Hôm nay,  

Đi Tìm Bronto

25/07/202500:00:00(Xem: 256)
Bronto-and-T-rex
Bronto và Trex (hình do tác giả cung cấp)
 
Tác giả lần đầu tham dự VVNM vào tháng 1-2024 với bài “Một Ngày Thăm Trường Võ Bị West Point”. Bà hiện định cư ở Texas và làm việc trong ngành giáo dục. Bài viết kỳ này ghi lại chuyến viếng thăm Công viên Thung Lũng Khủng Long ở Texas với nhiều chi tiết thú vị.
 
***
 
Vào ngày Cá Tháng Tư (1/4/2025) năm nay, dân tình sử dụng mạng facebook xôn xao với thông báo “tìm khủng long đi lạc” của Công Viên Thung Lũng Khủng Long (The Dinosaur Valley State Park) ở thành phố Glen Rose thuộc tiểu bang Texas.
 
Nguyên văn thông báo như sau: “Breaking News: Bronto đã bị mất tích. Hôm qua lúc 8 giờ tối, mọi người vẫn còn thấy Bronto ở Công Viên Thung Lũng Khủng Long. Mọi người vui lòng để ý tìm Bronto, một cô khủng long cổ dài, cao 27 feet, dài 70 feet, mặc áo màu xanh lá. Nhân viên kiểm lâm đang tìm kiếm Bronto. Chúng tôi sẽ sớm cập nhật về Bronto, Nếu có tin tức về Bronto, vui lòng báo cho chúng tôi biết. Xin cám ơn sự cộng tác của quí vị.”
 
Nếu có dịp đến thăm Công Viên Thung Lũng Khủng Long ở thành phố Glen rose, Texas, cách quầy bán vé vào công viên không xa, bạn sẽ thấy Bronto và Tyrex, hai con khủng long được làm bằng sợi thủy tinh to bự chảng, đứng sừng sững trong khu đất rộng ngay trước lối vào công viên. Bronto là cô khủng long màu xanh lá, to gấp ba T-Rex, vươn cái cần cổ dài ngạo nghễ như muốn nói “Tôi to đùng như vầy mà không ai tìm ra tôi”.
 
Chiến dịch quảng cáo thông minh của Công Viên Thung Lũng Khủng Long được cộng đồng mạng và các công viên tiểu bang (state parks) khác nhiệt tình hưởng ứng. Tiên phong đi đầu hưởng ứng chiến dịch này là Khu bảo tồn Palo Pinto Mountains State Park. Các nhân viên của Công Viên Palo Pinto Mountains đã ghép hình của Bronto vào một tấm ảnh chụp công viên Palo Pinto Mountains, sau đó đăng tấm hình ghép này lên Facebook để thông báo cho cộng đồng mạng biết rằng Bronto đang “thăm viếng” công viên Palo Pinto Mountains.
 
Các State Parks khác, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và củng cố tình đồng đội giữa các state parks, bắt đầu sử dụng photoshop hoặc các software chỉnh sữa hình ảnh để ghép hình của Bronto vào hình ảnh của công viên của họ. Sau đó các State Parks này đăng những tấm hình ghép của họ lên Facebook. Thế là cộng đồng mạng hào hứng theo dõi bước chân của Bronto, cô khủng long đi chu du khắp tiểu bang Texas, giống như người Việt hào hứng theo dõi bước chân hành giả của thầy Thích Minh Tuệ mỗi ngày. Như bao cư dân Texas khác, tôi phấn khích với cơn sốt truy lùng Bronto của người dân địa phương.  Mỗi ngày lướt Facebook, tôi luôn bật cười mỗi khi thấy Bronto “thăm viếng” một state park mới trong bang Texas.
 
Tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2025, Bronto đã “ngao du” hết tất cả các state parks ở tiểu bang Texas. Bronto trở về “nhà”, là Công Viên Thung Lũng Khủng Long”, vào ngày 19 tháng 4 năm 2025 để kịp dự ngày hội Spring WingDing do Công Viên Thung Lũng Khủng Long tổ chức. Spring WingDing là ngày hội thường niên dành cho các loài động vật có cánh như chim chóc, côn trùng và loài ong, bướm. Đây là sự kiện dành cho các hoạt động giáo dục thông qua các trò chơi nhằm nâng cao nhận thức về các động vật hoang dã sống trong khu bảo tồn này trong suốt thời gian di cư của chúng.
 
Ngày 21 tháng 4 năm nay, Công Viên Thung Lũng Khủng Long thông báo Bronto đã về nhà nhưng sẽ tiếp tục trốn nhà đi bụi trong một tương lai gần. Nguyên văn thông báo như sau: “Cuộc phiên lưu của Bronto không dừng lại ở đây. Bronto trở nên ghiền được mọi người chú ý” (Bronto’s adventure does not stop here. She’s become addicted to all the attention.)
 
Sau khi đọc xong thông báo này, tôi quyết định “mục sở thị” Bronto tại “nhà” của cô ả, kẻo cô nàng trốn nhà đi bụi một lần nữa, tôi sẽ khó lòng được chiêm ngưỡng Bronto “bằng xương bằng thịt”. Vì thế tôi quyết định làm một chuyến du hành đường bộ đến Công Viên Thung Lũng Khủng Long ở thành phố Glen Rose vào một ngảy cuối tuần của tháng Tư.
 
Đường cao tốc từ nhà tôi đến Glen Rose đi qua vùng nông thôn của bang Texas nên chỉ có hai lane ngược chiều nhau. Tôi không thấy có nhiều xe trên tuyến đường cao tốc này. Hai bên đường hoa dại mọc đầy. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp các đàn cừu, bò và ngựa được thả rông trên những bãi cỏ rộng được rào cẩn thận. Thật đúng nghĩa một chuyến đi thư giãn vì không phải lái xe căng thẳng như mỗi lần chúng tôi đi Dallas.
 
Vào đến Công Viên Thung Lũng Khủng Long, người bán vé trao cho chúng tôi tấm bản đồ của công viên. Từ xa, tôi đã thấy cô nàng Bonto và T-rex cao sừng sững ở lối vào. Chúng tôi đậu xe và đi bộ tới quầy bán hàng lưu niệm. Bronto đứng cách quầy lưu niệm không xa.  Trông thấy Bronto cao to và đẹp hơn trên hình nhiều, tôi thầm reo khe khẽ “Bắt được you rồi nhé!”.
 
Vì không có nhiều thời gian nên chúng tôi tranh thủ chụp hình với Bronto và T-rex. Sau đó chúng tôi ghé thăm quầy bán hàng lưu niệm. Tại quầy hàng lưu niệm, chúng tôi thấy có bán những cây gậy gỗ không thấm nước, chắc có lẽ khách tham quan cần gậy này để dò dẫm đi bộ ở khu vực Blue Hole. Blue Hole là khu vực nơi bạn có thể thấy dấu chân khủng long. Ngoài ra, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng được bày bán ở đây.
 
Sau đó, chúng tôi đi xuống khu vực Blue Hole. Blue Hole là khu vực nước trong, cạn. Nơi đây du khách có thể lội bì bõm, câu cá và truy tìm dấu vết khủng long. Tại khu vực để phao bơi lội cho khách tham quan, chúng tôi rẽ phải và một du khách chỉ cho tôi chỗ của dấu chân khủng long. Tôi phải leo trèo trên những tảng đá để tới bên mép nước, nới có dấu chân khủng long in trên những tảng đá vôi.
 
