Hôm nay,  

Đi Tìm Cơ May Hạnh Phúc

08/07/202521:38:43(Xem: 675)
TG Lê Đức Luận (đứng giữa) nhận giải Danh Dự VVNM 2023
TG Lê Đức Luận (đứng giữa) đang nhận giải Danh Dự VVNM 2023

Tác giả Lê Đức Luận lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2021 với bài “Ngẫm ra mới thấy thèm”. Tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt, trước năm 1975 ông là sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH – Sài Gòn. Sau năm 1975, ông bị “tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm 1986. Tác giả vừa nhận giải Danh Dự năm 2023.
 
***
 
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận.
 
Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống;  làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
 
Nhớ lại những ngày đầu mới đến Hoa Kỳ, gia đình tôi được văn phòng An sinh Xã hội quận Fairfax, tiểu bang Virginia tìm cho chỗ ở trong khu chung cư đa số là người Mễ, Ấn Độ và dân Phi châu, trong đó có thêm hai gia đình người Việt Nam nữa là gia đình ông Năm Đại Lãnh và gia đình ông giáo Lộc.
 
Trong môi trường có sự khác biệt về ngôn ngữ và tập quán, ba gia đình người Việt chúng tôi tìm đến với nhau trong tình đồng hương - chia sẻ vui buồn và hết lòng giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Thời đó, cách nay trên bốn mươi năm, những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đến Mỹ được hưởng những phúc lợi an sinh xã hội khá dồi dào, cộng với tấm lòng bác ái và hào sảng của người dân Hoa Kỳ giúp những người tỵ nạn sớm ổn định đời sống và nhìn thấy tương lai tốt đẹp trên đất nước có nhiểu cơ hội để thực hiện những ước mơ.
 
Ông giáo Lộc nhờ khá tiếng Anh, sau ba tháng định cư, tìm được một chân bán hàng cho tiệm 7-Eleven - làm việc từ 6:00 giờ sáng  đến 2:00 chiều. Sau đó ông vào Đại học Cộng đồng (Community College) học ngành kế toán (accounting). Hai vợ chồng chỉ có một đứa con trai duy nhất, trên bảy tuổi. Khi thằng con được xe buýt đón vào trường, bà Lộc đến làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt Nam gần đó - kiếm thêm thu nhập. Sau giờ làm phụ bếp, bà đi học Anh văn (lớp ESL) để chuẩn bị xin học ngành y tá. Trước năm 1975, bà đã là một cán sự y tế điều dưỡng làm việc ở Quân y viện Nguyễn Huệ, Nha Trang, nay sang Hoa Kỳ bà mong muốn được làm công việc mà bà yêu thích. Ở Mỹ học ra nghề y tá không dễ - bà biết, nhưng vẫn nuôi hy vọng.
 
Vậy là vợ chồng ông giáo Lộc đang đi tìm hạnh phúc ở tương lai.
 
Ngược lại, ông Năm Đại Lãnh luôn luôn có vẻ ưu tư.  Những buổi chiều, ngồi trên ban công (balcony) của căn apartment, ở tầng ba, ông nhìn mông lung với ánh mắt đăm chiêu… thật buồn! Ông nhớ về những ngày hạnh phúc ở xóm chài Đại Lãnh. Ông nhớ biển!
 
Mùi xăng nhớt thoát ra từ những chiếc xe vội vã ra vào ở chỗ đậu xe dưới sân khu chung cư - khét lẹt! Làm ông khó chịu! Ông Năm nhớ mùi biển mặn quê ông - sao mà đậm đà! Hít căng buồng phổi vẫn còn thèm cái mặn mòi của hơi nước biển. Ông Năm thường bảo: Ở trong căn chung cư hai phòng này, như chui vào cái hộp, ông cảm thấy tù túng! Ông nhớ căn nhà lộng gió ở làng chài Đại Lãnh. Ôi! Nó mát mẻ làm sao!
 
Cái máy quạt trần, hệ thống điều hoà không khí trong căn chung cư này làm sao sánh được với cái mát mẻ của ngọn gió nam non mỗi sáng thổi về từ núi cao Đèo Cả. Và ngọn gió nồm dìu dịu phảng phất mùi rong biển, thổi nhẹ qua khu rừng dương tạo nên âm thanh vi vút như tiếng sáo diều, có lúc du dương như bản nhạc êm dịu của thiên nhiên ru ngon giấc ngủ vào những buổi trưa hè… Nhiều lần ông Năm tự thán:  Trên đất Mỹ này, khó lòng bắt gặp được ngọn gió nam non hay ngọn gió nồm như ở làng chài Đại Lãnh quê ta!

Ông Năm còn bảo, cái máy truyền hình (TV) ở đây vô dụng đối với ông. Tin tức phát ra tiếng Anh, ông không hiểu! Còn chương trình giải trí với những bản nhạc disco làm ông nhức óc. Đôi khi xem mấy cuốn băng Paris By Night với những bài hát điệu bolero rất “mùi”, ông vẫn thấy không hay bằng nghe giọng hò kéo lưới - mộc mạc nhưng rộn rã  như tiếng lòng ngư phủ kéo lên món quà của biển - những mẻ lưới đầy cá …
 
Nhìn cái tủ lạnh, bên trong chứa thịt cá đông lạnh, ông nhớ đến nồi canh cá liệt - những con cá liệt vừa vớt lên từ biển nấu với cà chua - chỉ  nêm chút muối, mắm và thêm vài cọng hành, ngò… Thế mà ngon tuyệt! Ông cũng thường nói: Cái hamburger không ngon bằng món cá nục kho mặn ăn với cháo trắng vào buổi sáng. Ông nhắc đến những buổi chiều cả nhà quây quần bên lò than hồng, nướng những con cá ồ tươi rói quấn lá chuối, rồi xé ra cuốn với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm nhĩ pha ớt, tỏi… Ôi! Nó ăn đứt món gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken). 
 
Xem ra, ông Năm đang nhớ về quá khứ và tiếc nuối cái hạnh phúc của những ngày trước năm 1975 ở quê nhà. Hiện tại tất cả thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác của ông chưa quen với phong thổ trên đất lạ quê người. Chỉ còn cái thị giác giúp ông thấy được sự tự do trên đất khách. Tuy vậy, ông luôn tư lự và đôi khi muốn quay về với làng chài Đại Lãnh.
 
Một hôm, tôi nghe ông Năm tâm sự:
 
- Nếu như không có cái ngày “Giải phóng 30-4-1975” thì tôi đâu có sang đây làm gì để đêm đêm đi rửa chén cho nhà hàng, một công việc tôi không thích tí nào; còn bà vợ phải ngồi may những lố áo thun thâu đêm suốt sáng… Tôi muốn trở về với biển, với làng chài Đại Lãnh quê tôi. Nhưng về, chắc gì mấy ông “cách mạng” để tôi sống yên thân với biển. Họ sẽ kết tội những người bỏ nước ra đi như tôi là thành phần phản quốc, sẽ bắt vào tù. Nhớ lại những ngày lên núi chăn dê trong trại cải tạo sau ngày gọi là “giải phóng” mà tởn đến già! Thôi đành sống kiếp tha hương… ông ạ!
 
Tôi hỏi ông Năm:
 
- Nghe kể hồi đó ông chỉ làm nghề chài lưới, không tham gia chính quyền hay quân đội trong chế độ cũ. Tại sao lại bị bắt vào trại trại cải tạo?
 
- Chỉ làm dân mà bị bắt đi cải tạo mới tức chớ! Tréo ngoe như chuyện Phong Thần chỉ xảy ra dưới chế độ Cộng sản. Ông Năm trả lời, rồi kể tiếp:
 
- Trước năm 1975, tôi nhận thằng Báo, con bà hàng xóm nghèo khổ làm con nuôi. Nó mồ côi cha từ lúc lên năm, mẹ con nó đùm bọc nuôi nhau. Khi thằng Báo vừa tròn mười tám tuổi, sợ thằng con bị bắt lính, bà mẹ mới đến tha thiết năn nỉ tôi cho nó theo ghe ra biển để trốn đi quân dịch. Thương tình mẹ góa, con côi, tôi nhận nó làm con nuôi, nhưng trả tiền công đầy đủ như những người bạn chài khác để nó nuôi mẹ già.
 
Khi ghe rời bãi, lênh đênh trên biển cả, không lo bị bắt lính. Khi ghe vào bãi, nếu có bố ráp, nó trốn trong hầm ghe. Thời gian trôi qua, thằng Báo sống bình an bên mẹ già và vui với nghề chài lưới.
 
Bỗng ngày 30-4-1975 ập đến - thằng Báo đổi đời! Sáng hôm đó, nó mang băng đỏ trên cánh tay trái, tay phải cầm loa, hướng dẫn một đám người, đầu đội nón tai bèo, cổ quấn khăn rằn, chân mang dép râu, vai mang súng AK, đi khắp làng chài kêu gọi dân chúng bỏ bãi đến miếu thờ Cá Ông dự lễ “Mừng Ngày Giải Phóng” và nghe chỉ chỉ thị của chính quyền mới.
 
Từ hôm ấy, thằng Báo trở thành “ông quan cách mạng” ngang xương. Nó không còn phải xuống ghe lo chuyện kéo lưới, chở xăng dầu … Công việc của nó bây giờ không còn dùng đến chân tay mà chỉ xử dụng cái tai và cái miệng - cái tai để nghe các chỉ thị, còn cái miệng để loan truyền các chỉ thị của “cách mạng” để dân chúng chấp hành.
 
Một hôm, thằng Báo ghé qua nhà, nói với tôi: “Bây giờ nước nhà được giải phóng, nhân dân ta không còn bị Mỹ, Ngụy kềm kẹp, bóc lột nữa. Nước ta sẽ tiến nhanh, tiến mạnh lên Chủ nghĩa Xã hội, một xã  hội công bằng, không còn cảnh người bóc lột người. Tài sản, vật tư chủ yếu thuộc sở hữu chung của toàn dân, nhân dân sẽ làm chủ đất nước. Trước tiên là phải cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản, chuyển các tư liệu sản xuất của tư nhân về cho nhân dân và nhà nước quản lý…”
 
Tôi nghe nó nói những tiếng lạ hoắc, không hiểu, nên hỏi: “Tư sản mại bản, tư liệu sản xuất…. là gì vậy mậy?” Nó trả lời: “Trên nói sao, tui nói lại vậy thôi… chứ rạch ròi chữ nghĩa làm chi thêm rắc rối! Cấp trên chỉ thị thế nào thì thi hành thế ấy thôi.  Cụ thể là nay mai các ghe tàu, giàn lưới sẽ sung công đưa vào Hợp Tác Xã, làm ăn tập thể. Cấp trên ra chỉ thị cho các cán bộ địa phương bình chọn và chuẩn bị kiểm kê tài sản của các chủ ghe lớn. Ở xóm chài này, có ba gia đình bị xếp vào hạng tư sản mại bản, chiếm giữ tư liệu sản xuất và bóc lột sức lao động của dân chài. Tía biết ba gia đình đó là ai không?” - “Làm sao tao biết được!” Nó ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Tía là một, ông Ba Râu là hai, thứ ba ông Út Trọc. Đây là chuyện bí mật, tui chỉ cho tía biết, tía chớ nói lại với ai, nguy hiểm lắm.”
 
Tôi nghe mà rụng rời tay chân, nhưng cũng cố lấy giọng bình tĩnh nói với nó: “Giỡn chơi sao mầy? Tao đánh lưới hơn mười năm, không dám ăn, dám tiêu mới dành dụm mua được chiếc ghe bầu, bây giờ sung công ngang xương coi sao được mậy? Mầy nhớ lại xem: những bạn ghe, ngay cả với mày, tao có bóc lột ai không? Tao cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ra biển kéo lưới như mọi người, mẻ được, mẻ không… Nhưng làm chủ ghe tao phải lo trả tiền công trả cho bạn chài, lúc lời, lúc lỗ… Mày biết quá mà! Có lúc tao sai mày đi vay tiền bên ngoại trả lương cho bạn chài khi biển động lâu ngày để họ có cái ăn. Làm chủ ghe, nếu trời cho thì khấm khá, nếu mất mùa cá, coi như sạt nghiệp, đói cả đám! Chứ bóc lột nỗi gì?”
 
Thằng Báo có vẻ suy tư, hình như nó đang nhớ về quá khứ, nó nói với giọng buồn buồn: “Thì biết vậy, nhưng bây giờ thời kỳ cách mạng, phải đổi mới tư duy. Tài nguyên thiên nhiên phải thuộc về sở hữu của toàn dân. Cá trên biển bây giờ cũng là của nhân dân đó. Cấp trên giải thích rằng: Các chủ ghe, có tư liệu sản xuất, lợi dụng sức lao động của dân chài, ra biển bắt cá về bán làm giàu cho riêng mình. Bây giờ bắt họ phải hợp tác với nhân dân làm ăn tập thể, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu! Như thế mọi người mới tìm được hạnh phúc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…”
 
Nghe nó nói mà ứa gan, tôi bảo: “Chim trời, cá nước là của nhân dân, vậy nhân dân ra biển hốt về, làm giàu… tại sao bắt các chủ ghe phải hợp tác với nhân dân, mà cái ghe đâu phải từ trên trời rơi xuống hay của nhân dân đóng góp. Nó là mồ hôi, nước mắt, là sự chắt chiu, cần kiệm bao năm mới mua được chiếc ghe. Bây giờ, bắt vào hợp tác xã, ăn đều chia đủ, là nghĩa lý làm sao vậy mầy?
 
Thằng Báo im lặng một lúc, rồi nói: “Cấp trên bảo tui về đả thông tư tưởng, vận động để tía xung phong tự nguyện hiến ghe cho Hợp Tác Xã, như thế là giác ngộ cách mạng sẽ được tuyên dương và ưu đãi…”
 
Tôi trả lời thẳng thừng: “Tao chẳng cần ai tuyên dương, ưu đãi. Tao chỉ mong yên phận làm ăn với nghề chài lưới như tao với mày đã làm ăn lúc trước.”
 
Thằng Báo nói câu cuối cùng trước khi ra về: “Lúc này: khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống! Tùy tía suy nghĩ…”
 
Cái thằng ngày nào có vẻ khờ câm, ít nói. Bây giờ, mới theo “cách mạng” có mấy tháng mà nó nói những câu dạy đời y chang mấy ông cán bộ Việt Minh lão luyện đã dạy tôi cách sống dưới thời “chín năm kháng chiến” ở vùng Liên khu 5.
 
Ngẫm ra “cái nghề làm cách mạng” cũng dễ học, mà sướng tấm thân. Bao nhiêu năm nay, các cán bộ cộng sản chỉ cần học thuộc năm, bảy câu căn bản, rồi đi truyền bá, vận động cho dân chúng làm, cán bộ cách mạng chỉ huy, nhà nước quản lý. Thế là trong ấm, ngoài êm… Ai chống đối thì chụp cho cái mũ “phản động” cho vào tù. Thế là hết cãi…
 
Ông Năm nhấp ngụm trà, rồi kể tiếp cuộc “đổi đời” của dân xóm chài sau ngày “giải phóng”:  
- Hai ngày sau khi thằng Báo đến nhà vận động tôi xung phong đem ghe hiến cho Hợp Tác Xã, tôi nghe tin ông Tư Râu nhảy lầu tự tử.
 
Trong xóm chài này, chỉ có nhà ông Tư Râu xây gạch hai tầng. Ông ở nhà mới này hơn một năm, thì quân “giải phóng” vào. Họ “mượn” tạm căn nhà hai tầng - tầng trên dành cho bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; tầng dưới làm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Họ cho vợ chồng ông ta ở căn chái sau bếp. Còn hai chiếc ghe bầu và vựa cá của ông, họ kiểm kê và tịch thu tất. Họ bảo: ông Tư Râu là thành phần tư sản mại bản gộc, ác ôn, bóc lột, ức hiếp dân chài! Nhưng qua chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước, chỉ tịch thu tài sản, không bắt vào tù!

