Tác giả Việt An sinh năm 1976, qua Mỹ năm 1993, định cư ở Austin, Texas. Cô từng là kỹ sư điện tử ở Intel, nay là nhân viên của bộ Ngân khố, đồng thời là thông dịch viên tự do.Việt An bắt đầu tham dự chương trình Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm nay với bài viết “Giấc Mơ Mỹ”.
***
Một người đàn ông mang khẩu trang, mặc áo khoác trắng với bảng tên “Nguyen, Hai M.D.” ghé mắt nhìn vợ con qua cửa sổ nhà. Họ nói gì đó qua cửa kiếng, không nghe rõ tiếng, chỉ thấy nhép miệng, hôn môi xa cho nhau, rồi người chồng quay lại trực trong nhà thương ngay, vì một căn bịnh truyền nhiễm gì chăng?
*
Chuông điện thoại dưới nhà reo, bé Khang đang chơi máy điện toán trong phòng game trên lầu nhanh nhảu bắt điện thoại, nói nheo nhéo:
- Hello? Daddy? Yes sir… OK… Do you need to talk to mom? See you at dinner, daddy. Mom? Daddy wants you. (Chào ba. Dạ, ba muốn nói chuyện với mẹ phải không? Con sẽ gặp ba ở bữa cơm tối. Mẹ ơi, ba muốn nói chuyện với mẹ.)
Bé Khang cầm điện thoại trao cho mẹ, lúc đó đang lui cui dưới bếp chuẩn bị cơm tối cho gia đình. Thấy Khang từ cầu thang xuống, nàng hỏi:
- Who's that, Khang? Is it daddy? (Ai vậy Khang? Ba hả con?)
Đặt điện thoại vào tai, với giọng trong trẻo, ngọt ngào…
- Hi, honey!
- Em rước bé Khang về hồi nào, cưng? Chiều nay cho cha con anh ăn gì đây vợ yêu?
- Dạ anh yêu. Em cũng mới về đây thôi. Em có ghé ngang qua chợ Hồng Kông mua đồ nấu hủ tíu Mỹ Tho. Anh ăn thử coi có ngon bằng tiệm không nhe.
- Cám ơn bà xã. Chắc Khang đã làm bài tập rồi hả em? Nó khoe anh hôm nay được 100 điểm môn ngữ văn và A+ trong lớp toán.
- Anh biết đó, bé Khang nhà mình quá thông minh so với bạn cùng lứa nên mấy bài toán cô cho quá dễ với nó. Dạ đã xong rồi anh, nên em cho con chơi game một chút rồi tối nay hai đứa mình cùng đọc sách với con.
- Em biết nó giống ai không? Giống em đó. Ngày xưa em bao giờ cũng đứng nhứt lớp, anh còn ganh tị với em kia mà.
- Không phải đâu, nó giống anh đó! Khả năng ngôn ngữ thì đồng ý giống em. Hôm nay có nhiều ca cấp cứu không anh? Thôi, anh về sớm nhe. Mẹ con em đợi. Love you, Cưng!
- Có em, nên anh hơi mệt và mong sớm được về nhà với mẹ con em. OK, Cưng. I'll see you in a little while!
Một tiếng đồng hồ sau, nghe tiếng ồn ngoài nhà xe, Hà khẽ vén tấm màn ren trắng toanh nhìn ra cửa thì không ai khác hơn là chiếc xe Lexus đời mới nhứt quen thuộc của gia đình. Hải vội vã từ trong xe bước xuống, tra vội chìa vào ổ khoá, cửa mở toang trước khi Hà vừa kịp đến. Hải khẽ hôn nhẹ vào môi vợ trong lúc tháo giày, vừa lúc thò tay vào túi lấy chiếc iPhone đặt trên bàn. Hà đỡ lấy chiếc áo khoác cho chồng. Căn nhà sang trọng hai tầng gồm năm phòng ngủ, tọa lạc ở Sugarland, Houston, trong một khu cư dân có thu nhập cao, ẩn hiện dưới rừng thông mát rượi, có hồ đằng sau nhà mà từ nhỏ Hà vẫn thích.
