Hôm nay,  

Nấu Món Việt Trên Đất Mỹ

28/11/201800:00:00(Xem: 20816)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5559-20-31365-vb4112818

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017,  tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài,  cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles,  thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng,  tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây,  thêm một bài viết mới.

 
mon goi no bong
Những cuốn gỏi "nở bông."

Quang's kitchen
Và bàn tiệc VIP của Quang's Kitchen.

 
***
 

Thời gian ở Mỹ trôi qua thật là nhanh,  không khí lễ hội cuối năm đã về tưng bừng trên khắp các nẻo đường, trong các khu chợ Mỹ chợ Việt nhộn nhịp hàng hoá thức ăn bắt mắt. Như bao người Việt ở Mỹ, gia đình tôi cũng tiệc tùng dài dài từ Thanksgiving cho đến tết Việt Nam. Chen chúc trong dòng người chờ đợi chỗ đậu xe ở chợ, tôi bất giác mỉm cười nhớ lại "hành trình" nấu nướng trên đất Mỹ của mình mười mấy năm qua.

Trước khi đến Mỹ, chuyện bếp núc với tôi hoàn toàn xa lạ, "ký ức ăn uống" của tôi luôn gắn liền với những hàng quà rong. Lúc còn ở quê, dù Ngoại làm cho đủ thứ bánh, sáng sáng, tôi vẫn ra ngồi bên bờ nước  nôn nao chờ đợi tiếng rao "ai… bánh bò hôn." vang vang theo nhịp mái chèo rẽ  làn sương sớm trên dòng sông đặc quánh phù sa.

Khi dời lên tỉnh, tôi vẫn được nuông chìu, lịch học dày đặc từ sáng đến khuya, ăn xong còn không rửa cái chén của mình. Tôi thường chỉ cắp giỏ đi theo bà ngoại, theo mẹ, theo dì ra những phiên chợ quê, chợ tỉnh, đi cả trăm lần nhưng tôi cũng chẳng nhớ hết tên cá tên rau vì không để ý. Những buổi đi chợ với tôi là cảm giác háo hức khi sà vào hàng quà sáng trong tiếng lao xao của các bà các chị lẫn tiếng quàng quạc của vịt gà.

Rồi những buổi trưa vừa ra khỏi cổng trường đại học ở Sài Gòn, tôi lại ghé vào gánh chè, gánh đậu hủ của bà mẹ nghèo đến từ miền đất Quảng. Mỗi khi ai hỏi về việc nấu ăn, tôi chỉ cười cười đáp tôi thích "ủng hộ" các gánh hàng rong nên không muốn nấu nướng chi.

Đến lúc vào làm ở "Viện”, các cô các chị đồng nghiệp càng làm cho tôi nghĩ chuyện nấu nướng là chuyện tôi không cần để ý, vì làm nhiều tay sẽ nhăn nheo, nổi gân xấu xí. Tôi nhớ mỗi lần có cuộc thi nấu ăn, cả department của tôi lại đùn đẩy nhau, cuối cùng phần đi nấu nướng luôn được "ưu tiên" dành cho chị công nhân lau dọn phòng thí nghiệm.

Khi tôi định cư ở Mỹ, đi làm cho tiệm Phở thì không còn thời gian để mà lo lắng cho sự xấu xí của tay chân nữa. Thường thì chủ nhà hàng sẽ giao đủ thứ việc cắt gọt, pha chế cà phê sinh tố cho nhân viên "chạy bàn", nếu “kẹt kẹt” cũng “được” gọi vào cuốn gỏi hay chiên chả giò cho khách. Tôi dần quen với việc cắt rau cắt ớt, dọn dẹp những cỗ bàn ê hề  sau khi khách đã ra về. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của việc kiếm tiền bằng công khó nhọc, trân trọng hơn những con người mà khi xưa tôi hay cho là "không có học hành tử tế" nên mới phải đi bán hàng ăn. Những ngày nghỉ, nỗi buồn xa quê hương càng như nhân lên gấp bội vì thương nhớ những… gánh hàng rong đã theo tôi từ tuổi ấu thơ ở chốn quê xưa đến những xóm chợ nơi  thị thành náo nhiệt.

