Hôm nay,  

Tại Cái Điện Thoại, Nhờ Cái Điện Thoại

30/01/200100:00:00(Xem: 165506)
Bài tham dự số: 02-152-VB0131

Bà Xuân Nguyễn, cư trú tại Long Beach, California, đã góp cho Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ hai bài viết đặc biệt. Bài "Cám ơn không phải dễ" với những kinh nghiệm tế nhị, sâu sắc đã được phổ biến trong mùa Lễ Tạ Ơn vừa qua. Bài "Đám cưới Mỹ, đám cưới Việt" tiếp theo với nhiều chi tiết sống động cũng được nhiều độc giả ưa thích. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.

*
Ông Alexander Graham Bell, người Mỹ gốc Ái Nhỉ Lan đã phát minh ra cái điện thoại cách nay hơn một thế kỷ nhưng mãi đến thập niên 90 sang Mỹ tôi mới có dịp dùng đến nó, thật là quá chậm tiêu!
Kể ra trước năm 1975 và sau 1975 ở Việt Nam đã có điện thoại nhưng phần lớn chỉ sử dụng ở văn phòng làm việc hoặc ở bưu điện. Phía tư nhân, chỉ có những nhà sản xuất hay kinh doanh mới gắn điện thoại. Đại đa số phó thường dân như tôi cả năm cũng chẳng cần đến cái điện thoại.
Sau 75, họa vô đơn chí đến gia đình tôi, nào là nhà sắp cháy, rồi bị trộm, cả hai đứa con sốt xuất huyết... Tôi thấy giá mà nhà có cái điện thoại thì hay biết mấy nhưng cả khu phố chẳng ai có điện thoại. Cuối cùng tôi đành phó mặc cho số mệnh. Do vậy mà ngày trước, tôi thường kiếm chỗ ở gần chợ, trường học, bịnh viện, nhà mặt tiền, hẽm rộng để xe chữa lữa vào được...chứ không bao giờ nghĩ đến việc gắn cái điện thoại để dùng.
Bây giờ bên nhà đã đổi mới lắm, gần như nhà nào cũng có điện thoại -- một mốt thời trang của Hi-Tech. Chẳng khác gì nhà không computer thì không có vẻ trí thức, không có Laser Disc hay DVD để hát karaokê thì không sang vậy.
Ngày mới đặt chân đến miền đất hứa, tôi thấy bên Mỹ nầy cái gì mình cũng phải học cả để sống còn; nào là học cách dùng bếp gas, máy giặt, máy sấy, máy nóng, máy lạnh, cái microwave, học Anh ngữ, lái xe, vv... nhưng bài học mà tôi tiếp thu và ngày hôm sau thực hành ngay là gọi điện thoại. Người bảo trợ đã dạy cho mấy mẹ con cách gọi điện thoại lân cận và viễn liên: bấm 7 số, 10 số, 11 số nhưng không đi vào chi tiết mà tôi cho là quan trọng: giá tiền mỗi phút gọi, giờ nào giảm giá... Cũng có thể là người bảo trợ tế nhị chăng"
Thế là ngày hôm sau "Home Alone", buồn và cô đơn, tôi lấy tờ giấy ghi số phone thân nhân và bạn bè, gọi thoải mái, bất chấp giờ giấc. Tha hương ngộ cố tri! Tôi say sưa kể chuyện nắng mưa, sương gió, đổi mới tư duy, kinh tế thị trường. Bạn bè cũng thao thao bất tuyệt về miền đất hứa rất nhiều hứa hẹn mà quên đến bước đi của thời gian.
Một tháng trôi qua thật nhanh! Cái bill diện thoại gửi về ghi số tiền phải trả gần 200 đô. Lúc đó tôi mới quay về thực tế và qui ra tiền Việt Cộng, quả là một món nợ khổng lồ khiến tôi mất ăn, mất ngủ mà chỉ ham đi làm cho có tiền trả nợ điện thoại. Tôi chỉ trách mình già chuyện mà không dám trách người. Cũng may tôi được một đồng hương giúp đỡ bằng cách gọi lên hảng điện thoại xin được trả bốn lần. Nghĩ đến số tiền quá lớn khi chân ướt chân ráo đến Mỹ, tôi thật ân hận, chỉ dùng để than rắn thở dài mà chẳng đi đến đâu. Từ đó về sau tôi không dám gọi viễn liên nữa. Nhưng cái điện thoại vẫn chưa để cho tôi yên.
