Hôm nay,  

Bà Nội Đào

10/05/202500:00:00(Xem: 1440)
Bà Nội Đào
Bà nội Đào (hình do tác giả cung cấp)
 
Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”. Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thúy, sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải Vinh danh Tác giả 2023.
 
***
Các cháu vừa được ông Nội chở đi ăn hamburger, sau giờ học về, mở cửa chạy vào quăng cặp sách trên kệ, nhảy tới ôm Bà hôn tới tấp:

- Ăn no lắm Bà ơi.

Bà vẫn nằm yên trên ghế sofa:

- Bà dặn bao nhiêu lần rồi, về nhà phải nói tiếng Việt, không uổng công Ông đã đưa đi đón về học lớp Việt Ngữ bao nhiêu năm nay.

Hai hôm nay bệnh đau lưng tái phát, nên Bà bớt làm công việc nhà. Mấy chục năm trước bà đã bị mổ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, con cháu lo sợ Bà không qua khỏi, nhưng khi thấy Bà tỉnh lại cả nhà mừng rỡ tạ ơn Phật, Chúa. Bà đang làm ăn phát đạt phải dứt khoát buông bỏ, sang tiệm nghỉ ngơi. Tiếng cháu Út:  

- Bà cần con bóp tay chân không?

Cháu khác:

- Bà muốn gì nói con giúp nha, Bà ăn chưa?

Hai cháu còn lại vuốt những sợi tóc loà xoà phủ trên trán Bà “Nội đừng làm gì nữa nhé, nằm nghỉ cho khỏe.”

Bà nằm nhìn các cháu thấy thương quá, nét mặt cháu Natalie (gái đầu) 16 tuổi, cái tuổi trăng tròn thật đẹp. Mái tóc cháu xoã dài mướt đen óng ả như dòng suối, đôi mắt đen láy, làn da hơi ngăm thật có duyên khi cháu nở môi cười. Cháu trai Alexander kế tiếp 15 tuổi mặt mày khôi ngô tuấn tú. Nối đuôi cháu gái Katherine 14 tuổi cũng để mái tóc dài như chị và xinh đẹp không thua kém. Cuối cùng là cháu trai út Kevin 12 tuổi mặt mày sáng láng đẹp trai. Các cháu hiền từ ít nói và rất chăm học, ngoài việc học trường, các cháu chỉ biết theo Cha, theo ông Nội chở đến học lớp Việt Ngữ, học môn võ Vô Vi Nam. Hiện tại hai cháu lớn đoạt nhiều giải cao và phụ dạy lại các lớp nhỏ, chưa kể còn sinh hoạt nhà thờ, tập hát trong ca đoàn.

Bất chợt bà thở dài lẩm bẩm “Con đẹp ngoan như vậy mà đi đâu ...”

- Các cháu lo ôn bài homework, để Bà nghỉ ngơi nhé.

Tiếng ông Nội nhắc nhở, bốn cháu ngoan ngoãn ra phòng khách soạn bài tập. Ông đem đến ly nước cam tươi vừa vắt, Bà ngồi dậy uống xong cảm thấy bớt mệt phần nào, và cảm nhận sự chăm sóc của Ông đem đến niềm ấm áp hạnh phúc. Người chồng có lối sống mẫu mực và mộ đạo, luôn tin tưởng vào đức tin nơi Chúa. Ngày Chủ Nhật dẫu có bận bao nhiêu công việc đi nữa, vẫn bỏ mặc để trở về tắm gội sạch sẽ trước khi đến nhà thờ xem lễ. Ông thuộc lòng những lời Chúa dạy, áp dụng nghiêm túc và thể hiện qua hành động, bằng lời nói, lối đối xử với đời đầy yêu thương nhân đức.

Bà mỉm cười vu vơ, nhìn ra khoảng sân sau nắng đã dịu dần trên những cây lá xanh tươi, bông bí vàng nở trên giàn. Ai bảo tuổi già không còn biết rung động, chứ bà đang bị lôi cuốn màu nắng vào buổi chiều ngả bóng. Bà nhớ bài hát nào đó với ca từ thật thơ, thật văn thường đưa tâm hồn con người ta bay lên mây...
 
