Hôm nay,  

Tản Mạn Cuối Năm

29/12/201200:00:00(Xem: 261480)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh tại nước Pháp. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là Giải Á Hậu. Bài viết mới, chuyện cuối năm bên Tây vẫn đầy hương vị của Little Sàigon.

Cuối năm truyền hình ra rả tin ngắn, tin dài, tóm lược tin thế giới đó đây, mà xứ Tây có cái lạ, nói xa nói gần rồi nói đại đến cái tiểu bang mà tôi tương tư từ dạo tha hương, từ dạo tôi yêu… thức ăn ba miền bên chợ Sàigòn Nhỏ.

Dĩ nhiên TV Tây làm sao biết Chợ Nhỏ của tôi, chỉ toàn nói đến thành phố điện ảnh Hollywood, thỉnh thoảng ghé qua New York rồi quẹo về San Francisco.

Đang coi tin tức tự nhiên nhắc đến « xóm nhỏ », tôi đâm ra trầm tư, may là chưa trầm cảm, rồi tôi nhớ vu vơ, nhớ lang mang, nhớ gia đình, bạn bè, phở, mì, cơm cá kho quẹt…, có thèm cá kho cũng đành quẹt mép chịu trận.

Ai cũng thắc mắc, cá kho quẹt đâu có khó mà nấu không được, đờn bà VN sao mà tệ rứa, không biết kho cá làm sao ở dâu nhà chồng, bây giờ lười quá thì mua cá kho tộ đông lạnh nhập từ Sàigòn cũ mà ăn, mắc chi mà nhịn thèm.

Dạ thưa, thực phẫm đông lạnh nhập từ VN chứa toàn hóa chất độc hại của tàu, tôi không dám ăn, già rồi tôi hổng sợ chết chỉ sợ bệnh hoạn lê lết làm phiền chồng con.

Cá kho tộ, kho quẹt tôi biết mầm chứ, nhưng tại bị, phòng khách nhà tôi có cái « cù zin A mê rích ken » (cuisine américaine, nhà bếp kiểu Mỹ), rồi thì là mà, chàng của tôi kỵ nước mắm, dị ứng từ thuở nhỏ mà chưa biết lý do để chữa.

Nếu tôi chơi bạo kho cá với nước mắm coi như tiêu cái phòng khách, coi như tuyên chiến với chàng, đã lỡ yêu chàng quá lửa rồi, chẳng lẽ vì món cá kho vớ vẫn mà đôi ngã chia ly, thôi đành kiêng nước mắm cho trọn tình già.

Nước mắm được chàng xếp vào loại « dễ sợ », sau đó rượu đỏ, rượu trắng, rượu vàng của Tây được chàng đưa vào loại « khó giao du ». Tôi chịu thua, đặc sản, rồi rượu ngon mà thiếu bạn hiền, còn gì là đời, đành chờ các con về nhà, mẹ con hè nhau ăn nước mắm sống nhắm rượu vang cho bỏ những ngày treo mỏ nhớ nước mắm nhỉ Phú Quốc.

Giá mà có thuốc cai nghiện nước mắm chắc tôi cũng tìm mua từ lâu rồi, rượu thì không lo vì tôi thưởng thức cho biết đời chứ chưa nghiện như dân bợm bị dế Gò Đen vặt ngã lăn cù ra đất.

Có dạo thằng con cả vặn vẹo, ai biểu bố mẹ không sống chung trước khi cưới để bi giờ mẹ không phải vật vờ thế này.

Giời ạ, bộ mi muốn ông bà ngoại cạo đầu mẹ sao mà xúi bậy, ai đời con gái chữa chồng mà đi sống riêng với con trai, mà thôi số phận đã an bài rồi.

Hú viá, hai thằng con nhà này húp nước mắm, mắm tôm giỏi lắm, sau này có lấy vợ Việt, Miên, Lào… ba nước anh em cũng không sao. Vậy mà sao quả tạ đã chiếu tướng thằng lớn, nó lấy vợ đầm, thằng nhỏ lại thèm mắm muối cả đời như mẹ, mà tôi có ăn mặn đâu sao thằng con lại khát nước …mắm.

Trở lại chuyện cuối năm, mấy năm trước tôi thường qua Cali chơi Nol và đón năm mới với gia đình, quà mang đi toàn đồ Tây, hàng mang về chỉ rau củ, về nhà ăn rau cả tuần mà nhớ Cali da diết.

