Hôm nay,  

Hoa Hẹ

11/09/201600:00:00(Xem: 18579)
Tác giả: Phan
Bài số 4914-18-30614-vb8091116

Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016. Ông là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông cũng là một tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ và số lượng người đọc đông đảo nhất. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Tháng Ba. Khi trời hết lạnh là những cụm hẹ úa tàn mùa đông lại xanh um lên đến thấy rõ từng ngày. Những sớm chưa tỏ mặt người đã cảm nhận được những ngày nóng đến rồi; Những chiều chạng vạng tia nắng cuối ngày tắt vội sau nhà, đồi bluebonnet tháng tư còn nhấp nháy ánh đèn chụp hình của du khách cố chụp thêm vài tấm ảnh với hoa biểu tượng của Texas sau nhà ta.

Những lúc ấy, anh cảm nhận rõ mùa xuân đã lặng lẽ ra đi để hè về vội vã. Anh tưới rau càng cua với hẹ hơi thiên vị hơn so với những luống rau mùi. Anh nghĩ mãi mới ra nguyên do của sự thiên vị tự nhiên đến tự nhiên như hơi thở ấy. Thì ra rau càng cua đã gắn bó với tuổi nhỏ của anh ở quê nhà. Còn hẹ làm anh nhớ thời đi học; những trưa lang thang với mộng đời trên chiếc xe đạp cho tới buổi hội thảo chiều, hễ thấy gánh gỏi cuốn là thể nào em cũng hỏi, “Anh có muốn ăn không? Món ruột của anh kià!”

Ôi cái món gỏi cuốn, giá đủ tiền thời ấy thì anh có thể ăn hết cả gánh. Nhưng hôm em giàu thì mua được bốn cuốn; thường thì hai cuốn thôi. Hôm mua được bốn thì anh ba em một; hôm hai... anh hay tiếc của trời vì em chỉ cắn một miếng rồi không muốn ăn tiếp cái gỏi cuốn của em nữa. Nhưng cho dù mua được mấy cuốn thì em cũng rút cọng hẹ trong cuốn gỏi của em để cho anh. Vì… em không thích ăn hẹ!

Cho đến hôm còn mãi. Anh đã rà xe đạp đến gánh gỏi cuốn quen ở góc đường. Chị hàng rong đã đon đả đón khách quen, nhưng em thúc anh đi ngay! Hoá ra em quên giỏ xách, quên tiền ở trường; còn anh thì có bao giờ có tiền đâu mà quên. Nên mới có hôm gần đây, nhớ đôi mắt u huyền như mây thấp thật gần mà vời vợi cuối chân mây. Nửa đêm anh đi tìm lại những tấm ảnh trắng đen mà anh đã chụp khi còn đi học. Tìm mãi không ra, chỉ thấy lại mảnh bằng xưa đã ố vàng; anh ngồi “ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ trăng giang hồ…” một hồi. May là cái điện thoại hết pin chứ còn, nó hát tiếp thì anh chết mất. Anh đọc hai chữ “sư phạm” trên mảnh bằng nhạt nhòa, nó hiện thân hai chữ “mồ côi” em ơi! Ôi cái bằng mồ côi của anh lại mồ côi thêm lần nữa vì cô bảo mẫu không còn.

Nhớ cái hôm hú viá ấy em nhỉ. Giá ăn xong mới nhớ ra quên tiền ở trường thì thật là nan giải. Anh đạp xe về trường lặng lẽ đến quên cả em đang ngồi sau. Không chừng anh ghét người ngồi đọc sách tỉnh bơ trên lưng thằng phu đạp đang cắn gỏi cuốn tưởng tượng. Nó thả hết đầu óc đi tao loạn với chị bán gỏi cuốn. Bởi điều thứ nhất nhớ đến chị là chị ấy đẹp, đôi mắt đẹp mê hồn, vẻ mặt quê quê một chút, nhưng làn da bánh mật do một nắng hai sương lại làm cho chị duyên dáng hơn người. Chị lại thật thà, có nụ cười tha nhân nhất mà anh từng thấy. Hay bởi bao giờ anh xin thêm cọng hẹ để chấm cho hết chén tương; rồi xin thêm chút tương để chấm cho hết cọng hẹ ăn dở. Chị đều rộng lượng với anh, lại bao dung đời này cho anh một nụ cười duyên mới ngấm ngầm làm sao!Anh tin là gỏi cuốn của chị ấy ngon nhờ nụ cười. Đã bao năm rồi không về Sài thương em nhỉ…

Đến… “đêm thấy ta là thác đổ” Em còn nhớ giọng hát của TDK chứ. Cô bạn của em có giọng khàn như Khánh Ly, lại chỉ hát nhạc Trịnh, chơi guitar hay… Hôm đó sinh nhật em. Cả đám bạn bè say sưa nghe TDK hát nhạc Trịnh ngoài phòng khách. Riêng anh riêng một góc trời nhà bếp. Anh chơi hết dĩa gỏi cuốn hồi chiều còn lại. Anh còn nhớ chị Hai của em có hỏi, (khi chị xuống bếp lấy ly cà phê đá của chị trong tủ lạnh. Chị hỏi anh, “em muốn ăn thêm vài cuốn nữa không, để chị cuốn thêm cho em…” Trời ơi! Mắc cỡ trân mình.

Nhưng chỉ đến tết Mùng năm năm ấy. Cái ngày Vua Quang Trung đại phá quân Thanh cũng là ngày anh lên ngôi hoàng tử của lòng em! Trên bàn ăn chỉ có hai đứa ở nhà em đã có dĩa gỏi cuốn. Ngon. Trên cả tuyệt vời là khi anh biết do chính em làm. Em học giỏi trong trường anh không phục mấy đâu, vì anh học kỹ nên ở lại lớp để kèm thêm cho em. Chứ học giỏi dễ ẹt với anh hà. Nhưng em học giỏi làm gỏi cuốn thì anh phục sát đất. Nhờ trời thương cho anh biết nếm ân tình qua ẩm thực, nên anh mới biết gỏi cuốn em làm có vị nhân duyên. Bánh tráng vừa dẻo, không khô, không rách. Bún vừa mềm, không cứng, không sượng. Lá xà lách Đà lạt còn sương non ủ ẩn chuyện tình đầu, rau mùi dậy hương đồng, gió nội thơm con tôm vừa lửa mới ngon ngọt ời ơi. Lại còn hai lát thịt ba chỉ trắng hồng chín tới như môi nào hãy còn thơm… bên phòng khách vẳng qua phòng ăn làm đậm đà thêm chén tương chấm - thấy đã bắt thèm. Màu nâu trong sáng của tương lấp lánh những hạt dầu thơm mùi tỏi phi li ti như kim tuyến, mấy sợi cà rốt bào ngâm chua như sợi toơhồng vắt qua đời này…

Từ đó em thành trùm của món gỏi cuốn trong bạn bè. Có tiệc tùng nào từ thời còn đi học, đến khi chúng ta nên gia thất thì bạn bè vẫn yêu cầu em làm món gỏi cuốn khi họp mặt. Gỏi cuốn đưa em lên ngôi vị độc tôn của cả hai bên nội ngoại, và danh bất hư truyền đến gỏi cuốn có trong vali biêt xứ của hai ta là mấy xấp bánh tráng. Ơi em, một món ăn dân dã quê mình đã đi vào lịch sử một chuyện tình…

Anh nhớ mãi. Gỏi cuốn trên bàn ăn trong căn apartment một đêm đông anh đi làm về trễ. Lòng riêng anh rất buồn cho cuộc sống đổi thay vì anh không còn được thấy em mặc áo dài mỗi ngày đi dạy; anh không còn những chiều chở con đi đón mẹ ở chính ngôi trường mới hôm nào anh còn lớ ngớ dưới sân chào cờ cho buổi học đầu tiên. Mỗi sáng nơi thiên đàng Mỹ quốc, anh chỉ còn thấy em vội vội vàng vàng pha ly cà phê, chải vội mái tóc không cần soi gương nữa. Chui vô cái quần jean đôi chân mặc áo dài mới khốn nạn đời anh. Anh ngồi nhìn mãi lên vách tường đêm cũ kỹ của căn apartment đèn vàng, những trang Phạm Công Thiện tự giở ra trong đêm, “tập làm quen với những gì không có, tập sống với những vết hoen ố trên tường…” Nhưng anh chỉ thấy ba nén hương cắm lên dĩa gỏi cuốn. Nỗi buồn anh sẽ qua đi theo lọn gió hương tàn. Nhưng gió đông tàn buốt trái tim đêm là còn em ở lại.

Anh còn nhớ đêm đông ấy, ngồi nhai một mình từng cuộn đời khô xảm với đổi thay. Chấm tương như chấm bể dâu này. Nhưng anh tỉnh ngộ được hoàn cảnh là thử thách. Ngày xưa hai người chỉ có hai cái gỏi cuốn cũng sống qua một ngày yêu nhau, nên yêu đời thiết tha... Bây giờ một người có hai mươi cái gỏi cuốn trên bàn ăn thì lại không muốn ăn là sao? Anh chưa bao giờ hết yêu em và hoàn cảnh nào anh cũng có gỏi cuốn để ăn vì anh đã thuộc về người làm gỏi cuốn với một tấm lòng. Anh vỡ oà như nắng xuân lùa đi tuyết giá.

Đêm vỡ tung tư tưởng tù đày. Gã khờ tỉnh thức hơn thức tỉnh sau đêm lạnh giá. Tạ ơn em mùa về với những cuốn gỏi cuốn tri âm đã giúp anh gầy lại những gì đã mất. Vì thế chúng ta mới có gỏi cuốn bằng hẹ nhà trồng lần đầu. Anh còn nhớ? Hôm đó anh vui với bó hẹ cắt từ vườn sau vào một sáng cuối tuần. Đợi em thức dậy là anh nói ngay, “hẹ tươi non quá em ơi! Làm gỏi cuốn đi em.” Anh nhớ em nheo mắt, cái bẫy tình mà hết đời anh không qua nổi cái nheo mắt trẻ con muôn năm ấy! Em nói lời tiên tri, “Bây giờ có đất cắm dùi ở Mỹ rồi, chảnh dữ ha. Ăn hẹ nhà trồng chứ không thèm ăn hẹ mua chợ nữa…”

Nhưng trưa hôm đó, em cũng vẫn rút cọng hẹ nhà trồng trao cho anh trước khi chấm tương cái gỏi cuốn của mình. Chỉ lạ đời khi em ghép đến hai ba cọng hẹ, chấm tương, ăn kèm với cái gỏi cuốn bị rút hẹ. Nhìn em ăn ngon miệng như trẻ ăn kem. Anh không nhớ mình đã ăn bao nhiêu cọng hẹ nhường từ khi còn đi học. Vì ai em đã nhường đến thành thói quen là trên bàn ăn cả bó hẹ, vẫn rút cọng mồ côi trong cái gỏi cuốn ra trao anh như rút lòng em sợi chân tình.

Từ đó em ăn hẹ nhà bù đắp cho xa xưa, hẹ xào giá với huyết, hẹ nấu canh đậu hũ non, hẹ ngâm chua thay dưa giá…

Em à! Hẹ giống ở nhà cũ đã xanh hè nhà mới mấy mùa rồi, em biết không? Hôm về lại nhà cũ dọn dẹp vườn sau cho con, anh nhìn hẹ mồ côi buồn buồn tủi tủi. Không có cha chăm mẹ nom, mấy thân hẹ thiếu nước ốm tong như cỏ dại. Về lại nhà mình, nhìn những thân hẹ xanh mướt đến lấp lánh ánh mặt trời. Nhưng anh đã quên chăm sóc người làm gỏi cuốn bằng một tấm lòng. Nên đã mấy mùa hẹ lại ra hoa… rồi uá tàn.

Phan

Ý kiến bạn đọc
11/09/201622:06:37
Khách
Hay gì mà hay, đang nói đến tháng 3, sau đó nói đến vua Quang Trung, có liên quan gì đến nhau, rồi vòng lên Đà Lạt, rồi nói đến Trịnh Công Sơn, rồi nói đến hẹ. Đề tài không rõ ràng, người Mỹ thường nói ,"What he talking about", mục địch bài viết không rõ ràng, cách viết không lôi cuốn người đọc, trong câu chuyện không có climax, từ ngữ dùng khó hiểu và lối viết viễn vông không thực tế, chắc tác giả cũng viễn vông và không có thực tế. Nên viết tóm gọn thu hút người đọc hơn.
11/09/201616:24:16
Khách
Bài viết hay quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 863,828,781
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới của Tịnh Tâm là một truyện ngắn nhân ngày Fathers Day sắp tới.
Tác giả sinh năm 1944, định-cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công công của các thành-phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009 và đây là bài viết thứ ba của ông, tự sự của một cựu chiến sĩ về quê cũ tìm thăm mộ đồng đội cũ. Tác giả cho biết ông sinh tháng 10/1939. hiện là cư dân Houston, Texas. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang.Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư ở Mỹ.
Tác giả cho biết ông sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008 và đã góp nhiều bài viết giá trị. Mừng tác giả trở lại trường học và mong ông viết thêm.
Ngày này, tuần tới sẽ là Fathers Day. Nhân dịp này, mời đọc bài viết mới nhất của Cam Li. Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ - hiện có trên trang mạng: http//tuoihoahatnang.com. Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải vinh danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.
Đây là bài thứ ba của Lê Thị. Tác giả 35 tuổi, cư dân Chicago. Trong email kèm bài đầu tiên, Lê Thị cho biết, "Mới đây, sau khi đọc một số sách của nhà văn Nhã Ca, tôi bỗng có cảm hứng muốn viết và đây là bài viết bằng Việt ngữ đầu tiên của tôi trong 20 năm qua." Với hai bài “Tôi Vẫn Là Tôi” và “Đâu Đó Có Chỗ Cho Chúng Ta” kể chuyện tình đồng tính, Lê Thị hiện dẫn đầu số lượng người đọc Viết Về Nước Mỹ trong 30 ngày qua. Bài viết mới làm bật lên sức quyết định của “hơi ấm gia đình” đối với những lựa chọn sinh từ trong tình huống tuyệt vọng, đồng thời cho thấy sức viết mạnh mẽ của tác giả.
Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam.Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, nghề nghiệp: làm nail. Loạt bài viết về nước Mỹ gần đây của tác giả với tên thật Nguyễn Thị Hữu Duyên gồm: Bỏ Gì Thì Bỏ; Ước Vọng Của Tin, thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Vẫn trong tinh thần ấy, bài mới của bà là chuyện của mùa Fathers Day.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005 với bài viết mang tên "Bà Mẹ Hoa Kỳ". Sau đây là bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến