Hôm nay,  

Bà Ấn…

11/07/202500:00:00(Xem: 777)
 
TG Phan Khoi nguyen VVNM 2018 cat banh tai le trao giai VVNM 2018
TG Phan Khoi nguyen VVNM 2018 cắt bánh tại Lễ Trao Giải VVNM 2018
 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018.
 
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
 
Một chị Việt Nam đi ngang chỗ tôi làm đã dừng chân tán dóc với tôi, “Bà ấy bị đẩy đi đã giáp hãng, không ai nhận vì chẳng làm được gì cả. Nhưng lại giỏi to nhỏ với sếp, làm cho chúng ghét thêm… Ê ông già, lúc này ông tu thiệt rồi sao mà chịu nổi bà ấy?”

“Để già nói cho mụ nghe: Mình không nợ thì chẳng ai đến đòi. Khi lấy lại đủ rồi thì họ sẽ tự đi. Như ai không biết chị mê trai đẹp nên mới đến chỗ tôi hoài. Chừng tôi chết là hết, tình nghĩa đôi ta có thế thôi…”

“Tôi mới ăn gỏi đu đủ với mấy con Lào, ông muốn tôi ói ba khía ra đây hả…?”
 
Chúng tôi cười xòa với nhau như trước sao sau vậy, nơi tôi làm có nhiều ông ba trợn và cũng nhiều bà ba rọi lắm. Nhưng hôm sau thì cô em đến, không để cà khịa như bà chị mà càm ràm, “Anh không giúp bà già gì hết vậy? Em ngồi tuốt bên kia còn thấy bà ấy xà quần xà quần, không làm được gì hết. Kiểu này, sếp cho bà ấy đi như lần trước nữa…”
 
“Em mới nói gì, bà này có làm ở đây rồi hả?”

“Anh chưa già mà quên quá rồi! Hai vợ chồng luôn, ông chồng ốm nhách, anh đã nói ông ấy mua mở hàng là ế trọn gánh đó nhớ không? Bà Duyên nói ông ấy, đàn ông mà đi như phụ nữ đau dây chằng. Từ đó mới có cái câu không giống ai mà mà ai cũng biết. ông ấy đi giáp vòng hãng, cuối cùng làm với anh tới hồi bị thôi việc. Hai vợ chồng bị thôi việc cùng đợt, bây giờ bà vợ xin vô làm lại được còn ông ấy thì không…”
 
“Anh nhớ ông ấy rồi, ông ấy chỉ còn một cách trở lại hãng này là trúng số, mua hãng… chỉ để đuổi anh là ông ấy hả dạ.”

“Chuyện gì vậy?”

“… Sáng nào ông ấy cũng tới chỗ làm sau mười lăm phút vì bấm thẻ vô rồi thì đau dây chằng nên đi chậm… chờ bà Duyên. Trước giờ ăn, ông ấy rời chỗ làm sớm mười lăm phút để đi rửa tay. Sau giờ ăn ông ấy cũng cần mười ăm phút đi súc miệng… người Ấn Độ vệ sinh nhất mà anh được biết. Dù sếp Jim của anh đã cảnh cáo mấy lần cũng vậy hà, sếp anh hiền chứ dữ như sếp em thì ông ấy bị đuổi việc tám đời rồi.”
 
“Em hỏi chuyện gì?”

“Chuyện từ sáng thứ hai đầu tuần, anh thấy ông ấy đi cà nhắc tới chỗ làm. Anh hỏi, ‘Chân ông sao vậy?’ Ông ấy trả lời, ‘Hôm qua, (tức chủ nhật), ông ấy sửa cái cửa bờ rào nhà ông ấy bị xệ bản lề. Không có ai vịn giúp nên ông tự búa vào chân ông một búa, bầm tím ngón cái… Thế là cả ngày ông ấy chẳng làm gì hết vì đau chân.
 
Nhưng qua sáng thứ ba thì ông ấy lộ nguyên hình. Ông ấy nói với sếp Jim, ‘Hôm qua tôi làm việc ở đây, bị rớt đồ xuống chân, về nhà mới biết bầm ngón chân cái. Hôm nay tôi không đi được bình thường. Ông cho tôi đi khám bác sĩ được không? Tôi cần đi khám bác sĩ, cần chụp hình quang tuyến - Xray…’
 
Anh nghe sếp Jim nói với ông ấy, ‘Ông bị tai nạn trong hãng thì phải cho tôi hay liền, sao để qua ngày mới cho hay? Ông đi theo tôi… Jim với ông ấy lên văn phòng, anh nghĩ là ông ấy sẽ không trở lại vì dễ gì qua mặt được hãng để ăn tiền bệnh. Hôm đó ông ấy được cho về nhưng mấy hôm sau lại vô làm. Sếp Jim đã dẫn sếp lớn xuống chỗ anh hỏi thăm về việc tai nạn sau khi cho ông về. Anh khó trả lời quá nên nói không biết cho xong, đương nhiên anh không biết thì Jim hỏi người khác, thằng D nói thật là ông Ấn Độ dựng chuyện chứ tai nạn ở nhà ông ấy, ông ấy sửa bờ rào…
 
Ít nhiều anh cũng có cảm tình hơn với Jim vì một người Mỹ trắng, trẻ, nhìn mặt thấy kỳ thị nhưng hoá ra anh ta thông cảm và bênh vực thuộc cấp. Nhưng ông ấy thiếu tử tế, mấy hôm sau khi được vô làm lại, ông đưa cho Jim tờ giấy đề nghị của bác sĩ: Ông không được bưng vật nặng hơn mười cân Anh. Trời đất quỷ thần ơi! Hồi vợ anh có bầu thằng con nhỏ của anh, anh có xem qua giấy tờ từ văn phòng bác sĩ phụ khoa gởi về nhà, bác sĩ yêu cầu bà bầu không được bưng vật gì nặng hơn hai mươi lăm cân Anh… Anh còn nhớ mặt Jim đọc xong tờ giấy của bác sĩ Ấn Độ bỗng đỏ lên như nó uống hết chai cognac một mình. Jim cho ông ấy đi luôn. Anh khó hiểu về con người ranh ma ông ấy sao lại dở tệ khi dùng bác sĩ Ấn Độ để trồ thằng Jim?! Sao ông ấy lại nghĩ là anh nói với Jim mà không phải thằng D. Nó mới là người có chuyện với ông mỗi ngày vì ông lười quá mà nó thì làm như trâu… ai cũng biết!”
 
“Hèn gì, nhưng thôi anh giúp bà ấy đi, chứ em thấy không ổn!”

“Thì em nói bà ấy đưa chân ra, anh rớt cho một búa…”

“Ác quá anh trai.”

“Anh hết cách rồi. Biết mình rồi cũng già, hôm nay giúp người già là để dành cho những người trẻ hơn giúp mình vào ngày mai, nhưng bà nội này thì anh bó tay. Em nhẹ dạ cả tin rồi đó.”

“Em biết bà ấy không tốt vì sau lưng em, bà ấy xin sếp cho bà ấy làm công việc của em vì bà ấy thấy có vẻ nhàn. Em không biết bà ấy to nhỏ với sếp nên em đi làm việc khác để cho bà ấy làm. Nhưng được nửa buổi, đồ bà ấy làm ra bị trả lại toàn bộ. Sếp lôi em về chỗ cũ, đưa bà ấy sang cho anh… Con Liên Sô nói em mới biết bà ấy từng to nhỏ, năn nỉ sếp là già yếu để lấy việc của nó, nhưng cũng đâu làm được, rồi mới tới em. Bà ấy thấy vậy mà không phải vậy!”
 
“Vậy sao em còn muốn giúp bà ấy?”

“Anh nghĩ coi, bà ấy lớn hơn em có bốn tuổi mà chậm chạp, lẩm cẩm như má em. Có cố gắng chỉ bà ấy cách nào thì buông tay ra là bà ấy làm sai vì quên ráo…”
 
“May mắn hơn anh là em còn được nắm tay bà ấy, em nắm tay còn làm sai thì anh đi ở tù vì Ấn Độ ưa thưa kiện, chụp mũ anh xách nhiễu là anh từ trần. Làm với bà ấy anh cứ nhớ mẹ anh sai anh hồi nhỏ, chuyện gì cũng ‘Mập ơi, giúp mẹ đi con…’ từ đi bỏ rác tới qua nhà hàng xóm xin cọng hành, trái ớt…
Ở đây, bà ấy gọi anh một ngày không biết bao nhiêu lần, dán cái thùng cạc tông bằng cái microway cũng nhờ anh giúp… tới anh tẩu hoả, không nhớ mình đang làm gì, tới đâu rồi để tiếp tục. Mỗi sáng, anh chỉ bà ấy khởi động lại cái computer, nhớ bấm ba nút một lúc (Ctrl-Alt-Del), đã ba tháng mà bà ấy vẫn không nhớ thì làm được gì trong thời đại làm việc lệ thuộc vào cái computer. Rồi bà bấm lung tung nên computer chỗ bà cứ loạn cả lên. Anh mệt mỏi hơn làm việc là cứ phải phục hồi lại cái computer cho bà.

Anh nghĩ, ông bà mình nói ‘nồi nào vung nấy’ là đúng với cặp vợ chồng này, bà y chang như ông chồng bà làm chung với anh trước đây. Giống đến mức hai vợ chồng xài chung một sách, khi cần giúp thì nói tiếng Anh như gió, nhưng khi người khác cần giúp thì chỉ biết một câu tiếng Anh duy nhất là: Tôi không biết, để khỏi làm.”

   …

Thêm một người Việt có lòng với đồng nghiệp lại thở dài ra đi. Bà Ấn lại bắc ghế ngồi cắt board điện tử. Không ai cắt board mà ngồi ghế vì thiết kế của cái máy cắt là làm việc đứng, như vậy mới có công suất và độ chính xác cao. Nhưng bà cắt board thì than với sếp là đêm về nhức vai, ngủ không được. Tôi đoán sếp muốn hỏi, “ngoài việc cắt board ra, bà có thể làm được gì?” Nhưng bà sếp Mỹ đen của tôi rất dễ thương, đặc biệt là thương người già vì bà đã quá tuổi hưu nhưng còn phải đi làm để nuôi cháu nội bởi con trai đã đi tù, con dâu biến mất không từ giã…

Bà Ấn không có câu trả lời sếp đâu, nhưng may là tôi đoán chứ sếp không hỏi. Sếp đã tế nhị khi bà không đang ngồi cắt board thì sếp đẩy cái ghế bà ngồi cắt board đi chỗ khác. Hồi bà không biết làm gì ngoài việc cắt board thì bà lại bắc ghế ngồi, cằn nhằn, ‘sao ai cứ lấy cái ghế của tôi đi đâu?’ Người chướng mắt khác trả lời, ‘Ở đây ghế có tên. Bà phải ghi tên bà vào lưng ghế thì người ta mới không lấy, nhớ ghi luôn chức vụ vì quản đốc cũng mất ghế như chơi ở hãng này.’
 
Một người ngứa miệng đã lên tiếng, “Cắt board mà ngồi thì làm sao cắt cho chính xác, một tiếng cắt được mấy cái board cho người khác đủ đồ làm…?” Bây giờ mới biết bà dữ chứ không hiền, bà làm cho người kia một trận, “Tôi đứng lâu, tối về chân tôi bị phù. Hãng có trả tiền bác sĩ cho tôi không?” Làm tôi nhớ chồng bà cũng vậy, sếp Jim cũ của tôi từng nói, “Cái ghế của ông Ấn độ có keo…” vì ai gọi đích danh ông tới giúp một tay ông cũng lết cái ghế bánh xe tới chứ không đứng dậy.
 
Không còn ai mà giờ về còn quá dài, tôi ngồi âu lo. Thời buổi này thật khó cho những ai không rành về computer vì làm việc với cái còm chứ có thấy mặt kỹ sư đâu mà hỏi, sếp ra lệnh, hỏi số liệu cũng dùng tin nhắn nội bộ... Trong khi khởi động lại cái còm qua đêm chỉ bấm ba nút cùng lúc mà bà không nhớ nổi thì kiếm sống trở nên khó khăn với bà rồi. Có hướng dẫn tận tình bà cũng không nhớ nổi cách đi vào hệ thống máy tính toàn hãng để tìm ra bản vẽ, hướng dẫn cách làm phần việc của mình. Không rõ chỉ dẫn cũng hỏi qua mạng vì đâu biết kỹ sư đang ở đâu? Tôi không giỏi máy tính nên âu lo không biết ngày nào người máy, trí tuệ nhân tạo sa thải mình đây? Vừa lúc bà tới làm thịt tôi,
 
“Tôi muốn hỏi ông một chuyện?”
“Bà cứ nói…”
“Tuần rồi, ông có đi làm thứ Bảy không?”
“Có.”
“Tại sao tôi không được đi làm thứ Bảy?”
“Bà đi hỏi sếp, chứ sao hỏi tôi?”
“Sếp không gọi tôi đi làm thứ Bảy, nhưng tôi làm với ông. Khi sếp nói ông đi làm thứ Bảy thì ông phải nói sếp cho tôi cùng đi làm…”
“Tôi không phải là sếp của bà, ở đây có một sếp thôi. Bà ấy cần ai đi làm thứ Bảy thì bà ra tin nhắn cho những người bà cần. Tôi không có quyền gì ở đây hết. Xin lỗi bà.”
“Tôi không nói là phe nhóm, nhưng tôi đã thấy điều đó…”
“Tôi cũng không nói nhắn cho ai đâu. Bà yên tâm!”

   …

Bà giận dữ bỏ đi. Tôi choáng váng thấy niết bàn vì tôi đã không tức giận bà, ngược lại thấy thương bà hơn. Tôi lại nghĩ hay bà phải nuôi ông chồng đau dây chằng của bà nên cần tiền, cần làm thêm giờ để kiếm tiền, chứ đám Việt Nam mà nghe phong phanh tuần này làm thứ Bảy là lặn mất tăm hơi vì ai cũng đã có tuổi nhưng chưa có tiền nên thề không tự làm khổ mình. Nhưng từ đó hiểu ra thành ý của cô em từng bị bà cướp việc làm của cô ấy nhưng cũng không giận bà, vì không làm chung với bà nên đi nhờ tôi giúp đỡ bà vì cô ấy sợ bà bị đuổi việc. Tôi hiểu ra mớ tuổi đời của mình không có nghĩa lý gì so với cô em, cô ấy sống biết nghĩ cho người khác hơn mình. Tôi quyết định tìm cách làm cho bà Ấn nhớ được ba nút bấm một lúc để khởi động lại cái còm mỗi sáng cho sếp đừng để mắt tới bà ấy nữa. Việc đi sâu vào chuyên môn thì sếp đã đi rồi, tôi làm giúp bà cũng được… Quyết định xong. Tôi lên mạng tìm để học cách chỉ cho người ta nhớ ba nút bấm một lúc gồm có: Ctrl+Alt+Del.
 
Nhưng nhà mạng nào đó, đưa tôi tới nơi hơi lạc đề cuộc sống thực vì triết lý quá! Những người biết sử dụng vi tính như chúng ta đều biết có tổ hợp phím Ctrl-Alt-Del có tác dụng khởi động lại máy. Đôi khi trong cuộc sống ta cũng muốn “khởi động” lại một khoảng thời gian đã qua để có thể sửa chữa những sai lầm hay làm một điều mình chưa làm được. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, cuộc sống không phải là một chiếc máy tính và những gì đã qua là không thể lấy lại được. Nhưng như thế không có nghĩa rằng cuộc sống không có 3 phím quý báu ấy.
 
Control: Hãy biết điều khiển suy nghĩ, hành động của bạn ở mọi trường hợp để không phải hối hận vì những gì bạn đã gây ra.
…Alternate: Phải biết luân phiên giữa tiếng cười và nước mắt. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suông sẻ, nhưng bạn phải nhớ rằng: sau cơn mưa trời lại sáng.
…Delete: Hãy xóa bỏ những ý nghĩ tiêu cực, những định kiến hẹp hòi và tất cả những gì ngăn trở bạn làm việc cùng mọi người. Nhiệt tình và hợp tác sẽ là chìa khóa để bạn vươn tới thành công.
Như vậy, chỉ cần biết kết hợp 3 phím quý giá này, bạn sẽ chẳng bao giờ phải ước có thể khởi động lại cuộc sống của mình. Ba phím quý giá này, có ở cả những nơi không có máy tính.
 
Hoá ra ba nút Ctrl-Alt-Del có trước cả máy tính ra đời. Vậy ai đã tạo ra ba nút bấm cùng một lúc để khởi động lại? Chừng nào con người với máy tính hợp nhất để phản biện lại tác giả đoạn văn sưu tầm này đã viết, “…cuộc sống không phải là một chiếc máy tính và những gì đã qua là không thể lấy lại được.” Dĩ nhiên tác già có viết tiếp theo, không thể trích một câu văn nhưng mới mang nửa ý kiểu trích dẫn xuyên tạc bây giờ. Tác giả có viết tiếp câu trích trên, “…Nhưng như thế không có nghĩa rằng cuộc sống không có ba phím qúy báu ấy.”
 
Vẫn là tùy tâm, nuôi hận hận không phai, chỉ tổn hại người ôm hận vì cuộc sống mọi giai tầng xã hội đều cần hỉ xả, bao dung cho vơi nhọc bớt nhằn…
 
Phan

Ý kiến bạn đọc
11/07/202516:00:15
Khách
Cám ơn tg Phan có bài viết hay, đúng với cuộc sống trên xứ Mỹ
Cặp vợ chồng này chắc là người Hạch chứ không phải dân Ấn .
Người Việt mình hồi xưa có câu:Dở như Hạch
Vào Google đánh 3 chữ này cũng ra
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 255,365
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Biết được chùa Hương Đạo cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho việc chuẩn bị Đại lễ Tam Hợp (Đại Lễ Vesak) tại Chùa Hương Đạo, vào một ngày cuối tuần, tôi có chút thời gian rảnh nên tôi đến chùa để làm thiện nguyện. Chùa Hương Đạo nằn ở thành phố Fort Worth là ngôi chùa tôi thỉnh thoảng lui tới để làm công quả. Chùa có cảnh quan khá đẹp và sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây và nhiều loại hoa khác nhau như hoa anh đào (sakura), hoa hồng, hoa râm bụt, hoa sứ, hoa cúc trắng, hoa dã quỳ...
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng: - Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? - Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó? Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm.
Nhạc sĩ Cung Tiến