Cuối tháng Tư, dòng sông vẫn còn rất nhiều nước nên tôi chỉ nhìn thấy một vài dấu chân của loài khủng long. Thật tình, tôi không thể biết được đó là dấu chân của loài khủng long nào. Khủng long có rất nhiều vô số loài, và tôi không có thời gian để tìm hiểu vầ các loài khủng long nên tôi mù tịt không thể nhận ra được những dấu chân khủng long ở khu vực này là của loài nào. Tôi chụp vài tấm hình dấu chân khủng long để làm kỷ niệm. Sau đó tôi rẽ trái theo lối mòn đi theo dòng người đi tìm dấu chân của khủng long. Tôi thấy nhiều người đi bộ dưới lòng sông. Nước sông cạn nên mực nước lên tới hơn đầu gối một chút. Họ lội bì bõm, cố nhìn xuống nước để tìm dấu chân khủng long và để trải ngiệm cảm giác “bước đi như một con khủng long- walk like a dinosaur”.
 
Vì chúng tôi dự định sẽ đi thăm The Waco Mammoth National Monument trong cùng ngày nên tôi không có thời gian để lội sông dò theo dấu chân của các loài khủng long. Tôi đã không thể trải nghiệm thú vui “walk like a dinosaur” và chưa kịp đi một vòng trong khu bảo tồn này, vì thế trong tương lai, tôi sẽ trở lại khu bảo tồn này một lần nữa vì cảnh quan ở đây khá đẹp. Nói cho đúng ra, tôi chỉ thăm thú được một khu vực rất hạn hẹp ở ngay lối vào.
 
Công Viên Thung Lũng Khủng Long được Sở Công Viên và Động Vật Hoang Dã (Texas Parks and Wildlife Department) thành lập vào năm 1969. Tại khu bảo tồn này, các nhà khoa hoc đã phát hiện ra dấu vết các loài khủng long. Vì thế, khu bảo tồn được đặt tên The Dinosaur Valley State Park (Công viên Thung Lũng Khủng Long). Bảo tồn những địa điểm có dấu vết khủng long là sứ mệnh của khu bảo tồn rộng 1,587 mẫu Anh này. Mùa hè là thời gian tốt nhất để thăm thú công khu bảo tồn này vì mực nước sông sẽ xuống rất thấp hoặc khô cạn trong mùa hè, vì thế sẽ dễ dàng cho du khách nhận ra các dấu chân của các loài khủng long.
 
Khoảng 113 triệu năm trước, Glen Rose là vùng đất nằm dọc theo bờ biển cổ đại. Loài Khủng Long đã lang thang khu vực này và để lại dấu chân của chúng trên lòng sông Paluxy. Dấu chân của chúng bị chôn vùi dưới lớp trầm tích đá vôi. Hàng triệu năm sau, dấu chân của chúng mới được phát hiện. Các nhà địa chất không tìm thấy xương hóa thạch của loài khủng long nhưng dấu chân khủng long đã để lại một di sản cho họ tiếp tục khám phá.
 
Tại khu vực sông Paluxy, dấu chân của hai loài khủng long được tìm thấy, một loài ăn thịt và loài kia ăn lá cây. Đó là loài Acrocanthosaurus và loài Pleurocoelus. Hai loài này rất phổ biến thời Đại Trung Sinh (Mesozoic).
 
Loài Acrocanthosaurus hay còn gọi là loài thằn lằn gai cao là loài khủng long ăn thịt bự chảng, xếp hạng thứ tư về phương diện cao to trong các loài khủng long ăn thịt sống ở thời kỳ Đại Trung Sinh (Mesozoic). Chúng dài khoảng 35 feet, cao khoảng 25 feet, cân nặng từ 5 đến 6 tấn. Chúng được coi là tiền thân của loài Tyrannosaur. Chúng đi bộ trên hai chân.
 
Loài Pleurocoelus là loài khủng long ăn lá cây, cổ dài, là hàng cháu chắt của loài brontosaur. Loài brontosaur bị tuyệt chủng hơn 40 triệu năm trước khi loài Tyrannosaur xuất hiện.
 
