Hôm nay,  

Đường Chân Trời

21/01/201300:00:00(Xem: 224453)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

(Khi không tìm thấy an lạc trong cõi sống, người ta đành tìm nó trong cõi chết. Lời tác giả.)

Lúc đài radio 91.5 FM của Chicago loan tin tổng thống Obama đang dẫn trước một số phiếu cách biệt so với đối thủ của ông, tôi đang trên đường lái xe về nhà. Giờ tan tầm, đường kẹt xe như nêm. Nhìn cảnh xe cộ di chuyển chậm chạp, không hiểu sao tôi liên tưởng đến hình ảnh đàn bò tiến vào thành phố trong một bài hát nào đó. Mặc dù, kiểu so sánh đó khá khập khiễng và chả ăn nhập gì với nhau. Hãng tôi làm vừa mới ra thông báo cắt giảm chi tiêu và sa thải người. Áp lực từ công việc khiến tôi không còn để ý đến những gì diễn ra xung quanh. Ngay cả việc ai làm tổng thống, tôi cũng chẳng bận tâm.

Chỗ ngã tư Sheridan và Lawrence, có một nhóm đàn ông da đen tập trung bên lề đường, vừa nhảy nhót, vừa la hét với nhau đầy phấn khích. Trước mấy bar rượu, lác đác vài người khách da trắng mặt đỏ như tôm luộc đứng hút thuốc. Một vài người trong số họ đang to tiếng tranh luận về một vấn đề nào đó, rồi buột miệng chửi thề vu vơ lên trời. Xe cảnh sát đậu rải rác nơi góc đường. Không khí có vẻ trầm lặng, không náo nhiệt bằng bốn năm trước. Với nhiều người, tổng thống Obama tái đắc cử là điều không bất ngờ. Ai cũng biết, ông đang so găng với một ứng viên không đủ kinh nghiệm. Đối thủ của ông, ngài Romney, được dư luận đánh giá là người xa rời tầng lớp lao động và ảo tưởng trong các nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang yếu kém. Ông Romney cũng bị cho là mơ hồ về chính sách đối ngoại, trong khi thế giới đang đối diện với kẻ thù khủng bố khuất mặt, vị thế lẫn uy tín của Hoa Kỳ đang sụt giảm nghiêm trọng trước trình trạng khủng hoảng tài chánh toàn cầu.

Cuối cùng, tôi cũng về đến nhà. Lũ con nít đang chơi ném bóng chày trong con hẻm vắng sau hè, la hét inh ỏi. Ông Lew, người hàng xóm gốc Do Thái bảy mươi tuổi, đang bận bịu làm sạch khu vườn của mình. Vừa thấy tôi ló mặt ra từ nhà để xe, lão vội phun cây tăm xỉa răng khỏi miệng.

“Good afternoon, my young man!”

Giọng lão vui vẻ đến khó chịu. Rõ ràng là lão mừng ra mặt khi gặp tôi. Nói không chừng, lão cố chờ tôi về để nói chuyện. Trong mắt lão, có lẽ tôi là người láng giềng hiếm hoi biết lắng nghe.

“Quái lạ! Mùa đông năm nay không có tuyết rơi. Tôi sống từng này tuổi chưa thấy thế này bao giờ. Ai cũng bảo là sắp tận thế đến nơi…”

Vợ lão, bà Laura, ngồi thu lu trong lớp áo lạnh trên chiếc ghế xếp, mắt nhìn lơ đãng lên tàng cây trơ trụi. Vẻ mặt bần thần của bà như muốn hỏi, những chiếc lá đã rơi rụng về đâu. Bà mang tật nghễnh ngãng từ nhiều năm nay, một hệ quả tất yếu khi phải chịu đựng đấng ông chồng nói quá nhiều.

Lão Lew chuyển đề tài.

“Cứt thật!” Lão bắt đầu văng tục. “Cái bọn chính khách ấy, anh biết không, họ đã phung phí quá nhiều tiền thuế của chúng ta cho việc đấu đá nhau vì đảng phái của mình…” Tôi đưa tay vuốt ngược mái tóc, cốt để che bớt chỏm ót ngày càng bóng hói của mình. Đây cũng là thói quen tôi thường làm khi phải đối diện với những việc ngoài ý muốn. Điều ấy cũng giống như bạn phải chấp nhận việc người quảng cáo gõ cửa nhà vào sáng sớm để tiếp thị một loại kem đánh răng mới, hay chuyện bị một ả đồng nghiệp rửng mỡ nào đấy sờ mông vào giờ ăn trưa ở chỗ làm.

“Anh còn trẻ lắm, biết thế nào được. Cuộc sống hồi xưa tốt hơn bây giờ. Mọi thứ hình như ngày càng tệ đi. Thời buổi này có quá nhiều gã Don Juan làm quan. Kissinger, nói cho cùng, cũng chỉ là một tay tồi. Cái bọn nghị sĩ mặc com lê khốn kiếp ấy, lúc nào họ cũng làm ra vẻ nghiêm nghị và tận tụy vì công việc. Họ chỉ giỏi hứa hẹn để lấy phiếu lúc tranh cử thôi. Rồi anh xem. Họ chẳng làm gì sấc. Trong khi đó, đất nước mỗi ngày một nghèo thêm, còn dân chúng thì cứ phải sắp hàng dài chờ xin tiền trợ cấp…”

Tôi muốn xin phép lão Lew để bước vào nhà. Tôi muốn thay đồ và ngâm mình trong bồn nước ấm để xua đi nỗi mệt nhọc. Không hiểu sao, tôi cứ đứng nán lại nghe lão nói. “Trông mặt anh phờ phạc quá. Anh muốn hút một điếu không? Có người bạn vừa tặng tôi món quà, loại thuốc lá La Habana của Cuba. Tôi không ưa gì Fidel Castro. Tôi nghi ngờ thằng cha đó mắc bệnh hoang tưởng bẩm sinh. Nhưng công bằng mà nói, khả năng vĩ đại nhất của thằng cha râu quai nón này là khả năng thưởng thức xì gà…” Lão đưa tay tìm đâu đó trong chiếc áo lạnh, xong chìa ra trước mặt tôi hộp thuốc mạ vàng, trông giống món đồ đựng trang sức quý giá của phụ nữ.

Tôi bỏ thuốc lá được vài năm nay, sau những lần cố gắng vô vọng. Tôi đã tập hút từ ngày xa xưa, lúc tròn mười tám tuổi. Bắt đầu từ những điếu thuốc rê, cuốn bằng giấy vở học trò. Nỗi nhớ về một làng quê nghèo khổ và xa vời của ngày mới lớn vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Ngày ấy, biết ngậm điếu thuốc trên môi là dấu hiệu của sự trưởng thành, một sự khẳng định đàn ông tính của mình với người xung quanh. Tôi đã từng nhận lời thách đố từ bạn bè, bất chấp nguy hiểm, leo lên một vách đá dựng đứng nằm sát biển. Nơi nghe kể chỉ dành cho bước chân của những người chuyên săn tìm ổ chim yến để tiến vua vào thời nhà Nguyễn. Phần thưởng cho trò chơi mạo hiểm chỉ một gói thuốc lá, hiệu Đà Lạt. Món quà được xem là xa xỉ vào thời đó. Sau này tôi mới biết, để mua được gói thuốc, đám bạn phải vét đến đồng bạc cuối cùng từ những chiếc túi còm cõi của mình. Tôi đã ngồi trơ vơ một mình trên ngọn núi đá, hút điếu thuốc thắng trận với nỗi cảm khái của kẻ vừa làm xong cuộc chinh phục. Cảm giác sau chiến thắng hoàn toàn trống rỗng và vô vị hơn tôi tưởng.


“Thử đi anh bạn trẻ. Một điếu giá gần tới hai mươi đô chứ ít à. Bọn trọc phú bây giờ thích đốt tiền bằng cách phì phèo thế này đấy…”

Tôi hút điếu thuốc lão Lew đưa cho vì không cưỡng lại được sự tò mò. Một mùi hương thơm lừng thoảng lên trong không gian. Tôi không sao tìm lại được hương vị của điếu thuốc lá Đà Lạt thuở nào. Có những thứ cảm giác chỉ đến một lần, rồi vĩnh viễn không bao giờ lập lại trong đời.

Thời trẻ, lão Lew từng đi lính thủy. Lão kể, lần đầu ra trận, nghe súng nổ vang bốn phía, sợ quá lão vãi luôn mọi thứ ra quần. Từ đó cấp trên để lão làm việc trong nhà bếp. Lão học cách nướng bánh mì và rửa xoong nồi cho tới ngày xuất ngũ. Lão bảo đã từng phục vụ ăn uống cho một vị tướng. Lão có chiếc mũi khoằm, loại mũi chim ưng, khiến khuôn mặt nhìn không mấy thiện cảm. Ấy vậy mà lão cứ nhất định thời trẻ mình đẹp trai nhất khu phố. Bà Laura bĩu môi khi nghe lão kể. Hỏi sao ngày trẻ bà chịu lấy lão. Bà nói rằng mình yêu bằng tai. Lew thật có tài ăn nói. Ai đó đã viết, con người là loài động vật thông minh nhưng cũng dễ mắc sai lầm.

Tôi là một người đàn ông trung bình trên mọi phương diện. Tôi vốn không có nhiều tham vọng vào cuộc sống. Tôi hiểu được mình sinh ra là để trải nghiệm và chịu đựng ở cõi đời này. Tôi kính trọng phụ nữ, và tin mọi trật tự được thiết lập trên hành tinh này đều do ước nguyện của đàn bà. Từ trong sâu thẳm, tôi là một người lương thiện nhưng cũng dễ dàng làm kẻ nổi loạn trong một vài tình huống nào đó. Một mẫu người thích nề nếp nhưng cũng sẵn sàng làm kẻ lang bạt kỳ hồ đến cùng trời cuối đất để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Cũng có đôi lúc tôi đâm chán ngán hết thảy mọi thứ chung quanh, nhưng tôi vẫn không thật sự biết được mình muốn gì. Tôi là con người phức tạp hơn tôi tưởng.

Chương trình tivi buổi tối đang chiếu cảnh đánh bom vào một sứ quán Mỹ ở Trung Đông. Cảnh người chết đầy máu me, nằm vất vưởng trên đường phố. Hồi mới bốn tuổi ở Việt Nam, tôi cũng đã ngồi khóc ngất bên xác ba tôi. Ông chết vì bị trúng những vết đạn như thế trên người. Rồi vụ nã súng vào trường tiểu học ở một tiểu bang vùng Trung Tây, giết chết rất nhiều học sinh nhỏ tuổi. Chân dung nghi phạm được đưa lên đài truyền hình quốc gia CNN. Một thanh niên hai mươi tuổi, có khuôn mặt non choẹt với cái nhìn rụt rè. Tôi dám chắc, thằng khốn đó không biết điểm G của phụ nữ nằm ở đâu và hoàn toàn không hiểu gì về tình yêu. Hắn cũng chính là kẻ đã nổ súng giết chết người mẹ đẻ ra mình. Sự việc đã khiến các tổ chức dân quyền kêu gọi những nhà lập pháp ban hành một đạo luật, siết chặt việc sở hữu và sử dụng súng. Xã hội càng ngày càng có nhiều người vô tội bị giết, chẳng những trong chiến tranh mà còn ngay cả giữa thời bình.

Bên kia bán cầu, đất nước Trung Hoa khổng lồ vừa hoàn thành xong việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Không một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự thay đổi ở những lãnh tụ kế tiếp. Người phát ngôn của họ vẫn cứ trấn an dư luận bằng những câu khẩu hiệu lạc nhịp cũ. Sau thời gian trỗi dậy hòa bình, cùng việc xây dựng các viện Khổng Học để sản xuất quyền lực mềm ra thế giới, xứ sở hơn một tỉ dân này đang ôm mộng trở thành siêu cường. Họ bắt đầu biến các quốc gia nhỏ bé xung quanh thành những con dê tế thần cho mộng bá quyền của mình. Trung Hoa có thể trở thành quốc gia số một của thế giới hay không, ngay cả công dân họ vẫn còn nghi ngờ điều này.

Điểm chứng khoán trong ngày đồng loạt tuột dốc. Hãng Apple tung ra thị trường mẫu điện thoại cầm tay iphone 5 với nhiều chức năng mới. Các nhà khoa học bây giờ rất giỏi phát minh ra những mặt hàng chỉ để móc túi người tiêu dùng. Thế giới chào đón đứa bé thứ bảy tỉ lẻ một ra đời. Các nhà khoa học tin nước thật sự tồn tại trên sao Hỏa. Trung tâm không gian NASA tràn ngập điện thư, hỏi về ngày 21 tháng 12. Báo chí thêu dệt đầy vẻ huyền bí về lịch người Maya, một nền văn minh vốn bị lãng quên trong lòng đất. Mẹ tôi mua rất nhiều gạo để dự trữ trong nhà. Bà còn mua cả nước uống và đèn cầy. Đêm nào bà cũng thắp nhang van vái thần linh phù hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi. Bà nói, không hiểu sao càng già càng sợ chết!

Xe cộ chạy nối đuôi nhau trên con đường bụi bặm trước nhà. Âm thanh ồn ả bên ngoài cứ từng hồi vọng vào các khung cửa. Bên nhà lão Lew, đèn còn sáng. Có tiếng nói rất lớn. Hình như lão cố giải thích cho bà vợ đãng trí một vấn đề nào đó, liên quan đến ý niệm về thời gian. Đêm như trôi chậm lại. Phố xá yên nghỉ, trầm mặc trong bóng tối. Ngày mai rồi sẽ đến, và mọi thứ đều có thể bắt đầu lập lại.

Tôi nằm trên sô pha và chìm dần vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, tôi thấy mình chết đi. Cả tinh thần và thể xác tôi đã không còn chịu đựng được nữa khi phải mang quá nhiều vết thương trần thế. Hồn tôi tách ra khỏi tôi bằng xương bằng thịt, bay lên như một vệt sáng mong manh, nhẹ hẫng. Tôi cứ bay mãi về phía xa, nơi có con đường chắn ngang. Người ta bảo, đó là đường chân trời, ranh giới giữa thiên đường và địa ngục. Xung quanh tôi, có rất nhiều người đi trên con đường ấy. Chúng tôi cứ đi miên man, vô định như thế. Tôi cũng thấy Lew trong số đó, vẫn với thói quen tệ hại ngậm rịt cây tăm xỉa răng nơi miệng. Thấy tôi, lão cười toe toét:

“Anh cũng đến đây nữa à! Này anh bạn, thế còn bao lâu nữa chúng ta sẽ tới thiên đường?…”

Nguyễn Văn
Tặng LHB.

Ý kiến bạn đọc
21/01/201319:42:49
Khách
trên cả tuyệt vời.
21/01/201316:25:14
Khách
Bài viết hay lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 866,186,972
Xin hỏi thực lòng nhé, trên đời này chuyện gì khiến ta vưà vui mừng lại vừa ngao ngán" - Xin thưa, đó có phải là khi ta nhận được thiệp mời đám cưới không" - Taị sao vậy cà " - Đơn giản thôi. Ta mừng vì bạn bè còn nhớ đến ta, hàng xóm láng giềng còn nghĩ đến ta. Nhưng khi phải đi dự tiệc lại là nỗi khổ. Cách đây bẩy tám năm về trước cặp vợ chồng
Khoảng bốn giờ chiều Sandy bấm điện thoại intercom, bảo cô muốn nói chuyện ngay với Bích. Bích vội nhấn nút "save" để giữ laị những gì vừa đánh vào computer rồi mau mắn tới văn phòng riêng của cô ta. Nàng phân vân tự hỏi sao hôm nay cô trưởng phòng có vẻ tư lự, khác hẳn bản tính vui vẻ, hay bông đùa thường ngày.
Nhà tôi và tôi mở nhà hàng ăn tại Mỹ từ năm 1977 tới năm 2002 thì tạm đóng cửa vì lý do sức khỏe. Tính ra khoảng thời gian làm nhà hàng được đúng 25 năm. Trong dự tính nhà tôi còn muốn tiếp tục làm thêm 10 năm cho đủ 35 năm con trâu đi cày. Hiện nay nhà tôi vẫn còn say mê muốn tiếp tục lăn sả vào cơn ác mộng này như một vài
Hình như bất cứ ai khi thấy cảnh-sát thì thường có tâm trạng hơi sờ sợ. Nhất là di dân Việt-Nam như tôi, với ấn-tượng công-an hành xử ở quê nhà, lại thêm chẳng hiểu tiếng Anh thật rành rẽ, nên thấy cảnh-sát là tự nhiên dè chừng! Đang lái xe trên freeway mà thấy bóng xe cảnh-sát là giảm ngay tốc-độ! Nghe còi hụ xe
Tôi sinh truởng ở miền Nam lớn lên theo cuộc chiến, tôi biết Hà Nội qua sách vở, báo chí. Trong chiến tranh tôi nhìn về phương Bắc như một kẻ thù cần phải tiêu diệt, mộng ước của chúng tôi phải đặt chân lên Hà Nội bằng đôi giầy "sô". Nhưng những điều đó chỉ là một ảo tưởng. Kết thúc cuộc chiến 20 năm, nguời Hà Nội gọi chúng tôi
Hồi còn trẻ, trò Thọ vẫn thường rầu rĩ mỗi khi phải thay đổi trường học. Nhưng thời gian trôi nhanh..., mái tóc huyền ngày xưa cầu cứu thuốc nhuộm che dấu màu trắng ai oán, thì Thọ bỗng nhận ra mình là người may mắn được học nhiều trường, có dịp tham dự và làm quen với vô số bạn mới ở nước ngoài. Cách đây 6 tháng
Thành, con trai lớn của tôi nay sắp sửa lên đường đi hỏi vợ. Nhìn con trai trưởng thành, tôi mỉm cười khi chợt nghĩ đến chính mình: mới ngày nào còn là cậu bé mặc quần đùi chơi bắn bi quên cả giờ cơm trưa về nhà bị ba phạt quỳ, mà nay sắp sửa thành "anh xui." Thành năm nay gần 34 tuổi, nó và cô bạn gái quen nhau vì bọn trẻ
Lễ Vu Lan năm nay tám chị em chúng tôi vẫn còn may phước để trân trọng gài cái bông hồng trên áo. Má tôi năm nay trên tám chục tuổi rồi mà má vẫn còn khoẻ mạnh, tiếng nói còn sang sảng, tinh thần còn minh mẫn tuy rằng đi đứng đã có phần chậm chạp. Tại sao chỉ có ngày lễ Vu Lan cho Mẹ mà không có ngày lễ Vu Lan cho Cha"
Một tối ăn sinh nhật ở nhà người bạn láng giềng đã vãn. Bà con bè bạn về gần hết, chỉ còn lại mấy thằng bạn thân quây quần quanh cái bàn nhỏ ở patio, chưa chịu chia tay. Anh H, chủ nhà, bữa nay 49, coi bộ hơi "xừng xừng", và muốn cuộc vui "birthday" của mình tiếp tục "tới bến", nên xách
Hơn tuần nay tình hình chiến sự ở miền nam Lebanon vẫn tiếp tục sôi động, kể từ khi máy bay Do Thái xâm phạm lãnh thổ Lebanon để truy kích các mục tiêu của bọn khủng bố Hezbolla, sau khi bọn này bắt cóc hai người lính Do Thái, rồi liên tục pháo kích vào lãnh thổ của họ. Nhằm bảo vệ tính mạng của công dân Mỹ sinh
Nhạc sĩ Cung Tiến