Mỗi lần đi Sàigòn Nhỏ, em tôi chở đi ăn phở, bạn bè chở đi ăn món Huế, ăn hoài không chán, trong tuần ăn chay để chuộc cái tội tham ăn cắm cố.

Ai nghe cũng cười, dân bên đó đói ăn đến tội nghiệp. Dạ thưa đói đặc sản quê hương, chứ bơ phó mác dư thừa nhưng không dám ăn nhiều sợ bệnh, vậy mà qua đây tôi liều mạng, ăn toàn thứ độc đáo hay độc hại tùy người đối diện.

Tôi khoái nhất là rủ nhỏ em đi chợ, thấy hàng rau mừng húm, rau má, muống, lang, nhúc, tơi…tả sao cho siết nỗi lòng đứa si mê ba mươi sáu loại rau xứ mình, rồi rau thơm, chuối chát, dưa mắm, mắm tôm, ruốc… tha hồ hốt đầy giỏ.

Nách một giỏ rau mắm, về nhà nhỏ em cũng kẹt cái « cù zin » Mỹ, đành ra sau hè kho mắm quẹt cho sướng đời, ai nghe cũng cười, già mà ham ăn, chứ mấy ai hiểu cho, càng già càng nhớ nhà, nhớ cả ngọn cỏ cọng rau.

Chỉ một buổi sáng tôi làm mấy ơ cá kho, mắm kho, mắm chưng, nhỏ em đi làm về ăn mệt nghỉ. Sáng hôm sau hai chị em ăn cơm mắm với rau y chang nông dân, bố mẹ tôi có sống lại cũng khó tin con của ông bà chết thèm đặc sản quê hương đến thế.
Chả bù bên Tây tôi chỉ biết luộc trứng dầm nước mắm ớt chấm dưa leo, có lúc ăn gian lấy « cải soon » (cresson) giả rau sống, còn rau muống phải chờ đến mùa hè, rau lang, cần nước … mơ không thấy nỗi.

Nên nếu nói đi Cali trước là thăm gia đình, bạn bè, sau là ăn rau cũng không ngoa.

Đó là chuyện cơm, còn chuyện phở mới hấp dẫn, ăn phở kiểu đờn bà chúng tôi, chứ hổng phải kiểu « cơm phở » của mấy ông nhe.

Chị em tôi nghiện phở từ thời trung học, quà vặt chỉ là phở với phở, sẳn có quán phở Quỳnh Tín nổi tiếng trên đường Trương Minh Giảng, gần nhà thờ Ba Chuông, ở ngay đầu hẻm nhà tôi, không nghiền mới lạ.

Dạo đó ngoài giờ học chúng tôi đi dạy kèm cho con nít tiểu học, đủ tiền ăn quà, đi chơi với bạn bè, và phở là món ăn không thể thiếu trong ngày.

Qua Chợ Sàigòn Nhỏ quán phở nhiều đến phát mê, nhưng nhỏ em đi tiền trạm, ăn từ trong xóm Miên ra tới xóm Mít và lên danh sách nhất nhì ba tư.

Mỗi lần qua nó báo có quán này ngon hơn quán lần trước, nhưng có một quán làm tôi nhớ đời, khách xếp hàng chờ được …xếp bàn, nhanh là năm mười phút, chậm có khi phải chờ đến nửa tiếng.

Ông cụ sắp xếp bàn cho khách ngồi, oai ra phết, cụ tiếp khách với nét mặt nghiêm như trưởng phòng nhân sự đang tuyển nhân viên, không hề có nụ cười tiếp thị, dĩ nhiên khách hàng không thể là thượng đế, cũng chả là thượng khách.

Có bàn rồi là order ngay, nhanh gọn lẹ, đã bảo là cụ tiết kiệm cả nụ cười thì cụ làm gì có thời gian chờ khách suy nghĩ, mà có gì để suy tư, tái nạm gầu gân, cù lẳng, xí quách…phở chỉ có chừng đó cũng đủ chết người rồi.

« Làm việc » với ông cụ xong coi như đi được nửa đoạn đường ăn chơi, chờ thêm một tị, phở nóng hổi, chúi mũi mà ăn quên cả ông già phải gió, no bụng đứng lên là hết hờn.

Lần sau trở lại quán phở, vũ như cẩn, dám ăn chơi dám chịu, miễn là tối ngủ không gặp lại nét mặt của cụ là được rồi.

Sau này cô em đổi quán khác trang nhã, sạch sẽ, thưa khách, nhân viên tiếp khách lịch thiệp, mùi vị một chín một mười so với quán cũ, giá đắc hơn chút đỉnh nhưng thoải mái hơn.

Tôi bỗng nhớ đến ông cụ khó tính, phòng ăn chặt cứng, mùi phở bàn bạc, hình ảnh phở Pasteur Sàigòn, quán phở trước ngỏ nhà tôi, phở xe ban đêm với đám khách vây kín hàng hiên nhà ai.

Nỗi nhớ Sàigòn cũ lại ùa về, phở ngon ngoài hương vị đặc biệt còn có không khí chộn rộn chen vai, thúc cù chỏ vì quán chặt cứng khách ăn chơi.

Chuyện dân mít ăn phở, nghiện phở … là chuyện tự nhiên, điều không bình thường là dân Mỹ ghiền phở, mỗi tuần phải ghé quán để ông già kia « hành hạ » mới lạ.

Anh bạn Mỹ của em tôi ghiền phở đến độ, ăn phở tuần, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối tùy giờ đứng lớp. Gã là dân Veteran chỉ đóng quân bên Châu Âu nên không biết đặc sản xứ Ta, sinh sống bên hông chợ Sàigòn Nhỏ cũng chưa hề ăn phở.

Từ dạo quen nàng, chàng đâm mê phở hơn nàng, sau giờ lên lớp gã phóng xe đến trình diện ông già lạnh lùng y chang ông xếp trường gã dạy học.

Nhỏ em hỏi, anh chưa ngán ông xếp ở trường sao mà còn tìm ông « xếp bàn » để chiêm ngưỡng dung nhan.


Gã cười thích thú, cưng ghiền phở vì cưng quen mùi từ thuở nào không bỏ được, anh quen nhìn ông xếp mười mấy năm thành quen, gặp lại một « phiên bản » ngoài sân trường cũng thích, người ta nói đó là dấu ấn của thời gian đấy.

Nhỏ em nheo mắt, mê phở thì nói đại đi, bày đặt dấu ấn con khỉ gì.

Gã gật đầu, đúng là không qua nỗi mắt cưng, con gái Việt nhìn thấu ruột gan người ta.

Chuyện nghiện phở của gã đến đây cũng giống như bao nhiêu người Mỹ khác chuộng ẫm thực VN, nhưng có một sự cố khiến gã thay đổi cách thưởng thức phở.

Một hôm đi làm về, thèm phở nhưng lười ra phố, nhỏ em lôi tô nước lèo còn lại từ phần phở to go hôm qua ra, hâm nóng rồi lấy khúc bánh mì chấm nước lèo ăn ngon lành.

Gã Veteran trố mắt, sao cưng lại ăn bánh mì với nước phở, anh chưa thấy ai ăn kỳ quặc như rứa.

Nhỏ em bèn bật mí, hồi trước ở Sàigòn có mấy bác đạp xích lô, thèm phở, ăn một tô không đủ no để đạp xe nên mới « ăn dặm » thêm bánh mì cho chắc bụng.

Sợ nhỏ em ăn hết bánh mì, gã mê phở đề nghị, cưng đưa anh ăn thử một miếng xem sao.

Nhúng bánh mì vào nước phở, nhâm nhi một lúc, gã phán, ngon tuyệt, sao cưng không bày cho anh kiểu ăn này.

Nhỏ em cười ngất, tụi mình có đạp xích lô đâu mà phải lấy bánh mì chấm nước lèo, ăn tô phở ở đây no cứng bụng rồi.

Tưởng chuyện ngưng ở đây, không hề đâu nhe, mấy bữa sau gã đến quán phở của ông già xếp bàn, thủ một khúc bánh mì. Dạo này ông già quen mặt gã Mỹ ăn phở với giá trụng, rau thơm, nhưng hôm nay cụ hơi ngạc nhiên vì gã cầm theo khúc bánh mì.

Ông già cầm lòng không đặng khi thấy gã lấy bánh mì chắm vào bát phở, ông cụ bèn kéo ghế ngồi đối diện khách hàng.

Cốc há mồm đây, ông cụ hỏi, ông ăn hết bát phở ở đây vẫn chưa no, lần sau tôi bảo nhà bếp thêm bánh phở cho ông.

Gã khoát tay, không cần đâu, tôi ăn như mấy ông xích lô ở Sàigòn đó mà, ngon lắm. Ông cụ chưa hết ngạc nhiên, ông vừa đi du lịch VN về ?

Gã lắc đầu, bạn của tôi đưa tôi đi du lịch bằng thức ăn ba miền xứ Việt, cũng hứng thú lắm.

Ông già chịu thua gã Mỹ, dân ta sang ra phết, ăn phở là ăn chơi, chứ ai lại ăn no như gã kia, hình như ông chưa hiểu chính gã đang tái diễn kiểu ăn phở của phu xe VN thời trước 75.

Lần qua Cali vừa rồi, nhỏ em dẫn tôi đến quán phở khác, quán mới đổi chủ, do hai vợ chồng trẻ vừa sang lại, phở thơm ngon, giá bằng quán ông già, nhưng tiếp khách lịch sự.

Hôm đó chiều thứ bảy, quán nấu nồi phở mới, chủ quán tặng một tô xí quách đại bàng, nhỏ em bảo tôi ăn thử, tôi lắc đầu chịu thua, ăn tô phở no ngấp ngư rồi.

Nó đẩy tô xương qua gã kia, rồi ghé tai tôi, chị đừng lo xương ế, có khách lãnh trọn gói, nghề của chàng mà.

Chính xác, anh bạn Mỹ dùng bàn tay năm ngón bẻ cù lẳng chấm tương đen, nhai gân như nhai kẹo chewing gun.

Nhỏ em chế diễu, bữa ni không cần bánh mì hỉ.

Gã cười híp mắt, món đó chỉ ăn một mình mới ngon, có tô xương này cũng đủ rồi.

Tối đến tôi hỏi nhỏ em, gã nói ăn phở chấm bánh mì một mình mới ngon là sao ?

Dân Mỹ màu mè đó mà, gã sợ chị cười tính ham ăn nên nói như thế, sao chị dễ tin rứa.

Cuối năm nay tôi không qua Cali, bởi vì thì là mà, cả nhà đang chờ tin vui, sẽ bật mí với bạn đọc trong bài viết khác, nhưng vẫn nghĩ về Chợ Sàigòn Nhỏ của tôi.

TV bên này lại tường thuật Nol đó đây, rồi xẹt qua Cali, nhìn hàng cây cọ thẳng tấp trên đại lộ Hollywood, tôi chợt nhớ đến quán « Phở Chờ » của ông cụ xếp bàn.

Mùa này quán của cụ chắc chắn sẽ đông gấp bội, vì có cả đồng hương ở tiểu bang xa về đây ăn phở, không chỉ riêng quán của cụ mà Cali được liệt vào thành phố phở của dân tỵ nạn từ lâu rồi.

Có hôm còn dư nước phở tôi cũng chấm bánh mì ăn chơi, và chợt nhớ đến gã Mỹ kia, mấy ngày này đố gã dám kẹp nách khúc bành mì xếp hàng trước cửa quán ông già, còn gì là sĩ diện dân bản xứ.

Sau tiệc đêm Giáng Sinh, chưa kịp nghỉ xã hơi, anh chị sui báo năm nay họ sẽ lên Paris thăm con, ăn tết Tây và ghé nhà tôi trao quà. Tôi lại lăn vào bếp chuẫn bị thực đơn, thức ăn Việt họ nếm đủ sáu món ăn chơi, ăn thiệt, lần này phải thay đổi thực đơn.

Hỗm rày TV có chương trình nấu ăn chuyên đề mùa Nol, tết Tây, mấy gã « Cù zin nhê » mấy sao sáng chói (Chef étoilé, Chief Cook) bày một số món ăn làm từ thức ăn cũ ngày hôm qua, dễ thực hiện, khá hấp dẫn.

Tôi bèn nghĩ đến món bánh mì chấm nước lèo phở của gã Mỹ, nhưng không hẳn như vậy.

Chưa kịp nói hết ý, chàng nhảy tưng tưng, bộ mẹ nó muốn làm mếch lòng sui gia hay sao mà cho người ta ăn đồ cũ. Tây có ba mươi sáu kiểu ăn bánh mì, kiểu thứ ba mươi bảy của mẹ nó chắc đưa tình nghĩa sui gia nhà mình vào ngõ cụt mất.

