Hôm nay,  

Thư Gửi Bạn Xưa Mới Sang Mỹ

11/01/200100:00:00(Xem: 144270)
Florida,30 tháng 9- 2000

Anh Cẩn và Danh thân mến!

Được anh Nghi báo tinh Danh đã qua Mỹ với anh Cẩn và 3 con hiện ở Virginia, mình mừng quá vội gọi điện thoại để hỏi thăm.

Gần hai mươi năm mới biết tin Danh, hồi hộp quá. Nghe giọng nói của một cô gái khoảng 25-30 tuổi mình nghĩ có lẽ là con của Danh, không dè lại chính tiếng nói của Danh. Mình nhớ là Danh cũng dã trên thất thập rồi không ngờ tiếng nói còn trẻ quá.

Mừng vui không kể xiết từ lần cuối cùng của năm 1980 mình gặp nhau ở Đại học sư phạm và sau đó bặt tin luôn. Nói chuyện trên điện thoại hơn 1 tiếng đồng hồ mà chưa hết chuyện.

Hôm nay là ngày kỷ niệm 52 năm ngày cưới của mình và anh Tám 30-9-1948- 30-9-2000, mình nhờ Anh Tám viết thư cho Danh đây.

Tại sao mình không viết thư được mà phải nhờ mình sẽ kể lại sau.

Mình nhớ ngày này năm xưa Danh và Nhi cùng bạn bè thân hữu đã dự tiệc cưới của mình và anh Tám ở nhà hàng Lý Văn Lang, cái nhà hàng nhỏ xinh xắn ở đường Lê Lai gần ga xe lửa Saigon. Danh còn nhớ không" Một kỷ niệm luôn luôn có hình ảnh của Danh và Nhi vẫn còn đọng mãi trong tim mình qua sau 52 lần kỷ niệm lúc nào mình cũng nhớ như in.

Đùng một cái, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Anh Tám cũng như anh Cẩn và bao nhiêu người khác bị đi cải tạo, mình đau khổ phải mất nhà ở Nguyễn Bĩnh Khiêm, khó khăn trăm việc khi sống dưới chế độ Công An Cộng Sản từ vật chất cho đến tinh thần.

Rồi hao mòn thân xác, lo âu, khổ cực thiếu thốn do đó mà cặp mắt mờ đi. Mình đã một lần mổ mắt tại Bệnh Viện Saint-Paul, nhưng không đầy đủ thuốc men, mình không còn đọc chữ và viết được nữa cũng như không thấy rõ người và cảnh vật.

Thế rồi cũng nhờ thằng con út ra đi vượt biển năm 1979 bảo lãnh mãi đến năm 1991, mình và anh Tám cùng với 2 đứa con gái không có gia đình được đi theo. Còn 2 đứa con lớn có gia đình như Danh đã biết, khi qua đây anh Tám và mình được vô dân Mỹ mới bảo lãnh và đã qua sau này năm 1997, với 3 đứa cháu nội và 2 đứa cháu ngoại.

Trở lại chuyện của năm 1991, Mình và anh Tám qua Mỹ định cư ở thành phố Pompano Beach, Florida. Phải thành thật mà nói mình hết sức cám ơn cháu Huỳnh Anh và Cháu Willie Ferrell đã tận tình giúp đỡ cho cuộc sống của mình và Anh Tám được ổn định từ việc mướn nhà, đưa đón đi Bệnh Viện khám mắt mổ mắt cho đến giao địch với các hội, các cơ sở.

Mình rất may mắn được ông Bác sĩ nhãn khoa có tên là Howard Fleissig tận tình chữa trị cặp mắt của mình, cho mình thấy được ánh sáng và cảnh vật.

Mình bị bệnh mắt có tên là Glancoma và Cataract. Bác sĩ đã hai lần mổ 2 mắt miễn phí nếu tính tiền ít lắm là hai mươi ngàn đô. Nghĩa cử của người Bác Sĩ Mỹ này, đời đời mình nhớ ơn. Ngoài việc trị bệnh, ông còn có nhiều tình cảm, thương yêu, quí mến mình, tận tình săn sóc và vui mừng nhìn thấy mình đã đọc được hàng chữ lớn của tờ báo địa phương có tên là Sun-Sentinel.

