Hôm nay,  

Học Ăn Chơi Ngày Tết

24/02/201000:00:00(Xem: 192479)

Học Ăn Chơi Ngày Tết

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2872 -1628972- vb4025110

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Sau đây là bài viết của bà đầu năm mới Canh Dần.

***
Ông Nhàn vẫn còn lim dim trong giấc mộng.  Ông thầm nghĩ tên ông là Nhàn mà sao suốt đời ông không được yên thân tý nào, vận hên đầu năm chơi lô-tô của ông đang tới chỉ còn có một số là ông trúng độc đắc mà sao đứa nào cứ réo gọi ông hoài. 
- Ông ơi!  Dậy đi thôi, 8 giờ rồi!
- Ừ, ừ ...
-  Ông ... ông ơi ... Hôm qua ông bảo cháu gọi ông dậy sớm.  Bây giờ đã hơn 8 giờ sáng mà ông chưa chịu dậy.
À ... đó là tiếng của Bình, đứa cháu trai 5 tuổi, đang văng vẳng bên tai ông, chữ được chữ mất. "Reng, reng, reng." tiếng chuông đồng hồ báo thức reo inh ỏi làm ông giật mình thức giấc.  Ông mở mắt ra thì thấy ngay Bình đang ngồi sát bên ông, miệng cười tươi, tay đang cầm đồng hồ báo thức sát vào tai ông.
- Ông đâu có lãng tai đâu mà cháu lại làm như vậy"
- Cháu gọi ông đã 3 lần rồi, lúc 7 giờ, 7 giờ rưỡi, 8 giờ mà ông không chịu dậy.  Ông coi nè, cháu đã ăn sáng và mặc quần áo rồi, chỉ còn chờ ông thôi.  Ông nói mình cần đi sớm mà.  Đây, ông nhìn xem, lịch của ông có viết rõ là hôm nay ông dẫn cháu và chị An đến trường chị ấy tham dự Hội Xuân mà.  Bé Bình vừa nói vừa chỉ ngón tay mũm mĩm vào cuốn lịch nhỏ mà ông Nhàn thường chú thích vào những điều cần nhớ.
- Thôi được rồi, ông chịu thua cháu luôn.  Cháu chưa biết đọc chữ mà cháu nhớ dai quá.  Để ông rửa mặt, đánh răng, thay quần áo xong rồi ông dẫn hai chị em cháu đi nhé.
Bé Bình dạ lớn rồi chạy ra khỏi phòng.  Nhìn đứa cháu nhanh nhẹn chạy đi mà ông Nhàn thấy mình càng già hơn.  Hai đứa cháu ngoại này tuy sinh trưởng ở San Jose, California nhưng ông và hai vợ chồng con gái ông quyết định chỉ nói tiếng Việt từ khi các cháu lọt lòng nên cả hai đều nói tiếng Việt khá trôi chảy.  Tháng trước cháu An sau buổi học lớp tiếng Việt có nói ông nên dẫn bé Bình đến thăm trường Về Nguồn vào ngày Hội Xuân rất vui.  Chiều hôm đó ông Tám, bạn ông cũng có đứa cháu học cùng trường, gọi điện thoại cho biết năm nay với sự hợp tác của Hội Phụ Huynh, Ban Điều Hành trường quyết định dành ra một ngày học để toàn thể học sinh có dịp sinh hoạt Tết trong suốt 3 tiếng đồng hồ.
Theo lời ông Tám thì ngoài việc đi học tiếng Việt, các học sinh ít có cơ hội sinh hoạt trong cộng đồng vì cha mẹ các em đa số đều bận đi làm suốt ngày, chiều tối về lại bận rộn bài vở và cơm nước cho các em.  Do đó, thầy cô trong trường hai tuần trước Tết Canh Dần sẽ giúp các em thật sự sống trong sinh hoạt đón Xuân.  Ngày chủ nhật 31/1 các học sinh lớp nhỏ thi vẽ và làm thiệp Tết trong khi các học sinh lớp lớn thi viết luận kể lại cảm nghĩ của các em về ngày Tết Nguyên Đán.  Ngày chủ nhật 7/2 toàn thể học sinh và phụ huynh sẽ có dịp Học, Ăn, và Chơi Tết thỏa thích qua 19 gian hàng Tết do 18 lớp và Hội Phụ Huynh đảm trách.  Đặc biệt trong kỳ thi chấm thưởng gian hàng thì chính học sinh của 18 lớp sẽ thay phiên nhau nói về gian hàng của lớp mình cho khách du xuân chứ không phải là thầy cô.
Vừa đậu xe vào khuôn viên trường học, cháu An đòi đi theo với bạn vào trước, riêng ông Nhàn và bé Bình đủng đỉnh đi sau đã thấy không khí Tết rộn ràng qua những tà áo dài, khăn đóng muôn màu rực rỡ đang cùng rảo bước tiến vào hội trường đón Xuân.  Trước khi vào hội trường, từ đằng xa ông đã nhìn thấy những gian hàng trải khăn đỏ của các lớp lớn với những băng rôn có tên "12 Con Giáp", Món Ăn Xứ Huế", "Lăng Ông", "Múa Lân"... kèm theo tràng pháo đỏ dài treo lủng lẳng. 
Vào trong hội trường ông Nhàn cảm thấy như sống lại chợ Tết của năm xưa.  Gian hàng đầu tiên bên phải của Hội Phụ Huynh trông xôm tụ với những bài thơ Xuân kèm theo một "cụ đồ" trong chiếc áo dài the đen ngồi trên chiếu, chấm cọ vào mực Tàu đen nhánh, nắn nót viết câu "Chúc Mừng Năm Mới" lên giấy Hồng tuyệt đẹp.  Kế bên là gian hàng "Thả Thơ" của lớp 3A, tại đây các em có dịp vận dụng trí nhớ về các câu cao dao, tục ngữ để điền vào chỗ trống cho đúng hầu lãnh giải thưởng là các con vật nhồi bông. 
Bé Bình kéo tay ông qua một gian hàng khác "Cờ Bạc Ngày Tết".  Tại đây mọi người được dịp nhìn thấy "Đỏ Đen" không thể thiếu trong các ngày đầu năm, kể cả bộ bài Tổ Tôm và cờ Tướng.  Riêng bé Bình thì ngồi xà xuống đất nơi có hai bàn cờ "Bầu Cua Cá Cọp".  Một cô gái đưa cho bé 2 cục kẹo để đặt "tiền".  Nó phân vân mãi rồi mới đặt một cục kẹo vào "con gà".  Thầy phụ trách gian hàng lắc lắc sóc đĩa trước khi mở ra, thầy gọi lớn: "Bầu, Cá, Cua, không ai trúng hết".  Còn một cục kẹo bé Bình nhất định đặt lại "con gà" vì nó sinh năm gà.  Tiếng thầy sóc đĩa rồi gọi lớn: "Ba con gà, chỉ một người trúng".  Bé Bình hý hửng vơ hai bàn tay nhỏ hốt đống kẹo vừa được chung đưa cho ông Nhàn xem:  "Ông nhìn nè, cháu có nhiều kẹo chưa!"
Trên sân khấu ban tổ chức yêu cầu mọi người đứng nghiêm chỉnh để chào cờ.  Ông Nhàn kéo bé Bình đứng dậy và lại gần để nó nhìn rõ sân khấu hôm nay được trang trí với cành đào, cành mai, hoa cúc, kèm theo bàn thờ tổ tiên trông rất uy nghi bên cạnh lá cờ Mỹ Việt.  Chào cờ, diễn văn, cúng kiến, màn kịch Sớ Táo Quân ... những gì dài hơn vài phút là bé Bình không thể đứng yên một chỗ.  Nên sau phần chào cờ mặc cho các tiết mục hấp dẫn đang diễn ra trên sân khấu, bé Bình tiếp tục kéo tay ông Nhàn qua một gian hàng khác "Trò Chơi Ngày Tết".  Tại đây em nào thẩy vòng tròn rơi vào trong chai thì được quà nên học sinh nào cũng muốn thử tài ném vòng của mình. 