Bình tĩnh nào, nói vậy mà không phải vậy, bố nó biết cái món ăn chơi của Tây chứ, mấy miếng bánh mì nhỏ như cục xí ngầu (crỏton), tẫm phó mác hoặc bơ mặn nướng dòn rụm nhắm với rượu khai vị, ngon tuyệt.

Chàng sốt ruột, có sao nói vậy mẹ nó ơi, mẹ nó tính làm sao với món bánh mì chắm nước phở.

Dễ ợt, bánh mì cũ cứng ngắt, tẫm nước lèo cắt ra viên nho nhỏ, đưa vào lò nước, bánh mì dòn rụm, ngậy mùi phở bò với hương vị hoa hồi, quế …thể nào chả gợi nhớ món quốc tuý của họ « Pot au feu » (bò hầm cà rốt, bo rô, na vê với bó cỏ thơm miệt Provence).

Chàng gãi đầu, tùy mẹ nó tính, hay mẹ nó thủ sẳn một món « xơ cua » để cú bồ rủi họ ăn không vô.

Bố nó giỏi lắm, dĩ nhiên sẽ có bánh pâté chaud trực chiến, sẳn có hoa hồi, quế mình làm luôn một mẻ « rượu nóng » (vin chaud) cho anh chị sui thưởng thức.

Chàng tặc lưỡi, biết ngay mà, ăn chơi mà thiếu rượu mẹ nó đâu có chịu, mà này món rượu nóng là đặc sản của Tây, mẹ nó tranh sao bằng chị sui.

Xin lỗi nhe, rượu đỏ của Tây, nhưng hoa hồi, quế … là của Ta, như vậy đặc sản của họ thuộc loại « tây lai » chứ đâu có chánh cống như bánh bèo, bánh bột lộc… của mình chan nước mắm, đời nào dân ta ăn bánh chấm nước Maggie của họ.

Món rượu nóng sẽ lai VN nhiều hơn nếu mình thả thêm vài lát gừng, chắc chắn uống rượu này vào sẽ nóng ran cả đêm.

Mẹ nó bớt hăng dùm, kiểu này anh chị sui siểng niểng hết đường về, mẹ nó sẽ mang tiếng cho mà xem.

Mình có tiếng hồi nào mà ngại, mà bố nó khéo lo, dân Tây uống rượu như hũ chìm, một chút gia vị phương xa nhầm gì so với tửu lượng của họ.

Đó chỉ mới là vài món khai vị ăn chơi, tôi đang thử vận «làm xếp » cái bếp nhỏ nhà tôi, với cách nấu nhanh gọn mà ngon, không nhất thiết phải dùng thức ăn cũ ngày hôm qua.

Chưa biết vận mệnh đưa đẩy đến đâu, nhưng tôi tin món khai vị này không thể làm mất lòng sui gia, vì món phở của Ta cũng bảnh không kém món « Bò hầm » của Tây đâu.

Mùa này siêu thị lớn của Tây bán thịt kangourou, heo rừng, hưu…, mấy loại thịt này cắt lát mỏng cuốn lá nho nướng vĩ khá hấp dẫn, vấn đề là ướp cái gì, ăn với bún hay bánh mì, chấm tương Tây hay tương Ta ?

Giời ạ, tự dưng ngồi sui với Tây mới ra nông nỗi, mặc cho tôi bối rối lay hoay trong mớ tương chao, chàng rung đùi ưng ý lắm, cuối cùng chàng cũng có anh chị sui làm đồng minh trong phe không chơi với nước mắm.

Thôi đành lên mạng tìm trang nhà của mấy ông xếp bếp rồi từ đó mà « phăng », kết quả buổi tiệc cuối năm ra sao, hẹn bạn đọc vào dịp khác.

Năm hết, tết đến, xin chúc Việt Báo và độc giả, một Năm 2013 Sức Khoẻ dồi dào, Vạn Sự Như Ý.

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
31/12/201215:04:12
Khách
Đọc tưởng như mình đang có mặt ở Chợ nhỏ. Và cũng thèm chảy nước miếng khi tác giả nói về Phở, nhứt là diễn tả anh Mỹ ta ăn bánh mì chấm nước phở...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 864,203,143
Phi trường quốc tế Los Angeles mà người ta vẫn gọi tắt là LAX vào một buổi sáng thứ bảy có đông hành khách ngồi chờ ở những hàng ghế trước các cổng lên máy bay được đánh số theo thứ tự. Mặc dù California là thành phố đa số người Mỹ gốc châu Á chọn định cư vì có khí hậu ấm áp tương tự khí hậu Dalat của Việt Nam, nhưng tại
Chuyến bay từ Paris tới Houston mất 9.25 phút. Giọng nói ngọt ngào của nữ tiếp viên hàng không báo hiệu phi cơ hạ cánh vào lúc 4 g ngày thứ bảy 20/5/2006. Thọ chận một nam tiếp viên, giọng cố ý nhỏ nhẹ: - Ông làm ơn lấy dùm tôi những bức tranh tôi đã gởi vào cabine đặc biệt. - Rất tiếc tôi không giúp bà được. Trước khi xuống bà hỏi những
Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria, Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 tại Thành phố Footscray Teacher of the Year 1997 tại tiểu bang Victoria.
Vài năm nữa tôi sắp bước vào thời kỳ thất thập cổ lai hi. Đời người đi qua mau như thế tưởng được yên, chẳng ngờ chuyện nhân tình thế thái cứ quanh quẩn và tôi lại tiếp tục bị quấy rầy. Năm 1975 người Việt miền Nam đã mất những kỷ niệm quá khứ để ra đi, chỉ đem theo với mình tinh thần văn hoá dân tộc, trong đó ngôn ngữ
Trước khi vào câu chuyện xin được nói sơ qua về Maya Lin, tác giả của Bức Tường đá đen ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ghi danh các chiến sĩ Hoa Kỳ chết trong chiến tranh Việt Nam. Sinh năm 1959 tại thành phố Athens, tiểu bang Ohio, Maya Lin gây được sự chú ý của công chúng khi cô còn là một sinh viên 23 tuổi ở năm cuối Đại Học Yale
Thứ Sáu trước, tôi đang đi làm thì bà xã tôi gọi điện thoại, dặn tôi trước khi về thì ghé chợ ABC trên Bolsa mua cho bà ít bánh tráng để làm chả giò. Lúc đó khoảng bốn giờ chiều, nên tôi vội vã chạy vào chợ mua cho lẹ, để tránh cảnh kẹt xe freeway trên đường về nhà. Đang lúc chờ tính tiền ở quầy, thì có một ông tóc bạc phơ
Gắn liền với hình ảnh của làng mạc êm đềm tại miền bắc Việt Nam xa xôi, nơi tôi chưa một lần đến thăm, là bóng dáng của những cây đa to lớn sừng sửng đứng hiên ngang ở đâu đó. Ngày xưa, hình như sau mỗi phiên chợ xa về, các bà các cô thường hay dừng chân nghỉ ngơi đôi chút ở dưới những gốc đa như thế này. Những người nông dân
Bữa nay nữa là đúng 54 ngày tôi theo chồng về Mỹ. Mặc dù nước Mỹ đối với người Việt Nam chúng tôi không còn lạ lẫm gì cho lắm so với thời cuộc bây giờ, vậy mà tôi vẫn cứ ngỡ ngàng theo từng ngày tháng với cuộc sống mới mẻ nơi này. Tôi đang sống cùng chồng ở Jefferson, Oregan. Jefferson gần giống như Đà Lạt nhưng
1. Hướng Về Tương Lai Ngày từ mẫu đã trôi qua. Không khí ngày từ mẫu "Mother's day" vẫn còn phảng phất đâu đây. Nhân ngày này tôi hồi tưởng lại ngày từ mẫu hơn nửa thế kỷ đã qua. Mẹ tôi nay đã ra người thiên cổ. Nhớ tới bà tôi cảm động bùi ngùi thương tiếc. Bà ra đi trút được gánh nặng ngàn cân trên đôi vai bà với 7 cậu con
Pharmacy ngày thứ Bảy khách không đông lắm, nhưng cứ đều đều, đều đều, 10, 15 phút lại có người đem toa đến hoặc đến để trả tiền, lấy thuốc. Hôm nay mấy người cashier của Pharmacy xin nghỉ hết, thành ra ông manager của tiệm đưa một cô bé cashier ở phía trên xuống để phụ với Kim. Bảng tên trên áo cô bé có chữ Lillian
Nhạc sĩ Cung Tiến