Hôm nay,  

Tiếng Vọng Halloween

01/11/202400:00:00(Xem: 3432)

Tiếng-Vọng-Halloween
Hình tác giả cung cấp


Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

*
 
Từ khi Amanda, con gái nàng, học lớp chín, hễ đến đêm Halloween là nó cùng nhóm bạn bè hẹn nhau ở nhà nàng, rồi chúng nó kéo nhau đi khắp xóm, qua cả xóm bên cạnh. Tuổi trẻ đâu biết mệt và lạnh là gì, có năm trời mưa lất phất, gió rít lạnh lẽo, mà chúng vẫn hào hứng lên đường. Nàng ngồi ở nhà, vừa phát kẹo cho lũ trẻ đến gõ cửa, vừa nấu nồi cháo gà để lát nữa đãi đám bạn bè con gái.
 
Chồng nàng góp ý:
 
- Anh thấy trong đám tụi nó, có đủ màu da trắng, da đen, da đỏ, da vàng, da Tàu, da Đại Hàn, sao em không mua cánh gà hoặc Pizza cho tụi nó dễ ăn?
 
Nàng cãi:
 
- Kệ tía tụi nó!! Anh nghĩ xem, chúng nó cuốc bộ trong trời đêm lạnh, về nhà ăn món gì có nước soup nóng, ấm bụng, ấm người … là tuyệt vời ấy chớ. Đứa nào không ăn, ai đói ráng chịu.
 
Quả đúng như thế. Khi chúng trở về nhà nàng khoảng 10 giờ tối, sau khi cởi bỏ những bộ Halloween costumes, chúng ngồi bệt xuống sàn nhà, đổ ra những thùng bánh kẹo chiến lợi phẩm, đổi chác cho nhau, xong xuôi gói lại cẩn thận, là kéo nhau ra bàn ăn. Những tô cháo gà bốc khói nóng hổi, có thịt gà xé, có bắp cải trộn củ hành, rắc tiêu nóng và hành ngò thơm ngát, đứa nào cũng ăn say mê, da trắng da đen da đỏ da màu đều khen nức nở: “So good! Thank you!!”
 
Trong lũ bạn của con, nàng đặc biệt chú ý đến cậu bé ít nói, gầy gò, da ngăm, đôi mắt to thông minh cùng nụ cười rất hiền. Nàng quan sát lũ trẻ lúc phơi bày những giỏ kẹo xin được, la ó, vui đùa, giành giựt loại kẹo yêu thích, đứa nào cũng nhốn nháo sôi động, thậm chí còn rượt đuổi nhau chỉ vì một chocolate bar, một bịch chips. Riêng cậu này trầm tính nhất, ngồi mỉm cười, còn mở toang thùng kẹo của mình, cho các bạn tự do lựa chọn thoải mái, thiếu điều muốn cho không hết số kẹo. Đó là Victor, hay còn gọi là Vũ, một cậu bé người Việt duy nhất trong nhóm bạn của Amanda.
 
Khuya đó, nàng nói với con gái:
 
- Má thấy thằng Vũ hiền lành, dễ thương, nhường nhịn bạn bè hết mình.
 
- Nó còn học giỏi, và là con nhà giàu đó má.
 
- Giàu cỡ nào hở con, có bằng Bill Gates không?
 
- Má nó là Dental Specialist, chuyên trị các bệnh về răng, nướu, lợi, và làm chủ cái khu strip mall rộng lớn dưới phố, cho các văn phòng thuê mướn, trong đó có văn phòng Nha Khoa của má nó. Ba nó là kỹ sư trưởng thâm niên của hãng máy bay Delta. Căn nhà bên bờ sông của gia đình nó đẹp lắm, kiểu kiến trúc rất lạ, ai nhìn cũng phải trầm trồ khen ngợi.
 
- Má có biết gia đình nó không nhỉ?
 
- Nhà nó mới dọn qua tiểu bang này năm ngoái, họ không có đạo, không đi lễ nhà thờ, làm sao má biết. Với lại, ba nó đi công tác thường xuyên, má nó lu bu phòng nha khoa, ít có thời gian sinh hoạt cộng đồng.
 
- Ừa, mà giàu có vậy mà chỉ sinh hai đứa con thôi ư? Đứa em gái nó học lớp dưới tụi con, đúng không?
 
- Dạ, mà hai anh em nó, nhất là Vũ, đi học ăn mặc đơn sơ bình thường, không ai biết chúng là con nhà giàu đâu má.
 
