Hôm nay,  

Ông Già Nô-en Không Đến

25/12/201300:00:00(Xem: 28778)
Người viết: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 4095-14-29495vb4122513


Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh trước 1975, đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng Tư 1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010.

* * *

Ông Già Nô-en đã không đến, và em biết ông sẽ không bao giờ đến.

Và em đã không buồn mở những gói quà. Em biết người đặt những gói quà đó, ngay dưới chân cây thông rực sáng ánh đèn, là Má chứ không ai khác. Là Má chứ không phải Ông Già Nô-en chi hết. Em không muốn ăn cơm. Em nằm rã rượi trong chăn, cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn quá! Má đã đi làm từ sáng sớm. Đêm qua Má căn dặn em khi nhắc em đi ngủ sớm, rằng sáng em thức dậy sẽ có quà của Ông Già Nô-en tặng. Quả là có quà thật, nhưng Má không còn có thể đánh lừa được em.

Là bởi vì cái hình ảnh Ông Già Nô-en quen thuộc em thường thấy trong những tấm thiệp Má để trên đầu lò sưởi, hoặc xem trong các cuốn phim mùa Giáng Sinh, nghe những câu chuyện Má kể, hay chính em đã sà vào lòng những người hóa trang giống như ông cho trẻ con chụp ảnh trong các khu “mall”… đều đã mất hết. Không có ai là Ông Già Nô-en cả. Hay nói đúng ra là không có Ông Già Nô-en trên đời này.

Ai cũng biết rằng Ông Già Nô-en không có thật, từ người bình dân cho đến các vị giáo sư. Vậy thì tại sao mọi người cứ tiếp tục làm cho người khác tin? Và cứ mỗi năm lại làm cho trẻ con tin một lần. Ôi, em thấy chán ngán quá! Em chợt thấy mình giận Ông Già Nô-en lạ lùng. Em biết là mình giận vô cớ, bởi vì ông ấy có thật đâu! Em tự hỏi hay là em giận Má. Má là người bảo em viết thư cho Ông Già Nô-en. Vậy Má cũng “tiếp tay” với mọi người để lừa dối em chăng? Không, không phải thế! Em thương Má lắm. Má làm cái gì thì cũng chỉ để em vui, vì Má thương em, mà thôi.

Khi cái bụng của em bắt đầu cồn cào thì bỗng dưng đó là lúc em tỉnh táo nhất. Hình như có ai đó đã nói rằng con người sẽ sáng suốt nhất lúc họ đói bụng. Lạ chưa! Em choàng dậy. Em nghĩ ra rồi! Chính là cái vụ cô bạn Aisha Harris nào đó, mà trong một chương trình trên ti-vi có nói đến. Cô bạn ấy viết rằng Ông Già Nô-en nên là một con chim penguin. Vâng, là một con chim cánh cụt. Trời ạ! Em hết hồn khi thấy tràn ngập những hình ảnh chim penguin mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, mang ủng, vác túi đi tặng quà cho con nít. Eo ơi! Bạn ấy bằng tuổi khoảng em thôi, nhưng có sáng kiến đến lạ kỳ. Em nể bạn ấy lắm! Nhưng rồi đến lúc mọi sự ngạc nhiên và hào hứng lắng xuống, em thấy mình… ghét bạn ấy thế nào! Mình có nên thay đổi một hình ảnh đã có từ lâu hay không? Mình có nên đòi hỏi một thần tượng nào đó phải giống như ý mình muốn hay không?

Aisha có nét hao hao giống em, mấy bạn trong lớp em nói thế đó. Và giống nhất là màu da. Trong hình, bạn ấy cười thật tươi. Em soi gương thấy mình cũng cười tươi như vậy. Nhưng sao tự nhiên thấy buồn quá! Lại cũng cái đài truyền hình CNN, cách nay khoảng một năm, họ đã giới thiệu cái gì mà… thăm dò các bạn nhỏ trong các lớp học. Khi được hỏi “ai đẹp hơn, ai tốt hơn”, đa số các bạn đều chỉ vào hình của người da trắng, dù bạn là da màu hay da trắng. Em có kể cho Má nghe, thì Má chỉ cười buồn.

Má về. Em không muốn Má thấy em lười biếng và buồn rầu, nên em chạy ù vào nhà tắm. Khi em ra chào Má, em đã trở lại thành con bé ngoan của Má.

*

Em thường không giấu được chuyện gì quá năm phút với Má, nên em đã thố lộ hết với Má rồi. Má ôm em vào lòng. Em ngước nhìn Má. Má đẹp lắm, da Má trắng muốt, mắt Má xanh thẳm, tóc Má có sắc óng ánh vàng. Má giống như một nữ diễn viên người Mỹ, một bà tiên trong truyện cổ tích vậy. Má nói:

“Má xin lỗi con.”

“Sao Má phải xin lỗi con hở Má?”

“Là bởi vì Má đã không nói chuyện nhiều với con. Má bận đi làm, về tới nhà thì mệt mỏi. Má không hiểu con nghĩ gì. Nên… Má phải xin lỗi con chứ!”

“Má kể chuyện cho con nghe đi! Con không muốn Má xin lỗi con.”

“Phải, để Má kể chuyện “đời xưa” cho con nghe nhé!”

“Giống như chuyện cổ tích hở Má?”

“Ừ, nhưng không bắt đầu bằng “Once upon a time” đâu con, mà là bắt đầu từ một năm cách nay vài chục năm. À, nói sao cho con hiểu nhỉ? Có một gia đình, người chủ của Má, nơi Má giúp việc nhà và giữ con cho họ, nhận Má làm con nuôi. Họ làm giấy tờ đàng hoàng. Thế là Má có một gia đình, một mái nhà. Rồi thì… Má vẫn cứ giúp việc nhà, vẫn cứ giữ con cho họ. Đến một hôm, Má được lên máy bay. Cả nhà người cha mẹ nuôi và Má cùng lên máy bay. Má được qua Mỹ. Qua tới nơi, Má lại vẫn tiếp tục giúp việc nhà, và giữ con cho họ. Má không được đi học, vì sẽ không ai làm giúp cho Má việc nhà, làm giúp chuyện giữ trẻ cho Má. Người ta nhìn Má cứ tưởng Má giỏi lắm, không ai ngờ Má vẫn chưa học hết tiểu học, lại còn rất kém tiếng Anh. Người ta bạc đãi Má. Má vẫn chỉ là một người ở. Khi Má ra ngoài, nói chuyện được với nhiều người, Má bỗng hiểu ra là Má đáng được hơn như vậy. Thế là…”

“Con biết rồi! Má muốn thoát!”

“Con giỏi thật!”

“Con biết chứ! Má muốn thoát, giống như mấy cô bé cậu bé trong truyện chằn tinh há!”

“Ừ, và Má đã trốn đi. Má tới Sở Xã Hội xin giúp đỡ. Người ta cho Má đi học, kiếm việc làm cho Má. Má đã thoát thật sự.”

“Má ơi, con thương Má!”

“Má gặp Ba, Má thương Ba lắm vì Ba cũng cùng cảnh ngộ như Má, và Ba cũng cố gắng thoát khỏi cái nghèo, cái dốt như Má.”

“Con cũng thương Ba nữa!”

Hai mẹ con cùng im lặng. Eo ơi! Em nhớ Ba quá chừng! Không có năm nào Ba được về nhà vào dịp cuối năm. Ba đang ở Afghanistan. Má nói sớm nhất cuối năm tới Ba mới được về, mà lần này có thể sẽ về hẳn. Em mong lắm, em nôn nao lắm. Ồ, mà khi nào có Ba ở nhà trong dịp Giáng Sinh, chắc là em sẽ nói Ba mặc đồ Ông Già Nô-en, làm Ông Già Nô-en thay cho Má. Má lâu nay vẫn chỉ là “Ông Già Nô-en giấu mặt”, làm em cứ lầm tưởng là có Ông Già Nô-en ở xứ tuyết phủ trên miền gần Bắc cực mang quà đến cho em chứ!

*

Em nhờ Má chỉ cách cho em vào trang của Aisha Harris, và em viết cho bạn ấy.

“Aisha thân mến,

Bạn có biết không, ban đầu thì mình rất khổ tâm khi đọc những ý tưởng của bạn. Mình đương nhiên là cũng giống như bạn, rất yêu Ông Già Nô-en bấy lâu nay. Mình giả dụ nếu da của mình cũng trắng như ông, chắc là mình chẳng bao giờ băn khoăn cả. Nhưng thú thật là mình cũng giống như bạn vậy. Ba của mình là người gốc Phi châu bạn ạ! Ba của mình học giỏi lắm! Và Má của mình cũng giỏi nữa. Bạn biết không, Má của mình một nửa là người Việt Nam và một nửa là người Mỹ. Má mình nói ở quê của Má mình, nơi miền đông, vùng cư ngụ của người dân miền Bắc di cư, mỗi độ Giáng sinh về, nơi hang đá trước các nhà thờ, người ta trang hoàng rực rỡ lắm, và các tượng Đức Mẹ, Thánh Giuse đều mặc trang phục như người Việt. Đức Mẹ mặc áo tứ thân, trùm khăn mỏ quạ, Thánh Giuse mặc áo dài khăn đóng, trông thân thương lắm bạn ạ! Mấy cái tên trang phục này nói ra chắc bạn chưa hình dung được đâu, mình sẽ có dịp gửi hình cho bạn xem, bạn sẽ hiểu liền. Đâu có ai cấm mình suy tưởng theo cách của riêng mình phải không bạn?

Vậy thì Ông Già Nô-en của chúng ta có ăn mặc thế nào, có là người da trắng, da vàng hay da đen, cũng chỉ là một. Ông có là thật hay là tưởng tượng thì ông cũng là một người dễ mến. Dễ mến vì ông đã đi đến mọi miền của trái đất này, phát quà cho các trẻ em, bất kể trẻ em da trắng, da vàng hay da đen. Duy có điều chúng ta không cay cú về ông, bởi vì cay cú thì tự chúng ta làm cho mình thất vọng, tự mình làm khổ chính mình. Và thí dụ là chính mình đây, mình đã có một nửa ngày nằm buồn rầu trong chăn rồi đó bạn ạ!

Mình chấm dứt đây. Ước mong sẽ thường xuyên làm “vi hữu” của bạn.”

Ái chà, em viết văn cũng “rườm rà” gớm! Má xem, và cười thật ấm áp. Khi Má và em ngồi bên nhau, nhìn tuyết rơi bên ngoài cửa sổ, em bỗng ao ước lúc này Ba hiện ra như người lính trong một đoạn phim trên ti-vi. Ngạc nhiên lắm! Người cha trở về trong một dịp đặc biệt như lễ Giáng sinh, mùa lễ cuối năm, mùa đón chờ Năm Mới, sẽ hạnh phúc biết bao! Như Má thuở nhỏ đã từng ước mong gặp người cha chưa bao giờ thấy mặt. Em may mắn và hạnh phúc hơn Má rất nhiều.

Chuông cửa vang lên. Em biết Ông Già Nô-en đã đến!

Mùa Giáng sinh 2013

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 864,917,683
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách “Viết Về Nước Mỹ tuyển tập VI” sẽ được tổ chức tại Little Saigon vào chiều Chủ Nhật, 27-8-2006. Nhân dịp này, ban điều hành Giải thưởng Việt Báo trân trọng mời quí vị tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ và thân hữu tham dự 2 sinh hoạt đặc biệt:
Không biết tại số phận hẩm hiu hay tại không có duyên nợ, hơn cả nửa đời người hắn vẫn không có được một mảnh tình vắt vai. Sang Mỹ vào cái thuở nam thừa nữ thiếu, đốt đuốc tìm hết cái thành phố lạnh ngắt lạnh ngơ này cũng chỉ có vài ba cô gái Việt nam đếm được trên đầu ngón tay, muốn với tới các
Có lẽ tôi sanh ra dưới một ngôi sao xấu, lại “đầu thai lầm thế kỷ” -nói theo thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, đồng thời cũng là một giáo sư văn chương nổi tiếng của trường Chu Văn An. Cuộc sống vốn đã chẳng xuôi chèo mát mái, nên phận tôi phải ba chìm bảy nổi tám cái long đong.... Tôi có Mẹ cũng như không, nên theo Cha sống với Mẹ ghẻ
Biển Dừa là bút hiệu của một kỹ sư 31 tuổi tại Arizona. Tựa đề đầu tiên của bài viết này là “Cái Nóng Tàn Nhẫn,” ghi lại tâm trạng của một người nữ trong trận dịch nóng tháng Bẩy, mong được ai đó “lau dòng nước mắt nóng cho cô bằng chiếc khăn tẩm hơi lạnh.” Nhưng nước mắt mới đó đã bốc hơi mất tiêu, làm sao lau kịp" Hy vọng sau “nước mắt bốc hơi”
Danh tính đầy đủ của tác giả là Khiet M Phan, cư dân cao niên tại San Jose. Nguyên cựu sĩ quan không quân VNCH, cựu tù cộng sản, định cư theo diện H.O., tác giả kể là ông đã có 15 năm ở Mỹ, 12 năm đi làm đóng thuế, bây giờ thì tháng tháng lãnh lương hưu. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là những mảnh hồi ức vui.
Năm mới đến Mỹ (1996), tôi có viết bài "Những Nhận Định Khác Nhau Về Cuộc Sống" đăng trên báo Việt ngữ Sacramento; Nguyên do từ câu nói của một bạn học tại trường Sacramento City College: "Nước Mỹ là Thiên Đường của tuổi thơ; Là Chiến Trường của thanh niên, và là Địa Ngục của người già". Lúc bấy giờ tôi cũng như người
Thảm cảnh đây tiếp sau bao thảm cảnh đã phủ lên dân tộc, nước non này. chưa ngừng ư cuộc nội chiến hôm nay" Để lớp trẻ ngày mai xây dựng lại, những đổ nát, mà cha anh đành bất lực lớp người trí thức phải khoanh tay Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Chú Hoành em trai út của Ba, qua những câu thơ chú đề tặng khắc trên bia mộ anh trai
Thật tình tôi không rành chữ nho nhưng tôi được chồng tôi giải thích cho tôi câu trên có nghĩa la "cái xui xẻo không tới một mà nó tới nhiều lần". Đúng là y như vậy đó bà con! Cách đây cỡ một tháng chồng tôi đi làm về vẻ mặt buồn buồn nói với tôi ngay khi vừa bước vào cửa: - Mình có tin buồn em à. Anh bị lây ốp năm học tới!
Hôm thứ Hai, thị trường cổ phần tương đối dậm chân tại chỗ tìm hướng đi sau một tuần bị xuống nhiều, với dầu thô xuống giá vì hy vọng sắp ngừng chiến tranh bên Trung Đông. Về kinh tế, mức sản xuất kỹ nghệ toàn quốc tăng 0.8%
Đó là danh xưng của một anh bạn làm chung hãng với tôi, anh hãnh diện vì anh là con rồng cháu tiên, nhưng anh chỉ dùng tên "con nhà Rồng" xưng cho phái nam mà thôi. Tôi cũng hãnh diện vì tôi tuy là khác giống nhưng chung một giàn. Bài nầy tôi muốn viết về một vài cá tánh của các vị “con nhà rồng” làm chung với tôi mà thôi.
Nhạc sĩ Cung Tiến