Hôm nay,  

Bài Thực Hành Địa Lý Đầu Tiên

09/10/200900:00:00(Xem: 116858)

Bài Thực Hành Địa Lý Đầu Tiên

Tác giả: Hữu Tài
Bài số 2750-1628821- vb6100909

Tác giả theo gia đình tới Mỹ theo diện H.O. từ năm 2000, học về Quan Hệ Quốc Tế, ra trường và đi làm. Bài viết là chuyện kể về “những ngày đầu chập chững, hoang mang trên giảng đường nước Mỹ.” Mong Hữu Tài sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Tôi đến Mỹ mùa Hè năm 2000 theo diện HO sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp đúng... nửa ngày. Khoảng tháng 1 năm 2001 tôi bắt đầu   học tại trường Đại Học Cộng Đồng quận Prince George (Prince George's Community College) thuộc tiểu bang Maryland. Sau hai học kì Xuân và Hè học các lớp tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai (ESL), tôi bắt đầu ghi danh các lớp chuyên ngành bao gồm Địa Lý, Toán, Tiếng Anh và Xã Hội Học cho chương trình Quan Hệ Quốc Tế đúng với khả năng của một học sinh chuyên ban C khi còn ở Việt Nam.
Với vốn liếng lận lưng bảy năm học tiếng Anh ở các trường phổ thông cấp huyện tỉnh Khánh Hòa và hơn một năm ở Mỹ, ai dè khi bước vào lớp Xã Hội học ở giảng đường rộng mênh mông tôi giống như...vịt nghe sấm. Ông giáo sư say sưa giảng trên bục còn tôi dưới này cứ ù ù cạc cạc, đầu óc quay mòng mòng vì các ngôn ngữ chuyên ngành quá ư là lạ lẫm. Sau ba buổi học, tôi đã phải rút lui và đăng kí thêm một lớp toán Thống Kê bù vào vì thật sự tôi không đủ sức theo các bài giảng và một mớ bài tập sắp phải nộp trong những tuần kế tiếp. Quả là một cơn ác mộng không thể nào tưởng tượng nổi!
Lớp Địa Lý học trong một căn phòng nhỏ nằm trên lầu hai của building ngành xã hội. Lớp chỉ khoảng mười lăm sinh viên đủ màu da (tôi là người châu Á duy nhất) do giáo sư Sherman Silverman- một cựu chiến binh Việt Nam giảng dạy. Ông khoảng gần sáu mươi, mái tóc bạc trắng, có một cách phát âm lí nhí gằn từng chữ trong cổ họng rất là khó nghe. Tôi ngồi bàn thứ hai mà cố gắng lắng tai lắm mới hiểu được đôi chút những gì ông nói.
Một tuần ba tiết, mỗi tiết khoảng năm mươi phút học về địa lý tự nhiên và kinh tế của quận Prince George trong quyển sách do chính tay ông viết. Phải nói những bữa học đầu tiên không được thu hút lắm. Sinh viên chúng tôi muốn học một cái gì đó vĩ mô to lớn của thế giới bên ngoài thay vì phải nghiên cứu về một vùng đất mà tôi...mù tịt chả biết chả quen. Thật sự tôi cũng gặp rất là nhiều khó khăn để theo học lớp này vì trình độ tiếng Anh có hạn và cách giảng bài khó nhằn của giáo sư Silverman. Nhưng tôi vừa bỏ lớp Xã Hội Học, mùa học đã đi qua hơn ba tuần, giờ bỏ thêm lớp Địa Lý này nữa thì chẳng ra đâu vào đâu. Rồi phải vắt chân lên tìm một lớp khác thế vào để đủ tiêu chuẩn nhận tiền trợ cấp của chính phủ. Với sự bảo thủ và khá cứng đầu của một học sinh giỏi Văn Sử Địa thuở nào, từng "chinh chiến" qua nhiều cuộc thi các cấp khi còn trong nước và từng là học sinh giỏi Địa Lý quốc gia, tôi quyết tâm theo lớp này cho bằng được.
Mỗi tuần, cứ hai buổi ông dành để giảng dạy các bài trong sách, một buổi ông hướng dẫn cách làm bài thực hành. Mỗi bài tập gồm rất nhiều phần nhỏ rèn luyện kĩ năng phân tích của sinh viên bao gồm vẽ biểu đồ về lượng mưa, độ ẩm; lược đồ về các thành phố; hay viết nhận xét đánh giá tình hình địa chất, kinh tế, chính trị của các vùng đất vừa mới học. Mỗi bài khoảng từ 19 đến 25 điểm. Nếu ai làm trên năm mươi phần trăm thì sẽ được hưởng số điểm đạt được, còn dưới thì sẽ bị...zero (0). Một cách cho điểm quá ư là...kì cục nhưng không kém phần thú vị.


Bài thực hành đầu tiên chúng tôi nộp cho ông vào tiết thứ hai của tuần thứ hai. Tới tiết thứ ba ông trả bài. Ông bước vào lớp, khuôn mặt rất ư là phúc hậu, cất giọng nhỏ xíu  bảo là có bốn bạn bị điểm zero vì làm bài dưới năm, một vài bạn được điểm sáu, bảy; và chỉ có một điểm mười duy nhất. Cả lớp hồi hộp chẳng biết mình bị điểm gì và cũng rất ư là thắc mắc không biết ai có được cái điểm 10 lý thú đó. Giảng đường nước Mỹ nổi tiếng về sự tôn trọng riêng tư nên chẳng thể nào mà rõ được. Ông đưa bài cho tôi, cười rất tươi và bảo "Chúc mừng Tài!" Quả thật tôi không tin nổi vào mắt mình, người được điểm 10 duy nhất đó lại chính là tôi. Anh bạn Mỹ trắng ngồi bên cạnh liếc nhìn rồi la lên "Nó được điểm 10 nè!" Mọi người quay mặt lại nhìn khá ngỡ ngàng vì trong lớp tôi là sinh viên châu Á duy nhất và chẳng bao giờ mở miệng phát biểu lấy một lời vậy mà lại vượt lên trên tất cả các sinh viên bản địa. Thật sự lúc đó tôi rất hãnh diện về điểm số của mình!
Những bài tập sau đó, tôi luôn lắng nghe những gì ông hướng dẫn và luôn đạt được điểm tối đa. Bài kiểm tra viết đầu tiên tôi trả lời đúng 13 trên 15 câu. Ông khuyến khích tôi đăng kí học chương trình dành cho sinh viên xuất sắc (Honors Program)- nhưng tôi từ chối. Giới thiệu tôi vào The National Dean's List, giúp tôi tìm kiếm các học bổng để trang trải những chi phí sinh hoạt thường ngày.
Mùa học kết thúc, lớp học chỉ còn đúng...bảy sinh viên. Tôi được điểm A+ và ông khen tặng hết lời. Những học kì sau đó, tôi cũng đăng kí học thêm vài lớp nữa do ông giảng dạy để coi thử niềm đam mê Địa Lý của của mình còn tới đâu. Giáo sư Silverman gọi tôi tới văn phòng, giúp tôi tìm một số thông tin cho chuyên ngành Địa Lý ở đại học Maryland, College Park và bảo rắng nếu cố gắng tôi sẽ thành công vượt bậc.
Nhưng rồi cuộc sống của một người tị nạn không cho phép tôi theo đuổi những ước mơ mình yêu thích. Tôi ngày ấy, vừa đi học vừa phải đi làm thêm rất nhiều tiếng đồng hồ nên chỉ học những ngành ít phải đọc, ít viết, ít đào sâu nghiên cứu. Cố gắng theo những ngành sau này dễ ra kiếm việc làm để lo cho bản thân và gia đình. Tôi chuyển trường, theo đuổi ngành công nghệ thông tin. Trong suốt quá trình học cũng đăng kí thêm nhiều lớp Địa Lý để hoàn thành những yêu cầu cho mảng xã hội, nhân văn và cũng thỏa mãn niềm đam mê năm nào của mình.
Ra trường, đi làm, cuộc sống cứ lôi cuốn vào cái vòng xoáy của nó. Đôi lúc tự nhủ với lòng, dẫu thời gian có quay ngược trở lại, tôi cũng sẽ chọn con đường mình đã bước để đi đến ngày hôm nay.
Thỉnh thoảng tôi có trở lại trường nhân dịp lễ Tạ Ơn. Gặp tôi, giáo sư Silverman tay bắt mặt mừng, nhắc lại vài kỉ niệm cũ, rồi lại trách tôi sao không theo cái nghiệp ngày xưa ông hướng dẫn. Tôi chỉ cười buồn, xin lỗi ông và bảo sau này khi cuộc sống ổn định, tôi sẽ lại theo đuổi nó chắc cũng chẳng muộn màng gì. Ông ôm vai tôi thầm thì bằng cái giọng khó nhằn năm nào, ráng học đi Tài, mai sau về đây dạy. Thầy đã sắp về hưu rồi đấy!
Gần mười năm xa quê, tôi chuyển nhà bốn lần. Mỗi bận luôn phải quăng bỏ đi rất nhiều vật dụng, sách vở, tài liệu. Nhưng bài viết Địa Lý điểm 10 đầu tiên năm nào tôi luôn giữ, giữ mãi như một kỉ vật của đời mình. Giấy đã sờn, màu mực đã cũ, năm tháng cũng đã xóa nhòa nhiều hình ảnh, nhưng đọc lại những dòng hành văn khá ngô nghê của mình và lời phê của giáo sư Silverman luôn nhắc tôi về những ngày đầu chập chững, hoang mang trên giảng đường nước Mỹ, nhắc tôi về ước muốn phải vươn lên để chứng tỏ bản thân mình giữa bao la một biển nhân tài ở xứ người lạ lẫm.
