Hôm nay,  

Mười Ngày Thu ở Torana

02/04/201700:00:00(Xem: 13126)

Tác giả: Dương Thiện Tâm
Bài số 5088-18-30788-vb8040217

Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.” Bài viết đầu tiên của ông kể về khóa thiền tập Vipassana, thường được tổ chức tại nhiều thiền viện ở khắp Bắc Mỹ. Với nhiều chi tiết hữu ích cho người muốn tập thiền, bài viết được phổ biến liên tiếp trong 3 kỳ.

* * *

Torana là tên của một thiền viện Vipassana nằm trong một khu rừng rộng 140 mẫu đất, cách thành phố Toronto khoảng 100 cây số về phía Bắc. Toronto cũng còn là thủ phủ của tỉnh bang Ontario, Canada. Tên đúng của thiền viện là Dhamma Torana (Auspicious Gateway of Dhamma).

I. Thiền Quán từ Hơi Thở tới Cảm Giác

Khoá thiền Vipassana 10 ngày của tỉnh bang Ontario lần đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1980. Sau đó thỉnh thoảng những khoá nầy cũng được tổ chức tại những địa điểm khác nhau ở Nam Ontario trong suốt hai thập niên 80 và 90. Vào năm 2001 Ontario Vipassana Foundation được thành lập và họ đã mua được khu cắm trại của Hướng Đạo để sửa chữa lại và xây cất thêm để trở thành Dhamma Torana. Mùa Thu năm 2003 Torana chính thức đi vào hoạt động.

Bây giờ đang là mùa Thu ở Bắc Mỹ. Tôi đã tham dự khoá thiền 10 ngày tại đây như là một người làm công quả (server). Khoá nầy bắt đầu vào ngày Thứ Tư 5 Tây Tháng Mười và kết thúc vào ngày Chúa Nhật 16 Tháng Mười năm 2016 do thầy S. N. Goenka giảng dạy bằng Anh ngữ qua CD và được thông dịch sang Việt ngữ, cũng qua CD. Giọng Bắc trước 1975 của anh V. ở Montréal dịch nghe rất hay. Montréal thuộc tỉnh bang Québec.

Tôi được biết đây là khoá Việt Anh thứ hai được tổ chức tại Torana. Khoá nầy do thầy Thảo và cô Lan phụ trách. Thầy cô là hai phụ tá trong những người phụ tá (Assistant Teachers) của thầy Goenka. Trên văn bản thì những người phụ trách một khoá thiền Vipassana là những phụ tá giảng dạy. Nhưng tất cả mọi người trong khoá đều gọi họ là thầy. Những thầy mà tôi đã học qua đều là cư sĩ.

Hàng năm có nhiều khoá thiền 10 ngày Vipassana được tổ chức tại Torana. Tôi thường theo học khoá mùa Thu. Được đi trên những con đường mòn trong rừng vào mùa nầy với thời tiết mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên rực rỡ màu sắc của lá Thu cùng với bầu không khí thanh tịnh nơi đây thì thật là lý tưởng đối với tôi. Tôi cũng thường theo học những khoá có trăng. Sống trong một chung cư tại thành phố nên tôi ít có dịp được ngắm trăng. Đêm Torana thật tĩnh mịch. Ánh trăng trong đêm 13, 14 và rằm chiếu chênh chếch trên những ngọn cây phong (maples) mùa Thu thật huyền ảo.

Ngày đầu tiên của khoá thiền Vipassana được kể là ngày zéro! Buổi sáng dành để ổn định nơi ăn ở, hành lý và thủ tục ghi danh. Buổi chiều nhập học, nhà bếp có dọn một buổi ăn nhẹ cho thiền sinh. Có hai phòng ăn riêng biệt. Một phòng ăn dành cho nữ và một phòng cho nam. Trong khi chờ đợi dọn ra buổi cơm chiều thì những người làm công quả như tôi tập trung tại phòng ăn trong bếp để nghe huấn từ của thầy Goenka về bổn phận và trách nhiệm khi tình nguyện làm nhiệm vụ cho khoá thiền Vipassana. Bài nầy dài khoảng một tiếng và khác với những bài mà tôi đã có dịp nghe trước đây.

Sau buổi ăn chiều, thiền sinh được tập trung lại để nghe hướng dẫn tổng quát về khoá thiền và nội qui. Đây cũng là một cơ hội chót để thiền sinh quyết định nên tiếp tục ở lại hay nên ra về. Một trong những nội qui là thiền sinh không được nói chuyện với những thiền sinh khác, kể cả ra dấu bằng tay hay bằng mắt. Thiền sinh phải giữ sự im lặng, bắt đầu từ 8 giờ tối ngày zéro đến 10 giờ sáng ngày thứ 10. Sự im lặng nầy được gọi là sự im lặng thanh tịnh (noble silence). Tóm lại, đối với thiền sinh thì tất cả thời gian là dành để học và thực hành thiền Vipassana.

Đúng 8 giờ tối, tất cả thiền sinh và những người làm công quả chúng tôi đến thiền đường để được gọi tên vào chỗ ngồi của mình trong đó. Mỗi chỗ đều có một tấm nệm vuông, tôi đo bằng mắt mỗi cạnh khoảng 8 tấc và dầy khoảng 5 phân. Trên đó đã có sẵn một cái gối hình chữ nhật, chiều dài khoảng 4 tấc, ngang 2 tấc rưỡi và dầy 8 phân. Nệm và gối đều được bao lại bằng áo màu xanh dương đậm. Thiền sinh phải ngồi chỗ đã được chỉ định. Danh sách thiền sinh được ghi trên sơ đồ do những người quản lý khoá học (course managers) giữ để họ có thể điểm danh trong âm thầm vào những giờ ngồi thiền chung. Nếu thiền sinh vắng mặt, thường do ngủ quên, thì người quản lý sẽ đến phòng ngủ để tìm, căn cứ trên sơ đồ chỗ ngồi nầy.

Nếu những ai vì lý do sức khoẻ hay là chưa quen cách ngồi xếp bằng thì có thể cho người quản lý hay để ngồi trên ghế dựa có bốn chân. Thường thì những ghế nầy được xếp sát tường hay phía sau của hàng thiền sinh cuối cùng. Xếp ghế như vậy để không che tầm mắt của thầy cô ngồi trên bục khi nhìn xuống thiền sinh và cũng để tránh cho thiền sinh ngồi dưới nệm phải nhìn thấy cái ghế trước mặt mình.

Tư thế ngồi thiền trên sàn thì không bắt buộc phải theo một tư thế nhất định nào. Thiền sinh tự chọn lấy thế ngồi thích hợp cho mình. Điều quan trọng là phải giữ cho cổ và lưng được thẳng. Hai mắt nhắm lại. Hai cánh tay xuôi theo thân người còn hai bàn tay thì xếp lại sao cho thoải mái và đặt trên bàn chân. Thiền sinh có thể cho bàn tay nầy đặt trên bàn tay kia, cả hai lòng bàn tay úp xuống hay ngửa lên đều được. Hai bàn tay cũng có thể được đặt trên đùi hay trên đầu gối và hai lòng bàn tay úp xuống hay ngửa lên đều được. Kể cả “bắt ấn” (ngón tay cái chạm nhẹ vào ngón trỏ). Thiền sinh có thể ngồi xếp bằng, bán già hay kiết già. Thế kiết già còn gọi là hoa sen, cả hai bàn chân được đặt trên hai đùi và lòng bàn chân ngửa của chân nầy được đặt trên đùi chân kia. Tôi chỉ ngồi được thế bán già.

Cũng có thiền sinh ngồi theo thế cỡi ngựa trên 4 cái gối. Đây là tư thế mà tôi đã ngồi trong mấy ngày đầu khi theo học Vipassana lần đầu tiên. Trong những ngày đó tôi đã tập ngồi xếp bằng trong khi nghe thuyết Pháp. Đến giữa khoá học thì quen và ngồi được luôn khi thiền.

Hằng ngày có ba tiếng ngồi thiền chung tại thiền đường; buổi sáng từ 8 giờ tới 9 giờ, trưa từ 2 giờ rưỡi tới 3 giờ rưỡi và buổi tối thì từ 6 giờ đến 7 giờ.

Sau khi tất cả mọi người lần lượt ngồi vào vị trí đã được chỉ định của mình, từ phía cửa bên hông thiền đường cả hai thầy cô bước vào thiền đường. Khoá thiền Việt Anh mùa Thu 2016 chính thức bắt đầu vào lúc nầy.

Mở đầu là tiếng tụng (chanting) của Goenkaji, tên gọi theo cách gọi của người Ấn Độ để tỏ lòng tôn kính thầy Goenka. Những lời tụng bằng tiếng Pali nầy chỉ là lời dạy của Đức Phật Thích Ca, được trích ra từ các kinh được ghi chép lại. Mục đích là để tạo những sức rung (vibration) thanh tịnh cho thiền đường.

Kế đó tất cả mọi người được yêu cầu lập lại lời xin nương tựa vào tam bảo (Phật, Pháp, Tăng - Buddha, Dhamma, Sangha) và giữ ngũ giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng những chất gây say. Riêng những thiền sinh cũ đã từng học qua một khoá thiền Vipassana 10 ngày giống như khoá đang theo học thì cần phải giữ thêm 3 giới nữa: không ăn sau 12 giờ trưa, không trang điểm và không nằm giường cao.

Tiếp theo đó tất cả chúng tôi được yêu cầu lập lại lời thỉnh cầu để được học Anapana (quán hơi thở). Tất cả những lời lập lại nầy đều bằng tiếng Pali.

Sau cùng tất cả đều được học Anapana bằng cách theo dõi hơi thở ngay lỗ mũi mình mỗi khi hít vào hay thở ra. Thở một cách tự nhiên và bình thường. Đây không phải là bài tập thở mà là “quán” tức là nhận biết hơi thở. Nếu hơi thở ra vào bên trái thì nhận biết rằng hơi thở lúc nầy ra vào bên lỗ mũi trái. Nếu hơi thở ra vào bên phải thì nhận biết rằng hơi thở lúc nầy ra vào bên lỗ mũi phải. Còn nếu hơi thở ra vào cả hai bên thì nhận biết rằng hơi thở lúc nầy ra vào cả hai lỗ mũi. Nếu hơi thở sâu thì nhận biết rằng hơi thở lúc nầy sâu và nếu hơi thở cạn thì nhận biết rằng hơi thở cạn. Thật là đơn giản và dễ dàng phải không quí vị? Nhưng để theo dõi hơi thở liên tục hàng giờ thì cần phải thực tập. Tâm luôn có khuynh hướng hoặc nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hoặc nghĩ về những chuyện chưa xảy đến trong tương lai mà quên làm điều hiện tại, ngay thời khắc nầy. Đó là theo dõi hơi thở.

Sang ngày thứ nhất và ngày thứ hai thì vẫn tiếp tục thực hành Anapana. Thầy Goenka cũng có nhắc là nếu không cảm nhận được hơi thở khi nó trở nên quá nhẹ (vi tế), thì thiền sinh có thể tạo ra vài hơi thở hơi mạnh một cách cố ý. Nhưng sau khi cảm nhận được hơi thở trở lại rồi thì cần phải theo dõi hơi thở tự nhiên của cơ thể một cách bình thường. Thiền sinh cũng được hướng dẫn là cần phải nhận biết được sự phớt chạm của hơi thở vào những nơi mà nó tiếp xúc. Có thể bên trong mũi hay ở ngoài mũi. Cũng có thể là ở cửa mũi hay ở mép. Nếu tâm của thiền sinh đủ bén nhạy thì họ cũng nhận biết một sự thật là nhiệt độ của hơi thở ra ấm hơn một chút so với nhiệt độ của hơi thở khi hít vào. Đây là điều tự nhiên, nhưng thực sự cảm nhận được một cách rõ ràng là điều thiền sinh đang thực tập để đạt đến.


Tối ngày thứ hai sau giờ nghe thuyết Pháp (Dhamma Discourse), thiền sinh được hướng dẫn thêm là trong lúc thực hành Anapana, khi quan sát hơi thở ra vào thì có một phản ứng sinh học, hoá học, hay điện từ nào đó xẩy ra ở khu vực mũi. Những phản ứng sinh học, hoá học, hay điện từ sinh ra nầy không có một chút gì liên quan đến hơi thở cả. Đây là một cảm giác (sensation). Cũng còn gọi là cảm thọ, theo thiển ý tôi. Một khi cảm nhận được là đang có một cảm giác nào đó thì thiền sinh cần tập trung theo dõi cảm giác, nhận biết chúng là cảm giác gì. Nếu không biết tên gọi cũng được. Cảm giác không thể chọn lựa được, tự nó sẽ xẩy đến. Điều quan trọng là chỉ ghi nhận những cảm giác đó thôi mà không phản ứng lại chúng. Thí dụ như khi cảm nhận được cảm giác ngứa thì biết là ngứa thôi, chớ không đưa tay lên gãi. Hành động gãi là phản ứng lại cảm giác ngứa. Cần phải tránh. Chỉ quan sát cảm giác mà thôi. Khoảnh khắc tới đây cảm giác ngứa nầy rồi cũng sẽ qua đi. Không cách gì tồn tại mãi mãi được.

Bắt đầu đêm nay và ngày thứ ba, thiền sinh tập trung quan sát cảm giác thay vì hơi thở ở vùng mũi. Chấp nhận cảm giác và quan sát chúng. Không phản ứng lại với bất cứ một cảm giác nào xẩy đến. Cảm giác luôn có mặt ở mọi nơi trên thân thể. Nếu thiền sinh không cảm nhận được cảm giác ở vùng mũi vì chúng quá nhẹ mà tâm thì đang được huấn luyện để trở nên bén nhạy hơn thì thiền sinh quan sát hơi thở ra vào trở lại. Khi có cảm giác thì quan sát chúng và nếu không có cảm giác thì chuyển qua quan sát hơi thở. Đặt nặng phần quan sát cảm giác hơn phần quan sát hơi thở. Nếu cảm nhận được nhiều cảm giác cùng một lúc ở vùng mũi nầy thì thầy Goenka dặn rằng nên tập trung vào cảm giác nhẹ nhất. Có như thế thì tâm mới trở nên bén nhạy được.

Trong lúc tâm đang tập trung quan sát cảm giác xẩy ra ở vùng mũi, nếu có một cảm giác nào đó mạnh hơn, cũng đồng nghĩa với thô hơn cũng đang xẩy ra ở một vùng khác trên thân thể thì thiền sinh không hướng sự tập trung qua nơi đó. Chỉ tập trung quan sát cảm giác xẩy ra ở vùng mũi mà thôi. Có thực hành như thế thì tâm của thiền sinh mới trở nên bén nhạy hơn vì cảm nhận được những cảm giác nhẹ khó hơn là cảm nhận được những cảm giác thô.

Càng ngày càng thu hẹp diện tích quan sát ở quanh vùng mũi. Từ một vùng quan sát hình tam giác thu hẹp diện tích xuống còn một điểm lớn chỉ bằng đầu ngón tay. Tam giác có đỉnh trên sống mũi, hai đỉnh còn lại nằm ở mép. Nay chỉ một điểm ở trên nhân trung, ngay điểm tiếp xúc với mũi. Nhân trung là rãnh ở giữa mũi và miệng. Quan sát những cảm giác ở điểm nhỏ nầy và không phản ứng lại. Tâm đang được huấn luyện để càng ngày tâm càng trở nên bén nhạy hơn. Từ những cảm nhận thô, dễ nhận thấy đến những cảm nhận được những cảm giác thanh nhẹ, khó nhận thấy.

Thiền sinh đang thực hành giữ giới ở Torana, đây là giai đoạn thứ nhất. Liên tục quan sát hơi thở ra vào hay quan sát cảm giác mà không phản ứng lại, từ khoảnh khắc nầy sang khoảnh khắc khác sẽ đưa thiền sinh tới chánh định. Đây là giai đoạn thứ hai. Thiền sinh được hướng dẫn từ từ để sang giai đoạn thứ ba, tuệ giác.

Một phần ba thời gian đầu của 10 ngày thiền Vipassana nầy là dành cho Anapana và hai phần ba thời gian còn lại là dành cho Vipassana. Cách chia 1/3 và 2/3 thời gian nầy cũng được áp dụng cho những khoá có thời gian ngắn hơn 10 ngày hay dài hơn 10 ngày. Do đó ngày thứ tư là ngày bắt đầu học Vipassana cho khoá 10 ngày. Ngày nầy rất quan trọng. Giờ thiền chung buổi trưa ngày Vipassana được dời lại sớm hơn nửa tiếng, tức là từ 2 giờ đến 3 giờ và ngay sau 15 phút nghỉ giải lao thì vào buổi học Vipassana liền. Buổi học dài một tiếng rưỡi. Trong suốt khoảng thời gian học Vipassana trưa hôm nay thì thầy Goenka yêu cầu tất cả phải ở lại trong thiền đường.

Cũng giống như lời thỉnh cầu để xin được học Anapana vào ngày zéro, thì giờ đây trước khi được truyền dạy Vipassana thiền sinh cũng thỉnh cầu để xin được học Vipassana. Tất cả thiền sinh và những người làm công quả được yêu cầu lập lại lời thỉnh cầu, cũng bằng tiếng Pali.

Thay vì theo dõi cảm giác trên một điểm ở nhân trung như thời gian vừa qua thì bây giờ tập trung theo dõi cảm giác trên toàn thân. Bắt đầu từ đỉnh đầu. Tập trung sự chú ý vào đó để xem nơi đỉnh đầu có cảm giác gì hay không, ngay thời điểm nầy. Tâm sẽ cảm nhận được một cảm giác nào đó ở đây. Rồi từ đó cứ thế mà đưa sự chú ý của tâm đến một vùng khác trên cơ thể để nhận biết những cảm giác ở vùng đó. Diện tích quan sát một vùng rộng khoảng 5 đến 8 phân. Nếu tâm không cảm nhận được cảm giác thì quan sát một vùng lớn hơn. Như cả gương mặt, cả vùng ngực. Rồi sau đó từ từ thu hẹp diện tích quan sát trở lại. Cảm giác có thể như “thấy” kiến bò, có thể là những cảm giác phập phồng, ngứa ngáy. Có thể là những cảm giác khó chịu, dễ chịu, tê, nóng, lạnh, đổ mồ hôi... hay cũng có thể là những cảm giác không tên, không biết gọi là gì.

Chúng tôi được hướng dẫn là chỉ quan sát chúng thôi mà không phản ứng lại. Cũng không đồng hoá mình với cảm giác đó. Những cảm giác nầy luôn thay đổi từng giây phút.

Đa số độc giả có lẽ đã nghe qua chữ vô thường. Thực hành Vipassana quí vị sẽ thật sự nhận thấy được sự vô thường ở ngay trên thân thể mình. Sự biến đổi, sinh diệt liên tục của tế bào cùng với những phản ứng hoá học trong cơ thể tạo ra những cảm giác. Quan sát những cảm giác nầy. Không ưa thích chúng khi cảm nhận được những cảm giác dễ chịu. Không ghét bỏ chúng khi cảm nhận được những cảm giác khó chịu. Luôn giữ tâm an bình, thanh thản. Sự hiểu biết về luật vô thường nầy là qua kinh nghiệm của từng thiền sinh chớ không phải là sự hiểu biết qua sách vở.

Phương pháp giảng dạy của thầy Goenka rất khoa học. Tôi có thể nói rằng ai cũng học được. Từ ngày thứ tư cho đến hết khoá, mỗi ngày tất cả chúng tôi được học thêm một chút. Tất cả chỉ là sự chú tâm quan sát cảm giác ngay trên chính cơ thể của mình.

Quan sát cảm giác khắp thân thể bằng cách hướng tâm mình đến từng vùng một. Trước hết hãy chọn lấy một con đường thích hợp và hướng tâm theo đường đã chọn để đi đến từng vùng và quan sát cảm giác ở vùng đó. Chọn một thứ tự đường đi sao dễ nhớ để tránh trường hợp bỏ sót một vùng nào đó. Liên tục di chuyển tâm mình. Từ trên đỉnh đầu xuống dưới ngón chân, rồi theo chiều ngược lại. Từ bề mặt ngoài của da vào đến khắp các nội tạng bên trong cơ thể, rồi ngược lại.

Thời gian để quan sát một vòng trung bình khoảng mười phút, nếu thiền sinh cảm nhận được cảm giác ở khắp mọi nơi trên thân thể. Quan trọng là không bỏ sót một vùng nào hết và không phản ứng lại với những cảm giác cảm nhận được. Nếu không cảm nhận được cảm giác ở một nơi nào đó trên cơ thể thì có thể ngừng lại ở nơi đó khoảng một phút, rồi di chuyển sự chú tâm vào vùng kế đó. Chúng tôi được dạy rằng không cảm nhận được cảm giác không có nghĩa là nơi đó không có cảm giác nhưng vì tâm chưa đủ bén nhạy để nhận biết. Lần quan sát tới hay là lần quan sát tới nữa thì sẽ nhận được một cảm giác nào đó ở vùng mù mờ nầy. Bất cứ nơi nào thân thể cũng đều có cảm giác. Không cảm giác nầy thì cũng cảm giác nọ, hai mươi bốn giờ một ngày trong lúc thức cũng như lúc ngủ vì sự sinh diệt liên tục xảy ra.

Những gì tôi vừa kể chỉ là một phần nhỏ của sự hướng dẫn cách thực hành Vipassana. Mục đích chỉ để ghi lại những gì tôi đã học được trong thời gian ở Torana. Để học Vipassana chân truyền từ thầy Goenka thì không gì bằng đến một thiền viện. Những thiền viện Vipassana như Dhamma Torana nầy có mặt khắp nơi trên thế giới và được dịch ra khoảng 80 thứ tiếng. Tất cả thiền viện Vipassana nầy đều có cùng thời khoá biểu và nội qui. Sự giảng dạy cùng những bài thuyết Pháp bằng CD hay băng cassette đều do chính Goenkaji giảng. Còn người thầy phụ trách khoá học có nhiệm vụ chính là trông chừng thiền sinh trong thiền đường và trả lời các câu hỏi hay thắc mắc có liên quan đến những lời hướng dẫn của thầy Goenka. Nếu có câu hỏi thì thiền sinh hay người làm công quả có thể ghi tên xin gặp riêng thầy trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 1 giờ trưa. Ngoài ra thì họ cũng có thể hỏi thầy sau giờ hướng dẫn cuối ngày, vào lúc 9 giờ đêm.

Trong mười ngày thực hành Vipassana, thiền sinh ngồi thiền mỗi ngày khoảng mười tiếng. Tiếng kẻng báo thức đầu tiên trong ngày vào lúc 4 giờ sáng. Nửa tiếng sau, 4 giờ rưỡi bắt đầu giờ thiền trong ngày. Có thể ngồi ở tại phòng mình hay trong thiền đường đến 6 giờ rưỡi. Theo tôi thì khoảng thời gian nầy rất quan trọng vì hàng ngày vào giờ nầy thầy Goenka tụng khoảng nửa tiếng tới 45 phút để tạo bầu không khí thanh tịnh trong thiền đường cho cả trọn ngày hôm đó. Tôi thường đến thiền đường trong khoảng thời gian nầy nhưng chọn ngồi trong thất (cell). Cứ cách ngày thì tôi rời thất lúc 5 giờ hai mươi để vào bếp phụ với những người làm công quả khác chuẩn bị bữa ăn sáng cho thiền viện vào lúc 6 giờ rưỡi.

Kỳ tới: Ba tầng Sankharas, Nghệ Thuật Sống và Chết

Dương Thiện Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 866,802,351
Con may mắn được mẹ sinh con tại Mỹ, tỉnh Alexandria bang Virginia . Mẹ dạy con nói tiếng Việt từ thuở còn thơ. Mẹ nấu cơm Việt cho con ăn. Mẹ kể lại chuyện xưa, ông bà ngoại dạy dỗ mẹ chu đáo nên ngày nay nhờ kinh nghiệm đó mẹ rèn luyện chúng con nên người tốt. Mặc dầu sanh đẻ tại Mỹ nhưng con lúc nào cũng nghĩ tới
Chiều nay trên đường từ sở về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi đi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe
Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại Seattle , tiểu bang Washington . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà, “Con Đi Trường Học...” là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, đã được phổ biến ngày 13-1-2006 với bút hiệu Hồng Ngọc-Vương. Bài viết thứ hai
Mẹ ơi! Biết bao giờ con mới được gọi lại tiếng "Mẹ" ngọt-ngào đầy yêu-thương này! Ngày Mẹ còn sống, gọi tiếng Mẹ đã thấy ấm lòng, thấy chứa-chan tình-cảm. Bây giờ Mẹ không còn nữa, tiếng Mẹ làm con xót-xa tận cõi-lòng, chẳng bao giờ con còn có dịp ngồi bên Mẹ, nắm lấy tay Mẹ rồi nói
Những ngày đầu bà Bẩy vui vẻ đi đây đi đó. Thấy gì cũng lạ, cũng đẹp, nhưng cái cảm giác lớn nhứt bà có là thấy mình   an toàn.   Không bị hạch xách, không bị hỏi han, điều tra, điều này điều nọ, bị sợ sệt khi phải đến cơ quan công quyền mà bà đã gặp phải ngày xưa.... Trong bữa ăn tại nhà con gái, có đông đủ
Bởi vì Việt Kiều chẳng mấy ai quan tâm đến những điều ấy, có người không chịu ở nhà mà ra ở khách sạn   cho thoải mái và chẳng muốn làm phiền đến ai. Họ muốn thăm ai thì tự nhiên đến nhà, ăn uống thì đơn giản không cầu kỳ, chẳng cần cao lương mỹ vị gì hết, có rất nhiều người xà vào quán hàng trong nhà lồng
Tôi mơ mơ màng màng nheo mắt nhìn chiếc đồng hồ bên cạnh giường ngủ, và vội vàng ngồi bật lên vì đã gần 12 giờ trưa. Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng và khó chịu lắm, nhưng nghĩ tới mảnh giấy mẹ để trên gối, tôi chạy vội ra nhà bếp không kịp đánh răng rửa mặt. Tối hôm qua, phải nói là sáng nay mới đúng
Con không dám đi cửa trước, con vòng ra cửa sau. Mùa Xuân đã trở lại, những củ   tulip con trồng trên luống mùa thu năm nào trước khi bỏ đi đã mọc lên và ra hoa, những bông hoa tulip mà cha yêu. Mọi thứ trông buồn bã và tàn tạ, chỉ có những bông hoa tulip rực rỡ. Mầu đỏ và vàng, xen lẫn với những mầu hồng nhạt
Vì nhà tôi khá xa trường, tôi luôn cố gắng căn giờ để dù có kẹt xe cũng tới trường sớm ít nhất nửa giờ. Tôi muốn tránh cho mình tình trạng phải phóng xe vội vã trong nỗi hồi hộp lo âu sợ trễ; hoặc hớt hải tới trường vừa sát giờ dạy; hoặc tệ hơn, tới sau khi chuông vào lớp đã reo! Kinh nghiệm cho tôi biết, chính trong ít phút
Vận nước nổi trôi, tôi đến Hoa kỳ vào tháng chín năm 1975.   Ngồi trên xe từ phi trường về nhà trọ, tôi thấy ngay cái không khí ở đây khác với không khí tại những nơi tôi đã đi qua.   Nó có phần tươi mát hơn, khoáng đạt hơn.   Không phải là một người trong ngành y khoa, tôi không biết cái gì đã kích thích ngũ quan
Nhạc sĩ Cung Tiến