Bất thình lình tiếng pháo nổ đì đùng cộng thêm tiếng trống đập dồn dập ngoài sân làm hội trường đang đông nghẹt người bỗng chốc trở nên vắng vẻ.  Mọi người túa ra ngoài xem học sinh của một lớp đang biểu diễn múa lân.  Hai em trong vai ông địa mầu vàng, mầu đỏ, cầm quạt phành phạch đang đùa dỡn với con lân nhổm lên, hụp xuống, lượn qua bên trái rồi lại chạy qua bên phải.  Các em học sinh nhỏ tuy sợ tiếng pháo, tiếng trống khá lớn, nhưng vẫn vỗ tay reo hò mỗi khi con lân lại gần các em.
Màn múa lân vừa xong mọi người lại đi vào hội trường du xuân.  Lần này ông Nhàn được bé Bình kéo đi xem các gian hàng bên trái.  Hầu hết các gian hàng đều trưng bày hoa quả, trái cây,  bánh mứt, có chỗ cho nếm thử món chè đậu, chè sen.  Thấy không có gì hay, hai ông cháu lại trở ra gần cuối hội trường nơi mọi người đang đứng vây quanh ba cái bàn dài.  Khi đến gần ông Nhàn mới biết đây thực sự là gian hàng "Ăn Tết" do một số phụ huynh đảm nhiệm.  Tại đây mọi người tha hồ được nếm những phần ăn cắt nhỏ như chả lụa, chả quế, bánh chưng, bánh tét, bánh đậu, xôi vò, mứt gừng, mứt bí, mứt me, mứt mãng cầu, mứt đậu phộng, mứt dừa, mứt sen...
Sau khi "điểm tâm" tại gian hàng "Ăn Tết", ông Nhàn dắt bé Bình ra xem gian hàng ngoài hội trường.  Tại "Lăng Ông" với cổng chào dàn dựng khéo léo của lớp 4A, các học sinh được chỉ cách xin quẻ đầu năm.  Kế bên là lớp 4B với nhiều món ăn đặc trưng của Huế kèm theo bàn thờ gia tiên trang trí những cành đào, cây mai do chính học sinh trong lớp tự cắt dán từ ngày hôm trước.  Bé Bình muốn nếm thử miếng bánh hỏi tại đây nhưng cô phụ giáo nói một hồi nữa hãy trở lại vì phải đợi sau khi Ban Điều Hành chấm điểm gian hàng rồi mới được ăn.
Một số học sinh đang bu quanh gian hàng "12 Con Giáp" của lớp 5A.  Tại đây các em cần ghi tên và lớp các em học trước khi được cho biết về tính tình của con giáp năm sinh.  Sau vài phút quan sát ông Nhàn khám phá tại sao gian hàng này đắt khách và có nhiều em nhỏ mới ghi tên đã bỏ chạy vào trong hội trường. 
Số là trường này có trên 400 học sinh, nhưng hơn phân nửa tổng số là học sinh lớp mẫu giáo.  Các em được chia lớp học tùy theo lứa tuổi, chẳng hạn MGA1 là cho các em 6 đến 7 tuổi, MGA2 cho các em 8-9 tuổi, MGA3 cho các em 10-11 tuổi ...  Những học sinh lớp nhỏ tuy đã viết tên thầy cô và lớp học vào ngay trang đầu của sách giáo khoa, nhưng vì phụ huynh hay đưa đón các em ngay tại cửa lớp nên đa số các em không nhớ mình đang học lớp nào.
Do đó khi ghi tên tham dự trò chơi vì không nhớ học lớp nào nên các em phải chạy vào trong hội trường tìm gian hàng của thầy cô để biết lớp tên gì.  Hơn nữa sau khi cho biết năm sinh và được học sinh lớp 5A cho biết tính tình của con giáp đó thì các em được bốc thăm đức tính trong năm.  Những đức tính như: chăm chỉ, trung thành, thành thật, kiên nhẫn, can đảm, đáng tin cậy, lễ phép, kính trọng ... được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên giấy mầu xanh, được xếp lại thành hình thoi nên không thấy viết chữ gì bên trong cho đến khi mở ra.  Nghe nói 120 học sinh đầu tiên bốc thăm sẽ được một túi nhỏ có giây thắt nút (để đựng tiền cắc") và một cục sô-cô-la bọc giấy vàng (tượng trưng cục vàng").  Tuy nhiên, 10 em nào may mắn bốc thăm được chữ "Chăm Chỉ Về Nguồn" thì sẽ được tặng thêm một cái ly sành nhỏ có hình Grand Canyon.