- Má cũng thấy thế. Thằng Vũ dáng gầy như cây sậy, khuôn mặt nó rất có thiện cảm với người xung quanh.
 
- Con với Vũ thân nhau lắm, trong trường trong lớp, ai cũng mến nó.
 
*
 
Lên High School, chúng nó vẫn thân với nhau, nhất là năm lớp 12, hai đứa còn đi campaign vào Student Council của trường, với bài diễn văn "ấn tượng" kết thúc với một đoạn hát Rap (do nàng...cố vấn). Nàng còn nhớ bữa đó tại nhà nàng, chúng nó suy nghĩ để tìm ra một màn trình diễn “khác lạ” trong buổi tranh cử, cuối cùng Amanda đề nghị, Vũ sẽ thuyết trình còn Amanda ca hát và đọc Rap, vì Amanda có giọng ca hay. Nàng liền hưởng ứng, hai mẹ con chụm lại viết lời Rap rộn ràng, còn Vũ ngồi xem, cười cười, có khi còn mắc cỡ vì Amanda nhảy nhót sung sức. Vậy mà thành công rực rỡ, hai đứa đắc cử vẻ vang, Vũ nhận chức Chủ Tịch, Amanda làm thư ký.

Lên Đại Học, mỗi đứa một trường khác nhau, thỉnh thoảng mới gặp, nàng mến Vũ nhiều hơn vì nó là con nhà giàu nhưng bình dân, giản dị, năng động như con nhà lao động. Nó thường lái chiếc xe truck bự hơn dáng người, khi dừng xe trước nhà nàng, nó nhanh nhẹn nhảy xuống, mở cửa xe, mang giỏ hoa vào tặng nàng khi nàng mới từ bệnh viện trở về vì cơn sốt hồi năm kia, nàng bất ngờ cảm động quá chừng. Rồi khi gia đình nàng dọn nhà mới, cái thân gầy gò của nó làm cho Amanda ngại nhờ đến giúp, vậy mà bữa đó nó xuất hiện từ sáng sớm, mở thùng xe, khệ nệ ôm hai con sư tử đá nho nhỏ tặng gia đình nàng, rồi cùng nhóm bạn phụ chở đồ đạc từ nhà cũ qua nhà mới. Đến tối, dọn nhà xong, nàng mua mười mấy ổ bánh mì thịt, cả đám nhào vô ăn vì bụng đói, Vũ vừa ăn vừa đùa hỏi nàng:

- Chút nữa có cháo gà không cô? Con thích cháo gà cô nấu.

Nàng nháy mắt:

- Đó là món đặc biệt dành riêng cho ngày Halloween thôi nhe.

Rồi mùa dịch ập đến, hai năm liền chẳng thấy mặt bạn bè của Amanda. Năm cuối Đại Học, đứa nào cũng lu bu, chẳng thấy Vũ ghé nhà, bỗng một ngày Vũ xuất hiện tại nhà nàng. Amanda vui vẻ :

- Con tính mùa Halloween năm nay sẽ làm một party họp mặt mấy đứa bạn cũ để ôn lại kỷ niệm “trick or treat” thuở teenagers, nhưng liên lạc chưa được má ơi, chỉ lèo tèo một vài đứa.

- Còn hai tuần nữa mới tới Halloween mà, cố gắng tìm tụi nó xem sao, má cũng nhớ.

- Thôi má, Vũ hổng chịu, nó biểu bữa nay nó chở con đi mua đồ trang trí Halloween ngoài sân trước nhà mình, rồi mua mấy thùng kẹo, “chocolate”, “chips”, “juice” để đêm Halloween tụi con sẽ rủ thêm hai đứa nữa, ngồi phát cho lũ nhóc tì trong xóm mình là vui rồi.


Nàng đồng tình:

- Vậy cũng được, Vũ lúc nào cũng thích trầm lặng, không ồn ào như con, chả hiểu sao hai đứa chơi thân ngần ấy năm.

- Thì đền bù cho nhau mà má.

Rồi hai đứa leo lên xe “truck” của Vũ, đi mua sắm, đến khi trời chạng vạng mới về tới nhà, hì hục khiêng một đống đồ vào garage, nàng la lên:

- Trời, mua gì nhiều thế, bộ tính cho cả cái thành phố này “trick or treat” hay sao?

-  Vũ là vậy đó má ơi, con nhà giàu nhưng biết thương người, má không nhớ hồi High School cứ mỗi tháng nó mua mấy chục cái “McDonalds gift cards” rồi rủ tụi con đi xuống “downtown” tặng cho những người homeless đó sao!

- Hai đứa ăn gì chưa, để má hâm cơm?

- Hồi nãy Vũ đãi con một bữa ngon, có lobster và steak, còn no căng bụng.

Thấy hai đứa chuẩn bị mang mớ đồ ra sân trước trang trí cho Halloween, nàng cản:

- Trời sắp tối rồi, để bữa khác làm được không?

- Vũ muốn làm cho xong bữa nay, thôi má vô nhà đi, tụi con làm một chút là xong liền hà.

Cuối cùng thì tụi nó cũng xong xuôi, trời vừa sập tối, hai mẹ con nàng tiễn Vũ ra chiếc truck của nó, Amanda dặn dò:

- Tối Halloween bốn đứa tụi mình sẽ mặc costumes nhe, tớ sẽ báo cho Atoosa và Ben.

Nàng cũng chen vào:

- Chắc chắn hôm ấy sẽ có cháo gà đặc biệt cho con đấy Vũ ơi, nhớ nhịn đói nha.

Vũ cười, giơ ngón tay cái, tỏ ý đồng tình, tạm biệt, rồi rồ máy xe, chạy mất hút khỏi khu phố.
*                
Khoảng một tuần lễ trước Halloween, nàng đang nấu cơm, Amanda đi học về, kể lể:

- Hôm kia con học khuya nên “off phone”, bữa nay mới thấy có vài “missed calls” của Vũ, mà từ sáng giờ con nhắn tin nó chưa thèm trả lời.

- Hay là nó giận con, mà nè, má hỏi thiệt nha, biết đâu nó... yêu con?

Amanda bật cười dù đang rất khó chịu:

- Không đâu má, tụi con chơi thân nhau, biết nhau quá.

- Thì từ thân chuyển qua yêu mấy hồi? Má ủng hộ đó!

- Mà má ủng hộ vì nhà nó là triệu phú hay vì nó hiền lành?

- Vì... cả hai, và thêm nữa, gia đình nó là người Việt Nam. Khó mà kiếm được đứa nào nhà giàu mà hiền hậu, tử tế như nó. Lấy nó đi con, rồi làm dâu nhà triệu phú, nhớ đẻ một loạt 4-5 đứa con cho vui cửa vui nhà. Nhà nó neo người quá.

- Vậy con sorry đã làm má ... mừng hụt, con là người trong cuộc nên biết rõ, cả con và Vũ đều không có tình ý gì ngoài tình bạn.

- Vậy nó yêu ai?

- Vũ chẳng yêu ai cả, vì nó bị bệnh.

Nàng ngạc nhiên:

- Ủa, nó bệnh gì?

Biết mình lỡ lời, Amanda đành thú nhận:

- Má ơi, khi Vũ không trả lời phone, là nó đang “down”.

- Hả??? Nghĩa là sao?

- Con chưa có dịp nói cho má nghe, vì Vũ dặn tụi con không cho ba má nó biết, không cho ai biết, rằng từ năm thứ hai Đại Học nó bị “depression”, phải uống thuốc mỗi ngày. Hễ nó “down” là tắt phone, không liên lạc ai hết, chờ vài ngày nó sẽ “up”, sẽ lại đến đây chở con đi chơi vui vẻ liền thôi.

- Là bệnh trầm cảm phải không con? Nhà giàu có, học giỏi, cuộc sống như mơ, tại sao lại trầm cảm nhỉ? Hay tại ba má lo làm giàu không quan tâm đến con cái?

- Chẳng phải chuyện giàu nghèo mà bệnh từ trong cơ thể, trong tâm thần. Ba má Vũ tuy bận rộn nhưng rất thương yêu và chăm sóc anh em nó đầy đủ.

- Chăm sóc đầy đủ mà sao không biết nó bệnh?

- Từ nhỏ Vũ đã ít nói, không giao tiếp xung quanh, nó mới phát bệnh hai năm nay nhưng không cho ba má biết, còn ba má nó thì nghĩ nó đã trưởng thành, cần không gian riêng tư, suy nghĩ riêng tư.

- Cái thằng! Bệnh thì phải chia sẻ cho gia đình cùng nhau chữa bệnh chứ.

