Hôm nay,  

CÓ NHỮNG NGƯỜI CHA

10/06/202500:00:00(Xem: 1781)
 
TG Kim Loan
TG Kim Loan (bên trái) đang nhận giải Vinh Danh Tác Giả VVNM 2023

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

***
 
Có những người Cha tôi đã gặp
Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân
Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm
Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi …
(KL)
 
Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ.

Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).

Cuộc sống trong Trại Cấm khó khăn, dù Cao Ủy vẫn nuôi “báo cơm” nhưng nếu không có tiền viện trợ từ thân nhân nước ngoài thì làm sao chi phí cho những nhu cầu cá nhân, như xà bông, kem đánh răng, tem thư, nên các Cha đã liên lạcvới bên hải ngoại, vận động tài chánh cho trại mang tên “Hội Mekong”, phát tiền hàng tháng cho những gia đình tỵ nạn nghèo, không phân biệt tôn giáo. Dù số tiền ít ỏi, nhưng cũng trang trải phần nào cho đời sống trong trại. Cứ tới những ngày đầu tháng, tôi lại được nghe người ta hớn hở gọi nhau đến nhà thờ lãnh tiền Mekong, rất thân thương và ấm áp tình đồng loại, trong hoàn cảnh “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Trong số các Cha ở trại (Cha Phan, Cha Hậu, Cha Lãm), thì tôi biết và gặp Cha Giuse Nguyễn Đức Hậu nhiều hơn. Biết Cha từ khi vào trại, nhưng từ khi tôi đậu thanh lọc trở lại Panat thì mới có nhiều dịp nói chuyện với Ngài. Ngoài việc hàng ngày đi lễ, thỉnh thoảng tôi và Cha có gặp nhau chuyện trò nơi văn phòng Cao Uỷ Định cư nơi tôi làm việc, và tôi thường xuyên đến nhà xứ mượn báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về nhà đọc. Dù Cha đậu thanh lọc rất sớm, nhưng theo chỉ định của Tòa Thánh, Ngài phải hy sinh ở lại trông coi “giáo xứ tỵ nạn Panat” cho đến ngày trại chính thức đóng cửa hoàn toàn vào năm 1995-1996.

Khi tôi qua Canada, hai cha con lại có cơ duyên gặp nhau nhiều lần tại thành phố Edmonton khi Cha Hậu từ Oregon bay qua thăm Cha Giuse Đinh Văn Hoành (hồi ở trại là Thầy Hoành). Thầy lúc đó rớt thanh lọc, nhưng được Cha Hậu giúp giấy tờ bổ sung nên đậu tái thanh lọc và qua Canada tiếp tục vào nhà Dòng rồi thụ phong linh mục. Chẳng may, Cha Hoành mắc bệnh hiểm nghèo, và Cha Hậu từ Oregon nhiều lần qua Edmonton thăm Cha Hoành, tôi lại được dịp tháp tùng Ngài, nói chuyện xưa chuyện nay. Khi Cha Hoành mất, Cha Hậu cũng bay qua, đồng tế Thánh Lễ an táng tại giáo xứ Edmonton…biết bao nhiêu kỷ niệm biết nói sao cho vừa.

Cha Hậu cũng là người sốt sắng nhận lời viết giới thiệu cuốn sách Buồn Vui Đời Tỵ Nạn của tôi phát hành năm 2017. Ngài bảo, gì chớ, viết về trại tỵ nạn thì Ngài ủng hộ hai tay hai chân, bởi Ngài cũng muốn là một phần của quãng thời gian ấy, không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của bất cứ ai đã từng trải qua, chia sẻ ngọt bùi đắng cay với nhau.

Nói về những linh mục ngoại quốc thì không thể không nhắc đến Cha Pierre Ceyrac, vị linh mục dòng Tên người Pháp đáng kính, với tấm lòng hiền hậu bao la. Tất cả những ai từng đến trại tỵ nạn Thailand, đường bộ hay đường biển, đã một lần gặp Ngài, đều quý mến yêu thương Ngài và âu yếm gọi Ngài là vị Thánh sống giữa trần gian.