HỮU TÀI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 863,808,284
Con may mắn được mẹ sinh con tại Mỹ, tỉnh Alexandria bang Virginia . Mẹ dạy con nói tiếng Việt từ thuở còn thơ. Mẹ nấu cơm Việt cho con ăn. Mẹ kể lại chuyện xưa, ông bà ngoại dạy dỗ mẹ chu đáo nên ngày nay nhờ kinh nghiệm đó mẹ rèn luyện chúng con nên người tốt. Mặc dầu sanh đẻ tại Mỹ nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới
Chiều nay trên đường từ sở về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi đi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe
Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại Seattle , tiểu bang Washington . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà, “Con Đi Trường Học...” là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, đã được phổ biến ngày 13-1-2006 với bút hiệu Hồng Ngọc-Vương. Bài viết thứ hai
Mẹ ơi! Biết bao giờ con mới được gọi lại tiếng "Mẹ" ngọt-ngào đầy yêu-thương này! Ngày Mẹ còn sống, gọi tiếng Mẹ đã thấy ấm lòng, thấy chứa-chan tình-cảm. Bây giờ Mẹ không còn nữa, tiếng Mẹ làm con xót-xa tận cõi-lòng, chẳng bao giờ con còn có dịp ngồi bên Mẹ, nắm lấy tay Mẹ rồi nói
Những ngày đầu bà Bẩy vui vẻ đi đây đi đó. Thấy gì cũng lạ, cũng đẹp, nhưng cái cảm giác lớn nhứt bà có là thấy mình   an toàn.   Không bị hạch xách, không bị hỏi han, điều tra, điều này điều nọ, bị sợ sệt khi phải đến cơ quan công quyền mà bà đã gặp phải ngày xưa.... Trong bữa ăn tại nhà con gái, có đông đủ
Bởi vì Việt Kiều chẳng mấy ai quan tâm đến những điều ấy, có người không chịu ở nhà mà ra ở khách sạn   cho thoải mái và chẳng muốn làm phiền đến ai. Họ muốn thăm ai thì tự nhiên đến nhà, ăn uống thì đơn giản không cầu kỳ, chẳng cần cao lương mỹ vị gì hết, có rất nhiều người xà vào quán hàng trong nhà lồng
Tôi mơ mơ màng màng nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ bên cạnh giường ngủ, và vội vàng ngồi bật lên vì đã gần 12 giờ trưa. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng và khó chịu lắm, nhưng nghĩ tới mảnh giấy mẹ để trên gối, tôi chạy vội ra nhà bếp không kịp đánh răng rửa mặt. Tối hôm qua, phải nói là sáng nay mới đúng
Con không dám đi cửa trước, con vòng ra cửa sau. Mùa Xuân đã trở lại, những củ   tulip con trồng trên luống mùa thu năm nào trước khi bỏ đi đã mọc lên và ra hoa, những bông hoa tulip mà cha yêu. Mọi thứ trông buồn bã và tàn tạ, chỉ có những bông hoa tulip rực rỡ. Mầu đỏ và vàng, xen lẫn với những mầu hồng nhạt
Vì nhà tôi khá xa trường, tôi luôn cố gắng căn giờ để dù có kẹt xe cũng tới trường sớm ít nhất nửa giờ. Tôi muốn tránh cho mình tình trạng phải phóng xe vội vã trong nỗi hồi hộp lo âu sợ trễ; hoặc hớt hải tới trường vừa sát giờ dạy; hoặc tệ hơn, tới sau khi chuông vào lớp đã reo! Kinh nghiệm cho tôi biết, chính trong ít phút
Vận nước nổi trôi, tôi đến Hoa kỳ vào tháng chín năm 1975.   Ngồi trên xe từ phi trường về nhà trọ, tôi thấy ngay cái không khí ở đây khác với không khí tại những nơi tôi đã đi qua.   Nó có phần tươi mát hơn, khoáng đạt hơn.   Không phải là một người trong ngành y khoa, tôi không biết cái gì đã kích thích ngũ quan
Nhạc sĩ Cung Tiến