Tôi đi trong nắng thu màu nhớ
Ngớ ngẩn vì tiếng gió thu buồn
Tôi đi trong lá thu vàng úa
Cứ ngỡ là muôn lá tình thư
                              ........
Bâng khuâng trông gió bay tà áo
Gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng
Tôi đi đi mãi theo màu nắng
Nắng để lòng tôi với quạnh hiu (*1)
 
- Tôi phải đi bộ ông ơi, nằm suốt buổi sáng đến giờ cũng thấy ê ẩm người, cái lưng cũng dịu xuống bớt đau rồi.

- OK để tôi đỡ Bà.

Ông vừa nói vừa giúp bà đứng dậy dìu từng bước ra vườn sau. Bà đi thật chậm nhìn mấy chùm táo xum xoe trên cành, mướp đắng ra nhiều quá, cà chua nằm sát đất trái lớn trái nhỏ, cây ớt mọi và ớt đỏ chưa hái kịp, rau mồng tơi, rau dền, rau khoai, cải bẹ xanh tốt tươi, mấy trái bầu thòng xuống. Khu vườn rợp một màu xanh cây lá tốt tươi, không thiếu thứ rau trái gì, kể cả dưa leo, rau răm, rau húng, rau diếp cá, hành lá ăn mệt nghỉ quanh năm. Các loài hoa mọc san sát bờ tường giữ vị trí khiêm nhường khi bị cây chanh, cây cam phát triển mạnh.

Bà thích thú nhìn ngắm thành quả đã bỏ công lao trồng trọt say mê mấy chục năm nay, ngôi vườn là hình ảnh quê hương Việt Nam yêu dấu gợi nhớ biết bao kỷ niệm. Ánh mắt bà xa vắng mông lung đang đưa tâm hồn về miền quá khứ, về thời cỏ xanh hoa mộng....

Gia đình bà ở vùng Tây Lộc, nơi có sân trước vườn sau mát um nhiều cây ăn trái, lớn nhất là cây đào mọc đầy trái. Thời trung học mùa nghỉ hè các bạn thường rủ nhau tới, làm chén muối ớt ngồi dưới gốc cây ăn một bụng no nê, bà còn bới theo mỗi đứa một bịch đem về nữa.

Cha làm công chức, cuộc sống thanh đạm dù con đông nhưng đều được đi học, Bà không biết hồi đó mình có đẹp hay không, nhưng bạn bè luôn khen, đàn ông theo đuổi rất nhiều. Khi lên học Văn Khoa, mỗi chiều đạp xe qua cầu Trường Tiền với bộ lụa ngà, mái tóc xõa dài mượt mà của gái Huế, hoặc những lần trong tà áo tím, các bạn thường chọc:

- Ông nhạc sĩ Hoàng Nguyên đang ở nơi mô mà không thấy em Bích Đào: Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương... đây nè.
Thời đó có nhiều xe Jeep quân đội cũng lái chầm chậm theo sau trên những đường vắng vào thành. Vì nhiều người săn đuổi nên Bà chẳng biết mình yêu ai, chọn ai nữa.

Sau 1975, bà vào Sư Phạm Huế học một năm, ra trường được bổ về dạy vùng Hương Điền (trường Hương Phú A). Bà ở nội trú tại đây gồm nhóm nữ chung một phòng, nhưng mỗi sáng phải đạp xe đến trường Hương Phú B dạy. Ngoài lớp dạy ban ngày, ông hiệu trưởng còn phân chia một nam đi cùng một nữ đến nhà dân dạy bổ túc văn hoá vào ban đêm. Cô, Thầy lượm rơm bó chặt thành đuốc thắp lửa soi đường, lúc chở nhau trên chiếc xe đạp băng qua đồng ruộng tối om. Tới nhà dân gặp lúc họ đang còn ngoài đồng áng, phái nữ phụ bế con, nấu cơm dùm trong lúc chờ đợi, sau buổi cơm mới được dạy học. Trên đường đi qua cây sung, cây đề người ta đồn có nhiều ma, bà cũng thấy một lần cái bóng vụt qua rồi biến mất nên rất sợ. Trong giấc ngủ thường mơ thấy gặp ma, lại đồng lương chỉ $40 đồng mỗi tháng, trong khi tiền đi xe đò, gởi xe đạp hằng ngày tốn hết $2. Nếu những lần về nhà bà không ghé chợ An Lỗ mua đủ thứ giá rẻ đem về gia đình dùng, và mỗi tháng mua tem phiếu bán lại, thì không thể níu Bà tới 6 tháng như vậy. Điều chính đáng nữa là ở nội trú chung với giáo viên chi viện ngoài Bắc vào, thỉnh thoảng họ nói những câu khó nghe, đụng chạm miền Nam. Bà suy nghĩ đâu cần cái danh “nhà giáo” gì nữa, nên quyết định bỏ dạy.

Cơ duyên bà quen được nhóm người tổ chức vượt biên, được tháp tùng và may mắn vượt biển tới Hong Kong năm 1978. Tại đây bà xin ra khỏi trại để dễ dàng kiếm việc làm, và xin được công việc rửa chén nhà hàng. Bà chắt chiu từng đồng gởi về gia đình được vài lần. Năm 1979, bà được ông bà người Mỹ bảo trợ đón qua tiểu bang Tennessee hướng dẫn bước đầu. Tâm tư bà luôn nghĩ đến cha mẹ, các em đang đói khổ bên quê nhà nên bắt tay vào việc may gia công.

Gần nơi bà cư ngụ có nhà thờ Công giáo gần đó, nên thỉnh thoảng bà đi lễ nhà thờ dù gia đình theo đạo Phật. Nơi đây Bà gặp người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) giữ chức vụ quan trọng ngày trước tên Cư, đi sớm từ năm 1975. Hai người cùng sinh hoạt, làm việc thiện nguyện nơi nhà thờ, tìm hiểu và quý mến nhau nên quyết định xây dựng hôn nhân, Lễ cưới đơn giản được Cha làm phép tổ chức tại nhà thờ.

Sau đó vợ chồng nghe bạn rủ về vùng Texas sắm thuyền đánh tôm cá, bạn ông nói nghề này khá lắm. Ông rất mê biển cả nên mua hai ngôi nhà vùng biển San Leon, thêm một căn vùng Hitchcock để đậu thuyền bè. Hai người bắt tay vào việc, Bà phụ chồng thay phiên nhau lái tàu, khi đánh xong vợ chồng bán lại giá sĩ cho vựa tôm, cá, cua. Số còn lại đem giao các Soeur (nữ tu) tiếp tay ủng hộ dòng Đa Minh đào tạo tu sĩ trẻ ăn học.

Làm được thời gian, chồng bà cảm thấy ray rức nhìn lại mình phạm tội sát sanh quá nhiều, nên ông đổi nghề mua nhà vùng Houston vào làm hãng tiện. Bà theo học Cosmetology (nghề tóc). Chỉ thời gian ngắn luyện tay nghề, bà ra mở tiệm lớn làm tuần bảy ngày, vận may đến tiệm rất đắt khách, nên bà có cơ hội để dành tiền bảo lãnh cho ba mạ và đàn em qua Mỹ, bà nghĩ đó là trách nhiệm người chị cả trong gia đình. Sức người có hạn, bao nhiêu năm đứng rụi chân liên tục cắt tóc cho khách, bà đã bị chứng đau lưng phải mổ. Bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi, Bà cảm thấy vẫn còn những cơn đau ảnh hưởng nên dứt khoát sang tiệm, vì nhớ tới câu “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc”. Con trai đầu (Nguyên) tốt nghiệp kỹ sư, con gái (Phương) tốt nghiệp ngành dược, chỉ còn cháu trai út đang học nên bà cũng đỡ lo, điều thỏa mãn nhất là đại gia đình nhà bà đã qua đoàn tụ. Giai đoạn này chồng bà vẫn giữ công việc tốt, thỉnh thoảng về biển thay đổi không khí, đánh ít cua, tôm, cá đem về nhà dùng.

Giờ đây cả hai ông bà đều ngoài 70, ông cũng mới đau một trận sau cơn tai biến mạch máu não. Lúc bà quen ông, bà khám phá ra con người ông sống rất đạo đức nghiêm chỉnh, gởi tình thương tuyệt đỉnh nơi Chúa, từ đó bà cũng siêng năng theo ông đến nhà thờ soi mình, sửa đổi học thấm những điều Chúa dạy.

Mỗi lúc đi nhà thờ, sau buổi lễ, cháu gái Natalie đại diện nhóm trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể lên bục cao đọc lời nguyện của giáo dân, do Cha soạn trong kinh thánh. Mục tiếp tục các cháu mặc đồng phục hát trong ban ca đoàn. Bà vô cùng hãnh diện vì cháu, đôi khi thấy hai cháu gái ngồi trầm tư, ánh mắt ẩn buồn, Bà đoán cháu đang nhớ mẹ, dù sao cháu cũng sắp vào đại học, sẽ có những suy tư hiểu biết.

