Hôm nay,  

mưa cuối năm…

01/01/202500:48:00(Xem: 1730)

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Đón mừng năm mới 2025, tác giả gửi đến độc giả Viết Về Nước Mỹ một bài tự sự ngắn có những hạt mưa rơi vào ngày cuối năm khơi gợi biết bao kỷ niệm và triết lý nhân sinh.

TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021
TG Phan đang trao giải Chung kết VVNM 2021 cho tác giả Vĩnh Chánh
 ***
 
Cứ mỗi lần có dịp đi lên miền bắc hay sang Cali, được hít thở không khí mát mẻ, tôi thường suy nghĩ: Sao mình cứ ở mãi Texas này, mùa hè nóng như con gà trống mới đạp mái. Người bản địa ở đây thường nói vậy về thời tiết mùa hè, sang mùa lạnh thì tê tái với gió rét, không có cái lạnh dễ chịu như bên Pennsylvania. Nhưng rồi ở đâu quen đó, tâm lý con người theo thời gian cũng giảm nhiệt phiêu lưu.
 
Đâu đã quên thời trẻ, ăn sáng ở Sài gòn nhưng bữa trưa ngoài mũi Né, bữa tối uống chai bia ở Nha trang với mực một nắng ngọt đẫm chân răng. Sau đó ngủ vài tiếng cho lại sức là đã có thể ăn sáng hôm sau ở Quy nhơn. Cuộc sống cơm đường cháo chợ rong ruổi nam bắc tuy vất vả nhưng ly kỳ, sinh động. Có lẽ mê phim cao bồi thuở nhỏ với một chàng cao bồi và con ngựa vạm vỡ, rong ruổi qua núi rừng, đồng cỏ bạt ngàn vùng trung tây Hoa kỳ mà tôi đã dịnh cư nơi này.
 
Nhớ những lần lái xe xuôi nam, hai bên đường xa lộ 45 S về Houston là những cánh đồng cỏ bất tận; hay lái xe về phía tây bắc Texas, con đường xa lộ tiểu bang 287 như không có điểm đến, đôi khi lái cả tiếng đồng cũng không thấy một ngôi nhà ở, chỉ toàn là rừng với ruộng bắp, lúa mì tiếp nối tới chân trời. Rồi thấy một ngôi nhà thì lại không hiểu người sống ở ngôi đó làm sao đi chợ vì quá xa thị trấn. Trẻ nhỏ đi học ở đâu mà chẳng thấy ngôi trường học nào.
 
Thường tôi nhớ về những căn chòi trong đồng trong ruộng ở quê nhà, cả tháng người ta mới đi chợ một lần, ra tới chợ huyện là đã xa lắm rồi, mua gạo và gia vị là chính cho đời sống uống nước sông ăn cá đồng bắt được trong ngày, ăn rau rừng rau ruộng, củi đốt là cành nhánh hoang dại. Trên vùng cao núi đồi, những căn chòi sâu tít trong rừng cũng tương tự như người trong đồng trong ruộng ở miền xuôi, người vùng cao cũng cả tháng mới đi chợ, mua gạo muối là chính. Thức ăn săn bắt được gì ăn nấy như lộc trời. Cuộc sống rất buồn tẻ, nhàm chán với người thị thành. Nhưng kẻ sinh ra ở Sài gòn lại thích sống trong căn nhà chòi ở ruộng đồng hun hút tiếng quốc kêu, hay căn nhà sàn trên núi rừng hẻo lánh... Cuộc sống cơm áo gạo tiền làm người ta không có quyền chọn lựa, nhưng khi được phép thì sự chọn lựa khó khăn hơn cả cơm áo gạo tiền vì ở đâu quen đó, tình cảm con người gắn bó với nơi nào đó rất khó hiểu như lang thang bên châu Âu mù sương bỗng thèm nắng Texas đổ mồ hôi hột. Nhớ nắng hoa mắt bên xứ sương mù thì máy bay đã cất cánh về lại xứ nắng như con gà trống…
 
Người ta luôn khát khao những gì ngoài tầm với để từ “khát khao” còn trong tự điển chứ chả để làm gì, như người dân quê bị mê hoặc bởi ánh đèn thành phố, trong khi người thị thành thích ánh đuốc đêm rừng cô lạnh hay ngoài đồng bao la gió chướng mùa cuối năm. Có những diễn ra trong đời sống mà chúng ta chỉ làm được là lướt qua như gặp rất nhiều người, người quen biết cũng không ít nơi đô thị nhưng những mặt người cứ lướt qua, lướt qua rồi thôi. Họ chân tình cũng có, hờ hững cũng nhiều, khoe mẽ thoả thích, hay khiêm tốn khả kính đều lướt qua cuộc sống vội vã này vì lòng người mau quên. Nhưng quen biết được một ai đó nơi đồng hoang vắng bóng người qua, một ai đó nơi thâm sơn cùng cốc, tình cảm như chậm lại để nhớ hoài khi không còn gặp nữa trong đời còn mang ơn nhau về sự sẻ chia trong đời sống núi rừng hay bao la sông nước. Ai đội mưa rừng bằng tàu lá sang thăm nhau, ai mời chung rượu lạt chiều mưa đồng trắng trời, đưa cay gắp cá linh kho lạt ăn với rau tạp tàng mùa nước nổi thành nỗi nhớ không quên…
 
Tất cả là những thoáng nghĩ khi trời chưa tỏ mặt người, đã cả tuần mưa đông trút nước đến không khí cũng ướt sũng. Đi làm thì ai nấy cứ thi nhau cảm cúm bỏ về giữa buổi. Đi câu thì trời mưa trói chân ngồi trong xe nhìn mặt hồ vỡ những hạt mưa. Mưa cuối năm hay đầu năm cũng là mưa, một hiện tượng thời tiết, hiện tượng vật lý khác gì nhau nhưng mưa cuối năm như đưa người ta về những khung trời xưa cũ. Có lời bài hát nghe như tiếng mưa, “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng…” Thật là hay diễn tả mưa rừng với lòng người vì thường mưa rừng cả tuần, cả tháng cũng có, lòng người mau quên nhưng đã nớ thì suốt đời. Nhớ mưa đồng sau những cơn giông dữ dội, bì bõm nước đi soi nhái đêm mưa còn dư vị trong lòng tình quê ấm áp. Nguyễn Trung Cang viết bài “thương nhau ngày mưa” cũng hay lắm, “Như mưa ngày nào thấm ướt vai em/ như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm/ thương em ngày nào tóc ướt môi mềm. Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu/ cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh/ xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau …” là những người đã gặp trong đời và ở lại trong lòng mãi mãi, không như những mặt người nơi phố thị cho nhau lời hoa mỹ lúc gặp nhau rồi qua đi như mưa rào nắng hạn; những cái tên người nơi thị thành nghe lãng mạn như trong tiểu thuyết nhưng chỉ lướt qua đời nhau như ánh đèn phòng trà, còn chăng những cái tên quê mùa mộc mạc nhưng lắng đọng ân tình.
 
Tôi đang ngôì thúc thủ nhìn mưa cuối năm trút xuống mặt hồ mênh mông như biển, những gương mặt người còn lại trong tôi là ân sủng đời này. Lòng thấy bình an với niềm tin ai cũng được bình an, chắc chắn những người đã gieo vào lòng người khác sự mang ơn đều được bình an. Quên đi những cái tên, những mặt người đã cho nhau khổ hạnh, cùng lắm cũng chỉ là một lúc ác tính trong con người trỗi dậy thì người ta mới thế. Bản chất thiện lương của nhân sinh sẽ bình tâm, những ăn năn, hối hận cũng chỉ là cảm xúc nhất thời rồi qua đi; không ai tắm cùng một dòng sông được hai lần nhưng đã quên trân quý nước sông trong lần tắm trước để lần sau ngậm ngùi nhìn dòng nước cũ… Hôm nay ngày cuối năm, một năm nhiều biến động trên toàn cầu, năm bầu cử ở Mỹ ngập ngụa tin giả, tin thật nên cuối cùng là không biết tin ai nên tin vào chính mình là thực tế thêm một năm xa nhà, câu trả lời cho người khác về tuổi tác sẽ thêm một tuổi, quỹ thời gian còn lại ngắn thêm một lóng tay.
 
