TG Vĩnh Chánh cùng phu nhân viếng thăm thầy cô Lê Thanh Minh Châu
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Bài viết dưới đây bày tỏ là lời tưởng niệm gửi đến vị thầy khả kính vừa từ trần- Giáo sư Lê Thanh Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Y Khoa Huế.
Vài ngày trước Giáng Sinh 2023, tôi điện thoại chúc Thầy Cô Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu bình an trong tình yêu thương của Chúa Hài Đồng, đồng thời chúc sức khỏe Thầy Cô trong năm mới 2024. Vào dịp Tết Nguyên Đán tháng 2, 2024, tôi lại điện thoại chúc Tết Thầy Cô, nhưng lần này không được trả lời, nên tôi đành gởi lời chúc qua text message, kèm theo lời mời sớm, mong Thầy Cô tham dự Đại Hội Y Khoa Huế (YKH) Hải Ngoại vào khoảng tháng 7 năm nay. Tôi không nhận trả lời của Thầy. Mãi hơn một tháng sau, trong bất ngờ và cảm xúc, Hội YK Huế Hải Ngoại nhận tin buồn chính thức từ gia đình cho biết Thầy Lê Thanh Minh Châu đã thanh thản ra đi vào ngày thứ Tư, 28 tháng 2, 2024, tại Rancho Mirage, CA, hưởng đại thọ 94 tuổi.
Tháng 9, 2024, Hội YKH Hải Ngoại nhận được từ gia đình Thầy Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu lời mời tham dự lễ Tưởng Niệm cho Thầy vào sáng ngày thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024, tại nhà thờ Our Lady of Guadalupe ở Palm Springs, theo sau là một buổi tiếp tân thân mật và chia xẻ tâm tình tại tư gia Bác sĩ Lê Khôi, con trai Thầy Cô, ở Rancho Mirage. Đến ngày hôm ấy, gần 50 anh chị em YK Huế Hải Ngoại – có những anh chị đến từ các tiểu bang xa, như New Jersey, New York, Philadelphia/ PA, kể luôn cả phu nhân cố Bs. Nguyễn Văn Vĩnh đến từ Houston/TX, sẽ có mặt trên chuyến xe bus do Hội thuê, cùng nhau đến cầu nguyện và tưởng niệm Thầy. Sự gắn bó của anh chị em chúng ta nói lên được tình thân ái và sự đoàn kết từng được chứng minh và hun đúc qua những gặp gỡ trong mấy thập niên qua, với sự hiện diện của Thầy Cô Viện Trưởng bên cạnh các Thầy Cô cơ hữu trong Ban Giảng Huấn của Đại Học YKH – một mối dây liên lạc nhân ái giữa Viện và Trường, và lòng biết ơn của trò với thầy.
Lần đầu tôi nhìn thấy Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu & Tăng Thành Trai là vào cuối thập niên 60, trong những năm Đại Học Huế bắt đầu thành lập, khi Măng tôi được bà Ngọc Lan, tức mẹ của Cô Thành Trai, mời về nhà Thầy Cô sau thánh lễ sáng Chủ Nhật tại nhà thờ Phanxicô. Căn nhà Thầy Cô nằm ở góc đường Ngô Quyền, gần với tiệm bánh mì Chaffangeon. Theo chân mẹ, tôi vào nhà, ngồi yên trong một góc ở phòng khách và chứng kiến nhiều người lớn nói chuyện rất thân tình. Về sau tôi mới dần biết đó là các Ông Bà (OB) Giáo sư (GS) Bùi Xuân Bào, OB GS. Lê Hữu Mục, OB GS. Lê Văn, GS. Lê Văn Diệm, GS. Trần Quang Ngọc, OB BS. Lê Văn Điềm, OB BS. Nguyễn Văn Vĩnh…
Măng tôi là chỗ thân tình với bà Ngọc Lan – vì không những hai bà vốn từng học cùng nhau tại trường Đồng Khánh trong thời kỳ còn giáo dục của Pháp – mà về sau 1954, cả 2 bà đều dạy tại trường Đồng Khánh, cùng ở trong khuôn viên trường, và đặc biệt hơn nữa bà Ngọc Lan nhờ Măng tôi làm Vú Đỡ Đầu khi Bà trở lại Đạo năm 1956.
Sau cuộc đảo chánh 1963, tôi không còn thấy Thầy Cô Minh Châu, vì họ dời vào Saigon, đem theo bà Ngọc Lan. Mãi về sau tôi mới biết trong khoảng thời gian này, Thầy Cô đi tu nghiệp ở Mỹ.
Lần thứ nhì, tôi nhìn thấy lại Thầy Lê Thanh Minh Châu trong buổi tiệc Tất Niên tháng Giêng, 1968, do ban Đại Diện SV Đại Học YK Huế tổ chức, khoảng một tuần trước biến cố Mậu Thân. Trong tư cách Tân Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, Thầy là vị khách mời danh dự của ban Đại Diện, bên cạnh các GS cơ hữu của ĐH YKH cùng các GS Đức trong phái bộ giáo dục YK của nước Tây Đức. Bấy giờ GS. Bùi Duy Tâm vừa nhận chức khoa trưởng ĐH YKH, nhưng Thầy Tâm không có mặt trong tiệc Tất Niên này, cũng như Thầy Lê Bá Vận đang du học tại Mỹ và Thầy Võ Đăng Đài đang nghỉ mát ở Đà Lạt sau mấy năm du học tại Tây Đức mới trở về nước.
Tiệc Tất Niên 1968 đã cho cá nhân tôi nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Không những tôi hãnh diện chính thức bước vào năm thứ Nhất của trường YK, với cảm nhận mình là một thành phần trong một tập thể mà chuyện học hỏi sẽ phải kéo dài ít nhất 6 năm, và nay lại được cho tham dự buổi tiệc Tất Niên to lớn đầu tiên trong cuộc đời sinh viên thì quả là hạnh phúc, nhất là khi nhìn các đàn anh, đàn chị rộn ràng sắp xếp mọi chuyện cho được tốt đẹp trước khi tiệc bắt đầu. Tôi được anh Trần Lương Hoa, mà tên cúng cơm là Coco, bấy giờ đang đang học năm thứ Ba, chỉ định đứng canh bên ngoài để báo cho anh biết khi nào xe của thầy Viện Trưởng đến. Khi thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu bước vào phòng khánh tiết được trang trí lộng lẫy, anh Coco mở to bản nhạc Symphony # 5 của Beethoven, để chào đón Thầy. Hình ảnh Thầy cao ốm, lưng thẳng băng, nụ cười thân thiện trên môi, đang bước vào giữa tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt, cùng với nhạc Sympnony #5 trổi mạnh, thật trang trọng và ấn tượng.
Sau nghi lễ, phần văn nghệ cũng thật xuất sắc. Tôi không ngờ các đàn anh trong trường lại chơi văn nghệ, đờn, hát, xuất sắc như vậy. Nào là anh Hà Thúc Như Hỷ, Nguyễn Xuân Thanh, Hoàng Thế Định, Tôn Thất Sang, Phạm Đăng Thiện, thân hữu Đặng Nho (thổi saxophone) … Anh Coco có mấy màn làm xiệc thật lạ mắt, được tán thưởng nhiệt liệt. Riêng phần ca hát, đặc biệt Cô Ngân Hà, tức phu nhân GS. Nguyễn Mạnh Hùng, trình bày bản “Biệt Ly” thật tuyệt.
Thầy Viện Trưởng Minh Châu được mời ra sàn nhảy “ouvrir le bal” với chị Trần Bích Hà, một người đẹp bấy giờ đang học năm thứ Nhất Văn Khoa; chị là bà con với các anh Coco, Trần Tiễn Sum, Trần Tiển Ngạc. Các bạn thân cùng lớp với tôi chỉ có hả miệng mà nhìn, và rất khâm phục ban Đại Diện cùng các đàn anh đàn chị đã tổ chức một đêm văn nghệ nhớ đời.
Ai ngờ chưa đầy một tuần sau, biến cố Mậu Thân đổ xuống trên toàn thành phố Huế, gieo bao nhiêu tang thương, chết chóc và mất mát cho Cố Đô thân yêu. Trong hàng ngàn nạn nhân bị Việt cộng giết, có 4 vị GS. người Đức và thầy Nguyễn Văn Đệ, chết trên đường bị chúng giải ra Bắc bằng đường bộ. Mãi sau này, thầy Minh Châu mới cho tôi biết hai ngày sau đêm Tất Niên của YKH, Thầy bay vào Saigon ăn Tết với gia đình, nên may mắn thoát chết.
Sau đêm Tất Niên năm 1968, ban Đại Diện Sinh viên YKH không còn tinh thần nào để tổ chức tiệc lớn tại trường cho đến khi mất nước. Và ngay cả trong những Đại Hội của YKH Hải Ngoại, ban tổ chức Đại Hội luôn tránh bản nhạc “Biệt Ly”, cho bài hát này là một điềm xui.
Những kỷ niệm về Đêm Tất Niên tháng Giêng 1968, với sự hiện diện của Giáo Sư Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu là khách danh dự và với nhiều chứng cớ ghi nhận ở trên, giúp tôi chứng minh GS. Lê Thanh Minh Châu đã đảm nhận chức vụ Viện Trưởng Viện Đại Học Huế từ đầu năm 1968, chứ không phải tháng 9, năm 1969 – như trong tài liệu xuất phát trên online.
Khi tôi học năm thứ Tư, có xẩy ra một tin làm chấn động hầu hết mọi sinh viên trong trường. GS. Khoa Trưởng Bùi Duy Tâm tập họp các sinh viên và loan báo Thầy bị GS. Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu bãi chức. Hầu như mọi sinh viên đều tức giận, vì ai cũng biết ơn Thầy Tâm đã cưu mang sinh viên YKH vào Saigon học tiếp hai niên học sau Mậu Thân. Ban Đại Diện Sinh viên cùng tất cả sinh viên tụ tập bên ngoài trường, không vào lớp học để phản đối thầy Viện Trưởng. Rồi cuối cùng, chúng tôi chỉ còn biết rầm rộ đưa tiễn GS. Bùi Duy Tâm từ trường YKH đến tận sân bay Phú Bài với nhiều cảm xúc, bùi ngùi đặc biệt dành cho Thầy.
Nhưng về sau, trong một lần nói chuyện riêng với thầy Minh Châu, tôi có nhắc đến câu chuyện Thầy Bùi Duy Tâm bị bãi chức, thầy Minh Châu cho tôi biết rõ như sau: Bấy giờ, thầy Viện Trưởng được biết là thầy Tâm đã nhận làm khoa trưởng trường YK mới thành lập tại Viện Đại Học tư Minh Đức, Saigon. Trong khi ấy, lệnh của Thủ Tướng chính phủ qua chỉ định của Tổng trưởng Bộ Giáo Dục là Viện Đại Học Huế bằng mọi cách cần phải cũng cố và phát triển hữu hiệu hơn. Thầy Minh Châu yêu cầu thầy Tâm xét lại thời gian làm việc tại Huế phải nhiều hơn so với thời gian ở Saigon, cho dù thầy Tâm tiếp tục vừa giảng dạy tại trường YK Saigon và vừa làm khoa trưởng trường YK Minh Đức. Nhưng thầy Tâm không chịu giải pháp của thầy Minh Châu, đồng thời thầy Tâm cũng không muốn từ chức. Điều này khiến thầy Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu không còn giải pháp ôn hòa nào hơn là phải ký lệnh ngưng chức khoa trưởng ĐH YKH của thầy Bùi Duy Tâm.
Sau đó là thời gian Thầy Viện Trưởng phải tạm thời đảm nhận chức khoa trưởng YK Huế, cho đến khi GS. Lê Bá Vận chính thức được Bộ Giáo Dục bổ nhiêm làm khoa trưởng. Bấy giờ tôi cám ơn thầy Viện Trưởng cho tôi biết sự thật được che dấu hay vô tình hiểu lầm từ bao thập niên, và tự hứa sẽ giữ kín tin này cho riêng mình. Tuy nhiên, nay thầy Viện Trưởng đã ra đi, tôi nghĩ mình nên bạch hóa câu chuyện, đã một thời gây sự hiểu lầm không tốt cho thầy Viện Trưởng.
