Hôm nay,  

Người Hàng Xóm

05/06/202500:00:00(Xem: 1094)
TG Việt An
TG Việt An (hình do TG cung cấp)
 
Tác giả Việt An sinh năm 1976, qua Mỹ năm 1993, định cư ở Austin, Texas. Cô từng là kỹ sư điện tử ở Intel, nay là nhân viên của bộ Ngân khố, đồng thời là thông dịch viên tự do. Sau đây là bài viết mới của cô kể về người hàng xóm tử tế của cô vừa mới từ trần.

***

"Kính thưa quý vị quan khách,
Tôi tên là J.N.D. Nguyễn, là hàng xóm kế bên nhà anh Don và Michelle. Tôi thật bàng hoàng khi hay tin anh Don qua đời đột ngột vì nhồi máu cơ tim! Thật tình là tôi không hề chuẩn bị để lên đây phát biểu, nên nếu có thiếu sót, mong quý vị lượng tình bỏ qua cho.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng.  
Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe”!
Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Thưa quý vị, tôi biết chắc là trong cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ tìm được một người hàng xóm thứ hai như anh Don! Không bao giờ!
Anh Don thương kính ơi, hãy an nghỉ!"

Nước mắt lưng tròng làm mờ cả lối đi, tôi thờ thẫn trở về chỗ ngồi!

Trên đây là đôi lời cảm nghĩ tôi đã bày tỏ tại buổi Celebration of Life, tạm dịch là Lễ Tán Dương Cuộc Đời của anh Don Kutach, hàng xóm sát rào phải của chúng tôi. Kể từ đó, tôi không còn thấy bóng dáng thấp thoáng của một người đàn ông trung niên xuyên qua hàng rào nhà, người hay mặc quần swim shorts (loại người ta mặc để bơi) và áo T-shirts, ra tưới cỏ, hay leo lên mái nhà cao để thổi lá rụng. Mái đầu bạc trắng hay ló nhấp nhô bên kia hàng rào khi anh đứng tưới cỏ hay vuốt ve con chó bẹc giê lớn gần bằng một sư tử con. Tiếng sủa của nó cũng to làm bé gái Việt Khuê (lúc còn nhỏ) giựt mình khóc thét lên.

Xa vắng rồi! Nhà anh bây giờ cô quạnh quá! Đìu hiu quá! Lạnh lẽo quá!
 
Người hàng xóm
Nhà anh Don bên trái, nhà chúng tôi bên phải. (hình do TG cung cấp)
 
Cứ mỗi lần ngó qua nhà anh là tôi nhớ tới một người hàng xóm hiền từ, đôn hậu! Xe truck của anh vẫn nằm y nguyên trước nhà. Từ khi anh ra đi, chị Michelle, cô bạn gái của anh, hầu như vẫn để tất cả mọi thứ trong nhà, những thùng đựng đồ còn ngổn ngang, cái đèn, bàn làm việc, nhà bếp, vv… y nguyên như cũ. Tiếng chuông gió sau nhà anh vẫn kêu vang những tiếng leng keng. Chuồng chim của anh vẫn còn kia.  Máy cắt cỏ nay chị bạn gái đã trùm giấy bạt xanh.  Đồ cho chim hummingbirds (chim ruồi) uống nước thì chị Michelle đã lấy xuống. Lẽ dĩ nhiên, cỏ nhà anh không còn xanh như trước. Tôi tự hỏi sao cô bạn gái của anh không dọn dẹp trong nhà cho thoáng đãng, để ngổn ngang như vậy bị stressed chết đi được! Nhưng rồi tôi nghĩ lại, phải chăng cô muốn thời gian ngưng đọng, frozen in time, muốn mọi thứ đứng yên như cũ theo thời gian, khóa chặt mọi giây phút, mọi ký ức để lưu dấu lại hạnh phúc và kỷ niệm của hai người? Cũng y như tôi để yên đống củi anh chất giùm tôi, không di, không dịch?

Là một kỹ sư nhu liệu (software engineer) cho IBM với bằng Thạc sĩ, anh Don bị cho nghỉ việc một thời gian, sau đó anh lại được nhận vô làm lại theo dạng hợp đồng (contractor). Anh thật hiền lành, tử tế, và vô cùng tốt bụng. Tội nghiệp lắm! Gần như anh biết trước sự ra đi của mình và đã chuẩn bị mọi thứ cho cô bạn gái: tân trang nhà, làm hàng rào sau lẫn bên hông trái với chúng tôi. Nhưng không may, anh chưa ở được mấy ngày, chưa hưởng thụ được mấy ngày cả! Họ thích có một mặt lò sưởi (mantel) lát đá, tân trang lại phòng tắm lớn, bếp, cùng một vài khung tường hình vuông thay vì hình vòng cung ở những chỗ ra vào. Lúc làm hàng rào, anh cũng là người dời đống củi nhà qua một bên giùm tôi. Có một dạo, anh với nhà chúng tôi sử dụng máy cắt cỏ chung. Chồng tôi bảo anh có thể tự nhiên mở cửa garage mà lấy để dùng. Dĩ nhiên anh cắt luôn cho chúng tôi, lần nào cũng như lần nấy. Sau khi anh mất, bất cứ khi nào tôi hay chồng hay các con tôi cắt cỏ, đều cắt luôn khoảnh sân cho chị Michelle.  

Có điều, tôi nghe phong phanh nhưng không hỏi thêm là có một cuộc chiến pháp lý đang diễn ra giữa mẹ anh Don và cô Michelle, bạn gái của anh. Mẹ anh Don (vốn không thuận với anh lúc anh còn sống) muốn giành lấy cái nhà và tài sản của anh để lại, trong khi cô Michelle thì không có hôn thú nhưng được xem là vợ theo common law marriage của tiểu bang Texas:  trên 18 tuổi, cùng thỏa thuận sống chung và trước công chúng xem nhau là người phối ngẫu.
 
Tôi thường nhận thấy những người thật đàng hoàng, tử tế, tốt bụng hay mất sớm. Cứ như họ được sanh ra trên đời này, trả hết nợ trần gian trong cuộc đời ngắn ngủi trên đất tạm dung, rồi vừa khi trả dứt món nợ đó thì đột nhiên dứt bỏ hồng trần, ra đi không báo trước hay không hề có một tín hiệu gì. Ví dụ như anh Linh, một người bạn của vợ chồng chúng tôi, cũng là người đã chụp hình lễ đính hôn cho chúng tôi, mất sớm ở độ tuổi 30. Anh hiền từ và đạo đức vô cùng. Vốn cũng là dân H.O., người Bắc di cư và là người công giáo rất ngoan đạo, anh sống rất được lòng bạn bè và người chung quanh. Mỗi khi từ trường đại học về thăm nhà, anh hay chở tôi từ College Station (trường Đại Học Texas A & M) về Houston giùm. Rồi bỗng nhiên, một lần đi chơi biển Pensacola ở Florida với mấy bạn sinh viên từ trường Đại Học Houston, anh bị sóng cuốn đi, dầu chỗ anh đứng không sâu và anh vốn biết bơi không tệ. Anh đúng là vắn số! Bố mẹ, gia đình và bạn bè thương tiếc anh biết dường nào!  


Người chụp hình đám cưới chúng tôi cũng mất bất đắc kỳ tử ở tuổi bốn mươi mấy hay năm mươi mấy trong một khách sạn, khi đang đi chụp hình cưới tại Dallas. Cặp dâu phụ, rể phụ của chúng tôi đều là bạn học cùng trường Nha khoa của chồng tôi (Đại Học Nha Khoa Texas tại San Antonio - một trong những trường Nha Khoa đứng đầu của Hoa Kỳ) cũng đã chia tay. Anh rể phụ, P., là một bác sĩ nha khoa, chuyên về nướu răng và cấy chân răng người Tàu, đã nghe lời mẹ, kết hôn với một người môn đăng hộ đối hơn. Nghe đâu hai người rất thương nhau nhưng vì gia đình, anh đã chia tay với bạn gái Việt Nam để cưới cô vợ Tàu. Có lần tôi thấy hình con anh trên Facebook. Hy vọng anh tìm được hạnh phúc của mình. 

Cô bạn gái cũ của anh (một trong hai cô dâu phụ của tôi) người Việt Nam, rất dễ thương. Cô cũng là bác sĩ nha khoa, có văn phòng tại Dallas. Kể từ lúc họ chia tay, tôi không còn gặp lại cô ấy nữa. Chắc hẳn cô rất nhớ và muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi thì rất tha thiết, mà nhất là tôi, nhắn muốn gặp cô khi có dịp lên Dallas, nhưng cô cứ năm lần bảy lượt khéo léo khước từ. Riết rồi tôi hiểu ý cô và thông cảm cho cô vì cô không muốn nhớ lại kỷ niệm xưa với P. Gặp mặt chúng tôi chắc chắn sẽ đưa cô về với dĩ vãng, một dĩ vãng đau thương. Vậy là tự nhiên chúng tôi vĩnh viễn mất đi một người bạn tốt một cách ngang xương! Ở đời tự nhiên có nhiều cái duyên ngồ ngộ. Mà duyên tụ rồi duyên tan cũng như chớp mắt, chỉ có người trong cuộc, (nhứt là người chịu thiệt thòi hơn) mới hiểu! Thôi thì cứ thuận duyên mà sống!
 
Tôi ước gì thế gian này có nhiều những người sống tốt hơn, đối đãi với nhau tử tế và hết mình như anh Don, hàng xóm của tôi. Nghĩ mà buồn cho sự đời. Mỗi người được sanh ra trên thế gian này tạm dung một thời gian, rồi đều được gọi về thế giới bên kia vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Chết rồi thì nhắm mắt xuôi tay, có ai đem theo được gì đâu? Tham lam để được cái gì? Lừa lọc nhau để làm chi? Tôi tự hỏi sao có không ít người trên trần gian cứ hết lần này đến lần khác mãi lừa lọc nhau không nương tay trên đời này thế kia? Người lừa tiền, kẻ lừa tình! Tại sao có nhiều người không thể hướng thiện, tích đức để đời sau vì phước đức do mình tích luỹ có thể trổ quả ngay ở đời này và rất nhiều đời sau? Sao họ không thể chế ngự mình, cứ thích tạo nghiệp rồi đổ thừa cho hoàn cảnh? Sao người ta không xét lại mình rồi tu tâm tích đức để hành thiện? Hành thiện thì gặp thiện đó mà! 

Người Mỹ có câu “don’t judge the book by its cover”.  Người Việt ta thì có câu “đừng trông mặt mà bắt hình dong” hay “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”  Có nhiều người nếu không biết gì về anh Don có thể sẽ phán xét anh theo một lối mòn rập khuôn, nói thí dụ, “Ôi, Mỹ trắng mà, họ sống hời hợt, lạnh lùng, vô cảm chớ có phải như người mình đâu!” Nếu vô tình nghe được câu này, tôi xin mạn phép phản bác: “Xin thưa, đừng lầm to! Chủng tộc nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Những lịch lãm, hào nhoáng bên ngoài của con người không phản ánh được tánh tình thật sự của người đó.”

Những ngộ nhận thường tình về khuôn mẫu người Mỹ trắng trong vòng một số người là không nên có. Những ai thường hay có ngộ nhận hay đánh giá dựa trên bề ngoài một cách khuôn mẫu là chưa biết qua anh Don đó thôi! Tôi sẽ kể họ nghe câu chuyện anh hàng xóm của tôi. Dù không cùng màu da và dù không nợ nần gì chúng tôi nhưng là những người đối đãi thật tử tế và thật lòng với chúng tôi từ đầu chí cuối; những người đức độ như anh chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi thật may mắn có được một láng giềng có một không hai như anh Don! Trong một thế giới mà người người luôn tìm trăm phương ngàn kế hại nhau hay vắt óc suy nghĩ để lừa lọc nhau bằng nhiều hình thức, thì một người láng giềng chân thành, tử tế và tốt bụng như anh Don quả thật sáng ngời như ngọc trai!

Tôi ước gì con người trên thế giới này bằng vào lời nói, bằng vào hành động, sống đẹp lòng nhau không chút hối hận! Ước gì con người không vì tiền mà cũng đừng làm điều gì tổn thương nhau dù chỉ một lần, để khi có hối hận cũng đã quá muộn màng! Ước gì con người thường xuyên trao cho nhau những lời hay ý đẹp, nếu không được chi bằng làm thinh, không ai nói những lời tổn thương nhau với ai! Ước gì người ta không cố tình lừa gạt nhau! Nếu đã lỡ một lần thì người ta sẽ quay đầu là bờ nhỉ! Ước gì người ta không ngoan cố, hết lần này đến lần khác sống không thành thật để gỡ gạt nhưng thật ra đưa mình dấn sâu hơn vào tội lỗi! Ước gì tất cả những người còn ở lại chung quanh tôi luôn đối xử tốt với tôi bằng hành động và bằng cả ngôn từ. 

Nói một cách khác, người Mỹ có câu “treat others like you want to be treated”, tạm dịch là hãy đối xử với người khác như anh muốn được đối xử. Thiết nghĩ không có gì khó cả! Riêng tôi thấy rất dễ thực hiện và cũng là điều tôi cố gắng sống mỗi ngày.  Tôi cố gắng đối đãi với người khác như đó là lần gặp, lần nói chuyện hay lần email cuối cùng. Nếu sống với nhau như thế, tôi thiển nghĩ, sẽ không có dịp để hối hận về sau.
 
Việt An
Ngày 9 tháng 3 năm 2025

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
12/06/202519:33:09
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay và cảm động.🙏🙏🙏
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 206,377
Một cô bé Mỹ lai Việt, khoảng 12-13 tuổi với mái tóc dài ngang vai quăn tự nhiên, ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt nâu tròn to, vai đeo một ba lô khá nặng so với thân hình mảnh khảnh của mình, hai tay ôm một em bé còn rất nhỏ chừng hai, ba tháng tuổi, cô bé đứng trong đuôi người nối dài xếp hàng ở trước cửa ngân hàng Bank of America, trên đường Harbor, Garden Grove, California chờ đến lượt mình. Những người đứng chờ phía trước thấy cô bé có con nhỏ bèn nhường chỗ để cô bé được tiếp sớm hơn, ai cũng tò mò nghiêng người nhìn vào bên trong lớp vải quấn đứa trẻ xem thử đứa bé ấy là con gái hay con trai, lớn nhỏ ra sao, có bà người Mỹ đứng sát bên lên tiếng: - Chắc cháu bé mới hơn hai tháng phải không? Còn nhỏ quá bế ra đây làm gì? - Sao không để nhà cho mẹ cháu giữ nó? Khuôn mặt của cô bé một chút ngỡ ngàng, lo lắng nhìn xung quanh không biết phải trả lời ra sao, chỉ yên lặng cúi nhìn đứa trẻ đang say giấc trong tấm khăn hồng êm ấm.
Ngôi nhà nằm ở một vùng ngoại ô, khuất sau những tàng cây cổ thụ, phủ đầy rêu phong và ký ức. Mỗi viên gạch, mỗi góc tường, đều như đang thì thầm câu chuyện về một gia đình đã từng hạnh phúc, ấm êm. Ông Lâm, với mái tóc bạc phơ như sương tuyết và dáng người gầy gò, liêu xiêu theo năm tháng, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế mây cũ ở hiên nhà. Chiều tà buông xuống, nhuộm tím cả khoảng sân, mang theo hơi lạnh se sắt của cơn gió trở mùa, lay lắt những cánh hoa đỗ quyên đỏ thắm trước ngõ, như ngọn lửa nhỏ đang cố gắng níu giữ hơi ấm sắp tàn lụi. Mỗi cơn gió đi qua, ông Lâm lại khẽ rùng mình, không phải vì lạnh, mà vì nỗi cô đơn quạnh quẽ đang bám riết lấy ông từ hai năm nay. Từ ngày người vợ yêu quý của ông về với đất.
Mùa Hạ đã bắt đầu báo hiệu, các loài hoa thi đua nở đủ màu sắc tươi vui. Anh Quang bước ra sân theo tiếng gọi của vợ nhờ bưng phụ mấy chậu hoa quỳnh lên bệ cao, vì muốn ngắm nét đẹp của loài hoa trang đài đang nở hàng chục đóa hồng và vàng. Bé LiLy bước chân cao chân thấp đi theo cha cười hồn nhiên.
Có những người Cha tôi đã gặp Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi … (KL) Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ. Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).
Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga. Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.
Hàng năm, cứ qua giữa tháng Năm là nước Mỹ lại bắt đầu rộn ràng hơn cho ngày lễ hội Memorial Day sắp tới! Các “florist centers” lo chuẩn bị thêm nhiều hoa để cung cấp cho người tiêu thụ, những gian hàng đồ lưu niệm bày biện lắm thứ hơn để bán. Walmart, Krogers tấp nập khách hàng vì có đông người đi chợ cho các tiệc tùng ăn uống chiều hôm đó. Như chúng ta biết, ngày lễ này được long trọng tổ chức vào mỗi thứ Hai cuối cùng của tháng Năm nhằm vinh danh những người lính đã xả thân hy sinh trong quân đội Hoa Kỳ. Ngược dòng lịch sử và theo các sử gia thì cuộc nội chiến Mỹ được xem là có nhiều người chết nhất nên những nghĩa trang thành hình từ đấy. Vào mấy năm cuối của thập niên 1860 thì ở nhiều quận, hạt, tỉnh, thành, thiên hạ bắt đầu tới sửa sang, dọn dẹp vệ sinh cho những ngôi mộ của người thân mình, mang theo bông hoa trang hoàng cho các ngôi mộ đó; những chiến binh đã nằm xuống!
Là con trai trưởng trong một gia đình có chín anh em, tôi sống với Mẹ trong hầu hết bảy mươi bốn năm đời mình. Chỉ có hai lần tôi phải xa Mẹ lâu nhất, mỗi lần tám năm, đều liên quan đến nước Mỹ và Mẹ. Lần thứ nhất từ năm 1991 khi Mẹ đi tỵ nạn Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi kẹt lại quê nhà cho đến cuối năm 1998 mới đi đoàn tụ gia đình theo diện ODP. Đi hay ở, một quyêt định không phải dể dàng với tôi lúc bấy giờ. Những năm chín mươi sau những tháng năm sống vất vả, cay đắng và tủi nhục để kiếm sống và tồn tại, đứa con một sĩ quan tù cải tạo, nhờ thời kỳ mở cửa, các công ty nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, tôi được làm việc cho văn phòng đại diện công ty Hoa Kỳ AMP tại Việt Nam. Mức lương 700 USD của một giám đốc kỹ thuật hồi đó là một con số rất lớn nếu so với đồng lương 50 USD của một kỹ sư mới ra trường.
Cũng như bao đứa con trai khác, hồi bé tôi mơ ước được đi máy bay. Vì lớn lên ở Việt Nam sau 1975, mơ ước đó xem ra khó thành hiện thực. Thế rồi khi tôi 18 tuổi, giấc mơ ấy đã đến khi tôi leo lên chiếc máy bay TU134 của Liên xô tại phi trường Tân Sơn Nhất để đi định cư ở Mỹ theo diện bảo lãnh, như đã kể trong bài viết dự thi Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi vào năm 2002. Ở Mỹ trên 30 năm, tôi đi máy bay tương đối cũng khá nhiều và cũng có nhiều kinh nghiệm lý thú để hôm nay kể cho quý vị thưởng thức.
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhạc sĩ Cung Tiến