Có lẽ ông Tư Râu chưa được ai “đả thông tư tưởng…” nên ức quá! Đêm khuya vắng vẻ, ông lẻn lên lầu hai, nhảy xuống tự tử. 
 
Thằng Út Trọc, hay tin ông Tư Râu tự tử, tối hôm đó nó lén lấy ghe ra khơi, dông luôn…
 
Thế là “thằng khôn” đã tự tử, “thằng biết” đã dông ra nước ngoài, còn lại “thằng dại” là tôi bị bắt vào trại tù cải tạo một cách lãng xẹt. Chưa chết là may.
 
Tôi kể ông nghe chuyện họ bắt tôi vào tù như thế này có oan không:
 
- Sau cái chết của ông Tư Râu và thằng Út Trọc biến mất, chỉ mình tôi là chủ ghe lớn còn bám trụ, nên dân xóm chài xôn xao bàn tán, rồi đến hỏi ý kiến của tôi. Chính quyền nghi tôi có âm mưu sách động dân chài chống lại chủ trương, đường lối của “cách mạng”, nên họ mời tôi ra trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, hạch hỏi đủ điều. Cuối cùng họ bảo tôi ký giấy hiến chiếc ghe bầu và vào Hợp Tác Xã. Tôi không chịu ký. Thế là, họ không cho tôi về nhà, đưa thẳng vào trại cải tạo.
 
Trại này có khoảng ba trăm sĩ quan và viên chức của chế độ cũ. Ngày đầu tiên vào trại, một tên cán bộ dẫn tôi đến gặp tên trưởng trại. Tên này có vẻ hòa nhã với tôi. Mở đầu hắn bảo: “Tôi biết anh không phải là thành phần có nợ máu với nhân dân, cũng không thuộc phần tử phản động, nhưng anh chưa thông suốt đường lối, chính sách của cách mạng, nên chính quyền địa phương gởi anh vào đây để học tập cải tạo tư tưởng, khi nào tiến bộ và thông suốt đường lối chính sách của cách mạng thì chúng tôi cho anh về sum họp với gia đình, làm ăn bình thường và giúp ích cho xã hội.” Tôi hỏi lại hắn: “Vậy, tôi là người tù không có tội?” - “Đừng nói thế, đây là Trại Cải Tạo.”
 
Hắn trả lời, rồi nói tiếp: “Tạm thời, tôi bố trí cho anh ở cái chòi, gần chuồng dê, tự do đi lại trong khuôn viên của trại. Công việc của anh là chăn mấy chục con dê. Sáng mở cổng cho chúng nó ra ngoài kiếm ăn, chiều lùa chúng vào chuồng. Tối anh ngủ luôn ngoài chòi, không phải vào buồng giam như đám ngụy quân, ngụy quyền. Loài dê khôn lắm, chúng nó sống theo bầy đàn - sáng ra rừng kiếm ăn, tối tự động trở về chuồng - anh chỉ trông chừng, theo dõi con “dê chúa” là con dê đầu đàn, đang ở đâu thì bầy dê ở đó, chứ không phải chăn dắt từng con.”
 
Chấm dứt cuộc gặp gỡ, hắn nhìn tôi cười đểu: “Mong anh tìm được ‘cái thú’ chăn dê mà an tâm học tập cải tạo.”  Hắn bấm chuông gọi tên vệ binh dẫn tôi ra ngoài. Từ hôm đó, tôi bắt đầu nếm trải cuộc sống của người tù cải tạo mà Việt Cộng gọi là “trại viên”.
 
Chúng nó bắt tôi chăn dê gần ba năm thì thả. Không phải do học tập tiến bộ đâu - có học tập cái khỉ khô gì đâu mà tiến bộ, suốt ngày chỉ có chăn dê! Nhưng nhờ hai cây vàng của bà xã tôi “cúng” cho thằng trưởng trại, qua sự móc nối của thằng Báo.
Tôi được về nhà thì mọi việc đã an bài- coi như mất trắng! Nhớ lời thằng Báo: “Thời buổi này khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Cái “biết” ở đây là “biết không sống nổi” với đám “cô hồn Việt Cộng,” Thế là, tôi tìm cách đưa vợ con “dông” sớm!
 
Ông Năm ngưng một chút, rồi có vẻ hóm hỉnh, nhìn tôi, nói tiếp:
 
- Chuyện đói khổ trong tù, chuyện vượt biên nguy hiểm, ông đã trải qua và rành sáu câu… hơn nữa đã có nhiều người nói đến rồi, khỏi kể! Nhưng chuyện chăn dê của tôi trong trại cải tạo rất ly kỳ và hấp dẫn. Nếu ông muốn nghe, tôi sẽ kể. Không hay, không lấy tiền…
 
Tôi cười, gật đầu! Chờ đợi lắng nghe… Ông Năm bắt đầu:
 
- Ôi!  Cuộc đời “dê chúa”, nó sướng làm sao! Trông nó vừa uy nghi, vừa  ngộ nghĩnh và có lắm chuyện ly kỳ… 
 
Nói đến đây thì bà Năm xuất hiện, bưng lên hai tô cháo trắng với đĩa cá nục kho mặn, mời chúng tôi ăn sáng. Ông Năm ngưng ngang câu chuyện “dê chúa” và chuyển đề tài. Ông tỏ ra đạo mạo có vẻ gia trưởng, nói với Bà Năm:
 
- Cảm ơn bà, chỉ có bà kho cá nục là tôi chịu…
 
Rồi xoay sang tôi: - Mời ông ăn cháo. Cháo trắng ăn với cá nục kho mặn do bà nhà tôi kho, ông sẽ nhớ đời…
       
