Hôm nay,  

Kể Chuyện Ở Tiệm Nails

26/09/201700:00:00(Xem: 16399)
Kể Chuyện Ở Tiệm Nails
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5228-19-31071-vb3092617


Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.

* * *

Ông chủ tiệm bán đồ lưu niệm.

Trong cái khu buôn bán nhỏ này, có khoảng 10 tiệm. Ông Jack là chủ tiệm bán đồ lưu niệm. Còn tôi là thợ của tiệm tóc và nails.

Ông ta là một người Mỹ da trắng, dạng tầm tầm, không cao to như phần lớn người Mỹ, thường đến tiệm để cắt tóc, làm móng tay móng chân

 và cả massage nữa. Ông hiền lành, dễ tính, và rộng rãi, luôn luôn cho nhiều tiền tips.

Bà chủ cắt tóc, tôi thì làm móng tay chân và cô Hoa làm massage cho ổng.

Ngoại trừ cắt tóc thì ổng không ngủ gật trên ghế, chứ tôi làm tay chân chỉ một vài phút là ổng ngáy o o...còn massage thì khỏi phải bàn  luôn, ổng ngủ cho đến khi có người đánh thức dậy, ngủ say sưa chẳng biết trời trăng mây gió chi hết.

Tuy nhiên, đó không phải là điều làm tôi nhớ về ông khách của mình. Sau khi tôi vào làm được 2 tháng thì bà chủ tôi, một ngày nọ thắc  mắc:

“Hồi mô tới chừ, ông Jack cũng tới tiệm làm đủ thứ, cũng cho tiền tips, nhưng không hề mời mọi người ăn bánh.”

“Ý chị là răng?” Tôi tò mò.

“Tui để ý, từ ngày có chị tới đây làm, khi mô qua làm ổng cũng mua bánh cho mọi người ăn, đúng chưa?”

Bà chủ cười.

“Em tưởng mấy chị thích ăn bánh thì ổng mua cho, chơ em thì càng không thích bánh, chỉ thích ổng cho thêm tiền tips thôi.” Tôi phân bua.

“Vậy sao tui nghe ổng hỏi chị thích bánh chi, thì chị nói là bánh “Oatmilk Raisin”. Bà chủ cười.

“Đúng là ổng có hỏi, em lại không muốn mất lòng ổng, nên nói đại một thứ, chứ chị có thấy khi mô em đem bánh đi ăn.” Tôi khẳng định.

Mà thật ra ông mời mọi người trong tiệm ăn bánh, chứ không riêng chi tôi, kể cả cô thợ da đen thuê một góc trong tiệm để cắt tóc.

Làm chỗ đó được một năm thì tôi sang lại một tiệm riêng. Tiệm của tôi không xa tiệm cũ là mấy, chỉ cách có ít trăm mét thôi.

Một buổi sáng, ổng bước vô tiệm, tôi mừng quá:

“Ông có khoẻ không? Ông đi đâu vậy?”

“Tôi muốn được làm chân tay.”

Và cũng như hồi trước, tôi bắt tay vào làm khoảng 15 phút thì bắt đầu nghe tiếng ngáy ro ro của ổng.

Sau đó thỉnh thoảng ổng lại ghé tiệm làm, nhưng ông không hề mua bánh! Thay vào đó ông thường mua mấy chậu hoa nhỏ nhỏ đem cho.

Mà có người cho thì phải có người nhận, đúng chưa? Chứ không lẽ đem đi vất, tội trời chết!

Một buổi sáng, tôi phải vào bệnh viện thăm người quen. Đang ở trong đó thì có khách gọi, nên tôi vội vàng chạy ra xe để về làm. (Tiệm của tôi rất gần bệnh viện, chỉ cách có 5 phút lái xe thôi.) Trong lúc hấp tấp bước ra khỏi cửa thang máy, thì tôi thấy ông Jack đang đứng quay lưng trước cái máy ATM để ở phòng chờ của bệnh viện. Vì đang lúc vội nên tôi không dừng lại chào ổng.

Sau đó một tuần thì ổng đến làm, tôi hỏi:

“Hôm trước thấy ông ở bệnh viện, nhưng tôi đang vội, nên không thể tới chào ông được. Ông đi thăm ai nằm bệnh viện hay ông phải đi bệnh viện vậy?”

“Tôi đi gặp bác sĩ. Tôi bị bệnh trầm cảm, từ lâu lắm rồi…”

Trong lúc săn sóc bàn tay thì ông kể cho tôi nghe chuyện đời ông, từ hồi nhỏ, cho đến giờ… Phải nói là buồn nhiều hơn vui, và quả thật, nếu chỉ nhìn một người qua bề ngoài của họ thì khó mà đoán được bao thăng trầm họ đã trải qua.

Rồi một buổi sáng, còn sớm lắm, tôi mở cửa sau để dọn dẹp làm vệ sinh, đổ rác. Đang lững thững đi về tiệm, thì tôi thấy ông đứng thập thò ở cửa sau, tôi hỏi:

“Ông đi đâu mà sớm vậy?”

“Tôi chỉ ghé ngang để báo cho cô biết là tôi đã bán tiệm rồi, chắc không đi về khu vực này thường xuyên nữa, nên tôi tin cô hay để cô khỏi trông, luôn tiện, muốn tặng cô chậu hoa.”

Thấy tôi có vẻ lo lắng, ông trấn an:

“Có người trả được giá, nên tôi bán. Với lại hai vợ chồng tôi vẫn còn giữ cái tiệm ở dưới phố.”

Chậu hoa ông tặng là chậu hoa hồng bé xíu, loại trồng ở trong nhà, nên tôi chưng ở tiệm. Thỉnh thoảng ông chồng tôi ghé ngang chơi, thường  đùa:

“Ông khách của bà chắc là phải mến bà lắm mới mua loại hoa này đó nghe, coi chừng tui đó…"

Bẵng đi gần 2 năm, trong một lần tình cờ nói chuyện với bà chủ cũ, thì bà nói:

“Chị có nghe tin về ông Jack chưa?”

“Tin chi rứa chị ?” Tôi hỏi.

“Ổng tự tử chết rồi, tội nghiệp ghê.”

Tôi không chỉ buồn vì nghe tin ông mất, mà tôi buồn vì mình biết nhiều về nỗi buồn của ông nhưng đã không thể giúp gì ông được, giờ đây tôi chỉ biết cầu mong cho ông tìm thấy bình yên nơi xa xôi dịu vợi nào đó.

RIP. Rest In Peace, người khách hàng đáng mến của tôi.

 

*

Ông Jack qua đời rồi, tôi lại có một khách quen, quen lắm đến thành thân thuộc.

Ông này là lính Cứu hoả nhưng nghỉ hưu mấy năm rồi.  Một hôm, nhân lúc rảnh rỗi, tôi vừa làm móng vừa hỏi:

“Ông có kỷ niệm gì của những năm làm lính Cứu hoả không, kể cho tôi nghe với.”

Chậm rãi, ông kể:

“Một buổi sáng thứ Bảy, khoảng sau 9 giờ sáng, tại thành phố Tucson, tiểu bang Arizona, nhiều nhiều năm về trước rồi...

Hai cha con của Carol là hàng xóm của tôi.

Con bé Carol cùng cha của nó tới tiệm giặt ủi vì cái máy giặt ở nhà sáng hôm đó bị hư.

“Xui xẻo thiệt, đợi đầu tháng lãnh lương sẽ mua cái mới”. Cha cô nói.

Ông già để áo quần giặt vào máy, rồi trong khi đợi máy giặt, ông đi tới chợ mua gói thuốc hút. Carol thì vừa giúp cha lựa áo quần theo  màu để giặt, vừa cuốn tóc lên từng lọn.


Đang còn sớm nên tiệm giặt ủi vắng hoe.

Trong khu buôn bán này, có tiệm rượu, tiệm ăn, nhà thờ nhỏ, văn phòng bảo hiểm, nhưng lúc này vẫn còn đóng cửa im lìm vì tất thảy đều  mở cửa sau 10 giờ. Riêng tiệm giặt ủi và cái chợ nhỏ thì mở cửa lúc 9 giờ sáng.

Một chiếc xe tải đang giao thịt, người lái xe đẩy từng thùng vào phía sau chợ, nơi có phòng lạnh để giữ thịt. Nhận hàng là người phụ  nữ vừa đọc cái nhãn ngoài thùng, vừa đánh dấu vào cuốn sổ.

Phía trước của phòng lạnh là quầy thịt. Người đàn ông phụ trách quầy đang chia thịt thành từng phần nhỏ trước khi bỏ vào  dẫy tủ kính.

Ngoài sân, có chiếc xe vừa trờ tới, người vợ bước ra, “Ông không đi chợ cùng với tôi à?"

Nhưng ông chồng làm biếng, “Bà chỉ mua miếng thịt với ít rau thôi mà, phải không? Tôi đợi ở chỗ đậu xe, khi nào bà ra thì tôi đưa xe  lại đón, hôm nay không có hứng.”

Bà vợ vừa cười cười, lắc lắc đầu, vừa bước vào chợ. Hôm nay kỷ niệm 25 ngày cưới, họ quyết định làm bữa tối ăn, không đi ăn ngoài như  mọi năm.

Trên bầu trời, một chiếc máy bay quân sự loại nhỏ, đột nhiên hai viên phi công phát hiện máy hỏng, họ tìm mọi cách để lái máy bay ra khỏi khu dân cư nhưng bất lực, nên đành bấm nút tự động nhảy dù để thoát hiểm.

Chiếc máy bay mất điều khiển, lao nhanh xuống ngôi chợ. Mặt đất rung chuyển, ..ầm ầm.., và lửa bùng lên, một vùng khói đen dày đặc như  trái banh khổng lồ, trong phút chốc bao trùm mái ngôi chợ.

Carol đang ở tiệm giặt ủi, chợt nghe như thể cả chục chiếc xe tông vào nhau, kêu rít điếc cả tai, mùi khét lẹt nên giật mình chạy ra ngoài nhìn coi chuyện gì xảy ra.

Cô thấy phần gương phía trước của tiệm rượu, bên cạnh cái chợ biến thành màu vàng rực, chói loà.

Cha cô vừa chạy vừa hét “Máy bay rơi ở chợ, chạy ra khỏi đây thôi…”

Hai cha con hối hả lên xe chạy về nhà. Họ không thể đi theo lối cũ vì xe cảnh sát, xe cứu thương, ùn ùn kéo tới, hú còi inh ỏi.

Chiếc máy bay bị rơi, ngay phía sau chợ, nơi quầy thịt, có bà khách đang đứng đợi lấy thịt. Lửa cháy dữ dội, không gì có thể sống sót...

Người bán thịt, đang ở phòng lạnh phía sau để lấy miếng thịt mới theo yêu cầu của bà khách, bị hất văng ra ngoài, phải mấy giây sau mới tỉnh dậy, vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cho đến khi Cứu hoả đến.

Người phụ nữ làm việc trong phòng lạnh vừa lên phòng kế toán để đưa giấy tờ, bây giờ thất thần nhìn chợ cháy, vừa quỳ gối cầu nguyện vừa khóc.

Người lái xe tải đang đi restroom nên thoát nạn.

Những người lính Cứu hoả sau khi dập lửa, đang thu dọn vật dụng và đợi để xem lửa có bùng phát lại không.

Người quản lý chợ đã nói với Đội trưởng của đội lính Cứu hoả rằng, họ đã điểm danh, nhân viên trong chợ may mắn không ai bị thương vong.

Một người lính Cứu hoả báo cáo với ông là tìm thấy một xác chết. Phải đưa đi xét nghiệm, trước khi công bố danh tính.

Vậy thì người phụ nữ chết cháy là khách hàng chăng?

....Có một người đàn ông cứ lảng vảng đi tới đi lui ở ngoài bãi đậu xe.

Không ngăn được tò mò, cuối cùng, ông Đội trưởng tới hỏi, “Ông không nên ở lại khu vực này, nguy hiểm. Hay ông tìm ai?”

Người đàn ông nói “Tôi đợi vợ tôi, ông à.”

Ông Đội trưởng nắm chặt tay người đàn ông nọ, mà câm lặng, "Trời ơi, người phụ nữ chết cháy bên trong chợ, nơi quầy thịt…”

Kể lại cho tôi nghe, ông Cựu Đội Trưởng Cứu Hoả nói:

"Nhưng làm sao tôi có thể thông báo một tin kinh khủng như vậy, phải không cô? Làm sao?”

Mắt ông ướt như thể ông khóc...

 

*

Chuyện ở tiệm nails của tôi chắc kể hoài không hết. Xin thêm một chuyện nhỏ về giấc mơ.

Tôi có một cô khách trẻ người Mễ, thỉnh thoảng cô dẫn Mẹ tới chỗ tôi để làm đẹp, cũng gần 10 năm rồi.

Hôm qua, hai mẹ con lại đến. Sau những câu hỏi xã giao thông thường, đột nhiên bà mẹ hỏi tôi:

"Minnie à, đêm qua tôi mơ một giấc mơ rất kỳ lạ, có liên quan đến cô đó!"

"Thật à?"

Tò mò tôi hối:

"Bà kể cho tôi nghe coi nà! Có chi vui hay có chi ngon trong đó không?"

Tính tôi vậy mà, thích vui và thích ăn lắm! Mà có ai lại không thích hai điều đó nhỉ?

Chậm rãi bà kể:

"Tôi thấy cô đang quỳ gối, hai mắt nhắm nghiền, đầu hơi cúi xuống, hai tay chắp trước ngực, như đang cầu nguyện. À, xung quanh cô là cả một thảm hoa, nhiều loại, nhiều màu. Tôi nhìn cô một lúc, mà dường như cô đang chìm đắm vào thế giới khác, không lay động. Cuối cùng, tôi lay vai cô, hỏi: Cô cầu nguyện cho ai vậy?"

Cô trả lời, "Tôi cầu nguyện cho bà đó!" Giấc mơ chỉ có vậy. Cô có thể giải thích cho tôi không? Thế tối qua Cô có mơ giống tôi không?"

Thật tình tôi hơi bối rối. Tối qua ư? Tôi không nhớ mình có nằm mơ gì không. Tôi thuộc dạng, hễ nằm là ngủ! Không mơ! Nên thú thật với bà khách:

"Không, tôi không có mơ gì cả."

Bà căn vặn:

"Vậy thì giấc mơ đó có ý nghĩa gì?"

Tôi nhìn vào mắt bà, nói thành thật:

"Tôi không biết ý nghĩa của giấc mơ đó, bà à. Nhưng có một điều tôi biết, đó là, hằng đêm, trước khi ngủ tôi thường cầu nguyện."

"Cô cầu nguyện cho ai? Cầu điều chi?" Bà hỏi lại.

Tôi nói:

"Trong ngày làm việc ở đây, tôi nghe ai bị hoạn nạn, bệnh tật, thì tối về, như một cuốn phim quay ngược trở lại, nhắc nhở tôi rằng mình đang may mắn hơn bao nhiêu người khác. Và có thể, lần vừa rồi, sau khi nghe con gái bà kể về bệnh tình của bà, tôi đã nghĩ đến và cầu nguyện cho bà được mau lành bệnh."

Trước khi ra về, bà ôm và hôn trên tóc tôi, nói khẽ:

"Cho dù tôi không lành bệnh, tôi cũng cám ơn cô đã cầu nguyện cho tôi."

Bà bị ung thư ruột giai đoạn cuối.

Nếu bạn là tôi, bạn sẽ nói gì?

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
18/10/201722:10:29
Khách
Chuyện rất hay
26/09/201709:25:13
Khách
Chuyện rất... mọi ngày, rất tình người! Kể nữa đi chị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 867,351,034
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến