Hôm nay,  

Miếng Ăn

19/06/202500:00:00(Xem: 2184)
TG Hoàng Đình Minh Long đang ký sách VVNM tại Lễ Trao Giải VVNM 2017
TG Hoàng Đình Minh Long đang ký sách VVNM tại lễ trao giải VVNM 2017
 
Tác giả định cư tại Mỹ từ năm 1991 và hiện là kỹ sư phần mềm cho Raytheon.  Tác giả đã tham gia VVNM từ năm 2002 và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18.
 
***
 
Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.
 
Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.

Trong một dịp mừng xuân tại giáo xứ nơi ba má chúng tôi ở trên Los Angeles, cộng đoàn Việt nam tổ chức ăn uống và văn nghệ trong hội trường nhà thờ sau thánh lễ.  Ngày hôm đó, mọi người được cộng đoàn đãi ăn bánh chưng cho đúng với tinh thần Tết Nguyên đán.  Một số thiện nguyện viên đứng cắt bánh chưng và bày biện chúng cũng như dưa hành, củ kiệu trên bàn để mọi người tham dự tiệc mừng xuân tới lấy ăn. Do má tôi ngồi nói chuyện vui vẻ với những bà bạn quen trong giáo xứ, ba tôi đi lên để lấy đồ ăn cho hai vợ chồng. Khi ba tôi lấy đôi đũa và gắp hai miếng bánh chưng, một cho má và một cho ba, để bỏ vào trong đĩa của mình, một bà trong ban tổ chức liền lấy đôi đũa của bà gắp một miếng bánh chưng trong đĩa của ba tôi để bỏ lại bàn và nói:

- Mỗi người chỉ được lấy một miếng!

Cái này không biết phải gọi là tình ngay lý gian hay là miếng ăn là miếng tồi tàn. Ở Mỹ, dịp tết ta, nhà nào cũng đầy bánh chưng và bánh tét. Nhìn thấy hai thứ bánh này là đã ngán tới cổ, ăn một miếng nhỏ nhiều khi nuốt không vô. Ba tôi chỉ vì lấy thêm miếng thứ hai cho má tôi mà bị bà canh bánh chưng kia đối xử như một đứa trẻ.

Hình như chuyện bị đòi lại thức ăn nó cũng bị …di truyền. Cách đây bảy năm về trước, tôi đi họp trong hãng. Buổi họp diễn ra vào lúc 12 giờ trưa cho nên hãng đãi ăn. Đồ ăn được bày ra trên một cái bàn dài trước cửa phòng để cho những người tham dự cuộc họp tự lấy đồ ăn trước khi ngồi xuống. Trước tiên là chồng dĩa, muỗng, nĩa, dao và giấy lau tay. Sau đó là khay thịt gà. Tiếp theo là khay thịt bò. Phía cuối bàn là khay cơm, rau và sau cùng là các chai và lon nước uống. Khi chúng tôi đến, cô thư ký thông báo:

- Mỗi người chỉ được lấy hai miếng thịt. Sau khi mọi người có đồ ăn, nếu còn dư, lúc đó các bạn mới được lấy thêm thịt.

Hơn mười năm về trước, khi các hãng còn nhiều tiền, mỗi khi đi họp như vầy, chúng tôi đều ăn thoải mái, chẳng bao giờ có hạn chế. Gần đây, vì để tiết kiệm tiền, đi họp được cho ăn như vầy đã là may mắn lắm rồi. Tôi vốn không ăn thịt đỏ cho nên khi đi đến khay thịt gà, tôi gắp hai miếng. Thấy vậy, cô thư ký lắc đầu không vui:

- Mỗi người chỉ được một miếng gà thôi.

Tôi vừa bỏ miếng thịt gà thứ hai xuống, vừa lầu bầu giải thích:

- Tôi không ăn thịt bò cho nên lấy hai miếng thịt gà.

Cô thư ký nhắc lại:

- Bạn có thể lấy thêm sau khi mọi người đã lấy đồ ăn.

Sau khi mọi người ngồi xuống và buổi họp diễn ra khoảng 15 phút, cô thư ký đến cạnh tôi nói nhỏ:

- Mọi người đã có đồ ăn rồi, thịt gà còn dư. Bạn có thể lấy thêm một miếng nữa.

Tôi lịch sự từ chối:

- Không sao, tôi ăn một miếng như vầy cũng đủ rồi.

Buổi họp kết thúc lúc 1 giờ trưa. Lúc tôi đi ngang qua bàn đồ ăn để về lại văn phòng, cô thư ký lại mời chào tôi lần nữa:

- Bạn muốn lấy thêm mấy miếng thịt gà nữa cũng được, còn dư nhiều lắm.

Dù thư ký tỏ vẻ ân hận, tôi vẫn dỗi và mỉm cười cảm ơn, nhất định không để miếng ăn là miếng tồi tàn và từ chối miếng thịt gà kia. Em thư ký này dám coi thường người Việt Nam mình và không biết rằng dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, anh mày đã từng phải nhịn đói thiếu ăn mấy năm trời. Mấy miếng thịt gà kia thấm thía gì mà bày đặt giới hạn hai ba miếng.

Nhân chuyện này, tôi mới nhớ tới một người bạn học chung trường đại học cộng đồng khi mới qua Mỹ. Mỗi lần đám sinh viên chúng tôi rủ nhau đi ăn, bạn này không bao giờ ăn thịt gà. Khi chúng tôi hỏi lý do, bạn không trả lời. Khi tới nhà tôi chơi, bạn cũng không ăn thịt gà. Ba má tôi hỏi bạn cũng không trả lời. Mùa hè năm 1992, tôi qua Texas để trông coi tiệm tạp hóa cho bà chị họ, phòng của tôi trống, ba má tôi kêu bạn ấy tới ở. Bạn ấy chỉ có một mình ở Mỹ, ba má tôi coi bạn ấy như con trong nhà và kêu tới nhà ba má tôi ở trong lúc tôi đi Texas để cho ông bà đỡ nhớ tôi. Hơn nữa, làm như thế sẽ giúp bạn ấy tiết kiệm được hai ba tháng tiền mướn nhà. Trong mấy tháng đó, ba má tôi hỏi bạn ấy về chuyện không ăn thịt gà. Có lẽ do sống chung nhà và trở nên thân hơn, bạn ấy mới tiết lộ bí mật. Hồi bạn ấy ở bên đảo lúc vượt biên, gia đình bên cạnh bị mất con gà và đổ thừa bạn ấy ăn cắp. Vì bị oan, bạn ấy thề là sẽ không bao giờ ăn thịt gà nữa. 

Ba nhân vật trong ba trường hợp trên bị vu oan là tham ăn nhưng chẳng qua là do hiểu lầm chứ không thể áp dụng câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn.”  Ngược lại với ba nhân vật trên khi muốn ăn mà lại bị người ta ngăn cản, nhân vật sau đây… bị ép ăn.

Tháng Mười Một vừa rồi, tôi đón con trai tan học ra và ghé vào tiệm Chipotle trên đường McFadden, góc với Harbor ở Santa Ana.  Để tập cho con trai tính tự lập, tôi bảo con phải tự gọi món ăn mình muốn. Con trai nói với nhân viên nhà hàng:

- I like a chicken burrito - Cháu muốn một cái burrito thịt gà.

Anh nhân viên nhanh nhẹn làm một cái burrito cho thằng bé. Sau khi gói xong, ra tới máy tính tiền, anh nhân viên hỏi:

- Có mua nước uống hay món gì nữa không?

Con trai lắc đầu:

-No, that’s it - Không, chỉ nhiêu đó thôi.

Anh nhân viên bấm máy:

- Vậy là $14.95.

Tôi móc thẻ tín dụng ra và quẹt vào máy tính tiền. Máy báo là không lấy được tiền.  Anh nhân viên nói:

- Try again - thử lại lần nữa.

Tôi cà thẻ lần nữa và cái máy cứng đầu không chịu lấy tiền trong nhà băng của tôi.  Anh nhân viên nhắc:

- Thử chùi thẻ vào áo rồi cà lại xem sao?

Tôi thử thêm hai lần nữa nhưng cái máy cứ nói là không lấy tiền được. Tôi kiểm tra bóp nhưng chỉ còn $2. Tôi hỏi anh nhân viên:

- Bạn có lấy Zelle không?

Anh nhân viên lắc đầu:

- Xin lỗi, chúng tôi không nhận Zelle.

