Hôm nay,  

Chỉ Là Cái Tên Thôi

21/03/202500:00:00(Xem: 3642)

Hoa Giấy Tím
Dàn bông giấy trước nhà tác giả.
Hoa còn đây? Người đi đâu?
  
Tác giả-giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001 với bài viết “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và tiếp tục góp bài liên tục vào bộ sách VVNM. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, năm 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Và từ đó, các bài viết của Bà không tham gia dự thi, nhưng được độc giả VVNM đón đọc và yêu mến, nhất là lối “kể chuyện nhà kể chuyện người” dễ dàng đầy lôi cuốn. Sau đây là bài viết mới nhất, tiếp nối nỗi nhớ người chồng thân yêu qua những sinh hoạt đời thường như đổi tên trên hóa đơn điện thoại… chỉ là cái tên thôi…
 
***
 
Tui coi cái hóa đơn điện thoại. Chaaa… sao mà cao quá.
 
Nghe nói rồi đây thuế má tăng lên. A… cần phải thu vén, bớt được chỗ nào đỡ chỗ đó. Gọi người bạn cũng xài cùng hãng điện thoại với tui, hỏi, bạn nói, cũng có xài wifi (mạng) và một cái cellphone (điện thoại cầm tay) mà chỉ trả mấy chục mỗi tháng. Còn tui, sao tới hơn 150 đô lận?
 
Tui thì xài “mạng” và cái điện thoại bàn (landline), còn cái điện thoại cầm tay thì tui ít cầm, ít xài, cho dù khỏi tốn tiền vì là của con dâu cho. À, nội cái điện thoại bàn cũng gần 60 đô mỗi tháng rồi. Mấy đứa em ưa nói, -Bà có điện thoại cầm tay sao hổng tập xài, có đủ thứ, tiện lợi, y như cái computer vậy đó, bỏ bớt cái kia cho rồi.
 
Hồi còn đi làm, sở bắt buộc nhà phải có điện thoại bàn, bây giờ nghỉ hưu rồi, ngoài những hãng xưởng hoặc người chào hàng quảng cáo thì chẳng ai gọi mình mà mình cũng ít gọi ra. Vậy thì lần này bỏ, rồi tập thói quen xài cái điện thoại cầm tay cho gọn, để đám em khỏi chê mình “nhà quê, đi ngược thế kỷ.”     
 
Nghĩ là làm liền. Tui gọi hãng điện thoại. Đợi gần 20 phút mới có người nói chuyện với mình. Sau khi biết tui muốn bỏ điện thoại bàn, chỉ giữ cái mạng thôi, cổ hỏi bà có vô mạng được không thì tự làm trong đó. Tui nói thôi tui không quen cách làm trong mạng, nhờ cô giúp. Cổ hỏi ai đứng tên khi mở đường dây điện thoại, tui nói là chỉ có tên chồng thôi, mà y đã mất rồi. Sau khi lịch sự chia buồn, cô hỏi vậy chớ số bảo mật (code) của account (trương mục) là gì? Tui nào biết. Cổ nói để tìm cách khác, bà có biết chồng bà đã điền trong đơn, tên trường hay tên thú cưng, hay chuyện gì đó ổng thích hay không, tui nào biết y đã khai cái gì. Vậy thì không có số bảo mật cổ không thể mở trương mục ra để giúp được, tui cần phải đem giấy khai tử của chồng tới tiệm của hãng điện thoại thì mới làm được. 
 
Thiệt tình, thời đại này, cái giống gì cũng làm trên mạng, mà mình thì không rành, thôi thì phải tốn chút xăng, đi tới nơi. Mặt đối mặt dễ hơn.
 
Nhắc tới vụ mạng này, hầu như mọi nơi người ta đều áp dụng. Vô nhà hàng, có tiệm không thấy cái thực đơn, chỉ có cái bảng nhỏ trên bàn với cái mộc hình vuông, ngoằn ngoèo đường nét, bồi bàn kêu mình áp điện thoại cầm tay vô thì cái thực đơn hiện ra. Có khi vô tiệm mua gì đó, trên quầy chưng lẻ tẻ vài ba món, muốn tìm món mình thích thì làm ơn, vô mạng hay về nhà “go online”, “order online” chớ trong tiệm chỉ chưng tượng trưng vài ba món thôi.
 