Nghĩ đến trai út (Phong) Bà nén tiếng thở dài. Nhớ khoảng thời gian mười mấy năm trước... Bà còn một người em ở lại Việt Nam (VN) dạy trường vùng Thủ Đức. Phong về thăm dì, tình cờ gặp Kiều (con gái bạn đồng nghiệp của dì) đẹp như nàng Kiều mà Nguyễn Du đã tả (*2) “Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Phong một hai đòi cưới liền tay, dù đang học dở dang. Vợ chồng bà thương con cũng phải chiều ý, dẫu trong lòng vẫn muốn con tốt nghiệp bằng đại học cho xong đã.

Hai trẻ làm đám cưới bên VN, dâu Bà qua Mỹ nhanh lẹ. Bà nhớ khi ấy gởi hình đám cưới hai cháu cho bạn thân ở Cali xem, bạn thốt lên tự nhiên:

- Trời ơi con nhà ai đẹp quá vậy, Phong phải cố gắng giữ cho chặt đó nghe.

Dâu qua Mỹ sinh năm một. Khi mới có một cháu đã hục hặc bỏ đi, giao bé Natalie cho bà nội. Dâu quen Mục Sư được sự khuyên nhủ nên trở về lại. Bà lo lắng hết sức, vất vả chăm lo cháu để dâu đi làm. Ban đầu Kiều cũng chịu khó xin việc cùng cày với chồng, nhưng chỉ vài tháng lại mang bầu đứa con trai thứ hai. Dâu giận lẫy, bỏ đi trở về mãi. Bà sợ mang tiếng, góp ý vợ chồng ra riêng ở cho thoải mái, Phong thuê căn phòng trong khu chung cư, vợ lại tiếp tục mang bầu bé gái thứ ba, hai năm sau thêm bé trai tiếp.

Nước mắt chảy xuống, ông bà xót thương cảnh con đông sống nơi chật chội, muốn vun bồi hạnh phúc cho con nên ông lấy tiền 401K mua một căn gần nhà tiện bề bà nội lui tới chăm sóc. Nhưng rồi cơm vẫn không lành, canh không ngọt, Kiều tiếp tục bỏ nhà đi dù Phong tìm kiếm năn nỉ lập đi lập lại bao nhiêu lần. Bà ôm các cháu ngày đêm lo từng miếng ăn giấc ngủ, dẫu sức khỏe không được tốt.

Cuối cùng vợ chồng rạn nứt đi đến chỗ ly dị dứt khoát. Ra tòa Phong dành quyền nuôi con, nhiều bằng chứng cho thấy Bà nuôi các cháu từ nhỏ, nên tòa án chấp nhận theo yêu cầu người cha. Ngôi nhà ông nội mua, nhưng Phong tiên liệu đề phòng không muốn đứng tên, để tên ông nội nên Kiều chẳng có tài sản để chia. Phong hụt hẫng buồn rầu để trống hoang căn nhà, mấy cha con đem ít đồ đạc quần áo về ở nhà Nội, Phong đi làm, mọi sự nhờ ông bà nội trông nom dạy dỗ các cháu.

Toà xử Kiều được quyền đón các con chiều thứ Sáu và trả lại chiều Chủ Nhật. Nghe các cháu kể Mẹ sống trong ngôi nhà rộng lớn, cao sang giàu có với chồng sau. Được vài lần rồi không còn rước con nữa, bà cũng không hiểu lý do gì người Mẹ lại ngoảnh mặt xa con. Với bà con là tất cả, trong bất cứ hoàn cảnh nào bà vẫn ôm chặt con vào lòng. Lớn lên con lập gia đình, con hạnh phúc Bà vui vẻ yên tâm, con đổ vỡ lòng bà buồn héo hắt. Giờ đây cơ thể bà đang yếu dần, ra ngoài phải dùng Walker, nhưng còn lết được bà vẫn lo cho chồng, con, cháu những bữa ăn theo sở thích hợp khẩu vị.

Hôm nay bà nhờ Phong chở đi đón dì Minh, người bạn rất thân của bà từ Cali qua chơi. Phong nghe Mẹ kể dì Minh rất mộ đạo Phật, nên cháu chở đi thăm nhiều nơi như Viên Thông Tự, chùa Linh Sơn, chùa Phước Đức, chùa Việt Nam và cả nhà thờ Đức Mẹ La Vang, nhà thờ Lộ Đức. Sau cùng Phong thả đôi bạn già vào thăm bồn Sen trước Chùa Liên Hoa. Khung cảnh yên tịnh, gió mát hiu hiu, đôi bạn già có quá nhiều điều để kể. Bà than sau này bệnh đau lưng tái phát liên tục, nhưng còn phải lo cho lũ cháu đâu có nghỉ ngơi được. Bà Minh nhìn bà lo âu:

- Dâu út có thay phiên lo cho các cháu không? Chứ Đào cố gắng hoài có ngày nguy hiểm đó.

- Không, nó đi đâu chẳng nghe tin tức, may mà thằng út nay đã 12 tuổi.

Nói qua lại một hồi tự nhiên đôi bạn già trở lại chuyện cũ, mổ xẻ đào xới tâm lý. Bà Minh đặt giả thuyết:

- Hồi đó Đào gởi tấm hình đám cưới của tụi nó là mình đã lo rồi, vì Kiều đẹp quá và dáng rất sang. Mình cũng có những suy nghĩ lông bông: Có thể Kiều đến với Phong không vì tình yêu, mà vì mê nước Mỹ muốn mượn đường đi qua. Ở VN cứ tưởng qua đây là lên thiên đàng chỉ có hưởng không làm, mà Kiều là mẫu người của sang trọng đua đòi vật chất. Khi qua mới vỡ lẽ, Phong làm công việc lương chẳng cao, Kiều phải bôn ba tìm việc vì chữ hiếu với mẹ ở VN. Thực tế giết dần hồi giấc mơ, đối diện đời sống chật vật tiền bạc, nhìn quanh chẳng thấy ai an hưởng nhàn hạ như bên VN, nên từ từ vỡ mộng, đâm ra chán chường.

- Nhưng tại sao lại đẻ năm một chẳng biết tính toán? - Bà ngắt lời - Sinh ra đứa nào rồi cũng giao hết cho mình.

- Tội nghiệp Phong có thể vì tâm lý, sợ bị vợ bỏ nên cố gắng chọn kiểu này để níu kéo thắt chặt bằng những đứa con.

Bà buồn bã lộ vẻ mệt mỏi:

- Tội nghiệp trẻ con, dù sao vòng tay người Mẹ vẫn ấm áp hơn tất cả.

Đôi bạn già cùng im lặng, chẳng biết nói gì thêm nữa, nhìn những đóa sen hồng, búp nhô lên mặt hồ nước tinh khiết làm sao. Đôi bạn mỗi người đeo đuổi mỗi suy nghĩ riêng, đứng dậy bước tới những bức tượng thờ phụng bên ngoài, khấn thầm những điều ẩn kín bên lòng cho tâm tư được dịu vợi, níu sự bình yên trong cuộc sống.

Phong chở đi hơn nửa buổi, trở về nhà đã có sẵn Loan (em gái bà) ngồi chờ đón chị Minh, vì đã mấy chục năm không gặp. Cô đem đến con cá thật lớn vừa mới câu về nhờ bà nấu đãi khách. Chuyện vãn xong, em Loan về, bà ra ngồi góc vườn trải thớt làm cá, chung quanh ruồi bu kín nghẹt, bay bao vây. Bà Minh trợn mắt ngạc nhiên:

- Đào ơi mình không ngờ Đào giỏi quá vậy, người đẹp duyên dáng ngày xưa giờ thích nghi mọi hoàn cảnh: lái tàu đánh tôm, vật lộn với đủ mọi công việc, thương chồng lo con, rồi đến lượt nuôi cháu... Mình không bằng một góc của bạn, thứ ương ương dở dở chịu thua xa.

Bà chặt những lát cá tươi rửa với muối, dùng vòi tưới sạch thớt và vùng chung quanh, vừa dọn dẹp vừa nói:

- Ngày xưa khác, bây giờ chỉ biết vun đắp xây dựng tổ ấm gia đình. May mắn anh chị của Phong ổn định cuộc sống nếu không nói là khá giả. Chỉ có út Phong gặp hoàn cảnh như vậy, đỡ đần nuôi cháu cho Phong yên tâm cày bừa, cố ra sức bè mọi thứ vẫn không níu được hạnh phúc tụi trẻ biết làm sao bây giờ. Nhìn con dang dở, cháu còn nhỏ, buồn phiền cũng giấu kín, cố gắng giữ gìn sức khỏe lo cho cháu chứ.

Bà Minh chẳng biết nói gì hơn, phụ hái các thứ rau, cắt mướp, bí theo bạn vào nhà bếp. Bà Đào ướp cá với những trái ớt đỏ lớn thơm nồng, bà Minh phụ xẻ rổ mướp, lôi ruột ra cho bà Đào nhét thịt, tôm, nấm mèo trộn lại. Tay Bà nhanh nhẹn, vừa làm vừa nói:

- Món này gọi là hầm hủ qua theo kiểu miền Nam, chứ không gọi là mướp đắng xắt mỏng nấu với tôm theo kiểu Huế mình, ông xã Đào thích lắm.

Bà bắt nồi lên hầm, rồi lấy trong tủ lạnh hai vĩ thịt bò, miếng lớn bằng dĩa bàn ra ướp gia vị “ông xã và Phong rất hợp khẩu, ăn mỗi ngày”. Bà sực nhớ ra điều chưa kể:

- Phong nhắc mình mua nhiều thịt tôm về đãi khách, mình kể có hỏi trước dì Minh rồi, nhưng dì la làng “mình không thích ăn thịt đâu, rất nhà quê chỉ muốn dùng đậu khuôn, rau, măng, cà, đậu bắp thôi. Mê nhất là rau mồng tơi nấu mướp ngọt “, nên mình biết bạn trúng sở thích khi thấy vườn rau.

Vừa loay hoay việc bếp núc, vừa nói chuyện thì cửa trước mở, ông nội đón cháu học trường Việt Ngữ về. Các cháu nhào ra bếp thi đua nói:

- Con đói rồi Bà ơi.

- Ngồi một tý chờ bà lo cho ông đã nhé.

Tiếng cháu Natalie:

- Con muốn ăn xà lách trộn trứng.

Alexander thì nói: “con ăn Hotdog kẹp bánh mì”

- Con ăn cơm với cá.

Kevin: “OK! French fries với Hamburger

Bà Minh trợn mắt nhưng không dám hé môi vì các cháu rành tiếng Việt. Bà Đào “OK, OK” luôn miệng. Bà mời chồng với tô hủ qua hầm và lát bò bít tết (không cơm), con trai dùng cơm với thịt bò, xà lách. Bà tiếp tục gọi các cháu vào bàn và phục dịch theo yêu cầu từng món, bà biết cháu út chỉ thích Hamburger nên trên đường về nhà đã nhờ cha nó ghé tiệm mua sẵn.

Trong lúc chồng, con, cháu ăn, Bà nấu canh mướp ngọt và rau mồng tơi với tôm tươi, dĩa cá kho nước, đậu bắp hấp mời bạn, theo ý bạn thích. Mọi người ăn xong dời chỗ qua phòng khác xem tivi, chỉ còn hai bạn già, bà Minh lên tiếng:

- Cháu nội chiều kiểu đó thì cực thân Đào quá, trong khi bạn đâu có khỏe.

Bà Đào cười tươi:

- Thương chồng thương con phải thể hiện qua những bữa ăn ngon chứ. Còn các cháu không có Mẹ từ lâu. Đứa út chỉ mới một tuổi đã rời xa mẹ. Cố gắng chiều các cháu kẻo sợ chúng tủi thân, vả lại chúng ăn những món thich, mình nhìn cũng quên mệt.                                                 
 
Những ngày dì Minh ở lại, Phong đưa hai bà đi nhà thờ đêm thứ Bảy và sáng Chủ Nhật. Bà Minh có dịp quan sát đời sống của dân Houston rất thích, nhà nào cũng có vườn rau VN và trái cây nhờ đất đai rộng rãi. Sáng chủ nhật, Phong chở đến nhà thờ Lộ Đức sớm, trước mặt nhà thờ bà con tụ lại bán rau trái bên khu parking. Bà Đào hốt thêm rau đay, bắp trái, và nho cho bà Minh dùng. Vào trước nhà thờ, hai gian nhà rộng, hai dãy bàn dài bày bán hàng ăn nhìn hấp dẫn, nào cà phê, cơm sườn, xôi, và đủ loại bánh, chè. Họ bán gây quỹ cho nhà thờ, trên gương mặt thoát ra nét nhẹ nhàng hiền từ vui tươi, chưa kể các cô, các bác trong tà áo dài truyền thống VN, tìm đến bóng mát của Chúa trong niềm tín ngưỡng chân thành.