Ngài có mặt ở trại tỵ nạn rất sớm, đầu thập niên 1980s, khi mà những xung đột ở đất nước Cambodia vào thời kỳ nhiễu nhương, quân đội Hunsen đánh bật thể chế Polpot và Khmer Đỏ, hàng ngàn người dân Cambodia lũ lượt chạy về vùng biên giới Thailand lánh nạn. Lúc đó, phong trào vượt biên bằng đường bộ và đường biển của người Việt Nam đang ở cao trào, và những trại tỵ nạn vùng biên giới được lập nên cho tất cả những người vừa đến bờ tự do.
Thời gian này, Cha Pierre đã có mặt giúp đỡ đồng bào mình. Vì chưa có bưu điện ở trại tạm biên giới, nên Cha dùng hộp thư của mình cho dân tỵ nạn Việt Nam liên lạc với thân nhân ở quê nhà cũng như ở nước ngoài. Thế là hàng tuần, người tỵ nạn mong ngóng chiếc xe truck màu nâu của Cha dừng trước cổng trại, chờ bóng cao gầy của Ngài bước xuống với nụ cười tươi rất hiền, đôi mắt trìu mến đầy yêu thương sau cặp mắt kiếng to, trên vai Cha là cái túi màu đen, có những lá thư, và đôi khi Cha còn mang thêm bánh kẹo cho trẻ con và thuốc lá cho thanh niên đàn ông.

Có một lần, những tên lính Thái dở chứng, kiểm tra túi thư của Cha rồi quyết định tịch thu những lá thư đó, không biết Cha năn nỉ gì với họ, nhưng nhìn mặt Ngài rất đau khổ vì sợ mất thư của người tỵ nạn, cuối cùng bọn họ quyết định, nếu Cha chịu chui qua gầm xe truck của Cha thì sẽ được vào trại đưa thư. Tội nghiệp thay cho Ngài, dù là người gầy gò, nhưng với dáng cao nghều, những người tỵ nạn đã chứng kiến vị Cha già 70 tuổi bò lê lết chui qua gầm xe mà xót xa. Đường đất đỏ và sỏi đá làm cho quần áo Ngài lấm lem và mồ hôi nhễ nhại, vậy mà khi chui qua xe xong, Ngài nhanh nhẹn đứng dậy cười tươi rạng rỡ mang thư đến cho những người đang mong chờ.

Câu chuyện nổi tiếng về hình ảnh người Cha già, cứu tinh của dân tỵ nạn ở vùng biên giới được loan truyền khắp nơi. Khi tôi đến trại Panat thì toàn bộ dân tỵ nạn người Việt vùng biên giới Thái-Miên cũng được đưa về đây, Cha Pierre Ceyrac không làm việc chính thức cho trại Panat nhưng thỉnh thoảng Ngài vẫn vào thăm đồng bào tỵ nạn kết hợp với chút công việc. Tiếng tăm và ảnh hưởng của Ngài được chúng tôi ghi nhớ và luôn khao khát được gặp Ngài.

Hôm ấy tôi đang ngồi bên phòng bưu điện làm việc, nhìn qua cửa sổ đối diện văn phòng Mental Health, một phụ nữ dắt theo đứa con gái nhỏ vừa bước ra khỏi phòng (chắc vừa lấy thuốc xong), thì Cha Pierre đi ngang qua, chị ấy mừng rỡ chặn đường Cha, ôm tay Cha vừa nói vừa khóc nức nở bằng tiếng Việt, Cha không hiểu gì, vẫn bình tĩnh mỉm cười, mời chị trở lại văn phòng với anh phiên dịch. Anh bạn tôi là người phiên dịch ấy, kể lại rằng, khi vào văn phòng, chị ấy tâm sự với Cha, chị đang rất đau khổ vì người chồng ở Mỹ vừa viết thư báo tin đã có người đàn bà khác nên không thể bảo lãnh mẹ con chị được, chị bị khủng hoảng tinh thần, phải vào phòng Mental Health lấy thuốc uống, tình cờ gặp Cha hôm nay, chị thấy nơi Cha toát ra sự nhân từ, đầy lòng ủi an, nên chị liều xin gặp Cha để giải tỏa nỗi lòng bởi chị không có đạo, không đi lễ nhà thờ và chưa bao giờ nghe về Cha! Nghe vậy, Cha lặng người đi, xúc động, nét mặt đăm chiêu trìu mến, ôm hai mẹ con chị, rồi thông qua người phiên dịch, Cha nói chuyện với chị, để chị tâm sự hết cõi lòng.

