Hôm nay,  

50 Năm, Sàigòn - Hoa Kỳ

30/04/202500:00:00(Xem: 2397)
xuan 2025 50 năm nghiêng
50 năm nhìn lại... (hình do TG cung cấp)

1975.

Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada.

Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt.

Bắt đầu từ Tháng Hai  năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam.

Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó.

1975 báo  Việt
1975, Báo Việt (hình do TG cung cấp)
Tin tức nói hàng ngày, các chiến hạm Hoa Kỳ đang di chuyển ngoài khơi, ai ra được họ sẽ vớt. 

Gia đình bên chồng chị tôi và chồng tôi cùng làm giấy tờ bảo lãnh có sự bảo đảm việc làm của hãng may cho Má và bốn đứa em còn lại để qua Mỹ, kèm thêm điện tín, biểu ráng làm sao tìm đường ra biển để thoát khỏi Việt Nam vì nghe nói cộng sản mà chiếm được Sài Gòn thì họ sẽ thẳng tay sát hại những ai có liên hệ với Mỹ.
Tôi theo chồng qua Mỹ lần đầu vào cuối năm 1970. Tháng Hai năm 1973, sau khi hiệp ước đình chiến được ký kết giữa bốn bên là Việt Nam Cộng Hòa, Giải Phóng Miền Nam, Bắc Việt và Hoa Kỳ, chúng tôi bay về Việt Nam liền.

Đại gia đình sống trong vui vẻ sum họp khi chồng tôi làm việc tại căn cứ Hải Quân ở Vịnh Cam Ranh. Cuối năm 1974 chúng tôi phải trở lại Mỹ, đem theo hai đứa em gái là Hoàng Thư và Thúy Phương.

50 năm sau, nhỏ em Kim Loan kể lại phần này:

“Má nhận được điện tín và giấy tờ bảo lãnh mà làm sao ra biển được, may sao, một buổi chiều, anh Ngà bạn Ngọc Anh là lính Không Quân làm việc  ở phi trường Tân Sơn Nhứt ghé thăm. Ảnh nói hiện nay mỗi ngày có xe buýt lớn tới liên tục trước tòa đại sứ Mỹ để rước người Mỹ và thân nhân, hoặc nhân viên làm việc cho sở Mỹ, vô phi trường TSN để làm thủ tục đi qua Mỹ bằng đường hàng không, nếu gia đình mình muốn đi thì sáng sớm ra đó sắp hàng theo người ta vô phi trường. Má nghe vậy quyết định tức khắc. Má gom hết tiền thủ để dành, chia cho mỗi đứa một ít để rủi ro có lạc nhau thì có tiền mà ăn. Mà lạc nhau thiệt. Tiền đã chia, má dặn mỗi đứa soạn một túi xách tay đem theo hai bộ quần áo, vài giấy tờ quan trọng như căn cước, khai sanh, vài vật dụng cá nhân, hình ảnh vv… Má chạy qua nhà chị họ kế bên là chế T., nhờ săn sóc con chó đừng để người ta bắt làm thịt tội nghiệp.

5 giờ sáng hôm sau mấy mẹ con ra đường kêu chiếc xích lô máy chở hết năm người.  Buồn đứt ruột nhứt là con chó thương yêu chạy theo chiếc xích lô một khoảng đường xa mới mất hút.

Ra tới tòa Đại Sứ thấy một hàng dài người xếp hàng để đợi xe buýt. Người Mỹ với vợ Việt và thân nhân thì ít mà đa số người Việt làm cho sở Mỹ thì nhiều. Mấy mẹ con đi theo người ta. Ba đứa được lên trước nhưng tới Má với Phượng thì lại bị một người Mỹ to con đứng chận nguyên cánh tay cho thân nhân ổng lên hết là hết chỗ, má với Phượng bị lọt lại.

Tui, NA và Long leo lên xe trước, quá lo lắng vì vụ Má bị kẹt lại này.

