Hôm nay,  

Phở

24/06/201300:00:00(Xem: 268920)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết mới nhất của Minh Nghĩa

Chuyện phở ngày xưa

Quận 10 có hai tiệm phở nổi tiếng: Phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ và Phở Tương Lai ở đường Nguyễn Tri Phương. Tuy ở Quận 10 nhưng chưa lần nào tôi được nếm thử cái hương vị đặc biệt của hai tiệm phở này. Với tôi, khi còn nhỏ, phở không phải là một món ăn dành cho con nít vì con nít tuổi lên 5 lên 10 chỉ được ăn bánh mì, xôi hay khoai lang. Còn lớn thêm một tí nữa, khoảng 12 cho tới 17, 18 thì chỉ ăn bánh cuốn, chè táo sọn, xôi vò hay bánh bèo ngọt. Do đó suốt thời niên thiếu “phở” không có mặt trong thực đơn ăn sáng của tôi.

Gần nhà tôi có một tiệm phở, tiệm rất đắt khách nhưng chỉ bán từ sáng sớm cho tới khoảng 12 giờ trưa. Sáng Chủ Nhật thì khách phải chờ lâu hơn mới có bàn trống vì tiệm đối diện với nhà thờ nên tan lễ người ta ghé vào ăn sáng. Ba mạ tôi là khách trung thành của tiệm phở này nên thỉnh thoảng được theo mạ đi chợ, tôi cũng vô tiệm dù không ăn phở, chỉ ngồi dòm miệng mà thôi. Với dáng vẻ nhanh nhẹn bà chủ luôn miệng hối các con dọn dẹp tô dĩa và lau chùi bàn ghế kẻo khách chờ. Miệng nói tay làm, bà thoăn thoắt nhúng thịt tái, trải thịt chín, phà một nắm hành ngò vào tô phở và không quên cho vài củ hành trần. Khi khách xin thêm nước béo, bà múc miếng mỡ đặc trong cái thau nhỏ rồi cho vào tô phở nóng làm cho tôi dù không thích ăn phở, nhìn tô phở cũng muốn chảy nước miếng vì thèm.

Theo lời mạ tôi kể, bà là vợ của một ông Đại Úy Pháo Binh; cưới nhau chưa kịp có con thì ông Đại Úy chết trận. Là quả phụ nên bà được nhận vào làm việc ở một văn phòng hành chánh quận, nơi này bà đã gặp ông chồng sau. Mạ tôi lấy làm lạ không biết sao bà lại lấy một người đàn ông góa vợ có một bầy con nheo nhóc năm sáu đứa vừa trai vừa gái, trong khi bà trẻ đẹp sang trọng còn ông thì lại xấu trai dáng dấp lùi đùi không tương xứng với bà. Hàng ngày ông ra phụ dọn bàn hay bưng phở, ít khi thấy ông trò chuyện với khách. Bao năm trời bà tất bật làm việc nuôi bầy con chồng cho đến khi chị và em gái bà từ Bắc vào, họ thấy bà cực khổ thì xót xa. Từ đó gia đình bà bắt đầu lục đục và một thời gian sau bà bỏ ông, theo gia đình chị của bà về ở gần chợ Phú Nhuận. Hàng xóm nhỏ to rằng bà bị ông bỏ bùa yêu nên theo ông, khi gia đình đi chuộc bùa thì bà tỉnh ra, bỏ ông cùng bầy con chồng. Ông cầm cự lo tiệm phở với hai đứa con trai một thời gian thì tiệm ế dần và cuối cùng ông đành cho thuê tiệm để sống qua ngày.

Người con trai thứ hai của ông sau nhiều năm theo phụ mẹ kế nấu phở cũng học được nghề. Sau khi lập gia đình hai vợ chồng anh mở một quán phở nhỏ trong ngõ nhà tôi; quán chỉ có bốn cái bàn gỗ thấp nhưng cũng khá đắt khách. Ngược với tiệm của bà mẹ kế chỉ bán từ sáng đến trưa thì quán của anh ta lại bán từ trưa đến tối. Và một điều trái ngược nữa là tô phở tiệm của bà mẹ kế trong thanh nhẹ nhàng thì tô phở của anh chàng này đậm đà hơn, tô cũng to hơn và nhiều bánh phở hơn, rau và giá thì tha hồ mà ăn nên những người chạy xe ôm thích ghé vào quán của anh. Thỉnh thoảng tôi cũng đến quán của anh nhưng không ngồi ăn ở quán mà tôi xách “cà mèn” mua về nhà vì khi mua về anh thường cho thêm bánh phở nước lèo, còn rau thơm và giá thì muốn lấy bao nhiêu cũng được.