Đồ ăn đã làm rồi, tôi không thể nào kêu anh nhân viên hủy món mình đã gọi. Tôi nói:

- Anh đợi tôi chút, để tôi gọi cho ngân hàng xem tại sao tôi không dùng thẻ được.

Thấy có vài khách hàng phía sau, tôi kéo thằng con qua một bên để gọi điện thoại cho nhà băng. 

- Alo, tôi đang mua đồ ăn cho con tại nhà hàng nhưng có vấn đề với thẻ nhà băng.  Bạn cho biết tại sao?

- Bạn cho tôi các thông tin cần thiết để chúng tôi biết bạn là ai.

Thế là tôi phải cho cô nhân viên ngân hàng số an sinh xã hội, địa chỉ nhà. Cô ta hỏi thêm:

- Bạn có nhớ lần sau cùng dùng thẻ, bạn trả tiền bao nhiêu không?

Con đang đói, mình đang quê vì không có tiền trả đồ ăn cho con, tôi cảm thấy bực mình dù biết rằng cô ta hỏi nhiều thứ là để bảo vệ cho mình. Suy nghĩ nát óc, tôi trả lời:

- À, tôi mới đổ xăng hôm qua hết $60.

- Bạn có nhớ cây xăng đó tên gì và ở thành phố nào không?

- Mobil ở Huntington Beach.

- Cám ơn bạn - cô nhân viên vui vẻ - Theo máy tính cho biết, có ai đó bên Á châu rút $20 ra khỏi trương mục của bạn tối hôm qua. Chúng tôi nghi đây là bọn gian lận thẻ tín dụng. Vì vậy, chúng tôi khóa trương mục của bạn. Bạn có trả tiền cho ai $20 bên Á châu hôm qua không?

Tôi nặn óc vài giây và trả lời:

- Cách đây một tháng tôi có mua một món đồ hết $35. Ngoài ra, tôi không có mua gì khác bên Á châu.

Cô nhân viên kết luận:

- Vậy đó là gian lận và thẻ của bạn bị khóa. Chúng tôi sẽ gởi cho bạn thẻ mới. Trong vòng năm ngày bạn sẽ nhận được. 

Tôi than vãn:

- Nhưng mà tôi cần trả tiền đồ ăn cho con tôi ngay lúc này.

Cô nhân viên tỏ ra thông cảm:

- Tôi xin lỗi, nhưng hệ thống máy tính đã khóa thẻ của bạn để ngăn chặn kẻ xấu lấy tiền của bạn.

Tôi nhẹ giọng:

- Tôi hiểu. Cám ơn cô.

- Chào anh.

Tôi rầu rĩ cúp điện thoại. Thế rồi trong đầu tôi lóe lên một sáng kiến. Tôi nói với anh nhân viên nhà hàng:

- Thẻ nhà băng của tôi bị khóa do có kẻ gian lận đánh cắp thông tin. Tôi sẽ băng qua bên kia đường để lấy tiền từ chợ Walmart. Anh giữ cái burrito, đừng vứt đi nhé. Chúng tôi sẽ trở lại ngay.

Anh nhân viên rất từ bi hỷ xả, cầm cái burrito lên, đưa về phía tôi và nói:

- Không cần đâu, cứ lấy cho bé ăn. Bạn không phải trả tiền.

Dù ngạc nhiên và cảm động trước cách đối xử quá đẹp của anh nhân viên, tôi từ chối:

- Không, tôi không thể nhận mà không trả tiền. Anh cho tôi vài phút, tôi sẽ quay lại. 

Chưa kịp quay đi thì tôi mới nhận ra rằng cho dù có qua Walmart bên kia đường để trả lại món đồ mua bên đó, tôi cũng không thể nào lấy được tiền mặt vì tôi đã trả cho món đồ ấy bằng cái thẻ nhà băng này. May quá, anh nhân viên ngân hàng tiếp tục… ép tôi lấy burrito:

- Bạn đừng suy nghĩ gì cả, cứ lấy cho cháu ăn mà không cần trả tiền.

Nhìn mặt con trai đang nhăn nhó vì đói và suy luận rằng nếu tôi không lấy thì nhà hàng họ cũng vứt cái burrito vào thùng rác thôi, tôi đành phải chấp nhận mình là tồi tàn vì miếng ăn:

- Ok, cám ơn nhiều lắm.  Tôi hứa ngày mai sẽ quay lại để trả tiền.

Anh nhân viên vẫn nhân từ như không thể nhân từ hơn:

- Bạn không cần trả lại tiền đâu.

Tôi ngại ngùng nhận cái burrito từ anh nhân viên:

- Cám ơn một lần nữa. 

Trên đường ra xe, tôi cảm thấy vừa quê vừa vui. Quê là vì không có tiền để trả đồ ăn cho con ăn. Vui là vì trong thế giới đảo điên, đầy hận thù này, vẫn còn có những người tốt như anh nhân viên nhà hàng kia. Qua kiếng chiếu hậu, thấy con trai đang ăn ngấu nghiến cái burrito, tôi đùa:

- Con thấy cái burrito có mùi nhang không?

Thằng con trố mắt:

- Tại sao có mùi nhang?


Tôi cười:

- Vì hôm nay ăn đồ chùa, không phải trả tiền.

Con trai cũng tỏ ra ngạc nhiên:

- Chú đó tốt quá daddy, cho mình burrito mà không lấy tiền.

Tôi giỡn với con trai:

- Ừ, chú đó tốt thật. Vậy từ nay, mỗi tuần mình ghé vào và nói rằng thẻ nhà băng bị khóa để chú ấy cho đồ ăn chùa.

- Con không nghĩ có lần thứ hai đâu.

Ngày hôm sau, tôi ra nhà băng gần nhà để rút tiền mặt đem đến trả cho cái burrito.  Khi đến nhà hàng, chúng tôi không thấy anh nhân viên hôm qua. Tôi hỏi thì cô nhân viên cho biết hôm nay là ngày nghỉ của anh ấy. Tôi kể chuyện hôm qua cho cô nhân viên nghe. Sau khi con trai kêu cũng cái burrito như ngày hôm trước, tôi nói với cô nhân viên:

- Bạn tính tiền hai cái vì hôm qua tôi chưa trả tiền.

Cô nhân viên hỏi lại:

- Bạn có chắc là bạn muốn trả tiền gấp đôi hôm nay không?

- Chắc chắn mà. Tôi đã hứa với anh ấy hôm nay tôi sẽ đến và trả lại tiền.

Cô nhân viên giải thích:

- Anh ấy là manager và có quyền dùng chức vụ đó để cho giảm giá hoặc cho không khách hàng. Bạn không cần trả lại đâu.

Tôi cương quyết:

- Bạn cứ tính tiền hai cái vì nếu tôi không trả cho cái burrito hôm qua, tôi cảm thấy áy náy lương tâm và sẽ không công bằng cho nhà hàng.

Cô nhân viên vui vẻ:

- Vậy thì tôi sẽ tính tiền gấp đôi và tôi sẽ nói cho anh ấy biết khi anh ấy đi làm ngày mai.

- Cám ơn bạn.

Tôi cảm thấy vui vì mình đã giữ lời hứa và không để mang tiếng “miếng ăn là miếng tồi tàn” dù cô nhân viên cứ cố thuyết phục tôi không trả tiền. Ở Mỹ, các doanh nghiệp rất quan trọng việc làm vừa lòng khách hàng vì họ muốn làm ăn lâu dài. Nếu dịch vụ khách hàng không tốt, họ sẽ mất khách trong tương lai. Sau câu chuyện tôi vừa kể, tôi có cảm tình với tiệm Chipotle hơn và hay mua thức ăn ở đó nhiều hơn trước.  Có nhiều người lợi dụng sự chiều chuộng khách hàng của các doanh nghiệp quá đáng để làm những việc không đúng lương tâm.

Một người bạn của tôi từng làm cho tiệm ăn nhanh McDonald’s ở trên khu Temple City kể rằng có hai cha con vô tiệm để mua hai cái Big Mac.  Thằng con ăn gần hết, quay qua ba nó:

- I am still hungry - Con còn đói.

Ông bố bảo thằng con:

- Mang cái miếng hamburger còn lại ra bảo nhân viên nhà hàng rằng cái hamburger không nóng đủ.

Người bạn tôi, khi nghe thằng bé nói thế, hỏi lại:

- Sao không đem nguyên cái burger sau miếng cắn đầu tiên để trả lại mà bây giờ ăn gần hết rồi mới than là không nóng.

Manager của người bạn thấy thế, nhảy vào can bạn tôi:

- Để tôi lo chuyện này.

Nói rồi anh ta lấy cho thằng bé một cái hamburger mới mà không tính tiền. Sau khi hai bố con khách hàng đó ra về, bạn tôi trách người manager:

- Tại sao bạn lại để cho họ làm như thế?

Người manager trả lời:

- Tôi biết là ông bố chơi bẩn để lấy cái hamburger thứ hai miễn phí nhưng một cái burger chẳng đáng là bao nhiêu. Tôi không muốn bị kiện cáo hay xì căng đan gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhà hàng.

Ở Mỹ còn một loại tiếp thị khá phổ biến là cho ăn thử. Nhiều người cũng lạm dụng quá đáng chuyện này để phải mang tiếng “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Vào cuối tuần, Costco hay có các xe để cho khách hàng ăn thử các món mà họ bán trong tiệm. Hôm đó tôi thấy có một gia đình người rất đông gồm có ông bà ngoại, hai cháu trai, hai cháu gái và bố mẹ của chúng. Tôi cảm thấy vui trước một gia đình ba thế hệ dắt nhau đi chợ.

Thế rồi cả gia đình xúm nhau ghé vào xe phát thịt gà để ăn thử. Ngoài gia đình ấy, còn rất nhiều người khác xếp hàng để chờ lấy món ăn thử. Bà nhân viên vừa bỏ lên 16 cái ly giấy nhỏ trong đó có miếng thịt gà, cả nhà nhào vào, mỗi người lấy hai cái. Thế là đám người đứng phía sau phải chờ bà nhân viên nấu đợt tiếp. Gia đình kia vừa đi vừa ăn thịt gà mới lấy được. Sau đó, họ xếp hàng trước xe phát bánh pizza.

Cũng như lần trước, khi ông nhân viên Costco vừa bỏ các cái ly có miếng pizza nhỏ xíu cho mọi người ăn thử, gia đình nhào vào lấy mỗi người hai ly. Ông nhân viên nhìn gia đình với con mắt vừa ngạc nhiên vừa khó chịu vì công trình hâm pizza của ông chỉ trong một giây tan biến như mây khói. Vừa đi vừa ăn pizza, gia đình kia hướng về xe phát bánh bao Đại Hàn.

Cũng như hai lần trước, chị nhân viên Costco vừa bỏ các cái ly chứa bánh bao lên là gia đình đó lại cuỗm luôn một lúc 16 cái, mỗi người hai cái. Giặc Mông Nguyên đi đến đâu là tiêu diệt không còn ngọn cỏ. Gia đình kia đi đến xe ăn thử nào thì đồ ăn không còn một miếng. Cứ như thế, đại gia đình dọn sạch các xe phát tacos, thịt bò, tôm tempura.

Sau khi làm sạch xe tôm, bà ngoại nhắc ông ngoại:

- Nãy giờ toàn ăn thịt, bột và tôm mà không có miếng rau nào. Ông kiếm xem có xe nào phát rau cho cả nhà ăn cho có chất sợi, không thôi mấy đứa nhỏ bị bón, ỉa ra máu.

Ông ngoại gật gù:

- Ờ, rau tốt cho sức khỏe.

Thế là ông dắt cả nhà đến cái xe phát rong biển (seaweed) để cải thiện chế độ ăn uống. Sau khi làm sạch xe rong biển, ông ngoại sảng khoái tuyên bố:

- Ăn no rồi, bây giờ mình qua xe nước uống để giải khát.

Mẹ của mấy đứa bé tán đồng:

- Ba nói đúng đó. Đồ ăn hơi mặn nên con thấy hơi khát.

Thế rồi cả gia đình đi đến khu có hai xe, một phát nước lã, một phát nước ngọt. Bà ngoại đề nghị:

- Chúng ta vào xe nước lọc nhé.

Con rể xua tay:

- Mình vào xe nước ngọt đi ngoại. Nước ngọt mắc tiền hơn. Nước lọc mình về nhà uống thiếu gì.

Bà ngoại gật gù:

- Ờ, con tính toán giỏi. Má không nghĩ ra.

Sau khi mỗi người làm hai ly nước ngọt, thằng cháu trai lớn nhất trong đám đề nghị:

- Mình ăn món chính rồi, nước uống rồi. Vậy mình kiếm món tráng miệng nha ông ngoại.