Ngán ngẩm với những món quà vặt trong tiệm Deli vừa đắt (so với tiền lương của tôi lúc đó) vừa nhạt nhẽo, tôi ôm “giấc mơ bé nhỏ” là mình có thể nấu được những món giống như từng được thưởng thức khi xưa. Tôi bắt đầu thử nấu món chè, nhưng mùi nước dừa hộp và lá dứa đông lạnh làm cho chè trở nên dở tệ. Rồi tôi lại da diết nhớ hàng dừa soi bóng nước ở quê nhà, nhớ những trái dừa khô lăn lóc mọc cả chồi non, nhớ bụi lá dứa xanh nõn nà trong góc vườn nhà ngoại. Vậy mới hay những thứ bình thường dân dã ở quê nhà bỗng trở thành "cao xa" nơi đất Mỹ, khiến lòng người xa xứ rưng rưng mỗi khi muốn tìm lại một chút hương xưa.

Tuần lễ đầu tiên dọn tới Cali, tôi ghé qua các tiệm chè phố Bolsa. Quả thật chè Cali có khác chè Seattle, nhưng rồi chè trong tiệm Deli trên xứ Mỹ của những bà chủ đeo hột xoàn lóng lánh, da trắng bóc như trứng gà nên mùi vị vẫn khác với chè của những  cô những chị lam lũ chốn quê nghèo. Vậy là tôi lại lục đục nấu chè trong những ngày lễ lạc. Ở Cali thì dễ dàng tìm được món tươi, ngon, rẻ lúc nào cũng đầy ắp trong các chợ Việt Nam.

Sau này có internet và có. . . cô Uyên Thy, nên “sự nghiệp” nấu chè của tôi dễ dàng hơn trước. Tôi thật là "tâm đắc" những món chè của mình, mang cả vào trong sở làm đãi cho đồng nghiệp. Ngày hôm sau, một anh gốc Mễ Tây Cơ mang cho tôi bọc “tamales” nóng hổi, ríu rít khoe món quê nhà làm từ bắp. Tamales của người Mễ là bột bắp gói trong lá bắp rồi mang đi hấp chín, có hai loại nhân mặn và nhân ngọt. Ngửi qua thì thật là thơm, nhưng không thể nào sánh bằng bánh tét bánh chưng của Việt Nam. Tôi chợt nhận ra biết đâu chè chỉ ngon với người mình, còn với dân tộc khác thì nhiều khi thật là . . . khó nói. Từ đó về sau, tôi chỉ mang chè đem cho bạn bè người Việt.

Tôi "thừa thắng xông lên", tập tành nấu các món cơm canh. Lần đầu tiên nấu canh bí đao, tôi tưởng mình nấu ra… cháo bí,  vì nào có biết bí ở Mỹ thả vô là chín ngay, tôi lại đậy nắp đợi một hồi lâu. Rau muống mua về thì tôi nhặt bỏ gần hết bó, thịt heo Mỹ cũng không biết làm sao cho khỏi hôi tanh mùi. . . lợn. "Không thể gọi điện thoại về Việt Nam hỏi cách vì nguyên liệu nấu nướng không giống nhau, mỗi lần đi làm ở nhà hàng, tôi hay vào xem các bà phụ bếp, chuẩn bị món ăn.

Khi đã quen dần, tôi nghiệm ra nấu ăn ở Mỹ hoá ra lại đơn giản với nhiều thứ được cắt gọt, chuẩn bị sẵn nên không tốn nhiều thời gian như ở Việt Nam. Nhiều ngôi chợ Việt ở Cali cũng gói sẵn những phần rau đầy đủ cho một nồi canh, chỉ cần lấy một gói là khỏi lo thiếu hụt gia vị. Khốn nỗi, món nào càng “đậm đà hồn quê Việt" thì mùi lại càng "bát ngát", nên tôi nghe hoài những chuyện kiểu như: "Từ ngày ông A "remodel" xong cái bếp hết 40 ngàn, thì bà vợ ông toàn ra nấu ở ngoài sân!"

“Chí lớn gặp nhau", chàng còn thích nấu nướng hơn cả tôi, nghe kể từng đi học "culinary school", mơ một ngày Quang’s Kitchen sẽ là chuỗi nhà hàng vang danh khắp năm châu bốn bể! Đã lăn lộn “chạy bàn” vài năm, tôi cứ nghe đến nhà hàng là sợ, vì sự vất vả tủn mủn của nghề bán hàng ăn cùng trăm thứ luật lệ permits gắt gao của Health Department. Tuy vậy, mỗi khi "chồng nấu vợ khen", "vợ nấu chồng khen", ”hay “vợ chồng cùng nấu, khách (ăn free) khen” thấy cũng vui vui, nên tôi không nỡ dập tắt giấc mơ tươi đẹp của chàng!

Có lần, chàng đi làm cả ngày và dặn tôi ở nhà phải cuốn 80 cuốn gỏi để mang đi "góp" vào buổi tiệc ở sở làm. Tôi hăng hái gật đầu, không mường tượng được cảnh một mình làm bấy nhiêu việc để cho ra những cuốn gỏi thật đẹp. Rửa rau, luộc tôm, nấu tương, làm dưa chua một mình lui cui trong bếp, tôi tủi thân muốn oà lên khóc khi nghĩ mình vẫn chưa chuẩn bị đầu tóc váy áo gì. Đã vậy khi chụp hình gửi cho chàng xem cái cuốn tôi nắn nót sao cho những chú tôm phơi mình đỏ au  ngay ngắn dưới lớp bánh tráng mỏng tang, chàng không khen mà còn phán: "sao không có  chùm rau ở đuôi giống như cuốn gỏi "nở bông" mình ăn ở nhà hàng!"

Thật, giờ này mà còn đòi "nở bông", Dì Ghẻ của cô Tấm hay Cinderella mà có tái sinh cũng "ác" đến chừng này là cùng. Từ đó về sau, biết "sức mình có hạn", tôi không bao giờ dám  nhận nấu cho khách khi không có "phụ bếp" kề bên.

Vì yêu món Phở, chàng cũng tập tành nấu thử và giới thiệu với bạn bè. Thật là mừng, các bạn bè  với đủ sắc tộc màu da vui vẻ chấp nhận hết những  món Việt hơi "lai căng" của vợ chồng tôi. Một bà khách người Phi Luật Tân còn đặt chúng tôi nấu tiệc cho 30 người VIP của hãng. Không muốn làm "nhụt chí anh hùng", tôi nói chàng cứ cho giá cả  thật cao, nếu bà chịu thì mình sẽ làm, ngày cuối tuần rảnh thì nấu thêm chút cũng vui, ai ngờ bà ta gật đầu.

Lần đầu làm catering, chúng tôi tham lam đưa thực đơn gợi ý đủ món từ trên trời xuống dưới. . . sông: Phở, cá nướng, chim cút chiên bơ, gỏi cuốn, chả giò, cơm chiên,  súp hoành thánh, trà “Thái ice tea”, chuối chiên tráng miệng.  Không ngờ bà khách cũng… tham ăn, không chịu bỏ món nào ra dù chúng "đụng" nhau chan chát. Vậy là tôi phải nghỉ  làm từ hôm thứ năm, đi hết bao nhiêu là cái chợ để “tha” đủ những món mà tôi “dại dột” đưa ra. Cả nhà ba người hì hục trong bếp liên tục từ tối thứ năm đến trưa thứ bảy cắt, gọt, xào nấu, hấp luộc tưng bừng, tưởng chừng quên mất hai đứa bé con đói meo buồn bã  tha thẩn lòng vòng trong bếp.

Vừa nấu vừa xem đồng hồ, ai cũng căng thẳng sợ trễ giờ, lại phải thật cẩn thận lo những khách VIP bị "Tào Tháo rượt" khi ăn  món lạ. Vì người Phi không biết cách ăn món Việt nên chàng phải tới đó trước để sắp xếp cỗ bàn. Vậy là còn có tôi và mẹ loay hoay xào nấu. Khi người của bà khách đến nhận món ăn, tôi vẫn chưa cuốn xong 60 cuốn gỏi "nở bông", chả giò cũng đang chiên dang dở. Tôi đành phải gọi A Phi ra tiếp khách để "câu giờ".

Không hổ danh "con nhà tông", buôn bán thì phải cởi mở xởi lởi, cậu con 3 tuổi rưỡi khệ nệ ôm thùng đồ chơi ra khoe từng món với ông khách. Hai người một già Phi một bé Việt,  "gà vịt" hàn huyên cùng nhau có vẻ "tâm đắc" được khoảng hơn nửa giờ thì tôi  gói ghém xong các mâm thức ăn. Đến lúc này A Phi, bỗng thấy "nóng ruột" khi nhìn ông khách bưng hết mâm này đến mâm khác ra xe trong khi bụng mình đói meo đói mốc. Cậu bé "trở mặt" khóc inh ỏi đứng cản đường "ông bạn” mới quen, miệng gào to "No, no take out!"

