Hôm nay,  

Tấm Thiệp Xuân, Một Cành Đào Trắng

10/02/201300:00:00(Xem: 196803)
viet-ve-nuoc-my
Trang đầu tấm thiệp xuân của Truyền Thông Chúa Cứu Thế gồm cành đào trắng và mười lăm thanh niên Công Giáo, Tin Lành đang bị cầm tù tại Việt Nam. Góc trái: Tạ Phong Tần, Nguyễn Xuân Anh. Góc phải: Hồ Văn Oanh, Lê Sơn. Hàng trên: Chu Mạnh Sơn, Nông Hùng Anh, Đặng Xuân Diệu. Hàng giữa: Hồ Đức Hòa, Trần Hữu Đức. Hàng dưới: Đậu Văn Dương, Nguyễn Văn Oai, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Văn Duyệt.

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3815-13-29215vb8021013

Trước 1975, Cam Li là tác giả nhiều truyện ngắn, truyện dài trên do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng Tư 1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose, từ 2003; Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.

***
Tôi thường muốn bắt đầu những bài viết của mình hiện nay bằng hình ảnh một con bé. Có lẽ cái gần gũi nhất mà cũng xa xăm nhất, quen nhất mà cũng lạ nhất, là hình ảnh của mình khi còn nhỏ. Một con bé, nghe cũng hay hay, không nghĩ đó là mình. Và cũng vì trong tôi luôn có hình ảnh của Hoàng Tử Bé mà Saint Exupéry đã dựng nên và ghi khắc vào tôi, cho nên tôi hay bắt chước ông mà nói với mọi người : "Ai cũng đã có lúc là trẻ con".
Giới thiệu dài dòng như vậy cũng chỉ để đưa ra hình ảnh một con bé. Và ai đã từng là một đứa bé như tôi, sống vào cái thời của tôi, chắc hẳn cũng có lần nếm trải cái thú vui làm những món đồ chơi, những món quà do chính bàn tay của mình. Tôi nào là xếp lồng đèn Trung Thu, nào là làm cây thông Nô-En tí hon bằng giấy màu thủ công, nào là dùng vải và bông gòn để làm ra lắm thứ: cây đàn ghi-ta, cái trống, các con thú..., nào là lấy những viên phấn viết bảng khắc các búp bê mặc áo dài, sắp đứng ngay ngắn như mấy "người mẫu" trong các tiệm may…
Và trong những cái tỉ mỉ lặt vặt đó, tôi có làm thiệp nữa.
Một thói quen mà như đã trở thành một nghi thức đối với nhiều người mỗi dịp đầu năm, đó là gửi cho người thân và bạn bè những tấm thiệp xuân. Đơn giản vô cùng. Muốn có tấm thiệp, người ta chỉ việc ra tiệm sách, tha hồ chọn lựa. Thời đó, nói hai chữ "thời đó" để chỉ cái thời tôi còn bé, nghe xa xăm quá chừng, nhưng cũng không khác gì bây giờ đâu, mỗi dịp Giáng Sinh hay Tết đến chúng tôi lại để dành tiền ăn quà để mua thiệp. Tôi nảy ra ý nghĩ dùng sự khéo vặt của mình để tự làm những tấm thiệp. Nghĩ là làm. Làm cho bằng được mới thôi. Thế là con bé mua nào là giấy bìa cứng để vẽ, giấy thường để làm bì thư, giấy lụa "pelure" để ghi lời chúc lên và đính bên trong tấm thiệp, nào là bút chì, màu nước, cọ sơn… ôi thôi đủ thứ lỉnh kỉnh. Rồi thì suy nghĩ phải vẽ cái gì đây. Cũng không khó, vì Giáng Sinh thì vẽ Ông già Noel, cây thông, những gói quà, ngôi sao, hoặc con nai, hay những ngôi nhà phủ đầy tuyết. Xem tranh ảnh trong sách và vẽ theo cũng dễ dàng. Tết thì vẽ hoa mai, hoa đào, hoặc các em nhỏ xúng xính áo dài, cầm bao lì xì đỏ, hay đang vui vẻ nhìn phong pháo Tết nổ tưng bừng. Nói chung là không cần sáng tạo gì cả, con bé vẫn làm ra được những tấm thiệp xinh xinh. Mỗi dịp như vậy là con bé ngày đêm loay hoay với mớ thiệp, vẽ xong thì phơi đầy cả ra sàn gác, chờ khô. Xong rồi đến phần làm bì thư, bỏ tấm thiệp vào, và tặng cho ai mà nó thích.
Lớn lên thêm nữa, con bé không muốn vẽ nhái theo sách, mà có chút "sáng tạo". Con bé tự mình vẽ những gương mặt thiếu nữ, với mái tóc dài và đôi mắt thật to. Nhưng không bao giờ trên tấm thiệp xuân thiếu một vài bông mai. Những bông mai vàng.
Mùa xuân trong tuổi nhỏ của tôi dễ dàng như vậy đó! Tự tay làm thiệp xuân, cũng đơn giản như làm những bài tập ở nhà.
Sau này, tôi đã không còn tự tay làm thiệp, mà phải đành ra tiệm sách để mua. Thiệp in sẵn bán ở tiệm cũng muôn màu muôn vẻ, tha hồ chọn theo ý mình hoặc theo tính cách của người mình sẽ tặng. Có lúc người ta làm những tấm thiệp nổi, hình ảnh linh hoạt, có vẻ như chuyển động khi người cầm nghiêng tấm thiệp theo các góc độ khác nhau. Dần dần, trên thị trường lại xuất hiện những tấm thiệp nhạc, giá mắc hơn nhiều so với thiệp thường. Mở thiệp ra, tiếng nhạc vang lên rộn ràng. Âu đó cũng là niềm vui đặc biệt cho người nhận.
Trên đất Mỹ, tập quán gửi thiệp còn đậm hơn ở xứ mình. Vào bất cứ một siêu thị nào, người ta cũng thấy có dành nguyên một khu vực để bày bán thiệp. Thiệp dành cho mọi mục đích. Thiệp mừng Thanksgiving, thiệp mừng Giáng Sinh và Năm Mới, thiệp chúc mừng sinh nhật với từng đối tượng: cha, mẹ, anh, chị, em trai, em gái, con gái, con trai, bạn…, thiệp mừng đám cưới, thiệp mừng kỷ niệm ngày cưới, thiệp chúc mừng tốt nghiệp, thiệp thăm hỏi người bệnh chúc mau bình phục, thiệp phân ưu, thiệp cám ơn… Không bàn đến khía cạnh thương mại, người ta cũng phải khen nét đẹp văn hóa này của người Tây phương. Những dịp Tết lễ mà không có tấm thiệp, người ta cảm thấy thiếu thiếu một cái gì.
Thời đại internet, những tấm e-card, thiệp online nở rộ. Chỉ một cái "click", người ta có ngay một tấm thiệp trong một rừng thiệp, tha hồ chọn mẫu, tha hồ ghi ghi xóa xóa những câu chúc, ghi tên người nhận, tên người gửi, dễ dàng và nhanh chóng vô cùng. Thiệp cũng không phải chỉ là một tấm hình như thiệp giấy, mà thường thì có cử động, có tiếng nhạc hay thậm chí tiếng nói. Thiệp cũng không phải chỉ là trình bày một lượt, mà có khi người nhận phải "click" từng bước, thiệp mới trình diễn dần dần nội dung của nó, tạo sự tò mò và hấp dẫn người nhận. Đa số thiệp không phải tốn tiền mua, làm mọi thứ đều online, và gửi cũng online. Người gửi nhấn vào vào chữ "send", thế là thiệp bay đến tay người nhận ngay lập tức. Chắc cũng không mấy ai còn nghĩ đến những người họa sĩ bằng xương bằng thịt, vẽ thiệp bằng màu trên giấy rồi từ đó in ra bằng lối in offset. Và cũng không ai có thể hình dung một "họa sĩ tài tử" bò lăn ra sàn gác để phơi khô những tác phẩm của mình, thiệp vẽ từng cái "có một chứ không có hai" như con bé ngày xưa.