 - Tụi con cũng quen với những lần “down” rồi “up” của nó rồi, tùy thuộc vào chuyện nó chịu uống thuốc hay không. Khi có thuốc thì nó tỉnh táo, vui vẻ, còn khi nó không uống thuốc thì tâm tư chán nản, chẳng muốn gặp với ai, dù là bạn bè thân thiết.

Nghe vậy thì nàng biết vậy, cũng tưởng đó chỉ là căn bệnh của xứ Âu Mỹ này, nhất là nhân loại vừa trải qua mùa dịch khủng khiếp. Ai dè tối hôm ấy, Amanda khóc như mưa đập cửa phòng vợ chồng nàng:

- Ba má ơi, Vũ đã tự tử, chiều nay ba má nó đi làm về mới phát hiện nó trong phòng ngủ.

Cả nhà hoảng hốt, nàng ôm con vỗ về, vì nàng còn bị shocked dữ dội, huống chi nó còn quá trẻ, khi nghe tin người bạn thân thiết nhất đã tự kết liễu đời mình. Amanda vẫn nức nở:

- Thì ra, hôm nọ Vũ đã chuẩn bị mọi thứ, đã chủ động đến nhà mình, đưa con đi mua sắm Halloween, đãi con bữa tối thật ngon, và trang trí sân nhà mình. Con đau lòng quá, con đã không bốc phone, cú phone cuối cùng của Vũ, nếu con trả lời phone, biết đâu con đã nghe lời tâm tình nhắn nhủ của Vũ, phải không má ơi!!

Nàng cũng khóc theo con hồi nào không hay. Amanda kể, Vũ có để lại lá thư xin lỗi gia đình, bạn bè. Vũ nói thương yêu mọi người, không giận hờn ai cả, nhưng Vũ không muốn chịu đựng thêm cuộc sống “chán ngắt” này nữa.

Nàng lên google tìm hiểu, mới thấy căn bệnh này là “sát thủ âm thầm”, làm cho bao người thấy đời là “một màu tối đen”, và thương thay cho những người trẻ mang bệnh, đã tuyệt vọng tìm đến cái chết khi tương lại còn phơi phới, mộng mơ.

*

Và ngày Halloween cũng đến, nhóm bạn bè ba đứa thân thiết đã hủy buổi hẹn tại nhà nàng vì còn chưa nguôi nỗi bàng hoàng, nhưng vì ý nguyện của Vũ, nàng và Amanda vẫn mở đèn ngoài sân, đón chờ lũ trẻ trong xóm đến “trick or treat” để trao hết số bánh kẹo Vũ đã mua, và nàng cũng vẫn nấu một nồi cháo gà.

Nếu như truyền thuyết cho rằng, đêm Halloween các linh hồn ma quỷ tìm về ăn kẹo, bánh, thì nàng tin rằng, đêm nay sẽ có một hồn ma rất trẻ, rất đáng yêu, trở về thăm lại dương gian “chán ngắt” mà nó đã bỏ đi, nhưng vì nhớ những giây phút hồn nhiên, hạnh phúc rộn ràng cùng lũ bạn năm xưa đi “trick-or-treat”, và vì ... nhớ món cháo gà của nàng, phải không Vũ ơi!?