Khi mình đổi nhà qua ở một khu vực khác, ông còn lo lắng hỏi han nơi chỗ ở mới có an ninh, tốt không" Ông đã săn sóc chữa trị cho mình, cho thuốc miễn phí để dùng mỗi ngày cho đến năm 1997, ông bị bệnh ung thư và chết trong năm 1998. Mình đã khóc thật nhiều và tiếc thương người Bác Sĩ tài ba và vắn số. Hằng trăm bệnh nhân đã nhờ ông chửa trị mà khỏi mù mắt.

Trong lúc mình nằm bệnh viện để mổ mắt, được sự giúp đỡ của mọi người mình mới thấy câu châm ngôn "lương y như từ mẫu" đã thể hiện ở đất Mỹ này.

Ngoài Bác Sĩ, Bệnh Viện, mình đã được ông Jeffrey - Nelson giám đốc Hội người mù ở quận Broward Florida cho người đến săn sóc mình lúc ở Bệnh Viện cũng như trong thời gian còn bệnh lúc ở nhà.

Các sinh viên thực tập hằng ngày thay phiên đến nhà để tiêm thuốc, nhỏ thuốc hướng dẫn mình đi đứng, thực hành phương pháp ăn uống theo điều độ của người bệnh mắt. Và thị giác của mình từ từ phục hồi.

Đến thời gian mình có thể thi quốc tịch cũng chính các Bác Sĩ trị bệnh chứng nhận cho mình khỏi thi viết nhưng vẫn thi lịch sử Mỹ như những người lành bệnh. Nhờ có sẵn trình độ nên mình dễ dàng đạt được kết quả.

Nếu mình không qua được đất nước tự do và khoa học hiện đại này, chắc mình đã bị mù hẳn khi ở lại Việt Nam. Cuộc đời của mình đã cưu mang ơn nghĩa với người Mỹ và đến nay chính quyền Mỹ đã đùm bọc, giúp đỡ mình trong tuổi già.

Danh ơi! Mình rất sung sướng thoát qua cảnh đui mù, đã thấy được tất cả cảnh vật, hình dáng người thân, đã thấy mưa rơi, đã thấy nắng vàng và nhìn được hình ảnh của các ca nhạc sĩ trong Tivi cũng như các đồng bào ruột thịt, các người Mỹ cùng sống chung trong khu vực mà đã thương yêu trìu mến, giúp đỡ mình trong lúc ốm đau, bệnh tật.

Mình đã đi một vòng du lịch nước Pháp với anh Tám trong những tháng hè vừa qua rồi một ngày gần đây mình sẽ đến thăm Anh Cẩn và Danh cùng các cháu.

Thương mến gởi đến Danh, người bạn của tuổi học trò năm xưa

Bạïn Danh

Đặng Thị Hoa
Florida Tháng 9/2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 865,048,746
Bây giờ hồi tưởng lại chuyện xuất ngoại và vượt biên cũa cha con tôi
Nơi tôi làm việc có một nơi cao chót trên tầng sân thượng
Dạo mới chân ướt chân ráo đến định cư ở Mỹ, tôi gặp anh ở lớp học ESL ban đêm.
Buổi sáng mùa Đông trong khu cộng-đồng The Farm
Con gái cao hơn 1m7, với người Mỹ thì đó là chuyện thường.
Mùa hè năm 1977, trước khi chuẩn bị vào lớp 11 cho niên học mới, những lúc rảnh rỗi tôi và vài người bạn học thường hay kéo nhau đến phòng sinh họat của trường trung học tỉnh lỵ, nơi chúng tôi đang học để chơi bóng bàn.
Hệ thống thu và đóng thuế qua mạng điện tử của chính phủ Liên bang được thành lập năm 1996 là hệ thống đóng thuế miễn phí của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ.
Sau 7 năm vất vưởng, ông bị cưỡng bách hồi hương.  
  Hắn ham chơi tới mấy bà chị làm chung hãng, nghe đồn hắn có bồ thì ngứa miệng: "Mày đừng bao giờ lấy vợ vì chẳng con nhỏ nào lấy chồng mà chịu cho thằng chồng đi chơi thâu đêm suốt sáng, lấy vợ làm chi cho tốn tiền đám cưới."
Nói sơ sơ vài trường hợp thôi chứ ngồi mà kể ra hết những trường hợp Bích Liên biết thì ôi thôi sao thấy đàn ông tệ quá xá tệ.
Nhạc sĩ Cung Tiến