Mỗi lần đi trong trại, dáng cao gầy của Cha lập tức được mọi người nhận ra, trẻ con người lớn đứng hai bên đường giờ tay chào đón, Ngài luôn nở nụ cười hiền rất trong sáng ngây thơ, đáp lại tấm chân tình của đồng bào tỵ nạn, có khi còn dừng lại xoa đầu vài đứa trẻ rồi lại bước đi.

Sau khi rời trại tỵ nạn Thái Lan, Ngài qua Ấn Độ tiếp tục sứ vụ mới, sống giữa những mảnh đời nghèo khó và bất hạnh không phân biệt tôn giáo, vì đối với Ngài tôn giáo chính là con người.

Nơi đó cũng là hành trình cuối cùng của Ngài trên trần gian, Ngài được Chúa gọi về ngày 30/5/2012 tại Madras, India, hưởng thọ 98 tuổi, trong sự tiếc thương của các con chiên khắp nơi. Những dòng chữ này hôm nay là nén hương lòng tôi gửi đến Cha Pierre kính yêu, mà tôi đã may mắn được gặp gỡ, nói chuyện và chụp hình với Ngài, và lời nói của Ngài chúng con xin mang theo làm hành trang cuộc đời: “Cái gì không cho đi thì sẽ mất” (What is not given is already lost).
 
Cuối cùng, (như tiếng Anh có câu, last but not least-cuối nhưng không phải là hết), tôi xin dành sự ưu ái sau đây, cho Cha Peter Prayoong Namwong, cũng là một vị ân nhân khác của dân tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan.

Theo lời Cha kể, tổ tiên của Cha là người Việt Nam, từ 300 năm trước trong cuộc bách đạo, đã phải chạy trốn xuống Rạch Giá, rồi lưu lạc qua tỉnh Ratchasima, Thailand cho đến nay.

Những ai vượt biên qua Thái Lan sau ngày đóng cửa 14/3/1989 đều có một hành trình chung: ở trại Panat một thời gian, rồi được chuyển về trại Sikiew chờ thanh lọc, rồi sau khi có kết quả thì được về lại Panat chuẩn bị định cư nước thứ ba. Và tại Sikiew, Thiên Chúa đã mang đến cho chúng tôi một vị ân nhân mới, một mục tử nhân lành để ủi an, giúp đỡ chúng tôi qua những năm tháng khó khăn nơi đất tạm dung.

Những người đi đến trại sớm, đầu thập niên 1980s kể lại rằng, trên trại Sikiew lúc ấy, Cha đã tất bật xin tiền ở khắp mọi nơi trên thế giới để xây trường học “Our School” từ lớp 1 đến lớp 9, tiếp theo là xây bệnh viện chữa bệnh (có luôn khu vực sinh sản, phụ khoa). Cha còn thành lập Trung Tâm Minor để nuôi nấng các em dưới 18 tuổi qua trại một mình không có thân nhân, ngoài ra Cha còn có quỹ để trợ cấp cho những gia đình tỵ nạn khó khăn, có con nhỏ, và để phục vụ nhu cầu giải trí của dân tỵ nạn, Cha mướn Drive-in Movie Company vào trại mỗi năm vài lần chiếu phim, mỗi lần chiếu khoảng 5-6 phim liên tục, xem từ tối cho đến sáng, thực sự là ngày hội được mong chờ nhất của đời tỵ nạn ngày dài buồn tênh.

