Hôm nay,  

Ước Mơ và Sự Nghiệp

18/11/201100:00:00(Xem: 174813)
Ước Mơ và Sự Nghiệp

Tác giả: Nguyễn Duy An 
Bài số 3409-12-2869vb6111811

Tác giả Nguyễn Duy An là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic, tổ chức văn hoá xã hội bất vụ lợi lớn nhất thế giới. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

Tôi viết bài này theo đề nghị của một số phụ huynh đã tham dự và lắng nghe tôi chia sẻ bằng tiếng Anh với các bạn Thanh Sinh Công (Thanh Niên / Sinh Viên – Học Sinh Công Giáo) tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn với chủ đề “Finding Your Passion – Pursuing Your Career” vào cuối tháng 10, 2011. Tôi sẽ viết theo dàn bài (agenda) của bài chia sẻ với hai phần riêng biệt: My Life Story (changed, changed, and changed again) – Your Life – Your Career (be prepared and ready).

Đời tôi: Một chuỗi đổi thay
(My Life Sotry: Changed, changed, and changed again)

Tôi được sinh ra và lớn lên tại một làng quê nhỏ bé và nghèo nàn trong thời chiến tranh Việt Nam. Thời thơ ấu của tôi, cũng giống như các bạn cùng trang lứa ở miền quê, buổi sáng cắp sách đến trường, buổi chiều ra đồng chăn bò và phụ giúp cha mẹ những công việc vặt vãnh bên nương khoai, ruộng lúa... Chúng tôi luôn luôn sống trong phập phồng lo sợ dưới làn tên mũi đạn nên ngày nào cũng đến nhà thờ đọc kinh, dâng lễ để cầu xin ơn trên che chở. Chính những sinh hoạt đạo đức trong một làng di cư Công Giáo đã ươm mầm trong tôi một ước mơ đầu đời: Tôi muốn đi tu làm linh mục.
Ngay sau khi vừa học xong tiểu học, để theo đuổi ước mơ của mình, tôi đã xin phép cha mẹ nộp đơn thi vào tiểu chủng viện thánh Phaolô thuộc giáo phận Xuân Lộc. Tôi trúng tuyển và từ giã gia đình ra đi lúc vừa tròn 12 tuổi để bắt đầu một cuộc đời mới... Nhưng rồi chiến tranh càng ngày càng khốc liệt và biến cố 30-04-1975 đã “thay trắng đổi đen” tất cả. Sau 4 năm vừa “làm ruộng” vừa tiếp tục “tu chui” với một tương lai quá mịt mù đen tối, tôi đã quyết định xin ra khỏi chủng viện vào cuối năm 1979 để tìm đường vượt biên.
Sau hơn 3 năm trời long đong lận đận, sống lang thang không có “hộ khẩu”, cuối cùng tôi cũng đến được bến bờ tự do. Tôi may mắn được phái đoàn Mỹ nhận cho định cư theo diện nhân đạo (ở trại tỵ nạn chúng tôi gọi là diện “hốt rác”) vì tôi đã quá tuổi để hưởng diện “cựu quân nhân công chức” của cha mẹ, và cũng chưa đủ lớn để đi lính hay làm việc cho chính phủ trước năm 1975, và cũng không có thân nhân bà con ở Mỹ để làm giấy tờ bảo lãnh. Tôi được một gia đình người Mỹ bảo lãnh tới một nông trại cách thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania gần 2 giờ lái xe! Cái nghiệp “nhà nông” quả thực đã gắn liền với vận mệnh cuộc đời tôi. Tôi đã từ giã “ruộng vườn” của cha mẹ để đi tu, nhưng sau năm 1975 lại phải “làm rẫy làm ruộng” kiếm sống qua ngày để tiếp tục “tu chui”, và bây giờ lại trở về với “đồng không mông quạnh” vì gia đình người bảo trợ “tưởng lầm” tôi là người làm nghề nông rất giỏi, có thể giúp họ tiếp tục “duy trì và phát triển nông trại” vì tất cả 9 người con trong gia đình đều kẻ trước người sau khăn gói ra đi...
Sau mấy tháng “làm ruộng” ở nông trại của người bảo trợ, một lần nữa, tôi lại ra đi. Tôi quyết định dọn về vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tiếp tục học vì trong đầu vẫn nghĩ ở Mỹ cũng giống như ở Việt Nam trước năm 1975 là phải về Sàigòn, Thủ Đức mới dễ dàng theo học đại học. Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở tại Virginia, tôi đã liên lạc với văn phòng “Ơn Gọi” của giáo phận để tìm cách “bắt đầu lại” ước mơ “làm linh mục”, nhưng lúc bấy giờ họ đòi phải có quốc tịch và tốt nghiệp đại học ở Mỹ, nên tôi đành bỏ cuộc và đổi đời. Tôi tự nhủ với lòng mình thôi thì không làm bác sĩ “tâm hồn” được thì học làm bác sĩ chữa bệnh phần xác cho người ta cũng tốt, nhưng rồi tôi lại phải dẹp bỏ ước mơ học làm bác sĩ vì học phí quá cao, thời gian học rất lâu và cũng khó tìm được chỗ thực tập khi tuổi đời khá cao vì tôi phải vừa làm vừa học. Tôi quyết định theo học ngành Vi Tính (Data Processing, sau này đổi thành Information Technology) để mau chóng kiếm được việc làm, trước là tự nuôi thân, sau là giúp đỡ gia đình cha mẹ và các em, các cháu đang vất vả kiếm sống qua ngày ở Việt Nam.
Tôi ra trường và đi làm chuyên viên kỹ thuật từ Programming tới System Administration, rồi Database Administration tới Networking và ERP... Công việc tương đối ổn định, cấp trên và đồng nghiệp quý mến, nhưng rồi một lần nữa tôi phải “thay đổi” khi được chọn để đi vào ngành “quản trị” (management). Tôi có thể từ chối hoặc đi tìm một việc làm khác, nhưng một ông xếp người Mỹ đã phân tích và hướng dẫn cho tôi hiểu những giới hạn trong tương lai lâu dài nếu tiếp tục làm chuyên viên kỹ thuật nên tôi đã nghe theo. Lý do quan trọng nhất khiến tôi thay đổi là càng lớn tuổi, đầu óc mình sẽ càng chậm lại nên không thể cạnh tranh với các bạn trẻ về những chuyên môn trong ngành kỹ thuật; thêm vào đó, lương bổng và quyền lợi của một chuyên viên bình thường cũng ít hơn một thành viên trong ban quản trị. Thế là sau 10 năm làm chuyên viên kỹ thuật, tôi đã “chuyển ngành” qua làm “quản trị” (management) cho tới hôm nay, tính ra cũng đã 15 năm.
Cuộc đời của tôi, từ ngày thơ ấu cho đến hôm nay, từ một cậu bé một buổi đi học, một buổi đi chăn bò ở một làng quê hẻo lánh mang tên Bình Giả cho tới hôm nay làm Senior Vice President cho National Geographic ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tất cả gom lại chỉ là một “ước mơ chưa tròn” vì tôi đã phải thay đổi thường xuyên để thích nghi với hoàn cảnh và tiếp tục bước đi... Và chắc chắn tôi sẽ còn phải đổi thay nhiều lần nữa cho tới khi nhắm mắt xuôi tay vì như tôi đã nói từ đầu: Đời tôi chỉ là một chuỗi đổi thay (My Life Story: Changed, changed, and changed again)!

