Hôm nay,  

San Jose Có Gì Lạ Không Em

12/05/202500:00:00(Xem: 2134)
San Jose Có Gì Lạ Không Em 10
TG Vĩnh Chánh (bìa phải) trong buổi Hội ngộ Tân niên QH-ĐK (hình do TG cung cấp)

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, tác giả nhận thêm giải quán quân Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh bács ĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù. Trong bài viết kỳ này, tác giả tường thuật chi tiết một chuyến đi San Jose thật vui và ý nghĩa cùng bạn hữu và gia đình.

***

Nhân tiệc Tân niên 2 Trường Quốc Học Đồng Khánh (QH ĐK) Bắc California (CA) tổ chức tại San Jose, vợ chồng chúng tôi thân kính gởi lời mời anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ và Châm Đoan cùng tham dự. Thật vô cùng hoan hỷ khi anh chị không những nhận lời mời, mà anh chị còn thương mến, mở luôn một welcome party vợ chồng chúng tôi tại tư gia anh chị, một ngày trước tiệc Tân niên QH ĐK. Chúng tôi được cho biết khách mời của anh chị lên đến cả 40 người, đa số là những bạn thân thuộc của anh chị. Chúng tôi cảm thấy rất vinh hạnh.

Chúng tôi đến San Jose một ngày trước ngày tiệc của anh chị Vũ & Châm Đoan. Khi đến chỗ lấy hành lý, tôi mới phát hiện mình để quên điện thoại trong phòng vệ sinh ở tầng trên. Loay hoay mãi và nhờ sự lanh trí của cousin Ngô Xuân Hùng, là người đón chúng tôi tại phi trường, chở tôi đến văn phòng Lost and Found trong phi trường, tìm lại được cell phone của mình. Hú hồn! Thật là may mắn cho tôi.

Theo kế hoạch định trước, từ phi trường San Jose, Hùng chở chúng tôi đến thẳng nghĩa trang, thăm viếng nhiều mộ phần, cắm hoa và cầu nguyện cho linh hồn những bà con quá cố thuộc một nhánh đại gia đình bên nội của tôi, như Cụ Bà Ưng Trạo (mẹ của Linh mục Bửu Đồng là người bị VC chôn sống cùng với một linh mục khác và hai chủng sinh trong biến cố Mậu Thân), và một số Cô và Chú, trong đó cả cả Cô Dượng Khuê & Ngô Thế Linh, là mẹ và cha của cousin Ngô Xuân Hùng, cùng ba mộ phần của các em của Hùng.

Trên xe, tôi kể lại cho Hùng vài chuyện đời xưa. Như lý do trở lại đạo Công giáo của đại gia đình bên nội của tôi và bên ngoại của Hùng, là hai dòng con lớn của ông sơ Hoàng tử Nguyễn Phước Miên Thanh, tước Trấn Biên Quận Công, người con thứ 51 của Đức Thánh Tổ Minh Mạng. Khi tôi vừa xong Bac II và vào Saigon, tôi ở với gia đình người chị bà con bên ngoại có chồng là Trung tá Trần In tại căn nhà 08, Cư Xá Sĩ Quan (CXSQ)Chí Hòa trong suốt hè năm 1966, để làm thủ tục du học Belgique. Tôi thường đến thăm gia đình ba mẹ của Hùng mà tôi kêu là dượng Ngô Thế Linh và cô Khuê, ở nhà số B3, cũng trong CXSQ Chí Hòa. Nên tôi đã biết Hùng, con trai thứ hai của Cô Khuê dượng Linh từ thuở đó. Đại tá Ngô Thế Linh là phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật, chỉ huy trưởng Sở Bắc và Sở Công Tác, trách nhiệm thả các toán Biệt Kích, người Nhái Miền Nam ra Bắc, từ máy bay hay từ khinh tốc đỉnh.

