Hôm nay,  

Tản Mạn Chuyện Tấm Thiệp

08/01/201700:00:00(Xem: 15428)
Tác giả: Angie Lộc
Bài số 5014-18-30714-vb8010817

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.

* * *

Lẽ tự nhiên trong đời thường là con người ta cho và nhận. Trong cuộc sống, ít nhất một lần trong đời chúng ta nhận thiệp hoặc gửi thiệp đến một ai đó. Truyền thống gửi thiệp đã có từ thời cổ đại khi con người đã nghĩ ra cách gửi lời chúc cho nhau. Thông thường, tấm thiệp mang tính cách thông tin hoặc chuyển tải tình cảm.

Ở Mỹ, có khoảng 6,5 tỷ thiệp đủ loại được mua mỗi năm với tổng chi phí hơn 7 tỷ Mỹ Kim. Thị trường thiệp tăng trưởng và mở rộng dưới mọi hình thức, sẵn sàng cung ứng mọi nhu cầu cho người gửi để họ thể hiện tình cảm, một yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống. Nhiều doanh nghiệp gửi thiệp cho khách hàng của họ trong dịp cuối năm, thường là với một thông điệp chung cám ơn khách hàng đã cho họ cơ hội phục vụ và cũng như lời nhắc nhở khách duy trì thương vụ của họ.

Tuy tiêu tốn vào các nghi lễ đời thường cần phải có, người Mỹ lại thực tế. Tính thực tế có khi tiết kiệm phần nào khoản chi tiêu vào những tấm thiệp. Một người nghỉ ốm trong sở làm chẳng hạn, có thể chỉ nhận một tấm thiệp từ tất cả mọi người. Một tấm thiệp gói ghém vài mươi chữ ký cùng dăm lời nhắc nhở, chúc lành ngắn gọn; trang trọng hơn nữa thì một bó hoa được kèm theo. Một người nhận loại thiệp như trên đã nói “Hẳn nhiên là tôi xúc động khi nhận một tấm thiệp như thế. Thường thì tôi lật qua lật lại nó để ngắm nghía, rồi đọc những lời chúc, điểm tên của những ai còn nhớ đến tôi (cũng có thể họ không quan tâm đến tôi nhưng một khi thiệp chuyền đến tay thì họ phải viết hoặc ký tên thôi). Cảm xúc lắng đọng trong tôi vài phút, đôi khi vài giờ, vài ngày, hoặc lâu hơn nữa. Sau cùng, tôi có thể xem lại tấm thiệp một, hai lần nữa trước khi bỏ nó vô thùng rác tái sinh.”

Tính thực tế của người Mỹ trong giao tế chúc tụng cũng tiết kiệm nhiều thời gian cho người viết thiệp. Người ta có thể chọn cách gửi các tấm thiệp mang cùng một thông điệp đến nhiều người nhận. Thông điệp được đánh máy bằng vi tính dưới hình thức một bài tóm lược những sự kiện đáng nhớ trong năm xảy ra cho bản thân hay gia đình họ để chia sẻ với bạn bè thân hữu, rồi kết thúc bằng những lời chúc tốt đẹp. Bài viết được in ra giấy đẹp, trang trí với hoa văn mùa lễ, kiểu cách như tấm thiệp truyền thống, bỏ vào phong bì, rồi gửi đến những người nhận. Bằng cách này, người gửi cập nhật thông tin cho người nhận và đồng thời chia sẻ những ước vọng cho một năm mới sắp đến.

Ngoài kiểu thiệp truyền thống với lời chúc, người ta còn kết hợp cả âm nhạc vào thiệp. Phong trào gửi thiệp nhạc nở rộ khoảng đầu thập niên 80. Học trò Việt Nam thời đó nếu có bạn bè hay người thân từ nước ngoài gửi về một thiệp nhạc chúc mừng Sinh Nhật hay Năm Mới là một sự thích thú. Ngoài phần bìa thiệp nhạc trang trí theo chủ đề, phần trong thiệp khi mở ra thì các bài hát phổ biến như “Happy Birthday” hoặc “We Wish You a Merry Chrismas” vang lên rộn rã. Nhưng niềm thích thú cho tấm thiệp nhạc không kéo dài bao lâu vì một trong các lý do: qui trình ép dán thiệp nhạc không đúng qui cách nên đến một lúc nào đó cho dù đóng thiệp lại thì tiếng nhạc vẫn léo nhéo dai dẳng đến muốn bịt tai. Chưa kể, thiệp nhạc hết pin hoặc pin yếu, âm thanh rè rè hoặc khàn khụa phát ra, lúc đó phiền!

Con số người sử dụng internet tăng nhanh thúc đẩy thiệp chúc mừng điện tử ra đời cuối thập niên 90. Thống kê chỉ ra rằng thiệp điện tử được sử dụng nhiều trong dịp sinh nhật, Giáng Sinh và Năm Mới. Chỉ cần nhấp chuột theo đường dẫn là trong tích tắc một tấm thiệp điện tử hiện ra nhấp nháy hình ảnh, tiếng nhạc, lời chúc đến người nhận. Nhưng đâu phải ai cũng bắt kịp kỹ thuật thông tin hiện đại để có thể tiếp cận những tấm thiệp điện tử. Vả lại, trong một khoảng thời gian nào đó thôi, độ 30 ngày chẳng hạn, thiệp điện tử sẽ tự động xóa. Ký ức người nhận thiệp liệu còn lưu lại gì không?


Phần nội dung tấm thiệp cũng quan trọng không kém phần hình thức. Đa số các tấm thiệp in sẵn lời chúc. Nếu may mắn thì có thể tìm được một tấm thiệp về phần hình thức lẫn nội dung thể hiện ý người muốn gửi đến người nhận. Một người bạn có thói quen hay cắn bút suy nghĩ thật lâu để tìm một câu ưng ý khi viết thiệp đến một ai đó. Một hôm, anh chia sẻ khám phá của mình với bạn bè “Đừng phí thì giờ mệt trí suy nghĩ phải viết gì vào thiệp nữa, chỉ cần google lời chúc.” Nghe cũng hay! Thời buổi rô-bô nghĩ giúp cho con người, đưa ra lời chúc máy móc thì được rồi, nhưng chưa chắc chuyển tải chính xác xúc cảm của người viết dành cho người nhận.

Tôi biết một người Mỹ năm nào cũng đến hẹn lại lên, dành cả ngày “Thứ Sáu Đen” sau Lễ Tạ Ơn để viết thiệp chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm. Trong khi vợ và con gái anh rời nhà từ rất sớm, chen chúc trong những trung tâm mua sắm để tranh thủ mua hàng giảm giá thì anh ở nhà với nhiều hộp thiệp mà anh mua dự trữ từ năm trước, đồng hành cùng cây bút, quyển sổ địa chỉ và tập tem dầy cộm. Anh nhâm nhi chút rượu cho ấm bụng trong khi viết những tấm thiệp.

Tôi khâm phục với thói quen viết và gửi thiệp của anh bạn Mỹ. Tuổi của anh chỉ ngoài bốn mươi. Những người vào độ tuổi anh hoặc trẻ hơn thường dùng phương tiện khác để truyền đạt thông điệp cho nhanh, gọn, và ít tốn kém hơn so với thì giờ, bưu phí, và tiền mua thiệp anh bỏ ra. Hơn 150 tấm thiệp sẽ được viết trong ngày này và gửi đi trước cuối năm. Tôi tin chắc nếu anh còn bền bỉ với thói quen trên, số tấm thiệp hằng năm sẽ còn tăng lên theo vòng giao thiệp ngày càng mở rộng của anh. Anh nói:

- Đây là thú tiêu khiển của tôi. Viết thiệp và gửi đi là dịp để tôi nghĩ và nhớ đến những người thân, quen như một sự nhắc nhở về sự kết nối giữa tôi và người nhận thiệp.

- Anh háo hức viết thiệp vậy có mong nhận hồi âm?

- Thiệt tình, khi tôi gửi thiệp đi thì cũng mong đón nhận trở lại. Nhưng trong thời đại này, người ta có thể hồi âm cho tôi bằng một cuộc gọi điện thoại, một tin nhắn hay một điện thư là tôi cũng vui rồi.

Tôi quen một bác người Việt tuy lớn tuổi và định cư ở Mỹ đã lâu, nhưng vẫn giữ thói quen gửi thiệp chúc Tết đến bà con và gia đình sui gia ở Việt Nam. Những năm đầu định cư trên đất Mỹ khi thiệp Tết còn hiếm hoi, bác dùng thiệp Giáng Sinh, kết hợp chúc cả tết tây lẫn tết ta. Những năm sau này, một số chợ Việt có bày bán thiệp Tết từ Việt Nam đem sang, bác dùng hoàn toàn thiệp Tết truyền thống. Mỗi khi con cháu có dịp về Việt Nam thì quà đem sang Mỹ biếu để bà vui là những tấm thiệp Tết. Bà ưng loại thiệp được trang trí với những hình ảnh đặc trưng cho Tết như ông đồ già ngồi viết câu đối, con cháu mừng tuổi ông bà, đốt pháo, múa lân, mâm ngũ quả đón giao thừa, độc bình chưng cành đào hay cành mai, v.v. Nhưng dứt khoát, trên tấm thiệp không được có chữ “HAPPY NEW YEAR” như đa số thiệp Tết hiện nay. Sự lý giải của bà là “Sợ người ta nói mình mất gốc” và “làm giảm đi dân tộc tính trong tấm thiệp”. Thời buổi mà người ta gọi là “hội nhập” hay “toàn cầu hóa” thì cách chêm vài chữ tiếng Anh là một lối thương mại nhằm đáp ứng thị hiếu người mua. Con cháu chiều bà, cố tìm những tấm thiệp Tết theo đúng yêu cầu nhưng không dễ. Bà sui gia nhận thiệp bà bác gởi, chờ đến ngày đầu năm mới để gọi điện thoại sang Mỹ chúc Tết, nói “Bà đã ngoài 80 tuổi mà vẫn giữ được nét chữ chân phương trên thiệp Tết và còn giữ phong tục Tết là viết thiệp, tôi phục lắm.” Bà bác nghe nói, rơm rớm nước mắt cảm động.

Đón năm mới âm lịch, người Việt gửi đi tấm thiệp xuân dù dưới hình thức nào đi nữa, bằng bưu điện hay qua internet, luôn mang thông điệp tốt đẹp đến người nhận. Tôi xin được gởi lời chúc đến các độc giả Việt Báo: “Xin chúc một năm mới an khang và thịnh vượng”.

Angie Lộc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 866,464,020
Tôi chầm chậm đậu xe vào cái chỗ quen thuộc của tôi mỗi sáng chủ nhật, đó là một mảng lề thoai thoải giữa chừng con dốc, được thêu vá bởi màu sắc hoa Vàng Anh và cỏ dại. Bên kia là một cái park rộng thênh thang với những nhánh thông xanh nếu nhìn một lần sẽ không rõ là thiên nhiên hay là tranh vẽ,
Anh đã từng ghé lại Câu Lạc Bộ, Anh nói chuyện với anh em với tất cả hào khí của người lính! Anh khẳng định: Sống là chiến đấu, là chấp nhận thử thách! Đôi khi đời không yêu ta, ta cũng phải há mồm cắn vào nó, ghì chặt nó, như xích của tank cạp lấy mặt đường, bùn lầy
Sau khi tham dự thánh lễ Phục Sinh về, đang ngồi viết lại những kỷ niệm buồn vui của đoạn đường di tản từ bãi biển Non Nước đến Cam Ranh rồi Vũng Tàu và chấm dứt đời lính tại căn cứ Sóng Thần vào sáng 30-4-75 thì con gái tôi gọi chỉ cho coi ca sĩ Chế Linh trong bộ quân phục
Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc và vừa học thêm về Management Information System.   Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Làm Lành Vết Thương Xưa”, kể chuyện gặp gỡ
Tôi cởi tung quân phục, xếp gọn gàng lại, đặt trên đầu giường. Tôi nhìn đôi lon trung úy lần cuối. Nhìn chiến hạm lần cuối. Nhìn những bậc thang lên đài chỉ huy, như đưa tôi lên đài danh vọng thuở nào. Nhìn những bậc thang dẫn xuống hầm tàu, dẫn xuống lòng nước - như chôn vùi tuổi tên, chôn vùi cả một cuộc đời
Đào Như là bút hiệu của   Bác sĩ Đào Trọng Thể, tác giả đã được trao tặng giải Viết Về Nước Mỹ 2005,   "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất", với các bài “Tự Khúc”, “Dấu Chân Người Lính.” Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại cư dân Oak Park, IL (vùng Chicago) Hoa Kỳ, ông là chuyên gia
Sau khi tham dự thánh lễ Phục Sinh về, đang ngồi viết lại những kỷ niệm buồn vui của đoạn đường di tản từ bãi biển Non Nước đến Cam Ranh rồi Vũng Tàu và chấm dứt đời lính tại căn cứ Sóng Thần vào sáng 30-4-75 thì con gái tôi gọi chỉ cho coi ca sĩ Chế Linh trong bộ quân phục
Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc và vừa học thêm về Management Information System.   Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Làm Lành Vết Thương
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Hạnh phúc rất đơn giản" kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Cường đang đọc lại cuốn sách "Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê mang từ Việt Nam qua Mỹ bỏ nằm ụ trên kệ sách mấy năm rồi mà không có thì giờ rảnh rỗi để nghiền ngẫm.   Hôm nay nhân ngày lễ, ông lấy được một tuần lễ Vacation đầu tiên sau bao năm lận đận với công việc
Nhạc sĩ Cung Tiến