Phần Bạn:
Hãy Chuẩn Bị và Sẵn Sàng
(Your Life – Your Career:
Be prepared and ready)

Cuộc sống của bạn sẽ rất buồn chán và tẻ nhạt nếu không có những “ước mơ đẹp” để làm động lực thúc đẩy mình vươn lên. Ước mơ càng lớn càng gặp nhiều khó khăn trở ngại; do đó, để đạt tới đích, bạn phải tìm cách “chia nhỏ” ước mơ lớn thành những bước nhỏ để thực hiện và tự thưởng cho chính mình khi đạt được một thành công nho nhỏ; thêm vào đó, bạn cũng phải thường xuyên tự vấn lòng mình để xem ước mơ của mình có còn thích hợp hay không và thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh, và có khi bạn phải tìm cho mình một ước mơ khác thích hợp hơn với khả năng thật của chính mình. Nói tóm lại, để làm hành trang chuẩn bị vào đời, ngay từ bây giờ, bạn hãy “dream BIG” nhưng phải “act small” và thường xuyên “review and reward” để khích lệ chính mình; và cuối cùng, bạn phải luôn luôn nhớ rằng không có ước mơ nào là hoàn hảo và hoàn cảnh cũng như con người của bạn sẽ thay đổi theo thời gian nên bạn phải “revisit, revise and reassess” để tìm cho mình một hướng đi thích hợp giữa dòng đời.
* Dream BIG: Để có một ước mơ thật LỚN, bạn phải lắng nghe tiếng nói của con tim. Trước hết, bạn phải dẹp lý trí sang một bên, vì nếu bạn dùng lý trí để tìm “ước mơ” cho tương lai bạn sẽ không bao giờ đạt được kết quả. Chính lý trí sẽ bắt bạn phải phân tích tỷ mỉ những khó khăn trở ngại, những sợ hãi vu vơ và không dám hướng lên cao vì ngại khó. Hãy để con tim điều khiển lý trí trong lúc này để tìm cho mình một ước mơ thật đẹp. Dệt mộng đâu có tốn tiền; do đó, bạn hãy thả lỏng trí óc để mơ mộng đi theo cảm xúc của con tim...
* Act small: Sau khi đã có một “ước mơ lớn”, bạn phải “đập nó ra thành từng mảnh nhỏ” (break it up) bằng cách ghi lại những chi tiết cần thiết, những bước nho nhỏ phải làm để từng bước đưa bạn tiến gần tới đích. Đây là lúc bạn phải “bỏ quên con tim” để dùng lý trí phân tích kỹ lưỡng “sở trường, sở đoản” của chính mình và những việc cần làm để đạt được ước mơ. Chắc chắn bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được; do đó, bạn phải kiên trì học hỏi, nghiên cứu và tìm người giúp đỡ, hướng dẫn mình những cách thức “vượt khó”, và điều quan trọng hơn nữa là làm quen và kết bạn với những người có cùng “ước mơ” để có bạn đồng hành vì đi một mình rất buồn chán và khó thành công hơn là đi chung với bạn bè cùng chí hướng.