Thiệt tình, đi tới đâu cũng thấy trường hợp này, giống như là tiệm sắp đóng cửa vậy đó. Hôm trước mấy chị em rủ nhau vô Mall coi đồ. Trời ơi, thấy tiệm quán gì mà vắng hoe, ế nhệ. Nhớ lại thời huy hoàng của mấy cái Mall mà buồn hết sức. Hồi đó mỗi lần vô Mall là lội tới lội lui lên xuống mấy từng lầu, mê mẩn, hớn hở trong lòng, nhứt là dịp lễ lớn, như Lễ Giáng Sinh, đèn đuốc sáng trưng biện bày rực rỡ nhạc ồn ào người ta qua lại nườm nượp. Vui lắm, dầu có khi chỉ đi chơi thôi, có mua món gì đâu, mà vui muốn chết. Bây giờ, thê thảm quá.  
 
Tui đã tập mua hàng online. Sau nhiều thắc mắc rắc rối bực mình, tui cũng phải tìm món gì đó, mua. Lựa lựa nhắm chừng mua đại, khi hàng về, không vừa không thích muốn trả muốn đổi cũng nhiêu khê! Hỏi con cái chỉ dẫn cách làm thì đầu óc mình chậm hiểu, hoặc hôm nay hiểu làm được thì ngày mai quên rồi. Hỏi hoài tụi nó nóng ruột, mất kiên nhẫn nên nó làm luôn cho lẹ. Riết rồi, chẳng lẽ mượn hoài sao? Phải tự mày mò. Sau cùng cũng làm được. Bây giờ kể như tui đã biết “order online”, biết trả đồ bằng cách chụp hình cái mộc hình vuông vẽ ngoằn ngoèo đó từ mạng rồi đem đồ ra tiệm USP để trả, không lệ phí gì hết nếu làm đúng.
 
Nhưng, mỗi khi vô mấy cái mạng của chính phủ thì mịt mù. Đôi khi không hiểu rõ nên tốn tiền thêm. Thí dụ, kỳ đó tui muốn renew passport (làm sổ thông hành mới). Vô mạng tìm ra cái văn phòng, bấm vô thì thấy hiện ra một dọc địa chỉ, bấm đại vô một cái vì thấy chữ “renew passport” có chỉ dẫn tận tình cách điền đơn, nghĩ bụng, chaaa, tử tế quá. Xong, nó biểu gởi trả tiền. Tui tưởng là lệ phí, chẳng dè, đó chỉ là hãng tư nhân, điền đơn tính tiền, còn thông hành thì mình phải kèm thêm lệ phí, mới xong. Về sau rút kinh nghiệm, tui biết đọc cho kỹ, phân biệt địa chỉ, cái nào là của cơ quan chính phủ, cái nào là của tư nhân.
 
Còn vụ điện thoại này, điều bắt buộc, bữa nay chịu khó lái xe, mặt đối mặt với nhân viên họ giúp cho. Tới nơi, thì ra là một tiệm bán điện thoại của hãng. Nhân viên bán hàng là một người đàn bà bản xứ, tên Rosa, vui vẻ nhanh nhẹn. Cổ nói cách duy nhứt là phải khóa trương mục cũ, rồi mở trương mục mới với tên của mình. Xong chuyện, cổ biểu về đợi, có thể vài ngày, trước khi khóa, họ sẽ email (điện thư) cho mình hay, khi có hộp mới, cổ sẽ gởi thợ tới gắn vô cho mình.
 
Về nhà, chiều hôm đó là thấy mất wifi. Không xài được internet, điện thoại, cảm thấy bức rức, thiếu thốn. Mình đã quen, dựa quá nhiều vô kỹ thuật mất rồi. Họ đóng trương mục cũ mà đâu có gởi điện thư báo trước cho mình biết. Thiệt tình! Làm ăn bê bối.
 
Tui nhớ hồi xưa, dọn nhà hoài, trong vòng hơn nửa thế kỷ, tụi tui đổi địa chỉ mười mấy lần. Mỗi lần dọn nhà, mở cái gì cũng chồng tui làm mình ên cho gọn vì tui cũng bận đi làm đâu nghỉ được, nghỉ một đứa thôi chớ, vì vậy, ngoại trừ trương mục nhà băng, những cái khác cũng chỉ đứng tên chồng mà thôi.
 
Cũng may, hồi đó y dặn, “Em cần phải mở một credit card (thẻ tín dụng) có tên của mình, rồi phải xài để có “lịch sử trả góp” lỡ anh có chết thì mình có credit, nếu không thì sau này khi mua xe cộ hay gì đó cần số tiền lớn thì khó mượn tiền nhà băng lắm. Họ chỉ theo tên của người đứng tên trong hồ sơ mà thôi”
 
Xứ sở này hầu như ai cũng cần mua đồ trả góp, càng có quá trình trả góp đều đặn mỗi tháng, càng có nợ trả góp đàng hoàng thì credit của mình càng tốt, nhà băng tin tưởng, vay mượn gì cũng dễ hơn là trả tiền mặt nên không có credit gì hết.
 
Lạ chưa. Có nợ thì mới mượn được nợ dễ dàng. Mà đúng. Nghe lời chồng, tui cũng có thẻ credit mang tên tui. Y mất gần ba năm, mấy hóa đơn điện thoại, gas, nước, này nọ, không có tên tui, bây giờ muốn thay đổi gì thì gặp rắc rối mất công như vầy. 
 
Sống trên nước Mỹ lâu ngày, tui hiểu ra, tại sao cha mẹ dạy con cái tự lập từ nhỏ, chuyện gì cũng phải biết làm bất kể trai gái, vợ chồng cũng cần phải có gì đó, mình đứng tên.    
 
Hôm nay, làm xong vụ khóa cái cũ làm cái mới. Nay mai, còn trương mục tiền gas, tiền điện, tất cả, đều sẽ không còn tên anh nữa. Gần ba năm, mỗi tháng thấy hóa đơn với tên anh, tui cảm tưởng như anh đi đâu đó chưa về, thấy đỡ khổ. Bây giờ tới cái tên mà cũng không thể giữ được nữa.
 
Tui ngó lên trời. Bầu trời bữa nay xám xịt một màu u mê.
Ôi! Thân người bằng xương bằng thịt biết thương biết yêu, thấy đó rồi mất đó.
Nhưng, dầu thân thể có trở thành tro bụi, mà nỗi nhớ thương hằn lên từng sớ thịt, thì bỏ cái tên ra, có nhằm nhò gì đâu?
Vậy mà sao đau lòng muốn chết.
Anh đi trước, em phải chạy theo thời gian, một mình. Mệt quá mình ơi./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
24/03/202522:21:16
Khách
Xin chia buồn cùng Cô và gia đình. Chúc Cô nhiều sức khỏe và viết thêm nhiều bài nữa.
23/03/202505:02:59
Khách
Mới thấy đó lại rồi mất đó
Cõi vô thường hoặc có hoặc không......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 178,855
Sương mù sáng nay khiến bầu trời như bầu sữa mênh mông. Tôi gọi người bạn trẻ đi câu cá, anh ấy trả lời mù mịt như sương, “Trời này ở nhà cho nó lành đi đại ca…” Anh bạn trẻ nói rồi cười hì hì. Tôi không quen ép người khác nên đi ra đi vào garage và cõi sương mù ngoài sân trước nhà. Nghĩ đến cuộc sống Mỹ là mơ ước của vạn người trên hành tinh, nói cụ thể hơn về giấc mơ Mỹ của vài năm trước, có năm trăm ngàn đô la đầu tư vào nước Mỹ là có thể đi Mỹ định cư, có thẻ xanh cho cả gia đình. Nhưng bây giờ lên năm triệu với cái thẻ vàng thời Trump-dát-vàng. Nói cách khác bây giờ là triệu phú đô la hãy nói tới chuyện nhập cư Mỹ, cách nhập cư lậu đã lỗi thời.
Tôi đi dự đám cưới con của một người quen, nhưng lòng không vui lắm vì bị xếp ngồi chung bàn với những ông bà lớn tuổi. Đối với tôi đó là một cơn ác mộng vì đa phần thời gian buổi tiệc, toàn là nghe những lời than của các cụ. Người già được tôn trọng nên được sắp xếp ngồi gần sân khấu. Vừa ăn các cụ vừa than vãn về âm thanh lớn quá, về con cái ít quan tâm đến cha mẹ, về đã qua rồi cái thời đám cưới làng quê, tuy các món ăn không cao lương mỹ vị như đám cưới ở Mỹ này, nhưng gần gũi, đầm ấm tình nghĩa bà con họ hàng, xóm giềng... Các cụ chỉ mong cô dâu, chú rể và gia đình hai họ nhanh chóng đến chào bàn, để tặng quà và kết thúc ra về. Chịu không nổi sự tra tấn của âm thanh, dù tiệc mới hơn nửa chừng mà các cụ đã lần lượt bỏ ra về sau khi tặng quà, chỉ còn mình tôi ngồi với “một cõi bơ vơ”...
Nếu ở xa vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, khi có dịp lái xe qua thành phố New York hay vào thủ đô Washington DC lúc tuyết đang rơi lất phất… bạn chớ ngạc nhiên khi dừng xe ở ngã tư đường lúc đèn đỏ thì trông thấy một người, thường là một thanh niên da đen, tay xách bình xịt nước, tay cầm chiếc cần lau kính xe chạy ra cào lia, cào lịa trên kính xe của bạn mà không cần hỏi han gì cả. Khi mới định cư ở tiểu bang Maryland, tôi được anh bạn đưa đi New York chơi cho biết thành phố lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nếu không vững tay lái, người ta sẽ choáng ngợp với luợng xe lưu thông như mắc cửi. Nhưng anh bạn tôi đã đến New York nhiều lần, nên anh ta lái xe rất bình tĩnh và an toàn. Khi xe dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, một anh thanh niên da đen vội vã chạy ra lau kính xe như tôi đã mô tả ở trên. Anh bạn tôi ung dung, im lặng để cho người thanh niên ấy lau kính xe… Khi đèn vàng nổi lên, anh bạn tôi hạ cửa kính xe đưa cho anh thanh niên ba đô la. Người thanh niên nói: “Thank you! Thank you!” rồi chạy vội vào lề đường.
Tin về một bé gái 11 tuổi ở Texas đã tự tử chết ngày 8 tháng 2 vừa rồi vì bị bắt nạt bởi bạn bè tại trường học liên quan đến tình trạng di trú của gia đình em khiến tôi lại liên tưởng đến những ngày tháng đen tối sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi ấy đã có bao nhiêu thành phần cơ hội lên mặt hống hách. Và để lập công với chính quyền mới, họ đã không ngần ngại có những hành động cũng như lời nói đe dọa những người từng là hàng xóm, là bạn bè, là đồng nghiệp của họ. Khi ấy có biết bao nhiêu người trong chúng ta cùng mang chung một tâm trạng lo âu hoang mang, không còn dám tin tưởng vào bất cứ một ai. Có lẽ đó cũng là điều mà chính quyền mới khi ấy mong muốn và biết đâu điều đó cũng nằm trong kế hoạch của họ. Khi người dân nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng trở mặt đấu tố nhau thì giới lãnh đạo sẽ chẳng còn phải lo có thành phần nào rảnh rỗi để chống đối lại mình.