Ấy vậy mà những năm tháng sống trên xứ Mỹ, tôi cũng vẫn thấy không thiếu những tấm thiệp gửi theo kiểu truyền thống: nghĩa là thiệp in, mua từ nhà sách hay siêu thị, gửi qua bưu điện. Và hình ảnh những anh, những chị nhân viên bưu điện chăm chỉ, cần mẫn, đúng giờ, vẫn còn rất quen thuộc với chúng ta. Những dịp Giáng Sinh và Năm Mới, đến sở bưu điện là thấy ngay cảnh bận rộn của họ.
Điều đáng nói là vào dịp Tết Ta, thật khó tìm thấy những tấm thiệp xuân theo đúng cách Việt Nam, bởi vì không hề thấy bày bán ở các siêu thị. Mọi người bảo nhau đến các khu mua sắm của người Việt. Quả đúng như vậy, thiệp Việt nhiều lắm, cũng với hình thức quen thuộc ngày xưa, và hầu như không có gì đổi mới. Nhưng có được những tấm thiệp vẽ hình phong pháo, trẻ con xúng xính áo mới, phong bì lì-xì, bánh chưng, dưa hấu, thêm mấy cánh hoa mai vàng, hẳn là đủ ấm lòng kẻ ly hương.
Tôi vẫn thường nhận được những tấm thiệp xuân thuần Việt Nam của những thân hữu khắp nơi gửi về qua đường bưu điện.
Và một hôm, tôi nhận được một tấm thiệp đặc biệt. Từ Việt Nam!
Tôi lặng người. Tấm thiệp xuân với một cành đào trắng. Không chỉ là cành đào trắng, mà còn có mười lăm bức ảnh chân dung, với một hàng nến cầu nguyện. Thật ra thì tấm thiệp đã được in vào năm 2011, mới đầu được thiết kế như một tấm thiệp mừng Giáng Sinh, nhưng người nghĩ ra nó đã muốn mở rộng ý nghĩa, nên đã làm cho cả mừng Năm Mới. Không ai nghĩ rằng cho đến ngày tấm thiệp "đầy năm", hàng nến kia đã trở thành một rừng nến cầu nguyện. Và không những mười lăm, mà đã là mười bảy. Hai người sau này chưa được gắn ảnh vào. Mười bảy con người ấy… vẫn chưa được trả tự do!

Con bé ngày xưa gò lưng cắt giấy, vẽ thiệp, phơi khô màu nước trên giấy, nay nghiêng mình cảm phục những người làm nên tấm thiệp này. Trước hết là người đã cắt những tấm ảnh của mười lăm gương mặt trẻ. Không chỉ đơn giản là sưu tầm và cắt ảnh, mà những giọt nước mắt của anh đã rơi khi anh nghĩ đến từng mảnh đời của các nhân vật. Mỗi tấm hình anh cắt - dĩ nhiên là anh cắt bằng con "mouse" của máy computer, không phải bằng kéo - anh đều trau chuốt và ngắm thật kỹ. Bởi anh đã có nhiều kỷ niệm với các anh chị em ấy.
Họ là những thanh niên đầy nhiệt huyết, thực hành chân lý đạo hạnh ngay trong cuộc đời khổ ải. Họ là những người tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược biển đảo của quê hương Việt Nam. Họ dấn thân vào tổ chức giúp những người nghiện ngập cai nghiện, tự lực đưa những người này về quê để xa lánh những môi trường đầy cám dỗ. Họ là những người lập ra "quỹ phát triển con người" để giúp đỡ các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, phát xe lăn cho những người bị tật nguyền có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người trí thức. Có người là nhà doanh nghiệp, có người là võ sư, có người là nhạc sĩ viết lên những bài ca yêu nước. Có người là blogger. Trên tất cả, họ là những người có một niềm tin vào Thượng Đế. Vì hành xử với niềm tin và lòng nhân ái, họ bị cầm tù. Tấm thiệp Giáng Sinh và Năm Mới đặc biệt này nhắc chúng ta điều ấy.