Chuyện phở ngày nay

Nơi tôi đang ở muốn ăn phở phải đi xa chứ không như ở Việt Nam, ra ngõ là có quán phở, nên dần dần tôi cũng tập nấu phở cho đỡ tốn thời gian di chuyển vừa tiết kiệm được tiền vì nếu cả nhà đi ăn, cộng thêm tiền “típ” thì cũng bằng tiền nấu một nồi phở ăn cả ngày. Người chỉ tôi nấu phở là mợ tôi. Mợ nấu phở ngon có tiếng trong họ vì mợ rất hào phóng thịt xương nên nồi nước lèo của mợ ai cũng khen. Phở của mợ tôi phong phú lắm, ngoài thịt tái và thịt chín còn có thêm bò viên, gân, nạm, gầu, lá sách… Muốn nấu phở mợ phải dặn người quen làm thịt bò ở nông trại để dành xương thịt cho mợ. Nhờ xương thịt tươi nên nồi phở của mợ thơm phức; còn rau - dù mùa hè hay mùa đông - lúc nào cũng dư dã. Một lần nấu mất công nên mợ nấu một nồi phở thật to cho cả họ cùng ăn và không lần nào mợ kêu lên nhà ăn phở mà tôi lại từ chối.

Từ việc thích ăn phở đến việc nấu phở cũng chẳng xa vì ông bà mình nói “Muốn ăn phải lăn vô bếp”, tôi bắt đầu tập tành nấu phở. Sau nhiều năm “tôi luyện” nên giờ này tôi cũng đủ bản lĩnh để xuống núi, tôi có thể tự tin nấu một nồi phở to cho cả nhà ăn vào những ngày cuối tuần. Tôi biết nêm nếm thế nào cho đậm đà, nhất là biết dùng bao nhiêu quế hồi, tai vị…vừa đủ để nồi nước lèo thơm ngon. Ngày xưa tôi chỉ dùng những gói gia vị của “Phở Hòa” nên những nồi phở của tôi chỉ được khen là nước lèo ngon nhưng lại không có mùi thơm. Sau này tôi mới hiểu ra là cả nồi phở to như vậy mà tôi chỉ bỏ vào hai gói mùi nhỏ xíu thì làm sao đủ mùi thơm đặc trưng của phở.

Khi đi làm việc, nhiều lần tôi có dịp đi ra ngoài ăn phở cùng với các bạn đồng nghiệp của tôi. Họ không phải là người Việt mình nhưng họ thích ăn phở. Ở chỗ làm của tôi có một thông lệ rất dễ thương là đến ngày sinh nhật của ai đó thì sẽ có người trang trí các dây màu với chữ “Happy Birthday” cùng với một mớ bong bóng đủ màu đủ sắc, được thổi bằng miệng, thả đầy trên bàn làm việc. Đặc biệt với sinh nhật của tôi, thay vì đem bánh ngọt vào thì họ đưa tôi đi ăn phở. Trong nhóm nhỏ khoảng tám, chín người của chúng tôi có một quy định ngầm là ngày sinh nhật của người nào đó thì người đó sẽ được khao ăn trưa, không phải áp dụng “chơi kiểu Mỹ” ai ăn nấy trả tiền.


Lần đầu họ đưa tôi tới tiệm phở Linh Sơn, một tiệm phở từ Tacoma dời lên Federal Way, nơi thành phố tôi đang làm việc. Anh chị chủ tiệm vốn là anh bà con với cô em dâu của tôi nên khi gặp tôi họ mừng rỡ làm các bạn tôi ngạc nhiên. Tôi nói với anh chị chủ tiệm:

- Giờ em mới biết tên tiệm phở mà các bạn làm chung giới thiệu với em. “Linh Sơn” mà người thì gọi là “Lin Son”, người lại đọc “Lên Sòn” thì làm sao mà em nghĩ ra được là tiệm của anh chị!

