Hôm nay,  

Em Và Nước Mỹ

17/09/200100:00:00(Xem: 151388)
Bài tham dự số: 02-351-vb70916


Em cùng gia đình (Bố mẹ và đứa em gái) sang Mỹ định cư với một hy vọng có một suy nghĩ tự do hơn, có một tương lai tốt đẹp hơn.
Khi đến Mỹ, gia đình em được một người dì cho ở chung ba tháng đầu. Vừa được một tuần nghỉ ngơi là em đi học ngay. Mẹ em thì phụ dì may đồ. Còn bố em thì đi làm ở chợ Việt Nam. Mỗi ngày em được dì dùng xe hơi đưa đón đi học, lâu lâu dì lại cho “đô la” để em ăn quà. Về đến nhà em chỉ học bài phụ giúp vài việc lặt vặt. Lúc đó em cảm thấy “thiên đường là đây”. Em đâu biết rằng mỗi ngày bố em làm việc ở chợ 10 tiếng đồng hồ, mà phải đứng từ sáng đến chiều, trong khi ông đã 50 tuổi. Còn mẹ em thì phải thức đến khuya để may đồ được nhiều hơn. Những cực khổ đó em nào để ý đến. Không hiểu sao em lại vô tư đến như vậy.
Bố thường hay khuyến khích em cố gắng kết bạn nhiều ở trường để có thêm kinh nghiệm nói tiếng Anh. Kể từ ngày đó, em làm đủ trò để có nhiều bạn. Vì biết mình anh ngữ vẫn chưa rành, cho nên em đã dùng vốn kiến thức toán học của mình để kết bạn. Tức là em thường giúp những đứa bạn cùng lớp làm bài tập toán đơn giản mà họ cho la phức tạp. Bọn nó rất phục em. Thế là em đã có cả đám bạn chung quanh em. Nhưng đó có phải là tình bạn thực sự hay chỉ là sự lợi dụng. Cho đến bây giờ em vẫn chưa khẳng định được. Vì ở Mỹ này không có chuyện gì là tuyệt đối.
Rồi dần dần, tụi bạn có ý định giới thiệu em một thằng bạn trai. Từ đó đến giờ em vẫn chưa có nếm mùi vị được bạn trai chiều chuộng như thế nào. Cho nên em đã gật đầu đồng ý. Em thường thấy tụi bạn trét phấn thoa son đầy mặt để làm đẹp, em nghĩ nếu em cũng làm theo thì chắc nhiều người sẽ chú ý đến mình hơn. Cho nên cứ mỗi lần khi đến trường, em lại mượn những dụng cụ phấn son đó để tô điểm cho khuôn mặt của mình hơn. Có lần em nhìn thấy bọn chúng chia nhau điếu thuốc và hút một cách lén lút. Bọn chúng đã từng đưa cho em hút thử. Em biết mình không thể hút thuốc, nhưng không có nghĩa là em không dám hút và cũng vì để bọn chúng nể phục, em đã “kéo” thử vài lần trước mặt bọn họ.
Lúc đó, em như bị cái bề mặt màu mè, giả tạo cuốn sâu vào vòng táo bạo. Em luôn cố gắng uốn mình để trở thành người Mỹ bằng những thói hư tật xấu của họ. Em thật sự không biết là mình đã chọn một con đường sai lầm. Em cứ tưởng là mình có tất cả, có xe, có nhà, có đô la. Nhưng thật sự đó chỉ là những đồ vật của người khác mà em đang sử dụng để che đậy đi con người thật của em. Sau ba tháng sống chung với người dì, gia đình em dọn ra sống riêng. em phải chuyển trường, phải xa đám bạn, xa những thói hư tật xấu mà em đã cho rằng tự do nước Mỹ. Nhưng không, em đã sai, từ ngày em chuyển trường em đã học được một bài học quý giá, đó là làm lại bản thân em, không chạy theo sự cám dỗ của bề ngoài. Em có thể học được bài học đó cũng nhờ có bố mẹ em. Vì để trả tiền nhà, tiền điện nước, bố mẹ em đã tự đi cắt cỏ trong khi tiếng anh vẫn chưa vững và đường xá vẫn chưa rành. Họ cắn răng chịu đựng những cực khổ để cho em đi học. Em đã không phải làm gì cả để giúp đỡ việc chi tiêu trong gia đình, ngoài đi học. Bố mẹ đã già và gầy nhiều hơn so với lúc còn ở Việt Nam, trong khi đó em lại mập hơn và trắng trẻo ra. Em thật sự thấy đau lòng và càng thương bố mẹ nhiều hơn. Họ đã làm tất cả để cho em được hưởng nền giáo dục hiện đại của Mỹ. Còn em, trong 3 tháng đầu định cư ở Mỹ em đã làm được gì" Em đã bước những bước sai lầm. Nhưng may mắn thay, vì dời nhà, vì chuyển trường, cho nên em đã có cơ hội làm lại chính bản thân em, là một đứa con ngoan cho gia đình và một trò giỏi cho trường học. Và câu nói của bố em: “Mình qua Mỹ với con số zero, chỉ có một bộ óc thông minh của người Việt nam, cho nên mình chỉ có thể học và học để tiến lên” đã luôn luôn tồn tại trong đầu em. Em tự hứa với mình là sẽ dùng bộ óc của mình để kiếm tiền trên đất Mỹ này.