Trong khi bé Bình đứng xem học sinh bốc thăm thì ông Nhàn đọc 20 bài Sớ Táo Quân của học sinh lớp này được triển lãm trên tường phía sau gian hàng.  Theo lời các em thì đây là một phần bài thi làm tại lớp trong tuần trước.  Mặc dầu đề tài nói về trường Việt ngữ nhưng ông Nhàn phải bật cười vì những lời thơ chứng tỏ các em tương đối chững chạc và biết quan sát môi trường chung quanh so với tuổi đời các em chỉ từ 12   16 tuổi:
Kính thưa Ngọc Hoàng
Táo con lang thang
Tại trường Về Nguồn
Theo dõi luôn luôn ...
Trước hết Táo muốn
Ăn mấy bánh cuốn
Bởi vì quá đói
Ăn xong rồi nói ...
Năm ngoái Kỷ Sửu
Ông Ô-ba-ma
Có khác màu da
Lên ngôi tổng thống ...
Có nhiều động đất
Khắp nơi đất trời
Có người bị nạn
Có người mất bạn ...
Paris by Night
Asia, Vân Sơn
Làm văn nghệ hay
Vở kịch quá hay
Ai cũng thích coi ...
Vật giá gia tăng
Bao người mất việc
Nhưng học sinh Việt
Vẫn giữ cội nguồn ...
Chủ nhật đầu tháng
Quốc ca vang vang
Trên khắp sân trường
Chào cờ phát thưởng ...
Chương trình càng khó
Khi lên lớp Năm
Viết văn làm thơ
Không được lơ mơ ...
Ở trường quá lạnh
Có mưa rất mạnh
Học sinh chạy lẹ
Đi về với mẹ ...
Có em tên Tý
Ở trường nó lì
Bạn nghĩ nó kỳ
Được ít lì xì ...
Trò chơi tụ họp
Bầu cua cá cọp
Xổ số hên xui
Ôi thật là vui! ...
Bây giờ đúng lúc
Báo cáo kết thúc
Táo thần kính bái.
Vì là người thích đọc thơ văn nên trên đây chỉ là mấy đoạn văn mà ông Nhàn viết vội vào tờ giấy trắng luôn có sẵn trong túi áo của ông.  Ông không ngờ các em viết hay như vậy!  Bé Bình chạy lại kéo tay ông đòi vào trong chơi "Bầu Cua".  Quanh quẩn trong hội trường và nói chuyện với một số bạn bè có con cháu học cùng trường mà ông Nhàn thấy thời gian 3 tiếng đồng hồ trôi qua quá nhanh.  Thầy cô và phụ huynh đang thu xếp dọn dẹp các gian hàng để trả lại cho trường Mỹ.
Sau khi ghé lại cám ơn Ban Điều Hành và Hội Phụ Huynh đã cho các em Học, Ăn, và Chơi một ngày Tết rất có ý nghĩa trong khung cảnh thân quen của trường học và bạn bè, ông Nhàn dẫn hai cháu ra xe về nhà mà lòng thấy tràn ngập một mùa Xuân nơi xứ người.
Một tuần sau đó ông Tám gửi điện thư bảo nếu ông muốn "sống" lại không khí Tết của tuần trước thì vào trang mạng dưới đây mà xem hình ảnh đón Xuân Canh Dần:
www.vietnamdaily.com/gallery/main.php"g2_itemId=45156
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 864,677,733
Mười bẩy năm trước đây, ngày gia đình tôi vừa đến Mỹ, phóng viên nhật báo PEOPLE, có trụ sở đặt tại Muskegon City, thuộc tiểu bang Michigan đến phỏng vấn, cũng còn quá sớm, thời gian vừa chấm dứt chiến cuộc, vẫn còn có những sự kiện nóng bỏng, một số người Mỹ, nhất là nhóm phản chiến, chưa hiểu rõ người
Đã rất khuya mà Ngọc không tài nào chợp mắt được. Một phần có lẽ do hôm nay trời trở nên nóng lạ lùng làm Ngọc khó ngủ. Nhưng cái chính là Ngọc cứ mãi suy nghĩ về Ngày- của- Mẹ, ngày lễ mẹ đầu tiên trên đất Mỹ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, sống ở Việt Nam, Ngọc đâu có hề biết hay nghe nhắc đến Ngày-của-Mẹ
Chiều thứ Bảy cuối năm Ất Dậu, ngồi chơi bên ly rượu tất niên ở nhà người bạn, vô tình cầm lên tờ báo Việt ngữ, tôi chợt bàng hoàng. Trong trang phân ưu lớn của tờ báo, người ta nói đến tên anh, thiếu tá Ngô Giáp. Chủ tịch hội ái hữu không quân Nam Cali, vừa qua đời ở tuổi 65! Đã 40 năm rồi từ ngày tôi biết anh
Ba mua cái bàn về rồi để đó đi làm.   Cái bàn còn nguyên trong thùng chưa ráp lạị   Bé Tí rủ: - Chị Tâm với em ráp cái bàn cho ba hen.    Tôi lắc đầu quầy quậy: - Tí rủ lộn người rồi.   Tay chân chị Tâm mà đụng vô mấy cái vụ này thì.... hỏng bét. Con Tí cười cười:
Rất vui khi nhận thư góp ý cuả ông về bài "Dậy Học Trên Đất Mỹ" mà tôi viết cách đây không lâu. Vui nhất là thư của ông đến từ   Cần Thơ,   một miền đất thân yêu mà chắc trong nhiều năm nữa, tôi chỉ còn có thể gặp lại trong những giấc mơ mà thôi. Điều vui hơn là sau khi ông gửi những thắc mắc ấy đến, tôi lại nhận đuợc một lá thư 
Gần hai mươi năm sau ngày miền Nam Việt Nam sụp đổ, Hoàng mới đặt chân đến nước Hoa Kỳ theo diện HO. Tuổi đời gần năm mươi, hai bàn tay trắng, nhờ sự giúp đỡ của hội Từ Thiện và bạn hữu phải làm lại từ đầu, chạy ngược chạy xuôi tìm việc làm để có tiền thanh toán nơi ăn chốn ở. Bạn hữu muốn anh có một
Thằng bé ngồi kế bên chị nó, đòng đưa hai chân trong đôi giày màu trắng có viền đen. Ngồi đối diện với hai chị em nó là người đàn ông có đôi vai gầy, đang chăm chú đọc tờ báo xếp làm đôi, tóc ông lòa xòa rơi xuống vầng trán có nếp nhăn li ti. Thằng bé đưa mắt nhìn đám trẻ tung tăng đùa giỡn trong khung lưới nhựa
Bản Quốc ca Việt Nam được mở đầu cho cuốn băng nhạc, những bản hùng ca thời chiến, mà tôi đã nghe đi nghe lại hơn mười lăm năm nay. Tôi thường tìm đến băng nhạc này mỗi khi lòng xôn xao nhớ về quê hương và những ngày xưa yêu dấu.   Trong lời ca điệu nhạc đầy hùng khí như vẫn còn vang dội những bước chân hiên ngang
Đã mấy lần tôi bỏ chúng ra khỏi túi hành trang chuẩn bị lên đường thì bà cụ lại lén chờ lúc tôi không có mặt bỏ chúng vào,   -hôm ấy là ngày 15 tháng 6 năm 1975, ngày chót theo lệnh trình diện lên đường đi tu huyền- tôi xách cái túi lên thì lại thấy đôi dép râu và bộ bà-ba đen đã nằm lại trong đó từ lúc nào. Bực quá tôi lấy chúng
Mỗi khi hạ về, ngày của Mẹ lại đến. Bất chợt, bâng khuâng, tôi bỗng thấy ganh tỵ với những ai còn được cài bông hồng trên áo!   Sự ganh tỵ ích kỷ, nhỏ nhoi nhưng thật khó tránh khỏi. Thế rồi mọi ký ức, kỷ niệm với Mẹ, về Mẹ lại ùa về vỡ òa từng rung cảm để tôi không thể không cầm viết.   Viết không hay, nhưng phải viết vì
Nhạc sĩ Cung Tiến