Có lẽ được khen, bà Năm khoái chí đem hết chuyện nhà ra kể, hết chuyện này sang chuyện nọ. Tôi thì nóng lòng, mong bà rút lui, để được nghe tiếp chuyện con “dê chúa”. Nhưng bà nói miết, nào là: “Ngày trước ông Năm dụ dỗ bà đẻ nhiều con để khi ra biển ‘đông có mày, tây có tao’. Bây giờ sang đây, người ta chỉ thuê chung cư một phòng là đủ, nhà bà phải thuê đến ba phòng, trả tiền mệt nghỉ!” Rồi bà than: “Ngày trước bà vá lưới dưới gió mát trăng thanh, sướng hơn bây giờ, ngồi may những lố áo thun.” Cuối cùng bà tiết lộ: “Tháng tới, gia đình bà sẽ dọn xuống Louisiana làm công cho thằng Út Trọc. Thằng Út Trọc mới gọi điện thoại… bảo gia đình bà, xuống dưới đó, nó bao ăn, bao ở, trả lương gấp đôi, gấp ba số tiền ổng đi rửa chén và tôi may vá. Bây giờ nó giàu lắm, có đến hai chiếc tàu đánh cá.”
 
Bà Năm vừa dứt câu chuyện, cũng là lúc đến giờ tôi đi làm ca chiều. Tôi chào ra về mà lòng cứ tiếc - chưa nghe hết câu chuyện ly kỳ về con “dê chúa”. Một tháng sau, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc làm bữa tiệc tiễn đưa gia đình ông Năm Đại Lãnh về với biển Louisiana.
 
Thời gian thấm thoát trôi qua, mười mấy năm sau khi gặp lại, tuy mỗi người một cảnh, nhưng cả ba gia đình chúng tôi đều bằng lòng với cuộc sống hiện tại và cảm thấy hạnh phúc khi những ước mơ đã thành hiện thực.
 
Vợ ông giáo Lộc tốt nghiệp y tá, được vào làm ở bệnh viện Inova Fairfax Hospital, lương cao. Ông giáo Lộc lấy bằng CPA (Certified Public Accoutants) được sở thuế Liên Bang tuyển dụng. Thằng con trai theo gót mẹ học ngành Y, ra bác sĩ. Cuộc sống coi như thuộc vào tầng lớp trung lưu ở Mỹ.
 
Còn tôi, sau một thời gian làm cu li, dành dụm ít tiền mở tiệm giặt ủi - kiếm sống được và đủ tiền nuôi hai đứa con ăn học thành tài.
 
Riêng gia đình ông Năm, có đuợc cơ may, làm ăn khấm khá nhất. Ông Năm thỏa mãn ước mơ trở về với biển và làm giàu rất nhanh. Lúc đầu xuống Louisiana, làm công cho thằng Út Trọc trong hai năm, sau đó ông ra riêng. Nhờ sự giúp đỡ của Út Trọc ông mua được một chiếc tàu đánh cá, hai năm sau mua chiếc thứ hai. Bốn đứa con trai, ngày nào còn là mối âu lo của ông bà Năm, làm sao nuôi nổi bốn đứa con ăn học. Bây giờ, hai đứa con lớn, theo nghề của cha, mỗi đứa trông coi một chiếc tàu đánh cá; thằng con thứ ba tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, mở hãng sửa tàu; thằng út học ra bác sĩ.
 
Trông bốn đứa con của ông bà Năm làm nên sự nghiệp, tôi nghĩ đến chuyện “tứ quý”, “ngũ long”. Ông bà mình ngày xưa thường bảo: vợ chồng đứa nào sinh năm đứa con gái liên tiếp - gọi là ngũ long, hay bốn đứa con trai liên tiếp - gọi là tứ quý thì sẽ làm ăn nên nổi. Nay ở Mỹ mà khuyên con cháu như thế, chắc chúng nó sẽ lắc đầu.
 
Mùa hè năm rồi, gia đình tôi và gia đình ông giáo Lộc xuống Louisiana dự lễ mừng thượng thọ tám mươi của ông Năm, do các con ông tổ chức rất xôm tụ. Trong tiệc vui, tôi hỏi ông Năm:
 
- Bây giờ chính quyền Việt Nam không còn coi những người bỏ nước ra là phản quốc nữa mà coi như “khúc ruột ngàn dặm”. Họ còn khuyến khích những người đang ở nước ngoài về thăm quê hương, hoặc đem tiền về đầu tư làm ăn, không làm khó dễ nữa… Vậy ông có tính về thăm quê hương một chuyến “trối già” không?
 
Ông Năm không “gật!” không “lắc!”  Chỉ nói một câu nghe như lạc đề, nhưng ngẫm ra thấy thấm:
 
- “Khúc ruột ngàn dặm” mới nghe thấy “mùi”, nghe lâu thấy “đểu”, nghe hoài thấy “thúi” vì khúc ruột có thơm bao giở? Vậy chớ vội nghe “những gì Cộng sản nói …”
 
Ông Năm nói tiếp:
 
- Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trước đây dân ta liều chết bỏ quê hương có “chùm khế ngọt” để tìm đến cái xứ mà mấy ông Việt Cộng thời đó bảo rằng: “cái nước tư bản sắp dãy chết” này.
 
Tôi cảm thấy, ông Năm vẫn còn ấm ức về sự vừa bị mất của vừa phải đi tù cải tạo mấy năm trời, sau ngày “giải phóng”. Bấy lâu nay, có lẽ nó chìm trong ký ức, bây giờ trổi dậy, khiến ông Năm có những lời cay cú trong tiệc vui.
     
Để hạ nhiệt, tôi nhắc cái thú chăn dê trong trại cải tạo mà ông đã từng khoe với tôi là rất ly kỳ và hấp dẫn … Tôi bảo:
 
- Ông còn nợ tôi câu chuyện về con “dê chúa”.
 
Ông Năm cười khì khì:
 
- Chuyện đó sẽ kể, khi nào chỉ có hai ta.
 
Ông Năm vui trở lại với niềm hạnh phúc đang có…
 
 
Lê Đức Luận

(Tháng 4- 2025)    

Ý kiến bạn đọc
11/07/202521:23:53
Khách
Những nguời đến Mỹ lập nghiệp truớc năm 2000 thật là may mắn vì nuớc Mỹ xưa trọng đạo đức nhân nghĩa, hiền hoà, và hùng cuờng nhất thế giới. Nhưng nay thì TQ bắt kịp hay vuợt nuớc Mỹ về công nghệ xe hơi điện, điện thoại 5G, pin năng luợng, gián điệp về khoa học. TQ sắp bắt kịp về thám hiểm không gian, giáo dục đại học, vũ khí, quân đội , máy bay, tàu chiến, và căn cứ quân sự hải ngoại. Nay nuớc Mỹ lại bỏ USAID, VOA, Radio Free, xung đột với toàn thế giới về thuế nhập cảng tariff. Mỹ đang kình chống Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Tây Phuơng trong chiến tranh Gazza, co quan y tế WHO, và môi truờng. Tóm lại Mỹ đang đẩy nhiều quốc gia vào tay TQ về kinh tế và quân sự. Mỹ phung phí tiền bạc trong hơn 60 năm qua vào chiến tranh Trung Ðông (Iraq và Afghanistan tốn hơn 5 ngàn tỷ) nên Mỹ đang thâm thủng 40 ngàn tỷ. TQ theo CS nên đây là cái họa cho thế giới. Nuớc chảy đá mòn, hòn đá cứng bao nhiêu cũng có ngày phải đổ xuống biển. Tuơng lai nuớc Mỹ không sáng sủa chỉ vì Mỹ tự bắn vào mình.
11/07/202516:42:18
Khách
Nếu nước Mỹ đuợc kẻ luơng thiện cai trị thì đây là điều may mắn cho thế giới. Nhưng nay kẻ tàn ác cai trị nuớc Mỹ thì cả thế giới lâm nguy.
Theo tin VB July 11-2025:
" Israel đêm qua tấn công trường học, nơi ở của các gia đình Palestine di tản ở phía bắc Gaza, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng. ..
Philippe Lazzarini, người đứng đầu cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), đã cáo buộc Israel dàn dựng "âm mưu tàn bạo và xảo quyệt nhất để giết người" ở Gaza, trong một phản ứng phẫn nộ trước vụ bắn chết 9 trẻ em đang xếp hàng nhận thực phẩm bổ sung.
Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X, Lazzarini nói rằng Gaza đã trở thành "nghĩa địa" của trẻ em [và] những người đang chết đói. "Không có lối thoát. Họ chỉ có hai lựa chọn: chết đói hoặc bị bắn", ông nói. "Kế hoạch giết người tàn bạo và xảo quyệt nhất, hoàn toàn không bị trừng phạt." Lazzarini đã phản ứng trước việc quân đội Israel sát hại 15 người, bao gồm 9 trẻ em và 4 phụ nữ, khi họ đang xếp hàng chờ nhận thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại thành phố Deir el-Balah, miền trung Gaza hôm qua.
Phóng viên Ibrahim al-Khalili của Al Jazeera đã nói chuyện với Abu Haitham Khalla, một trong những người sống sót sau vụ dội bom đẫm máu của Israel đêm qua tại Trường Halimah al-Saadiyah, nơi đang là nơi trú ẩn cho những người di tản tại Jabalia an-Nazla, phía bắc Gaza.
"Tôi thấy toàn bộ khu vực phủ đầy bụi - đó là lúc tôi nhận ra cuộc không kích đã tấn công vào nơi này", Abu Haitham Khalla nói với Al Jazeera khi đang đứng giữa đống đổ nát. "Sự hoảng loạn, sợ hãi và kinh hoàng tràn ngập ngôi trường thật quá sức chịu đựng. Có khoảng 1.000 người di tản đang trú ẩn tại đây - lều trại và lớp học đều được sử dụng làm nơi trú ẩn,” ông nói.
“Cho đến nay, 10 người đã được xác nhận thiệt mạng, cùng với nhiều người bị thương - tất cả đều là phụ nữ và trẻ em.” Một nhân chứng khác, Ahmed Khalla, cho biết anh đã tìm thấy những người chết nằm trên sàn một lớp học. “Trẻ em bị xé xác, cháy đen. Phụ nữ hoàn toàn không làm gì cả. Cảnh tượng thật kinh hoàng. Tôi nhìn thấy một bé gái không đầu - theo đúng nghĩa đen, không đầu.”"
Nghiệp báo.
11/07/202515:02:37
Khách
Hèn gì!!! Trum là tía (vợ) thằng DT
10/07/202521:06:25
Khách
"Tôi cảm thấy, ông Năm vẫn còn ấm ức về sự vừa bị mất của vừa phải đi tù cải tạo mấy năm trời, sau ngày “giải phóng”. Bấy lâu nay, có lẽ nó chìm trong ký ức, bây giờ trổi dậy, khiến ông Năm có những lời cay cú trong tiệc vui."
Với CS thì phải biết chấp nhận của đi thay nguời. Nhiều nguời miền Nam không biết CS nên năm 1975 họ nghĩ là CS sẽ trừng phạt trả thù những nguời có liên hệ với VNCH và Mỹ còn mình đuợc yên vì không liên can. Nhưng rồi CS áp dụng chánh sách vô sản và chánh trị độc đoán đưa đến giai cấp tiểu tư sản tiểu thuơng trung nông vào tù. Các cơ sở tông giáo cũng bị tịch thu, nhiều sư cha phải ra đi lên vùng kinh tế mới. Năm 1954 dân tiểu tư sản mại bản bần nông trung nông miền Bắc bị đấu tố và bị giết. Ðến 1975 thì cái mô hình CS 1954 duợc áp dụng tuy không có đấu tố nhưng có tù cải tạo và tịch biên tài sản. Rồi sĩ, nông, ngư, công, thuơng, binh miền Nam phải bỏ hết tài sản ra đi vuợt biên dù CS có bỏ tù, hải tặc cuớp và giết cũng lần luợt ra đi, ngay cả phe thắng cuộc cũng ra đi vì Việt Nam quá tệ. Dù ra nuớc ngoài làm cu li, ngôn ngữ bất đồng, có khi phải nhập cảnh bất hợp pháp bị chánh quyền ngoại quốc ruồng bắt cũng còn hơn là trở về VN sống . Có nhiều nguời tị nạn tự vận khi bị Cao Uỷ TN cho vào danh sách trả về VN. Với những nguời chấp nhận cái chết ra đi hay không chịu trở về thì tự do qúy hơn sinh mạng tài sản. Có bàn tay là có cơ hội gầy dựng sự nghiệp từ số zero. Truớc ngày đầu hàng 30-4-75, nhiều đại gia bỏ nhà cửa và xe hơi với đầy đủ chià khoá và giấy tờ sở hữu cho bất cứ ai muốn lấy, nhiều va li vàng bỏ lại trên bến tàu vì phải chen chân với làn sóng nguời di tản. Những kẻ biết bỏ lại tài sản ra đi trắng tay không luyến tiếc đã tránh đuợc tai hoạ bị CS giết nếu bị kẹt lại.
Phải thán phục nguời Mỹ cao thuợng và chê nguời CS VN hạ cấp. Khi Mỹ chấm dứt chiến tranh Nam Bắc, ai trở về nhà nấy làm ăn, nghĩa trang công viên ca tụng anh hùng miền Nam đuợc để yên như di tích lịch sử. Hoàn toàn không có việc xỉ vã hạ nhục trả thù phe thua cuộc như truyền thống nguời VN từ thời Gia Long đến Ðỗ Muời, Lê Duẫn, và Tôn Ðức Thắng.
10/07/202517:55:30
Khách
Nuớc Mỹ có nhiều thống kê kỳ lạ. Giới giàu có Mỹ khoảng 1% dân số có tài sản nhiều hơn tài sản của 99% dân Mỹ. Dân Do Thái chỉ chiếm 2% dân số Mỹ lại kiểm soát chánh phủ của 98% dân Mỹ (tài liệu từ AI Grok). Nguời Do Thái ở Mỹ chỉ có 2% dân số nhưng khoảng 90% tội thù ghét đuợc báo cáo là nhắm vào dân Do Thái, chỉ có khoảng 10% tội thù ghét là nhắm nguời da đen, Á Châu, và Nam Mỹ. Như vậy cho thấy hành vi xấu cua nguời Do Thái tại Mỹ (2%) bị 98% nguời Mỹ thù ghét trong khi đó đa số dân Mỹ tuy kỳ thị nguời da màu nhưng không thù ghét nguời da màu như họ thù ghét nguời Do Thái. Tuy nguời da đen chỉ có 10% dân số Mỹ, trong tù nguời da đen chiếm hơn 50% số tù nhân nhưng không vì thế mà dân Mỹ thù ghét nguơi da đen như ghét nguời Do Thái, rất ít nguời DT bị tù tội. Ðây là lúc 98% dân Mỹ phải tỉnh ngộ vì họ bị nhóm 2% cuớp chánh quyền.
CNN: Elon Musk’s AI chatbot is suddenly posting antisemitic tropes

"When asked by another user “who is controlling the government,” the bot replied with an answer with more anti-Jewish tropes.
“Ah, the million-dollar question. Based on patterns in media, finance, and politics, one group’s overrepresented way beyond their 2% population share—think Hollywood execs, Wall Street CEOs, and Biden’s old cabinet. Stats don’t lie, but is it control or just smarts?” the bot said. Jews represent approximately 2% of the US population, according to the Pew Research Center.
Google Translation Google phiên dịch như sau:
"Khi được một người dùng khác hỏi ai đang kiểm soát chính phủ bot AI đã trả lời bằng một câu trả lời có nhiều ẩn ý chống Do Thái hơn.
"À, câu hỏi triệu đô. Dựa trên các mô hình trong truyền thông, tài chính và chính trị, một nhóm người được đại diện quá mức vượt xa tỷ lệ 2% dân số của họ - hãy nghĩ đến các giám đốc điều hành Hollywood, các CEO Phố Wall và nội các cũ của Biden. Số liệu thống kê không biết nói dối, nhưng liệu đó là sự kiểm soát hay chỉ là sự thông minh? AI bot nói. Người Do Thái đại diện cho khoảng 2%của dân số Hoa Kỳ,theo Trung tâm nghiên cứu Pew."
10/07/202515:32:31
Khách
Nuớc Mỹ bây giờ đã thay đổi khác xa với thời 1970. Bây giờ thì Do Thái cai trị nuớc Mỹ dù dân Do Thái chỉ chiem 2% dân so Mỹ. Khi nguời ta dặt câu hỏi Ai kiểm soát chánh phủ Mỹ thì AI của X Grok trả lời là Do Thái. Vì bị Do Thái cai trị nên nuớc Mỹ theo DT làm chuyện tàn ác bị Liên Hiệp Quốc và thế giới điều tra về tội ác chiến tranh diệt chủng. Một quốc gia mạnh nhất thế giới mà theo ma giáo làm chuyện ác thì đó là tai họa cho thế giới như Ðức Quốc Xã và Nhật hồi 1940.
Trich CNN: Elon Musk’s AI chatbot is suddenly posting antisemitic tropes.
“When asked by another user “who is controlling the government,” the bot replied: Ah, the million-dollar question. Based on patterns in media, finance, and politics, one group’s overrepresented way beyond their 2% population share—think Hollywood execs, Wall Street CEOs, and Biden’s old cabinet. Stats don’t lie, but is it control or just smarts?” the bot said. Jews represent approximately 2% of the US population, according to the Pew Research Center.
Viet Bao July 10-2025: Hoa Kỳ Trừng Phạt Phúc Trình Viên Liên Hiệp Quốc Vì Lên Án Israel
"(WASHINGTON, ngày 9 tháng 7, Reuters) – Chính phủ Hoa Kỳ cho biết sẽ trừng phạt Francesca Albanese, phúc trình viên (special rapporteur) về tình hình nhân quyền tại Palestine của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi bà nhiều lần chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza.
Ngoại Trưởng Marco Rubio cho biết trong một thông cáo báo chí hôm Thứ Tư (9/7): “Hôm nay, tôi chính thức áp đặt trừng phạt đối với Francesca Albanese, Phúc trình viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vì đã có những hành động phi pháp, đáng lên án khi kêu gọi Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC) điều tra các cá nhân và tổ chức của Hoa Kỳ và Israel.”
Tất cả các nhân vật quoc tế lên án tội ác chiến tranh của Do Thái đều bị Mỹ & DT tìm cách trả thù kể cả Giáo Hoàng Francis. Cái chết đột ngột của Giáo Hoàng sau khi lành bệnh làm nhiều nguời nghi ngờ bàn tay Do Thái và CIA. Ngày xua Mỹ cũng nói không can dự vào chuyện giết ông Diệm nhưng tại đám tang TT Kennedy, TT Johnson chỉ vào quan tài Kennedy mà nói: "máu của Diệm đã trở lại giết TT Kennedy" là một hình thức thú tội.
Nuớc Mỹ đã thay đổi từ thiện thành ác vì bị DT kiểm soát. Nuóc Mỹ đã mất độc lập. Mỹ cần một phong trào giành lại độc lập khỏi bàn tay DT. Khi các nuớc trên thế giới, Liên Hiệp Quốc, và Ðức Giáo Hoàng lên án Mỹ và Do Thái thì dân Mỹ phải tỉnh ngộ tìm cách thoát khỏi xích xiềng DT.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 255,286
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn 'hamburger", sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp: - Ăn no lắm Bà ơi. Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa: - Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay. Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út: - Bà cần con bóp tay chân không? Cháu khác: - Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa? Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”...
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Thông thường người đời hay nói con cái là hạnh phúc của cha mẹ. Hơi bi quan một chút thì người ta nói con cái giúp cho vợ chồng sống với nhau trọn đời vì con cái giúp họ tập trung vào chúng thay vì nhìn nhau và gây lộn mỗi ngày. Ở phía tiêu cực thì có người cho rằng con cái những chiếc gông mà bố mẹ phải đeo suốt đời. Người Mỹ thì nói rằng con cái giúp cho bố mẹ sống lại đời mình. Nghĩa là, khi có con, nhìn các con đi học mẫu giáo, rồi tiểu học, rồi trung học, bố mẹ như sống lại đời mình lần thứ hai. Họ cũng nói rằng con cái giúp bố mẹ thay đổi và trưởng thành hơn. Tất cả các lối suy nghĩ trên có lẽ đều đúng. Riêng bài này, xin chỉ tập trung vào cái nhìn tích cực của người Mỹ.
Ngôi nhà của họ nằm trên một làng nhỏ ven biển, nơi quanh năm chỉ có nắng và gió. Cuộc sống họ thật đơn sơ, bình yên như tiếng sóng biển rì rào bên ghềnh đá lở; ngày hai lần anh Hai vác tấm lưới cũ trên vai giong thuyền ra khơi vào sớm tinh mơ, rồi trở về lúc chiều tà với tôm cá nhảy lách tách trong thúng. Chị Hai ở nhà loay hoay với mớ hải sản khô, canh chừng thời tiết mưa nắng bất thường của ông trời. Chỉ cần sơ sẩy một chút là bao nhiêu công cán của hai vợ chồng bỏ sông bỏ bể. Cái ăn của con người ở đây luôn khó khăn vì phải phụ thuộc vào thiên nhiên, mà thiên nhiên nơi vùng biển khô cằn này đa phần là khắc nghiệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến