Hôm nay,  

Buổi Chiều Rất Ngắn

07/01/200600:00:00(Xem: 221857)

Người viết: TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Bài số 916-1516-240-vb7010706

*

Tác giả Trần Nguyên Đán lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ: Một chuyện tự sự với nhân vật xưng tôi, một kỹ sư ở Virginia, được viết bằng bút pháp chừng mực hiếm có. Mong tác giả sẽ bổ túc dùm tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Tôi thường thấy ông vào buổi trưa, khi đi ăn lunch với vài người bạn trong sở tạt ngang qua quán cà phê mua một ly chạy vội về sở. Những người bạn tôi đủ mọi sắc tộc và tuổi tác. Tôi Việt Nam mà có lẽ giống Đại Hàn hơn. Tôi chú ý ông ta có lẽ vì ông ta vừa giống Việt Nam mà vừa giống Đại Hàn, nhưng chưa bao giờ hỏi. Ông ta cũng thường vào khoảng giờ đó, mua một ly cà phê và đi ra, ít khi ngồi lại trong quán. Có một lần tôi chạm mặt ông ta ở quầy pha cà phê, khi đang loay hoay bỏ đường vào ly. Ông ta nhìn tôi bằng một cái nhìn thân thiện và chào: Hi, tôi chào lại, đoán ông là Việt Nam mà cũng không dám hỏi, nhưng khi đi ra cửa tôi có cảm giác ánh mắt nhìn theo.

Tôi nhận ra ông ta ngay một buổi chiều đi lang thang trong khu thương xá Eden mua một vài món ăn về cho gia đình. Gặp ở đây thì chắc chắn là Việt Nam rồi. Lần này thì tôi chào:

- Chào chú.

Ông cười:

- Chào bạn, bạn cà phê. Sao, uống cà phê chưa"

Ông thân thiện như đã quen từ lâu. Tôi cười: Chưa.

Ông nói:

- Có rảnh không, Starbucks cũng gần đây mà. Làm một ly buổi chiều đuợc chứ"

Chúng tôi quen nhau từ đó. Có một lần tôi lấy thêm giờ lunch, ngồi nói chuyện với ông một chút trong quán cà phê. Ông có gia đình, con trai nhỏ hơn tôi vài tuổi, đã lập gia đình và ở riêng. Ông là một social worker, nhưng có lẽ chức vụ cao hơn việc làm đó một chút. Điều mà tôi ưa thích nơi ông là kiến thức, kiến thức ông rất phong phú, nhất là về lãnh vực văn chương, ông lại có lối nói chuyện rất linh hoạt, tự nhiên và thành thật. Tôi là một engineer, nhưng lại thích văn chương, nên dễ dàng thân ngay với ông, vì có nhiều điều cần học hỏi. Vả lại, tôi chưa có bạn gái, nên thì giờ rảnh rỗi có nhiều. Nhà tôi và nhà ông không ở xa nhau lắm, lái xe khoảng 20 phút.

Có lần ông hỏi tôi:

- Hơn ba mươi rồi mà chưa tìm ra cô bạn gái nào sao"

Tôi đùa:

- I'm gay.

Ông cười: Really" Rồi tự nhiên ông lắc lắc đầu như đang cố xua đuổi một cái gì đó. Tôi đến nhà ông chơi một vài lần, khi chỉ có mình ông ở nhà. Ở nhà ông mặc quần short khaki và áo T shirt màu trông trẻ hơn tuổi nhiều. Trông khoảng 40 hơn. Tôi khám phá ra ông cũng là một pianist. Nhà ông có một cây đàn piano. Tôi tưởng là của cậu con. Ông nói:

- Thích nghe đàn không"

Và ông ngồi xuống, đàn cho tôi nghe Serenade, bài hát mà tôi đã từng nghe mẹ tôi hát khi bà còn sống. Bà qua đời rất trẻ. Ông đàn thật tuyệt vời, và tôi nhìn thấy một giọt nuớc mắt bên khóe mắt ông khi bản đàn chấm dứt. Tự nhiên, ông đến sát bên tôi và đặt tay trên vai tôi:

- Nếu có thì giờ, thỉnh thoảng đến chơi, nhà tôi nấu ăn ngon lắm. Vũ sẽ vừa được ăn vừa nghe đàn. Nếu thích thì sẽ được nghe hát nữa.

Sau này gặp bà, tôi biết ông cũng là một người có giọng hát rất ấm. Đến nhà chơi nhiều lần, tôi cảm nhận một cái gì đó, Dường như ông bà sống không hạnh phúc. Tôi ít khi thấy ông bà nói chuyện với nhau khi ăn cơm, gương mặt bà có vẻ xa vắng. Tôi phân tích có lẽ vì tánh tình ông nghệ sĩ, mà bà thì trông có vẻ thực tế. Tính tình không hợp thôi. Càng chơi với ông, tôi càng thích ông nhiều hơn, ông có một cái gì đó rất thu hút, nhất là nụ cười.

Một buổi chiều tôi đang ngồi tán dóc với mấy người bạn trong sở trước khi về thì cell phone reng. Tôi nhận ra số của ông, nhưng đầu dây bên kia lại là bà, giọng bà có vẻ hốt hoảng:

- Vũ ở đâu vậy" Có thể đến bệnh viện được không" Nhà tôi mới được đưa vào cấp cứu.

- Ở đâu vậy cô" Tại sao vậy cô" Tôi hốt hoảng hỏi.

Bà chỉ nói tên bệnh viện và cúp điện thoại. Tôi chạy vào ngay, bà đang ngồi ngoài phòng đợi, vẻ bồn chồn. Tôi hỏi:

- Chú đâu, sao cô không vào mà ngồi đây.

Bà đáp:

- Họ đang làm gì đó cho ổng, yêu cầu tôi đi ra.

- Cô cho cháu biết chú bị gì vậy"

Bà đáp:

- Ổng đang ngồi đàn, tự nhiên đưa tay lên ôm trán và kêu lên một tiếng rồi ngã xuống.

- Stroke, tôi buột miệng.

Tôi đi qua đi lại trong phòng đợi, nóng ruột cho đến khi cô y tá mở cửa phòng gọi: Mrs. Tran. Chúng tôi vào, ông vẫn nằm trên giường, mắt nhắm, nhưng hơi thở đều. Cô y tá cho biết ông không nguy hiểm, đã tỉnh lại, nhưng vẫn còn yếu. Chúng tôi ngồi yên bên cạnh giường một lúc, thấy bà có vẻ mệt, tôi nói:

- Cô có cần về nghỉ một chút không, mai thứ bảy cháu nghỉ, có thể ở đây với chú. Lát nữa cháu ra cafeteria của bệnh viện mua cái gì ăn cũng đuợc.

Bà nhìn tôi bằng đôi mắt khác lạ:

- Vũ giúp tôi nhé. Khi nào cần Vũ gọi tôi.

Khi bà đi ra, tôi nhìn thấy một giọt nuớc mắt bên khóe mắt. Tôi ngồi bên cạnh ông, nắm tay ông cho đến khi ông mở mắt ra. Tự nhiên lòng tôi dâng lên một niềm thương cảm. Tôi nói giọng hơi nghẹn ngào:

- Chú đỡ chưa"

Ông gật đầu, bóp nhẹ tay tôi. Ông ra hiệu cho tôi cúi xuống, khi tôi cúi xuống, ông hôn lên trán tôi, giữ tôi khá lâu trên mặt ông, nước mắt ông nhòe trên trán tôi. Tôi không sao. Ông thì thầm. Ngày sau đó tôi lại vào thăm ông. Ông chỉ bị một cơn stroke nhẹ, vẫn đi và nói được, nhưng rất yếu. Khi ông về nhà, tôi lại đến thăm. Khi không có bà ở nhà, tôi chăm sóc ông chu đáo như một đứa con đối với cha. Ông có vẻ cảm động, thường nắm chặt tay tôi như để thay lời cám ơn. Cha tôi bỏ mẹ tôi khi tôi còn nhỏ, và mẹ tôi mất sớm. Tôi vượt biên với gia đình nguời dì. Thỉnh thoảng tôi ghé Starbucks mua cho ông ly cà phê ông thích mang đến cho ông sau giờ làm việc. Chúng tôi quen nhau qua quán cà phê này mà.

Có một lần tôi đến khi ông còn nằm trên giường. Ông mở mắt ra, chỉ chỗ bên cạnh cho tôi nằm xuống. Tôi nằm xuống bên cạnh ông. Ông rụt rè nắm tay tôi, nói:

- Nếu sau này tôi rời khỏi đây Vũ có buồn không"

- Chú định đi đâu vậy. Chuyển chỗ làm sao" Tôi hỏi.

Không. Ông đáp, và không nói gì thêm, nhưng khuôn mặt ông có vẻ gì lạ lùng. Rồi khi ông bình phục, đi làm lại, tôi không nghe ông nói chuyện ra đi nữa. Chúng tôi thân nhau hơn, có khi ông rủ tôi đi tập thể dục. Có lúc ông ngồi nhìn tôi chạy trên treatmill, vẻ mặt trìu mến. Ngày kia, tôi vừa cười vừa nói với ông: cháu báo cho chú một tin sét đánh, cháu có bạn gái rồi.

Ông giật mình:

- Vậy sao" Sao lại tin sét đánh"

- Cháu nói sét đánh là vì sét đánh trúng cháu rồi, và cháu bị thương thật. I thought I was gay.

- Cô ta yêu Vũ chứ"

- Yêu, mà lại yêu nhiều nữa, làm cho Vũ sợ. Tôi khôi hài.

Tự nhiên tôi thấy ông ngồi thừ ra trên ghế một lúc. Tôi lại nhìn ông, khôi hài:

- Nói thế thôi chứ không sao đâu. Vẫn còn chỗ cho chú mà.

Ông hơi mỉm cuời:

- Thật chứ"

Sau đó, dĩ nhiên là tôi ít có thì giờ với ông hơn, vì cô bé quá quắt kia đòi hỏi tôi phải có nhiều thì giờ với cô. Khi tôi gặp ông, thì lại kể toàn chuyện cô bé kia. Tôi lại còn kể cho ông nghe cảm giác của tôi khi hôn cô bé lần đầu. Tôi dường như bơi lội trong hạnh phúc. Tôi chẳng để ý đến ông, những lúc ấy ông chỉ im lặng ngồi nghe tôi kể chuyện, thỉnh thoảng mỉm cười.

Cũng một buổi chiều khi tôi đến nhà ông chơi thì gặp bà đi ra, khuôn mặt buồn còn vương nước mắt. Bà chào tôi rất nhanh rồi vào xe hơi. Tôi gõ cửa, ông ra mở. Khuôn mặt ông lạnh lùng, căng thẳng. Tôi cố gắng khôi hài cho ông cười, nhưng ông không cười. Ông rủ tôi ra quán cà phê và im lặng, trầm ngâm trước ly cà phê. Tôi biết hai ông bà có chuyện xích mích. Ông đề nghị tôi ngủ lại nhà ông tối hôm đó, trong căn phòng người con trai đã lập gia đình. Trong khi ngủ tôi có cảm giác có người đi vào phòng, đứng bên cạnh giường một lúc lâu, nhưng sau đó đi ra, tôi có cảm giác như có một bàn tay đặt trên người tôi, nhưng nửa đêm về sáng tôi ngủ rất say, mơ hồ nghe tiếng nói lộn xộn, dường như cãi vã gì đó.

Những ngày sau đó ông im lặng, có vẻ như tránh tôi. Tôi cũng khá mệt mỏi vì những yêu sách của cô bạn gái trẻ. Tôi và ông ít gặp nhau hơn, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Một thời gian sau tôi phải đi công tác ở tiểu bang khác. Khi về, tôi nhớ ông, tự nhiên thèm nghe lại tiếng đàn piano của ông, tôi gọi hai ba lần, để message lại hai ba lần ông mới gọi lại:

- Vũ, cậu mới đi về đó hả.

Tôi sốt ruột, cằn nhằn:

- Bữa nay thứ bảy chú đâu có đi làm đâu mà sao gọi hoài mới bắt điện thoại lên vậy"

Cằn nhằn rồi lại thấy thương ông, tôi chữa lại:

- Chú có bệnh hoạn gì không" How are you"

Giọng ông nói rất nhỏ trong máy:

- Tôi không còn ở Virginia nữa, tôi đã move đi tiểu bang khác rồi.

Tôi chưng hửng, tự nhiên nổi giận vì thấy mình dường như bị qua mặt:

- Chú đi hồi nào sao không nói cho Vũ biết" Đi gì mà gấp vậy"

Bên kia im lặng một lúc, tôi hỏi lại:

- Bây giờ chú đang ở đâu" Cô đâu"

Ông trả lời:

- Tôi đang ở một tiểu bang rất ít người biết tới. Nhà tôi và tôi đã ly dị nhau rồi.

Ly dị. Ở tuổi đó" Tại sao vậy" Bây giờ đến lượt tôi im lặng. Tôi không biết phải nói gì. Những thay dổi dường như khá vội vã. Tôi mới đi công tác chưa tới hai tháng. Tôi nhớ lại những lần gặp bà, ánh mắt bà khác lạ khi nhìn tôi. Tôi nhớ lần gặp cuối, tiếng cãi vã trong giấc ngủ. Chuyện gì trầm trọng đến vậy"

Ông nói nhỏ:

- Tôi sẽ email cho Vũ. Tôi sẽ nói cho Vũ biết lý do, chúng ta sẽ nói chuyện sau..

Buổi tối hôm đó tôi mở email ra và đọc chỉ hai chữ, in nghiêng: tôi yêu ...

Yêu, yêu cái gì, yêu ai"

Tôi không phải chờ đợi lâu. Ngày hôm sau tôi nhận được một email khác, lần này chỉ với một chữ duy nhất, in nghiêng: Vũ

Tôi không hiểu gì cả. Có phải ông nói rằng ông yêu tôi" Yêu thế nào" Tình yêu của một người cha đối với con" Nhưng sao đó lại là lý do của sự ra đi vội vã" Tôi chợt nhớ lại những lần tôi nói đùa với ông: I'm gay. Tôi nhớ lại ánh mắt ông, những cử chỉ của ông. Không có gì hết, chỉ là những cái siết tay, cái hôn trên trán, lần nằm bên cạnh. Tôi cố gắng nhớ lại trong giấc ngủ đêm đó, dường như có một bàn tay đặt trên người tôi, dưới bụng tôi, hình như thế. Có lẽ nào..., đâu có gì trầm trọng. Dường như cũng không phải. Có thể tôi lầm.

Tôi vẫn thương và kính trọng ông lắm. Tôi không nghi ngờ gì ông hết. Tôi email lại cho ông, hỏi lại ông, nhưng ông không trả lời. Không bao giờ trả lời nữa. Và cũng không bao giờ gặp lại nữa.

Khoảng một năm sau, khi tôi chuẩn bị lập gia đình, tôi email cho ông, mời ông về dự. Tôi muốn mời ông thay mặt người cha vắng mặt của tôi. Bức thư hết sức tha thiết. Tôi mong ông quên hết những chuyện xưa, dù vẫn chưa hiểu hết. Tôi cầu nguyện cho ông trả lời.

Hai ngày sau tôi nhận được email trả lời, địa chỉ email của ông, nhưng người viết là bà:

Vũ,

Chắc cậu ngạc nhiên tại sao tôi lại là người trả lời thư này cho cậu. Cách đây hơn một năm trong một dịp tình cờ, tôi đã mở được hộp thư email của nhà tôi, trong đó ông cất giữ những bức thư bí mật ông viết cho cậu mà không bao giờ gởi đi. Ông thú nhận với chính ông rằng ông yêu cậu. Yêu tha thiết. Tôi nghĩ là cậu hiểu ý nghĩa tình yêu đó. Vì lý do đó mà chúng tôi không sống chung với nhau nữa và ông dọn đi tiểu bang khác, ông đến Alaska, để tự đầy đọa mình, để cố quên hết, để sống những ngày cuối cùng. Cách đây khoảng 1 tháng ông lại bị stroke và lần này thì ông ra đi thật. Người ta báo cho tôi ...

Tôi không đọc tiếp được nữa. Nước mắt làm nhòe cặp mắt kính. Tôi tiếp tục ngồi đó, tiếp tục khóc, cho đến khi người vợ sắp cưới của tôi đi vào phòng, đứng sau lưng tôi, nhìn qua vai tôi, và đọc hết bức thư còn dang dở ...

Trần Nguyên Đán

(Viết theo lời kể của một người bạn).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,055,855
Qua bao năm dài thai nghén, bố tôi mới sẵn sàng cho tôi chào đời. "Thân Phận” là tên của tôi được bố chọn. Đó là nỗi đau trăn trở của Người muốn gởi gắm vào tôi. Sau buổi ra mắt sách, tôi được ký tặng cho một người bạn vong niên của bố. Chủ của tôi là một người Việt định cư ở Hoa Kỳ khá lâu, từ thuở còn là học sinh trung học
Mười bẩy năm trước đây, ngày gia đình tôi vừa đến Mỹ, phóng viên nhật báo PEOPLE, có trụ sở đặt tại Muskegon City, thuộc tiểu bang Michigan đến phỏng vấn, cũng còn quá sớm, thời gian vừa chấm dứt chiến cuộc, vẫn còn có những sự kiện nóng bỏng, một số người Mỹ, nhất là nhóm phản chiến, chưa hiểu rõ người
Đã rất khuya mà Ngọc không tài nào chợp mắt được. Một phần có lẽ do hôm nay trời trở nên nóng lạ lùng làm Ngọc khó ngủ. Nhưng cái chính là Ngọc cứ mãi suy nghĩ về Ngày- của- Mẹ, ngày lễ mẹ đầu tiên trên đất Mỹ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, sống ở Việt Nam, Ngọc đâu có hề biết hay nghe nhắc đến Ngày-của-Mẹ
Chiều thứ Bảy cuối năm Ất Dậu, ngồi chơi bên ly rượu tất niên ở nhà người bạn, vô tình cầm lên tờ báo Việt ngữ, tôi chợt bàng hoàng. Trong trang phân ưu lớn của tờ báo, người ta nói đến tên anh, thiếu tá Ngô Giáp. Chủ tịch hội ái hữu không quân Nam Cali, vừa qua đời ở tuổi 65! Đã 40 năm rồi từ ngày tôi biết anh
Ba mua cái bàn về rồi để đó đi làm.   Cái bàn còn nguyên trong thùng chưa ráp lạị   Bé Tí rủ: - Chị Tâm với em ráp cái bàn cho ba hen.    Tôi lắc đầu quầy quậy: - Tí rủ lộn người rồi.   Tay chân chị Tâm mà đụng vô mấy cái vụ này thì.... hỏng bét. Con Tí cười cười:
Rất vui khi nhận thư góp ý cuả ông về bài "Dậy Học Trên Đất Mỹ" mà tôi viết cách đây không lâu. Vui nhất là thư của ông đến từ   Cần Thơ,   một miền đất thân yêu mà chắc trong nhiều năm nữa, tôi chỉ còn có thể gặp lại trong những giấc mơ mà thôi. Điều vui hơn là sau khi ông gửi những thắc mắc ấy đến, tôi lại nhận đuợc một lá thư 
Gần hai mươi năm sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ, Hoàng mới đặt chân đến nước Hoa Kỳ theo diện HO. Tuổi đời gần năm mươi, hai bàn tay trắng, nhờ sự giúp đỡ của hội Từ Thiện và bạn hữu phải làm lại từ đầu, chạy ngược chạy xuôi tìm việc làm để có tiền thanh toán nơi ăn chốn ở. Bạn hữu muốn anh có một
Thằng bé ngồi kế bên chị nó, đòng đưa hai chân trong đôi giày màu trắng có viền đen. Ngồi đối diện với hai chị em nó là người đàn ông có đôi vai gầy, đang chăm chú đọc tờ báo xếp làm đôi, tóc ông lòa xòa rơi xuống vầng trán có nếp nhăn li ti. Thằng bé đưa mắt nhìn đám trẻ tung tăng đùa giỡn trong khung lưới nhựa
Bản Quốc ca Việt Nam được mở đầu cho cuốn băng nhạc, những bản hùng ca thời chiến, mà tôi đã nghe đi nghe lại hơn mười lăm năm nay. Tôi thường tìm đến băng nhạc này mỗi khi lòng xôn xao nhớ về quê hương và những ngày xưa yêu dấu.   Trong lời ca điệu nhạc đầy hùng khí như vẫn còn vang dội những bước chân hiên ngang
Đã mấy lần tôi bỏ chúng ra khỏi túi hành trang chuẩn bị lên đường thì bà cụ lại lén chờ lúc tôi không có mặt bỏ chúng vào,   -hôm ấy là ngày 15 tháng 6 năm 1975, ngày chót theo lệnh trình diện lên đường đi tu huyền- tôi xách cái túi lên thì lại thấy đôi dép râu và bộ bà-ba đen đã nằm lại trong đó từ lúc nào. Bực quá tôi lấy chúng
Nhạc sĩ Cung Tiến