Năm 1975, tại Hoa Kỳ, Thầy nhanh chóng hợp tác với cơ quan AMA ký giấy chứng nhận của Hội Đồng Y Khoa Lưu Vong gởi cho tất cả cựu sinh viên từng tốt nghiệp YK Huế nay định cư tại Mỹ và có ý muốn theo học lại ngành Y. Trong vài tháng sau khi tôi đến Mỹ vào tháng 7, 1980, cá nhân tôi cũng nhận được tờ chứng nhận nói trên, và một lá thư giới thiệu riêng của Thầy, có kèm chức vụ và khuôn dấu ĐH Notre Dame, nơi Thầy đang làm việc.
Sau hưu trí, Thầy Cô chọn về sống tại Palm Spring cho được gần gia đình hai con của mình và nơi có thời tiết tốt cho người lớn tuổi. Tôi lại có dịp liên lạc, tiếp xúc với Thầy Cô nhiều lần. Trước nhất là để hỏi thăm sức khỏe Thầy Cô, đồng thời cho Thầy biết những sinh hoạt của Hội, sự thành đạt đặc biệt của vài anh em trong Hội hay của thế hệ thứ hai. Cách Thầy lắng nghe, hỏi thăm, nhận xét, trả lời, với giọng nói chậm rãi, thành thật…cho tôi thấy Thầy luôn ân cần và quan tâm đến hầu hết những gì, những nhân vật xưa và nay, từng liên hệ đến Viện ĐH Huế nói chung, YKH nói riêng, và ngay cả với trường Providence/Thiên Hữu, nơi mà Thầy, Nhạc Phụ tôi và cá nhân tôi từng theo học nhiều năm. Những lần đến thăm Thầy Cô tại nhà, hay qua nói chuyện trên điện thoại, hoặc khi được đón tiếp Thầy Cô trong các Đại Hội, Hội Ngộ lớn nhỏ và tại nhà chúng tôi… Thầy đã mở rộng tầm nhìn của tôi, và quan trọng nhất đã giúp tôi học hỏi được đức tính khiêm tốn, tấm lòng vị tha và sự nhớ ơn đời. Vì vậy tôi không ngần ngại chia sẻ với Thầy những bài viết của mình đăng trên trang nhà của YKH Hải Ngoại và Mục Viết về Nước Mỹ của Việt Báo, vì tính Thầy kín đáo, không muốn trực tiếp có tên trong danh sách của diễn đàn YKH.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tôi là mời cho được Thầy Cô tham dự các Đại Hội của Hội YKH Hải Ngoại, hay những tiệc hội ngộ mà sự có mặt của Thầy Cô, bên cạnh các vị Thầy trong Ban Giảng Huấn YKH, luôn mang đến niềm vui và hãnh diện cho anh chị em YKH. Để mời cho được Thầy Cô, và vì biết được ý của Thầy, nên bao giờ tôi cũng nêu tên một loạt quan khách danh dự khác được mời, và nhất là không bao giờ sót tên anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca, là những nhân vật đặc biệt Thầy Cô rất quý mến và luôn biết ơn. Là một thành phần trong ủy ban “Tái Thiết và Trùng Tu Cố Đô Huế” sau Mậu Thân, chị Nhã Ca đã trao tặng 2 trăm ngàn đồng cho quỹ trùng tu cơ sở vật chất của trường ĐH YK Huế, 2 trăm ngàn đồng giúp xây lại phòng thí nghiệm Hóa Học và Vật Lý của ngôi trường Mẹ Đồng Khánh, khi chị đến thăm cùng với Linh Mục Cao Văn Luận, nhạc sĩ Cung Tiến, nhà văn Doãn Quốc Sĩ… Chị cũng giúp đỡ nhiều cơ sở giáo dục và xã hội khác tại Huế.
Trong hai thập niên sau này, hầu như Thầy Cô Viện Trưởng không bỏ sót các Đại hội của YKH Hải Ngoại, dù tổ chức gần hay xa, như ở tiểu bang New Jersey, Montreal… đồng thời Thầy Cô cũng tham gia các cuộc du ngoạn chung với anh chị em sinh viên.
Đặc biệt vào tháng 7, 2019, vợ chồng chúng tôi hân hạnh được đón tiếp Thầy Cô Viện Trưởng trong buổi Ra Mắt Sách “Tháng Ngày Tao Loạn” của tôi, tại nhà hàng Royal Banquet, cùng với trên 350 quan khách, trông đó có gần phân nửa là anh chị em trong Hội YKH Hải Ngoại cùng quý Thầy Cô trong Ban Giảng Huấn, và phần còn lại gồm nhiều quan khách danh dự, thân quý, trong đó có anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca, nhà văn Phạm Tín An Ninh, nhà văn Tràm Cà Mau, OB GS. Nguyễn Xuân Vinh, OB. Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ, anh chị Bs. Nguyễn Ngọc Kỳ & Lê Tín Hương; cùng nhiều thân hữu xa gần, bạn thuở thiếu thời từ Úc, Texas, Florida và các cựu chiến binh Mũ Đỏ… Nhìn thấy nhiều quan khách và các đồng môn tìm đến chào hỏi Thầy Cô Viện Trưởng, tôi cảm thấy “thơm” lây.
Qua ngày hôm sau, Hội YKH Hải Ngoại lại vui mừng đón tiếp Thầy Cô Viện Trưởng, GS. Lê Bá Vận, cựu Khoa Trưởng ĐH YKH cùng các Thầy Cô tại Đại Hội chính thức của Hội YKH Hải Ngoại, cũng tại nhà hàng Royal Banquet. Và ngày hôm sau nữa, Thầy Cô Viện Trưởng lại tham dự cuộc du ngoạn San Diego bằng xe bus cùng với các cựu sinh viên YKH. Đó là một vinh dự khó quên cho năm 2019 khi Thầy Cô Viện Trưởng sinh hoạt chung với Hội luôn cả ba ngày liên tiếp.
Tháng 8, 2019, vợ chồng chúng tôi vô cùng hãnh diện mời được Thầy Cô Viện Trưởng tham dự Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Đến khi tôi được nêu tên và nhận giải thưởng Chung Kết Tác Giả - Tác Phẩm. Vợ tôi và Thầy Viện Trưởng cùng tiến lên sân khấu trao bó hoa cho tôi. Và kẻ trước người sau, mỗi người đều ghé hôn tôi một cái, Nàng thì trên má tôi, Thầy thì trên trán tôi. Đúng là tình Xuân giữa mùa Hạ. Vì không những cả hai người “tỏ tình” với tôi, ban thưởng cho tôi, đều mang cùng một tên Minh Châu, mà đây phải là nụ hôn đầu tiên của vợ cho chồng và của thầy cho trò, xẩy ra giữa đám đông đang nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.
Dù Hội YK Huế không thực hiện được đại hội trong năm 2020 và trở về sau vì đại dịch Covid, tôi thường xuyên gọi điện thoại hay gởi text hỏi thăm sức khỏe Thầy Cô. Bấy giờ tôi mới biết Thầy Cô đã chuyển nhà từ Palm Springs về ở chung nhà với con trai là Bs. Lê Khôi, một bác sĩ chuyên về tim mạch, tại Rancho Mirage, cách nhà cũ chưa đến nửa giờ lái xe.
Tháng 7, 2021 là lần cuối vợ chồng chúng tôi đến thăm Thầy Cô tại tư gia con trai là Bs. Lê Khôi, ở Rancho Mirage. Chúng tôi được Thầy Cô mời đi ăn trưa bên ngoài và được nghe Thầy tâm sự về cuộc đời Thầy Cô, từ thuở mới quen biết nhau tại Huế cho đến khi du học, Cô tại nước Pháp, Thầy tại nước Anh, thành đạt vừa xong thì thành hôn tại Anh Quốc. Rồi cả hai quyết định kéo nhau về Huế dạy khi Đại Học Huế mới thành lập, rồi cả hai lại du học chuyến thứ hai, lần này tại Hoa Kỳ. Sau khi Thầy xong bằng Ph.D về Giáo Dục, và Cô xong bằng Ph.D về Khoa Học Chính Trị, Thầy Cô trở về lại Việt Nam năm 1967. Đầu năm 1968, Thầy Lê Thanh Minh Châu được bổ nhiệm vào chức Viện Trưởng Viện Đại Học Huế. Dưới sự lãnh đạo của Thầy, Viện Đại Học Huế từ từ vươn lên sau biến cố Mậu Thân. Đội ngũ nhân viên giảng huấn có phần trẻ hơn nhưng đầy khả năng và nhiệt tình, tinh thần hiếu học và đoàn kết hơn bao giờ hết của tập thể sinh viên, đồng thời văn phòng sinh viên vụ hoạt động hữu hiệu, giúp sinh viên vui chơi lành mạnh và nối kết tình thân liên khoa, tất cả đã giúp góp phần cho sự vươn mạnh và thành công của Viện, thổi một nguồn gió mới đầy hứng khởi vào tất cả các phân khoa thuộc Viện ĐH Huế. Điều này chứng minh được Viện Đại Học Huế đã thoát qua được những khó khăn do cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi mà đa số dân thị xã Huế phải di tản và Viện ĐH Huế tạm thời dời vào Đà Nẵng, vì Viện đã dựng được niềm tin vững mạnh khiến ban giảng huấn cùng các sinh viên nhanh chóng trở về lại Huế, vào lại các giàng đường và niên học không bị mất.
Tiệc Hội Ngộ ngày 15 tháng 5, 2022 tại nhà hàng Grand Garden, do anh chị Bs. Võ văn Cầu khoản đãi, có sự hiện diện của Thầy Cô Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, bên cạnh các Thầy Cô trong Ban Giảng Huấn YKH và các Thầy Cô các phân khoa khác của Viện ĐH Huế, cùng quan khách thân thuộc và gần cả trăm cựu sinh viên YKH.
Thầy Lê Thanh Minh Châu trong buổi tiệc hội ngộ YKH Hải ngoại năm 2022
Để trả lời câu phỏng vấn “Xin Thầy cho chúng em biết bí quyết làm sao Thầy Cô, hiện tại đều trên 90 tuổi, vẫn sống mạnh, sống tốt đẹp và còn sống dài dài ngon lành như vậy?”, Thầy phát biểu như sau “Khi chúng tôi lấy nhau, chúng tôi phân chia rõ ràng: chuyện quan trọng sẽ do chồng quyết định – Chuyện không quan trọng sẽ do vợ quyết định. Vậy thì thế nào là chuyện quan trọng? Với tôi không thấy có chuyện nào quan trọng cả. Vì vậy mọi chuyện đều do nhà tôi quyết định”. Câu trả lời quá xuất sắc này đã được tưởng thưởng bằng những tràng pháo tay kéo dài gần cả một phút.
Buổi tiệc vui ngày hôm ấy cũng là lần anh chị em chúng tôi trong Hội YKH Hải Ngoại nhìn thấy Thầy và nghe giọng nói của Thầy lần cuối.
Theo tôi được nghe từ GS. Lê Đình Cai, Thầy Viện Trưởng là một trong trong những nhân vật cuối cùng rời Huế vào Đà Nẵng trước khi Huế bị mất vào tay CS. Thầy mang theo hy vọng và tinh thần sẵn sàng biến cải Đại Học Cộng Đồng Đà Nẵng (GS. Ngô Đồng), vốn trực thuộc Viện Đại Học Huế, thành một cơ sở tạm thời xử dụng cho Viện Đại Học Huế. Rất may mắn Thầy rời Đà Nẵng chỉ một ngày trước ngày 29 tháng 3, 1975, bằng đường biển cùng với GS. Lê Đình Cai.
Trong lần Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu tham dự Đại Hội YKH Hải Ngoại tại Montreal, tháng 8, 2018, Thầy có cho tôi biết thầy đã đến thăm Montreal từ đầu thập niên 50 khi còn đang học ở Luân Đôn. Và trong tình cờ, tôi chụp được hình Thầy Cô từ phía sau, tay trong tay, dẫn nhau đi lang thang trong một trung tâm thương mãi trong khi trời đang đổ mưa bên ngoài. Mỗi lần nhìn tấm hình này là mỗi lần tôi xúc động.
Nay Thầy đã khuất núi, bóng đêm đã đến, nắng cũng lùi xa – Như bao giọt nắng cuối ngày, cuối đời rồi cũng dần xa thôi! Tôi xin lấy hình ảnh mà tôi tình cờ chụp được Thầy Cô từ phía sau, thay cho lời kết, kèm theo mấy câu thơ, cùng lời cầu xin Chúa nhân từ cho linh hồn Gioan Baotixita được yên nghỉ muôn đời, và ánh sáng ngàn thu luôn soi sáng lên linh hồn Thầy.
Tôi cũng xin Chúa cho Cô Tăng Thành Trai, phu nhân Thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, tiếp tục sống an lành trong tình yêu thương của gia đình con trai.
Ngày nào đôi ta tay trong tay
Sánh vai bên nhau bước chung đường
Cuối đời đành lìa xa em mãi
Nhớ ta em có nhớ ta chăng!?
Thầy quý mến,
Buổi chiều cùng ngày về lại Little Saigon sau chuyến tham dự thánh lễ Tưởng Niệm Thầy vào sáng thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024, tất cả anh chị em trong Hội sẽ tụ tập tại nhà hàng Ngọc Sương để cùng nhau tỏ tình thân ái và nhớ đến di sản quý báu Thầy đã để lại cho bao ngàn cựu sinh viên xuất thân từ Viện Đại Học Huế.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám và giải Danh Dự năm 2023. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới nhất của tg, về việc ông bà trông giữ cháu ở Mỹ.
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải vinh danh tác giả 2023. Bài viết này MTTN viết về giọt nước mắt người Mẹ, là tác giả Phương Hoa, một cây viết đoạt giải Chung Kết VVNM được yêu mến. VVNM và Việt Báo một lần nữa xin chia buồn cùng tác giả và tang quyến.
Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn “hay “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” …mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để…sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả khi ngồi trên ghế bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào học đại học.
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Ở những thành phố tại miền Nam Cali mà tôi đã ở thì mỗi tuần một lần, xe đổ rác sẽ đến từng nhà để mang rác đi. Tại thành phố tôi đang cư ngụ, thứ tư hàng tuần là ngày đổ rác. Khoảng 7:30 sáng thì xe đổ rác xanh (cỏ, lá, vỏ trái cây) sẽ đến lấy rác đi. Khoảng giữa trưa thì đến lượt xe đổ rác tái sinh (recycle). Đến năm giờ chiều thì xe đổ rác đồ ăn và những thứ rác còn lại sẽ chạy chuyến chót. Tất cả mọi nhà trong xóm, trừ gia đình hai ông bà Mỹ già bên kia đường, đều kéo các thùng rác ra lề đường mỗi tối thứ ba để cho các xe rác đến đổ vào ngày hôm sau. Hai ông bà Mỹ già luôn đợi đến khoảng 7 giờ sáng thứ tư mới kéo thùng rác ra. Điều này làm tôi rất bực mình, nhất là vào các tháng mùa đông, vì tiếng động kéo thùng rác của hai ông bà đánh thức tôi dậy.
Đã bao giờ bạn cầu nguyện một điều gì chưa? Hầu như trong chúng ta, ai cũng đã từng chắp tay cầu nguyện một điều gì vì lòng trắc ẩn khi nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở dải Gaza, vạn gia đình bồng bế nhau chạy giặc, những nấm mộ ven đường gợi nhớ quê xưa. Bạn thầm cầu nguyện bình an cho những người khốn khổ được trở về nhà. Tôi nhìn những người lính trẻ dưới giao thông hào tuyết đá lầy lội của trận chiến đang cam go giữa Ukraine và Nga, tôi nhớ chiến tranh ở quê nhà nên thầm cầu nguyện ơn trên che chở cho những người lính vì họ còn quá trẻ. Bạn cầu nguyện cho những người không quen biết đang bị động đất ở đâu đó trên địa cầu được bình an trở về nhà. Tôi cầu nguyện cho cơn sóng thần khủng khiếp tiếp diễn đổ vào hoang đảo, đừng đổ vào những thành phố ven biển đông dân cư, nơi tôi chưa từng nghe hay biết đến địa danh đó trước khi xem tin tức trên tivi… Nhưng đã bao giờ tôi và bạn suy nghĩ về hành vi của mình với những người không quen biết, những nơi chưa từng nghe tên hay đến đó bao giờ.
Với tôi hình ảnh đẹp nhất thế giới không phải là hoa hậu hoàn-vũ đăng-quang, hoặc siêu mẫu chân dài, hoặc siêu cầu thủ túc-cầu, hoặc tân tổng-thống siêu cường, hoặc tân giáo-chủ nào đó; mà là đôi uyên-ương dắt tay nhau chậm rãi, rất chậm rãi đi bộ dọc phố Bolsa sầm-uất. Chàng đi khập khiểng, nàng dựa vai nghiêng. “Đây là vợ em mười mấy năm rồi,” Tâm giới thiệu Diệu khi họ bước vào văn phòng tôi. Có lẽ bạn đã nghe nhiều chuyện về con lai. Năm mươi năm từ 30/4 rồi còn gì. (Không cần phải thêm 1975 vì ai cũng tự hiểu. Có không hiểu thì chỉ là giả bộ.) Nhưng chuyện của Tâm, Việt lai Mỹ Đen, thì tàn nhẫn. Phải dùng chữ tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn, càng đượm yêu thương khi tình yêu đến.
Những điểm tốt đẹp hấp dẫn của Little Sài Gòn, Nam California (mà người Việt hải ngoại mình hay gọi ngắn gọn là Khu Bolsa), đã được nhiều người nói đến. Nào là khí hậu ôn hoà, nhiều bờ biển nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp xinh, cây trái hoa lá tốt tươi và nhất là “thiên đường ẩm thực” của người Việt khắp nơi đổ về thưởng thức. Tôi không phản đối điều này, mặc dù tôi đã bị vào vài ba quán không hề ngon tại Bolsa, khỏi cần kể tên ra đây làm gì (kẻo bị... guýnh sao, ngu gì!). Sự thực, kiểm lại những quán ăn Việt Nam ở nhiều thành phố tôi đã từng ghé qua, có nơi nhiều lần, từ Canada qua Mỹ thì thấy rằng, nơi nào cũng có thức ăn ngon. Nhưng ở Little SaiGon vì dân số đông, mức độ canh tranh nhiều, nên thức ăn đa dạng hơn, và có thể ngon hơn, còn ngon nhất hay nhì hay ba, thì tuỳ vào khẩu vị từng người, có phải ? Thôi thì “điểm cộng” người ta nói hết rồi, bữa nay tôi nói về những điểm “chưa tốt”, hay còn gọi là “điểm trừ”, nha!
Tác giả tên thật Trần Đình Phước, Sanh năm 1947, Cựu Trung Úy Không Quân VNCH. Đến Mỹ 10-1992. Danh sách HO-13. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2023 Hiện đang sống tại San Jose.
(Ghi lại cuộc nói chuyện giữa một học sinh và một nhân viên Crossing Guard tại ngã tư Curtner Ave và Booksin, Ave, thuộc Thành Phố San José trong lúc em chờ phụ huynh đến đón.)
Cánh cửa ngăn cách giữa hải quan và người chờ thân nhân vừa mở ra tại phi trường Norman Y. Mineta San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, mọi người đổ xô háo hức đứng lên, cặp mắt ai nấy mở thật to với những bó hoa, bong bóng đủ màu trên tay sẵn sàng chào đón người thân từ xa đến. Riêng tôi… cũng có hoa tươi, bong bóng hình gấu, hình trái tim… nhưng vai trò của tôi thật bất đắc dĩ. Tôi đi đón… vợ của người ta! Phải rồi, vợ của tên bạn thân, Chương lúc nào cũng bận rộn đi gặp khách hàng, không có thì giờ đi đón vợ trở về từ tiểu bang Pennsylvania sau bốn tháng đi tu nghiệp chuyên sâu về bác sĩ nhi đồng.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.