Hôm nay,  

Ngọn Hải Đăng

20/06/201500:00:00(Xem: 12916)
Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh
Bài số 3548-16-30098vb7062015

Chủ Nhật 21-6 là Fathers Day 2015. Xin mời đọc bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của Nguyễn Diệu Anh Trinh, kể về. Bài viết cho thấy cách viết và cách nghĩ tử tế và chừng mực hiếm có. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia, thỉnh thoảng cô có bài viết cho các trang web trường xưa, đặc san Sông Thu Georgia.

blank
Tác giả và người cha H.O. tuổi tám mươi của cô.

* * *

Hôm nhận được thư của bác Phùng, bạn học của ba thuở chung trường Công Chánh Liên Khu 5, ba săm se hoài. Trong thư bác Phùng kể, bác đã bỏ công đi kiếm ba tôi nhiều năm, cuối cùng bác tìm về lại xóm củ, cái địa chỉ duy nhất mà bác biết là xóm Thuận Thành, gần trường Đào duy Từ tức là trường Hoàng Diệu ngày nay, nơi gia đình tôi sống trước 1973. Một chú xe thồ tốt bụng biết sơ qua họ hàng gia đình tôi, ông đã chở bác Phùng đến nhà ông chú ruột tôi, từ đó bác mới có số phone và địa chỉ của ba tôi ở Mỹ nên viết thư tay gởi thăm.

Thư đi thư lại đôi lần, kỷ niệm xưa như hiện về trong tâm trí ông lảo tám mươi, ba tôi kể lể đủ thứ chuyện về người bạn này. Tôi thì chỉ nhớ, ngày xưa mỗi khi gặp tôi bác hay bắt tôi gọi bác là “Ba Phùng”. Nghe đâu lúc mới lập gia đình, hai bác có sanh được một anh con trai đầu lòng, ít lâu sau má tôi có bầu, hai gia đình có hứa sẽ trở thành thông gia nếu má tôi sanh ra con gái. Đứa bé ra đời là tôi, Bác cho đó là điềm duyên nợ nên khăng khăng đòi ba má tôi phải giử đúng lới hứa.

Thời chiến tranh, gia đình bác ở Quảng Ngãi làm ăn rất khá giả. Tôi còn nhớ những lần hai bác ra Đà Nẵng thăm gia đình tôi, ở lại chơi vài hôm, bác trai thường xoa đầu tôi và nói: “Con dâu của ba, vòng tay thưa, rồi ba cho kẹo!” Tôi chỉ nghe tới kẹo là vâng dạ liền, đâu có hiểu chuyện dâu rể, nợ duyên gì cho mệt.

Năm 1975, nghe đâu gia đình Bác di tản vào Sài Gòn rồi lại về Quảng Ngãi mở hảng nước đá Kim Cương, làm ăn khá lắm. Năm 1977, tôi vào Quảng Ngãi thi đại học Tài chính thì đã không tìm được gia đình hai bác, sau đó nghe tin bác có cho mấy người con vượt biên, định cư đâu tận Canada. Gia đình tôi thì sa sút dần, không có chỗ thở trong xả hội mới. Má tôi vất vả lo cho chồng con, anh em tôi bước những bước chân vào đời trong bấp bênh. Lời hứa năm xưa không ai buồn nhắc nhớ, cũng lặng lẽ trôi vào quá khứ.

Ba đưa tôi đọc lá thư mới nhất của bác Phùng viết cho ba:

“…Phùng đi tìm Tân nhiều năm, nhiều lần nhưng chẳng biết gia đình Tân ở đâu cả. Dạo Tân đi cải tạo, Phùng có tìm ra Đà Nẵng thăm một lần. Lúc đó hoàn cảnh gia đình Tân bi đát quá, nhà bị trưng thu, chị và các cháu ở trong một căn phòng chật chội ở ngã ba Cai Lang. Hôm đó chị về quê nên Phùng không gặp, chỉ để lại một ít quà….

Nay tìm được bạn xưa, Phùng mừng hơn được trúng số lô độc đắc. Bạn già chung lớp thuở xưa nay chẳng còn mấy người…”

Nét chữ của bác Phùng còn đẹp, ngay ngắn rõ ràng. Ba tôi nói những người học trường kỹ thuật ngày xưa đều có nét chữ thẳng thớm, đẹp như in vậy đó. Tôi đọc lá thư và cảm động cho tình bạn thâm niên giữa bác và ba tôi vô cùng. Bác tha thiết mời ba má tôi sang Canada thăm chơi.

Thấy ba hơi ngần ngừ, tôi đùa “Bác Phùng lớn hơn ba hai tuổi chắc là yếu hơn rồi, ba phải đi thăm đại ca chớ!” Nói vậy mà khi mua vé cho ba rồi lòng tôi không yên.

Đưa ba lên phi trường, hoàn tất việc gởi hành lý, căn dặn ba đủ điều trước khi nhân viên của phi trường đến phục vụ đưa ba vào máy bay. Trên đuờng trở về nhà, lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Hình ảnh ba lo âu mở ra, xếp vào tấm vé máy bay do tôi in ra từ computer ở phi trường, ánh mắt, tia nhìn đầy bất an của ba đã theo tôi suốt đoạn đường về. Ba tôi, một ông lão đã hơn tám mươi với đầy đủ những căn bệnh của người già, năm bảy loại thuốc phải uống thường xuyên hằng ngày đang một mình trên chuyến bay đi Canada thăm người bạn già hơn bốn mươí năm chưa gặp mặt, làm sao tôi không lo cho đuợc?

Gần đây, sức khỏe của ba giảm đi thấy rõ, làm việc gì cũng mau mệt. Thời tiết chưa kịp thay đổi là ba đã ho hen, sổ mũi, đau lưng, nhức mình. Uống thuốc tây ba hôm, chưa nhúc nhích gì ba đòi đi thăm thầy thuốc bắc. Đem thuốc bắc về, uống một hai hôm ba chê thuốc bắc chậm rì, đòi đưa ba đi châm cứu…. Ai cũng biết, đó là bịnh.… già, đâu có thuốc nào chửa được?

Tôi thường an ủi ba, "Mấy người cùng cỡ tuổi ba, con thấy ba là ngon lành, nhất rồi! Sơ sơ trong xóm này, từ Mỹ đen Mỹ trắng, Mễ, đến Việt Nam ta, ba đều đứng nhất!" Tuy vậy, tận trong thâm tâm, tôi biết ba tôi đã yếu đi nhiều, nói như mấy người già hay nói là cuộc sống chỉ tính bằng ngày chứ không tính bằng năm, nghĩa là sống ngày nào hay ngày đó.

Ba thích mua vé số, tuần nào cũng nộp vào quỹ “kiến thiết quốc gia” chừng hai chục đồng, ba muốn xây một ngôi chùa nơi quê nội. Mỗi buổi tối dò vé số không trúng đồng nào, ba chẳng tiếc, ngày mai lại vui vẻ, tiếp tục đi bộ ra cây xăng, ba nói là đi mua “hy vọng".

Tôi còn nhớ ngày năm cha con tôi lên máy bay đi Mỹ năm 1994. Đi xuất cảnh theo diện H.O mà lê thê lếch thếch như người ta dắt díu nhau đi kinh tế mới. Sợ những ngày đầu nơi xứ lạ không có đồ dùng trong nhà, ba tôi chuẩn bị đầy đủ từ cái nồi cơm điện, cái bình thủy chứa nước sôi cho đến những gói bột ngọt hiệu “Vifon”. Có người quen cho biết, Atlanta GA, tiểu bang chúng tôi sắp định cư là một thành phố đang bắt đầu xây dựng, nhất là ngành đường sá, để phục vụ cho Thế Vận Hội Olympic mùa hè 1996 sắp tổ chức. Không biết ba nghĩ sao mà đi sắm cho mỗi đứa con một cái kiếng đen, để phòng bụi bặm.

Mấy cha con dừng chân ở trạm trung chuyển là phi trường Hồng Kông, lơ ngơ như những chú hề thời cổ lỗ sĩ. Ba lô, giỏ xách lỉnh kỉnh, nồi cơm điện lủng lẳng đeo bên lưng và...mỗi em có một đôi kính đen chễ chệ trên khuôn mặt. Tánh chu đáo quá mức của ba đã biến chị em tôi trông giống như một đàn hiệp sĩ mù giữa phi trường Hồng Kông tráng lệ, hơn hai mươi năm về trước!

Ba tôi lúc nào cũng ước ao phải cho con ăn học đến nơi đến chốn, nên sau khi đám con đã thất cơ lỡ vận vì gia cảnh, không đươc bước vào cổng trường đại học nơi quê nhà, sang đây, ba tôi dệt nên những mơ ước cho tương lai các con thênh thang, ngàn lối…

Trong mấy tháng đầu được hưởng trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ, hằng ngày chúng tôi đến trường học nghe, học nói, học cách giao tiếp vơí người bản xứ. Hết quyền lợi ưu tiên đó, ba đứa lớn nhất nhảy ra kiếm việc làm. Chưa có xe hơi nên chúng tôi phải đón xe bus, đi tàu điện hoặc may mắn hơn là nhờ người quen làm cùng chỗ chở đi làm rồi trả tiền xăng lại. Mấy chị em đều đi làm, đứa ca sáng đứa ca chiều, buổi tối về đến nhà mệt mỏi đã có ba lo cơm nước. Món ăn bổ dưỡng và dễ nấu nhất là “trứng gà bảy món” và “soup mì gói”, những ai mơí đến Mỹ đều rành.

Sau này ba tôi mới thố lộ: “Ngày đó, thấy mấy chị em cặm cụi đi làm, toàn là những công việc nặng nhọc, nhiều buổi sáng nhìn mấy đứa con lục đục dậy sớm bới cơm, lội tuyết đón xe đi làm ba cứ tự hỏi, không biết mình đưa các con sang đây có phải là một quyết định sai lầm hay không, lòng ba áy náy lắm!”

Cuộc sống hối hả phương này khiến chúng tôi phải quay cuồng, ba băn khoăn là phải. Cả nhà chỉ có đứa con gái út là đến trường, mấy đứa lớn phải đi làm để lo tiền nhà, tiền xe, tiền chi phí linh tinh... Chưa kể đến những khoản tiền phải gởi về để trả nợ lúc sắm sửa cho chuyến đi của mấy cha con. Dần dần, thằng con trai cũng vừa đi làm vừa đi học, kiếm đuuợc cái chứng chỉ về kỹ thuật, tiền lương được cao hơn một chút và công việc đỡ nặng nhọc, ba mừng.

Rồi đứa em gái út cũng tốt nghiệp đại học, đứa kế lập gia đình. Tôi thì theo lời khuyên và sự hướng dẫn của ba cũng trở lại trường, vừa đi làm vừa đi học. Mười tiếng đồng hồ làm việc ở xưởng xong, lật đạt chạy xe cho kịp đến trường học thêm bốn tiếng, về đến nhà là đã nửa khuya. Nhưng gian nan rồi cũng có được đền bù xứng đáng. Khi có cơ hội thay đổi công việc làm trong công ty từ những khâu nặng nhọc sang công việc nhẹ nhàng mà cần có chút kiến thức.

Công ty tôi làm nâng cấp, mở mang qui mô hơn, tôi có được hai chọn lựa, hoặc trở thành thư ký lo việc sắp đặt giấy tờ hồ sơ của phòng Kiểm Nghiệm; hoặc sẽ là một kỹ thuật viên, chuyên đọc bản vẽ, kiểm tra hình ảnh màu sắc cũa những bản in trước khi làm thành film đưa qua khâu ất loát. Ba đã cho tôi lời khuyên là nên chọn việc gì có chút kỹ thuật thì mới bền bỉ. Và như một định mệnh gắn liền với đời sống của tôi hai mươi năm nay đó là công việc đọc bản vẽ ở một nhà máy in lớn, kỹ thuật cao.

Công ty tôi làm chuyên về việc design, viết chương trình và in những loại vé số cho nhiều nước trên thế giới, một trò chơi, một môn giải trí có tính kỹ thuật. Nếu không có ý kiến hướng dẫn của ba thì chắc tôi không có sự chọn lựa đúng đắn như thế.

Tôi yêu thích và an lòng với công việc này, niềm đam mê nghề nghiệp chính là chìa khóa giúp tôi đứng vững vàng giữa một xã hội đầy bất trắc này trong thời kỳ kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Bởi vì khi làm ăn càng sa sút, người ta càng thích mua vé số, nói như ba tôi, mua hy vọng. Có ai mà không mong bỏ ra một đồng để được trúng một triệu?

Khi việc làm ăn của tôi đã ổn định, nhà cửa vững vàng, ba hướng dẫn tôi tham gia sinh hoạt cộng đồng, làm việc từ thiện, khuyến khích tôi viết lách, món ăn tinh thần mà ba biết tôi đam mê từ bé. Chính ba là người đã góp ý với tôi từng câu văn, giải thích từng từ ngử Hán Việt đã mai một trong đầu óc tôi kể từ dạo rời trường xa lớp…và chính ba đã cặm cụi sửa cho tôi từng lổi chính tả, nhắc nhở tôi từng dấu chấm, dấu phẩy… không phải từ những ngày tôi mới chập chửng bậc tiểu học mà mãi đến bây giờ, tôi đang là một phụ nữ trung niên, ba vẫn đang bên cạnh, bày vẻ tôi từng ly từng tí. Gia đình tôi có niềm đam mê thể thao, văn nghệ, Ba cũng đã là người cùng tôi hô hào, bình luận những trận World Cup đầy kịch tính, hấp dẩn.

Nhiều người nói tánh tôi rất giống ba tôi, lúc nào cũng có những suy nghĩ thật lạc quan, vui vẻ. Có lẻ chính điều đó giúp ba tôi vượt qua được mười mấy năm khổ ải nơi trại cải tạo sau năm 1975, giúp tôi vượt qua được nhiều cay đắng truân chuyên, bước thấp bước cao chênh vênh khi ra đời với hai bàn tay trắng. Ngày nay, ba tôi đã già và chính tôi cũng không còn trẻ, điều may mắn là tôi vẫn còn được sống bên cạnh ba, chở ba đi đây đi đó khi cần, nhìn thấy những chuyện lẩm cẩm của ba hàng ngày, thỉnh thoảng nấu cho ba vài món ăn mà ba ưa thích hay chịu khó ngồi nghe ba kể đi kể lại những câu chuyện xưa hơn trái đất. Tôi không cảm thấy nhàm chán mà còn học được ở ba nhiều điều hay, nhiều suy nghĩ nói ra thì nghe rất đơn giản nhưng đó chính là kim chỉ nam cho cuộc đời mà tôi may mắn nhận được từ người cha kính yêu của mình.

Ba tôi không những là một người cha gương mẩu mà còn là một mẫu người cư xử với bạn bè chí tình chí nghĩa. Nhìn ba săm se lá thư của bác Phùng, bửa ăn nào ba cũng kể lể về những kỷ niệm thời đi học của hai người, chúng tôi thật ngưởng mộ cho tình bằng hữu vong niên của ba và bác.

Chắc cần phải nói thêm, thành công lớn nhất của cuộc đời một người đàn ông mà ba tôi nên tự hào, trên cả sự nghiệp đã dang dở theo vận nước: Ba là một “đấng phu quân” tuyệt vời! Tôi đã nhìn thấy được điều này trong cách má chăm sóc ba hàng ngày, nhất là trong ánh mắt má tôi mỗi khi bà nói về ông. Đã gần sáu mươi năm chung sống, gừng cay muối mặn cũng đã từng chia sớt, vinh hoa phú quí có rồi cũng như không. Giờ này ba má tôi còn đây, ngày ngày hủ hỉ bên nhau. Trẻ thương nhan sắc, già thương lụm cụm chính là ba má, hai chiếc bóng mát của đời tôi.

Tôi thật không biết lời gì để nói lên lòng biết ơn ba, nhiều khi tôi thắc mắc với lời ví von về công ơn sâu nặng của người cha qua câu ca dao Việt Nam:

Công cha như núi Thái Sơn

...

Ngọn núi Thái tận bên Tàu, dẩu cao cách mấy thì chắc cũng có thể khắc phục, leo tới đỉnh, làm sao so sánh với công sanh thành, dưởng dục của người cha?

Trong lòng tôi, ba là ngọn hải đăng, soi đường cho những con tàu ra cửa biển. Lúc còn nhỏ, hình ảnh ba là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Chúng tôi ra đời, ba như ngọn đèn sáng chỉ lối, hướng chúng tôi đi đến nơi về đến chốn. Khi gặp giông bảo trên đường đời, khi lạc lối,... nhìn về hướng hải đăng chúng tôi sẽ biết chốn quay về. Ba là mái hiên vửng vàng che chở nắng mưa, là ngọn gió làm mát dịu tâm hồn tôi những trưa hè, là những câu văn tôi đọc hoài không chán, là cả một cuộc đời mà tôi hạnh phúc có được.

Tôi nguyện cầu sao cho ba má tôi có những ngày xế bóng khoẻ khoắn, bình yên bên nhau để chúng tôi còn có cơ hội chăm sóc đáp đền công ơn trời biển của ba má.

Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu mong cha mẹ sống đời với con

Happy Fathers Day, Ba! Ngọn Hải Đăng của đời con.

Atlanta 2015

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
29/06/201516:02:49
Khách
Đọc bài này thật cảm động và gần gủi, cám ơn tác giả đã đưa hình ảnh người Cha H.O và những ưu tư ngày đầu định cư. Cầu chúc Bác luôn vui khỏe, con gái có hiếu quá !
24/06/201514:25:58
Khách
Một món quà thật tuyệt vời trong ngày father's day
22/06/201513:35:01
Khách
Bài viết rất cảm động, giọng văn chân thật. Cám ơn tác giả đã nói dùm hình ảnh những người Cha vơi ví von như Ngọn Hải Đăng. Rất hay!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,445,060
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến