Hôm nay,  

Làm Hòa Với Tên Trộm

11/10/202400:26:00(Xem: 3247)

Tên Trộm

Tên trộm đang nhảy lên bức tường cao và chuẩn bị nhảy xuống đất thoát đi. Ảnh: tác giả chụp.

  
Nguyễn Văn Tới - Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018, giải vinh danh Tác Phẩm 2019 và giải vinh danh Tác giả, Tác phẩm 2021. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ông định cư tại Mỹ từ 1990, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của ông kể chuyện ông bị một tên trộm viếng nhà và cách giải quyết đầy lòng nhân ái của tác giả.

*
Người Việt Nam mình hay nói “ông này có số sướng”, bà kia “có số hưởng” v…v… Riêng tôi, tôi có số…  gặp trộm, nói nôm na là tôi chạm trán với mấy ông đệ tử của thần Đạo Chích lần này là lần thứ hai từ ngày sống trên đất Mỹ (https://vvnm.vietbao.com/a247116/nha-bi-trom). Ở đời, có nhiều chuyện dở khóc dở cười xảy ra mà chính các nhân vật trong truyện cũng phân vân không biết phải ứng xử như thế nào.
 
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
 
Trong kinh thánh Tân Ước, chúa Giê Su khi đi rao giảng tin mừng, Ngài có nói:  nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em của ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa, quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho các ngươi biết: ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng! (Matthew 5, 20-26.)

Thật ra, tôi không phải là con chiên ngoan đạo, thực hành lời Chúa triệt để, nhưng tôi có lý do riêng của tôi là muốn cho tên trộm biết người Việt Nam, tuy nổi tiếng trong quá khứ là một dân tộc sống trong chiến tranh, hận thù, tàn bạo, và chết chóc, nhưng là một dân tộc có lòng nhân ái, biết tha thứ và sống chung hòa bình. Vì vậy, tôi mở ra cho tên trộm một lối trở về, một cơ hội; thêm nữa, bản chất người Việt Nam luôn đậm tình làng xóm, biết bán anh em xa, mua láng giềng gần.
 
Số là tôi vừa lấy lại một căn nhà cho thuê ở thành phố Mesa, Arizona, cách nơi tôi đang sống khoảng 200 dặm và muốn tân trang lại mới hoàn toàn để gia đình tôi dọn vào ở. Tôi hẹn với thợ vào sáng hôm sau, nên hôm trước, tôi chở theo ít đồ nghề và vài đồ đạc cá nhân, dự định sẽ ở lại vài ngày để chỉ dẫn cho thợ phải sửa và thay những thứ gì. Căn nhà trống, không có đồ đạc, không có cả giường ngủ. Tôi kéo cái ghế bố quân đội ra để ngủ tạm. Tên trộm đột nhập vào nhà lúc nửa đêm về sáng tính chuyện đem đồ đạc của tôi về làm của cải nhà hắn hay sao đó.
 
Tôi rượt nó chạy vắt giò lên cổ. Nó cao to và trẻ tuổi, sức lực tràn trề nên khi bị rượt sát nút, nó bèn thi triển tuyệt đỉnh công phu “lăng ba vi bộ”, phi thân một cái, đứng lên đỉnh bức tường gạch cao 6.2 feet, nhảy ra ngoài vườn và “chạy mất dép”, bỏ tôi đứng lại một mình, ngẩn tò te vì tôi không nhảy qua nổi bức tường cao như thế.
 
Tên trộm cũng biết lựa giờ khi đột nhập vào nhà lúc 02:45, giờ mà mọi người đang ngủ ngon nhất. Tôi thuộc loại người chỉ ngủ bằng một mắt và một lỗ tai, hoặc do phản xạ tự nhiên được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài khi tôi còn đi làm trong trại lính vùng Trung Đông. Tuy đang say giấc nồng, nằm trên chiếc ghế bố, tôi vẫn nghe được tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi, rồi ánh sáng nhấp nháy, chập chờn trong vườn sau, phía hồ bơi.
 
Tôi choàng dậy, chụp lấy cái head-light đeo lên đầu, nhét cái phone vào túi quần, và chạy ra mở cửa sau, tính ăn thua đủ với hắn mà quên rằng trong tay không có lấy một vũ khí tự vệ hay thậm chí một cây gậy. Cái đèn mang trên đầu tôi là loại quân đội Mỹ hay xài, nó rất sáng, khiến tên trộm bị lóa mắt, không thấy được tôi, còn tôi thấy rõ được mặt hắn. Nó còn rất trẻ, khoảng 25-30 tuổi, mặc toàn đồ đen, da trắng, tướng tá dễ coi và cao lớn, ít ra cũng trên 6 feet. Khuôn mặt hắn thất thần, mắt mở to, miệng lắp bắp không thành tiếng khi tôi hét lớn “who the f … are you?”.
 
Tiếng hét của tôi chắc không thua gì tiếng hét Kiai của một võ sĩ Aikido trước khi dùng sống bàn tay chém một cú Atemi hạ đo ván đối thủ. Hồn vía lên mây, nó quay người bỏ chạy, có lẽ nó không ngờ có người trong căn nhà trống này. Sực nhớ mình tay không, tôi trở ngược vô nhà, chụp lấy thanh gỗ chặn cánh cửa kéo (sliding door) làm vũ khí vì tên trộm quá cao to so với vóc dáng nhỏ bé của một ông già như tôi. Diễn tả thì chậm, nhưng hành động thì nhanh như chớp, tôi quay lại, rượt hắn chạy về phía khoảng sân bên hông nhà. Nhưng không kịp nữa rồi, chỉ vài giây ngắn ngủi nhưng đủ để nó bỏ lại “tôi với trời bơ vơ”. Xin lỗi nhạc sĩ Tùng Giang, vì tôi đứng sững giữa sân một mình, nhảy theo không được, chỉ biết bơ vơ đứng nhìn trời.
 
Khi hắn nhảy được lên nóc bức tường, nhìn xuống đất trong đêm tối, có lẽ độ cao khiến hắn sợ hãi bị gãy chân nên hắn chần chừ; trong phút chốc ngắn ngủi đó, tôi móc phone ra và chụp được hình của hắn. Ánh chớp của cái phone làm hắn hoảng sợ, nhảy đại ra ngoài sân trước và chạy thật nhanh biến vào bóng đêm. Tôi bị kẹt bên trong cổng bị khóa nên phải chạy ngược vô trong nhà để mở cửa chính, tiếp tục truy đuổi hắn ta. Hắn đã biến mất trong ánh sáng mờ ảo của đèn đường trong  bóng đêm. Tôi gọi cảnh sát. Họ đến thật nhanh trong vòng 5 phút. Cả hai viên cảnh sát cùng tôi đi quan sát hiện trường, họ làm bản tường trình những gì họ thấy theo lời kể của tôi.
 
Tôi gởi bức hình qua cái phone của viên cảnh sát. Họ hoàn thành biên bản và “text” lại cho tôi “case number” gồm nội dung và cả tấm hình của tên trộm mà tôi gởi cho họ. Họ chào tôi, ra về, không quên căn dặn tôi đừng liều lĩnh đuổi theo tên trộm vì nó có thể mang theo vũ khí và vì nó to lớn hơn ông rất nhiều. Nghĩ lại, tôi thấy mình cũng liều khi trực diện với tên trộm cao lớn và sức vóc hơn mình nhiều lần.
 
Ngay hôm sau, tôi đi chào hàng xóm mới, trước nhất muốn làm quen với họ, tiện dịp kể họ nghe câu chuyện đêm qua để họ đề phòng. Tôi đưa bức hình coi họ có nhận ra ai trong xóm này không? Không ai biết. Tôi ghé qua làm quen với gia đình hàng xóm sát nhà bên trái. Cả hai ông bà có vẻ hiền lành, dễ mến. Họ tiếp đón tôi rất vui vẻ, mời vào nhà hỏi thăm ân cần. Hai ông bà cho hay ông bà nội cũng là di dân từ Thụy Điển đến nước Mỹ trước đệ nhị thế chiến. Tôi cũng tự giới thiệu mình là người Việt Nam, phải bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng sản.
 
Hai ông bà rất vui khi có một người Á Châu dọn đến trong xóm, mà lại là người Việt Nam. Xưa nay họ chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến gây tranh cãi nhất ở nước Mỹ. Một cuộc chiến dài đăng đẳng với chết chóc, tàn phá, và hận thù, nơi mà hơn 50 ngàn lính Mỹ đã hy sinh, để lại những vết thương lòng không hàn gắn nổi cho đến bây giờ.
 
Trước khi ra về, tôi kể họ nghe chuyện đêm qua và đưa bức hình tên trộm, hỏi ông bà có biết người này không. Cả hai nhìn chăm chú vào cái phone của tôi, ánh mắt họ thoáng chút bối rối, rồi hỏi tôi sao có bức hình này. Tôi hiểu ngay rằng họ biết tên trộm này là ai. Bà xin phép mượn cái phone của tôi và bước vào nhà sau, nói chuyện với đứa con trai khác của ông bà. Khi trở ra, bà mời tôi ở lại thêm một chút nữa để bà nói chuyện.
 
Hai ông bà cho biết đây là đứa con riêng của bà với chồng trước. Nó tên là S., không sống chung với ông bà, nhưng thỉnh thoảng ghé qua ăn bữa cơm. Nó mới bị cho nghỉ việc ở một hãng xưởng trong thành phố. Ông bà cho hay sẽ nói chuyện với nó vì nó nợ tôi một lời xin lỗi rất lớn. Ông bà cũng thành thật cám ơn tôi đã cho hay và xin tôi cứ tự nhiên báo cảnh sát để bắt đứa con hư hỏng này.
 
Tôi cho họ hay cảnh sát đã có bức hình và biên bản về vụ trộm tối hôm qua. Tôi bắt tay ông bà, không hứa hẹn điều gì, và ra về trong một tâm trạng không biết nên vui hay buồn. Tôi có thể cảm nhận được sự chân thành trong lời nói của ông bà. Tôi nghĩ rằng S. không có việc làm nên đói ăn vụng, túng làm liều, chứ nó không phải là một tên trộm chuyên nghiệp: khi đụng độ với tôi, nó đã khiếp sợ và quay đầu bỏ chạy. Có lẽ khi về thăm gia đình, nó thấy căn nhà không có người ở cả tháng nên tò mò và đánh liều vô coi có gì không.
 
Tôi quyết định sẽ gặp S. và ngồi xuống nói chuyện với nó. Tôi điên thoại hỏi ông bà hàng xóm khi nào nó về, cho tôi hay. Một buổi trưa, S. lái xe về thăm cha mẹ. Tôi bước qua nhà. S. bước ra bắt tay, vẻ mặt bối rối, đầu cúi xuống, thái độ luống cuống và xấu hổ; lời đầu tiên nó xin lỗi và thú thực là tối đó đi uống rượu về, tò mò muốn biết coi nhà kế bên có gì không. Sau một hồi chuyện trò, tôi hứa với nó là sẽ không truy tố nó ra tòa theo yêu cầu của cảnh sát. Tôi sẵn lòng bỏ qua, coi như chưa có gì xảy ra. S. ôm tôi thật chặt và hứa sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái. Nó bịn rịn tiễn tôi ra cửa. Ba má nó theo sau, bắt tay và cảm ơn không ngớt, trên gương mặt dãn ra vẻ vui mừng.
 
Tôi nghĩ rằng với sự rộng lượng, nhân ái của mình, có thể giúp S. tìm lại con đường đúng đắn trong cuộc sống. Anh ta sẽ phải nhìn lại bản thân mình và suy nghĩ về thái độ tha thứ của ông hàng xóm. Cha mẹ của S. tỏ ra rất khâm phục cách ứng xử của tôi. Tôi muốn cho họ thấy người Việt Nam mình, tuy trải qua một cuộc chiến khốc liệt triền miên, nhưng chúng tôi, người miền Nam là một dân tộc hiếu hòa. Văn hóa chúng tôi là bán anh em xa, mua láng giềng gần. Bản thân tôi thấy nên cho S. một cơ hội để hối cải, mở một con đường cho S. đi, để nó thấy được trên đời này mất việc không phải là ngõ cụt cuối con đường. Tôi biết từ rày trở đi, S. nhìn tôi, nhìn một người Việt Nam với một ánh mắt khâm phục.
 
Quả thật, từ đó trở đi, gia đình ông bà hàng xóm đối xử với tôi rất nồng ấm. Họ luôn chào hỏi vui vẻ, thỉnh thoảng mời tôi qua thăm khu vườn xanh um của bà, hoặc qua bên nhà tôi thăm hỏi ân cần, nếu cần gì họ sẽ giúp. Tình láng giềng giữa chúng tôi rất vui vẻ, chan hòa.
 
Mỗi một biến cố là một bài học và một kinh nghiệm sống, dạy tôi biết phải phản ứng ra sao cho hợp thời để không phải hối tiếc về sau. Hơn thế nữa, tôi muốn người bản xứ thấy rõ, qua cách hành xử của mình là một minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân từ và niềm tin vào sự thay đổi của con người, nhất là người đó lại là người hàng xóm của mình.
 
Nguyễn Văn Tới
Tháng 10/2024

Ý kiến bạn đọc
19/10/202405:07:14
Khách
Có thể như lời S nói hắn uống rượu muốn vào nhà xem hoặc nếu hắn là 1 tên đầu trộm đuôi cướp thực sự thì ông đừng mong dùng sự rộng lượng nhân ái mà cảm hoá nó, trộm cướp chuyên nghiệp thì có thể nó phản đòn và tính toán trước khi trộm cướp
18/10/202419:16:46
Khách
Bài viết lôi cuốn người đọc như một chuyện trinh thám. Rất hay và có tình người. Mong em viết tiếp. Chúc em nhiều may mắn.
15/10/202403:36:02
Khách
Cám ơn 6 Cam nhiều. Viết đi, kể đi kẻo đến lúc muốn viết, muốn kể không được.
12/10/202418:33:12
Khách
Một cách cư xử rất hợp tình và khôn khéo.
Gặp tôi chắc chỉ dám ngồi trong nhà gọi cảnh sát!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 551,636
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Nhạc sĩ Cung Tiến