Tháng 6, 1974, khi tôi vào Quân Y Nhảy Dù, dượng Linh ủng hộ tinh thần tôi bằng cách tặng tôi hai bộ quân phục Saut của Nhảy Dù Pháp. Trong một lần được phép ngắn hạn về thăm Măng tôi ở căn nhà EE 10 CXSQ Chí Hòa vào tháng 12, năm 1974, tôi đưa Măng tôi đến thăm Mệ Ưng Trạo tại nhà cô dượng Khuê Linh. Rất may mắn, vì nhờ lần gặp Mệ Ưng Trạo, Măng tôi mới biết là gia đình của ba mẹ Minh Châu đã chuyển từ Nha Trang vào Saigon. Nhờ biết tin đó, khi đơn vị tác chiến Nhảy Dù của tôi được đưa về trấn giữ Saigon trước Tết 1975, tôi đã tìm đến gặp nàng, nối lại cuộc tình duyên sau 3 năm xa cách. Để cuối cùng chúng tôi trở thành vợ chồng 3 ngày sau khi mất nước.

Tôi biết tin Cô Dượng Linh định cư tại San Jose và qua đời nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau mấy thập niên, gần đây tôi mới liên lạc được với Hùng, và biết Hùng hiện tại là một technical manager cho hãng Apple. Thêm một điều thú vị mới biết là bọ đỡ đầu của Hùng là Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi, tức là thân phụ của GS. TS. Nguyễn Lâm Kim Oanh, mà chúng tôi thân tình quen gọi là anh chị Song Kim (cả vợ chồng đều mang tên Kim và cùng Ph.D). Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi từng là tùy viên quân sự đầu tiên của tòa Đại Sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn từ 1956-1968, kế đó là tư lệnh liên đoàn phòng thủ Phủ Tổng Thống trong thời kỳ Tổng thống Ngô Đình Diệm, thị trưởng thị xã Đà Nẵng 1968-1972, rồi thành viên trong Ủy ban thi hành Hiệp Định Paris. Và Y sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân là bọ đỡ đầu cho em Ngô Xuân Huấn của Hùng. Y Sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân là sếp lớn nhất của Quân y Nhảy dù, và là chỉ huy trưởng Trường Quân y khi tôi vào trưng tập khóa hành chánh. Kể thêm các chi tiết trên để nghiệm ra thế giới thật là nhỏ!

Rời nghĩa trang, Hùng đưa chúng tôi đến thăm cô Công Tằng Tôn Nữ Thị Duân, em của mẹ Hùng. Tuy 94 tuổi, nhưng Cô vẫn khỏe mạnh và sáng suốt, đi xem lễ mỗi buổi sáng và làm việc thiện nguyện cho nhà thờ, đọc tài liệu, thư nhắn,  nghe Youtube trên cell phone… Cô và chúng tôi ngồi tâm sự với nhau về bao chuyện xưa cũ của hai đại gia đình ba mẹ của Cô và đại gia đình ông bà Nội của tôi, kể luôn cả chuyện về ba mẹ của Minh Châu, qua liên hệ hoàng phái bên phía bà Nội của Minh Châu. Chúng tôi được Cô mời ăn bánh bèo với tôm chấy, kem Flan... hoàn toàn tự một tay Cô làm. Thật quý hóa! Trước khi ra về, Cô tặng chúng tôi Tập Gia Phả của giòng họ Trấn Biên và chỉ cho tôi thấy tên của vợ chồng chúng tôi trong đó. Thật hãnh diện! Chúng tôi rời nhà Cô sau 8 giờ tối. Khi xe đang bon bon trên xa lộ, nhờ thời tiết tốt không mây, Hùng chỉ cho chúng tôi thấy được một chấm đèn màu vàng sáng rực trên đồi xa trước mặt. Đó là nhà Hùng.

Trưa ngày mai, vợ chồng Hùng chở chúng tôi đến nhà anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ. Khi ba của Hùng còn sống, ông là bệnh nhân của Bs. Vũ, và hai người khá thân quen, qua những gặp gỡ hội đoàn quân nhân tại San Jose. Khi biết chúng tôi ở nhà của Hùng, anh chị Vũ sốt sắng mời luôn vợ chồng Hùng. Anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ&Châm Đoan đặc biệt xem chúng tôi như em út trong gia đình. Anh nhắc lại chính nhạc phụ của anh, tức Bác Sĩ. Dương Cẩm Chương (con của Cụ Dương Bá Trạc, một nhà cách mạng có tiếng thời Pháp thuộc), là bác sĩ giúp đỡ đẻ cho mẹ của Minh Châu, tại Huế năm 1953, đồng thời thân phụ của Minh Châu, Chánh Án Tòa Đặc Ủy Quân Khu II Phan Huy Thạch, lại là người ký giấy tờ hôn thú cho anh chị Vũ & Châm Đoan tại Nha Trang năm 1969. Liên hệ chân tình giữa hai đại gia đình tồn tại từ mấy thập niên qua, ngay cả sau khi hai cụ Dương Cẩm Chương và Phan Huy Thạch đã qua đời.

