Hôm nay,  

Cò Cò

18/09/201900:00:00(Xem: 18274)

Bài số: 5790-20-31596-vb4091819

 

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.

 

***

Tôi tự nguyện giữ đứa cháu ngoại của tôi một ngày, cho cha mẹ nó rảnh chân đi mua xe mới.

Con bé được cha mẹ đưa đến nhà ông bà ngoại lúc chín giờ sáng hôm thứ bảy. Bà ngoại cho cháu ăn qua loa buổi sáng rồi bà ngoại phải đi làm thêm giờ. Bà dặn cháu ở nhà với ông ngoại phải thật ngoan, chiều bà ngoại về sẽ mua cho cháu ly trà sữa. Con bé đứng nhìn bà ngoại lái xe đi. Bỗng chu miệng hút hai bàn tay không chụm lại với tưởng tượng là ly trà sữa. Nó nói, “ngon quá… là ngon.”

  Đến dì của nó thức dậy, hai dì cháu cũng líu lo với nhau một lát ngoài sofa. Dì đi thay quần áo để đi trường thì nó dọn phần ăn sáng của bà ngoại làm sẵn cho dì ra bàn ăn. Con bé nói với dì, “Con ăn rồi nên ngồi chơi với dì thôi. Dì ăn nhanh đi, rồi đi học. Để con dọn bàn cho.” Câu nói nghe quen như mẹ nó từng nói với tôi rất nhiều lần trong quá khứ, “ba ăn nhanh lên, rồi đi làm đi. Để con dọn bàn cho.” Sự lập lại của phái nữ từ đời bà đến đời cháu cứ âm thầm trong từng gia đình mà thành văn hoá của nhiều dân tộc.

Đến nó vô phòng cậu nó, định đánh thức cậu dậy để ra chơi với con. Nhưng nghĩ sao chỉ ngồi ở cửa phòng ngủ của cậu, rồi chơi một mình với con thỏ nhồi bông, là vật bất ly thân của nó. Lúc khát nước, tự biết đi uống nước một mình, còn rót cho ông ngoại một ly vì ông ngoại cứ mê ngồi đọc báo ở phòng khách. Nhìn con bé cố gắng hết sức để không bị đổ khi bưng ly nước cho ông ngoại, lòng tôi thấy vui nhiều với con cháu mà từ khi có con rồi tới khi có cháu, tôi sợ nghĩ ngợi nhiều vì nghĩ nhiều đến con cháu trong nhà thì hình ảnh cha mẹ ông bà tôi lại hiện về như khói như sương trong ký ức mịt mù…

Giống như ban nãy con bé nhìn theo bà ngoại lái xe đi làm đã khiến tôi bỗng nhớ tới bà ngoại tôi cắp cái non lá đi nhổ cỏ mướn để nuôi thằng cháu này. Những hôm ngoại tôi đi một lát rồi về lại nhà vì người ta không mướn. Ngoại cột con còng, con cua vô sợi dây lạt dừa cho tôi chơi để quên đi chuyện bánh kẹo mà ngoại đã hứa. Ngoại tôi xoay xở từng ngày để có miếng ăn ở miền quê nên vất vả nhiều. Khi đau ốm cũng không đi thầy thuốc bắc thuốc nam...

Cậu nó thức dậy, mở nhạc đùng đùng để dạy cháu nhảy nhót ngoặt nghẽo như Mỹ đen vì cậu nó thích nó cười, -nghe rất đã. Tôi cũng không hiểu đã là đã làm sao khi nghe một con bé cười khanh khách thì thích thật, nhưng nghe một lát thì nhức đầu với nó. Hai cậu cháu nhảy nhót tới đói bụng thì cậu đi thay quần áo rồi chở ông ngoại với nó đi ăn phở; chở về nhà với dặn dò, “Con ở nhà với ông ngoại cho ngoan nhé! Cậu đi làm. Chiều cậu về sẽ mua quà cho con…”

Con bé lại chơi đồ chơi một mình ở phòng khách. Thỉnh thoảng nhìn đồng hồ trên tường; đến giờ phải đi ngủ trưa như lời mẹ dặn thì nó cũng tự đi ngủ một mình. Ông ngoại cũng một mình tự ngủ gục ngoài phòng khách vì đọc báo lâu bị mỏi mắt.

Bên ngoài nhà nắng đã thôi gay gắt như những hôm hè trên trăm độ F. Tôi định xế chiều sẽ đi dọn dẹp bớt vườn tược để chuẩn bị mùa lạnh về. Bởi nhà tôi thích trồng nhưng hái ớt cho vô túi ny-lon, cho vô tủ đá để dành ăn quanh năm, và nhổ gốc những cây ớt ngoài vườn cho vào thùng rác trước khi trời lạnh thì dường như là việc của tôi. Đâu ngờ cháu gái ngoan của tôi đã thức dậy, chắc muốn nũng nịu một chút nhưng không có mẹ, không có bà ngoại hay dì Út ở nhà nên buồn thiu trong phòng dì Út một mình.

Chắc là nó không hiểu ông ngoại không biết trông trẻ hay chơi với trẻ vì dường như cả đời ông ngoại chỉ biết đi làm. Ở bên nhà thì mò cua bắt ốc với bà ngoại tới lớn lên đi cuốc ruộng thuê, đào ao, đắp bờ ruộng thuê cho người ta; tới vượt biên được sang bên này, tôi cũng đi làm suốt từ sáng tới tối, làm hai ba việc một ngày để có được sự ổn định cho gia đình.

Khi gia đình ổn định được thì các con đã lớn, đứa lớn lấy chồng như một nhắc nhở rằng bốp nó đã già. Nên đôi khi muốn rầy con gái sao ngủ trễ vậy, dù ngày nghỉ thì đàn bà con gái cũng không nên ngủ muộn quá! Đôi khi muốn rầy con trai, sao ăn xong không dọn bàn, nhưng nghĩ lại mình chẳng bao giờ dám nghỉ vài ngày làm để đưa các con đi chơi nên cứ lặng thinh bù lại thiệt thòi cho chúng như đi giặt đồ thay cho đứa con gái ngủ muộn, đi rửa vài cái chén dĩa cho đứa con trai ăn xong là lo đi chơi với bạn bè cho kịp… 

Bởi thế nên nay muốn chơi với cháu ngoại một chút thì ông ngoại cũng không biết chơi trò chơi gì cho nó thích? Con bé theo ông ngoại ra vườn chơi. Là tôi nói với nó thế, nhưng chơi trò gì đây thì chính ông ngoại cũng không biết! Tôi lo nhổ mớ gốc ớt, giỡ giàn mướp đã cuối mùa. Cháu tôi ngoan lắm, muốn phụ ông ngoại nhưng tôi lại sợ nó bị ngứa với nhiều loài bông hoa tàn lụi ngoài vườn. Bảo nó chơi dưới gốc cây hồng giòn tán rộng cho mát. Cháu tôi chơi cò cò là điều tôi thấy lạ vì trẻ con sanh ở Mỹ đâu biết trò chơi dân dã ở quê nhà. Không ngờ nó biết vẽ cả bàn cò cò to lớn và đúng ô đôi, ô chiếc hệt như những đứa bé gái đồng trang lứa với tôi ở quê xưa đã vẽ và chơi nhảy cò cò với nhau suốt tuổi nhỏ.

Cháu rủ ông chơi cò cò với cháu. Nó như một cô giáo tận tâm và tận tụy dạy cho ông ngoại cách chơi cò cò; dặn kỹ ông ngoại không được chơi ăn gian… Cò cò chân nào chỉ một chân, không được đang cò chân trái ở ô này rồi cò qua ô kia chân phải… như vậy là bước qua chứ không phải cò cò. Thế là ông ngoại thua liểng xiểng, thua đến khóc có nước mắt như nó kể với bà ngoại và mẹ nó khi chiều về, cả nhà ngồi ăn bữa cơm tối sau một ngày đặc biệt là ông ngoại trông cháu trọn ngày.

. . .

 

Giờ đã tối lắm rồi, vợ chồng đứa con gái lớn đã đưa cháu ngoại tôi về nhà chúng ngủ. Cả nhà tôi cũng đã đi ngủ. Trên mảng tối trần nhà thoáng hiện quê xưa, những người thân trong gia đình, những người quen trong xóm làng, bạn bè mà bây giờ có gặp nhau ngoài chợ cũng chẳng nhận ra nhau…

Người ta nói khi nhớ những chuyện lẽ ra đã quên là quên những chuyện lẽ ra nên nhớ. Tôi không biết khoảnh cách giữa quên và nhớ, tôi chỉ biết quên được sẽ thanh an hơn nhớ nhiều, nhưng sao tôi khó quên khi tôi còn nhỏ lắm thì cha tôi đã chết trận.

Về sau tôi mới biết như lời bà ngoại tôi kể lại cho nghe. Bên quân đội thì báo tin cho gia đình biết là cha tôi bị mất tích trong chiến trận. Nhưng bạn lính của cha tôi lại báo tin cho gia đình biết để đừng hy vọng nữa là cha tôi đã tử trận. Các đồng đội đã cố hết sức nhưng không cứu được, ngay cả xác cũng không đem về được cho gia đình vì chiến sự khốc liệt ngoài miền Trung…

Không lâu sau thì mẹ tôi đi bước nữa. Càng ngắn thời gian hơn là tôi có đứa em trai cùng mẹ khác cha. Thằng em chừng một tuổi đã chạy phá khắp nhà, làm vỡ đổ nhiều đồ vật trong nhà; và cứ mỗi lần như thế thì tôi là đứa bị đòn vì tội không trông em.

Dù sao tôi cũng quen dần với đòn roi của người cha dượng. Nhưng lần đó ông hơi lỡ tay nên tôi bị lọi giò. Đầu gối, mắt cá cứ sưng vù lên bên chân trái đến không đi được. Tôi cò cò về nhà ngoại tôi không xa nhà tôi lắm nhưng thật xa trong tiếng xì xầm của người hai bên con đường đất nhỏ trong xóm tôi. Họ xì xầm với nhau về mẹ tôi, cha dượng tôi… toàn những lời không tốt đẹp đến làm tôi đau đớn hơn cả cái chân sưng vù và bầm tím của tôi. Dù sao tôi cũng cố hết sức đề cò cò một chân về đến nhà ngoại tôi.

Bà ngoại tôi cõng tôi băng đồng, qua những cây cầu khỉ đong đưa để đến nhà ông thầy thuốc nam thì trời đã chạng vạng. Ông thầy thuốc đốt lên ngọn đèn dầu không bóng đèn nên ngọn lửa cao cứ bốc lên ngọn khói đen ngòm. Thầy nắn xương, bóp thuốc, rồi bó thuốc cho tôi. Đau khủng khiếp đến không thể nào quên. Dù tôi luôn cố quên đi đã gần hết đời người.

Bà ngoại cõng được tôi về lại nhà thì trời đã có bóng trăng hai bà cháu trên bờ đê. Bà tôi không khoẻ mạnh được như người ta nên hai bà cháu cũng té ngã vài lần. Tôi nói con đi được, ngoại để con tự đi thì bà ngoại không cho… Khi tôi còn chưa đi lại được bình thường thì cậu tôi về phép. Cậu tôi là lính trận miền xa nhưng bạn bè của cậu là Nhân Dân Tự Vệ thì vẫn quanh xóm làng. Cậu tôi lấy súng của bạn bè, đến nhà mẹ tôi và bắn què giò người cha dượng vì mẹ tôi lạy cậu tôi xin tha mạng cho ông. Cậu tôi thương mẹ tôi đang có bầu đưá em cùng mẹ khác cha thứ hai của tôi sắp chào đời nên tha chết cho cha dượng. Cậu tôi chỉ nói với ông, “Hãy đi biệt xứ. Tôi còn gặp ông lần sau thì tôi sẽ bắn bể đầu ông…”

Không lâu sau thì ông và mẹ tôi đã đi biệt xứ. Tôi thường trở về căn nhà cũ của ba má tôi, ngồi một mình để hình dung ra diện mạo cha tôi vì không có tấm ảnh nào. Căn nhà hoang phế đến gió mưa đã sập, tôi cũng đã lớn đủ để chèo xuồng đưa người vượt biên ra tàu lớn. Hôm bị động, công an truy đuổi nên người chủ tàu đem tôi đi luôn vì cho tôi quay lại thì hoặc là tôi sẽ bị bắn chết, hoặc là tôi khai báo những gì tôi biết do bị đánh đập điều tra… toàn những chuyện ông không muốn vì tổ chức của ông còn những người thân chưa đi…

Hình bóng mẹ tôi khuất dần trên con đường đất nhỏ từ ngoài hương lộ dẫn vào xóm nhà. Mẹ tôi dắt tay đứa em cùng mẹ khác cha, bụng mẹ đang có em bé sắp sanh… ba người có phần chung máu huyết với tôi đã rời xa tôi vĩnh viễn từ hôm mẹ tôi bỏ làng ra đi theo người cha dượng. Tôi nhớ lúc đó cái chân chưa lành hẳn, tôi bỗng cò cò về nhà ngoại tôi trong đau đớn và đầm đìa như hôm cha dượng đánh tôi lọi giò. Nay nước mắt tôi rơi khi cò cò với đứa cháu ngoại cười khanh khách vì thắng ông ngoại quá dễ dàng. Nhưng có những điều việc trong đời, sống để bụng chết mang theo khi trời đã tặng riêng thì không nên chia sẻ…

Không biết giờ mẹ tôi còn hay đã mất, các em tôi có được bình an? Tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ và các em tôi luôn được hạnh phúc như tiếng cười khanh khách của đứa cháu ngoại tôi đã làm ông ngoại nó rơi nước mắt với ký ức tràn về khi co giò lên để nhảy một chân.

Rồi những mùa lạnh về khi đã có tuổi và có vết thương xưa, chân tôi đau một thì chân cha dượng chắc đau hơn nhiều với mấy vết thương do cậu tôi bắn ông. Tôi ước gì được gặp lại để giúp đỡ ông trong tuổi già. Ước gì mẹ tôi còn sống để cùng tôi quên đi…

 

Phan

Ý kiến bạn đọc
18/09/201914:47:25
Khách
Hay lắm! Một trong những bài viết xuất sắc sẽ đọng lại lâu dài trong trí nhớ người đọc của Phan. Cám ơn tác giả... như những lần trước!
18/09/201913:40:37
Khách
Những ký ức buồn được tác giả ghi lại sau một ngày trông cháu ngoại và chơi cò cò với cháu. Rất thấm và khiến người ta rơi lệ.
Mơ ước của tác giả thật bình thường nhưng chứa chan tình thương và tính bao dung. Ngưỡng mộ!
18/09/201910:51:18
Khách
Anh Phan ơi! Đã có lần nào trong đời anh đang đọc một cái gì, rồi cảm giác được thân thể mình bồng bềnh nhẹ trôi lên cao... nhìn xuống thấy những gì mình đang đọc hiển hiện thật rõ ràng...
Nhiều cảm xúc ghê nơi.
Lạ ghê...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,807,612
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và sau 12 năm, vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018, với bài “Thằng Tý Con là... Con Thằng Tý”.
Nhạc sĩ Cung Tiến