Hôm nay,  

Niềm Vui Cùng Con Cái

29/04/202512:40:00(Xem: 1416)
 
Tác giả định cư tại Mỹ từ năm 1991 và hiện là kỹ sư phần mềm cho Raytheon. Tác giả đã tham gia VVNM từ năm 2002 và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bài viết kỳ này kể về niềm vui, hạnh phúc của tác giả trong việc dành thời gian quan tâm và chăm sóc con cái trong học tập và sinh hoạt ngoại khóa.
 
***
 
 
TG Hoàng Đình Minh Long đang thi toán (hình do TG cung cấp)
TG Hoàng Đình Minh Long đang thi toán (hình do TG cung cấp)
 
Thông thường người đời hay nói con cái là hạnh phúc của cha mẹ. Hơi bi quan một chút thì người ta nói con cái giúp cho vợ chồng sống với nhau trọn đời vì con cái giúp họ tập trung vào chúng thay vì nhìn nhau và gây lộn mỗi ngày. Ở phía tiêu cực thì có người cho rằng con cái những chiếc gông mà bố mẹ phải đeo suốt đời. Người Mỹ thì nói rằng con cái giúp cho bố mẹ sống lại đời mình. Nghĩa là, khi có con, nhìn các con đi học mẫu giáo, rồi tiểu học, rồi trung học, bố mẹ như sống lại đời mình lần thứ hai. Họ cũng nói rằng con cái giúp bố mẹ thay đổi và trưởng thành hơn. Tất cả các lối suy nghĩ trên có lẽ đều đúng. Riêng bài này, xin chỉ tập trung vào cái nhìn tích cực của người Mỹ.
 
Trước khi có con, tôi là một người khá lười biếng về cả thể chất cũng như xã hội.  Hai vợ chồng sống trong khu condo nơi mà mỗi tháng đều có họp HOA. Tôi chẳng bao giờ đi họp dù biết rằng đi họp sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của mình. Mỗi sáng thì tôi ngủ nướng vì công việc không đòi hỏi phải vào sở trước mười giờ sáng. Vào giờ nào cũng được miễn sao là làm xong việc khi phải giao hàng. Vì mới cưới nhau và chưa có con, hai vợ chồng đi du lịch rất nhiều nơi. Trong những chuyến bay xa, tôi rất sợ khi thấy những gia đình có con nít ngồi gần vì sẽ bị mất ngủ do tiếng khóc của trẻ con. Sau khi có con và trải qua những giây phút con cái khóc quấy, tôi trở nên thông cảm với các gia đình có con nhỏ hơn.
 
Sau khi đứa con gái đầu lòng chào đời, cuộc đời tôi như đảo ngược từ trên xuống dưới. Đương nhiên là không còn được ngủ nướng như hồi xưa. Những năm con gái còn nhỏ, một đêm ngủ được năm tiếng đã là quá dài cho tôi. Ba tháng đầu đời của con gái quả thật là khó khăn cho tôi. Ban ngày đi làm, ban đêm cứ hai tiếng phải thức dậy để cho con bú. Sáng vào sở làm, tôi cứ làm “nghị gật” rất chuyên nghiệp dù chẳng được ai bầu bán cho mình. Có nhiều lúc buồn ngủ quá, tôi ra xe và tự bảo rằng sẽ chợp mắt trong vòng 15 phút cho đỡ mệt. Vậy mà nhiều hôm, sau khi đồng hồ báo thức rung lên không biết bao nhiêu lần, mở mắt ra thì thấy mình đã đánh một giấc gần hai tiếng.
 
Khi con gái được hai tuổi, vợ chồng tôi quyết định cho con gái đi học ở trường Montessori. Nhiều người quen khi biết chuyện này cứ thắc mắc tại sao chúng tôi tốn tiền cho con đi học sớm. Họ cho rằng chúng tôi phung phí tiền bạc vì mới hai tuổi thì con đâu có học được gì. Dù những người quen này bàn ra, chúng tôi vẫn nhất quyết cho con gái đi học vì theo sách vở hướng dẫn nuôi con cái của Mỹ mà chúng tôi đọc, việc cho con trẻ đi học sớm sẽ có lợi cho chúng sau này. Chúng sẽ dễ dàng hội nhập và thích ứng với môi trường mới hơn là những trẻ đi học trễ. Tôi thấy điều này đúng với kinh nghiệm bản thân mình. Sau năm 1975, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi phải di chuyển liên tục cho nên tôi chỉ được đi học mẫu giáo khi đã hơn 6 tuổi. Các bạn đồng trang lứa vào trường trước tôi hơn sáu tháng. Khi tôi vào thì các bạn đã quen với nhau và với bản chất “ma cũ bắt nạt ma mới”, các bạn không cho tôi chơi chung. Phải khi lên lớp một tôi mới có bạn thân trong lớp. 
 
Không muốn con gái phải trải qua những khó khăn đó, sau sinh nhật hai tuổi, chúng tôi ghi danh cho con đi học. Ngày đầu tiên, hai vợ chồng cùng chở con đi học. Cái cảm giác lo lắng khi phải đối đầu với môi trường mới cách đó hơn 30 năm về trước lại trở về trong tôi. Tôi lo lắng không biết con gái sẽ thích nghi như thế nào. Trường học của con hầu hết các cô giáo là người gốc Mễ và chỉ có một cô Việt Nam. Con vào lớp dành cho các em nhỏ nhất, trên dưới hai tuổi. Cô giáo chính là người gốc Mễ và cô giáo phụ là người Việt Nam. 
 
Khi vợ chồng chúng tôi dắt con vào lớp, con gái không tỏ ra lo lắng gì cả. Cô giáo Việt Nam thấy học trò đồng hương liền chạy ra nắm tay con và dắt vào lớp. Sau khi ngồi quan sát khoảng 15 phút, tôi ra xe để đi làm trong khi bà xã thì ngồi trong xe ngoài bãi đậu xe trước trường để …nghe ngóng tin tức.  Bà xã kể lại rằng sau khi chúng tôi ra khỏi phòng, con gái có khóc vài lần vì nhớ bố mẹ. Theo sách vở dạy, bà xã cố gắng lấy can đảm để không chạy vào lớp để cho con không đòi mẹ. Con gái nói chung thích ứng và hòa nhập khá dễ dàng so với các trẻ khác.
 
Một gia đình tôi quen có hai con gái, một đứa lớn hơn và một đứa bằng con gái tôi. Con bé của người bạn đi học trễ hơn con gái tôi một tuổi. Mỗi sáng khi thả con xuống trường, tôi đều chứng kiến cảnh con của người bạn khóc lóc thảm thiết, cứ tụt người xuống đất không chịu vào lớp. Người bạn cứ phải bế con của mình vác vào lớp.  Lúc đó tôi tự bảo mình là đã làm đúng khi cho con gái đi học sớm.
 
Sau này, lên đến lớp Hai, chúng tôi cho con gái đi sinh hoạt nữ Hướng đạo (girl scout). Người lãnh đạo (troop leader) là phụ huynh của bạn con gái học cùng lớp.  Tất cả các thành viên trong nhóm hướng đạo đều học chung lớp với con gái. Đến năm lớp Bốn, bà lãnh đạo lựa sáu em trong nhóm để huấn luyện cho các em đi thi robotics do công ty Lego tổ chức. Chúng tôi mua các vật liệu từ Lego cho các em tạo ra con robot. Sau đó, bà lãnh đạo giúp các em lập trình để điều khiển con robot của mình. Các em đi thi vòng loại ở vùng Nam quận Cam vào mùa thu. Sau đó, cả đội đi xuống LegoLand dưới San Diego để thi với các đội tới từ khắp mọi nơi trên nước Mỹ. Mỗi lần đi là cả gia đình cùng đi theo để vừa xem vừa ủng hộ các con.  Đến năm lớp Năm, bà lãnh đạo yêu cầu tôi làm huấn luyện viên phụ cho bà vì huấn luyện viên phụ năm lớp Bốn và con của bà quyết định không tham gia nữa.
 
Cuộc thi robot năm 2017 có chủ đề về nước. Ngoài chuyện tạo ra con robot và lập trình để điều khiển nó đi lấy nước, các em phải tìm hiểu về cách nào để giúp cho nhân loại tiết kiệm nước và quan trọng hơn là để giúp những người sinh sống ở các vùng sa mạc có nước để sinh sống. Các em phải trình bày những sáng kiến của mình cho ban giám khảo. Tôi học được khá nhiều điều khi giúp đội nghiên cứu về nước.  Ví dụ: người ta có thể dùng bao nilon chụp các lá cây lại để lấy nước. Lá cây cũng thở như con người vậy. Khi bị bao nilon bao bọc, hơi từ các lá cây sẽ tích tụ lại thành nước. Bà huấn luyện viên trưởng cũng cho cả đội đi tham quan cơ sở xử lý nước thải ở Fountain Valley.
 
Tôi đã từng lái xe qua cơ quan đó bao nhiêu lần mà không biết trong đó người ta làm gì. Nhờ đi với đội robotics của con gái, tôi mới thấy người Mỹ họ xử lý nước thải quá khoa học và kỹ lưỡng. Các chất thải từ các hộ gia đình trong khu vực được ống cống dẫn về cơ quan xử lý chất thải này. Chất lỏng (nước tiểu, nước rửa tay, tắm rửa...) được đưa vào các hồ chứa khổng lồ. Sau đó, các chất thải lỏng này được các hóa chất tẩy sạch qua 3 giai đoạn khác nhau. Khi nước thải sạch sẽ và không gây hại cho môi trường, chúng sẽ được cho chảy ra biển. Người Mỹ không muốn cá chết hay biển bị ô nhiễm cho nên họ phải làm những việc tốn kém như thế. Còn phân thì được chuyển sang một khu khác. Họ cũng có các quy trình tẩy sạch phân qua các chất hóa học khác nhau. Sau đó, phân mới được các xe tải chở vào rừng để bón cho cây cối. Tuy được làm sạch, nhưng khi vào thăm khu này, mùi khá nặng và không thoải mái bằng khu xử lý nước thải.
 
Năm đó, đội của con gái tôi thắng hạng nhì cuộc thi địa phương. Đến tháng Giêng, cả đội háo hức đi thi ở LegoLand. Thi ở Legoland rất vui vì thường mỗi đội sẽ đấu ba lần, mỗi lần cách nhau khoảng hai tiếng. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi có thể chơi các trò chơi trong Legoland. Trong đội có ba thành viên là người Việt Nam. Gia đình của các em Việt Nam (hai bố mẹ và các anh em trong nhà) đều đi theo. Các thành viên không phải Việt Nam thì chỉ có bố hay mẹ đi theo. Sáu gia đình trở nên thân thiết hơn sau mỗi cuộc thi. Con trai của người viết năm nào cũng bắt tôi phải mua món apple fries trong Legoland. Thường thì chúng ta biết và ăn French fries ở các nhà hàng Mỹ. French fries là khoai tây chiên. Apple fries trong Legoland là táo chiên.  Hình như chỉ có Legoland là bán món apple fries này.
 
Sau này, khi con gái vào trung học, tôi xung phong làm người quay phim, chụp hình cho đội bóng rổ của con gái. Khi thấy đội bóng của con có đầy đủ đồng phục, banh bóng và đi thi đấu có trọng tài đàng hoàng, tôi chợt nhớ tới thời gian học trung học ở Việt Nam của mình. Vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, trường trung học Phú Nhuận (trước 1975 là trường thánh Tô ma của nhà thờ Ba Chuông) tổ chức giải đá banh trong trường. Đây là cuộc thi giữa các lớp trong trường với nhau. Thời đó Việt nam còn nghèo nên các đội bóng của chúng tôi không có đồng phục. Khi thi đấu, một đội mặc áo và một đội cởi trần. Trọng tài thì là học sinh lớp lớn hơn. Năm lớp Mười thì chúng tôi thi đấu trên sân của trường Lý Tự Trọng. Sân mặt đất lởm chởm với gạch. Lên năm lớp Mười Một thì thi đấu trên sân gôn, mặt cát, ở gần ngã tư Phú Nhuận. Năm lớp Mười Hai thì được lên cấp khi thi đấu trên sân cỏ của sân quân khu 7. Các đội bóng của chúng tôi khi ấy chẳng có huấn luyện viên gì cả. Chỉ là một đám học sinh trong lớp tụ lại thành một đội và chẳng có chiến thuật hay tập luyện gì cả. So sánh giữa môi trường đầy đủ của nước Mỹ hiện tại và Việt Nam thời còn nghèo quả là một sự so sánh khập khễnh. Tuy nhiên, đi chụp hình và quay phim cho đội bóng rổ của con gái cho tôi cảm giác như mình đang sống lại thời trung học cách đây 30 năm về trước.
 
Ngoài tình nguyện tham gia vào các hoạt động trong trường của con gái, tôi cũng tham gia vào các hoạt động trong trường của con trai.  Không biết vì con trai tôi giỏi giang hay vì là một trong những học trò ít ỏi người Á châu mà trường học cho thằng bé vào các đội để đi thi robotics, toán, kiến trúc và bóng rổ. 
 
Đội thi kiến trúc cho tương lai của trường có bốn em, trong đó có con trai tôi. Các em phải tạo ra mô hình một thành phố trong tương lai. Thành phố các em thiết kế phải tiết kiệm năng lượng, không tạo ra ô nhiễm môi trường. Để chứng tỏ điều này, các em sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như vỉ đựng trứng, ống của giấy vệ sinh. Nói chung là các vật liệu có thể tái sinh hay tiêu hủy dễ dàng và không gây hại và ô nhiễm môi trường. Ngày đi thi là đầu tháng Giêng năm nay. Tuy nhiên, vì vụ hỏa hoạn dữ dội tại Los Angeles, cuộc thi bị hoãn lại cho đến cuối tháng. Cuộc thi được tổ chức tại một trường đại học tư ở Burbank. Tôi tình nguyện đi theo đội thi để giúp trông chừng các em. Nhờ đi theo mà tôi học được khá nhiều điều hay hôm đó. Tôi đã nghe qua chuyện máy in 3D được dùng để xây nhà. Trường kiến trúc tại Burbank đã là một trong những trường tiên phong trong phương pháp xây nhà mới này. Tuy không được xem trực tiếp việc máy in 3D xây nhà nhưng tôi được tận mắt xem ngôi nhà đã được xây bằng phương pháp này.
 
Vui nhất có là các cuộc thi toán được tổ chức tại trường của con tôi vào tháng Ba năm nay. Học sinh của các trường trong miền Nam Cali tụ tập về đây vào sáng của một thứ Bảy giữa tháng. Sau khi các em học sinh vào phòng thi, ban tổ chức thông báo rằng các phụ huynh cũng sẽ được tham gia thi toán. Ban tổ chức quyết định cho phụ huynh thi trình độ toán lớp năm. Tôi và ba phụ huynh khác lập thành một nhóm bốn người để làm bài thi chung với nhau. Tám mươi phần trăm bài thi là toán đố.  Nội đọc đề bài thôi là đã thấy hồn vía lên mây. Bài thi có tám câu hỏi và chúng tôi chỉ có hai mươi phút để giải. Tôi đề nghị bốn người chúng tôi chia ra mỗi người làm hai câu. Sau đó, nếu còn giờ, tất cả cùng kiểm tra lại các câu hỏi xem mọi người có cùng đáp án hay không. Trong nhóm chúng tôi có một phụ huynh người Ấn Độ giải toán rất nhanh.

Sau khi làm xong, tôi hỏi chị ấy:
- Sao chị giải toán nhanh thế?
 
Chị Ấn Độ cười:
- Vì tôi ôn bài cho thằng con cả tháng nay để chuẩn bị cho cuộc thi hôm nay.
 
Chúng tôi nói đùa với nhau rằng nhà trường nên mở lớp dạy kèm cho phụ huynh vào thứ Bảy cuối tuần. Trước khi công bố kết quả thi của các em học sinh, ban tổ chức cho công bố kết quả thi của các phụ huynh. Như chúng tôi dự đoán, đội của chúng tôi đồng thắng giải nhất ngày hôm đó. Niềm vui được nhân lên khi con trai thắng giải nhất cá nhân và giải nhì đồng đội.
 
Tuy trường của con trai có rất nhiều các hoạt động ngoại khóa như robotics, bóng rổ, thi toán, thi kiến trúc như đã kể ở trên, nhà trường không có chương trình dạy âm nhạc. Con trai tôi rất mê đánh trống và muốn được nhận vào một trường chuyên dạy âm nhạc rất nổi tiếng tại Costa Mesa. Mỗi năm trường này chỉ nhận ba học sinh vào học môn đánh trống.  Vì biết rất khó được nhận vào trường này, tôi và con trai đã khổ công tập luyện cả năm trời cho buổi thi tuyển sinh. Sáng thứ Bảy đầu năm, tôi chở con trai tới thi. Tất cả các thí sinh của các bộ môn ghi ta, bass, piano, trống và bố mẹ được dắt vào một phòng chờ đợi. Nhìn quanh phòng chờ đợi, tôi đếm thấy có khoảng sáu tay trống. Theo thông báo của nhà trường thì có cả thảy bốn cuộc thi vào bốn tuần khác nhau. Theo tính nhẩm trong đầu của tôi thì có khoảng 24 thí sinh môn trống. Nếu nhà trường chỉ nhận 3 em, cơ hội con trai được nhận vào là khoảng 4%. Trong số các thí sinh môn trống, có vài em để tóc dài, đeo găng tay nhìn rất giống các tay chơi nhạc rock chuyên nghiệp. Trước tình hình đó, tôi không nghĩ con mình có cơ hội trúng tuyển. Tuy tôi không nói với con trai nhưng thằng bé có lẽ cũng cảm nhận được nỗi khó khăn trước mặt.
 
Tôi quay sang hỏi con:
- Con có lo lắng không?
- Có! - Thằng bé gật đầu thú nhận.
 