Biết được Hội sinh viên người Mỹ bản địa ở trường UTA (University of Texas at Arlington) cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho lễ hội Pow Wow lần thứ 29 được tổ chức vào ngày 1 tháng Ba năm 2025, tôi chủ động liên lạc với Ông chủ tịch của hội và được chấp nhận vào làm thiện nguyện viên. Tất cả các thiện nguyện viên được yêu cầu tham gia hai buổi họp online để nghe phổ biến về nội qui và những điều nên tránh khi làm thiện nguyện cho lễ hội. Buổi họp thứ ba được tổ chức tại trường UTA một ngày trước lễ hội. Ông Silva-Brave, chủ tịch hội sinh viên người Mỹ bản địa, giải đáp những thắc mắc của thiện nguyện viên, đưa chúng tôi đi tham quan khu vực Maverick Activity Center để chúng tôi khỏi bỡ ngỡ khi làm việc.
Tôi đến thăm chị Dung đang nằm bịnh. Anh Việt mở cửa đón tôi với bộ mặt hốc hác xanh xao tiều tụy. Nhìn chị nằm trên giường gần như bất động, tôi đè nén sự xúc động. Không ai ngờ vợ anh đang còn mạnh mẽ bất ngờ bị ung thư bướu trong não, chữa trị trong thời gian ngắn, nay đành bất lực. Dầu biết luật đời gắn chặt Sinh Lão Bệnh Tử không ai tránh thoát. Nhưng có chia lìa là có đau buồn ngậm ngùi, nhất là với người phụ nữ có quá nhiều đức tánh tốt, người vợ tuyệt vời, người mẹ mà các con xem như thần tượng, người dâu được cả dòng họ nhà chồng khen ngợi, bạn bè thương mến.
Dung vượt biên qua Mỹ lúc vừa xong trung học. Bố mất khi còn trong trại giam sĩ quan chế độ cũ. Mẹ cũng mất sau mấy năm bươn chải mua bán nuôi con. Hai đứa cháu mồ côi được cô mang về nuôi. Khi Dung học xong trung học, cô tìm mối vượt biên cho Dung đi, bởi vì con “ngụy quân ngụy quyền” không thể vào đại học. Chuyến đi kinh hoàng suýt mất mạng, nhưng cuối cùng Dung cũng được nhận vào Mỹ, vì khai bố mất trong tù. Phái đoàn Mỹ khi phỏng vấn họ tìm ra tung tích bố dễ dàng, dựa vào tấm hình bố mặc quân phục ẵm Dung lúc 5 tuổi, cười nhe hàm răng sún thiếu 2 cái răng cửa.
Trời mùa đông, sương mù phủ mờ những con đường. Tôi ngồi trong chiếc Toyota Camry đã vượt qua hơn trăm ngàn dặm, lắng nghe tiếng quạt gió từ hệ thống sưởi ấm phả đều lên khuôn mặt tê lạnh. Buổi sáng âm 4 độ C, và khi điện thoại trên giá đỡ bất ngờ sáng lên, tôi thấy thông báo: “Pick up from Wawa, $5.50.” Không chút đắn đo, tôi nhấn “chấp nhận.” Cây xăng Wawa chỉ cách nhà vài con đường. Khi xe vừa dừng lại, tôi mở cửa bước vào cửa hàng tiện lợi. Dù là sáng thứ Bảy, nơi này vẫn nhộn nhịp như mọi ngày. Các trạm bơm xăng chật kín xe cộ. Xe tải chở hàng, xe con, và những chiếc SUV đông đúc trẻ em trên ghế sau nối đuôi nhau chờ đến lượt. Tài xế nhanh tay cầm vòi bơm, mắt liếc qua màn hình hiển thị giá xăng, một vài người thở dài khi thấy con số tăng lên nhanh chóng.
Cảm ơn giấc mơ Mỹ với 400 đô của gia đình tôi. Tôi thật sự hy vọng giấc mơ Mỹ của nhà tôi ngày càng tươi đẹp hơn và tròn trịa hơn cho những thế hệ sau. Cảm ơn tất cả những cơ hội mà chúng tôi có được. Cảm ơn những bước chân dĩ vãng đã tôi luyện tôi thành tôi của ngày hôm nay. Cảm ơn những chuyến đi ngược xuôi của dòng đời đưa tôi về những địa điểm của địa cầu dù là du lịch, tham quan thế giới để mở mang tầm mắt hay để tôi luyện con người. Cảm ơn ba mẹ đã sanh thành, dưỡng dục và nuôi dưỡng những đức tánh của con. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm những việc muốn làm.
Năm mươi năm quả là một thời gian dài, dài quá nửa đời người, tuy nhiên so với dòng thời gian vô thủy vô chung thì nó chỉ là một khoảnh khắc, một cái chớp mắt, so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc thì năm mươi năm cũng chẳng là bao. Năm mươi năm, nếu là đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình thì cũng chẳng có chi đáng để nói. Đằng này năm mươi năm xào xáo, ly tán, khổ đau… quả là thật khó mà nói hết trong một bài văn hay một câu chuyện. Cũng may là bản tánh con người mau quên, mọi thứ rồi cũng dần dần nguôi ngoai theo lớp lớp sóng bồi của thời gian. Người ta thường nói thời gian là phương thuốc sẽ chữa lành những vết thương, sẽ xóa nhòa những ký ức, chôn vùi đi những dĩ vãng dù là vàng son hay đen tối, hạnh phúc hay khổ đau.
Nhạc sĩ Cung Tiến