Ông ngoại gật đầu:

- Tất nhiên rồi. Nào, mình đi về phía xe bánh bông lan đi.

Xe bánh bông lan không có ai chờ đợi cho nên có rất nhiều đồ ăn. Gia đình tăng suất ăn của mỗi người từ hai ly lên ba ly. Trong tích tắc, cái xe bánh bông lan sạch sẽ như đồ chưa khui vậy. Bà nhân viên Costco xe này tỏ ra vui mừng vì được gia đình cứu ế. Thanh toán xong ba ly bánh ngọt, bà ngoại vừa ngáp vừa nói với ông ngoại:

- Ông nè, ăn uống đầy đủ rồi, giờ tôi thấy buồn ngủ. Ông dắt cả nhà ra cái khu ghế mát xa để mình đánh một giấc cho tỉnh táo.

- Ờ, tôi cũng cảm thấy buồn ngủ.

Anh con rể cũng đồng ý:

- Con đọc trên internet, các nghiên cứu nói rằng sau khi ăn trưa, nếu nhân viên ngủ 20 phút, đầu óc sẽ minh mẫn hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Thế là cả nhà kéo nhau ra khu ghế mát xa. Có lẽ uống nước ngọt và ăn bánh bông lan nhiều đường quá cho nên cả nhà buồn ngủ. Trên đường đi đến khu ghế mát xa, anh con rể khoe với gia đình:

- Vậy là xong bữa trưa. Nếu đi ăn bên ngoài, gia đình mình 8 người cũng tốn ít nhất là $60 nếu ăn fast food. Còn ăn nhà hàng ngồi xuống thì cũng mất trên $100. Vào đây, đi ăn buffet kiểu này không tốn đồng nào mà bây giờ còn được đi mát xa nữa. Vậy là hôm nay nhà mình tiết kiệm được ít nhất $100.

Nghe đến đây tôi chịu hết nổi, tính chạy lại nói với gia đình nọ:

- Sau khi ngủ trên ghế mát xa, gia đình mình nên kéo nhau vào phòng vệ sinh để đái, ỉa và rửa ráy luôn. Về nhà không cần tốn nước hay giấy vệ sinh. Tiết kiệm thêm vài chục đô nữa.

Cũng may là tôi kìm hãm mình để không nói những lời đề nghị vô duyên đó. Nếu không, sẽ có một trong hai trường hợp xảy ra. Một là bị gia đình đó đập cho một trận nên thân nếu họ cho rằng tôi nói móc họ. Hai là, Costco sẽ sập tiệm nếu gia đình ấy cho rằng tôi thật lòng muốn giúp họ tiết kiệm.

Thấy mình hơi vô duyên khi xía vô chuyện của gia đình người ta và không muốn làm phiền giấc ngủ của họ, tôi đẩy xe đi hướng khác để tiếp tục việc mua sắm của mình.

Vì đã khá lâu không đi Costco, hôm đó tôi cần mua rất nhiều hàng hóa và vì thế tốn khá nhiều thời gian. Khi ra tính tiền thì cái hàng trả tiền dài như vô tận. Tốn khoảng 15 phút tôi mới trả tiền được. Đẩy xe hàng ra tới cửa, đi ngang qua khu food court, nơi Costco bán pizza, hot dog cho khách hàng, tôi thấy gia đình đó đang đứng sớ rớ ở trong góc.

Tôi hơi thắc mắc rằng lúc ở trong chợ, họ đã ăn uống buffet no say, sao bây giờ lại đứng trong khu bán đồ ăn. Nhìn kỹ một chút, tôi thấy bà ngoại đang nhanh tay thoăn thoắt kéo hàng loạt các giấy lau tay từ cái hộp giấy lau tay để những ai mua đồ ăn ở food court sử dụng. Khi rút tờ giấy sau cùng trong hộp đựng, bà ngoại nhắc con rể:

- Con tới bảo cái cô bán bánh rằng hết giấy lau tay rồi để họ đem thêm ra.

Cô con gái cản:

- Thôi, má lấy giấy vậy đủ rồi. Giấy này để cho những khách ăn tại đây. Mình không mua đồ ăn mà lấy hơn nửa hộp là nhiều rồi.

Bà ngoại không vừa lòng:

- Nhiêu đây chỉ đủ để nhà mình xài hai ngày. Tuần sau mình mới đi chợ nữa, làm sao có giấy xài.