Edmonton, Halloween 2024,
KIM LOAN 
 

Ý kiến bạn đọc
17/11/202423:48:10
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay và một bài học quý giá để Mình quan tâm Con cái nhiều hơn❤️❤️❤️
03/11/202403:31:03
Khách
Tội nghiệp Vũ, thương quá. Chuyện hay nhưng buồn quá tác giả KL ơi.
01/11/202421:40:09
Khách
Halloween là dịp cho dân Mỹ đưa lên những quái vật, ma cà rồng, zombie, Frankeinstein, thần tiên, Hitler, lính SS quốc xã, KKK, và nhân vật trong văn hoá Âu Mỹ cho làng xóm xem. Cộng đồng Á châu cũng có những nhân vật Á châu. Tuy nhiên dạ hội Halloween tại Little Saigon lại không thấy ai hoá trang các nhân vật VN như lính VNCH, tù cải tạo, cô lái đò, ông thổ địa, ông táo, vị thần thành hoàng, vv . Mong Halloween năm tới có trẻ em và nguời lớn hoá trang thành các nhân vật VN.
01/11/202420:59:34
Khách
Chuyện rất hay nhưng kết cục bi thảm bất ngờ. Những nguời bỏ tiền mua bánh kẹo để mang lại niềm vui cho trẻ con khắp nơi cũng có tấm lòng vị tha. Bậc cha mẹ phải bỏ nhiều thì giờ với con cái thay vì mất thì giờ lo sinh kế hay làm giàu vì những năm tháng với đưá con như Vũ rất quý giá vì quá ngắn ngủi.
01/11/202415:42:59
Khách
Chuyện buồn và hay lắm! Cám ơn Kim Loan.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 553,651
Đôi lời phi lộ: hai tiếng "cuối đời" tôi dùng không mang ý nghĩa sau bài ký này tôi không tiếp tục viết nữa. Đây chỉ là cái tên tôi đặt dựa theo nội dung tôi muốn diễn đạt dưới đây. ... Kể từ khi việc đưa thân xác người Việt sống lưu vong, mong muốn được chôn cất tại quê nhà không còn rào cản, vợ chồng tôi chọn cách hỏa táng thân xác sau khi mất. Lựa theo cách này vừa đỡ tốn kém vừa dễ dàng mang tro cốt trở về quê hương. Điều mong ước được "lá rụng về cội" tôi đã dứt khoát. Riêng việc chọn cái cội ở nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng chẳng dễ dàng gì! Bởi tôi sinh ra nơi đất Bắc, vợ tôi quê mãi tận cuối phương Nam, nên tôi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, tìm kiếm.
Thời gian này, tôi được cất nhắc làm “quan lớn” trong một xứ đạo ở quận Cam (Orange County). Vì vừa vào làm việc trong Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn, giáo xứ, nên tôi phải tập dần nhiều việc, như tập các câu kính thưa để lên phát biểu trước cộng đoàn cho quen, còn phải tập cách ăn nói cho chững chạc, vì bây giờ mình là quan rồi, dễ bị người ta “soi” lắm. Chẳng hạn như hôm trước, Quan Chủ Tịch Cộng Đoàn, gọi tôi ra ngoài nói chuyện:
Tôi thật sự cảm phục các thầy cô dạy tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ. Tất cả là thiện nguyện viên. Họ hy sinh cuối tuần để làm một việc không những không lương mà còn phải đối đầu với những việc không vui như áp lực từ phụ huynh... Tôi xin nhắn gởi một điều đến phụ huynh, các thầy cô và các linh mục. Học tiếng Việt là một điều rất khó đối với các em vì trong tuần các em đi học cả ngày ở trường toàn nói và đọc tiếng Mỹ. Về nhà thì xem TV, coi internet, nghe radio cũng toàn tiếng Mỹ. Mỗi tuần vào nhà thờ học tiếng Việt chỉ có hai tiếng mà nhiều thầy cô lại cứ nói tiếng Mỹ với các em. Trớ trêu là sau khi học xong, lúc đi lễ, các linh mục lại giảng phúc âm cho các em bằng tiếng Mỹ. Xin các linh mục, các thầy cô và phụ huynh nói tiếng Việt với các em càng nhiều càng tốt...
...Em rất hãnh diện được phục vụ trong quân đội Hoa-Kỳ dù chỉ là một hạ sĩ quan. Em yêu thích và không hối tiếc chút nào những việc em làm trong đời lính. Chỉ có một điều duy nhất hối tiếc ám ảnh em đến nay là người bạn đồng đội tri bỉ tri kỷ của em ngã gục phanh thây mà em không có mặt ở đó. Nó học chung với em sáu tháng Quân Trường Fort Sill, Oklahoma, từ tháng May 7-November 15, 1998, rồi hai đứa tình nguyện qua Iraq là chiến trận nguy hiểm nhất lúcđó,” Hùng ngửng đầu nói dồn dập với đôi mắt dõi nhìn trời cao như đang tìm người chiến sĩ đồng đội xưa. “Thương mến nhau còn hơn anh em ruột mà!”...
Chị Tâm trưởng nhóm Yoga gần bẩy mươi tuổi sở hữu thân hình cao thon săn chắc như người mẫu, chị nghiện bộ môn này vài thập niên trước lúc chị còn đi làm. Về hưu buồn tay buồn chân, chị rủ vài bạn thân đến nhà chị tập cho vui, tiếng lành vang xa, bây giờ nhóm của chị bành trướng đến mười mấy người, cô Ba là thành viên mới toanh thọ giáo chị. Cô vốn kín tiếng lại là ma mới nên chỉ nghe các chị hóng đủ thứ chuyện trên đời, thỉnh thoảng cô góp một câu giúp vui, tuyệt nhiên cô câm như hến khi có người cao giọng dạy đời hay chê bai ai đó.
Khi một mình trong tứ bề hiu quạnh nên tự thân cảm thấy lẻ loi. Đó là cảm nhận riêng tôi khi ngồi đợi xe đò ở vùng kinh tế mới. Thời ấy không mấy ai có cái đồng hồ đeo tay để biết giờ giấc, chỉ biết giấc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc sẽ có chuyến xe đò duy nhất trong ngày về Sài gòn, là xe ngày hôm qua từ Sài gòn lên. Nhớ những hôm sương mù bao phủ núi rừng nên tầm nhìn hạn chế càng cô độc vì cô quạnh, cảm giác lẻ loi len lỏi vào tâm khảm hay từ trong tâm khảm lan toả ra núi rừng âm u, sự lẻ loi và bất lực cho đến khi có ánh đèn vàng mờ đục xuất hiện trong màn sương mù đặc như nước vo gạo là mừng rỡ hôm nay được về nhà vì nhiều hôm ngồi đợi tới mặt trời mọc cũng không có xe vì xe hư xe hỏng gì đó, người ta không chạy ...
... Ừ nhỉ, cũng đến lúc phải quyết định đặt tên cho con là vừa. Mình cứ lo nào là trang trí căn phòng, mua quần áo tã lót, sữa… cho con mà quên mất điều quan trọng là phải cho con một cái tên thật ý nghĩa, chứ đâu phải gọi thằng cu bé là được đâu! Mà biết làm sao khi bên ngoại muốn đặt tên này, bên nội lại muốn đặt tên kia thì làm sao giải hòa được hai bên đây?! Từ chối bên ngoại hay bên nội cũng đều sợ làm buồn lòng họ, vì đây là cháu đầu lòng trong họ nên ai cũng muốn tên mình đưa ra được cha mẹ nó chọn!...
... Ra về tôi suy nghĩ liên miên về tình bạn lính, bạn tù, bạn đời thật quý “Cuộc sống chẳng có gì đáng quý hơn là hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu một tâm hồn khổ đau với tất cả những gì mình có thể” (Olive Schreineray), anh Thân đến với anh Mùi trong lúc này thật thích hợp vì họ đã hiểu nhau và hơn hết là đồng cảnh ngộ. Còn tình cha con thương yêu quấn quýt thì đẹp như một bài ca...
Hồi nhỏ, khi tôi học trường làng, ngoài câu cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn” thầy giáo còn cho viết vào vở bài học thuộc lòng đầu tiên: Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”(khuyết danh) Bài học thuộc lòng này được cha truyền con nối và theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ thời thơ ấu, vào dịp Tết, các chú thím, cô cậu đem biếu ông bà nội hộp trà, cân mứt… Trong năm, vườn nhà thu hoạch được thứ gì thì đem đến cho ông bà thứ ấy - khi quả bí, lúc trái bầu… Khi ông bà ốm đau thì sớm hôm thăm viếng, thuốc thang… Như thế coi như làm “tròn chữ hiếu.”
... Mặc hai bên lời qua tiếng lại, ông lủi thủi ứa nước mắt đi vào phòng. Trời mùa đông sẫm tối thật nhanh. Bóng tối chườm lạnh khoảng sân bên ngoài và bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Ông vẫn đứng lặng yên như pho tượng, cảm giác như mình đang đi về phía hư không. Tuổi già giọt lệ như sương. Nỗi đau của người già không bật thành tiếng khóc, mà thấm vào từng thớ thịt, ray rứt từng hơi thở. Ông nghe ngực mình nhoi nhói như muốn vỡ tung ra. Có tiếng bát đũa khua lanh canh, rồi mùi thức ăn thơm nồng bốc lên. Không ai mời ông ra ăn cơm , mà ông cũng không thấy đói. Ông chỉ muốn được nằm xuống rồi ngủ mãi một giấc dài không bao giờ thức dậy. Cuộc sống của ông là những chuỗi ngày đau đáu. Co ro với cái lạnh của mùa đông miền Bắc Mỹ, không máy sưởi , tay chân buốt cóng, ông thấm thía câu nói: Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày . Đành vậy chứ biết sao. Nước luôn chảy từ trên cao xuống thấp mà...
Nhạc sĩ Cung Tiến