Chúng tôi vui mừng và hạnh phúc biết bao khi gặp lại anh chị Vũ, sức khỏe, sống động, vui vẻ, hòa nhã, hoạt bát và nhất là giọng nói và tiếng hát anh chị vẫn còn mạnh. Chúng tôi thật tình rất ngưỡng mộ cách trọng đãi khách mời của anh chị, với ba cử tiệc, trưa, xế và tối, xen kẽ là những chuyện tâm tình và ca nhạc. Phải nói là cách "ăn chơi" của anh chị đúng là thuộc thành phần "quý tộc", y như cách trang trí nội thất nhà anh chị với những đồ cổ vô cùng quý báu, bao gồm nhiều tượng Phật, nhiều thẻ bài, và đồ vàng ngọc của vị vua cuối cùng giòng họ Nguyễn, cùng các bức tranh, như: “ Bà Mẹ Ẳm Con”(vẽ trên giấy gió- thập niên 40 của thế kỷ trước) của họa sĩ Mai Trung Thứ, bức tranh “Les Oeillets Blanc” của họa sĩ Lê Phố. Cùng vài bức tranh khác của các họa sĩ Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm. Xin được viết thêm, 4 họa sĩ Mai Thứ, Lê Phổ, Lê T. Lựu và Vũ C. Đàm, thuộc nhóm “Tứ Kiệt” khóa đầu tiên của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, sống và sinh hoạt nghệ thuật tại Pháp từ cuối thập niên 30. Ngoài ra còn phải kể đến các bức tranh do chính Bs. Dương Cẩm Chương sáng tác, khi Ông còn hành nghề và sống tại Pháp. Thật xứng đáng cho một ngôi biệt thự sang trọng nằm trong khu đồi Avalon Height nổi tiếng của thị xã Fremont, với vịnh San San Francisco trải dài dước chân đồi phía bên hông và sau nhà, làm tầm nhìn càng thêm khoáng đạt và cảnh vật càng thêm tươi mát.

Tại buổi tiệc nhà anh chị Vũ, chúng tôi có cơ hội gặp lại khá nhiều đàn anh, như Niên Trưởng Y Sĩ Tr. Tá Nguyễn Hoàng Hải, quý đàn anh Đoàn Yến, Trần Hưng Toàn, "Nhảy Rù" Đặng Vũ Báy, Bùi Văn Rậu, Flight Surgeon Phạm Hiếu Liêm…cùng quý phu nhân. Em V. Chánh có lời cảm mến gởi đến chị Dương Quang Lộc, mà phu quân của chị từng là một Niên Trưởng trong Quân Y Nhảy Dù mà đàn em chưa lần nào hân hạnh được gặp trước đây. V. Chánh cũng đặc biệt cám ơn Nhạc Sĩ kiêm Thi Sĩ tài hoa Lê Xuân Cảnh, đến từ Stockton, và anh Trần Xuân Nam, từ San Diego bay lên, đảm nhận điều hợp chương trình văn nghệ, với những lời giới thiệu nồng ấm, truyền cảm hứng khiến mọi người ráng hết mình đế cất tiếng hát cho nhau nghe.

Ngoài ra, phải cám ơn anh chị Nguyễn Thượng Vũ & Châm Đoan nhiều hơn nữa, vì tạo cơ hội cho 3 bạn của thuở tiểu học gặp nhau. Là chị Tôn Nữ Bích Thọ (phu nhân Bs. Trần Hưng Toàn), Bs. Phạm Hiếu Liêm và em V. Chánh. 74 năm trước, cả 3 chúng tôi cùng học chung từ lớp Ấu Trĩ trường Nữ Tiểu Học Đồng Khánh Huế (thời bấy giờ trường Tiểu Học ấy nằm ở 2 dãy phòng phía sau khuông viên trường Nữ Trung Học Đồng Khánh) cho đến lớp Nhì. Trong giờ ra chơi, V. Chánh chứng kiến 2 chị bạn cùng lớp đánh nhau, Chánh nhanh chân chạy vào lớp, mách với cô giáo Hy của lớp Nhì rằng 2 chị nắm giật tóc nhau nhưng có 1 chị lại bị chảy máu ở quần. Vậy là cuối năm lớp Nhì, Bà Hiệu trưởng có lệnh không cho Liêm và Chánh tiếp tục lên lớp Nhất, phải rời đi trường khác. Câu chuyện là vậy, nhưng không hiểu có phải đây là lý do khiến cả 2 đứa Liêm và Chánh đều theo học YK sau này!

Qua trưa ngày Chủ Nhật, 2 cặp Hùng & Phượng Anh và Chánh & Minh Châu chở nhau đến nhà hàng Dynasty Cuisine tham dự Hội Ngộ Tân Niên Quốc Học-Đồng Khánh Bắc California. Chúng tôi có duyên được ngồi cùng bàn với anh chị Nguyễn Thượng Vũ & Châm Đoan, Lê Xuân Cảnh, Bùi Văn Rậu, Phạm Hiếu Liêm. Tại Hội Ngộ này, 3 bạn Bích Thọ, Hiếu Liêm và V. Chánh, vui mừng đón chào chị Hàn Cúc Anh, là bạn cùng một thời tiểu học ĐK với nhau, đến từ San Antonio. Thế là bốn chúng tôi chụp hình kỷ niệm đánh dấu 74 năm của thuở còn non dại. Rất tiếc, một người bạn khác cùng lớp, chị Ngô Vũ Dao Anh, không đến được vào phút chót.

Giữa hàng trăm quan khách chộn rộn chuyện trò, ồn và náo nhiệt không kém chợ Đông Ba, chúng tôi vui mừng gặp lại, chào hỏi nhiều người từng quen biết của Huế xưa. Chúng tôi xúc động gặp lại Tr. Tá Nhảy Dù Lê Văn Mể và phu nhân, mạnh khỏe và sống động, không chút nào thay đổi từ lần gặp anh chị khi ra mắt sách “Dũng Cảm Phi Thường, Trận Đánh Đồi Charlie” trong Đại Hội Gia Đình Mũ Đỏ tại San Jose 2 năm trước.

Xin có lời chúc mừng đến GS.TS Lê Khắc Huy, trưởng BTC của Hội Ngộ Tân Niên QH & ĐK Bắc California, với phần tiếp tân niềm nở, ấm cúng và hữu hiệu, phần khai mạc đúng giờ và ngắn gọn dù đầy đủ nghi lễ. Chương trình văn nghệ, với sự biên soạn bởi chị Tôn Nữ Bích Thọ và Lê Khắc Bình, rất đáng khen thưởng. Ngoài đơn ca, là những màn hợp ca rất hay, mang tinh thần dân tộc, trường xưa nghĩa cũ - như các bài Đón Xuân, Cô Gái Việt, Vó Câu Muôn Dặm, Xuân An Vui và Tiếng Hát Đường Xa; có luôn cả màn hoạt cảnh Vui Xuân Ất Tỵ, và xe cyclo đạp cho khách ngồi chụp hình. Dù các ca sĩ thuộc loại tài tử, nhưng họ hát rất điêu luyện khiến quan khách vỗ tay quá chừng. Cá nhân tôi cảm xúc nhiều nhất với bản “Saigon Thuở Đó Làm Sao Quên” của Bs/ Ns Lê Khắc Bình và bản Stand By Me do Bs. Nguyễn Thượng Vũ trình bày xuất sắc trong phần văn nghệ khiêu vũ, làm tôi nhớ lại thời thập niên 60 còn vô tư của mình.

San Jose Có Gì Lạ Không Em 9
Bốn chàng trai xứ Huế, tốt nghiệp YK cùng một năm 1973: Trần Tiển Ngạc (YK Huế), Phạm Hiếu Liêm (YK SG), Vĩnh Chánh (YK Huế), Lê Khắc Bình (YK SG)

Một bất ngờ quá thích thú khi cháu gái bên Ngoại của tôi tìm gặp tôi ngay tại lúc này. Tuy Phương Mỹ là cháu nhưng cả 2 chúng tôi đồng tuổi với nhau. Cũng phải gần 20 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Trước đây gia đình Phương Mỹ ở Houston, nhưng mới gần đây cháu tạm dời qua San Jose săn sóc cho cha. Mẹ của cháu là con gái của Dì tôi, ba của cháu là Trung Tá Trần In. Căn Nhà O8 của anh chị Trần In trong CXSQ Chí Hòa, Saigon, là nơi tôi ăn dầm ở dề trong suốt mùa hè 1966 và nhiều mùa hè sau đó. Khi nghe cháu Phương Mỹ cho biết ba cháu bệnh nằm một chỗ từ vài tháng qua, và nay được 99 tuổi, chúng tôi quyết định đến thăm anh ngay trong cùng chiều, sau khi hỏi qua ý kiến của cousin Hùng.

Tôi gặp anh In nằm trên giường trong căn phòng rất sạch sẽ và thoáng mát. Anh và tôi ôm choàng nhau trong xúc động, ánh mắt trìu mến và hân hoan. Sau một cơn đột biến nhẹ, anh dễ bị choáng váng và dễ bị té nên các cháu không cho anh đi đứng di chuyển, mà anh hoàn toàn được phục vụ trên giường. Tuy nằm một chỗ, nhưng anh cử động bình thường, da dẻ hồng hào, thần sắc tốt đẹp, và tinh thần còn rất sáng suốt. Nội chuyện anh nhắc lại những kỷ niệm xưa về gia đình anh chị, chuyện chị mất khi con trai út vừa được 3 tuổi, nên anh xin giải ngũ một năm trước ngày mất nước. Giữa năm 1976, công an VC vào còng tay anh tại Công ty Đường, Khánh Hội, dẫn về nhà lục soạn tứ tung, và sau đó cho anh ngồi tù 6 năm. Bù lại, qua chương trình HO, anh đã đem tất cả 11 con và cháu định cư tại Hoa Kỳ năm 1993. Tôi đáp trả anh bị ở tù chỉ vì chúng khám phá anh từng du học Mỹ 3 lần, chứ không phải vì chức vụ Trưởng Phòng Quân Huấn Quân Đoàn 4, là chức vụ trước khi anh giải ngũ.

Dù biết tin muộn cậu Chánh đến thăm Ba, tất cả 5 cháu gái nhanh chóng tụ về. Cậu cháu nói chuyện tíu tít. Nghe được những thành đạt của các cháu và của thế hệ kết tiếp mà lòng tôi ngưỡng mộ sự thương yêu và giáo dục từ cha mẹ liên tục đổ xuống cho các con cháu có kết quả tốt đẹp ngày hôm nay. Đặc biệt có 2 cháu gái rất xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa trường Nha và trường Kiến Trúc ở Saigon, dù gốc con “ngụy”, nhưng tên tuổi và thành tích học được đăng trên báo Thanh Niên. Còn các cháu khác tốt nghiệp Dược sĩ, Bác sĩ, Kỷ sư điện toán… Các cháu tâm sự “lúc mạ mất, ba ở tù, 2 chị đầu lo chạy cơm áo và nuôi mấy đứa em, nên chúng cháu chỉ biết trả ơn cha mẹ và 2 chị bằng cách học ngày học đêm, vì vậy khi sang đến Mỹ, các cháu vẫn giữ tinh thần học hỏi, quyết tâm gìn giữ tình gia đình, yêu thương nhau, đùm bọc nhau, gần gũi nhau…” Tôi càng khâm phục và thương mến các cháu hơn nữa khi biết các cháu mua nhà xúm xít gần nhau, nay thay phiên qua về săn sóc cho Ba. Chứng kiến cảnh 2 cháu đến trễ vội vào phòng trong, vừa trò chuyện thăm hỏi vừa nhẹ nhàng, cẩn thận đút ăn cho ba, tôi cảm thấy ấm áp làm sao.

Biết được tháng 7 này, anh In sẽ được 100 tuổi, tôi có mừng anh tại chỗ, chúc anh sống khỏe, bình an. Tôi nói riêng với các cháu, nếu có tổ chức mừng sinh nhật của Ba In, có lẽ vợ chồng chúng tôi sẽ tham dư. Để vinh dự làm chứng nhân Cây Cổ Thụ Trần In với Ngủ Đại Đồng Đường / 5 thế hệ, gồm 82 con cháu chắc và chít.

Sau đó 2 em Hùng & P. Anh chở chúng tôi về lại nhà, nơi mà chúng tôi ở từ hôm mới đến San Jose. Biệt thự này nằm riêng rẻ trên một ngọn đồi cao của vùng East San Jose/ Mount Hamilton, được xây cất tân thời, rộng lớn, vừa nguy nga tráng lệ mang nét hùng vĩ và thơ mộng, lại vừa chênh vênh, như “riêng một góc trời”. Đặc biệt nhà có cái nhìn vô cùng thơ mộng, nhất là về đêm, từ trong các phòng, kể cả phòng ngủ khách của chúng tôi, nhìn ra ngoài thấy cả triệu ánh đèn bên dưới của thị xã. Chúng tôi nói với nhau đây đúng là một "Biệt thự ngàn sao". Chúng tôi ngủ không đóng màn cửa để có cảm tưởng mình đang êm ả ngủ dưới vòm trời đầy sao. Mỗi sáng, trong phòng breakfast area chan hòa ánh sáng ấm cúng, mọi người chậm chạp thưởng thức cà phê sữa cùng bánh trái, sảng khoái phóng tầm nhìn 180 độ cảnh vật thật tuyệt, xa xa là rặng núi Mount Hamilton, gần nhà là những cánh đồng xanh tươi xen kẽ giữa những đồi núi. Chung quanh nhà là những thảm hoa vàng, hồng, trắng tím… của vùng mang tên Thung lũng Hoa Vàng. Đứng chơi bên ngoài balcony rộng và dài mới cảm thấy chúng tôi may mắn đến thăm San Jose trong một thời tiết quá đẹp, mà mới chỉ vài ngày trước có mưa khá lớn lẫn cả mưa đá trong vùng.

Ngoài thời gian dự tiệc bên ngoài, 2 cặp Hùng Chánh thường xuyên ngồi tâm sự, từ chuyện xưa cho đến nay, chuyện đời, kinh nghiệm cuộc sống, chuyện gia thế - Hùng có đến 11 anh chị em - bà con chú bác trong đại gia đình gần xa. Khi thì ngồi trong phòng ăn, với vài ly rượu đỏ, khi thì bên ngoài balcon, đốt vài ba điếu thuốc với vài ly cognac, cho cuộc vui càng vui hơn, cho câu chuyện thêm thú vị, tiếng cười rộn ràng hơn. Tuy tuổi đời Hùng nhỏ hơn tôi chừng 8-9 tuổi, nhưng chúng tôi cảm thấy 2 đứa có nhiều cái “tật” dễ ghét cũng có mà dễ thương thì nhiều hơn - hi hi – với nhiều sở thích cũng như cách suy nghĩ rất giống nhau, mà ngay chính 2 người vợ cũng nhìn thấy như vậy. Chúng tôi mở nhạc hát karaoke với nhau, và không ngờ Hùng lại là 1 tay chơi guitar lead rất vững vì Hùng từng chơi trong ban nhạc từ thuở học trong trường Tabert, Saigon. Vợ chồng Hùng và Phượng Anh rất đẹp đôi, tính tình tốt và phóng khoáng, chồng thì dễ thân thiện, ăn nói cởi mở, vợ thì nhu mì, có vẻ hướng nội. Nói chung, Hùng & Phượng Anh có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và vững vàng. Cả hai cùng nhau tập thể thao mỗi ngày, thật là giỏi!

Sau chiều thăm gia đình anh Trần In, Hùng & PA đưa chúng tôi đi khám khá khu shopping Santana Row. Đến nơi trời hơi tối và khá lạnh nên nhiều cửa hàng đóng cửa. Đậu hai bên đường có rất nhiều loại xe lạ mắt, sang trọng và đắt tiền, đa số thuộc loại xe thể thao. Chúng tôi chỉ dạo chơi và sau đó vào ăn Italian Pizza có lớp vỏ rất dòn và mỏng. Ngon ghê!

Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.

Đời chỉ đẹp khi tình người nở hoa. Hạnh phúc sẽ nhân đôi, nhân ba khi được chia sẻ.  
 
Vĩnh Chánh
Mission Viejo, CA
 
**Bài viết này được hoàn tất đúng sau 11 giờ đêm, ngày 12 tháng 4, 2025. Kịp để mừng kỷ niệm 32 năm, khi ông anh Trần In và 11 người con và cháu đặt chân đến Hoa Kỳ, miền đất hứa của tự do, dân chủ và cơ hội, vào ngày 12 tháng 4, 1993.
 
         
 
         
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc
17/05/202519:44:42
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 255,389
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Nhạc sĩ Cung Tiến