng Báo nói câu cuối cùng trước khi ra về: “Lúc này: khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống! Tùy tía suy nghĩ…”
 
Cái thằng ngày nào có vẻ khờ câm, ít nói. Bây giờ, mới theo “cách mạng” có mấy tháng mà nó nói những câu dạy đời y chang mấy ông cán bộ Việt Minh lão luyện đã dạy tôi cách sống dưới thời “chín năm kháng chiến” ở vùng Liên khu 5.
 
Ngẫm ra “cái nghề làm cách mạng” cũng dễ học, mà sướng tấm thân. Bao nhiêu năm nay, các cán bộ cộng sản chỉ cần học thuộc năm, bảy câu căn bản, rồi đi truyền bá, vận động cho dân chúng làm, cán bộ cách mạng chỉ huy, nhà nước quản lý. Thế là trong ấm, ngoài êm… Ai chống đối thì chụp cho cái mũ “phản động” cho vào tù. Thế là hết cãi…
 
Ông Năm nhấp ngụm trà, rồi kể tiếp cuộc “đổi đời” của dân xóm chài sau ngày “giải phóng”:  
- Hai ngày sau khi thằng Báo đến nhà vận động tôi xung phong đem ghe hiến cho Hợp Tác Xã, tôi nghe tin ông Tư Râu nhảy lầu tự tử.
 
Trong xóm chài này, chỉ có nhà ông Tư Râu xây gạch hai tầng. Ông ở nhà mới này hơn một năm, thì quân “giải phóng” vào. Họ “mượn” tạm căn nhà hai tầng - tầng trên dành cho bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; tầng dưới làm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Họ cho vợ chồng ông ta ở căn chái sau bếp. Còn hai chiếc ghe bầu và vựa cá của ông, họ kiểm kê và tịch thu tất. Họ bảo: ông Tư Râu là thành phần tư sản mại bản gộc, ác ôn, bóc lột, ức hiếp dân chài! Nhưng qua chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, chỉ tịch thu tài sản, không bắt vào tù!

Có lẽ ông Tư Râu chưa được ai “đả thông tư tưởng…” nên ức quá! Đêm khuya vắng vẻ, ông lẻn lên lầu hai, nhảy xuống tự tử. 
 
Thằng Út Trọc, hay tin ông Tư Râu tự tử, tối hôm đó nó lén lấy ghe ra khơi, dông luôn…
 
Thế là “thằng khôn” đã tự tử, “thằng biết” đã dông ra nước ngoài, còn lại “thằng dại” là tôi bị bắt vào trại tù cải tạo một cách lãng xẹt. Chưa chết là may.
 
Tôi kể ông nghe chuyện họ bắt tôi vào tù như thế này có oan không:
 
- Sau cái chết của ông Tư Râu và thằng Út Trọc biến mất, chỉ mình tôi là chủ ghe lớn còn bám trụ, nên dân xóm chài xôn xao bàn tán, rồi đến hỏi ý kiến của tôi. Chính quyền nghi tôi có âm mưu sách động dân chài chống lại chủ trương, đường lối của “cách mạng”, nên họ mời tôi ra trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, hạch hỏi đủ điều. Cuối cùng họ bảo tôi ký giấy hiến chiếc ghe bầu và vào Hợp Tác Xã. Tôi không chịu ký. Thế là, họ không cho tôi về nhà, đưa thẳng vào trại cải tạo.
 
Trại này có khoảng ba trăm sĩ quan và viên chức của chế độ cũ. Ngày đầu tiên vào trại, một tên cán bộ dẫn tôi đến gặp tên trưởng trại. Tên này có vẻ hòa nhã với tôi. Mở đầu hắn bảo: “Tôi biết anh không phải là thành phần có nợ máu với nhân dân, cũng không thuộc phần tử phản động, nhưng anh chưa thông suốt đường lối, chính sách của cách mạng, nên chính quyền địa phương gởi anh vào đây để học tập cải tạo tư tưởng, khi nào tiến bộ và thông suốt đường lối chính sách của cách mạng thì chúng tôi cho anh về sum họp với gia đình, làm ăn bình thường và giúp ích cho xã hội.” Tôi hỏi lại hắn: “Vậy, tôi là người tù không có tội?” - “Đừng nói thế, đây là Trại Cải Tạo.”
 
Hắn trả lời, rồi nói tiếp: “Tạm thời, tôi bố trí cho anh ở cái chòi, gần chuồng dê, tự do đi lại trong khuôn viên của trại. Công việc của anh là chăn mấy chục con dê. Sáng mở cổng cho chúng nó ra ngoài kiếm ăn, chiều lùa chúng vào chuồng. Tối anh ngủ luôn ngoài chòi, không phải vào buồng giam như đám ngụy quân, ngụy quyền. Loài dê khôn lắm, chúng nó sống theo bầy đàn - sáng ra rừng kiếm ăn, tối tự động trở về chuồng - anh chỉ trông chừng, theo dõi con “dê chúa” là con dê đầu đàn, đang ở đâu thì bầy dê ở đó, chứ không phải chăn dắt từng con.”
 
Chấm dứt cuộc gặp gỡ, hắn nhìn tôi cười đểu: “Mong anh tìm được ‘cái thú’ chăn dê mà an tâm học tập cải tạo.”  Hắn bấm chuông gọi tên vệ binh dẫn tôi ra ngoài. Từ hôm đó, tôi bắt đầu nếm trải cuộc sống của người tù cải tạo mà Việt Cộng gọi là “trại viên”.
 
Chúng nó bắt tôi chăn dê gần ba năm thì thả. Không phải do học tập tiến bộ đâu - có học tập cái khỉ khô gì đâu mà tiến bộ, suốt ngày chỉ có chăn dê! Nhưng nhờ hai cây vàng của bà xã tôi “cúng” cho thằng trưởng trại, qua sự móc nối của thằng Báo.
Tôi được về nhà thì mọi việc đã an bài- coi như mất trắng! Nhớ lời thằng Báo: “Thời buổi này khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Cái “biết” ở đây là “biết không sống nổi” với đám “cô hồn Việt Cộng,” Thế là, tôi tìm cách đưa vợ con “dông” sớm!
 
Ông Năm ngưng một chút, rồi có vẻ hóm hỉnh, nhìn tôi, nói tiếp:
 
- Chuyện đói khổ trong tù, chuyện vượt biên nguy hiểm, ông đã trải qua và rành sáu câu… hơn nữa đã có nhiều người nói đến rồi, khỏi kể! Nhưng chuyện chăn dê của tôi trong trại cải tạo rất ly kỳ và hấp dẫn. Nếu ông muốn nghe, tôi sẽ kể. Không hay, không lấy tiền…
 
Tôi cười, gật đầu! Chờ đợi lắng nghe… Ông Năm bắt đầu:
 
- Ôi!  Cuộc đời “dê chúa”, nó sướng làm sao! Trông nó vừa uy nghi, vừa  ngộ nghĩnh và có lắm chuyện ly kỳ… 
 
Nói đến đây thì bà Năm xuất hiện, bưng lên hai tô cháo trắng với đĩa cá nục kho mặn, mời chúng tôi ăn sáng. Ông Năm ngưng ngang câu chuyện “dê chúa” và chuyển đề tài. Ông tỏ ra đạo mạo có vẻ gia trưởng, nói với Bà Năm:
 
- Cảm ơn bà, chỉ có bà kho cá nục là tôi chịu…
 
Rồi xoay sang tôi: - Mời ông ăn cháo. Cháo trắng ăn với cá nục kho mặn do bà nhà tôi kho, ông sẽ nhớ đời…
       
Có lẽ được khen, bà Năm khoái chí đem hết chuyện nhà ra kể, hết chuyện này sang chuyện nọ. Tôi thì nóng lòng, mong bà rút lui, để được nghe tiếp chuyện con “dê chúa”. Nhưng bà nói miết, nào là: “Ngày trước ông Năm dụ dỗ bà đẻ nhiều con để khi ra biển ‘đông có mày, tây có tao’. Bây giờ sang đây, người ta chỉ thuê chung cư một phòng là đủ, nhà bà phải thuê đến ba phòng, trả tiền mệt nghỉ!” Rồi bà than: “Ngày trước bà vá lưới dưới gió mát trăng thanh, sướng hơn bây giờ, ngồi may những lố áo thun.” Cuối cùng bà tiết lộ: “Tháng tới, gia đình bà sẽ dọn xuống Louisiana làm công cho thằng Út Trọc. Thằng Út Trọc mới gọi điện thoại… bảo gia đình bà, xuống dưới đó, nó bao ăn, bao ở, trả lương gấp đôi, gấp ba số tiền ổng đi rửa chén và tôi may vá. Bây giờ nó giàu lắm, có đến hai chiếc tàu đánh cá.”
 
Bà Năm vừa dứt câu chuyện, cũng là lúc đến giờ tôi đi làm ca chiều. Tôi chào ra về mà lòng cứ tiếc - chưa nghe hết câu chuyện ly kỳ về con “dê chúa”. Một tháng sau, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc làm bữa tiệc tiễn đưa gia đình ông Năm Đại Lãnh về với biển Louisiana.
 
Thời gian thấm thoát trôi qua, mười mấy năm sau khi gặp lại, tuy mỗi người một cảnh, nhưng cả ba gia đình chúng tôi đều bằng lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy hạnh phúc khi những ước mơ đã thành hiện thực.
 
Vợ ông giáo Lộc tốt nghiệp y tá, được vào làm ở bệnh viện Inova Fairfax Hospital, lương cao. Ông giáo Lộc lấy bằng CPA (Certified Public Accoutants) được sở thuế Liên Bang tuyển dụng. Thằng con trai theo gót mẹ học ngành Y, ra bác sĩ. Cuộc sống coi như thuộc vào tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
 
Còn tôi, sau một thời gian làm cu li, dành dụm ít tiền mở tiệm giặt ủi - kiếm sống được và đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học thành tài.
 
Riêng gia đình ông Năm, có đuợc cơ may, làm ăn khấm khá nhất. Ông Năm thỏa mãn ước mơ trở về với biển và làm giàu rất nhanh. Lúc đầu xuống Louisiana, làm công cho thằng Út Trọc trong hai năm, sau đó ông ra riêng. Nhờ sự giúp đỡ của Út Trọc ông mua được một chiếc tàu đánh cá, hai năm sau mua chiếc thứ hai. Bốn đứa con trai, ngày nào còn là mối âu lo của ông bà Năm, làm sao nuôi nổi bốn đứa con ăn học. Bây giờ, hai đứa con lớn, theo nghề của cha, mỗi đứa trông coi một chiếc tàu đánh cá; thằng con thứ ba tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, mở hãng sửa tàu; thằng út học ra bác sĩ.
 
Trông bốn đứa con của ông bà Năm làm nên sự nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện “tứ quý”, “ngũ long”. Ông bà mình ngày xưa thường bảo: vợ chồng đứa nào sinh năm đứa con gái liên tiếp - gọi là ngũ long, hay bốn đứa con trai liên tiếp - gọi là tứ quý thì sẽ làm ăn nên nổi. Nay ở Mỹ mà khuyên con cháu như thế, chắc chúng nó sẽ lắc đầu.
 
Mùa hè năm rồi, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc xuống Louisiana dự lễ mừng thượng thọ tám mươi của ông Năm, do các con ông tổ chức rất xôm tụ. Trong tiệc vui, tôi hỏi ông Năm:
 
- Bây giờ chính quyền Việt Nam không còn coi những người bỏ nước ra là phản quốc nữa mà coi như “khúc ruột ngàn dặm”. Họ còn khuyến khích những người đang ở nước ngoài về thăm quê hương, hoặc đem tiền về đầu tư làm ăn, không làm khó dễ nữa… Vậy ông có tính về thăm quê hương một chuyến “trối già” không?
 
Ông Năm không “gật!” không “lắc!”  Chỉ nói một câu nghe như lạc đề, nhưng ngẫm ra thấy thấm:
 
- “Khúc ruột ngàn dặm” mới nghe thấy “mùi”, nghe lâu thấy “đểu”, nghe hoài thấy “thúi” vì khúc ruột có thơm bao giở? Vậy chớ vội nghe “những gì Cộng sản nói …”
 
Ông Năm nói tiếp:
 
- Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trước đây dân ta liều chết bỏ quê hương có “chùm khế ngọt” để tìm đến cái xứ mà mấy ông Việt Cộng thời đó bảo rằng: “cái nước tư bản sắp dãy chết” này.
 
Tôi cảm thấy, ông Năm vẫn còn ấm ức về sự vừa bị mất của vừa phải đi tù cải tạo mấy năm trời, sau ngày “giải phóng”. Bấy lâu nay, có lẽ nó chìm trong ký ức, bây giờ trổi dậy, khiến ông Năm có những lời cay cú trong tiệc vui.
     
Để hạ nhiệt, tôi nhắc cái thú chăn dê trong trại cải tạo mà ông đã từng khoe với tôi là rất ly kỳ và hấp dẫn … Tôi bảo:
 
- Ông còn nợ tôi câu chuyện về con “dê chúa”.
 
Ông Năm cười khì khì:
 
- Chuyện đó sẽ kể, khi nào chỉ có hai ta.
 
Ông Năm vui trở lại với niềm hạnh phúc đang có…
 
 
Lê Đức Luận

(Tháng 4- 2025)    

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 248,605
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng: - Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? - Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó? Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm.
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, khuất sau những tàng cây cổ thụ, phủ đầy rêu phong và ký ức. Mỗi viên gạch, mỗi góc tường, đều như đang thì thầm câu chuyện về một gia đình đã từng hạnh phúc, ấm êm. Ông Lâm, với mái tóc bạc phơ như sương tuyết và dáng người gầy gò, liêu xiêu theo năm tháng, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây cũ ở hiên nhà. Chiều tà buông xuống, nhuộm tím cả khoảng sân, mang theo hơi lạnh se sắt của cơn gió trở mùa, lay lắt những cánh hoa đỗ quyên đỏ thắm trước ngõ, như ngọn lửa nhỏ đang cố gắng níu giữ hơi ấm sắp tàn lụi. Mỗi cơn gió đi qua, ông Lâm lại khẽ rùng mình, không phải vì lạnh, mà vì nỗi cô đơn quạnh quẽ đang bám riết lấy ông từ hai năm nay. Từ ngày người vợ yêu quý của ông về với đất.
Nhạc sĩ Cung Tiến