*
Sau hai cảnh mơ, Hà giựt mình tỉnh giấc và nhận ra đây chỉ là giấc mơ, nhưng tại sao người phụ nữ trong mơ lại giống cô, và người đàn ông lại là Hải, người bạn chí cốt hồi còn ở Việt Nam? Là sinh viên Y Khoa năm thứ hai, trường Harvard, Hà sang Mỹ chưa đầy 5 năm theo diện H.O. Gia đình cô có vỏn vẹn bốn người: ba mẹ, hai chị em, và không có nhứt một thân quyến nào ở Mỹ. Hà học rất khá, đam mê cứu người và mong muốn sẽ có một sự nghiệp vững vàng. Cô lấy tay dụi mắt để phân biệt giữa giấc mơ và hiện tại. Vẫn chưa muốn bước xuống giường ngay và muốn “ngủ nướng” thêm một lát trong những ngày nghỉ lễ như thế này để lấy lại sức bù cho những đêm thiếu ngủ vì học bài thi. Trong cơn mê ngủ chập chờn, Hà đưa tay kéo tấm mền đắp cho ấm. Rồi Hà lại nhắm nghiền mắt lại, thiếp đi lúc nào không hay. Giấc mơ khác lại đến, lần này là quá khứ, những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với thiếu thốn và gian khổ nhưng êm đẹp và thơ mộng lại hiện về…
- Hà ơi, con sửa soạn xong chưa, Hải với Mai tới rồi kìa?
Bà Nội từ nhà bếp bước lên, kêu vọng vô buồng.
- Dạ, con ra liền Nội. Nội nói Hải và Mai đợi con một chút.
Hà lật đật chải vội mái tóc loe ngoe có mấy sợi, để lộ cái trán cao và rộng như “cái sân đình” mà mọi người cho là “vồ” rồi xách vội chiếc cặp đi ra. Hải và Mai đang đứng đợi ở cửa ngõ có giàn bông giấy đỏ rực.
- Con bỏ theo mấy đồng ăn cà rem.
Nội vừa nói, vừa tháo kim tây áo túi, móc từ trong túi đưa Hà 100 ngàn đồng. Hà cám ơn Nội rồi nhanh nhảu tiến về phía Hải và Mai.
- Thưa Nội con đi học!
- Ờ, con đi cẩn thận nhe!
Ba đứa nhỏ tung tăng cắp sách đến nhà cô giáo, học thêm ở tận trong đồng xa. Hôm nào ba đứa cũng rủ nhau đi học. Có khi, Hải chở Hà và Mai trên xe “cùi” (xe không niềng, không thắng, mỗi khi mưa là người ngồi sau lãnh đủ). Hà ngồi trong, Mai ngồi ngoài trên cái yên sau ngắn, nhỏ, nhưng cũng may là vì thiếu ăn nên đứa nào cũng ốm tong ốm teo, không sợ chật. Con Mai ngồi ngoài sợ té nên cứ ép Hà sát về phía Hải, khiến cho Hà “ôm eo ếch” Hải chặt cứng. Có hôm, mỗi đứa một chiếc xe. Vì vừa thấp, vừa đường đồng khó chạy, chúng đứng trên bàn đạp chạy thay vì ngồi lên yên. Hải, nam nhi, dẫn đầu, theo sau là Mai, rồi tới Hà. Hải và Mai đang chạy bỗng nghe “tõm” thật lớn. Cả hai quay lại thì không thấy Hà đâu cả, chỉ thấy xe mini của cô Bảy chỏng gọng lên trời, bánh còn quay như chong chóng theo quán tính, cổ xe quẹo qua một bên.
- Hà?
Hải hốt hoảng gọi Hà rồi vội vã quăng xe mình, chạy về phía Hà.
- Đưa tay đây Hải kéo lên cho!
