Hôm nay,  

Đoản Văn Cho Con Gái Ngày Đầy Năm

03/07/200200:00:00(Xem: 149259)
Người viết: Thúy Quỳnh Chirstine Le

Bài tham dự số: 2-584-vb20701
Tác giả Thuý Quỳnh là một nữ dược sĩ, viết cho con gái đầy năm tuổi, ôn lại những tình huống từ lúc mang thai, sinh nở, nuôi dạy con. Bài viết chan chứa lòng yêu thương gia đình của một bà mẹ trẻ Việt Nam, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hiểu biết mới mẻ của một phụ nữ Việt đang sống trên đất Mỹ trong thế kỷ 21.

*

Ngày con tròn một tuổi, mẹ muốn viết một đoạn văn để bày tỏ lòng biết ơn về niềm hạnh phúc mà con gái đầu lòng đã mang lại cho mẹ trong suốt năm qua.

Ngày mới lập gia đình, ba mẹ chưa có kế hoạch sinh con ngay, vì công việc mỗi người vẫn còn sinh sống những nơi khác nhau. Ba mẹ dự tính xin chuyển về vùng biển San Diego, và mua nhà rồi mới có con.

Mùa giáng sinh đầu tiên, mẹ lặn lội qua Arizona thăm bà con. Khí hậu Arizona rất lạnh vào mùa đông. Ba mẹ chẳng đi chơi được nhiều, thế là đành ở nhà tâm sự nổi niềm nhung nhớ với nhau. Kết quả chuyến đi là con gái thành hình hai tháng sau ngày cưới của ba mẹ.

Ngày con được bốn tháng trong bụng mẹ, sau khi có kết quả ultrasound mẹ được xem tấm hình chụp nghiêng của con, đã thấy hai má bầu bĩnh và chân tay nhỏ xíu của con. Lần đầu tiên trong cuộc đời, mẹ run rẩy nhận thức rõ ràng một cuộc sống hình thành trong mẹ. Cả mấy tháng sau, lúc thì mẹ thở đứt quãng vì con chuyển động liên tục, lúc thì đau lưng muốn gấp đôi người lại sau một ngày dài đứng làm việc ở tiệm thuốc, lúc thì nửa đêm chân bị chuột rút đau đớn.

Những lúc "nản lòng" như vậy mẹ lại nhìn lại tấm hình ultrasound của con, và mắng yêu: "Con chó, nghịch mẹ đau quá" để quên đi nỗi mệt nhọc. Mẹ sung sướng khi nghĩ đến chó con đang lớn dần trong bụng mẹ từng ngày, từng ngày.

Rồi tới những ngày bận rộn mua sắm quần áo, vật dụng trang hoàng phòng cho con. Lần đầu tiên cầm những chiếc áo nhỏ xinh, những đôi vớ màu hồng bé xíu, mẹ hồi hộp tưởng tượng nghĩ rằng con sẽ trông như thế nào trong những bộ quần áo đó.

Những buổi sáng được nghỉ làm và một mình trong căn phòng vắng lặng, mẹ ngồi đong đưa trên ghế ngựa và nghe tiếng nhạc dịu dàng của những bài hát ru con, mẹ cảm thấy một niềm hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, không còn những cảm giác cô đơn trống vắng của những ngày xưa một mình ở đại học xa, hay lúc làm việc ở nhiệm sở xa nhà, không còn mất thời gian ưu tư hoang mang tìm ý nghĩa của cuộc sống đơn điệu hàng ngày. Mẹ bắt đầu có thói quen thầm thì chuyện trò với con, mẹ tưởng chừng là con hiểu những gì mẹ đang nói. Những bài dân ca ngọt ngào đượm tình quê hương Việt Nam, mà mẹ đã được nghe bà ngoại con hát ru mẹ những ngày thơ ấu, mẹ vẫn còn ghi nhớ vào lòng dù đã qua Mỹ được chín năm trời, đang được con gái của mẹ thưởng thức với mẹ. Ôi, mẹ đã bắt đầu yêu con biết chừng nào ngay khi con chưa ra chào đời.

Tới ngày khai hoa nở nhụy, ba con vội vã đưa mẹ vào bệnh viện từ nửa đêm, an ủi và khuyến khích mẹ vượt qua những cơn đau vật vã suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Thời gian như ngừng lại với sự mong chờ tiếng khóc chào đời của con. Do ảnh hưởng của "tràng hoa cuốn cổ" nhịp tim của con bị giảm bớt, mỗi lần cô y tá người Phi Luật Tân, cố gắng "push" cho con ra đời.

Bác sĩ quyết định đưa mẹ qua phòng mổ, mẹ bị shock thuốc người mẹ run bắn trên bàn mổ, lại thêm phần căng thẳng lo sợ cho con được mở mắt chào đời an lành. Trong cơn hoảng sợ, mẹ đã khấn bà ngoại xin che chở cho con. Yên tĩnh trong phòng mổ, ngoại trừ một vài âm thanh từ sự hoạt động của ê kíp mổ. Mẹ không thấy đau vì nhờ thuốc tê, nhưng vẫn tỉnh táo và hầu như nín thở mở mắt chờ đợi. Trời ơi! Khi tiếng khóc chào đời của con xé tan bầu không khí căng thẳng, nặng nề. Mẹ đã òa khóc cùng với con: con khóc như đã báo tin một cuộc sống mới đã xuất hiện và hòa mình với nhân loại, mẹ khóc vì sung sướng với tặng phẩm quý giá nhất mà trời đã ban cho mẹ.