Những “di sản” đó, chúng tôi, những kẻ “trâu chậm uống nước đục”, đến trại tỵ nạn muộn màng, vẫn còn được hưởng ké. Đó là ngôi nhà thờ kiên cố khang trang, xây bằng gạch, nằm dưới chân bãi đá. Đó là bệnh viện có đầy đủ phòng ốc, dụng cụ y tế, là chương trình tiền trợ cấp hộ nghèo neo đơn. Nhưng “di sản” lớn nhất mà chúng tôi rất hạnh phúc đón nhận, chính là Cha Peter NamWong, người nuôi dưỡng đời sống tinh thần của tất cả người tỵ nạn, không phân biệt tôn giáo.

Tuy chúng tôi được bảo vệ bởi Cao ủy Liên Hợp Quốc, nhưng phép Vua vẫn thua lệ làng. Những lần Cha Namwong vào trại làm lễ thỉnh thoảng vẫn bị lính Thái làm khó dễ, và Cha lại luôn nhớ xã giao quà cáp để được vào trại suông sẻ với đoàn chiên. Chẳng ai quên được những buổi sáng Chúa Nhật, từ 10 giờ, nhiều người đã chỉnh tề áo quần, ngồi rải rác từ bãi đá cho đến cổng trại, trông ngóng chiếc xe của Cha Namwong dừng lại, tươi cười bước vào, cả trại rộn ràng xôn xao trở về ngôi nhà thờ bé nhỏ chờ đón Thánh Lễ.

Nhưng tỵ nạn cuối mùa cũng phải đến ngày kết thúc, những người may mắn đậu thanh lọc được chuyển về Panat chờ đi định cư, và những ai rớt thanh lọc ở lại Sikiew được khuyến khích tự nguyện hồi hương, và sau đó là cưỡng bách hồi hương năm 1996. Khoảng tám chục người, đã lần lượt trốn ra ngoài trại trong những khoảng thời gian khác nhau, tìm đến giáo xứ Cha Namwong, lập tức được Cha tận tình gửi gắm ở nhờ những gia đình con chiên trong xứ, giúp họ kiếm việc làm, sinh sống. Cha đã vận động Toà Giám Mục Bangkok can thiệp cho những đồng bào này được tạm trú (dù bất hợp pháp) tại Thái Lan.

Thời gian trôi qua hơn 20 năm, có người lập gia đình, sinh con cái, chuyển lên Bangkok hoặc các vùng phụ cận sinh sống, rất nhiều người trong số họ không phải đạo Công Giáo, nhưng mỗi năm vào ngày sinh nhật Cha, họ lại tụ tập về vùng Sikiew (Ratchasima), đến nhà Cha quây quần, dự Thánh Lễ, tâm tình với Cha, mong ngày được đổi đời ở xứ tự do.

Tạ ơn Chúa, cũng nhờ Cha kết hợp với các luật sư và thiện nguyện viên của tổ chức VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) miệt mài vận động với chính phủ Canada, những gia đình tỵ nạn cuối cùng này đã qua đến Canada. Trong những chuyến bay này, Cha Namwong luôn đồng hành tiễn đưa bà con đến tận phi trường, lên máy bay, thậm chí có đôi lần Cha còn bay qua bên Canada rồi mới an tâm bay về Thái Lan.

Trong nhóm những người tỵ nạn đến Edmonton mà tôi cùng Hội Người Việt cùng ra sân bay đón chào, có lần tôi có hỏi một người bạn trẻ:

- Vậy là 25 năm sống trên đất Thái, cũng là 25 năm xa quê! Khi có quốc tịch Canada, em sẽ về thăm gia đình cha mẹ ở Việt Nam chứ?

Em ấy đã trả lời không cần suy nghĩ:

- Thưa chị, nơi đầu tiên em về thăm chính là Thailand và Cha Prayoong Namwong, bởi nếu không có sự đùm bọc che chở của Cha thì chúng em không có ngày hôm nay. Với em, Cha chính là người sinh ra em lần thứ hai.

Với truyền thống biết ơn của người Việt, năm 2013 những cựu thuyền nhân tỵ nạn Thailand đã mời Cha Namwong một chuyến Mỹ du (con chiên tỵ nạn của Cha ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng đông đảo nhất là ở Mỹ). Trong hành trình 25 ngày ở Mỹ, Cha đã đi nhiều tiểu bang, nhiều thành phố, thăm thú các con chiên (và kể cả những người ngoại đạo), nhắc lại bao kỷ niệm của thời gian ở trại tỵ nạn dưới bàn tay chăm sóc của Cha.

Ở hai thành phố lớn tại California, là Orange County và San Jose, những cuộc đón tiếp Cha rất tưng bừng, đậm tình thương yêu. Họ choàng cho Cha những vòng hoa nhiều màu sắc, mọi người vây quanh người Cha thân yêu nay đã già để tỏ lòng tri ân đậm đà sâu xa.

Tôi rất xúc động khi xem trên Youtube cuộc phỏng vấn Cha do đài Hương Quê tại San Jose thực hiện, không phải vì Cha đã già đi theo thời gian, nhưng bởi Cha đã trả lời phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Việt, dù có phần phát âm và dùng từ chưa chính xác. Điều đó nói lên sự gắn bó mấy mươi năm qua của Cha với người Việt tỵ nạn ở Thái Lan, bởi thời gian ở Sikiew, Cha không biết nói tiếng Việt, vào trại phải có thông dịch, và khi làm lễ thì Cha giảng bằng Tiếng Anh rồi có Thầy giảng lại cho cộng đoàn.

Cũng trong chuyến thăm miền Bắc Mỹ, khi Cha đến Canada có đi qua Toronto, Calgary và đến Edmonton, thành phố của tôi trước khi bay qua Vancouver. Thật vui và xúc động khi tôi được đón Ngài, gặp lại Ngài, khi mà cả Cha và các con đều …có tuổi. Nhìn những nếp nhăn trên khuôn mặt Cha, tôi vẫn nhận ra một vị linh mục có nụ cười hiền, bao dung như đã từng thấy ở Sikiew thuở nào.

Năm 2022 Cha lại có một chuyến Mỹ du, mà Cha gọi là chuyến cuối cùng vì sức khỏe bắt đầu yếu kém. Cuộc đón tiếp và tiễn biệt Cha lần này có nhiều cảm xúc đặc biệt, ai cũng luyến lưu ôm Cha, nắm tay thật chặt, rồi nhìn theo bóng Cha già vẫy tay với nụ cười lặng lẽ mà rưng rưng.

Mới ngày nào đây, Cha còn trẻ trung khỏe mạnh, hoạt động dọc ngang nơi đất Thái, mười mấy năm trường, sau đó là hơn hai mươi năm bảo bọc chở che những người tỵ nạn “bất hợp pháp” cho đến ngày họ được tái định cư an toàn ở nước thứ ba.

Vậy là gần năm mươi năm của một đời người, Cha đã gắn bó với người tỵ nạn, một cơ duyên của định mệnh đã sắp đặt, là một sự may mắn lớn lao cho người tỵ nạn Việt Nam tại Thái Lan.

Những thông tin về Cha Pierre Ceyrac hoặc Cha Peter NamWong, ai cũng có thể tìm kiếm được trên internet, riêng tôi viết bài này như là một kỷ niệm nhỏ bé với hai vị Linh Mục đáng kính.

Trong những ngày này Giáo Hội Công Giáo vừa có Đức Giáo Hoàng mới, Cha Leo XIX, chúng con dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, vì đã dẫn đưa những vị Linh Mục đến với chúng con trong giai đoạn khó khăn lưu vong trên mảnh đất trại tỵ nạn.

Cũng trong năm nay, tưởng niệm Năm Mươi Năm ngày mất nước, ghi dấu hàng hàng lớp lớp người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản, ra khơi tìm tự do, chúng ta xin được tri ân những đất nước tạm dung đã mở rộng vòng tay chào đón những đoàn người tỵ nạn từ năm 1975 đến 1996.

Xin được tri ân những người thiện nguyện viên từ khắp nơi, những vị ân nhân, trong đó có những “Người Cha” mà tôi đã may mắn được gặp gỡ và có những kỷ niệm không bao giờ quên.
 
Edmonton, Tháng 6/2025
KIM LOAN
 
 

 

Ý kiến bạn đọc
12/06/202516:02:19
Khách
Có những người Cha hiến dâng đời phục vụ tha nhân :
Linh mục Trần Công Vang thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã đến Hồng Kông để giúp đỡ các thuyền nhân Việt Nam trong các trại cấm và thăm viếng an ủi những người bị giam tại nhà tù Victoria. Linh mục Vang chỉ trở về Mỹ khi các trại này bị đóng cửa.
Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam như Nguyễn Trung Thành, Hồ Đắc Tâm, Trương Hoàng Vũ, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Cương, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, và còn nhiều linh mục khác đã trực tiếp giúp đỡ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Tiền bạc, thuốc men, tặng phẩm khi có ai gởi về cho thương phế binh thì các linh mục rất minh bạch công khai công bố hết trên trang nhà của Dòng Chúa Cứu Thế.
v.v...
12/06/202514:53:58
Khách
"Nữ tu sĩ quỳ gối xin cảnh sát Myanmar không bắn người biểu tình
10/03/2021
Nữ tu sĩ Ann Rose Nu Tawng quỳ gối ở thành phố Myitkyina (miền Bắc của Myanmar) vào hôm 8/3/2021 phía trước các nhân viên cảnh sát vũ trang và xin họ tha mạng cho người biểu tình. Bà nói, họ có thể đoạt mạng của bà để thế vào đó.
Hình ảnh một sơ Công giáo đối diện với lực lượng của chế độ Myanmar như trên đã lan truyền nhanh chóng và nhận được sự khen ngợi của cả cộng đồng Phật giáo chiếm đa số tại Myanmar.
Hôm 9/3, nữ tu sĩ này nói: “Tôi đã quỳ xuống, cầu xin họ đừng bắn những người biểu tình, mà hãy bắn tôi để thế vào đó”.
Người biểu tình đổ xuống các con phố của Myitkyina (thủ phủ bang Kachin) vào hôm 8/3, đội mũ cứng và các tấm khiên tự chế, để phản đối quân đội lên nắm quyền (sau cuộc đảo chính ngày 1/2) và bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Chính vào lúc này sơ Ann Rose Nu Tawng quỳ trên mặt đất để cầu xin cảnh sát kiềm chế.
Đầu tiên Ann Rose Nu Tawng thấy một người đàn ông bị bắn và gục ngã ngay trước mặt bà. Kế tiếp bà cảm nhận được vị cay xè của hơi cay do cảnh sát phun.
Một đội giải cứu tại chỗ xác nhận với hãng tin AFP của Pháp rằng hai nam giới đã bị bắn chết tại hiện trường trong cuộc biểu tình hôm 8/3.
Đây không phải là lần đầu tiên sơ Ann Rose Nu Tawng đối mặt với lực lượng an ninh trên phố. Hôm 28/2 bà cũng từng cầu xin tương tự như hôm 8/3/.
11/06/202517:07:33
Khách
Bài viết hay thật cảm động, cảm ơn Kim Loan, chờ bài mới của em.
11/06/202500:05:55
Khách
Một bài viết thật hay về các Cha đã thay mặt Thiên Chúa ban an phúc giúp đỡ hết lòng hết sức cho các người VN tị nạn. Cám ơn tác giả Kim Loan. Tôi là đọc giả trung thành của chị .
10/06/202522:41:49
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 256,285
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Nhạc sĩ Cung Tiến