Chưa kịp nói thêm thì một thiện viện nguyên yêu cầu các thí sinh đi qua một phòng chờ đợi khác. Các phụ huynh được yêu cầu ở lại phòng chờ đợi ban đầu. Sau nửa tiếng, con trai thi xong và trở lại phòng tôi đang ngồi.
 
Thấy tôi, con trai cười tươi rói và hăng say kể cho tôi nghe:
- Daddy biết không, con và mấy bạn thi chung nói chuyện trong lúc chờ đợi vui lắm.  Vì chúng con đều lo lắng cho phần thi của mình nên tụi con trở nên thân thiết và đùa giỡn với nhau.
 
Nghe con kể mà tôi cũng vui lây. Thì ra trẻ con ở Mỹ ngây thơ và có lẽ trong cùng cảnh ngộ nên các em không coi nhau là đối thủ. Ngược lại, các em nói chuyện với nhau để cùng giúp nhau vượt qua nỗi lo lắng của mình.
 
Tuy vậy, tôi nóng lòng muốn biết con trai biểu diễn có tốt trong phần thi của mình hay không:
- Con có đánh tốt bài thi của mình không?
 
Con trai tỏ ra tự tin:
- Ban giám khảo chỉ yêu cầu con đánh một bài thay vì hai bài. Sau khi con đánh xong, cả ba giám khảo đều khen con đánh tốt.
- Vậy các bạn thi cùng với con chơi hay không? - Tôi tò mò hỏi.
- Mấy bạn đó đánh dở hơn con. Trong lúc ngồi chờ, con cho các bạn coi các bài nhạc con học, họ đều nói họ không thể chơi các bài đó.
 
Tôi hỏi thêm:
- Có thể đó là các bạn nói, nhưng khi họ vào thi, họ chơi giỏi không? - tôi sốt ruột hỏi tiếp.
 
Con trai lắc đầu:
Không, các bạn đánh chậm và không chắc nhịp như con.
 
Trên đường về, con trai vui vẻ kể về kinh nghiệm đi thi cũng như niềm vui làm quen với các bạn mới gặp hôm đó. Dù vui khi con trai nói rằng con chơi tốt hơn các bạn hôm đó, tôi vẫn nghĩ cơ hội cho con trúng tuyển rất thấp vì ngoài năm đối thủ hôm đó, còn những 18 thí sinh trong các tuần khác nữa.
 
Tôi tự an ủi mình và con:
- Con đã làm hết sức, nếu không đậu cũng không có gì để buồn.
 
Sau hai tuần, chúng tôi nhận được một email từ trường và họ hỏi rằng mỗi năm chúng tôi có thể tặng cho trường $5,500 được không. Sau khi bàn tính, tôi trả lời rằng chúng tôi chỉ có thể đóng góp $2,500 một năm. Hai tuần sau đó, trường học gửi cho chúng tôi một email nữa và nói rằng con trai được vào danh sách dự bị, nghĩa là nếu một trong ba em được nhận chính thức bỏ cuộc thì con tôi sẽ được nhận vào. 
 
Bà xã tôi trách:
- Nếu mình đồng ý đóng góp $5,500 một năm, chắc chắn là con mình đã được nhận vào.
 
Tôi bình thản trả lời:
- Đây là trường công, trên giấy tờ, mình không phải trải tiền. Mình sẵn sàng đóng góp $2,500 nhưng nếu họ đòi hơn thì thôi, không bõ.
 
Một tháng sau, trường lại gởi một email nữa và hỏi chúng tôi có muốn cho con trai vào học môn contrabass không. Con trai chỉ muốn học trống và ghi ta. Contrabass quá to và nặng, chẳng ai muốn chơi. Có lẽ vì vậy họ nhận con trai vào học môn đó.  Chúng tôi từ chối và cảm ơn nhà trường.

Quả là hai đứa con của tôi đã cho tôi cơ hội sống lại đời mình lần thứ hai. Tuy việc chở con đi học, đi tham gia các hoạt động ngoại khóa rất tốn thời gian nhưng tôi không cảm thấy lãng phí thời gian chút nào. Ngược lại, tôi thấy khi dành thời gian cho các con, bản thân tôi học được nhiều thứ mới. Quan trọng hơn nữa, các con vui hơn khi thấy cha mẹ quan tâm và dành nhiều thời gian cho mình.
 
 
Tháng 4 năm 2025
 
Hoàng Đình Minh Long
 
 

Ý kiến bạn đọc
30/04/202522:45:15
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
30/04/202501:31:44
Khách
3/24 = 0.125
12.5%
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 176,534
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Nhạc sĩ Cung Tiến