Dạo đó ba mẹ con tôi share phòng với một gia đình Việt Nam khác, họ cũng cho share điện thoại nghĩa là dùng chung điện thoại với họ. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng không phải vậy. Có lần tôi được bạn chở đến nhà chơi và đã nhờ một người trong nhà chở về. Cuộc chơi đã tàn. Tôi cầm phone gọi về nhà nhưng lúc nào phone cũng bận. Thế là tôi phải lưu cư đến gần nửa đêm. Cuối cùng người bạn lại phải chở tôi về. Ngày cuối tuần tôi muốn gọi điện thoại cũng không được vì gia chủ dùng phone. Tôi phải chờ đến lúc họ không dùng nữa mình mới gọi thì đã quá khuya, bạn bè ngủ cả rồi.
Đã đến lúc tôi thấy mình cần phải có điện thoại riêng. Từ khi có đường dây mới, lắm hảng điện thoại gọi đến cho giá thấp, tôi bắt hảng này bỏ hảng kia. Có tháng hai cái bill về một lượt lại phải gọi để điều chỉnh. Do cạnh tranh, mỗi hảng offer một kiểu giảm giá khác nhau. Có hảng tặng cho mấy trăm phút miễn phí, ngày Chủ nhật chỉ tốn 5 cent cho một phút, mà Chủ nhật mình bận mua sắm, chợ búa, cơm nước, giặt giũ ai ở không đâu mà gọi. Rồi có hảng gửi cho những stickers nhắc nhở đừng quên bấm 10-10-321, 10-10-811 để được hưởng nửa giá. Thế nhưng cái bill điện thoại hàng tháng cứ tăng dần. Đúng là giá rẻ mình lại xài nhiều. Vả lại tưởng là giá rẻ nhưng mà thật sự không phải vậy vì còn đủ thứ tiền lệ phí linh tinh mà hảng điện thoại cộng vào.
Bực mình về cái điện thoại, tôi đem "nỗi lòng" của mình giải bày với vợ chồng cậu em ở quận Cam nhưng vợ chồng cậu ta cũng đang khổ vì cái Total Amount Due của cái bill điện thoại tháng rồi. Số là vợ chồng cậu em tôi ở nơi thị tứ, có tinh thần hiếu khách, lúc nào cũng welcome khách viễn phương, bạn đến nhà chơi. Vốn lịch sự và tế nhị có thừa, gia chủ không nhắc khách mua thẻ điện thoại để gọi viễn liên nên khách gọi thoải mái. Khi tất cả khách khứa ra đi, thì gia chủ nhận bill điện thoại gần 500 đô. Hai vợ chồng ngậm ngùi nhìn nhau và gọi lên hảng xin trả góp ba lần. Tự nhiên ách giữa đàng mang vào cổ! Tết này hai vợ chồng mỏi tay viết một hộp thiệp chúc rồi gủi "snail mail" qua bưu điện vì đã cúp điện thoại viễn liên rồi.
Cái điện thoại còn là một phương tiện viễn thông quá nhanh chóng. Muốn loan một tin đi chỉ cần nhấc cái điện thoại. Bởi thế tiếng dữ thường đồn xa mà tiếng lành gần như im bặt. Cô tôi có lần bực mình khi đứa con gái gọi sang Mỹ thay vì hỏi thăm sức khỏe của mẹ thì lại tỏ ra vui mừng khi nghe thấy ông Clinton nói dối khéo léo nên đã thoát nạn.


Trong cuộc sống thật không có gì bực mình cho bằng những cú phone gọi đến lúc đang ăn ngon, ngủ ngon giấc... Nếu mình không trả lời thì bị gán cho là bất lịch sự. Lại có những người khách không mời mà đến nghĩa là không gọi phone, gia chủ chẳng thích cái bất ngờ đó mà chỉ thấy bất lịch sự. Bên Mỹ nầy có nhiều công việc đòi hỏi khả năng nghe và trả lời điện thoại bằng Anh ngữ. Điều kiện nầy đã hạn chế người di dân, tị nạn trong một số việc làm. Telephone talk thường khó nghe hơn là mặt đối mặt.
Những tưởng cái phương tiện hiện đại nầy chỉ ảnh hưởng đến những người sống ở Mỹ, không ngờ nó cũng gây phiền phức cho ba tôi ở bên nhà khiến ông cụ nhiều lần muốn cắt phone. Tôi nghĩ ông trách ngầm ba mẹ con tôi. Ba tôi than phiền cũng hợp lý khi ông nói rằng từ ngày có cái điện thoại trong nhà thì con cháu chỉ gọi phone để hỏi thăm sức khoẻ chứ ít khi nghĩ đến việc về thăm ông, cả con cái ở gần cũng vậy. Hàng xóm không có phone đến xin gọi nhờ, nhiều nơi gọi đến nhờ ba tôi nhắn giùm... Việc làm thiện nguyện bất đắc dĩ của ba tôi làm cho nhiều lần ông không được ngủ yên và biến căn nhà của ông thành một trạm phone công cộng.
Tuy nhiên trên đời nầy, vấn đề gì cũng có hai mặt. Bên cạnh những cái bực mình không nhỏ do cái điện thoại gây ra, chúng ta ai cũng nhận thấy sự hữu hiệu, tối cần, cái "ưu việt" của cái điện thoại, không thể không có trong cuộc sống hôm nay.
Đi học, đi làm rồi nghỉ học, nghỉ làm, giao dịch, mua bán, chữa bịnh... nếu nhà không có điện thoại thì thật là trở ngại. Chỉ cần nhấc nó lên, bấm đúng số thì chúng ta có ngay một liều lượng thông tin chính xác mà không phải mất thời gian, mất sức và tiền bạc để đi không rồi lại về không như ngày trước.
Những chính trị gia, nhà doanh nghiệp lại gắn bó với cái điện thoại hơn người thường. Từng giờ, từng phút họ cần theo dõi chính trường, thương trường để có những quyết định khôn ngoan sáng suốt. Họ sử dụng đa dạng phong phú cái phương tiện hiện đại nầy. Họ không thể bỏ sót một cú điện thoại nào bằng cách mở đường dây hai, ba chiều, mua điện thoại cầm tay lưu động. Phải có cái Caller ID xem ai gọi đến để rồi lịch sự cầm chân người kia bằng cái call waiting, rồi chọn lựa trả lời hoặc lịch sự vắng mặt bằng cái answer machine. Bởi vì một cú điện thoại của họ có thể đảo lộn thị trường chứng khoán hoặc tình hình an ninh thế giới.
Đó là những vấn đề to lớn đi ra ngoài kiến thức hạn hẹp của người viết, xin không dám lạm bàn.
Tôi còn nhớ có lần share phòng với một cô bé Việt Nam đang đi học, thường 4 giờ chiều cô mới về nhà. Nhưng hôm đó cô ta bịnh nên về sớm và đã gọi cho người bạn trai ở San Jose hay. Đến trưa người bạn trai gọi. Tôi tưởng không có ai ở nhà nên bắt phone và cho hay "Thủy chưa về" nhưng anh ta quả quyết la Thủy đang nằm trên lầu. Cái điện thoại đúng là một vật "thần kỳ" vì trong nhà chưa rõ mà ngoài ngõ đã hay.
Nhờ có cái điện thoại mà người chủ kiểm soát nhân viên. Dạo tôi mới nhận một việc bán thời gian ở văn phòng, cứ sáng đúng 8 giờ là bà chủ gọi vào lấy cớ xe hư đến trễ để rồi giao cho tôi một số việc. Bà gọi như vậy trong suốt một tuần lễ để xem tôi có đến đúng giờ và có biết việc không.
Thỉnh thoảng mấy cháu ở nhà dùng điện thoại để làm homework chứ không cần phải đến nhà nhau để học tổ, nhóm như tôi ngày trước.
Cái dễ thương của điện thoại là bắt một nhịp cầu tình cảm. Thử tưởng không có gì hạnh phúc hơn sau một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng thần kinh lúc trở về nhà nghe tiếng của ai đó vừa ngọt ngào, vừa ấm áp thỏ thẻ ở đầu dây hay một lần hẹn hò cuối tuần thì tự nhiên cái nhọc nhằn căng thẳng bỗng nhiên mà tan biến.
Lại càng thú vị hơn khi mà mùa đông đến thời tiết giá lạnh, nằm trong căn phòng chăn ấm nệm êm, mở một bản nhạc nhẹ vừa đủ nghe, áp cái điện thoại vào tai mà cứ tưởng tượng như người tình trong gang tấc, đang thì thầm bên gối.
Cuộc đời thi vị đáng sống lắm chứ! Nhưng cũng đừng quá tưởng tượng để đau khổ: nàng đang có một người bạn trai bên cạnh khi mình gọi đến. Hãy lắng nghe chất giọng ngọt ngào của Jim Reeves: Put your sweet lips a little closer to the phone. Let's pretend that we're together all alone. I tell the man to turn the juke-box way down low. And you can tell your friend there with you, you have to go. Whisper to me, tell me do you love me true or is he fooling you, the way I do. Make up your mind. I've got to know. Should I hang up or will you tell him you have to go...
(Hãy đặt đôi môi ngọt ngào của em gần cái điện thoại hơn nữa. Chúng ta giả vờ như từ cô đơn tìm đến nhau. Anh sẽ nói với gã vặn nhỏ cái máy hát lại và em có thễ nói với gã là em phải đi. Hãy thì thầm với anh là em yêu anh thật tình hay là gã đang lừa phỉnh em. Em hãy quyết định! Anh cần biết. Anh nên cúp điện thoại hay là em sẽ nói với hắn ta là em phải đi...)
Cái điện thoại đã mang đến nguồn vui, hạnh phúc cho con người. Theo bác sĩ Dennis Jahnigen, giám đốc viện nghiên cứu Đại học Havard đã tìm thấy rằng mỗi tuần chúng ta có chừng năm lần điện thoại thì sống lâu hơn những người không có cú điện thoại nào. Tôi đã vô tình quảng cáo không công cho các hãng điện thoại.
Rất cám ơn ông Alexander Graham Bell, nhà phát minh ra cái điện thoại cùng những hảng sản xuất cái điện thoại có dây, không dây cho đến cái điện thoại di động cùng những hảng cung cấp dịch vụ nầy. Xin hãy cứ cạnh tranh để chúng tôi được hưởng giá rẻ.
01-2001
Xuân Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,000,685
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, Giảng Viên Anh ngữ trường Sinh Ngữ Quân Đội, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO9, hiện định cư tại Greenville South Carolina. Từ năm 2002, tác giả đã tham gia Viết Về Nước Mỹ với nhiều bài viết giá trị. Sách đã xuất bản: "Hành Trình Về Phương Đông."
Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả hiện là cư dân Chicago, 35 tuổi. Trong email kèm bài viết gửi Việt Báo, Lê Thị cho biết, "Mới đây, sau khi đọc một số sách của nhà văn Nhã Ca, tôi bỗng có cảm hứng muốn viết và đây là bài viết bằng Việt ngữ đầu tiên của tôi trong 20 năm qua." Bài viết theo lối tự sự, nhân vật xưng tôi đến Mỹ khi còn là một cậu bé “tiếng Việt chưa đủ vốn, tiếng Anh dăm ba chữ chập choẹ,” kể về chuyện tình đồng tính dữ dội. Cách kể, cách viết cho thấy một cá tính mạnh mẽ hiếm thấy.
Tác giả là cư dân Boston, bút hiệu của bà nhắc nhớ bài thơ nổi tiếng của một thiền sư Việt Nam. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nhất Chi Mai cũng là bó hoa tinh thần tưởng niệm một nữ trung uý Mỹ gốc Việt tử trận tại chiến trường Iraq: “Đóa Hồng Bạch,” phổ biến vào dịp Memorial Day 2011, tới nay đã có 22,468 lượt người đọc trên Vietbao Online. Bài mới của Nhất Chi Mai là một du ký đặc biệt về Atlanta, quê hương của tác giả “Cuốn Theo Chiều Gió”. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc địa chỉ liên lạc cùng sơ lược tiểu sử.
Người viết là một cô giáo dạy Việt ngữ tại San Jose, người gởi bài dùm là ThaiNC, tác giả bài “Công Chúa Mỵ Nương Sang Mỹ” đã phổ biến. Bài viết được Thai NC giới thiệu như sau:
Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới là chuyện nhà Ngày Của Mẹ 2012. Hình ảnh là nhân vật của bài viết.
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, khoá 8/68 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, bị bắt tại Ban Mê Thuột ngày 14 tháng 3 năm 1975; Đến Mỹ tháng 4/2005, hiện cư ngụ tại Carlsbad, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Phúc Ấm Con Ban” kể chuyện một ông bố cựu sĩ quan VNCH bị con ruột đuổi ra khỏi nhà. Bài thứ hai, “Người Bạn Già Mất Trí” kể việc ông bố nhận công việc chăm sóc một cụ già mất trí. Bài thứ ba, “Ông Chú Ngoại”, kể việc ông giúp kèm học cho lũ trẻ trong nhà chủ. Bài mới nhất là phần cuối. Chuyện cuối đời lưu vong, dù buồn vẫn sáng lên tình người tử tế với người.
Tác giả là cư dân châu Âu, làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Tuy sống bên kia Đại Tây Dương, những bài viết của cô thường thường rất bén nhậy với chuyện của người Việt tại Mỹ. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Bài viết mới của cô là là chuyện Mothers Day 2012 của một nàng dâu người Mỹ tóc vàng.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Mothers Day 2011, bà viết về Mẹ. Năm nay, bà viết về bà Mẹ Chồng, người mà bà trân trọng gọi là “Má tôi.”
Chủ Nhật 13-5 là Mothers Day 2012. Xin mời đọc bài viết mới của Anne Khánh Vân, giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Cung Tiến