Anh chị cười xòa và nói:

- Một vài người trong nhóm này là khách của anh chị cũng cả năm nay rồi. Họ hay mua “to go” chứ ít khi ngồi ăn ở tiệm.

Nghe anh nói tôi chợt nhớ lại ngày xưa tôi cũng thích bưng tô hay xách “cà mèn” tới tiệm phở gần nhà mua về ăn cho lợi hơn, chắc cô bạn này cũng cùng “chí lớn” với tôi! Sau khi yên vị, chúng tôi gọi món ăn và thật bất ngờ khi có vài người gọi cà phê phin sửa đá - sửa Ông Thọ. Chà, tôi hơi ngạc nhiên vì như vậy họ sành ăn uống nên có lẽ họ không cần tôi hướng dẫn hay giới thiệu món ăn cho họ. Ngạc nhiên này tiếp nối đến ngạc nhiên khác khi một cô bạn trẻ ngồi cạnh tôi gọi món phở đặc biệt có tái, chín, ngầu, bò viên, gân, lá sách... Tôi nhìn cô và hỏi sao cô lại gọi món này, có ăn được không thì cô trả lời là cô ăn vài lần với bạn bè ở một tiệm phở gần nhà. Cô còn nói cô rất thích lá sách; nghe vậy tôi muốn bái cô ta làm sư phụ vì tôi là người Việt Nam mà tôi chỉ thích có mỗi một món phở tái chín.

Đa số chúng tôi gọi món phở tái hay tái chín, trừ cô bạn khoái ăn lá sách. Bà sếp của tôi chưa bao giờ vào tiệm ăn Việt Nam và cũng chưa hề ăn phở nhưng mọi người chọn nơi đây nên bà cũng đi theo. Vì chưa bao giờ ăn phở bà tần ngần không biết chọn món nào; sau cùng bà chọn món phở gà. Tô phở gà của bà không rau, không giá, không chanh không ớt mà cũng không có tương đen tương đỏ nên nhìn trắng nhợt chẳng hấp dẫn gì hết. Bà thử cầm đũa nhưng tập mãi không xong nên phải kêu người bồi bàn xin một cái nĩa; bà cầm cái nĩa xoắn lại vòng vòng như ăn mì spagetti rồi đưa vào miệng. Thấy chúng tôi nhìn, bà cười nói:

- Uhm! Uhm! Good! Very good!

Không biết bà ta khen thật hay khen lấy lệ vì gương mặt bà không có vẻ gì là hứng thú; vậy mà lần nào chúng tôi đi ăn phở bà cũng đi theo và phở gà luôn luôn là món bà chọn. Bà ăn phở với một vẻ miễn cưỡng cũng giống như tôi trong lần đầu tiên đi ăn món ăn Ý ở tiệm Olive Garden với bà. Ngày đó tôi cũng gượng gạo cầm tấm menu mà không biết chọn món nào, thấy mấy cặp mắt đang theo dõi tôi gọi đại món salad làm các bạn ngồi trong bàn trố mắt nhìn tôi vì họ đều biết là sẽ có món salad khai vị. Khi nhìn dĩa salad to đùng trước mặt, tôi nói vớt vát cho đỡ quê là tôi thích ăn salad lắm!

Trong nhóm của chúng tôi có một cô bạn thích ăn phở vô cùng. Cô nói với tôi là mỗi khi bị cảm cô ghé tới tiệm phở Linh Sơn - cô chỉ thích khẩu vị của tiệm này mà thôi - ăn một tô phở bỏ thêm tương đỏ cho cay, ăn xong là thông cả mũi, thông cả cổ họng, bao nhiêu đờm giải mũi nước cũng đi mất. Cô này mê tương đen lắm nên tô phở của cô đậm đen. Khi ăn còn khoảng một phần ba tô, cô bỏ thêm tương đen rồi thêm giá trụng, rau quế vào tô trộn lại, thật sành sõi cô dùng đũa gắp một gắp cho vào miệng gật gù thưởng thức.