* Review & Reward: Sau khi đã soạn thảo được một chương trình hành động với những bước nho nhỏ, bạn hãy bắt đầu ngay chứ đừng chần chờ sắp xếp một ngày thuận tiện mới bắt đầu. Bạn cứ theo danh sách để bắt đầu những việc cần làm hôm nay, tuần này, tháng này... rồi “check off” (gạch bỏ) trong danh sách để ghi nhận mình đã vượt qua được từng bước nhỏ và tự thưởng cho mình những món quà nho nhỏ khi mình đã hoàn tất được một bước. Chính những món quà tự thưởng cho mình sẽ là động lực thúc đẩy bạn cố gắng vươn lên từng ngày (maintain your momentum). Bạn phải thành thật với chính mình, nếu sai thì sửa. Ai trong chúng ta cũng có lúc lầm lỗi hay đi lạc đường, điều quan trọng là biết sửa đổi để vươn lên. Để đạt được ước mơ của mình, bạn phải kiên trì từng bước đi lên chứ không thể đi tắt (no shortcut) vì “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông.” (Nguyễn Bá Học)
* Revisit, Revise & Reassess: Con người chúng ta, ai cũng thay đổi theo dòng thời gian, hoàn cảnh xã hội, tuổi tác và kinh nghiệm sống... Do đó, thỉnh thoảng, ít là mỗi năm một lần, bạn phải suy nghĩ, tìm hiểu và thay đổi những điều cần thiết để giúp bạn đạt được ước mơ ban đầu. Rồi cũng có khi bạn phải tìm kiếm một ước mơ mới vì càng ngày bạn càng nhận ra ước mơ cũ không còn thích hợp với con người hiện tại của bạn trong hoàn cảnh mới. Đừng thất vọng hay nản chí. Bạn cứ việc thả lỏng đầu óc và lắng nghe tiếng nói mới của con tim để tìm một ước mơ mới và bắt đầu lại. Những thành quả bạn đạt được trên bước đường đi tìm ước mơ cũ vẫn có giá trị rất lớn trong việc soạn thảo chương trình mới để tạo dựng sự nghiệp cho tương lai của bạn.
Sau khi đã tìm được một ước mơ mới, điều quan trọng nhất là bạn phải quên đi ước mơ cũ (let go of old dream) và bắt đầu lại ngay khi có thể. Hãy xem đó là một giấc mộng đẹp, một kỷ niệm cũ rất đáng trân quý nhưng không quá luyến tiếc để rồi không thể bắt đầu lại với một ước mơ mới. Giấc mơ nào cũng đẹp nhưng để tạo được sự nghiệp, chúng ta phải tìm cho được một ước mơ thích hợp với hoàn cảnh sống của chính mình. Ai trong chúng ta cũng phải làm việc để kiếm sống, nhưng nếu được làm một công việc thích hợp với khả năng và sở thích của mình thì cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.
Khi mới chia sẻ với các bạn về việc chuẩn bị cho tương lai của mỗi người, tôi đã nói tới một ước mơ thật LỚN (Dream BIG). Tôi đã viết hoa chữ BIG vì tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều là chữ BIG đó cũng là chữ viết tắt của “Believing In God”. Ai trong chúng ta cũng nhận thức được rằng sức người có hạn và chúng ta tin tưởng vào sự trợ giúp của đấng thiêng liêng là Thiên Chúa, là Thượng Đế, là Đức Phật, là Ông Bà Tổ Tiên... Chính niềm tin đó cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Tôi cầu chúc tất cả mọi người đều tìm được ước mơ đích thực của chính mình và vạch ra một con đường thiết thực để từng bước tạo dựng tương lai sự nghiệp đúng với sở thích của mỗi người vì “có công mài sắt có ngày nên kim” (If you polish a piece of iron long enough you can make a needle).
Nguyễn Duy-An