Chắc thấy bà ngoại làm quá, anh con rể cũng tỏ ra lạnh cẳng:

- Hôm nay mình ăn buffet chùa và lấy giấy vệ sinh nhiêu đây giấy lau tay là đủ rồi.  Nếu hết, hai ngày nữa con chở má ra lấy thêm.

Lúc đó, tôi nhận ra trong xe của gia đình họ có hai cuộn giấy vệ sinh nhỏ hơn bình thường, không còn trong bao nylon. Thì ra họ vào nhà vệ sinh cuỗm luôn hai cuộn giấy vệ sinh để đem về. 

Nước Mỹ giàu có, đồ ăn không thiếu nhưng nhiều người vẫn để cho miếng ăn là miếng tồi tàn. Cái hamburger chẳng đáng là bao nhiêu nhưng ông bố đã làm gương xấu cho con mình dạy cho nó mánh mung để đòi nhà hàng cho một cái mới sau khi đã ăn gần hết cái bánh.

Gia đình tại Costco thì không có gì sai khi ăn buffet trong đó nhưng đồ ăn thử có nghĩa là mỗi người lấy một miếng thôi vì có những người khác cũng muốn thử. Khi gia đình nọ mỗi người lấy hai ly, mà gia đình tám người, những người đứng chờ phía sau không còn đồ ăn để mà thử. Nếu vì phải sống còn mà phải bày ra chiêu trò để có ăn thì cũng còn thông cảm được. Ngược lại, nếu có đủ điều kiện, có lẽ chúng ta nên tránh không để miếng ăn là miếng tồi tàn.
 
 
Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
19/06/202520:31:32
Khách
de gop van them vao cau chuyen o tren tui cung xin dong gop vao chuyen mat thay tai nghe la tuan truoc tui di cosco gan nha mua it trai cay thi tinh co thay 2 me con cua mot nguoi viet nam an mac rat sang trong kem theo deoday nguoi nu trang dat tien den mo thung apple va lua ra nhung trai to va tuoi tot nhat roi den hang thu du mo boc lay ttrai lon va bo tro lai trai nho thuong thi moi boc thu du ho de mot trai nho va mot trai to bay gio thi tui biet duoc la tai sao bich thu du chi co 2 trai nho thoi
19/06/202517:14:01
Khách
Một bài viết rất có giá trị, có bao nhiêu người Việt Nam có trình độ và hành sử được như Ông.
Hôm qua tôi đem xe đi check smog tại một tiệm của người Việt ở San Jose, góc tully và mc laughling. Ông chủ tiệm chỉ mở cửa xe tài xế nhìn vào dashboard, mở hood rồi chiếu đèn pin vào gầm xe xong chỉ có thế thôi và yêu cấu tôi trả tiền, Điều đáng đề cấp đến ở đây là ở trên bảng tính tiền của tiệm có ghi là Check SMog xe trả $65. Nhưng khi tôi đưa cho ông ta $80 với 4 tờ $20, ông ta chỉ trả lại tôi có $2. Đáng buồn một lấn đi tới và không bao giờ trở lại . Ôi Vietnamese at USA. Có bao nhiêu người có được tâm hồn tốt như tác giả bài viết và có bao nhiêu người như ông chủ tiệm check smog.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 262,668
Tôi sống ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Một thành phố với nhiều cảnh đẹp, rất thơ mộng, thành phố được che chắn bởi một rừng thông bạt ngàn, quanh năm xanh mướt. Một rặng núi hùng vĩ bao quanh nhiều hồ lớn, nước xanh trong vắt, là phi trường của đủ loại thủy phi cơ. Seattle còn có tên gọi rất thơ “Cao Nguyên Tình Xanh.” Ngoài ra Seattle có tháp Space Needle cao 180 mét, trên đỉnh tháp là đài quan sát, cho khách du lịch ngắm toàn cảnh, từ thành phố đến dãy núi Olympic hùng vĩ, dãy núi Reneir quanh năm tuyết phủ trắng xóa, ngắm vịnh Puget thơ mộng. Seattle còn có một thành phố chìm dưới lòng đất. Vùng đất này cũng là quê hương của nhiều ngành công nghệ lớn, như Microsoft, Amazon, và Boeing.
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Nhạc sĩ Cung Tiến