Phải chăng đất Mỹ này phủ đầy tiền, nhưng để có những đồng tiền đó, chúng ta phải đi qua một con đường đầy chông gai. Như bố em đi cắt cỏ chẳng được bao nhiêu tiền, có nhiều khi còn bị khách hàng giật tiền, không chịu trả. Bố mẹ em chẳng biết phải làm sao chỉ đành tự trách mình là khờ khạo. Khi nghe những chuyện như vậy, em không thể nào tin vào tai mình. Từ đó đến giờ em chỉ nghĩ là dân chợ búa ở Việt Nam là giật tiền người khác mà thôi. Nhưng không ngờ, một xứ sở văn minh và lịch sự như nước Mỹ đây vẫn có tệ nạn này. Em có thể hiểu tệ nạn này xảy ra ở Việt Nam là do dân mình quá nghèo khổ, nhưng ở đất Mỹ này thì tại do đâu" Và em cũng biết những người như vậy thì chỉ có thể ăn hiếp những người không rành tiếng Anh như bố mẹ em mà thôi.
Vài năm sau em lấy được bằng lái xe dưới tuổi 18. Do vậy bố mẹ em vẫn không cho em lái xe một mình. Họ muốn em có bằng lái sớm để có thời gian tập lái, như vậy khi em vào đại học thì em có thể lái vững vàng. Có nhiều lúc em nghĩ là họ lo lắng cho em hay là sợ em như hổ chấp thêm cánh. Đến khi em nghe ngoại dặn dò mẹ em là nhớ cất kỹ chìa khóa xe, sợ em lấy để lái xe khi mẹ vắng nhà. Mẹ em đã đáp lại ngoại một cách tin tưởng là bà biết tánh tình của em, là em sẽ không bao giờ làm như vậy. Biết được sự tin tưởng của mẹ dành cho em, em dường như có thêm lòng tin để thúc dục con đường của mình là học.
Em lúc nào cũng hứa với mình là mai này sẽ là một đứa con hiếu thảo, sẽ phụng dưỡng bố mẹ em. Nhưng ý chí này của em có bị lung lay bởi những đồng đô la hay không" em vẫn không biết. Vì em đã từng thấy những đứa con bỏ rơi cha mẹ họ, trong khi họ có nhà lầu xe hơi. Có những chuyện động trời hơn nữa là có những người con lôi cha mẹ ruột của mình ra tòa để thoát ly quan hệ, để cha mẹ của họ không có quyền đụng chạm đến tài sản của họ. Những chuyện như vậy ít xảy ra trên người Việt Nam chúng ta. Và cũng may mắn thay, em là người Việt Nam, dù sống trên đất Mỹ, nhưng em vẫn biết tình thương yêu cha mẹ của người Việt Nam là như thế nào.
Em luôn mong muốn và đang cố gắng để trở thành một người thành công và hãnh diện vì những gì mình đã làm. Tham vọng của em là trở thành một người hoàn hảo (điều mà không bao giờ có thể xảy ra). Bây giờ em đã đi được một phần ba con đường của mình. Một năm nữa thôi là em sẽ vào đại học là ngưỡng cửa của cuộc đời, và em có thể vấp té bất cứ lúc nào khi bước qua ngưỡng cửa đó. Nhưng với sự yêu thương, lòng tin tưởng, và niềm hy vọng mà bố mẹ dành cho em, em nhất định sẽ là niềm hãnh diện của họ.

ĐỖ QUỲNH THƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 864,078,034
Đây là tâm sự của một cựu sĩ quan già, xin gửi đến quí báo. Kính tặng các chiến hữu, các cựu tù nhân chính trị QLVNCH.
Tôi thuộc về lão niên gần 80 tuổi, theo dõi các bài "Viết Về Nước Mỹ" có nhiều bài lý thú lắm! Một cuộc đổi đời ngoạn mục có một không hai.
Ngọc, một cô gái nhan sắc cũng dễ coi, có duyên nhất là khi cô cười để lộ hai đồng tiền thật xinh xắn. Cô lấy chồng sang Mỹ định cư. Chồng cô tên Hòa, một thanh niên khoảng ba mươi tám tuổi, hơi gầy, không cao lắm, làm nghề construction.
Chuyến đi săn ảnh mùa thu của hội ảnh nghệ thuật nơi tôi đang theo học được tổ chức vào cuối tháng chín, từ thứ bẩy đến thứ ba
Một người đàn ông tuổi khoảng ngoài 50 tuổi dáng người lanh lợi từ ngoài cửa tất tả vào trong tiệm HO ở đường Senter rồi tự mình kéo ghế ngồi
Không biết hắn mắc cái bịnh moi thùng rác này từ hồi nào. Có lẽ từ hồi bị đói ăn trong các trại tù vượt biển" Thời đó bị nhốt hơn một năm ở trại Bà Bèo tỉnh Tiền Giang, mỗi lần thiên hạ có thăm nuôi là hắn lại ra xọt rác để lượm mấy trái chuối héo, trái ớt dập của thiên hạ vứt đi.
Từ credit union bước ra, lòng Loan tràn ngập một niềm vui khó tả. Nàng nghĩ thầm, thế là mình vừa trồng được một cái cây nho nhỏ - cây từ thiện. Từ hôm đọc báo thấy những em bé mồ côi ở quê nhà đói khổ, Loan nảy ra một ý định, làm một cái thùng binh từ thiện tại gia.
Tôi định cư ở Mỹ được năm năm rưỡi theo diện đoàn tụ gia đình. Cũng như đa phần những người trung niên khác, khi biết còn khoảng một năm nữa được đi định cư, tôi lao vào làm việc thật nhiều
Rời quê hương sang Mỹ, tôi hy-vọng tạo lập một đời sống mới tốt đẹp hơn. Nhưng trước khi bước vào giai đoạn tốt đẹp, tôi đã trải qua nhiều chặng đường gian khổ.
Ông Bạn Vong Niên, "Chiều hôm nay mình tui lang thang trên đường", "tui đi giữa hoàng hôn ..." Tui vừa đi vừa suy nghĩ tới một chiện thiệt mắc cười mà nghĩ riết thấy cười hổng đặng ông ơi. Để tui nói ông nghe.
Nhạc sĩ Cung Tiến