Vô phi trường rồi, mấy chị em đi lòng vòng mới thấy một khu vực có nhiều người đứng đợi, thì ra chỗ này có máy nước người ta đang giặt giũ, tắm rửa… Có lẽ chỗ này lúc trước là khu vực trống để rửa xe? May mắn cho những người đã tới đây vài ngày trước cần nước để xài và tiếp tục chờ. Nhìn qua lại xa hơn chút lại thấy thiên hạ lu bu ngay hàng rào kẽm gai, kẻ trong người ngoài, người ở ngoài đưa đồ ăn vô bán cho người ở trong, nào là bánh mì, xôi, đa số là bánh mì ổ dài. Đang còn lẩn quẩn nhìn thì tình cờ thấy có một lỗ hổng ngay gần đó có thể một người nhỏ nhỏ chui ra chui vô được. Chắc có ai đó cắt chút hàng rào để ra vô buôn bán? Mừng quá nói với NA là tui sẽ ra bằng lỗ này và cũng chui trở vô bằng chỗ này. Tui hẹn gặp nhau tại chỗ người ta đang tụ tập xài nước. Vậy là NA và Long phải canh chừng cả tui và má với Phượng.

Chà cái lỗ này nhỏ hơi vướng víu quần áo nhe, nhưng coi như qua lọt cái vù. Vừa ra khỏi thì nghe tiếng anh xe ôm hỏi “Đi xe hông cô?” Tui nhìn anh ta thấy hơi sợ gì gì đó vì chưa bao giờ đi xe ôm. Rồi ôm ở đâu ta? Dự tính là sẽ kiếm xe xích lô đi nhưng nhìn anh thấy anh mời tội nghiệp nên tui mới nói “Anh chở tui tới đó rồi anh đợi tui chạy vô chút tui trở ra anh chở tui trở lại đây nha.”

Tới nơi chạy cái vù vô nhà thấy Dượng Bảy ngồi đó tui mới giải thích cho dượng biết chuyện đã xảy ra.  Dượng hơi suy nghĩ chút rồi nói “Con trở vô đó liền, nếu đi được thì cứ đi chừng nào má con có trở về thì tính tiếp.”

Chạy trở ra anh xe ôm còn ngồi đợi. Tui lại chui lọt trở vô cái lỗ cũ thì hay tin Má vô được trong phi trường rồi. Mừng hết lớn! “

Má kể:  

- Bị lọt lại, Má hồi hộp quá không biết có còn chuyến nào nữa không hay kẹt luôn rồi. May mắn có chuyến kế, Má với Phượng tới được phi trường nhưng lúc đó họ đóng cổng không cho ai vô ra nữa, Má sợ quá cứ đứng đó chưa biết tính sao thì không ngờ dịp may lại tới lần nữa, thấy chiếc xe hơi lớn màu đen ngừng ngay cổng chỗ má đứng, bà tài xế quay cửa xuống hỏi Má làm gì đây? Thì ra là bác Cúc gái hàng xóm. Bác là tài xế lái xe cho sở Mỹ nhiều năm nay, bác chở mấy người sếp Mỹ đi làm ra vô TSN mỗi ngày cho nên thấy xe là họ mở cổng. Bác nói hai mẹ con lên xe bác chở vô. Vậy là tất cả đều vào được trong phi trường rất đông người.

Sau cả ngày hai chị em cầm xấp hồ sơ sắp hàng nhiều lần không đúng chỗ, rồi hỏi han người xung quanh cuối cùng mới biết phòng này là chỗ cuối cùng để xin ghi tên vô chuyến bay.  Ngoài trời tối lắm mà chỉ có hai chị em ngồi trên băng gỗ đợi. Đây là cửa sau của phòng đó, hy vọng cuối cùng rồi. Không biết đợi bao lâu trong đầu cứ nghĩ có đợi tới sáng cũng vẫn đợi mặc dù cả ngày quá mệt mỏi nhưng mắt vẫn canh chừng. Phía trong phòng đèn còn sáng trưng nghĩa là người ta vẫn còn đang làm việc. Nghe người ta nói lúc này họ làm việc 24/24.