Hải vội vạch mấy bụi lúa tháng chạp đã bị Hà nằm đè bẹp, bước vội xuống con rạch khá sâu, cao hơn đầu gối. Cậu nắm vội lấy cánh tay gầy tong teo của Hà. Hà thì vừa e thẹn vì bị té ruộng, vừa được người con trai nắm tay lần đầu tiên. Cả hai khi đó chỉ mới 11 tuổi. Rồi như một phản xạ tự nhiên, Hà rút nhẹ cánh tay, cố ý không cho Hải giúp. Trong khi đó, không biết vì quá sốt sắng và nóng ruột hay vì vô tình, cánh tay Hà đã nằm gọn lỏn trong lòng bàn tay rắn chắc của Hải. Hải vận hết sức mình để kéo Hà lên khỏi con rạch khá sâu có trồng lúa. Vừa lúc đó, Mai cũng vừa chạy lại xem Hải có cần giúp gì không. Hải sốt ruột, giọng lo lắng hỏi:
- Hà có sao không? Hà bị đau ở đâu? Hà ngồi đây, nhờ Mai coi chỗ nào dính bùn, gụt bộ đồ giùm Hà. Để Hải chạy qua quán bà năm Tươi mua dầu về xứt cho nhe.
May cho cả bọn là quán nước đá bào của bà Năm Tươi chỉ ở gần đó thôi. Mang tiếng là quán nước nhưng bà bán đủ các loại tạp hóa và văn hoá phẩm cho học trò. Hải trở lại, cầm chai dầu xanh ông Thọ, ân cần thoa chỗ đầu gối bị bầm tím vì va vào sườn xe đạp cho Hà. Mai vô lớp trước. Hải và Hà đứng một buổi ngoài trời, chờ cho đồ Hà khô lại. Hải cứ lấy tập quạt vô Hà cho đồ mau khô. Bộ đồ Mẹ mới may và cũng là bộ đồ Hà thích nhứt tiêu rồi, giờ đã tẩm mùi nước hoa “Bùn Non” thơm phức.
*
Trưa hôm ấy, sau khi đi học về, Hà quải trên vai cái giỏ Nội may từ bao nylon, bên trong có một cái liềm, vào khu nhà Hải, cắt cỏ rau diệu cho heo ăn. Nhà Hà nằm ở ven sông, nước mặn có phèn nên mỗi khi muốn có rau heo ăn trong đồng, Hà phải băng qua con lộ trước nhà, vào tận cánh đồng cạnh nhà Hải. Mẹ Hải là thợ may trong đồng thưa thớt nhà, mười trên mười đã là nông dân chân lắm tay bùn, không mấy ai có nhu cầu ăn diện. Cũng giống như Hà, Hải là con trưởng trong nhà của ba đứa em nhỏ cách nhau một vài tuổi. Thấy Hà khệ nệ khiêng giỏ rau diệu bỏ dưới góc bờ chỉ cách nhà Hải có nửa thửa ruộng, từ trong nhà bước ra, Hải đưa hai bàn tay đặt lên miệng giả làm loa, la to:
- Hà ơi, vô nhà Hải chơi chút đi, chơi nhảy lò cò, có con Phi chơi nữa.
- Ồ…Để coi… Ờ…Chút xíu nữa nhe. Hà cũng sắp xong rồi.
Có chút ngần ngại, Hà đáp lời Hải.
Bữa đó, Ba Mẹ Hải đều đi vắng, chỉ có mấy anh em ở nhà. Ngôi nhà vách lá đơn sơ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói giòn tan “bể vách” của anh em Hải. Từ nhỏ, Hải đã biểu hiện tánh kỹ lưỡng, ngăn nắp mà hiếm khi thấy ở một đứa con trai. Hôm nào đi học quần áo cũng chỉnh tề, ủi “xếp ly". Lạ quá, đây là lần đầu tiên đến nhà Hải, nhưng dù ở nhà, Hải cũng mặc quần tây đàng hoàng. Chẳng lẽ lúc nào Hải cũng vậy sao? Hà thầm hỏi. Trước khi chơi lò cò, Hà được Hải và Phi dắt đi tham quan. Gian nhà bếp đơn sơ, vách đất, không có gì ngoài mấy ông táo đen thủi đen thui. “Soạt”. Hà nhìn xuống chân coi mình đã đá phải cái gì. Thì ra là cái hộp quẹt diêm. Cái đèn dầu nằm trơ trọi dưới đất bên cạnh nồi cơm thơm phức vừa chín trên bếp rơm, lửa còn ửng đỏ. Tiếng động và tiếng cười khúc khích của ba đứa làm con gà mái đang ấp trong kẹt bếp hoảng hồn chạy ra, kêu “cục tác”.
Trở vào nhà trên và dù nền đất nhưng rất bằng phẳng và mát dịu. Hải tìm được một miếng gạch Đồng Nai bị bể, nên bò xuống sàn đất vẽ ô lò cò. Cả bọn đang chơi thì ba mẹ Hải về cùng với những nhân công cắt và đập lúa, nhưng rất quen vì ở trong xóm nên họ biết rõ và thường hay “cặp đôi" hai đứa. (Ngày xưa, ở thôn quê miền Nam, công cắt lúa, đập lúa được chủ đãi cơm trưa). Cả bọn ngưng chơi để Hải và Phi dọn cơm. Lẽ ra, Hà phải về, vì Mẹ dạy tới nhà ai chơi gặp lúc họ ăn cơm phải về. Vừa lúc đó, trời đổ mưa. Mưa như trút hết nước xuống và hình như ông trời muốn giữ Hà ở lại. Mưa rơi càng lúc càng nặng hạt trên cánh đồng bạt ngàn lúa làm cho cả cánh đồng bao la trở thành xám xịt, âm u trong biển mưa dày đặc. “Chết rồi, mưa lớn quá làm sao về đây?Mưa bao giờ mới tạnh?Cũng đã trễ lắm rồi.Mẹ dặn về sớm. Kỳ này về sẽ bị la và có thể bị ăn đòn”.
Tiếng mẹ Hải cắt ngang dòng suy nghĩ của Hà:
- Hà ở lại ăn cơm nghen con.
“Không được”. Hà nghĩ thầm. “Nếu ở lại sẽ bị nhà la dữ lắm. Mình không thể ăn cơm khách”. Nhưng cuối cùng, Hà cũng phải ở lại chờ trời tạnh mưa.
- Dạ thôi Cô Năm. Con không ăn đâu!
Mọi người ngồi vào bàn ăn. Hà ngồi trên những bao lúa ba mẹ Hải vừa gặt xong, đem về để trước hành lang nhà, vẫn còn ẩm và thơm mùi lúa mới. Nhìn xuyên qua tấm vách đan bằng cây trước nhà, thấy Hải cố gắng đưa cọng đậu que vô miệng mãi mà không được, Hà thốt lên:
- Sao Hải lớn rồi mà còn ăn bằng muỗng?
Hà và mọi người cười lớn làm Hải mắc cỡ đến đỏ mặt. Chị Sáu và chị Tám (công gặt) châm thêm, lần này không chỉ Hải mà Hà cũng bị vạ lây.
- Hải và Hà cười thấy răng cửa giống nhau quá Cô Dượng Năm hả?
- Hải-Hà, cả tên tụi bây ghép lại nghe cũng hay nữa!
Hà vừa cười Hải thì keo này bị lỗ nặng. Cô bé rụt rè lấy hai tay che mặt như cố giấu lấy sự e thẹn đến quá bất ngờ. Cả nhà ăn cơm xong thì mưa cũng dần tạnh. Hải ăn xong sớm nhứt rồi mang chén muỗng xuống nhà sau. Nghe đàn vịt đang ăn lúa dưới ruộng bên hông nhà, vội vã không kịp rửa miệng, cậu xăn quần lên, lội xuống đuổi đàn vịt vô. Hà đứng dưới hành lang nhìn theo. Bóng Hải chợt mất hút trong những rặng lúa vàng, nặng trĩu, chờ ngày gặt hái. Cả một cánh đồng vàng rực màu lúa chín hiện ra trước mắt Hà.
*
Lần này thì cô đã tỉnh hẳn. Cô đứng bật dậy, rửa mặt, đánh răng và tập vội mấy động tác thể dục buổi sáng để kịp ăn sáng với gia đình. Cả nhà đang đợi. Lối sống của Hà có hơi gò bó trong phạm vi nhỏ hẹp trong gia đình và một số ít bạn bè thân. Là sinh viên Y Khoa, cô rất kén chọn trong việc kết bạn, phần vì ở đây khó tìm bạn tốt, người vừa ý thức được việc học là quan trọng trên xứ sở này, vừa giản dị không se sua, đua đòi, vừa thích cải thiện bản thân, vừa có lòng với quê hương. Thế nên, quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu người, vừa gia đình, vừa bạn hữu. Vả lại, thời giờ không cho phép cô giao tiếp rộng rãi hơn. Thời gian đi học, đi làm đã chiếm hết thời khóa biểu của cô nên cũng không làm gì được. Lắm lúc, Hà cũng thấy cô đơn, nhứt là những dịp Noel, Lễ Tạ Ơn và Tết Nguyên Đán. Người người quây quần bên nhau, chỉ có gia đình cô là không một thân quyến, họ hàng. Ba Hà thì không thích giao thiệp với ai. Có lúc, cô tự vấn: “Mình sống như vầy có quá khắt khe không?” Nhưng rồi nghĩ đến ba mẹ và những người thân, cả bản thân cô nữa, đặt rất nhiều hy vọng nơi cô, mong cô có một nền học vấn tới nơi tới chốn trên xứ sở được mệnh danh là miền đất của cơ hội này. Cô sẽ tìm được Giấc Mơ Mỹ. Rồi Hà tìm được câu trả lời chính đáng nhứt. “Tôi ơi, sẽ phải thành tài, sẽ tốt nghiệp trường Y, sẽ đỗ đạt và có sự nghiệp”.
Cuộc sống hiện tại còn nhiều khó khăn, với Hà thì đang học Đại Học Y, em trai thì là junior (lớp 11) ở trung học. Gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương của ba mẹ. Lắm lúc nghĩ lại, Hà thấy tủi thân cho mình và gia đình, nhứt là ba mẹ đã lớn tuổi. Có rất nhiều gia đình sang đây cũng xấp xỉ cùng lúc với nhà cô. Thời gian đầu, họ ở trong một xóm đạo gần nhà thờ La Vang, Houston. Chỉ vài năm sau, ai cũng đi mua nhà, duy chỉ mỗi nhà cô là chuyển lên chung cư. Lý do rất dễ hiểu là: ba mẹ cô không có con lớn đi làm. Nơi gia đình ở hiện giờ là condominium thuê gồm có sáu căn hộ, nhưng an ninh không được bảo đảm. Thỉnh thoảng xảy ra những vụ trộm xe ngay trong bãi đậu xe nhà. Vụ cướp mới xảy ra hôm trước cách nhà cô chỉ một căn. Cô tự hỏi đến khi nào thì những người hiếu học như cô, cực khổ một đời như ba mẹ cô được đền bù xứng đáng bằng một hoàn cảnh tốt đẹp hơn như mong muốn?
Nhưng cô giữ vững lòng tin ở ngày mai. Ngày mai sẽ cho cô câu trả lời thỏa đáng nhứt. Hy vọng và quyết tâm sẽ đánh bại tất cả, không để cô sa ngã vì bất cứ thứ gì. Boston, Massachusetts là thành phố lớn thứ ba toàn Hoa Kỳ, có không ít cám dỗ nhưng cô vẫn dốc tâm học. Cô thích sống đơn thân độc mã như thế. Đi đâu, học bài cũng chỉ có cô và cô. Một thiếu nữ đôi mươi mà yêu thích tĩnh lặng là điều hiếm có giữa dòng đời đầy cám dỗ này. Thu về, ở New England, đâu đâu cũng đẹp như những bức tranh ngũ sắc của mùa thu miền Đông Bắc. Cô hay tìm một băng ghế ngoài trời thật yên tĩnh rồi vùi mình vào trang vở. Cũng có rất nhiều chàng trai tỏ tình với cô, Việt có, Mỹ cũng có, nhưng chưa ai có được đầy đủ những ưu điểm như người “thanh mai trúc mã” ở quê nhà. Rồi cũng như bao lần trước, họ chờ cô không được nên đi lấy vợ. Có người hỏi đùa “Có phải trái tim Hà vẫn còn để lại trên quê hương?” Hà cũng không rõ là mình có yêu Hải không hay đó chỉ là mối tình ô mai nhẹ nhàng tuổi học trò. Nếu có thì làm sao xây dựng lâu đài tình ái cho cả hai đây? Nếu không, Hà sẽ không chọn bất cứ ai kém hơn Hải dù là một điểm nhỏ để làm bạn trai. Hải là thước đo chuẩn mực nhứt nơi một người bạn trai mà Hà đặt ra cho mình.
Lắm lúc, tư tưởng cô hay rời thực tại, bay bổng qua đại dương, trở về quá khứ, quay về thời cấp ba. Cô còn nhớ rất rõ, năm ấy cô học lớp 11, Hải làm trưởng lớp, Hà làm lớp phó học tập. (Và hình như hai đứa đã thay phiên nhau trong vị thế này từ nhỏ.) Trời chiều tà, mặt trời đỏ ửng sắp đi ngủ. Hà ăn cơm chiều một mình vì cô đi học về trễ, cả nhà đã ăn trước hết. Lúc sắp xong thì Hải đến để hoàn trả lại cuốn tập Anh văn anh mượn hôm trước. Đợi Hà ngoài hành lang nhà, cả hai đều luống cuống và bối rối khi chạm mắt nhau. Tay Hải run run chuyển tập cho Hà, mắt đăm đăm nhìn cô bạn dễ thương có đôi mắt sáng và vầng trán cao mà nay đã “trổ mã”. Tim Hà đập thình thịch như chưa từng có trong đời. Trong giây lát, hai ánh mắt khóa chặt lấy nhau. Vạn vật như đứng yên. Thế giới như ngừng quay trong phút chốc! Bẽn lẽn là lẽ thường tình của người con gái. Hà quay đi chỗ khác trong khi Hải vẫn đang nhìn cô không chớp mắt. Tiếc thay, Hà đã phá vỡ giây phút quý báu của hai người: “Cám ơn Hải. Hải đã học cho bài kiểm tra Hóa ngày mai chưa?” Sau này, Hà vẫn tiếc hùi hụi tại sao đã làm chuyện dại dột ấy. Cô nên đợi một tí nữa, một tí xíu nữa thôi, xem Hải sẽ làm gì? Hải sẽ “thơm” lên má Hà một nụ hôn đầu đời chứ? Hay một cái nắm tay? Nhưng ánh mắt Hải đã nói lên tất cả; thần giao cách cảm đã giúp Hà hiểu được trái tim Hải. Dù Hải có thích thầm Hà, chưa bao giờ thổ lộ và cũng không cho ai biết cả. (Cho đến sau này Hà lấy chồng, Hải mới nói đó là quyết định sai lầm lớn nhất đời mình - thương thầm mà không dám nói. Riêng Hà, sau này có tới hai, ba người nói y như thế). Cả hai vẫn duy trì tình bạn thân thiết thuở thiếu thời. Hà vẫn học giỏi như ngày nào. Nếu như Hà giỏi đều thì Hải đặc biệt thông minh về các môn Khoa Học Tự Nhiên. Tâm lý của con trai không muốn thua con gái, nên dù có thích Hà, Hải vẫn có chút ganh tỵ và gia tự ái của con trai.
*
Giở lại tấm hình Hải gởi mấy tháng trước, Hà nhận thấy Hải nay đã già dặn hơn trước nhiều, tuy dáng vẻ nam nhi với đôi mày rậm đen trên khuôn mặt chữ điền và làn da bánh ít vẫn còn đó, Hải ốm hơn xưa nhiều. Xa cách nhau năm năm rồi còn gì! Sự thay đổi về hình thức do thời gian này hình như làm Hà hơi buồn nhưng vẫn viết thơ về khen Hải là hình đẹp. Rồi hai con bướm ép bằng hoa phượng mà trong thơ Hải đề “tặng Hà hai con bướm mà Hải đã làm hồi lớp 8, lúc đó hai đứa mình đoạt giải vở sạch chữ đẹp đó, Hà còn nhớ không?” Nhớ chứ Hải, Hà nhớ như in! “Chữ viết của Hải vẫn đẹp như ngày nào!". Hà trả lời thơ Hải rồi nhoẻn miệng cười một mình. Nét chữ rất cứng cáp, tuy không bay bướm lả lướt, nhưng rất bản lĩnh của một con người chơn chất, thành thật, đầy nghị lực, vượt khó, vươn lên, và cầu tiến trong mọi hoàn cảnh. Chả trách gì, Hải là sinh viên Bách Khoa Xây Dựng, năm cuối.
*
Cuối cùng rồi Hà cũng tốt nghiệp Y Khoa và lấy chồng là bác sĩ Nha Khoa. Khi Hà có hôn phu và dẫn về Việt Nam giới thiệu, Hải buồn quá uống tới say bí tỉ hôm họp bạn. Hôm đám cưới Hà có tổ chức tiệc ở Việt Nam, Hà mời Hải nhưng Hải không đi nổi và sau này nói: “Hà biết không? Ngày đó là ngày buồn nhứt đời mình.” Hải đã trở thành kỹ sư xây dựng, lấy vợ sau khi Hà lấy chồng. Trùng hợp thay, vợ Hải có tên cũng là tên lót của Hà:Thu. Sau này, Hải làm ăn rất khá, giàu thì đúng hơn. Tuy nhiên, tiếc là họ đã không nên duyên vợ chồng; Tiếc rằng Hải đã không được đi Mỹ để có cơ hội tốt hơn. Tiếc thay cho Hải, vùng đất cơ hội này có không ít thanh niên Việt Nam không biết tận dụng cơ hội xây đắp tương lai mà trở thành tội phạm, làm xấu mặt người Việt Nam chúng ta. Tình bạn của tuổi thơ thật thắm thiết và vĩnh cửu. Một hôn nhân dựa trên cơ sở này chắc sẽ bền vững và lý tưởng biết mấy! Coi như họ có duyên mà không có nợ vậy!
Trên đời này, ngoài chồng ra, người đàn ông tốt nhứt, tôn trọng và thấy rõ giá trị của Hà không ai khác hơn ngoài Hải. (Thật ra, những người đã thương thầm Hà khi xưa lẫn chòm xóm đều nể trọng và quý mến cả nhà Hà, vì nhà cô bao đời gia giáo và tử tế nhứt nhì xóm). Hai chị em Hà có ước muốn cất lại căn nhà thờ theo di nguyện của bà Nội, nên họ chỉ việc gởi tiền về, một tay Hải lo từ A tới Z. Hải còn tặng không ít vật tư xây dựng mà không lấy một đồng. Ngoài ra, Hải còn thiết kế trần nhà thạch cao theo tên của Hà, có chữ H, tên của hai đứa. Hải bảo “Hà cứ an tâm về gia đình bên này, đã có Hải lo”. Quả thật, Hải lo cho Hà tới tận cái màn cửa, đo đạc và thiết kế bộ màn luôn kia.
Sau này, mỗi lần Hà từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình, Hải vẫn một mực tốt hết lòng với Hà. Hải mua trái cây, nhờ người mang tận nhà cho Hà ăn. Rồi Hải còn chở Hà đi thăm bất cứ ai và bất cứ nơi nào Hà muốn. Khi Họp bạn Hải cũng giành trả tiền cho Hà. Cả hai đều đã có gia đình khá viên mãn nên ngay cả khi chỉ có hai người, họ rất giữ chừng mực, giữ giới hạn. Chưa bao giờ họ vượt quá ranh giới của tình bạn trong sáng, nhứt là Hải. Khi nào cũng vậy, lần chạm nhau duy nhứt là cái ôm gặp gỡ hay từ giã. Bởi mới nói:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề!
Tình ơi, hãy cứ mãi như vậy, hãy cứ đẹp mãi trong mơ và đẹp như mơ, tình nhe! Ngoài đời thường, hai ta vẫn sẽ mãi nể trọng nhau, trân quý nhau trong lòng! Mãi là tri kỷ của nhau! Hẹn gặp tình trong những giấc mơ thật đẹp, tình nhe! Và Hải ơi, tri kỷ ơi, xin hẹn lại kiếp sau!
Việt An
Gửi ý kiến của bạn