Hôm nay,  

Chỉ Là Cái Tên Thôi

21/03/202500:00:00(Xem: 3775)

Hoa Giấy Tím
Dàn bông giấy trước nhà tác giả.
Hoa còn đây? Người đi đâu?
  
Tác giả-giám khảo Trương Ngọc Bảo Xuân nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001 với bài viết “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và tiếp tục góp bài liên tục vào bộ sách VVNM. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, năm 2018, tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân chính thức trở thành Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Và từ đó, các bài viết của Bà không tham gia dự thi, nhưng được độc giả VVNM đón đọc và yêu mến, nhất là lối “kể chuyện nhà kể chuyện người” dễ dàng đầy lôi cuốn. Sau đây là bài viết mới nhất, tiếp nối nỗi nhớ người chồng thân yêu qua những sinh hoạt đời thường như đổi tên trên hóa đơn điện thoại… chỉ là cái tên thôi…
 
***
 
Tui coi cái hóa đơn điện thoại. Chaaa… sao mà cao quá.
 
Nghe nói rồi đây thuế má tăng lên. A… cần phải thu vén, bớt được chỗ nào đỡ chỗ đó. Gọi người bạn cũng xài cùng hãng điện thoại với tui, hỏi, bạn nói, cũng có xài wifi (mạng) và một cái cellphone (điện thoại cầm tay) mà chỉ trả mấy chục mỗi tháng. Còn tui, sao tới hơn 150 đô lận?
 
Tui thì xài “mạng” và cái điện thoại bàn (landline), còn cái điện thoại cầm tay thì tui ít cầm, ít xài, cho dù khỏi tốn tiền vì là của con dâu cho. À, nội cái điện thoại bàn cũng gần 60 đô mỗi tháng rồi. Mấy đứa em ưa nói, -Bà có điện thoại cầm tay sao hổng tập xài, có đủ thứ, tiện lợi, y như cái computer vậy đó, bỏ bớt cái kia cho rồi.
 
Hồi còn đi làm, sở bắt buộc nhà phải có điện thoại bàn, bây giờ nghỉ hưu rồi, ngoài những hãng xưởng hoặc người chào hàng quảng cáo thì chẳng ai gọi mình mà mình cũng ít gọi ra. Vậy thì lần này bỏ, rồi tập thói quen xài cái điện thoại cầm tay cho gọn, để đám em khỏi chê mình “nhà quê, đi ngược thế kỷ.”     
 
Nghĩ là làm liền. Tui gọi hãng điện thoại. Đợi gần 20 phút mới có người nói chuyện với mình. Sau khi biết tui muốn bỏ điện thoại bàn, chỉ giữ cái mạng thôi, cổ hỏi bà có vô mạng được không thì tự làm trong đó. Tui nói thôi tui không quen cách làm trong mạng, nhờ cô giúp. Cổ hỏi ai đứng tên khi mở đường dây điện thoại, tui nói là chỉ có tên chồng thôi, mà y đã mất rồi. Sau khi lịch sự chia buồn, cô hỏi vậy chớ số bảo mật (code) của account (trương mục) là gì? Tui nào biết. Cổ nói để tìm cách khác, bà có biết chồng bà đã điền trong đơn, tên trường hay tên thú cưng, hay chuyện gì đó ổng thích hay không, tui nào biết y đã khai cái gì. Vậy thì không có số bảo mật cổ không thể mở trương mục ra để giúp được, tui cần phải đem giấy khai tử của chồng tới tiệm của hãng điện thoại thì mới làm được. 
 
Thiệt tình, thời đại này, cái giống gì cũng làm trên mạng, mà mình thì không rành, thôi thì phải tốn chút xăng, đi tới nơi. Mặt đối mặt dễ hơn.
 
Nhắc tới vụ mạng này, hầu như mọi nơi người ta đều áp dụng. Vô nhà hàng, có tiệm không thấy cái thực đơn, chỉ có cái bảng nhỏ trên bàn với cái mộc hình vuông, ngoằn ngoèo đường nét, bồi bàn kêu mình áp điện thoại cầm tay vô thì cái thực đơn hiện ra. Có khi vô tiệm mua gì đó, trên quầy chưng lẻ tẻ vài ba món, muốn tìm món mình thích thì làm ơn, vô mạng hay về nhà “go online”, “order online” chớ trong tiệm chỉ chưng tượng trưng vài ba món thôi.
 
Thiệt tình, đi tới đâu cũng thấy trường hợp này, giống như là tiệm sắp đóng cửa vậy đó. Hôm trước mấy chị em rủ nhau vô Mall coi đồ. Trời ơi, thấy tiệm quán gì mà vắng hoe, ế nhệ. Nhớ lại thời huy hoàng của mấy cái Mall mà buồn hết sức. Hồi đó mỗi lần vô Mall là lội tới lội lui lên xuống mấy từng lầu, mê mẩn, hớn hở trong lòng, nhứt là dịp lễ lớn, như Lễ Giáng Sinh, đèn đuốc sáng trưng biện bày rực rỡ nhạc ồn ào người ta qua lại nườm nượp. Vui lắm, dầu có khi chỉ đi chơi thôi, có mua món gì đâu, mà vui muốn chết. Bây giờ, thê thảm quá.  
 
Tui đã tập mua hàng online. Sau nhiều thắc mắc rắc rối bực mình, tui cũng phải tìm món gì đó, mua. Lựa lựa nhắm chừng mua đại, khi hàng về, không vừa không thích muốn trả muốn đổi cũng nhiêu khê! Hỏi con cái chỉ dẫn cách làm thì đầu óc mình chậm hiểu, hoặc hôm nay hiểu làm được thì ngày mai quên rồi. Hỏi hoài tụi nó nóng ruột, mất kiên nhẫn nên nó làm luôn cho lẹ. Riết rồi, chẳng lẽ mượn hoài sao? Phải tự mày mò. Sau cùng cũng làm được. Bây giờ kể như tui đã biết “order online”, biết trả đồ bằng cách chụp hình cái mộc hình vuông vẽ ngoằn ngoèo đó từ mạng rồi đem đồ ra tiệm USP để trả, không lệ phí gì hết nếu làm đúng.
 
Nhưng, mỗi khi vô mấy cái mạng của chính phủ thì mịt mù. Đôi khi không hiểu rõ nên tốn tiền thêm. Thí dụ, kỳ đó tui muốn renew passport (làm sổ thông hành mới). Vô mạng tìm ra cái văn phòng, bấm vô thì thấy hiện ra một dọc địa chỉ, bấm đại vô một cái vì thấy chữ “renew passport” có chỉ dẫn tận tình cách điền đơn, nghĩ bụng, chaaa, tử tế quá. Xong, nó biểu gởi trả tiền. Tui tưởng là lệ phí, chẳng dè, đó chỉ là hãng tư nhân, điền đơn tính tiền, còn thông hành thì mình phải kèm thêm lệ phí, mới xong. Về sau rút kinh nghiệm, tui biết đọc cho kỹ, phân biệt địa chỉ, cái nào là của cơ quan chính phủ, cái nào là của tư nhân.
 
Còn vụ điện thoại này, điều bắt buộc, bữa nay chịu khó lái xe, mặt đối mặt với nhân viên họ giúp cho. Tới nơi, thì ra là một tiệm bán điện thoại của hãng. Nhân viên bán hàng là một người đàn bà bản xứ, tên Rosa, vui vẻ nhanh nhẹn. Cổ nói cách duy nhứt là phải khóa trương mục cũ, rồi mở trương mục mới với tên của mình. Xong chuyện, cổ biểu về đợi, có thể vài ngày, trước khi khóa, họ sẽ email (điện thư) cho mình hay, khi có hộp mới, cổ sẽ gởi thợ tới gắn vô cho mình.
 
Về nhà, chiều hôm đó là thấy mất wifi. Không xài được internet, điện thoại, cảm thấy bức rức, thiếu thốn. Mình đã quen, dựa quá nhiều vô kỹ thuật mất rồi. Họ đóng trương mục cũ mà đâu có gởi điện thư báo trước cho mình biết. Thiệt tình! Làm ăn bê bối.
 
Tui nhớ hồi xưa, dọn nhà hoài, trong vòng hơn nửa thế kỷ, tụi tui đổi địa chỉ mười mấy lần. Mỗi lần dọn nhà, mở cái gì cũng chồng tui làm mình ên cho gọn vì tui cũng bận đi làm đâu nghỉ được, nghỉ một đứa thôi chớ, vì vậy, ngoại trừ trương mục nhà băng, những cái khác cũng chỉ đứng tên chồng mà thôi.
 
Cũng may, hồi đó y dặn, “Em cần phải mở một credit card (thẻ tín dụng) có tên của mình, rồi phải xài để có “lịch sử trả góp” lỡ anh có chết thì mình có credit, nếu không thì sau này khi mua xe cộ hay gì đó cần số tiền lớn thì khó mượn tiền nhà băng lắm. Họ chỉ theo tên của người đứng tên trong hồ sơ mà thôi”
 
Xứ sở này hầu như ai cũng cần mua đồ trả góp, càng có quá trình trả góp đều đặn mỗi tháng, càng có nợ trả góp đàng hoàng thì credit của mình càng tốt, nhà băng tin tưởng, vay mượn gì cũng dễ hơn là trả tiền mặt nên không có credit gì hết.
 
Lạ chưa. Có nợ thì mới mượn được nợ dễ dàng. Mà đúng. Nghe lời chồng, tui cũng có thẻ credit mang tên tui. Y mất gần ba năm, mấy hóa đơn điện thoại, gas, nước, này nọ, không có tên tui, bây giờ muốn thay đổi gì thì gặp rắc rối mất công như vầy. 
 
Sống trên nước Mỹ lâu ngày, tui hiểu ra, tại sao cha mẹ dạy con cái tự lập từ nhỏ, chuyện gì cũng phải biết làm bất kể trai gái, vợ chồng cũng cần phải có gì đó, mình đứng tên.    
 
Hôm nay, làm xong vụ khóa cái cũ làm cái mới. Nay mai, còn trương mục tiền gas, tiền điện, tất cả, đều sẽ không còn tên anh nữa. Gần ba năm, mỗi tháng thấy hóa đơn với tên anh, tui cảm tưởng như anh đi đâu đó chưa về, thấy đỡ khổ. Bây giờ tới cái tên mà cũng không thể giữ được nữa.
 
Tui ngó lên trời. Bầu trời bữa nay xám xịt một màu u mê.
Ôi! Thân người bằng xương bằng thịt biết thương biết yêu, thấy đó rồi mất đó.
Nhưng, dầu thân thể có trở thành tro bụi, mà nỗi nhớ thương hằn lên từng sớ thịt, thì bỏ cái tên ra, có nhằm nhò gì đâu?
Vậy mà sao đau lòng muốn chết.
Anh đi trước, em phải chạy theo thời gian, một mình. Mệt quá mình ơi./.
 
Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
24/03/202522:21:16
Khách
Xin chia buồn cùng Cô và gia đình. Chúc Cô nhiều sức khỏe và viết thêm nhiều bài nữa.
23/03/202505:02:59
Khách
Mới thấy đó lại rồi mất đó
Cõi vô thường hoặc có hoặc không......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 208,421
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng: - Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? - Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó? Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm.
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, khuất sau những tàng cây cổ thụ, phủ đầy rêu phong và ký ức. Mỗi viên gạch, mỗi góc tường, đều như đang thì thầm câu chuyện về một gia đình đã từng hạnh phúc, ấm êm. Ông Lâm, với mái tóc bạc phơ như sương tuyết và dáng người gầy gò, liêu xiêu theo năm tháng, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây cũ ở hiên nhà. Chiều tà buông xuống, nhuộm tím cả khoảng sân, mang theo hơi lạnh se sắt của cơn gió trở mùa, lay lắt những cánh hoa đỗ quyên đỏ thắm trước ngõ, như ngọn lửa nhỏ đang cố gắng níu giữ hơi ấm sắp tàn lụi. Mỗi cơn gió đi qua, ông Lâm lại khẽ rùng mình, không phải vì lạnh, mà vì nỗi cô đơn quạnh quẽ đang bám riết lấy ông từ hai năm nay. Từ ngày người vợ yêu quý của ông về với đất.
Mùa Hạ đã bắt đầu báo hiệu, các loài hoa thi đua nở đủ màu sắc tươi vui. Anh Quang bước ra sân theo tiếng gọi của vợ nhờ bưng phụ mấy chậu hoa quỳnh lên bệ cao, vì muốn ngắm nét đẹp của loài hoa trang đài đang nở hàng chục đóa hồng và vàng. Bé LiLy bước chân cao chân thấp đi theo cha cười hồn nhiên.
Có những người Cha tôi đã gặp Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi … (KL) Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ. Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).
Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga. Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng. Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe.” Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Hàng năm, cứ qua giữa tháng Năm là nước Mỹ lại bắt đầu rộn ràng hơn cho ngày lễ hội Memorial Day sắp tới! Các “florist centers” lo chuẩn bị thêm nhiều hoa để cung cấp cho người tiêu thụ, những gian hàng đồ lưu niệm bày biện lắm thứ hơn để bán. Walmart, Krogers tấp nập khách hàng vì có đông người đi chợ cho các tiệc tùng ăn uống chiều hôm đó. Như chúng ta biết, ngày lễ này được long trọng tổ chức vào mỗi thứ Hai cuối cùng của tháng Năm nhằm vinh danh những người lính đã xả thân hy sinh trong quân đội Hoa Kỳ. Ngược dòng lịch sử và theo các sử gia thì cuộc nội chiến Mỹ được xem là có nhiều người chết nhất nên những nghĩa trang thành hình từ đấy. Vào mấy năm cuối của thập niên 1860 thì ở nhiều quận, hạt, tỉnh, thành, thiên hạ bắt đầu tới sửa sang, dọn dẹp vệ sinh cho những ngôi mộ của người thân mình, mang theo bông hoa trang hoàng cho các ngôi mộ đó; những chiến binh đã nằm xuống!
Là con trai trưởng trong một gia đình có chín anh em, tôi sống với Mẹ trong hầu hết bảy mươi bốn năm đời mình. Chỉ có hai lần tôi phải xa Mẹ lâu nhất, mỗi lần tám năm, đều liên quan đến nước Mỹ và Mẹ. Lần thứ nhất từ năm 1991 khi Mẹ đi tỵ nạn Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi kẹt lại quê nhà cho đến cuối năm 1998 mới đi đoàn tụ gia đình theo diện ODP. Đi hay ở, một quyêt định không phải dể dàng với tôi lúc bấy giờ. Những năm chín mươi sau những tháng năm sống vất vả, cay đắng và tủi nhục để kiếm sống và tồn tại, đứa con một sĩ quan tù cải tạo, nhờ thời kỳ mở cửa, các công ty nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, tôi được làm việc cho văn phòng đại diện công ty Hoa Kỳ AMP tại Việt Nam. Mức lương 700 USD của một giám đốc kỹ thuật hồi đó là một con số rất lớn nếu so với đồng lương 50 USD của một kỹ sư mới ra trường.
Nhạc sĩ Cung Tiến