Có lẽ từ khi ông Tổng Thống Bill Clinton đi công du ở Việt Nam, ghé vào một tiệm phở ở Hà Nội, ăn thử rồi khen ngon nên món phở được nhiều người Mỹ biết đến và ngày càng trở nên phổ biến. Cũng nhờ vậy ở thành phố tôi các tiệm phở mọc lên nhiều nơi nhưng chủ nhân của các tiệm Phở Hòa 1, 2, 3… hay Phở Tái 1, 2, 3… lại là người Đại Hàn mới là lạ chứ! Thỉnh thoảng tôi đưa mạ tôi đi ăn phở cho vui nhưng lần nào đi ăn về mạ tôi cũng không vừa ý và nói không ngon bằng phở mình nấu ở nhà. Khi tôi nói không ngon sao tiệm lại đông khách, mạ tôi miễn cưỡng nói “thì ăn cũng được” nhưng lại kèm theo một bài giảng về khẩu vị khác nhau giữa người Việt và người Mỹ. Đó là lý do mạ không thích ăn ở những tiệm phở đông khách người Mỹ vì thiếu hương vị đậm đà thấm thía của phở Việt Nam. Vậy mà có một lần mạ tôi khen phở ăn ở tiệm ngon. Lần đó mạ tôi nhịn ăn từ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau để đến bịnh viện thử máu, trên đường về sợ mạ tôi đói và mệt vì bị lấy tới ba ống máu, tôi đưa mạ vào một tiệm phở. Ra về mạ tôi khen nức khen nở:

- Tiệm phở ni nấu đậm đà…

Giờ đây phở là món ăn được người Việt mình và cả người Mỹ yêu thích. Đến con nít Việt Nam sanh đẻ ở Mỹ cũng khoái ăn phở; như cô cháu nhỏ của tôi, Amber, mới bốn tuổi mà đã mê ăn phở. Mỗi lần tôi nấu phở, gọi điện thoại cho ba má con bé qua ăn, mới bước vô nhà nó cởi giày cởi dép thật nhanh rồi vừa chạy lên cầu thang vừa nói:

- “Em Bơ” ăn phở! “Em Bơ” ăn phở!

Qua nhiều năm tháng phở đã trở thành một món ăn quen thuộc và dường như người Việt mình ở hải ngoại ai cũng biết nấu phở. Cuối tuần đi chợ tôi thấy các bà các cô ghé lại hàng thịt mua xương bò, đuôi bò về nấu phở. Và tôi cũng như họ, từ một người không hề nấu phở khi còn ở Việt Nam, vì phở bán khắp nơi, qua đây tôi cũng nấu được nồi phở để cuối tuần đãi cả nhà vừa đỡ tốn công đi xa vừa đỡ tốn tiền…

Nói vậy thôi chứ ai cũng nghĩ như tôi chắc các tiệm phở ế dài dài thì làm sao có được các chuỗi tiệm phở… số 1, số 2, số 3 như ở thành phố của tôi hiện nay.

Minh Nghĩa

Ý kiến bạn đọc
25/06/201320:12:40
Khách
Chào tác giả
Nghe tác giả tả mà phát thèm.Xin tác giả cho một toa như toa thuốc chỉ cách nấu phở nhé.Chúc sức khỏe.Mến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 864,951,980
Xin thưa với bạn có hai cái "sai" ở tựa đề. Thứ nhất, Ông Mandino không phải là một thương nhân mà là tác giả của quyển sách có tựa đề trên. Thứ hai, "lắm của" ở trong quyển sách self-help này (ta thường gọi là loại sách tu thân), "The Greatest Salesman in the World", không chỉ có nghĩa là của cải
Từ đêm đưa thuyền rời quê đã hơn 30 năm, nay dù muốn hay không, tôi vẫn phải về thăm lại, cha mất mới đây, mẹ còn khỏe, cả hai đều đã gần 100 tuổi. Trên cùng chuyến bay sang VN, may tôi lại gặp ông bà Nguyễn Quang Liên, một ông bạn cũ từ xưa ở Saigon, Tôi được biết thêm chuyện và kể lại: Quen lâu năm, biết ông là
Nàng nghe có tiếng cửa mở, nhưng không để ý. Nàng nhìn đồng hồ đeo tay thấy năm rưỡi thì biết ngay là lão đã về. Nàng vừa cười vừa nói chuyện điện thoại, rồi nhìn lão hất hàm ra dấu cho lão biết có thức ăn trên bếp. Lại món gà kho, ngán quá. Lão đi vào phòng ngủ thay đồ, nghe loáng thoáng tiếng nàng trên điện thoại: "...vậy à"
Ngày còn nhỏ, tôi trông thật gầy gò, ốm yếu, tính tình lại nhút nhát lắm. Mẹ tôi sanh tôi thiếu tháng, chẳng biết sao mà hồi đó tôi lại sống được cũng lạ! Lớn lên một chút, chừng năm sáu tuổi, tôi đã biết thế nào là ăn đòn, vì bố tôi rất dữ đòn đối với con cái, một phần vì thích hàng xóm thấy mình dữ với vợ con, còn phần nữa thì tôi
Mẹ tôi năm nay 86, bắt đầu trở bệnh lãng trí nặng. Khi thì cụ thống trách đôi tay đôi chân vụng về, lẩy bẩy, vô dụng của mình. Khi thì cụ lộ vẻ hoảng hốt hoặc tự dằn vặt về những đổ vỡ, hư hại do sự "hoá đần độn" của mình gây ra. Khi thì cụ uất ức vật vã kêu khóc vì nhận ra giai đoạn tang thương cuối đời đã thực sự đến với mình rồi.
Tôi hỏi người bán vé: Từ đây đi Washington DC giá bao nhiêu và xe chạy mất mấy giờ và nếu tôi là người có tuổi thì bớt được bao nhiêu" Ngửng lên nhìn tôi, ông ta vừa bấm máy bán vé vừa trả lời: Ông được bớt còn 145.37 xu, còn nếu ông mua trước 7 ngày thì giá vé trong khoảng từ 80 đến 119 dollars tùy theo xa gần.
Lúc 12giờ đêm Lão Cát lai ra đi, một cái chết lặng lẽ cũng như cuộc sống vốn thầm lặng của Lão ! Bệnh viện F.V có lẽ là nơi Lão đến đó lần cuối trong chặng đường đời nhiều nổi truân chuyên, bộ óc bình dị đầy lòng nhân ái ấy đã thôi không còn thao thức trong quãng đời già nua ... Tôi viết câu chuyện này, tham dự cuộc thi
Đi làm về, nếu không đi chợ thì về thẳng nhà, nhìn xung quanh căn phòng của một người độc thân, cái gì cũng lặng lẽ. Từ cái bàn, chiếc ghế, cái Ti Vi trong góc, một chiếc gối, ngay cả chiếc gối để ôm gác phía dưới chân, cái mền kẻ những sọc vuông không hoa hòe xếp phẳng phiu ... cái gì cũng như tỏa ra một mùi vị lặng lẽ
Chiều nay, thứ sáu 28/4, trên đường lái xe đi làm về, chợt nhớ Chủ Nhật này là 30 tháng 4. Lại 30 tháng Tư nữa rồi! Chẳng hiểu sao tôi lại quyết định sẽ viết một mẩu truyện về đời mình nhân dịp kỷ niệm lần thứ 31 của ngày này. Có lẽ tôi nghĩ rằng bây giờ mình đã 50 rồi, đời cũng đã từng trải, chả còn sợ sệt gì nữa khi muốn nói ra những điều mình nghĩ, ít ra là về cuộc đời của mình. Năm 1987, sau năm tháng sống
Qua bao năm dài thai nghén, bố tôi mới sẵn sàng cho tôi chào đời. "Thân Phận” là tên của tôi được bố chọn. Đó là nỗi đau trăn trở của Người muốn gởi gắm vào tôi. Sau buổi ra mắt sách, tôi được ký tặng cho một người bạn vong niên của bố. Chủ của tôi là một người Việt định cư ở Hoa Kỳ khá lâu, từ thuở còn là học sinh trung học
Nhạc sĩ Cung Tiến