Ý kiến bạn đọc
19/11/201113:44:36
Khách
Xin cám ơn những chia sẻ rất chân tình của tác giả Nguyễn Duy An. Bài viết rất giá trị, nếu như có bản tiếng Anh thì quá tuyệt vời vì tôi, và có lẽ nhiều độc giả khác cũng rất muốn gởi cho đám con cháu không đọc được tiếng Việt.
27/11/201123:46:29
Khách
Hello anh Duy,

Cảm ơn ba`i viết rất giá trị, tôi sẽ truyền lại cho 2 đứa con (10,11) hành trang cho cha'u và thế hệ trẻ để chuẩn bị vào đời.

Chúc anh Duy va gia đình nhiều sức khoẻ, mong đọc thêm bài viết của anh.
27/11/201118:16:27
Khách
Một bài viết quá hoàn hảo. Lâu lắm tôi mới gặp được những bài báo như thế này. Hy vọng nó sẽ là "kim chỉ nam" cho tôi thực hiện "American dream". Chân thành cảm ơn tác giả. Chúc chúa sẽ phù hộ và ban phước lành đến ông mãi mãi !!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 865,743,849
Con may mắn được mẹ sinh con tại Mỹ, tỉnh Alexandria bang Virginia . Mẹ dạy con nói tiếng Việt từ thuở còn thơ. Mẹ nấu cơm Việt cho con ăn. Mẹ kể lại chuyện xưa, ông bà ngoại dạy dỗ mẹ chu đáo nên ngày nay nhờ kinh nghiệm đó mẹ rèn luyện chúng con nên người tốt. Mặc dầu sanh đẻ tại Mỹ nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới
Chiều nay trên đường từ sở về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi đi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe
Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại Seattle , tiểu bang Washington . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà, “Con Đi Trường Học...” là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, đã được phổ biến ngày 13-1-2006 với bút hiệu Hồng Ngọc-Vương. Bài viết thứ hai
Mẹ ơi! Biết bao giờ con mới được gọi lại tiếng "Mẹ" ngọt-ngào đầy yêu-thương này! Ngày Mẹ còn sống, gọi tiếng Mẹ đã thấy ấm lòng, thấy chứa-chan tình-cảm. Bây giờ Mẹ không còn nữa, tiếng Mẹ làm con xót-xa tận cõi-lòng, chẳng bao giờ con còn có dịp ngồi bên Mẹ, nắm lấy tay Mẹ rồi nói
Những ngày đầu bà Bẩy vui vẻ đi đây đi đó. Thấy gì cũng lạ, cũng đẹp, nhưng cái cảm giác lớn nhứt bà có là thấy mình   an toàn.   Không bị hạch xách, không bị hỏi han, điều tra, điều này điều nọ, bị sợ sệt khi phải đến cơ quan công quyền mà bà đã gặp phải ngày xưa.... Trong bữa ăn tại nhà con gái, có đông đủ
Bởi vì Việt Kiều chẳng mấy ai quan tâm đến những điều ấy, có người không chịu ở nhà mà ra ở khách sạn   cho thoải mái và chẳng muốn làm phiền đến ai. Họ muốn thăm ai thì tự nhiên đến nhà, ăn uống thì đơn giản không cầu kỳ, chẳng cần cao lương mỹ vị gì hết, có rất nhiều người xà vào quán hàng trong nhà lồng
Tôi mơ mơ màng màng nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ bên cạnh giường ngủ, và vội vàng ngồi bật lên vì đã gần 12 giờ trưa. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng và khó chịu lắm, nhưng nghĩ tới mảnh giấy mẹ để trên gối, tôi chạy vội ra nhà bếp không kịp đánh răng rửa mặt. Tối hôm qua, phải nói là sáng nay mới đúng
Con không dám đi cửa trước, con vòng ra cửa sau. Mùa Xuân đã trở lại, những củ   tulip con trồng trên luống mùa thu năm nào trước khi bỏ đi đã mọc lên và ra hoa, những bông hoa tulip mà cha yêu. Mọi thứ trông buồn bã và tàn tạ, chỉ có những bông hoa tulip rực rỡ. Mầu đỏ và vàng, xen lẫn với những mầu hồng nhạt
Vì nhà tôi khá xa trường, tôi luôn cố gắng căn giờ để dù có kẹt xe cũng tới trường sớm ít nhất nửa giờ. Tôi muốn tránh cho mình tình trạng phải phóng xe vội vã trong nỗi hồi hộp lo âu sợ trễ; hoặc hớt hải tới trường vừa sát giờ dạy; hoặc tệ hơn, tới sau khi chuông vào lớp đã reo! Kinh nghiệm cho tôi biết, chính trong ít phút
Vận nước nổi trôi, tôi đến Hoa kỳ vào tháng chín năm 1975.   Ngồi trên xe từ phi trường về nhà trọ, tôi thấy ngay cái không khí ở đây khác với không khí tại những nơi tôi đã đi qua.   Nó có phần tươi mát hơn, khoáng đạt hơn.   Không phải là một người trong ngành y khoa, tôi không biết cái gì đã kích thích ngũ quan
Nhạc sĩ Cung Tiến