Được biết cha đẻ của cô nàng Bronto và T-Rex là nghệ nhân Louis Paul Jonas (1894-1971), một nhà điêu khắc động vật hoang dã nổi tiếng thời bấy giờ. Cuộc triển lãm Sinclair Dinoland do tập đoàn dầu mỏ Sinclair diễn ra ở Hội Chợ Thế Giới ở New York (New York World’s Fair) vào năm 1964-1965 cho trưng bày 9 loài khủng long khác nhau, trong số đó loài Brontosaurus là loài nổi tiếng nhất.
 
Tập đoàn dầu mỏ Sinclair đã sử dụng hình ảnh của loài Brontosaurus làm logo từ năm 1930. Chín con khủng long này được vận chuyển bằng xà lan dọc theo sông Hudson tới hội chợ. Sau khi hội chợ kết thúc, tập đoàn Sinclair đã tặng các tác phẩm điêu khắc khủng long này cho một số nhà bảo tang và các công viên bảo tồn.
 
Họ đã chính thức tặng T-Rex (Tyrannosaurus) và Bronto (Brontosaurus) cho Công Viên Thung Lũng Khủng Long ở thành phố Glen Rose vào ngày 2 tháng 10 năm 1970.
 
Điều thú vị cần biết là cô nàng Bronto và T-Rex chưa bao giờ để lại dấu chân ở “nhà” của chúng là khu bảo tồn Thung Lũng Khủng Long. Như đã trình bày ở trên, chỉ có những loài khủng long sống ở thời kỳ Đại Trung Sinh (Mesozoic) mới đi lang thang ở khu bảo tồn này và để lại dấu vết tại đây. Loài Brontosaurus (Bronto) lang thang trên mặt đất từ 140 đến160 triệu năm trước vào cuối kỷ Jura. Trong khi đó, T-Rex (Tyrannosaurus rex), một loài khủng long sinh sau đẻ muộn, tồn tại các đây từ 65 đến 100 triệu năm trong suốt cuối kỷ Phấn Trắng (Cretaceous).
 
Tôi đã tìm thấy Bronto chỉ để ngắm nàng ấy trong vài phút rồi chia ly. Bronto sẽ bỏ nhà đi bụi trong vài ngày tới.  Giống như Bronto, tôi còn một chặng đường dài phía trước để khám phá những vùng đất mới. Dẫu biết có hội ngộ ắt sẽ có cảnh rồi chia ly, tôi vẫn muốn hẹn gặp lại Bronto vào mùa hè năm sau, khi mực nước sông rút xuống, tôi sẽ lại đến tìm Bronto và sẽ đi khệnh khạng trên lòng sông khô cạn như những loài khủng long đã từng lang thang qua khúc sông này mấy trăm triệu năm về trước.
 
Đối với tôi, càng đi thăm thú nhiều nơi trong bang Texas, tôi cảm thấy gắn bó với tiểu bang này này yêu thêm nơi này. Nước Mỹ trong trái tim tôi không còn là vùng đất tạm dung. Nước Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, vì thế, tôi tâm niệm sẽ đi và tìm hiểu thêm về nước Mỹ. Là một người Mỹ gốc Việt mà không hiểu biết nhiều về nước Mỹ, về lịch sử và văn hóa Mỹ, coi sao đặng.
 
Nếu có dịp đến thăm thành phố Glen Rose, bang Texas, bạn hãy đến thăm khu bảo tồn The Dinosaur Valley State Park. Cảnh quan thiên nhiên ở đây khá đẹp. Đặc biệt công viên này dành cho những ai yêu thích tìm hiểu về các loài khủng long.
 
Nhị Độ Hoàng Mai - Texas, tháng 4, 2025
 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 272,784
Sau hai cảnh mơ, Hà giựt mình tỉnh giấc và nhận ra đây chỉ là giấc mơ, nhưng tại sao người phụ nữ trong mơ lại giống cô, và người đàn ông lại là Hải, người bạn chí cốt hồi còn ở Việt Nam? Là sinh viên Y Khoa năm thứ hai, trường Harvard, Hà sang Mỹ chưa đầy 5 năm theo diện H.O. Gia đình cô có vỏn vẹn bốn người: ba mẹ, hai chị em, và không có nhứt một thân quyến nào ở Mỹ. Hà học rất khá, đam mê cứu người và mong muốn sẽ có một sự nghiệp vững vàng. Cô lấy tay dụi mắt để phân biệt giữa giấc mơ và hiện tại. Vẫn chưa muốn bước xuống giường ngay và muốn “ngủ nướng” thêm một lát trong những ngày nghỉ lễ như thế này để lấy lại sức bù cho những đêm thiếu ngủ vì học bài thi. Trong cơn mê ngủ chập chờn, Hà đưa tay kéo tấm mền đắp cho ấm. Rồi Hà lại nhắm nghiền mắt lại, thiếp đi lúc nào không hay. Giấc mơ khác lại đến, lần này là quá khứ, những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với thiếu thốn và gian khổ nhưng êm đẹp và thơ mộng lại hiện về…
Nghe con dâu báo tin đi làm lại khi thằng cháu nội mới 10 tháng tuổi, bà ngoại cháu và tôi đều lo lắng hỏi nhau “Ai sẽ trông cháu?”. Con trai tôi nói: - Hồi đó mẹ nói mẹ có thể canh cháu hai ngày một tuần mà? Còn bà ngoại thì bảo trông bao nhiêu cũng được?... Tụi con muốn cho cháu đi nhà trẻ khi bé 18 tháng, chứ bây giờ còn nhỏ quá chưa biết gì, lại dễ bị lây bệnh của các cháu nhỏ khác. Tôi mới về hưu non, định sẽ đi du lịch khắp nơi trên thế giới, sẽ để dành thì giờ viết lách, làm những thứ riêng của mình, thế nhưng bây giờ con cháu nhờ chả lẽ mình lại từ chối, tôi đành chấp nhận, và tự an ủi “thôi còn ba ngày trong tuần và hai ngày cuối tuần cho mình thoải mái thì cũng được rồi”.
Tôi sống ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Một thành phố với nhiều cảnh đẹp, rất thơ mộng, thành phố được che chắn bởi một rừng thông bạt ngàn, quanh năm xanh mướt. Một rặng núi hùng vĩ bao quanh nhiều hồ lớn, nước xanh trong vắt, là phi trường của đủ loại thủy phi cơ. Seattle còn có tên gọi rất thơ “Cao Nguyên Tình Xanh.” Ngoài ra Seattle có tháp Space Needle cao 180 mét, trên đỉnh tháp là đài quan sát, cho khách du lịch ngắm toàn cảnh, từ thành phố đến dãy núi Olympic hùng vĩ, dãy núi Reneir quanh năm tuyết phủ trắng xóa, ngắm vịnh Puget thơ mộng. Seattle còn có một thành phố chìm dưới lòng đất. Vùng đất này cũng là quê hương của nhiều ngành công nghệ lớn, như Microsoft, Amazon, và Boeing.
Sự tái xuất của bà Ấn Độ không gây xôn xao gì trong hãng, tất cả bình thường với người phụ nữ đã ngoài năm mươi, không còn sức thu hút hay gây chú ý như cô gái trẻ. Tôi chỉ biết bà là người mới qua lời sếp dặn tôi, “Ông để mắt tới bà ấy dùm tôi…” Tôi hiểu ý sếp nhờ tôi giúp đỡ cho bà ấy hoàn thành công việc. Tôi có để mắt đến bà nên chán nản vì bà chính xác là không làm được gì cả. Không biết bà có hiểu cho tôi bị sếp coi như tôi làm việc hai người chứ không còn mình ên.
Hạnh phúc là chữ được viết nhiều trong văn học và được ngườì đời thường xuyên nhắc đến. Nhưng khi hỏi: hạnh phúc là gì và do đâu mà có thì chẳng biết trả lời làm sao cho trọn vẹn. Từ xưa đến nay chưa thấy có một định nghĩa phổ quát nào về chữ hạnh phúc được mọi người đồng thuận. Có người bảo: hạnh phúc là sự mãn nguyện một ước mơ, an vui trong cuộc sống; làngười khác nói: hạnh phúc không có tiêu chuẩn, không do ban phát, không mua bán hay đổi chác mà có. Nó là một trạng thái cảm xúc từ con tim của mỗi cá nhân trong khoảnh khắc làm người ta hài lòng với những gì hiện hữu - nó rất riêng tư và phát sinh từ sự tỉnh thức của tâm hồn… Vậy, xem ra: đi tìm hạnh phúc ở tương lai với những mơ ước hay quay về quá khứ mà quên những giây phút hiện tại thì con người khó lòng bắt gặp hạnh phúc đích thực.
Huỳnh Thanh Tú là giáo viên tiểu học trước khi cùng gia đình định cư Mỹ năm 2001 tại Hoa Kỳ. Bà từng làm việc cho học khu tại Houston, Texas trước khi về hưu và dành toàn bộ thời gian làm vườn, chăm sóc các cháu, du lịch và tham gia các chuyến tham quan của cộng đồng người hưu trí tại địa phương. Tác giả tham dự VVNM với bài viết đầu tiên “Áo khoác để ngoài cửa.” Bài viết kỳ này thuật lại chuyến thăm cảng Houston với nhiều chi tiết thú vị.
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi. Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa...
Khi đến San José (Bắc Cali) theo diện H.O. vào cuối tháng 10, năm 1992, sau một thời gian ngắn, cuộc sống gia đình gồm ba người: vợ, con trai và tôi tạm ổn định. Vợ và con tôi tiếp tục đi học. Còn tôi đã xin vào làm cho hai hãng điện tử Flextronis và IBM. Công việc cuối cùng là Crossing Guard. (Hướng dẫn học sinh và bộ hành qua đường an toàn). Đây là công việc bán thời gian. Tôi đã làm hơn 17 năm. Sau đó, vì lớn tuổi, sức khoẻ giảm và không còn lạnh lẹ như trước, nên tôi không thể tiếp tục được nữa!
Đây không chỉ là câu chuyện nhà họ. Mà đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng mình trong đó. Trong những nhọc nhằn gian khổ bước đầu. Trong giọt nước mắt tủi thân, bất lực. Trong mơ ước nhỏ nhoi, bình dị của một con người - có một việc để làm, một mái nhà để trú, một cuộc đời hạnh phúc, an yên bên gia đình. Chúng ta sẽ dễ dàng có được sự gần gũi và đồng cảm với họ. Vì tất cả cùng một phận đời di dân.
“Xin được tự giới thiệu, tôi tên là N.D., là thông dịch viên cho H.V. hôm đó V. gọi báo cảnh sát Anh nhờ tìm kiếm anh H. Không hiểu sao có gì đó xui khiến, tên và chi tiết cá nhân của anh H. còn lưu giữ trong máy kindle của tôi. Điều rất kỳ lạ là bình thường tôi viết lên bảng điện tử rồi xóa đi, duy chỉ bữa đó tôi sử dụng kindle nên chi tiết về anh H. còn lưu lại. Sau khi dịch cho V., tôi thật lo lắng, bồn chồn, cầu nguyện cho anh H. được bình an, còn sống ở đâu đó, hay đã đi thoát trên mấy xe kia. Cầu mong sao tên anh không có trong danh sách 39 người! Thật bàng hoàng và đau xót khi cuối cùng thấy danh sách của cảnh sát hạt Essex, Anh, được công bố có tên anh H. Tôi không biết nói gì hơn là thành thật chia buồn cùng gia đình. Thắp giùm tôi nén nhang trên bàn thờ anh H., V. nha! Xin hãy nén đau thương mà sống!”
Nhạc sĩ Cung Tiến