Sau bao màn "dở khóc dở cười", buổi tiệc “thành công rực rỡ”, không một ai bị chột bụng đau đầu, bà khách Phi đòi đặt thêm 50 phần ăn cho tuần sau. Mệt mỏi rã rời sau 2 ngày nấu nướng và dọn dẹp "bãi chiến trường" trong bếp, chàng từ chối, vì sự cực nhọc và áp lực khác hẳn cảm giác "enjoy" khi nấu ăn chiêu đãi bạn bè. Thêm nữa, khi tôi tính tiền “công nhật” cho cả 3 người (chưa kể công "tiếp khách" của A Phi) thì dù bán được với "giá trên trời", chúng tôi vẫn còn "lỗ tới xương" so với khi đi làm thuê làm mướn cho “bọn tư bản giãy hoài không chết". Như bao nhiêu nhà hàng Việt Nam "tưng bừng khai trương" rồi "âm thầm đóng cửa" trên xứ Mỹ, Quang's Kitchen chỉ mở cửa bán 1 lần rồi... chạy trong niềm nuối tiếc ấm ức của thực khách!

Chàng, cuối cùng đã từ bỏ giấc mộng "giới thiệu món Việt đến bạn bè năm châu". Tôi, vẫn giữ ước mơ bé nhỏ của mình, hay lục đục nấu món Việt  và... dụ các bé ăn cùng, như một cách tìm bạn đồng hành cho những hoài niệm về một miền quê xa lơ xa lắc. Tôi mơ màng tưởng tượng hai mươi mấy năm sau, tôi lại  nấu chè xôi  mừng đầy tháng,  thôi nôi cho cháu mình. Mong lắm mai sau con cháu tôi, những em bé Việt sinh ra trên đất Mỹ, không chỉ thích thưởng thức cheesecake mà còn biết yêu vị nước cốt dừa béo thơm quyện cùng hương lúa nếp từ cánh đồng quê xôn xao những cánh cò.

Khi có dịp dùng lại những món ăn “thấm đậm tình quê”, tôi mừng rỡ như gặp được người quen cũ, lại nao nao ngậm ngùi thương cho những "hương đồng cỏ nội" đã "bay đi ít nhiều". Có lần tôi háo hức đi dự  buổi họp mặt đồng hương ở Mile Square Park vì nghe có món bún nước lèo,  mong tìm lại  chút hương. . . mắm giữa xứ sở phồn hoa. Tôi nhận phần bún của mình, tách đám đông đi về phía ngọn đồi. Ngồi trên thảm cỏ mượt mà, mùi mắm cá đồng phảng phất làm tôi ngỡ như mình đang ngồi trên gò đất chằng chịt những rễ cây nơi quê cũ, bên bờ nước cá lội tung tăng... Tôi lại nhớ hình ảnh cô bé cắp chiếc rổ tre lon ton đi theo bà ngoại đến lò bún ông Tỉa Hai trên con đường làng râm ran tiếng ve kêu. Nghe lá reo xào xạc trên cao, mắt tôi lại cay cay nhớ mùi khói mùi rơm quyện trong sợi bún chốn quê nghèo. . .

 

*

Cũng như nhiều người Việt ở Mỹ, năm tháng trôi qua, tôi đã dần dần "nhập gia tùy tục", bớt “đòi hỏi” những món ăn Việt phải "giống y hệt" như tôi từng được ăn ở quê nhà. Tôi có thể hài lòng với món gỏi gà thiếu thân chuối cây cắt mỏng, với món canh chua vắng mặt bạc hà (dọc mùng), với món cá kho chỉ cho ít nước mắm thôi để hàng xóm Mỹ khỏi phiền lòng. Giữ đúng “tinh thần hiệp chủng quốc", những ngày lễ lớn như Thanhsgiving hay Noel, bên cạnh những món Turkey, bánh trái kiểu Tây, nhà tôi lúc nào cũng có thêm những món Việt Nam.

Dù ngày nắng hay mưa, gian bếp nhà tôi thường xuyên đỏ lửa nấu những món cơm canh quê Việt. Không dám sánh với ai, chỉ dám so sánh với chính mình, tôi thấy mình thiệt là "giỏi" quá chừng so với tôi của ngày xưa. Từ một người  “sợ” nấu ăn,  tôi  giờ đã biết yêu quý những giây phút quây quần nấu món Việt trong gian bếp nhỏ, nghe thấm thía hơn câu ca dao "Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".

Những tháng năm vất vả xứ người đã dạy tôi nhìn ra nét đẹp từ đôi bàn tay chai sần, gân guốc để giữ cho những bữa cơm nhà còn thoảng hương vị quê xa. Như món thịt kho trứng, ngày còn ở Việt Nam tôi luôn "ngán ngược", giờ  tôi luôn tìm cách nấu sao cho thật ngon, thật đẹp, để rưng rưng bày lên mâm cỗ đón giao thừa tết Việt giữa đêm đông xứ Mỹ.

Không nấu nướng kiểu “tài tử” như tôi, một cô “tiểu thơ Sài Gòn”, bạn học tôi ngày xưa sau vài năm bưng phở chai tay đã trở thành bà chủ của hai tiệm phở lớn ở miền Đông nước Mỹ. Bạn bây giờ khác xa ngày còn ở Việt Nam, tay chân nhanh nhẹn, một mình tất bật từ trong bếp ra ngoài, ”lăn” cả vào dọn dẹp phòng vệ sinh cho cả hai nhà hàng mà giờ ăn trưa là khách phải xếp hàng dài chờ đợi.  Ngày gặp lại nhau, tôi thấy bạn trở nên thật dễ mến dễ gần, cần cù chịu khó, khác xa với  một "cô chiêu" đỏng đảnh ngày nào. Tôi thầm cảm phục cuộc sống nơi xứ cờ hoa đã giúp bạn và tôi cùng thay đổi, cùng "khôn lớn thành người".

Tiểu bang California sẽ cho phép bán thức ăn tại nhà bắt đầu từ năm 2019, tôi nghe nôn nao như mình sắp được tìm về "những ngày xưa thân ái" của cô bé thích quà rong. Không gì sánh bằng một ngày se lạnh được ngồi bệt trên chiếc ghế nhỏ, bên tô bún thơm bốc khói, trên mảnh sân xôn xao tiếng nói cười  bằng "tiếng Việt dấu yêu".

Chiều nay Nam California bỗng có mưa, tôi chợt nhớ những đêm mưa nơi quê cũ, nhớ cô bán chè với đôi quang gánh  bạc màu sương gió  và cái đèn dầu nhỏ xíu soi đường. Cô đội chiếc nón lá cũ có cột thêm tấm ni long che cho khỏi ướt người, ánh đèn dầu vàng vọt hiu hắt đong đưa qua những con đường tối tăm ướt sũng...  nhớ tiếng rao ngọt ngào vang lên lẻ loi trong đêm mưa vắng "ai chè đậu đen nước dừa hôn."

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
29/11/201802:16:31
Khách
Món ăn Việt Nam vừa ngon vừa lành.
Sau đây là mấy hàng trích từ vài nhận xét giữa hai phụ nữ, gốc Âu và gốc Việt, trong truyện ngắn "Heroes from the Unpopular War" trong quyển "Solving the Adversities" trang 81:
"I've just said, each country has different cuisine. I heard of the cuisine of your country, it consists of many healthful dishes. They're usually accompanied by herbs."
"Oh, yes, our cuisine isn't oily or fatty. It doesn't make eaters obese."
28/11/201820:44:23
Khách
Đoc tôi đâu thấy thèm món ăn tới đó, những món ăn quê hương dù ăn thiệt hay ăn chơi cũng đượm mùi nước mắm, mùi đường ngon ngọt như cô hàng bán chè rong khắp xóm làng...Đọc một mạch không ngừng để nghe thấm tình quê hương. Cảm ơn tác già Tố Nguyễn.