Mưa cuối năm vẫn rả rích ngoài trời mù sương và gió lạnh, thảm lá vàng ướt mưa về cội. Bỗng nhớ câu nói đêm qua của một vị thiền sư bên Nhật, ông nói, “cuộc đời như một chiếc va li, sống phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống, phải soạn lại va li cho mỗi hành trình…” Tôi nghe không hiểu ý ngài lắm vì thiền sư đâu phải người thường dễ hiểu, chỉ nhớ bà ngoại mấy đứa nhỏ từng nói, “cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được.” Hiểu khi còn trẻ đã qua rồi, hiểu khi không còn trẻ về cuộc đời ưu tư phiền não triền miên không giải quyết được gì! Những vui buồn xưa cũ hãy quên đi để sống đời tự tại, thành công hay thất bại trong quá khứ không nên để trong lòng mãi vì chỉ có ưu phiền, buồn nhiều hơn vui. Điều duy nhất con người có thể là không vấp một mô đá hai lần còn sai lầm hay thành tựu cũng đã qua rồi… 
 
Đêm qua nghe vị thiền sư ví cuộc đời như cái va li là một liên tưởng lạ khi phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống. Cuộc đời của mỗi người là thân tâm người ấy, không thể tách rời khi sự chết chưa đến, làm sao có thể xách cuộc đời mình lên hay để cuộc đời mình xuống với thân tâm không rời? Có thể ngụ ý là phải biết phát huy hết khả năng cá nhân trong đời người khi thiên thời địa lợi nhân hòa; và lắng đọng lại cuộc đời khi lực bất tòng tâm, gạn lọc những vui buồn trong mớ hỗn độn nhân sinh đã từng trải. Qua một đoạn đời, sự kết thúc cũng là khởi đầu một hành trình mới, người ta nên soạn lại hành lý bên trong va li, là những ngồn ngang trong quá khứ cuộc đời, giữ lại những cần thiết cho bất cứ hành trình nào tiếp diễn như lòng vị tha, sự bao dung, hướng đạo, buông bỏ những phiền toái, tham lam, ích kỷ trong quá khứ đã làm cho những hành trình đã qua không trọn vẹn.
 
Mưa cuối năm như bữa tiệc chia tay thêm một năm nữa trong đời, bữa tiệc nào cũng tàn, cơn mưa nào cũng tạnh trong cõi đi về trước lúc đến nơi không phải quay về trong cõi đi là chia xa về luôn sầu muộn như những lời nhạc đã nghe trong u mê, “hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”; hay “thương nhau ngày mưa” làm gì để từ đó về sau cứ khắc khoải mỗi khi nhìn mưa với tâm trạng “xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau…”
 
Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 201,217
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, khuất sau những tàng cây cổ thụ, phủ đầy rêu phong và ký ức. Mỗi viên gạch, mỗi góc tường, đều như đang thì thầm câu chuyện về một gia đình đã từng hạnh phúc, ấm êm. Ông Lâm, với mái tóc bạc phơ như sương tuyết và dáng người gầy gò, liêu xiêu theo năm tháng, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây cũ ở hiên nhà. Chiều tà buông xuống, nhuộm tím cả khoảng sân, mang theo hơi lạnh se sắt của cơn gió trở mùa, lay lắt những cánh hoa đỗ quyên đỏ thắm trước ngõ, như ngọn lửa nhỏ đang cố gắng níu giữ hơi ấm sắp tàn lụi. Mỗi cơn gió đi qua, ông Lâm lại khẽ rùng mình, không phải vì lạnh, mà vì nỗi cô đơn quạnh quẽ đang bám riết lấy ông từ hai năm nay. Từ ngày người vợ yêu quý của ông về với đất.
Mùa Hạ đã bắt đầu báo hiệu, các loài hoa thi đua nở đủ màu sắc tươi vui. Anh Quang bước ra sân theo tiếng gọi của vợ nhờ bưng phụ mấy chậu hoa quỳnh lên bệ cao, vì muốn ngắm nét đẹp của loài hoa trang đài đang nở hàng chục đóa hồng và vàng. Bé LiLy bước chân cao chân thấp đi theo cha cười hồn nhiên.
Có những người Cha tôi đã gặp Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi … (KL) Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ. Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).
Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga. Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng. Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe.” Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Hàng năm, cứ qua giữa tháng Năm là nước Mỹ lại bắt đầu rộn ràng hơn cho ngày lễ hội Memorial Day sắp tới! Các “florist centers” lo chuẩn bị thêm nhiều hoa để cung cấp cho người tiêu thụ, những gian hàng đồ lưu niệm bày biện lắm thứ hơn để bán. Walmart, Krogers tấp nập khách hàng vì có đông người đi chợ cho các tiệc tùng ăn uống chiều hôm đó. Như chúng ta biết, ngày lễ này được long trọng tổ chức vào mỗi thứ Hai cuối cùng của tháng Năm nhằm vinh danh những người lính đã xả thân hy sinh trong quân đội Hoa Kỳ. Ngược dòng lịch sử và theo các sử gia thì cuộc nội chiến Mỹ được xem là có nhiều người chết nhất nên những nghĩa trang thành hình từ đấy. Vào mấy năm cuối của thập niên 1860 thì ở nhiều quận, hạt, tỉnh, thành, thiên hạ bắt đầu tới sửa sang, dọn dẹp vệ sinh cho những ngôi mộ của người thân mình, mang theo bông hoa trang hoàng cho các ngôi mộ đó; những chiến binh đã nằm xuống!
Là con trai trưởng trong một gia đình có chín anh em, tôi sống với Mẹ trong hầu hết bảy mươi bốn năm đời mình. Chỉ có hai lần tôi phải xa Mẹ lâu nhất, mỗi lần tám năm, đều liên quan đến nước Mỹ và Mẹ. Lần thứ nhất từ năm 1991 khi Mẹ đi tỵ nạn Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi kẹt lại quê nhà cho đến cuối năm 1998 mới đi đoàn tụ gia đình theo diện ODP. Đi hay ở, một quyêt định không phải dể dàng với tôi lúc bấy giờ. Những năm chín mươi sau những tháng năm sống vất vả, cay đắng và tủi nhục để kiếm sống và tồn tại, đứa con một sĩ quan tù cải tạo, nhờ thời kỳ mở cửa, các công ty nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, tôi được làm việc cho văn phòng đại diện công ty Hoa Kỳ AMP tại Việt Nam. Mức lương 700 USD của một giám đốc kỹ thuật hồi đó là một con số rất lớn nếu so với đồng lương 50 USD của một kỹ sư mới ra trường.
Cũng như bao đứa con trai khác, hồi bé tôi mơ ước được đi máy bay. Vì lớn lên ở Việt Nam sau 1975, mơ ước đó xem ra khó thành hiện thực. Thế rồi khi tôi 18 tuổi, giấc mơ ấy đã đến khi tôi leo lên chiếc máy bay TU134 của Liên xô tại phi trường Tân Sơn Nhất để đi định cư ở Mỹ theo diện bảo lãnh, như đã kể trong bài viết dự thi Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi vào năm 2002. Ở Mỹ trên 30 năm, tôi đi máy bay tương đối cũng khá nhiều và cũng có nhiều kinh nghiệm lý thú để hôm nay kể cho quý vị thưởng thức.
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhạc sĩ Cung Tiến