Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ sư Cơ khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, Thảo Lan đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19 và 21.
***
Ngày 29 tháng 4, 1975, gia đình chúng tôi đứng lóng ngóng suốt cả buổi chiều bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Trước đó ba tôi đã đưa cho người lính thủy quân lục chiến gác cổng xem bằng chứng nhận tốt nghiệp khóa sĩ quan bộ binh ở Fort Benning nhưng bị từ chối không cho vào. Sau đó vì số lượng người kéo đến quá đông nên hàng rào bảo vệ của lính Thủy quân Lục chiến Mỹ được lệnh rút vào bên trong và cổng tòa đại sứ được đóng lại. Kể từ đó nhiều người mà đa số là đàn ông khỏe mạnh bắt đầu trèo tường vào. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ không đủ để ngăn cản nhưng cũng phải khen ngợi tinh thần kỷ luật và lòng nhân đạo của họ khi không dùng bạo lực để trấn áp đám đông trong hoàn cảnh bát nháo đó.
Đến chiều tối khi biết đã hết hy vọng có thể vào được bên trong chúng tôi quay trở về nhà. Bỏ hết âu lo, được ăn một bữa cơm nóng chỉ với rau muống luộc chấm tương, vại tương do mẹ tôi vừa ủ cách đó không lâu, và được ngủ trên chiếc giường của mình tôi cảm thấy thật êm ấm mặc dù có biết đâu ngoài kia tai họa sắp sửa ập đến với bao nhiêu người.
Sáng ngày 30 tháng 4 gia đình chúng tôi lại tiếp tục đến tòa đại sứ Mỹ để cố tìm một chút hy vọng mong manh kiếm được chỗ trên chiếc trực thăng di tản. Lúc này thì những người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ làm hàng rào gác bên ngoài tòa đại sứ của ngày hôm trước đã không còn. Chúng tôi theo đám đông tràn vào được bên trong. Tôi không rõ tòa nhà đại sứ năm xưa đó có cả thảy bao nhiêu tầng, chỉ biết rằng chúng tôi cứ theo đám đông lần lượt leo hết tầng này đến tầng khác cho đến hành lang tầng cuối cùng dẫn đến một cánh cửa sắt đóng kín.
Tại đây, trong lúc chờ đợi, lần đầu tiên tôi được uống nước từ một chiếc máy gắn trên tường. Với tôi thì đây là điều vô cùng lạ lẫm vì không hiểu sao chỉ từ cái máy nhỏ mà nước được phun ra mát lạnh như nước đựng trong chai thủy tinh chúng tôi cất trong tủ lạnh ở nhà. Khi đó tôi nghĩ có lẽ ở Mỹ mọi người đều uống nước trực tiếp từ những chiếc máy như thế này. Xứ sở văn minh có khác. Giấc mơ Mỹ quốc bắt đầu nhen nhúm trong đầu óc tôi từ cái máy nước gắn tường trong hành lang của tòa đại sứ Mỹ.
Sau đó cánh cửa sắt dẫn lên sân thuợng đã bị phá ra. Chúng tôi theo đoàn người tràn lên rồi kiên nhẫn ngồi chờ để hy vọng trực thăng sẽ đến đón đi. Lúc đó có lẽ với tâm trạng hoang mang và tuyệt vọng nên không ai còn nhận ra điều vô lý một cách hiển nhiên đó là lính Mỹ và toàn bộ nhân viên đã rút đi thì làm sao có chuyện họ phái trực thăng để đón đám người chúng tôi. Niềm hy vọng của đám đông hôm đó có lẽ hình thành do sự hiện diện của một vài người da trắng cũng có mặt trên sân thượng tòa đại sứ Mỹ. Tôi không rõ họ mang quốc tịch nào và có phải ký giả còn bị kẹt lại hay không. Không nhớ chúng tôi ngồi đó trong bao lâu chỉ biết rằng từ trên nóc tòa đại sứ Mỹ nhìn ra xa xa tôi đã thấy nhiều cột khói bốc lên cao và tiếng đạn bắn rất gần. Đến khi thấy những người da trắng rời đi, ba mẹ chúng tôi biết không còn hy vọng gì vào chuyện được đón nên quyết định quay về nhà. Giấc mơ Mỹ quốc của tôi tạm bị gián đoạn bởi khói lựu đạn cay đậm đặc trong hành lang kín của tòa đại sứ Mỹ mà tôi đoán do những người da trắng kia ném lại để cố tình cản vì sợ chúng tôi bám theo họ.
Chỉ chừng một hai năm sau thì giấc mơ Mỹ quốc của tôi được nhen nhúm trở lại bằng hình ảnh những chuyến tàu vượt sóng ra khơi. Khi đó trong trí tưởng tượng bởi đầu óc non nớt của tôi thì những chuyến vượt biên tìm miền đất hứa là những chuyến hải hành trên con tàu sắt to lớn như những chiếc tàu mà xưa kia tôi thường thấy neo đậu bên bến Bạch Đằng, lúc theo ba mẹ ra hóng gió mỗi tối của thập niên 60 trong thời gian tôi đang trị bệnh ho gà. Với tôi khi ấy tất cả những gì liên quan đến biển đều đẹp vì nó gắn liền với giấc mơ Mỹ quốc của tôi. Giấc mơ ấy có vẻ như đến gần với hiện thực nhất khi tôi chính thức đặt chân lên chiếc ghe nhỏ mà thời đó gọi là taxi để sau đó chuyển qua chiếc tàu lớn (nếu tôi nhớ không lầm được gọi theo tiếng lóng lúc đó là cá lớn). Chiếc tàu lớn là một chiếc tàu gỗ sơ sài chỉ dài chừng 15, 20 mét là cùng, không hề như trong tưởng tượng trước kia của tôi. Giấc mơ Mỹ quốc của tôi lại một lần nữa tan vỡ như những bọt sóng tan giữa đại dương mênh mông bởi mấy tuần lễ nằm trong trại giam Năm Căn, nơi tận cùng của dải đất hình chữ S của chúng ta.
Trong thời gian nằm đập muỗi trong trại giam, giấc mơ Mỹ quốc của tôi tưởng chừng như đã hoàn toàn nằm ngoài tầm tay với. Biết bao giờ mình có cơ hội được uống lại dòng nước mát lạnh từ chiếc máy gắn tường như tôi đã được uống trong buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm đó. Biết bao giờ tôi có dịp thăm viếng những danh lam thắng cảnh mà mình được xem trên phim ảnh từ thuở xa xưa như những tòa nhà cao ốc tráng lệ tựa như tòa nhà Empire State Building ở New York nơi có con King Kong trèo lên để chụp máy bay trong bộ phim nổi tiếng thời xưa. Biết bao giờ tôi được chính mình lái những chiếc xe hơi to lớn với hệ thống ống nhún thật êm như những chiếc xe chuyên cho thuê làm xe hoa đón dâu đậu dọc đường Nguyễn Huệ những năm 70 ở Sài Gòn. Biết bao giờ tôi được ăn lại những lon đồ hộp đủ mùi vị như trong các thùng đồ hộp của quân đội Mỹ ngày xưa.
Sau nhiều lần vượt biên thất bại tiền bạc mất hết, chúng tôi tự biết không còn đủ khả năng để theo đuổi giấc mộng Mỹ quốc của mình qua con đường vượt biển. Nhưng bù lại niềm hy vọng của chúng tôi không vì thế mà phải bị dập tắt vì chính phủ Mỹ đã thành lập chương trình ODP để cho những nguời có thân nhân ở Mỹ được ra đi một cách hợp pháp tránh cảnh rủi ro xảy ra trên biển cả. Và như thế giấc mơ Mỹ quốc của tôi được tiếp tục nhen nhúm trở lại.