Mão
28/11/201815:15:46
Khách
Sau khi dùng tô phở ở Nhà Hàng Tố Quang, tôi nhớ hoài không thôi. Nhất định tôi sẽ cố gắng thường xuyên ghé lại nhà hàng này! Cảm ơn nhiều lắm. 😊
28/11/201811:21:30
Khách
lại một câu chuyện đậm đà của tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 863,962,183
Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện vừa làm việc vừa học thêm về Management Information System. Bài viết mới nhất của cô lần này ghi lại cảnh thủ đô nước Mỹ chìm ngập
Theo kết quả giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2006 vừa được loan báo, Thịnh Hương là một trong 12 tác giả được bình chọn vào chung kết. Là một nữ viên chức làm việc tại miền Bắc California, bà đã góp 4 bài viết đặc biệt cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ sáu: Hắn Và Tôi, Bắt Đầu Từ Hoàng Hôn, Thuốc Đắng Đã Tật và Người Đẹp Thương Xá
Chúng tôi là những người Viking Na Uy nhỏ bé hiền hòa đang viếng thăm nước Mỹ. Xin lưu ý: không phải bốn chúng tôi nhỏ bé hiền hòa mà là nước Na Uy của chúng tôi nho nhỏ nhu mì. Na Uy được cái hân hạnh là nơi tổ chức trao giải thưởng Nobel Hoà Bình mỗi năm vì trong lịch sử thế giới, Na Uy chưa bao giờ gây lộn
Tôi gặp người bạn trẻ ấy đứng thơ thẩn một mình trong giờ giải lao ở cuối hành lang hội trường của đại học American University. Anh chàng này trông quen quá nhưng tôi không tài nào nhớ nổi hắn là ai. Tôi đến tham dự một buổi sinh hoạt dành riêng cho sinh viên và các bạn trẻ gốc Á Châu do hội "The National
Ngày xửa ngày xưa, khi hai đứa lấy nhau, chú rể người Mỹ và cô dâu người Việt, chú rể khăng khăng không chịu tổ chức đám cưới ở nhà hàng Tàu, cô dâu không muốn đãi ở nhà hàng Mỹ, cuối cùng hai đứa quyết định tổ chức đám cưới ở trên một chiếc tàu. Cruise chạy vòng vòng trên sông Potomac, khách đến dự đám
Thanh có một người khách Mễ vào tuổi "chiều tàn". Bà vô làm nail (làm móng tay giả) vài lần, coi bộ vừa ý, lần sau bà dẫn thêm người em, hai đứa con gái, và cháu. Nội ngoại gì không biết mà tới ba bốn đứa lận. Từ mấy đứa nầy kéo thêm một nhóm bạn. Mấy đứa còn cấp trung học cho nên mỗi lần có sinh nhựt bạn bè hay
Chuyện xảy ra trong tiệc cưới tại một nhà hàng seafood vùng thủ đô Tỵ Nạn Cộng Sản Little Sàigòn, 2 tuần sau ngày Tưởng Niệm quốc hận 2006. Tiệc cưới này có lẽ vì hai vị thân thuộc và bạn bè đôi trẻ, đa số đều là cựu tù cải tạo. Bởi thế mà, ngay sau khi ngồi vào bàn tiệc họ đã như biết nhau từ trước; tay bắt mặt mừng
Từ lúc còn nhỏ cho đến giờ, không biết sao tôi lại rất thích con số mười hai (12). Cái gì đó đã thu hút tôi mỗi khi tôi nhìn thấy nó. Là một cô gái, mỗi khi nhìn thấy ai mặc áo có ghi con số đó thì tôi lại dính chặt cặp mắt tôi vào họ. Nhiều khi bị họ bắt gặp, tôi rất mắc cỡ, nhưng tính nào tật đấy, vẫn không bỏ được. Ở bên Mỹ này
Các con cái cháu chắt vừa tổ chức lễ Thượng Thọ cho cụ Trần tại một nhà hàng Việt nổi tiếng tại Houston, Texas. Cụ vừa đúng 85 tuổi tính đến tháng 7 năm 2006. Cụ ngồi đó mà trí nhớ cụ tìm về quá khứ từ bẩy tám chục năm trước. Thời gian thấm thoát đã đưa cụ về tuổi gần đất xa trời. Các bạn cụ kẻ trước người sau đã
Buổi chiều, sau khi tôi đã hoàn tất việc cơm nước và dọn dẹp, các con tôi xem Tivi, tôi có được những phút yên tĩnh một mình trên căn gác nhỏ nầy để tập dợt nhạc Pháp xưa: "Maman oh Maman, Tout les garcons et les filles. Adieu jolie candy ..." rồi trở về nhạc Việt với Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn…. Bây giờ đã vào Hè, tôi mở cửa sổ
Nhạc sĩ Cung Tiến