Phêrô Trần Hữu Đức, 22 tuổi và Antôn Đậu Văn Dương, 23 tuổi, là thành viên nhiệt thành của Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, từng đóng những chiếc hòm nhỏ xíu, đi gom xác các bào thai bị vứt bỏ, kết quả của những cuộc phá thai trong bệnh viện. Các em nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí đi lượm "ve chai" để bán lấy tiền giúp cho các công tác thiện nguyện và mua gỗ đóng hòm chôn cất các bào thai vô tội. Họ là những người chụp ảnh đoàn dân oan biểu tình, trước hàng trăm công an mặc thường phục và sắc phục, và đưa những hình ảnh ấy lên mạng internet.
Antôn Chu Mạnh Sơn, 22 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, sinh viên Cao đẳng Y tế, là thành viên nhiệt thành của Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, tham gia trong nhóm những người đi dựng nhà cho người dân trong vùng lũ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
FX. Đặng Xuân Diệu, 34 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, kỹ sư xây dựng cầu đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thuộc Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, ký tên chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên và đòi thả Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Gioan Nguyễn Văn Oai, 30 tuổi, thuộc giáo phận Vinh,hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân trong các nhà máy và xí nghiệp ở Bình Dương, tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược.
Paulus Trần Minh Nhật, 23 tuổi, là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ tin học HUFLIT, Sài Gòn, tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cộng tác viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế và Radio Alphonso, bị công an vào tận trường bắt khi vừa ra khỏi phòng thi tốt nghiệp.
Paulus Lê Sơn, 26 tuổi, người Thanh Hóa, làm những bản tin về biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên, tham gia các khóa đào tạo "kỹ năng mềm", kỹ năng đấu tranh cho dân chủ bằng phương pháp bất bạo động, làm tin về phiên tòa phúc thẩm xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ và bị bắt sau đó, mẹ mất mà không được về chịu tang.
Phêrô Nguyễn Xuân Anh, 29 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, là võ sư, công việc hàng ngày của anh là đi dạy võ, kiếm tiền nuôi vợ con, tham gia nhiệt tình vào các công việc của giáo xứ Yên Đại và Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II.
Phêrô Hồ Đức Hòa, 37 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, là cử nhân quản trị doanh nghiệp, cử nhân tài chính kế toán, sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, điều hành Hội Sinh viên Công giáo Vinh, thành viên nhiệt tình của Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II. Ngay trong thời gian tệ nạn hút chích ma túy tràn lan mà chính quyền sở tại gần như phải bó tay, anh đã không ngại nguy nan, không màng dị nghị, tự nguyện giúp đỡ những thanh niên cơ nhỡ cắt nghiện, tham gia các công việc từ thiện như giúp đỡ các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.
Chị Maria Tạ Phong Tần, 43 tuổi, người tỉnh Bạc Liêu, nguyên đại úy công an và cựu đảng viên cộng sản, là một blogger và là chủ của blog Công lý và Sự thật với những bài viết như: "Căn bệnh của công chức Việt Nam", "Chuyện thi cử ở Việt Nam", "Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân"v.v…, đồng sáng lập "Câu lạc bộ Nhà báo Tự do" cùng với Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Phêrô Trần Vũ Anh Bình tức Hoàng Nhật Thông, 37 tuổi, là ca viên của một ca đoàn thuộc giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, tham gia các hoạt động bác ái, từ thiện, bị bắt ở Sài Gòn vì đã viết những bài ca yêu nước.
Gioan Thái Văn Dung, 24 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, là sinh viên tốt nghiệp ngành Tin Học, làm chủ một tiệm internet nhỏ, nhiệt tình với các công tác giáo hội và xã hội, tham gia vào tất cả các hội nhóm của giới trẻ giáo xứ, tích cực truyền bá thông tin qua mạng internet, tham gia biểu tình chống Trung Cộng xâm lược.
Nông Hùng Anh, 23 tuổi, người Lạng Sơn, là người theo đạo Tin Lành duy nhất trong số các thanh niên bị bắt và là sinh viên năm thứ tư khoa tiếng Hoa, Đại học Hà Nội, có lý tưởng trở thành mục sư, ký tên ngăn chặn khai thác bauxite ở Tây Nguyên, biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lược.
Gioan Baotixita Nguyễn Văn Duyệt, 30 tuổi, trưởng cộng đoàn Giuse Thợ thuộc cộng đoàn Vinh tại Hà Nội, biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lược, có ý hướng đi tu, đã ghi danh dự thi vào Đại Chủng Viện Vinh Thanh nhưng rồi bị bắt ngay sau đó.
Phaolô Hồ Văn Oanh, 26 tuổi, thuộc giáo phận Vinh, là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, cha mất sớm, mẹ sống trong hoàn cảnh neo đơn và nghèo nàn, hoạt động tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương.
Sau này còn có thêm Phêrô Nguyễn Đình Cương và Gioan Baotixia Hoàng Phong, con số các thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt lến đến mười bảy.
Phêrô Nguyễn Đình Cương, 31 tuổi, là thành viên nhiệt tình của Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, hoạt động tích cực cho công việc bảo vệ môi trường và các công việc phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia tất cả các cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Nghệ An cướp đất đai của nhà thờ Cầu Rầm, Hạt Cầu Rầm, Giáo Phận Vinh, bị bắt tại Nghệ An.
Gioan Baotixita Hoàng Phong, 24 tuổi, tốt nghiệp Trường Đại Học Kỹ Thuật 3 tại Vinh, là thành viên nhiệt tình của Trung tâm Bảo vệ Sự sống Gioan Phaolô II, tích cực tham gia các phong trào sinh viên công giáo tại Vinh.
Tôi cảm phục nhóm thiết kế tấm thiệp, với ý định ban đầu là treo hình của các thanh niên sinh viên Công giáo và Tin Lành lên cây thông. Rồi thì tấm thiệp mừng Giáng Sinh và Năm Mới đã được thực hiện trên computer, và cho in thành những tấm thiệp giấy.
Mười lăm tấm ảnh trên nền thiệp màu nâu đen, với cành đào thẳng đi hết đường chéo của hình, trên đó những bông hoa đào trắng muốt như biểu tượng của sự trong sạch, niềm tin và ý chí không sợ hãi. Tấm thiệp vì thế, theo tôi, mang một thông điệp của lòng yêu nước và của lòng tử tế.
Không chỉ mười lăm, hay mười bảy, mà còn biết bao nhiêu người yêu nước, những tiếng nói dân chủ, những lương tâm đang bị cầm tù. Tôi rưng rưng trong tâm cảm ngưỡng phục họ. Họ sẽ không cô độc. Bởi khắp nơi, bắt đầu từ đất Mỹ, "Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói" đã cất lên. Chiến dịch vận động một trăm ngàn chữ ký đã thành công. Thỉnh nguyện thư đã được đệ trình lên các đại diện chính quyền và các tổ chức nhân quyền khắp nơi trên thế giới, kêu gọi trái tim nhân loại hướng về và giúp đỡ cho đất nước Việt Nam đầy đau khổ.
Chúng ta hãy cùng thắp lên những ánh nến thương yêu, cùng nhau cầu nguyện và gửi cho nhau tấm thiệp xuân này.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
21/02/201316:40:05
Khách
Hay quá. Những bài viết của Chị Cam Li khg thê khg đọc được. Hoan hô tinh thần yêu nước của các bạn .
23/02/201308:29:48
Khách
Xin ký tên đòi trả tự do cho các thanh niên yêu nước:

http://thanhnienconggiao.blogspot.com.au/p/banlentieng.html
12/02/201317:58:40
Khách
Thật xúc động trước tấm thiệp xuân và bài viết chân tình của chị Cam Li!
11/02/201320:42:07
Khách
Cám ơn tấm lòng của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 866,685,512
Con may mắn được mẹ sinh con tại Mỹ, tỉnh Alexandria bang Virginia . Mẹ dạy con nói tiếng Việt từ thuở còn thơ. Mẹ nấu cơm Việt cho con ăn. Mẹ kể lại chuyện xưa, ông bà ngoại dạy dỗ mẹ chu đáo nên ngày nay nhờ kinh nghiệm đó mẹ rèn luyện chúng con nên người tốt. Mặc dầu sanh đẻ tại Mỹ nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới
Chiều nay trên đường từ sở về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi đi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe
Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại Seattle , tiểu bang Washington . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà, “Con Đi Trường Học...” là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, đã được phổ biến ngày 13-1-2006 với bút hiệu Hồng Ngọc-Vương. Bài viết thứ hai
Mẹ ơi! Biết bao giờ con mới được gọi lại tiếng "Mẹ" ngọt-ngào đầy yêu-thương này! Ngày Mẹ còn sống, gọi tiếng Mẹ đã thấy ấm lòng, thấy chứa-chan tình-cảm. Bây giờ Mẹ không còn nữa, tiếng Mẹ làm con xót-xa tận cõi-lòng, chẳng bao giờ con còn có dịp ngồi bên Mẹ, nắm lấy tay Mẹ rồi nói
Những ngày đầu bà Bẩy vui vẻ đi đây đi đó. Thấy gì cũng lạ, cũng đẹp, nhưng cái cảm giác lớn nhứt bà có là thấy mình   an toàn.   Không bị hạch xách, không bị hỏi han, điều tra, điều này điều nọ, bị sợ sệt khi phải đến cơ quan công quyền mà bà đã gặp phải ngày xưa.... Trong bữa ăn tại nhà con gái, có đông đủ
Bởi vì Việt Kiều chẳng mấy ai quan tâm đến những điều ấy, có người không chịu ở nhà mà ra ở khách sạn   cho thoải mái và chẳng muốn làm phiền đến ai. Họ muốn thăm ai thì tự nhiên đến nhà, ăn uống thì đơn giản không cầu kỳ, chẳng cần cao lương mỹ vị gì hết, có rất nhiều người xà vào quán hàng trong nhà lồng
Tôi mơ mơ màng màng nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ bên cạnh giường ngủ, và vội vàng ngồi bật lên vì đã gần 12 giờ trưa. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng và khó chịu lắm, nhưng nghĩ tới mảnh giấy mẹ để trên gối, tôi chạy vội ra nhà bếp không kịp đánh răng rửa mặt. Tối hôm qua, phải nói là sáng nay mới đúng
Con không dám đi cửa trước, con vòng ra cửa sau. Mùa Xuân đã trở lại, những củ   tulip con trồng trên luống mùa thu năm nào trước khi bỏ đi đã mọc lên và ra hoa, những bông hoa tulip mà cha yêu. Mọi thứ trông buồn bã và tàn tạ, chỉ có những bông hoa tulip rực rỡ. Mầu đỏ và vàng, xen lẫn với những mầu hồng nhạt
Vì nhà tôi khá xa trường, tôi luôn cố gắng căn giờ để dù có kẹt xe cũng tới trường sớm ít nhất nửa giờ. Tôi muốn tránh cho mình tình trạng phải phóng xe vội vã trong nỗi hồi hộp lo âu sợ trễ; hoặc hớt hải tới trường vừa sát giờ dạy; hoặc tệ hơn, tới sau khi chuông vào lớp đã reo! Kinh nghiệm cho tôi biết, chính trong ít phút
Vận nước nổi trôi, tôi đến Hoa kỳ vào tháng chín năm 1975.   Ngồi trên xe từ phi trường về nhà trọ, tôi thấy ngay cái không khí ở đây khác với không khí tại những nơi tôi đã đi qua.   Nó có phần tươi mát hơn, khoáng đạt hơn.   Không phải là một người trong ngành y khoa, tôi không biết cái gì đã kích thích ngũ quan
Nhạc sĩ Cung Tiến