Theo thời gian, chiếc máy nước gắn trên tường của tòa đại sứ Mỹ năm xưa đã dần phai nhạt trong ký ức của tôi. Lúc này qua những người bạn học có anh em, người thân ở ngoại quốc, giấc mơ Mỹ quốc của tôi là được mặc chiếc áo thun, quần jean thơm phức "mùi đồ Mỹ", có cây bút Bic cài túi đi học không sợ bị chẩy mực tèm lem hoặc khi viết thì không ra chữ như chất lượng những cây bút nội hóa thời bấy giờ. Cuộc sống bên Mỹ như thế nào cũng vẫn còn rất mơ hồ đối với tôi. Hình ảnh cuộc sống ở Mỹ lúc bấy giờ trong đầu tôi giống như hình ảnh của khu đường Tự Do của Sài Gòn nơi có các tòa nhà lầu cao vừa phải, vừa làm nơi ở, vừa để kinh doanh buôn bán. Đường phố có tuyến nhỏ dành riêng cho xe hai bánh như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Và tôi đã từng vẽ vời ra cảnh tượng khi qua Mỹ chiều chiều sẽ đạp xe chở người yêu đi trên những làn đường dành riêng cho xe đạp này cũng từa tựa như những gì tôi đang làm tại Sài Gòn khi ấy.
Rồi cuối cùng cái ngày mong đợi cũng đến, chúng tôi đã rời Sài Gòn bay qua Bangkok để bắt đầu cuộc sống tha huơng vào một ngày cuối tháng 10 năm 1989. Trong thời gian ở trại tạm trú quá cảnh bên Thái, tôi được lần đầu biết đến ngày lễ Halloween của Mỹ mặc dù cũng không hiểu rõ lắm nó là ngày lễ gì. Tuy nhiên thời điểm để tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh nước Mỹ lại phải kéo dài thêm một ít. Vì một lý do nào đó không rõ, sau 9 ngày ở Bangkok, tôi và người chị đã phải tách riêng gia đình để qua Phi sống trong trại tị nạn một thời gian trước khi chính thức được nhận vào Mỹ.
Ở trại tị nạn Bataan của Phi, chúng tôi được học về văn hóa, cuộc sống Mỹ cũng như được chính thức tiếp xúc với nhiều người Mỹ. Khi được hỏi về tương lai sẽ làm gì khi qua Mỹ, tôi đã trả lời rằng tôi sẽ tiếp tục làm nghề thợ tiện bởi lẽ đơn giản đó là nghề tôi làm ở Việt nam cho đến ngày ra đi. Hơn nữa trong thời gian học thêm ở những trung tâm dậy nghề buổi tối ở Sài Gòn tôi biết rất nhiều thanh niên theo học lớp tiện để chuẩn bị xuất ngoại vì theo họ nghề tiện dễ kiếm việc và được trả lương cao ở Mỹ. Có nhiều anh chị lớn tuổi cùng khóa của tôi ở Phi đã khuyến khích tôi nên ghi danh vào đại học vì có lẽ theo họ ước mơ của tôi quá nhỏ bé so với hầu hết những giấc mơ Mỹ quốc của các bạn đồng trang lứa. Tôi cũng không rõ giấc mơ Mỹ quốc đó của mình có quá khiêm nhường hay không nhưng dù sao đối với tôi. nó cũng to lớn hơn rất nhiều cái giấc mơ được uống nước mát lạnh từ chiếc máy gắn trên tường hình thành trong buổi sáng định mệnh năm xưa của Sài Gòn.
Tôi đặt chân đến Mỹ vào một ngày cuối tháng 4 năm 1990, đúng 15 năm sau cái ngày mà tôi lần đầu có giấc mơ Mỹ quốc trong tâm trí. Từ San Francisco bà nhân viên Mỹ tốt bụng của hội bảo trợ đã đưa tôi lên tận máy bay đưa cho chăn đắp và không quên chúc may mắn trước chuyến bay dài đến Charlotte, North Carolina nơi người anh lớn bảo lãnh cho tôi sẽ ra đón. Từ đây tôi đã bắt đầu chính thức thực hiện giấc mơ Mỹ quốc của mình.