Khi ba bế con lại cho mẹ ngắm nhìn mặt con gái xinh, đôi mắt nhìn mẹ không chớp, làm như biết ơn mẹ là người đã mang nặng và săn sóc con cả chín tháng này.

Một năm hơn đã trôi qua, con lớn lên nhanh và ngày càng xinh xắn, dễ thương, lém lĩnh. Lần đầu tiên được làm mẹ, mẹ mới được quan sát và nhìn ngắm một hình hài bé nhỏ lớn dần trong vòng tay mình.

Rồi con biết lật, biết lẫy, biết đi chập chững bước đầu tiên, mẹ đã reo ầm lên vui sướng, theo dõi những bước phát triển của con, tới lúc con nhú những cái răng sữa tí hon, biết đòi ăn những món ăn giống như của người lớn, con đã làm mọi người buồn cười vì tính háu ăn của con, nhưng thực tình, con gái mẹ đòi thật nhiều mà chẳng ăn được bao nhiêu. Con đã làm ba mẹ nghẹn ngào và hân hoan khi nghe con gọi thật to và rõ câu nói đầu tiên trong cuộc đời của con: "Ba, ba" và ba đã ngạc nhiên, ôm chầm lấy con và khen lấy khen để "con gái ba giỏi quá".

Chó con chẳng biết gọi mẹ mãi đến gần 16 tháng tuổi, và khi con biết gọi "Mammy" con gọi mẹ luôn miệng, lúc thức dậy, lúc đi ngủ, lúc chơi đùa và ngay cả khi mẹ vắng nhà để đi làm. Những giờ phải đi làm, mẹ cứ nghĩ tới con và mong được về sớm để bế con, hôn vào đôi má phúng phính mùi sữa thơm, rồi kể chuyện thầm thì với con gái yêu của mẹ.

Những buổi chiều đông lạnh con nằm ngủ cuộn tròn trong lòng mẹ, đôi tay bé nhỏ níu chặt cánh tay mẹ. Chao ôi, mẹ thấy ấm áp biết là bao. Mẹ tưởng tượng con giống như một con chim bé nhỏ, núp trong một căn nhà vững chắc, với lòng mẹ bao la che chở cho con trước những giông tố, mưa bão của cuộc đời. Những buổi sáng nắng đẹp, mẹ nắm bàn tay bé nhỏ của con, hai mẹ con đi dạo sân trước và sân sau nhà với mùi hoa cỏ thơm ngát bao quanh. Nụ cười rộng mở và rất tươi của con, lưa thưa vài răng sữa cho đến khi hai hàm răng mọc đều, đã trở thành niềm vui sống vô bờ của mẹ. Mỗi ngày con mang lại cho mẹ niềm vui mới, nhưng bất ngờ thích thú khi con học thêm những chữ mới và những trò chơi mới.

Mẹ thấy vô cùng hạnh phúc khi có con bên cạnh, đi cùng với ba mẹ quãng đời trước mắt, chia xẻ những vui buồn và thăng trầm trong cuộc sống với nhau.

Nuôi dạy con hàng ngày, mẹ tìm thấy của chính mẹ ngày xưa, khi bà ngoại cũng nuôi dạy mẹ như thế. Càng yêu con, mẹ lại càng thương nhớ bà ngoại con đã mất sớm và ân hận chưa kịp đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của bà ngoại đã giúp mẹ thành nhân.

Ngày Tạ ơn Mẹ, mọi người bận rộn mua quà và thiệp cho mẹ của mình, mẹ chẳng được may mắn thực hiện điều đó với bà ngoại của con nữa, con ạ. Nhưng mẹ tin chắc rằng bà ngoại rất vui khi thấy mẹ đang và sẽ nuôi dạy cháu của bà theo như ý bà, để thành người có đạo đức và hữu dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào của xã hội.

Xin cám ơn con, con gái bé bỏng yêu quý.

Lễ Tạ Ơn Mẹ năm 2002,

Thúy Quỳnh

Christine Le-San Diego

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,166,472
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, từng nhận giải bán kết và giải Việt Bút, hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Tác phẩm đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả là một dương cầm thủ đồng thời là nhà văn, có nhiều CD và sách đã xuất bản, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của Phương Lan là một truyện ngắn gia đình.
Tác giả nguyên là một sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ông là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải danh dự 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng gia đình theo diện HO. Hiện sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.
Với bút hiệu Xuân Đỗ, tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California, làm Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky. Cưới nhau: 1972. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach. Bài viết mới nhất là một hồi ức về mảnh đất tạm dung và quê hương yêu dấu.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông là chuyện hậu valentine Day, ngắn nhưng ý nghĩa. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông là chuyện hậu valentine Day, ngắn nhưng ý nghĩa. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California khi 62 tuổi. Hiện đang volunteer tại một trường tiểu học ở Marysville, Bắc Cali, trong khi chờ đi dạy.” Bài viết mới của tác giả cho mùa Valentine là một truyện tình Việt-Mỹ bắt đầu từ thời chiến, với ghi chú:
Nhạc sĩ Cung Tiến