Gần như thất vọng hoàn toàn thì tự nhiên thấy cửa mở có người Mỹ bước ra. Y mặc áo thun trắng sát nách mặt đầy mồ hôi, hình như muốn ra hít thở không khí bên ngoài. Thấy hai đứa con gái ngồi đợi, y hỏi vài câu mình không biết trả lời, chỉ đưa xấp hồ sơ, y  kêu hai đứa theo vô văn phòng. Coi giấy tờ xong y hỏi bao nhiêu người đi, tui nói năm người rồi chỉ tên 5 người trên hồ sơ, y ghi gì đó trên xấp giấy tờ.  Số hồ sơ là 193, rồi ghi lên miếng giấy nhỏ dặn dò ngày mai đứng xếp hàng chỗ đó đó với tờ giấy nhỏ này có giờ xếp hàng lên máy bay, từ 8 tới 10 giờ sáng. Mừng hết biết, chạy về cho Má hay. Má nói liền - Ba con phù hộ mẹ con mình đó!

Tới bây giờ tui vẫn nghĩ sao lúc đó lại ngồi đợi ở cửa sau? Tại sao không biết kiếm cửa trước mà đợi? Chắc nhờ vậy mà gặp hên hay đúng là Ba khiến ta?
Sáng sớm hôm sau đoàn người xếp hàng một dọc ngoài trời nắng, có hai hàng lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bồng súng đứng canh. Chiếc máy bay đậu đàng kia. Sau này mới biết đó là loại máy bay C-130.

Hơn hai tiếng đồng hồ. Đang đợi thì có một chiếc xe jeep chạy ào tới, người lính Mỹ lái xe jeep. Hai bên nói chuyện qua lại lâu lắm, giống như đang điều đình gì đó. Nghe nói, mới biết, người trên xe jeep muốn mấy người thanh niên tuổi lính phải ở lại để chống giặc. Như vậy có nghĩa là thằng em mình không được đi. Ai nấy lo sợ run muốn chết. Nhưng sau đó, điều đình xong, họ cho hết lên phi cơ.

Người lên đầy là họ đóng cửa bay liền. Họ cho lên lẹ lắm. Thủy Quân Lục Chiến bồng súng chĩa ra ngoài. Mấy mẹ con ngồi dưới sàn, sau cùng, sát cửa. Vừa sợ vừa mừng, mà mừng nhiều hơn vì chiều tối hôm đó phi trường bị Việt cộng pháo kích quá trời luôn.

Từ Việt Nam bay qua Phi, đáp xuống phi trường quân sự Subic Bay. Ở đó vài tiếng để chích ngừa xong mới vô nước Mỹ là Hawaii.

Từ Hawaii bay thẳng qua đảo Wake Island (hình như là đảo quân sự).

Ở hai ngày đêm, mới bay qua California. Chỗ này, lên bay một chút thì bay ngược trở lại ngừng sửa vì trục trặc gì đó làm ai cũng lo sợ muốn chết! Đến nơi rồi xe buýt chở tới Camp Pendleton. 

Chỉ hai ngày trên đảo đã thấy lòng tử tế và sự chăm sóc chu đáo của những người lính Mỹ, từ giường gối khăn mền cho tới cái băng vệ sinh cho phụ nữ.”

Ôi, những con người văn minh đáng kính.

Má với mấy em bước vô phi trường TSN sáng ngày 25 tháng Tư, bay khỏi trưa ngày 27 tháng Tư năm 1975.

Một số trục trặc nhỏ trên đường có là gì, so với những thảm cảnh và mất mát của bao nhiêu vạn người đã gặp trên đường vượt biên, thuyền nhân hay đường bộ, những năm dài sau đó.
 …
Trên đất nước Hoa Kỳ.

Khi gần như tuyệt vọng sẽ không bao giờ gặp nhau nữa, vào nửa đêm 29 Tháng Tư chúng tôi nhận được điện thoại của em Long cho hay gia đình được cầu không vận Hoa Kỳ bốc đi, đang đợi làm giấy tờ ở Hawaii, rồi chưa biết đi đâu.

Sau khi chồng tôi liên lạc hỏi tin, biết chắc nhóm người đó sẽ tới  Camp Pendleton, chúng tôi tới đón Má và bốn đứa em về Sparks, tiểu bang Nevada.

Hai hôm sau, tháng Năm, có đài truyền hình Eyewitness News tới quay phim phỏng vấn, giống như một cách báo cho dân bản xứ biết về gia đình Má và mấy em là gia đình Việt Nam  tị nạn cộng sản, đầu tiên, tới thành phố này. Báo chí cũng đưa tin, tôi còn giữ mẫu tin đó, tiếc quá, lúc đó đâu biết cách để xin copy của đoạn phim họ quay cảnh cái nhà chỉ có một phòng ngủ mà chứa tới 11 người.
May-1975 RENO new paper
Tháng 5, 1975- bản tin trên Reno newspaper (hình do TG cung cấp)

Tuần sau nữa, họ tới tận hãng may để chụp hình quay phim Má tôi ngồi may, đưa vô tin tức, cho dân chúng biết, những người tị nạn mới sang đã có việc làm.

Thiệt là nhớ thời gian đó sao mà vui mừng hạnh phúc quá. Nhà có 6 người cùng làm chung một hãng, có khi làm từ sáng tới chiều, có khi làm thêm giờ, thì tới tối hù, ghé chợ mua hai con gà giá 99 cents mỗi con bự tổ chảng, rau cải, về luộc ăn mà sao ngon hết biết. Đó là thời gian ra khỏi nhà khi trời còn tối, về nhà thì trời cũng đã tối rồi, không thấy cái nhà mình ở sơn màu gì nữa.

ĐỖ THỊ BÔNG với máy may Tháng 5 Năm 1975
Má Đỗ Thị Bông với chiếc máy may-tháng 5, 1975 (hình do TG cung cấp)
Năm đầu, cả nhà, làm ngày làm đêm. Bán chiếc Pontiac “bù ệt” hai cửa bốn chỗ ngồi, mua chiếc xe van cũ, mới chở hết mọi người. Má và ba đứa em lớn đi làm, Phượng, Thư, Thúy còn nhỏ thì đi học, con tôi, mướn bà Mỹ tới nhà giữ trẻ. Tôi nhớ bà lắm, người rất hiền lành, thương con nít.

Năm 1976, tôi sanh đứa thứ ba. Mười hai người sống chung một nhà. Sau vài tháng, làm được bao nhiêu thì hùn vô, đổi chiếc xe van, mua hai chiếc xe hơi Chevy Oldsmobile mới tinh, thêm chiếc Honda cho em trai tôi, nó sơn lá cờ vàng ba sọc đỏ trên mui xe. Đi tới đâu thiên hạ dòm theo tới đó. Mấy đứa em biết lái xe, tự tin hơn.
...
Nhiều năm sau, qua vài tiểu bang, đổi vài chỗ làm việc, thay chỗ ở mười một lần.

Tôi đã nhìn thấy sự thăng trầm của nước Mỹ:  - từ hồi lương căn bản chưa tới 2 đô la một giờ, ngồi may kiểu “ăn miếng”cả ngày;  “ăn miếng” nghĩa là sau khi may đủ số ấn định, nếu may thêm miếng nào được trả tiền thêm miếng đó. Kim Loan và Ngọc Anh, may giỏi nhứt hãng, lúc nào lương cũng cao hơn người ta - tới năm nay, 2025, là từ 20 tới 25 đô la một giờ, tùy việc tùy công ty hãng xưởng.

Tôi đã từng làm nhân công dọn dẹp ở motel, làm thợ may, làm trợ lý văn phòng cho chồng tôi, đi học nghề, làm giảng viên trường thẩm mỹ và sau cùng làm giám khảo chấm thi cho Hội Đồng Thẩm Mỹ, tiểu bang California, 25 năm.

Tôi có bạn đồng nghiệp, có những học viên, đến từ nhiều nước trên thế giới.

Tôi chứng kiến đời sống của dân bản xứ, nghèo giàu như thế nào, sự thành kiến, óc kỳ thị, màu da, chính trị, tôn giáo, ra sao.  
Tôi đã thấy người có mái nhà để chui ra chui vô, cũng có những thân phận thiếu may mắn, sống tạm bợ trong mấy cái lều rách, hay nằm ngồi vật vạ trên lề đường, dưới gầm cầu.

Ngày xưa dân Da Đỏ dựng lều “Tippy” để sống là theo phong tục tập quán, ngày nay cái lều tạm bợ vá víu là vì không có cái nhà để ở, nay, dân vô gia cư vì bao nhiêu lý do, thất thế, mất việc, rượu chè, ma túy, hay tâm thần?

Tôi đã từng sống trong khu nhà lợi tức thấp, thiếu thốn tiện nghi, đôi khi không có gì ăn. Và cũng đã sống trong ngôi nhà khang trang vững chắc.
Nhà cửa thời 1975, ở Reno, Nevada, một căn nhà có sân trước sân sau rộng rãi, 3 phòng ngủ hai nhà tắm như nhà tôi mua trong một khu tương đối an toàn dễ hòa nhập, chỉ trên 35 ngàn đô la thôi. Bây giờ nghe nói căn nhà đó cả triệu rồi.

Tôi đã chứng kiến cảnh “biển dâu” tại California. Chúng ta đã biến những khu vườn cam rẫy dâu trở thành một Tiểu Sài Gòn trù phú. Trên dưới hai triệu dân tị nạn đem quê hương thứ nhứt trồng vào quê hương thứ hai.

Tôi đã từng phất cao lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tình chống cộng. Và cũng rửa mắt, nhìn từng đàn người cộng sản nhởn nhơ trên phố.

Chúng tôi rất biết ơn, nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới tự do, đã bao dung, nhân đạo, mở  rộng vòng tay ra cứu vớt, “thuyền nhân” lúc đó như những dề lục bình dập dình trên biển cả hãi hùng. Họ đón số người di dân tiên phong, bằng đường biển hay đường bộ, thoát chế độ cộng sản, và cũng đau buồn khi hàng trăm ngàn người, bằng cách này cách khác, đã vùi thây trên con đường tị nạn.

Thời còn trẻ của chúng tôi, từ giữa thập niên 70, 80, 90, 2000, sức làm việc, lòng nhiệt huyết muốn thay đổi đời sống cho khá hơn, rất cao. Sống trên đất người, muốn bằng người bản xứ thì chúng tôi phải làm việc như gấp đôi. Chúng ta xử dụng máy móc đi đôi với sức con người. Dùng sức lực điều khiển cơ khí nhưng không lệ thuộc. Luôn kiên nhẫn học hỏi, giỏi đáp ứng, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, bằng trí óc quân bình, từ trường học hay trường đời.

Tôi đã thấy bao thất bại và thành công trên mọi phương diện. Mà cũng thấy, đã có bao nhiêu nhân tài đóng góp cho nước Mỹ, tạo nên một thành phần ưu tú trong đủ mọi ngành nghề.

Vậy mà, có thành công được sự nể phục, có thất bại gây nhiều tai tiếng.

Thế hệ trẻ ngày nay, nhân trí rất cao, giỏi, nhưng, hình như lệ thuộc vô khoa học, kỹ nghệ tân tiến nhiều hơn.

Con cháu chúng ta được sống trong nước Mỹ, thế giới tự do, chế độ đa đảng.

Có khi, hai người ở hai đầu con sông Tương. Ở giữa, làm sao để chiếc cầu không gãy nhịp?

Từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ. Mong mỏi có người tài đức, đứng mũi chịu sào, đẩy lui cái đám người xảo quyệt gian manh.
Khi muốn sửa sang một cái nhà cũ, hư hại, thì phải xem xét, thay thế những mụt nát bằng những lành lặn. Vẫn biết những sự thay đổi bây giờ là chuyện khó như lấp biển vá trời nhưng, nếu không cố gắng khởi sự bây giờ thì thế hệ con cháu chúng ta, suốt ngày cắm đầu vô cái điện thoại, không đứng lên chống đối, ngại ra sức lao động để làm việc, rồi sẽ bị lệ thuộc dưới sự thống trị của quân tham gian cuồng bạo, là điều hiển nhiên.
---
Sài Gòn mất, cũng gần như lần lần mất đi sự trong sáng của chữ Việt, tiếng Việt.

Hy vọng giữ gìn tiếng Việt của thời Việt Nam Cộng Hòa, Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ do tờ Việt Báo thành lập từ năm 2000, được sự hưởng ứng mạnh mẽ của công chúng.

Nhiều năm trôi qua, từ xã hội tới gia đình, theo luật Sinh Lão Bịnh Tử, có nhiều mất mát đau lòng.

Chúng tôi đã mất ba vị, nhà văn/ giám khảo Thảo Trường, nhà văn/nhà báo/giám khảo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà văn Bồ Tùng Ma và ba tác giả cao tuổi, người đầu tiên tham dự Viết Về Nước Mỹ là cụ Nguyễn Gia Mai, bà Trùng Quang và Má tôi, Đỗ Thị Bông.

Năm 98 tuổi, Má tôi đã đi tìm Ba dưới đáy Biển Đông.

Em trai tôi tới miền hư vô khi tuổi chưa già, còn có thể làm bao nhiêu chuyện.

Tôi mất chồng. Phu thê giống như cái nồi vừa với cái nắp, nồi mất nắp thì nấu gì cho ngon? Như đũa có đôi, mất một chiếc thì lùa cơm cả ngày chưa hết chén.

Còn chúng ta, cũng đang kẻ trước người sau, tới trạm cuối cùng.

Và mặt trời vẫn mọc ban ngày, trăng sao vẫn sáng ban đêm.

2025.

Là năm đánh dấu nửa thế kỷ từ khi Miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm.

Tôi cám ơn, ngày xưa em Ngà đã cho tin, cám ơn bác Cúc đã chở Má và các em tôi qua  cổng phi trường, cùng quyết định dũng cảm chớp nhoáng của Má tôi, đem con qua Mỹ dù không biết một tiếng Anh, tương lai mịt mù, hồi cuối Tháng Tư năm 1975.

Và, 50 năm dài đằng đẵng trôi qua, vẫn còn có những người đang khóc mà lệ không rơi ra khỏi trái tim mình./.

Trương Ngọc Bảo Xuân
Ngày 27 Tháng 4 Năm 2025
 

Ý kiến bạn đọc
30/04/202522:13:04
Khách
Cảm ơn Tác giả chia sẻ bài viết, chúc Cô nhiều sức khỏe và viết thêm nhiều bài nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 208,443
Từ ngày về hưu, Ông Tư thong thả, nhưng buồn! Hằng tuần, vào buổi sáng thứ Bảy, sau ngày xổ số Powerball Lottery, ông thường lang thang trong khu Phước Lộc Thọ, mong tìm gặp các bạn già rủ nhau uống ly cà phê, tán gẫu sự đời, bình luận thời sự chính trị … cho qua thì giờ. Gần mười hai giờ, chia tay các bạn già, ông thả bộ vào một tiệm 7- Eleven gẩn đó mua một tấm vé số Powerball, rồi về nhà ăn trưa.
Miếng ăn là miếng tồi tàn Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Câu nói dân gian trên chắc có lẽ chỉ được áp dụng tại Việt Nam hay những nước chậm tiến trong những năm tháng nghèo đói. Ăn uống là nhu cầu sống còn của con người và vì thế người ta nhiều khi phải đánh mất phẩm giá của mình để tồn tại. Tuy vậy, tôi thấy câu này vẫn có thể áp dụng tại Mỹ, đất nước giàu có nhất thế giới và đồ ăn thì dư thừa.
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng: - Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? - Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó? Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm.
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, khuất sau những tàng cây cổ thụ, phủ đầy rêu phong và ký ức. Mỗi viên gạch, mỗi góc tường, đều như đang thì thầm câu chuyện về một gia đình đã từng hạnh phúc, ấm êm. Ông Lâm, với mái tóc bạc phơ như sương tuyết và dáng người gầy gò, liêu xiêu theo năm tháng, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây cũ ở hiên nhà. Chiều tà buông xuống, nhuộm tím cả khoảng sân, mang theo hơi lạnh se sắt của cơn gió trở mùa, lay lắt những cánh hoa đỗ quyên đỏ thắm trước ngõ, như ngọn lửa nhỏ đang cố gắng níu giữ hơi ấm sắp tàn lụi. Mỗi cơn gió đi qua, ông Lâm lại khẽ rùng mình, không phải vì lạnh, mà vì nỗi cô đơn quạnh quẽ đang bám riết lấy ông từ hai năm nay. Từ ngày người vợ yêu quý của ông về với đất.
Mùa Hạ đã bắt đầu báo hiệu, các loài hoa thi đua nở đủ màu sắc tươi vui. Anh Quang bước ra sân theo tiếng gọi của vợ nhờ bưng phụ mấy chậu hoa quỳnh lên bệ cao, vì muốn ngắm nét đẹp của loài hoa trang đài đang nở hàng chục đóa hồng và vàng. Bé LiLy bước chân cao chân thấp đi theo cha cười hồn nhiên.
Có những người Cha tôi đã gặp Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi … (KL) Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ. Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).
Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga. Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng. Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe.” Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Hàng năm, cứ qua giữa tháng Năm là nước Mỹ lại bắt đầu rộn ràng hơn cho ngày lễ hội Memorial Day sắp tới! Các “florist centers” lo chuẩn bị thêm nhiều hoa để cung cấp cho người tiêu thụ, những gian hàng đồ lưu niệm bày biện lắm thứ hơn để bán. Walmart, Krogers tấp nập khách hàng vì có đông người đi chợ cho các tiệc tùng ăn uống chiều hôm đó. Như chúng ta biết, ngày lễ này được long trọng tổ chức vào mỗi thứ Hai cuối cùng của tháng Năm nhằm vinh danh những người lính đã xả thân hy sinh trong quân đội Hoa Kỳ. Ngược dòng lịch sử và theo các sử gia thì cuộc nội chiến Mỹ được xem là có nhiều người chết nhất nên những nghĩa trang thành hình từ đấy. Vào mấy năm cuối của thập niên 1860 thì ở nhiều quận, hạt, tỉnh, thành, thiên hạ bắt đầu tới sửa sang, dọn dẹp vệ sinh cho những ngôi mộ của người thân mình, mang theo bông hoa trang hoàng cho các ngôi mộ đó; những chiến binh đã nằm xuống!
Là con trai trưởng trong một gia đình có chín anh em, tôi sống với Mẹ trong hầu hết bảy mươi bốn năm đời mình. Chỉ có hai lần tôi phải xa Mẹ lâu nhất, mỗi lần tám năm, đều liên quan đến nước Mỹ và Mẹ. Lần thứ nhất từ năm 1991 khi Mẹ đi tỵ nạn Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi kẹt lại quê nhà cho đến cuối năm 1998 mới đi đoàn tụ gia đình theo diện ODP. Đi hay ở, một quyêt định không phải dể dàng với tôi lúc bấy giờ. Những năm chín mươi sau những tháng năm sống vất vả, cay đắng và tủi nhục để kiếm sống và tồn tại, đứa con một sĩ quan tù cải tạo, nhờ thời kỳ mở cửa, các công ty nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, tôi được làm việc cho văn phòng đại diện công ty Hoa Kỳ AMP tại Việt Nam. Mức lương 700 USD của một giám đốc kỹ thuật hồi đó là một con số rất lớn nếu so với đồng lương 50 USD của một kỹ sư mới ra trường.
Nhạc sĩ Cung Tiến