Anh tôi sinh sống ở Belmont, một thị trấn nhỏ gần Charlotte dân số chưa đến 10,000 người mà Mỹ trắng chiếm đại đa số. Anh ở tại một khu trung lưu nơi các nhà single house xây gần giống kiểu nhau và đều có vườn cỏ xanh mượt bao quanh. Không có những khu phố như đường Tự Do, không có những con đường dành riêng cho xe hai bánh để tôi đạp xe thong dong dạo phố như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi trước đây.
Trong thời gian ngắn ngủi ở North Carolina, tôi cũng đã bắt đầu làm quen với đời sống Mỹ bằng công việc rửa chén đĩa ở một nhà hàng Steakhouse. Tôi đã từng làm thợ cơ khí cũng như nhiều công việc nặng nhọc ở Việt Nam, nhưng qua đây mới thấy rằng để thực hiện giấc mơ Mỹ quốc bằng sức lao động chân tay không phải là dễ. Bởi thế ngay sau khi dọn lên Virginia, thay vì tìm kiếm công việc cho nghề tiện như ước mơ của tôi thời còn ở trại tị nạn Phi, tôi đã ghi danh học ngành Engineering ở một trường đại học cộng đồng (Community College). Cũng chính tại hành lang của ngôi trường đại học cộng đồng này, tôi đã bắt gặp lại chiếc máy nước gắn tường, vật mà năm xưa đã gieo mầm mống vào tâm trí tôi về một giấc mơ được sống trong một xứ sở văn minh tân tiến.
Thời gian này tôi sống cùng ba mẹ và người chị ở một khu chung cư đông người Việt tại một thành phố ven biển vùng Đông Nam Virginia. Căn chung cư ngay phía trên của chúng tôi là của một anh Việt Nam trạc tuổi tôi còn độc thân. Hằng đêm khi tôi đã lên giường để ngủ thì vẫn còn nghe tiếng anh mở video xem các băng Paris by Night. Những tiếng hát của Elvis Phương, Hương Lan, Phượng Mai, tiếng giới thiệu chương trình của La Thoại Tân, Jo Marcel đã khiến tôi hồi tưởng lại những ngày còn ở Việt Nam khi anh chị em chúng tôi mượn được đầu máy VCR để xem lén lút những cuốn băng này. Tất nhiên việc hồi tưởng kỷ niệm cho dù là kỷ niệm đẹp cũng dễ làm tôi thao thức mất ngủ.
Thời gian đầu thực hiện giấc mơ Mỹ quốc của tôi khá chật vật, có lẽ cũng như bao nhiêu người khác vào thời đó. Tôi vừa học vừa làm thêm ở một hãng đóng hộp thịt cua ở gần nhà. Người chủ tốt bụng muốn giúp đỡ người tị nạn nên đã cho phép tôi muốn vào làm bất cứ giờ nào cũng được sau giờ học. Do đó vào năm đầu tiên tôi đã ghi danh học những lớp sớm nhất để có thể kịp về làm thêm được nhiều giờ. Vì không có xe hơi nên mỗi ngày tôi phải dậy thật sớm khi trời mùa đông còn tối mịt để đón xe bus đến trường. Để rồi sau giờ học lại vội vàng đón xe bus quay về nhà lấy xe đạp thẳng vô hãng để làm cho đến khi trời sẩm tối mới về nhà để cơm nước và học bài cho ngày hôm sau. Giấc ngủ sớm là điều cần thiết cho tôi để chuẩn bị năng lượng cho một ngày mới, thế mà đêm nào tôi cũng phải thao thức vì tiếng nhạc phát ra từ căn apartment trên lầu của anh bạn Việt Nam.
Lúc này cuộc sống của anh bạn Việt Nam chính là một hình mẫu lý tưởng cho giấc mơ Mỹ quốc của tôi. Anh học kỹ thuật cũng ở cùng ngôi trường đại học cộng đồng nơi tôi đang theo học. Thời gian đó anh làm cho một cửa hàng sửa chữa điện tử, TV, VCR. Anh được người chủ giao cho chìa khóa nhà kho và muốn vào làm lúc nào cũng được. Đó chính là lý do anh thường có thói quen thức khuya xem video và sáng dậy thật trễ. Chính vì cái tiết mục được thức khuya thoải mái này của anh đã phần nào tạo nên hình mẫu lý tưởng cho tương lai của tôi lúc ấy. Thời gian này là cái thời mà thú vui giải trí lớn nhất của dân Việt Nam ở hải ngoại là những cuộn phim ca nhạc của Thúy Nga, Asia, Người đẹp Bình Dương hay những cuộn phim bộ nhiều tập phỏng từ các pho truyện chưởng của Kim Dung hay tiểu thuyết tình cảm ướt át của Quỳnh Dao. Cái đầu máy VCR là thứ tài sản quý giá của mỗi gia đình người Việt Nam, do đó ngoài lương làm cho chủ anh còn rủng rỉnh kiếm thêm từ việc sửa chữa VCR tại nhà cho đồng hương. Căn apartment của anh có đầy đủ các tiện nghi mà bất cứ ai mới qua Mỹ còn sống chật vật như tôi đều phải ngưỡng mộ. Lúc ấy tôi chỉ mong sau hai năm ra trường với mảnh bằng A.S (Associate of Science) tôi sẽ có được một công việc và cuộc sống như anh. Như thế là cũng đủ mãn nguyện với giấc mơ Mỹ quốc của mình.
Những semester cuối ở đại học cộng đồng, khi thấy việc học không quá khó với khả năng của mình, giấc mơ của tôi đã lớn hơn một chút. Lúc đó tôi không còn muốn dừng lại ở mảnh bằng hai năm mà đã quyết định sẽ tiếp tục chuyển lên học ở University để hoàn tất chương trình kỹ sư cơ khí bốn năm.
Lúc này tôi vẫn còn tiếp tục làm việc tại hãng đóng hộp thịt cua. Hãng nhỏ chỉ có một giàn máy để cắt xẻ mai và chân cua. còn lại các công việc lựa thịt cho vào hộp thì đều dựa vào thủ công. Chiều chiều sau khi hết việc tôi thường ở lại phụ dọn dẹp xịt rửa các thùng barrel nhựa đựng càng cua và quét dọn sàn nhà để kiếm thêm giờ. Mỗi ngày vào giờ đó có một ông Mỹ trắng khá lớn tuổi vô để tháo rửa máy móc và sau đó lắp lại để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Trong đầu tôi lại nảy ra một giấc mơ mới. Trong tương lai với mảnh bằng kỹ sư cơ khí rất có thể tôi sẽ được hãng mướn để trông coi giàn máy này thay cho ông già Mỹ chắc chắn khi ấy đã đến tuổi về hưu. Nếu được như thế thì cũng đủ mãn nguyện cho tôi vì từ vị trí một người thợ mỗi ngày đứng bẻ càng xếp cua lên băng chuyền hoặc đổ thùng càng cua vào máy xay mà nay được lên trông cả giàn máy thì chắc chắn thu nhập cũng phải tăng lên rất nhiều, trong khi công việc lại nhàn hạ hơn.
Sau khi chuyển lên đại học bốn năm, chương trình học cũng nặng hơn, trường cũng ở xa hơn nên mặc dù lúc này tôi đã có chiếc xe hơi cũ để làm phương tiện di chuyển, tôi không còn thời giờ để làm tại hãng đóng hộp thịt cua nữa. Mỗi tuần tôi chỉ còn làm thêm vào ba ngày cuối tuần ở một nhà hàng Tàu. Giấc mơ khiêm nhường trông giàn máy hãng cua cũng phai nhạt dần đi theo thời gian và tất nhiên tôi cũng quên hẳn giấc mơ sửa đầu máy VCR của mình trước đó. Anh bạn Việt Nam đã bỏ khu apartment đi mua nhà riêng được vài năm. Lúc này anh đã được chủ cửa hàng sang lại cho căn tiệm và tự đứng ra làm chủ. Không được dịp gặp anh ta nhiều nhưng tôi nghe nói công việc làm ăn của anh không được khấm khá lắm. Thời gian đó đầu máy DVD đã bắt đầu xuất hiện nên các đầu máy VCR xuống giá rất nhiều. Do đó nếu hỏng, người ta sẵn sàng mua máy mới chứ chả ai bỏ ra $20, $30 để sửa như trước kia nữa. Tôi ngẫm nghĩ thấy mình may mắn đã không tiếp tục theo đuổi giấc mơ thuở mới đặt chân đến Virginia của mình.
Sau khi ra trường, tôi đã may mắn kiếm được công việc đúng với khả năng ở một hãng lớn ngay tại địa phương nơi mình ở. Thời gian cứ tuần tự trôi và qua những kinh nghiệm rút ra trong cuộc sống ở Mỹ cũng như trong công việc ở sở hàng ngày đã khiến các giấc mơ viễn vông kiểu xưa kia của tôi cũng dần biến mất để thay thế bằng các kế hoạch tương lai thực tế hơn. Anh bạn Việt Nam từ thời tôi mới chân ướt chân ráo lên Virginia nghe nói đã phá sản, nợ nần chồng chất và phải bỏ đi tiểu bang khác sinh sống. Ôi cái hình ảnh kiểu mẫu lý tưởng của giấc mơ Mỹ quốc của tôi ngày xưa ấy may mà không thành với tôi. Giả sử ước mơ đầu tiên trên đất Mỹ của tôi trở thành hiện thực thì liệu tôi có tránh khỏi cảnh phá sản vỡ nợ như anh bạn Việt Nam kia không? Và rồi nếu ước mơ thứ hai đứng trông giàn máy ở hãng thịt cua của tôi thành sự thật thì liệu với tình trạng nước biển ô nhiễm và đánh bắt quá nhiều khiến số lượng cua xanh (blue crab) của vùng vịnh Chesapeake này bị giảm sút thì liệu tôi có đủ sống với số giờ làm việc ít ỏi dựa vào mùa đánh bắt cua chỉ có vài tháng trong năm như hiện nay hay không?
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình.
Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Thảo Lan
Tháng Năm - 2025
"GAZA, Palestine (NV) – Israel không kích trúng nhà một bác sĩ ở Gaza hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Năm, làm chín đứa con của bà thiệt mạng, bệnh viện nơi bà làm việc ở thành phố Khan Younis cho hay, theo BBC.
Một đứa con khác và chồng Bác Sĩ Alaa al-Najjar bị thương nhưng sống sót, bệnh viện Nasser cho biết. Ông Graeme Groom, bác sĩ giải phẫu người Anh làm việc ở bệnh viện này, cho hay ông giải phẫu cho đứa con trai 11 tuổi của bà al-Najjar."
Giống như dân quê VN, nguời dân Gaza bị một cổ hai tròng, một số dám ra mặt chống đối Hamas bị Hamas tra tấn dã man rồi giết nên dân Gaza phải chịu tai hoạ do hai bên áp đặt. Quân Do Thái tàn ac như lính Ðại Hàn tại VN, nhưng lính Ðại Hàn không dùng không quân thả bom vào khu dân cư như Do Thái.
Vào mấy ngày cuối tháng 4, gia đình Bích Đào- Chiểu và ba con nhỏ tìm đường vượt biên theo mối lái của một chủ tàu đánh cá. Không ngờ người này lại lường gạt cả nhóm để lấy vàng , lấy tiền rồi sau đó ngầm báo tin cho công an theo dõi chặn đường và bắt buộc đoàn người phải trở về nhà. Về tới nhà thì nhà của Bích Đào đã bị cán bộ phường chiếm giữ không cho vào và đòi tống giam tất cả 5 người. Lựa chọn sau cùng của Chiểu và Bích Đào là đến tá túc tạm tại nhà một người quen rồi sáng sớm hôm sau Chiểu dùng ống tiêm chích độc dược cho ba con nhỏ, cho vợ . và cuối cùng Chiểu tự sát!
Dân Mỹ ai cũng mong muốn nuớc Mỹ hoà bình, tự do nhưng nhiều nguời buồn vì nuớc Mỹ bây giờ không còn là nuớc Mỹ lý tuởng ngày xưa, việc làm khó khăn, vật giá gia tăng vùn vụt, tổng thống hành xử như vua chuá ngày xưa. Mỹ, Nga, và TQ nay là 3 quốc gia giúp kẻ phạm tội ác chiến tranh (Bắc Hàn, Khmer Ðỏ, Do Thái) mà Liên Hiệp Quốc và toà án quốc tế đã lên án. Giống như Nga, TQ, thuờng xuyên ăn hiếp các nuớc nhỏ, nay Mỹ cũng dùng sức mạnh đe dọa xâm chiếm Panama, sáp nhập Canada và Greenland, đem quân vào Mexico, đem quân tấn công các nuớc độc lập như Libya, Iraq, Syria, và Lebanon. Chánh phủ Mỹ nay hành xử như chánh phủ độc tài phát xít, trừng phạt các đại học như Colunbia, Harvard, Ụ California, chỉ vì sinh viên xử dụng quyền tự do ngôn luận. Thế lực Do Thái ngự trị sai bảo chánh phủ Mỹ nên báo chí truyền thông phải bưng bít tin quan Do Thái giết phụ nữ, trẻ con, đánh phá nhà thờ, cơ quan từ thiện. Khi hai nguời Do Thái bị bắn chết hôm qua thì báo chí truyền thông loan tin rộng rãi nhưng khi Do Thái thả bom giết 100 nguời dân đa số phụ nữ trẻ con, cấm tiếp tế thực phẩm bỏ đói dân Palestine thì báo chí TV chỉ loan tin sơ sài vì sợ bị kết tội chống Do Thái bị trừng phạt nặng nề. Giống như dân quê VN trong vùng xôi đậu, dân Palestine chịu một cổ hai tròng. Nhưng ngay cả CS khi chiếm đuợc các thành phố Sài gòn, Ðà Nẵng, Nha Trang CS không pháo kích san bằng các cơ sở cao ốc như Do Thái san bằng Gaza sau khi chiếm đất. Dân Mỹ bây giờ cũng mất hết luơng tâm khi họ ủng hộ tiếp tế bom dạn cho Do Thái phạm tội ác chiến tranh . VNCH, Iraq, Ukraine là những nạn nhân của chánh sách để Do Thái trên hết của Mỹ. Lính Mỹ đánh trên chiến truờng thế giới hôm nay là đánh cho Do Thái, y hệt bộ đội CSVN đánh Mỹ là đánh cho TQ cho Liên Sộ. Một số nguời Mỹ nay lo ngại về cái quả báo nuớc Mỹ trong quá khứ đã gây ra cho VNCH, Iraq, Libya, và các nuớc Nam Mỹ. Nuớc Mỹ làm từ thiện cho thế giới rất nhiều nhưng khi xoa' bỏ cơ quan USAID thì có lẽ không đủ để đền bù cho sai lầm chánh trị Mỹ đã làm trên thế giới.
"Tương lai không thể biết trước được ngày sau sẽ ra sao", trước kia, người nào may mắn được vào làm cho chính phủ Liên bang là mừng lắm - vì phải cạnh tranh với các ứng viên toàn quốc, lương bổng tốt và có thể được làm đến khi về hưu.
Thế nhưng, từ khi Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, nghe theo lời của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, Trump ra lệnh đóng cửa bộ Giáo Dục, U.S. Agency For International Development (USAID), đài VOA, đài RFA, v.v...
Trump sa thải- ngay cả những người mới vào làm- hoặc thúc giục nhân viên nghỉ việc tại nhiều các bộ, cơ quan như State Department, FBI, Justice Department, IRS, Health & Human Services, Interior, EPA...
Cho đến nay đã có khoảng 260,000 nhân viên trong tổng số 2.3 triệu nhân viên đã không còn ăn lương chính phủ Liên bang.
Và hiện Trump đang phải đối đầu với những đơn kiện tụng bởi những nhân viên làm việc ở các cơ quan trên.