Thời gian này Phong còn cho xem những video quay sinh hoạt thiện nguyện nơi nhà thờ: Mùa lễ Noel hay Tết, Phong đứng nấu phở, phụ bếp, lúc gói bánh chưng, lúc nấu nồi chè lớn. Khi có Đại Nhạc Hội tổ chức gây quỹ, cháu mặc áo security trông bãi xe hoặc đi quanh giữ trật tự. Cuối tuần Phong chở con đến sinh hoạt trong ca đoàn, đứng dạy Toán trên lớp, điều khiển computer trong các buổi lễ, ngoài ra còn đảm nhiệm công việc cắt cỏ theo chu kỳ. Bà Minh suy nghĩ “có lẽ Phong buồn, nhưng tinh thần cố bám vững niềm tin, nhờ tình thương nơi Chúa hướng dẫn tìm ánh sáng, bằng cách dấn thân vào việc thiện nguyện, mong bận rộn để tránh suy nghĩ điều khác. Bà Minh thấy tiếc tại sao người vợ không thấy bản chất phúc đức, sống có thiện tâm nơi người chồng mà ham chạy theo điều gì?!!!
                                                 
Ngày cuối cùng, trước khi từ giã, bà Minh ôm chào các cháu, thương lắm nét mặt ngây thơ của cháu út Kevin luôn quấn quýt hai Bà, đi đâu cũng như cái đuôi nối sau. Bà Minh vỗ má cháu hỏi đùa:

- Trong gia đình kể xem con thương ai nhất?

Cháu chu miệng nói lớn:

- Thương ba, thương ông Nội, bà Nội nhất.

Bà Đào nói tiếp:

- Và Mẹ con nữa

Mấy cháu nghe vậy cùng nhào tới ôm bà Nội.

- Bà Nội là Mẹ mà.

Bà bật cười nhìn bạn, rồi xoa đầu các cháu:

- Không được, sẽ có ngày Mẹ về thăm các con, tại Mẹ bận làm ăn ở xa đó thôi.

Bà nén tiếng thở dài, từ lâu Bà biết Kiều lấy chồng giàu sang địa vị, nghĩ theo kiểu nhà Phật thì hết duyên hết nợ với con bà, đường ai nấy đi. Bà cũng mừng con dâu may mắn có được tương lai tốt đẹp. Ngày mới ly dị, Kiều còn vài lần gặp con hai ngày cuối tuần, nhưng rồi sau đó vắng bóng biền biệt, im hơi lặng tiếng. Bà nghe mắt mình cay cay, cố nhướng mắt ngăn chận mấy giọt lệ chực trào, bà ôm các cháu chặt hơn:

- Mẹ Kiều sẽ về ôm các con và thương yêu nhiều lắm bằng ....tình mẫu tử.
 
Minh Thúy Thành Nội
Mùa Lễ Mẹ
 
(*1) Tà Áo Cưới - Hoàng Thi Thơ
(*2) Truyện Kiều - Nguyễn Du 
 

 

 

Ý kiến bạn đọc
18/05/202501:17:16
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay và cảm động.
16/05/202500:03:53
Khách
Câu chuyện rất hay !Người thật !việc thật
"Bà Nội Đào " một tác phẩm đầy ý nghĩa
Cám ơn Tác giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 176,524
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Trên máy bay về lại nhà, vợ chồng chúng tôi có chung một nhận xét: chuyến đi San Jose vừa qua là một chuyến du lịch cuối tuần đáng ghi nhớ nhất, tuyệt vời nhất. Dự liên tiếp hai đại tiệc, với đủ tình non nước, tình trường xưa nghĩa cũ, tình đàn anh đàn em, tình huynh đệ chi binh, tình bạn từ thuở tiểu học, viếng thăm mộ phần, cầu nguyện cho những người thân đã khuất núi, thăm được Cô bên Nội 94 tuổi, ông anh bên Ngoại gần 100 tuổi, nối lại và thắt chặt tình bà con cả bên Nội lẫn bên Ngoại. Vinh dự được anh chị Bs. Nguyễn Thượng Vũ đón tiếp và khoản đãi sang trọng như một thượng khách. Ấm áp được vợ chồng cousin Ngô Xuân Hùng đón đưa đi đây đó, ân cần tiếp đãi một cách rất chân tình. Và nhất là chúng tôi được ở trong khách sạn sang trọng “ngàn sao” không đâu sánh bằng.
Ngày giỗ đầu tiên của mẹ. Cả nhà im lặng cắm cúi ăn. Mọi người tránh nhìn vào nhau, như thể đang tìm cách không làm đau lòng người khác bằng những kỷ niệm quá sâu sắc. Thi thoảng, họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhắc đến từ “Mẹ“, cố tình xem đây là bữa ăn bình thường, không phải là giỗ mẹ. Nỗi đau mất mẹ như vết thương còn quá mới, không ai dám chạm vào, sợ làm những giọt nước mắt ứa ra. Nhưng dù cố gắng thế nào, mẹ vẫn hiện hữu trong từng ngóc ngách ngôi nhà. Bình thường, bữa cơm nhà bao giờ cũng rộn ràng. Gia tài có hai đứa con gái, mà khẩu vị thật khác nhau. Vậy mà mẹ vẫn cố gắng chìu ý từng đứa.
Từ lúc sanh ra, hai chị em tôi rất ít khi gặp ba, chỉ biết có mẹ. Sau này chúng tôi mới nghe mẹ kể, ba là người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ít về nhà. Khi chúng tôi hơi lớn lên một chút thì ông đã tử trận oai hùng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, năm tôi mới được bốn tuổi và chị sáu tuổi. Mẹ là một người phụ nữ hiền lành, mảnh mai, đẹp và quyến rũ, ai gặp mẹ, nói chuyện với mẹ là khó có thể quay lưng, nên cuộc đời mẹ thật truân chuyên, trong thơ Nguyễn Du có câu: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Kiều-Nguyễn Du)
Ngày tháng trôi qua vùn vụt, mới đó đã nửa thế kỷ từ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam. Năm nay hình như cơn buồn của người dân tỵ nạn tăng lên nhiều hơn, nỗi nhớ, nỗi uất hận cũng thấm đậm hơn. Tôi thấy nhiều hội đoàn xôn xao chuẩn bị ngày tưởng niệm mất nước trong “tháng Tư Đen” sớm hơn, thay vì những năm trước chỉ vào cuối tháng.
1975. Tháng Tư, thị trấn Sparks, tiểu bang Nevada. Ba chị em ngồi dán mắt trước cái tivi đài Mỹ đang chiếu tin tức thời sự. Màn hình hiện lên bản đồ hình chữ S có tên của ba thủ đô Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Đường vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Bắc Nam rõ rệt. Bắt đầu từ Tháng Hai năm 1975 tôi đã theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn, khi chiến trận giữa Bắc Nam ngày càng sôi động, cũng nhờ mấy bài báo cắt ra do Ngọc Anh em tôi gởi qua. Họ đưa hình bản đồ chữ S lên, Miền Bắc sơn màu đỏ, rồi màu đỏ vượt khỏi vĩ tuyến 17 tràn xuống Miền Nam. Màu đỏ lan xuống tới đâu, tôi rớt nước mắt tới đó...
Thông thường người đời hay nói con cái là hạnh phúc của cha mẹ. Hơi bi quan một chút thì người ta nói con cái giúp cho vợ chồng sống với nhau trọn đời vì con cái giúp họ tập trung vào chúng thay vì nhìn nhau và gây lộn mỗi ngày. Ở phía tiêu cực thì có người cho rằng con cái những chiếc gông mà bố mẹ phải đeo suốt đời. Người Mỹ thì nói rằng con cái giúp cho bố mẹ sống lại đời mình. Nghĩa là, khi có con, nhìn các con đi học mẫu giáo, rồi tiểu học, rồi trung học, bố mẹ như sống lại đời mình lần thứ hai. Họ cũng nói rằng con cái giúp bố mẹ thay đổi và trưởng thành hơn. Tất cả các lối suy nghĩ trên có lẽ đều đúng. Riêng bài này, xin chỉ tập trung vào cái nhìn tích cực của người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến