Hôm nay,  

Ba Tôi

03/07/202509:57:00(Xem: 395)
 
TG Hoàng Đình Minh Long đang ký sách VVNM tại Lễ Trao Giải VVNM 2017
TG Hoàng Đình Minh Long tại lễ trao giải VVNM 2017
Tác giả Hoàng Đình Minh Long định cư tại Mỹ từ năm 1991 và hiện là kỹ sư phần mềm cho Raytheon. Ông đã tham gia VVNM từ năm 2002 và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017.  Tác giả từng là cộng tác viên thể thao của báo Sài gòn nhỏ.  Tiểu thuyết “Xe Tình” của ông đã được đăng nhiều kỳ trên báo Sài gòn nhỏ vào năm 2022. Bài viết dưới đây là lời cám ơn của tác giả gửi đến người cha thân yêu của ông, một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
 
***
 
Tôi từng chủ trương viết cho chương trình Viết Về Nước Mỹ theo trường phái trào phúng vì quan niệm cuộc đời đã quá nhiều đau khổ và tôi muốn các bài viết của mình sẽ đem lại một niềm vui cho độc giả. Tuy nhiên, hôm qua về thăm ba ngày Father’s Day, bỗng dưng tôi muốn đổi hệ và quyết định viết một bài theo trường phái nghiêm và buồn để nhớ về ba của tôi.

Thân phụ của TG khi còn mang lon trung úy
Thân phụ của TG khi còn mang lon Trung úy
 
Khi tôi có trí khôn thì ba đã đi tù cải tạo được ba năm. Lúc ba ở các trại tù trong ba năm đầu, việc đi thăm khó khăn nên chỉ có má đi một mình. Sau khi ba chuyển về trại Suối Máu, nơi thăm nuôi tương đối dễ dàng nhất trong các trại, má cứ thay phiên dắt bốn thằng con trai đi thăm ba. Thỉnh thoảng bà nội cũng đi theo. Ba, với cấp bậc đại úy, đi tù “vừa phải” nên tôi mới “hơn” đám bạn cùng trang lứa.
 
Ba của chúng bạn có người đi tù tận ngoài Bắc, quá xa xôi nên gia đình chúng nó không đi thăm được. Có người chỉ đi tù một tháng là được thả ra. Có người thì do lớn tuổi cho nên không phải đi lính và vì vậy không phải đi tù. Ba tôi đi tù cải tạo 5 năm và 2 năm sau cùng ở Suối Máu nên mấy anh em chúng tôi được đi xe lửa thăm tù. 
 
Lúc ba mới chuyển về Suối Máu, chỉ có các anh lớn được má dắt đi thăm. Tôi còn quá nhỏ, má sợ đi theo bận chân bận tay. Mỗi lần má và các anh đi thăm về đều mang quà của ba từ trong trại tù gửi ra. Ba rất khéo tay nên làm các lược chải đầu bằng nhôm để tặng từng người thân trong gia đình. Ba làm cho má cái lược hình nàng tiên cá. Bốn anh em chúng tôi tuổi con gì thì ba làm cho cái lược hình con đó. Tôi tuổi Tý thì được ba làm cho cái lược hình con chuột. Ngoài ra, ba còn đóng một cái đàn ghi ta thùng để cho các anh học đánh đàn ở nhà. Mỗi lần các anh đi thăm ba về, kể chuyện được đi xe lửa, tôi cứ đòi má lần sau phải cho đi.
  
Tôi còn nhớ mãi cái cảm xúc háo hức mấy ngày trước khi được má cho đi thăm ba lần đầu. Mùi mắm quẹt má phải chuẩn bị cùng với các món ăn khác cho chuyến đi thăm đã ăn vào tiềm thức của tôi. Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm, có lẽ vào 4 giờ, vội vã ra ga xe lửa Hòa Hưng để bắt chuyến xe sớm nhất trong ngày. Từ nhà tôi, trong khu Kiến Thiết, đi bộ ra ga Hòa Hưng không đến nỗi quá xa nhưng những bịch đồ thăm tù và con đường gập ghềnh đêm tối gây ra nhiều vất vả cho má. Khi má dắt mấy ông anh lớn đi theo còn có người khiêng phụ, nhưng khi đến phiên tôi thì coi như má không những không có người phụ mà còn vướng chân vướng cẳng vì sợ tôi té.
 
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh dãy nhà bằng tôn nơi những người đi thăm nuôi được gặp những người tù cải tạo. Một dãy bàn dài chia cách những người tù và thân nhân của họ. Chúng tôi được cho vào khu nhà thăm nuôi trước và ngồi chờ. Sau khi mọi người ngồi xuống ghế, từ phía bên kia, các người tù cải tạo được các cai tù dắt vào. Mọi người tù và người thăm đều căng mắt để tìm người thân của mình.
 
Lần đầu tiên trong đời được gặp ba mà tôi nhớ được là khi tôi khoảng 5 tuổi trong hoàn cảnh đó. Tôi vốn nhút nhát, lần đầu tiên thấy ba, tôi chỉ ngồi bên cạnh má và nhìn qua phía bên ba. Có mấy đứa dạn hơn chui qua gầm bàn và ngồi vào lòng ba của chúng. Người lớn thì tuyệt đối không được vượt qua cái bàn chia cách. Một lý do mà tôi không chui gầm bàn để qua ngồi với ba vì đó là lần đầu tiên thấy ba trong đời. Dẫu biết đó là ba mình nhưng vì khi ba đi tù thì tôi còn nhỏ quá, không nhớ ba nhìn ra sao. Lần đầu tiên thấy ba bằng xương bằng thịt, tôi cảm thấy có một cái gì đó hơi xa lạ. Ba hỏi thăm các anh của tôi thế nào rồi. Ba luôn hỏi tuần tự từ anh lớn nhất cho đến tôi là nhỏ nhất.
 
Sau 30 phút ngắn ngủi, cai tù ra lệnh cho thân nhân rời phòng thăm nuôi. Tất cả chúng tôi rời phòng ra đứng ngoài hàng rào kẽm gai. Những người tù cải tạo xếp hàng một trước sân với các bịch hàng thăm nuôi bên cạnh mình. Cai tù đi tới đi lui để khám xét các bịch đồ thăm nuôi này. Cơn nắng của trại tù Suối Máu dù thật chói chang không làm sờn lòng những người đi thăm tù. Mọi người đều nán lại, chờ cho đến người tù cuối cùng đi khuất sau căn nhà thăm nuôi rồi mới ra về. Khi tới mọi người còn nói cười, chào hỏi nhau. Khi ra về, mọi người đều não nề bước đi trong thinh lặng. Dù trên người không còn các bịch đồ ăn thăm nuôi, bước chân của mọi người nặng nề hơn khi tới vì nỗi buồn chia tay với các người tù cải tạo. Tôi chỉ nghe tiếng dép và sỏi đá dưới chân. 
 
Vì còn nhỏ, tôi mau quên đi nỗi buồn chia tay với ba khi ra tới ga vì sự hào hứng được đi xe lửa về nhà. Lần nào cũng vậy, niềm vui được nhân lên gấp đôi khi tôi được má mua cho một cây mía ghim ướp đá mát lạnh. Tôi cố gắng ghi nhớ cái cảm giác thích thú khi được đi xe lửa để về kể cho chúng bạn. 
 
Chuyến đi thăm ba vào tháng 10 năm 1979 là ảo não hơn cả. Tháng Tư năm đó ông ngoại tôi mất. Cuối tháng 8 năm đó, anh kế của tôi, anh Giao Long, mất khi mới 9 tuổi. Trên đường đi thăm ba, má căn dặn tôi nhiều lần:
 
- Khi gặp ba, nhớ không được nói anh Giao Long mới mất.
 
Má không muốn ba đang sống trong khổ cực của trại tù phải buồn thêm. Lần nào má dặn tôi cũng ngoan ngoãn gật đầu. Sau khi những người đi thăm nuôi đã ngồi vào dãy ghế dành cho mình, ba và các người tù cải tạo xuất hiện từ phía bên kia. Vừa ngồi xuống phía đối diện, ba hỏi tôi:
 
- Anh Giao Long ra sao?
 
Khác với mọi lần khi ba luôn hỏi thăm anh lớn nhất trước, lần này ba hỏi ngay về anh Giao Long. Tôi chui xuống gầm bàn, sà vào lòng ba và òa lên khóc nức nở:
 
- Anh Giao Long chết rồi.
 
Tôi tiếp tục khóc như mưa trong lúc đôi tay chai đen của ba ôm chặt lấy tôi. Có lẽ ba dùng thân xác của tôi để tưởng tượng ba đang ôm anh Giao Long trong lòng. Một vài giọt nước ấm rớt trên tóc của tôi. Phía bên kia bàn, má cong rạp người xuống và nước mắt tuôn trào trên đôi má gầy gò. Cứ như thế, không ai nói nên một lời. Chỉ toàn là những giọt nước mắt lăn dài. Dù đã khóc cả một tháng từ ngày anh Giao Long mất, tưởng như không còn nước mắt để khóc, vậy mà hôm đó tôi khóc không ngừng được. 
 
Dù lúc đó mới 6 tuổi, tôi vẫn không thể quên cái đêm hãi hùng đó. Hồi bé tôi rất bám má. Tối khi đi ngủ là má phải ôm vào lòng tôi mới chịu ngủ. Chiều hôm đó, anh Giao Long lên cơn sốt cao và rơi vào trường hợp nguy kịch, má phải đưa anh vào bệnh viện Nhi đồng 2. Dù nhớ má vắng nhà, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Đến khoảng hai giờ sáng, tiếng xe xích lô máy chát chúa đẩy lùi sự yên tĩnh của màn đêm. Khi chiếc xe ngừng lại trước nhà và người lái xe tắt máy, tôi nghe tiếng má khóc nức nở trong đêm khuya, gọi anh cả của tôi:
 
- Mở cửa cho má. Giao Long chết rồi.
 
Tiếng khóc thảm thiết của má như xé nát tim gan tôi. Anh cả chồm dậy chạy ra mở cửa cho má đang bế anh Giao Long trên tay. Hai dòng nước mắt nóng hổi chạy dài trên mặt tôi trước khi thấm vào cái gối đầu. 
 
Không biết bao lâu sau đó, ba phá tan sự im lặng khi thò tay sang nắm tay má:
 
- Mấy tuần nay, mỗi đêm đọc kinh cầu nguyện, khi cầu cho ông ngoại, anh cứ đọc lầm qua Giao Long. 
 
Quả là có một sự thần giao cách cảm mầu nhiệm nào đó đã xảy ra. Theo như lời má kể, khi bị sốt cao trong bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi lần bác sĩ khám xong, đi ra khỏi phòng là anh Giao Long kêu lên:
 
- Ba ơi, đừng đi. Ba ở lại với con.
 
Cuộc thăm viếng hôm đó thật não nề. Khác với các chuyến thăm khác, tôi không cảm thấy hứng thú với việc được đi xe lửa. Tôi cũng chẳng buồn đụng đến cây mía ghim má mua cho sau khi lên xe. Dù mắt nhìn cảnh vật qua cửa sổ xe, tôi chẳng thấy gì cả vì đầu óc tôi chỉ nghĩ tới ba trong suốt chuyến về. Tôi thương ba quá vì tối nay chắc ba đau khổ lắm khi tôi và má không còn bên cạnh. Các bạn tù của ba chắc cũng sẽ an ủi nhưng dù sao họ cũng không phải là ruột thịt. Tôi ước gì được ở cạnh ba đêm nay để ba mượn thân xác của tôi, ôm tôi vào lòng, tưởng tượng là ba đang ôm anh Giao Long. Ba đã đói khổ về thân xác bốn năm rồi bây giờ lại chịu thêm nỗi đau mất anh Giao Long nữa.

Xe lửa chạy được một lúc thì tôi đưa mắt nhìn má để “dò hỏi” xem má có giận tôi vì chuyện tôi không giữ lời hứa với má. Chắc hiểu ánh mắt nhìn của tôi, má âu yếm đưa tay kéo tôi vào lòng. Tôi dựa vào lòng má và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
 
Vào một buổi chiều tháng 12 năm 1980, tôi đang chơi trong nhà một người hàng xóm thì một thằng trong xóm chạy vào báo:
 
- Ba mày mới về tới nhà kìa.
 
Tôi chạy như bay về nhà. Phía trước nhà khá đông người đang bu quanh trước cửa. Những người này có chồng đi cải tạo.  Họ xúm quanh nhà để vừa chung vui với gia đình tôi vừa hỏi thăm ba với hy vọng chồng của họ cũng sẽ sớm được về. Tôi rẽ qua đám đông, chạy vào phòng khách và phóng lên lòng ba. 
 
Việc ba được thả ra quả là một ngạc nhiên cho gia đình vì má mới đi thăm ba cách đó một tuần và cán bộ trại giam không hề thông báo là ba sẽ được thả. Ba kể rằng khi ngồi ở trong phòng họp, cán bộ đọc tên ba trong danh sách những người được thả ra. Ba đang lo nói chuyện với bạn bè, không nghĩ là mình sẽ được thả ra sớm như vậy cho nên không biết cán bộ đọc tên mình. Khi họ gọi đến tên ba lần thứ hai, những người bạn xung quanh của ba nhắc:
 
- Anh được về kìa!
 
Lúc đó ba vẫn chưa tin và lên hỏi lại cán bộ thì mới được xác nhận là ba được thả ra. Đồ của má thăm nuôi cho ba trước đó một tuần còn nguyên vẹn và ba đã để lại cho các bạn đồng tù của mình trước khi ra về.
 
Trong thời gian ba ở tù, công an phường 14 quận Phú Nhuận luôn hăm he cướp căn nhà của gia đình chúng tôi. Gia đình chúng tôi mua căn nhà này trước năm 1975 và chỉ làm giấy tờ chuyển nhượng chủ quyền bằng tay cho nên dựa vào lỗ hổng đó, bọn công an phường luôn luôn tìm cách tịch thu căn nhà. Má đã phải cứng rắn để đương đầu với bọn công an và bên ủy ban nhân dân phường. Khi được thả ra khỏi tù, họ nói ba chưa được trả quyền công dân. Bọn công an phường bây giờ là cơ quan trực tiếp quản lý. Họ nói rằng nếu ba muốn được trả quyền công dân thì gia đình hãy chấp nhận ký giấy để hiến nhà cho nhà nước. Ba má nhất định cương quyết không làm việc này vì đối với ba quyền công dân của nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam thà không có còn hơn.

Bọn cầm quyền quỷ quyệt cứ mỗi tuần bắt ba phải ra ngoài phường để làm giấy kiểm điểm. Đây là một hình thức để chúng theo dõi những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của ba. Với mưu đồ muốn cướp nhà, chúng bịa ra một kế hoạch để lừa ba và má. Chúng mời ba ra phường công an và má ra bên ủy ban nhân dân. Bên phường công an lừa ba:
 
- Anh cứ ký giấy hiến nhà đi vì chị đã đồng ý ở bên ủy ban nhân dân.
 
Bên ủy ban nhân dân thì nói với má rằng:
 
- Anh ở bên công an cũng đã đồng ý ký giấy hiến nhà rồi chị cứ ký đi.
 
Trước khi ra đi họp với bọn nhà cầm quyền, ba má đã dặn với nhau rằng cho dù chúng nó có nói gì chăng nữa mình nhất quyết sẽ không bao giờ ký giấy hiến nhà. Vì vậy những âm mưu thủ đoạn của bọn công an phường và bọn ủy ban nhân dân không lừa được ba và má.
 
Ngoài những lúc phải ra trình diện ở phường, ba phải đi kiếm việc làm để phụ giúp nuôi gia đình vì lúc này, sau hơn 6 năm sống dưới chế độ Cộng sản và bán hết đồ dùng trong nhà, kinh tế gia đình đã cạn kiệt. Thời gian đầu ba đi buôn củi với một người quen từ trước 1975. Những hôm không có việc, ba hay chở tôi đi lòng vòng thăm các nhà thờ ở Sàigòn. Ba hay kể cho tôi nghe những số liệu hay sự tích liên quan đến các nhà thờ. Ví dụ, khi đến nhà dòng Chúa Cứu thế ở đường Kỳ Đồng, ba kể rằng anh ruột của ba là một trong những thợ xây chính của nhà thờ đó vào thập niên 1950. Nhờ những chuyến viếng thăm các nhà thờ này mà sau này tôi rất mê các công trình kiến trúc của thế giới.
 
Ba cũng đem những kỹ năng học được trong tù áp dụng vào cuộc sống sau khi được thả ra. Năm 1981, nhà thờ Tân Hòa nơi gia đình chúng tôi sống xây dựng thêm gian cung thánh mới. Ba tham gia vào việc xây dựng này. Công trình xây dựng cần những chiếc xe “kút kít” để chở gạch, cát hay xi măng. Thế là ba ngồi gò các xe “kút kít” này rất tài tình. Cha sở rất hài lòng với đóng góp của ba và nói đùa:
 
- Đi tù cải tạo cũng có lợi ích đấy nhỉ.
 
Ngoài gò các xe “kút kít”, ba cũng tham gia các việc cần thiết khác. Một hôm, ba và một bác phải khiêng một miếng xi măng rất nặng để lót sân nhà thờ. Hai người bị trật rơ nên miếng xi măng rớt xuống chân ba và máu chảy lai láng. Vì vết thương đó quá nặng, ba không thể tiếp tục tham gia việc xây dựng nhà thờ.
 
Sau đây là một ví dụ khác nữa về chuyện ba vận dụng sự khéo tay của mình vào cuộc sống sau khi ra tù. Trong xóm tôi có một gia đình kiếm được một hợp đồng quấn dây cước. Khách hàng giao cho những cuộn dây cước thật to với sợi dây cước dài cả ngàn thước. Nhiệm vụ người làm là quấn sợi dây cước dài này vào các ống, cứ 100m là cắt sợi cước. Gia đình kia chỉ quấn cước bằng tay nên tốn rất nhiều thời gian. Khi họ làm không xuể và chia bớt cho ba, ba đã chế ra một hệ thống quay cước rất hiệu quả. Ba đóng một cái khung cửi để mắc sợi cước lên đó. Dùng chiếc xe đạp làm “động cơ”, ống cước ma sát với bánh xe và sẽ quay theo bánh xe. Với hệ thống này, một người có thể quấn cước nhanh gấp mấy lần so với cách làm hoàn toàn bằng tay. Gia đình hàng xóm thấy ba quấn cước nhanh quá và nghe ba kể về hệ thống quấn tự chế của ba, họ nhờ ba làm thêm một cái cho gia đình họ.
 
Ba ra tù về nhà đem lại nhiều thay đổi cho bản thân tôi. Hồi còn bé, lúc ba trong tù cải tạo, tôi bị đau răng rất nhiều. Cứ mỗi lần má dắt đi nha sĩ là tôi tìm mọi cách tránh né. Má chiều tôi nên tôi đâm ra hư, về cả tính nết lẫn răng cỏ. Khi ba về, một hôm tôi bị đau răng sưng húp cả mặt. Khi ba nói sẽ dắt tôi lên bệnh viện St. Paul để cho bạn của ba khám răng, tôi không tìm đường thoái thác như đã làm nhiều lần với má trước đây. Có lẽ hình ảnh của một người cha cứng rắn đã giúp tôi mạnh dạn lên.  Sau khi khám răng, nha sĩ bạn của ba nói:
 
- Răng cháu đang sưng không nhổ được. Về uống thuốc, tuần sau hết sưng, anh cho cháu trở lại, mình sẽ nhổ mấy cái răng sâu.
 
Sau khi hết sưng, ba dắt tôi đi nhổ răng. Tôi ngoan ngoãn ngồi yên sau xe cho ba chở, không hề than vãn chút nào. Nhổ răng xong, ba chở tôi trên chiếc xe đạp trên đường Tú Xương dưới cơn mưa lất phất. Bánh xe đạp bị xì và hai cha con phải tấp vào lề đường để nhờ vá xe. Vá xong, ba móc bóp lấy tiền trả cho ông lão vá xe.  Ba hỏi tôi là tờ tiền giấy có đủ để trả không. Tôi đang ngậm bông gòn trong miệng, không nói được, nên chỉ gật đầu. Khi ông lão thối lại tiền, ba quay qua hỏi xem tiền thối có đúng không. Có lẽ ba chưa quen với tiền mới, mà cũng có thể ba không muốn nhìn mặt cái tên trên tờ tiền giấy, cho nên ba không biết có đưa đủ và ông vá xe có thối lại đủ không. Tôi lại gật đầu trả lời ba. Hai cha con lên xe để về nhà trong cơn mưa lất phất. Đường phố Sài gòn hôm đó vắng tanh vì cơn mưa. 
 
Tuy kinh tế gia đình khó khăn nhưng ba luôn tìm mọi cách để “bù đắp” cho tôi vì tôi sinh sau đẻ muộn, không được “sung sướng như các anh” trước 1975. Có một hôm, tôi thấy người ta bán con chuột đồng chạy trên trái banh nhựa trong lồng. Thấy tôi mê mẩn, ba đã để dành những đồng tiền ít ỏi kiếm được để mua cho tôi một con chuột đồng. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó, bỏ một số tiền lớn để mua con chuột đồng quả là một quyết định "điên rồ” nhưng ba vẫn làm vì quá thương tôi.
 
Tết Trung Thu năm 1982 là một kỷ niệm khó quên khi ba quyết định dùng bàn tay của mình làm lồng đèn kéo quân cho tôi. Trung thu thời gian ấy, những đứa trẻ trong xóm mua sắm các lồng đèn giấy bóng kiếng hình con cá hay con thỏ. Những lồng đèn này giá cũng không rẻ. Để tiết kiệm tiền và để khác biệt so với những đứa khác, ba làm một cái lồng đèn kéo quân bằng chính đôi tay của mình. Ba phân vân không biết nên làm đèn kéo quân với mười hai con giáp hay theo chủ đề chiến tranh với máy bay, tàu chiến, xe tăng. Làm chủ đề 12 con giáp thì an toàn, không sợ bị công an thăm hỏi nhưng tôi không thích bằng chủ đề chiến tranh. Ba chiều ý tôi và làm đèn kéo quân chủ đề chiến tranh. Đặc biệt ba làm đèn kéo quân hai tầng với tầng trên là máy bay chiến đấu và trực thăng, tầng dưới là xe tăng, xe lội nước và tàu chiến. Tối hôm đó, khi lồng đèn kéo quân được thắp lên trong phòng khách, hàng xóm bu quanh trước nhà để xem vì hầu như mọi người chưa thấy đèn kéo quân bao giờ. Tôi cảm thấy tự hào quá chừng đêm hôm đó.
 
Sau khi việc bán củi và quay cước hết, ba má phải đi buôn gạo từ Bình Dương. Với chiếc xe đạp, ba má phải chở những bao gạo hàng trăm ký từ Bình Dương về Sàigòn để kiếm sống. Có một lần bán được giá cao, ba má mua một miếng thịt heo ba rọi về để cả nhà ăn sau một thời gian khá lâu không có tiền mua thịt. Tối đó, cả nhà ngồi quanh bếp điện ăn cơm thật ngon. Ai cũng ăn dè xẻn để ngày hôm sau còn có thịt ăn. Đang ăn thì bị cúp điện. Nhà không có tủ lạnh nên nồi thịt kho cứ để luôn trên bếp. Vì cúp điện tối thui, cả nhà quyết định lên giường đi ngủ sớm. Đến khoảng nửa đêm tự nhiên thấy mùi đồ ăn cháy khét, cả nhà chạy xuống bếp. Một ngọn lửa cháy phừng phực và khói đen tràn ngập nhà bếp. Sau khi đi ngủ, vì quên tắt bếp, lúc điện có lại, nồi thịt sôi cạn hết nước và lửa bùng lên. Cả nhà nhìn nồi thịt bây giờ đã thành than đen thui mà tiếc hùi hụi. Ba đành an ủi cả nhà:
 
- Cũng may là lửa không bắt cháy vào cái quần tây.
 
Lúc đó ba chỉ còn có mỗi cái quần đó để mặc đi ra đường. 
 
Sau khi ra tù được một năm, anh lớn vượt biên thành công. Qua đầu năm 1982, ba bắt đầu tìm đường vượt biên. Vào mùa hè năm 1982, ba dắt anh kế xuống Cà mau để đi vượt biên. Má đi theo và tôi phải ở nhà với bà ngoại. Chiều Chúa Nhật hôm đó tôi ra đường chơi với chúng bạn trong xóm. Bình thường ra đường chơi với chúng bạn rất vui nhưng hôm đó trời âm u và trong lòng tôi đầy sầu muộn. Tôi nhớ ba, má và anh. Tối đến, tôi chui vào mùng ngủ với bà ngoại mà lòng thì cứ lo không biết chuyến đi vượt biên có thành công hay không. Sau năm ngày, cả ba người lại dắt nhau về lại vì chuyến vượt biên bị bại lộ. Cũng may mà ba không bị bắt.
 
Cuối tháng 12 năm 1982, ba lại chuẩn bị đi vượt biên. Chiều hôm đó, ba dắt tôi đi lễ ở nhà thờ Ba Chuông. Trên đường về, ba cõng tôi trên lưng và tôi bị mấy đứa trong xóm nhìn với ánh mắt chọc ghẹo vì lúc đó tôi đã gần 10 tuổi mà còn để ba cõng. Ba biết sắp xa tôi cho nên muốn cõng tôi. Tôi cũng chẳng ngại hay quê với bọn con nít vì biết rằng ba sắp đi xa. Đêm 25 rạng sáng 26 tháng 12 năm 1982, ba rời gia đình một mình để xuống Cà Mau đi vượt biên. Vì tôi ngủ say nên không biết ba đi. Sáng hôm sau má kể là ba hôn hai anh em chúng tôi và bịn rịn chia tay má để ra đi trong đêm tối. Vậy là một lần nữa gia đình chúng tôi phải chia ly. Chuyến đó ba vượt biên thành công.
 
Ba phải ở đảo hơn một năm và gặp lại anh lớn tại Mỹ vào năm 1984. Đến đầu năm 1985, sau khi đi học và kiếm được việc làm, ba bắt đầu gửi đồ về tiếp tế. Ba gởi đồ tới tấp trong vòng ba năm trời, nhiều đến nỗi bác (chị ruột của má, qua Mỹ từ 1980) phải thắc mắc sao ba gởi nhiều quá. Ba cặm cụi đi làm để kiếm tiền gởi về Việt Nam mà không đi chơi đâu cả. Trong bảy năm chờ ngày gia đình được đoàn tụ, đi làm ra là ba ghé chợ mua đồ ăn về nấu cơm cho ba và anh cả. Có lần anh hỏi:
 
- Sao ba không đi đâu ngoài đi làm ra?
 
Ba trả lời:
 
- Con và bác đi trước nên không hiểu má và hai em khổ như thế nào đâu. Ba chỉ muốn đi làm và để dành tiền, gởi về cho má và hai em để bù lại những năm tháng cơ cực.
 
Ba gởi nhiều đến nỗi má phải viết thư nói ba đừng gởi nữa. Lúc đó ba mới gởi ít lại. Gởi đồ Mỹ về thì bị đóng thuế. Ba nghĩ ra cách gởi để qua mặt hải quan và tránh thuế. Với bàn tay khéo léo của mình, ba mua một cặp vợt đánh cầu lông và nhét vào mỗi cây vợt 5 tờ $100. Ba làm rất khéo nên hải quan nhìn cứ tưởng cặp vợt cầu lông mới tinh và không biết trong đó có tiền mặt. Sau ba năm gởi quà dồn dập, theo yêu cầu của má, ba thôi gởi. Trong ba năm còn lại, má và hai anh em chúng tôi sống rất thoải mái.
 
Sau 9 năm xa cách, gia đình chúng tôi được đoàn tụ vào tháng 8 năm 1991. Gặp lại ba, tôi đã gần 20 tuổi nhưng chỉ được sống với ba chưa tới 5 năm (trên 2 năm trước 1975 và hai năm sau khi ba ra tù cải tạo). Ba đã trên 50, lưng còng và da nhăn khi gặp lại tôi trên nước Mỹ. Chúng tôi sum họp ngày thứ Tư trong tuần, thứ Năm ba vẫn đi làm để lo cho gia đình. Ba đi làm lúc 5:30 sáng, khi tôi còn đang ngon giấc. Trước khi ra khỏi nhà, ba hôn lên trán tôi, giống như ba đã hôn tôi trong đêm khuya lúc ba đi vượt biên. Hai nụ hôn từ một người cha đến một đứa con, cách nhau 9 năm nhưng tôi cứ tưởng là một thế kỷ.
 
Khi mùa đông đến, nằm trong chăn ấm áp, nghe tiếng chân ba đi làm khi trời còn tối và ngoài trời lạnh buốt, tôi thương ba quá. Dù gia đình đã đoàn tụ, ba cũng chỉ đi làm rồi về với gia đình. Lo lắng đầy đủ cho gia đình như thế mà cách đây bốn năm ba tâm sự với tôi:
 
- Ba cảm thấy không làm tròn bổn phận của người cha đối với anh giữa và con.
 
Tôi ngạc nhiên:
 
- Sao ba lại nói như vậy?
 
Ba trầm tư:
 
- Hồi hai con và má qua đây, hai đứa phải đạp xe đạp đi học ESL. Sau đó lên college lại phải đi xe buýt hay quá giang mấy đứa bạn học. 
 
Không biết sao ba lại nghĩ như vậy. Khi mới qua Mỹ, chúng tôi phải làm bao nhiêu giấy tờ, rồi đi xin học chỗ này chỗ kia, đâu có nhiều thời gian để học lái xe. Mà học lái xe cũng tốn vài tháng chứ đâu phải vài ngày. Chỉ 9 tháng sau khi chúng tôi qua, ba đã mua xe cho chúng tôi đi học. Nhà thì ba và anh lớn đã mua sẵn. So với những đứa bạn qua cùng thời gian đó, chúng tôi quá đầy đủ và sung sướng. Tôi cứ phải nhắc cho ba rằng ba lo cho chúng tôi quá đầy đủ và nhiều hơn những gì chúng tôi cần.
 
Ba tôi không nhiều tiền nhưng tình yêu thương dành cho vợ con thì lai láng. Ba hy sinh và dành những gì tốt nhất cho gia đình. Tôi nhớ mãi một câu nói của ba sau khi ra tù. Hôm đó tôi bị bệnh khá nặng, đầu nhức như búa bổ và mỗi lần ngồi lên là cảm thấy trời đất quay cuồng. Ba cứ nói với tôi là ba ước gì được bị bệnh thay tôi. Những biến động của cuộc đời dù có làm cho ba khổ cực thế nào đi chăng nữa, ba luôn làm hết sức mình để đem lại những gì tốt nhất cho gia đình. Dù đã tự nhủ lòng là sẽ chỉ viết chuyện vui nhưng kỳ này tự cho phép mình chuyển hệ viết những dòng này như lời cám ơn ba.
 
Ngày Quân lực VNCH 2025
Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
04/07/202519:46:43
Khách
Cảm ơn Tác giả chia sẻ một bài viết hay và cảm động.
04/07/202516:53:42
Khách
Tôi cũng ở P14 đường Nguyễn huỳnh Đức ( cư xá kiến thiết )từ năm 1957 đến khi vượt biên 1980. TG nhỏ hơn đứa em út tôi 1 tuổi (sn 1972)
Chuyện cảm động , hay , mừng cho tg & gia đình
04/07/202515:29:27
Khách
yes, anh là người con tốt, cảm ơn bằng lời nói, và phải bằng hành động nữa mới đầy đủ ý nghĩa. Thanks.
03/07/202518:18:08
Khách
Xin nói cho rõ là bài này tôi viết để cám ơn ba chứ không phải để tưởng nhớ vì ba vẫn còn sống
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 237,983
Có những người Cha tôi đã gặp Hiến dâng đời, phục vụ tha nhân Sáng danh Chúa, sống Phúc Âm Gieo lời Chân Lý xa gần nơi nơi … (KL) Đó là những vị linh mục mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong thời gian bốn năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan. Nói về các Cha thời tỵ nạn thì có rất nhiều điều muốn nói, nhưng có nói thêm trăm ngàn lời cũng vẫn chưa đủ. Ở trại, chúng tôi may mắn có được các Cha người Việt Nam (cũng là nguời tỵ nạn vượt biên). Các Ngài là những người khởi đầu lập nên nhà thờ đơn sơ đầu tiên nơi trại cấm Panatnikhom, viết tắt là Panat, (gọi là Trại Cấm vì chúng tôi là những thuyền/bộ nhân đến trại tỵ nạn sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa không nhận người tỵ nạn, nên chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, phải ở Trại Cấm chờ nước sở tại thanh lọc, xét duyệt tư cách tỵ nạn).
Trải qua bao thời gian, những người bạn cũ rời xa, những người bạn mới xuất hiện, nhiều khuôn mặt đến, rồi đi, như nước chảy qua cầu. Vậy mà có một khuôn mặt đặc biệt, ở lại rất lâu trong góc trái tim tôi, một nhỏ bạn thật đặc biệt. Đặc biệt, là vì nó là... người Nga. Tôi đã từng có ác cảm với dân tộc Nga, từ những ngày trước năm 1975, là năm đổi đời, đổi hướng tương lai của đa số dân tỵ nạn cộng sản. Ác cảm là vì, giống dân từ một quốc gia xa lạ và rất xa trên bản đồ trái đất, đầu tiên tạo ra chế độ Cộng sản, lại đầu độc cả thế giới qua cái chủ nghĩa Cộng sản ác nhân thất đức.
Thưa anh Don, tôi biết hương hồn anh đang hiện diện quanh quất đâu đây, trong khán phòng này và nghe được những lời tôi nói. Cảm ơn anh đã luôn là người hàng xóm tốt bụng. Anh thường xuyên cắt cỏ cho khoảng sân trước nhà chúng tôi khi cắt cho nhà anh. Không chỉ cắt thôi đâu quý vị, anh còn tỉa rồi thổi bằng máy thổi sạch bóng, từ sát cửa ra vào đến sân xe chạy. Lần nọ, nhà chúng tôi bị bể ống nước, ngập lụt ngoài phòng khách lên tận mắt cá, anh là vị cứu tinh đã khóa nước trước khi chồng tôi kịp về nhà. Bao lần chúng tôi quên đóng cửa “garage” qua đêm, anh luôn nhắn tin cho tôi “Cửa garage nhà chị còn mở đó nhe.” Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chưa mời anh được một bữa ăn Việt Nam! Tệ thật! Tôi có mua biếu anh hộp bánh vào dịp Noel mấy năm nhưng nhìn lại thấy không đủ so với những gì anh đã làm cho gia đình tôi! Nhưng tôi vĩnh viễn không còn dịp nữa rồi!
Hàng năm, cứ qua giữa tháng Năm là nước Mỹ lại bắt đầu rộn ràng hơn cho ngày lễ hội Memorial Day sắp tới! Các “florist centers” lo chuẩn bị thêm nhiều hoa để cung cấp cho người tiêu thụ, những gian hàng đồ lưu niệm bày biện lắm thứ hơn để bán. Walmart, Krogers tấp nập khách hàng vì có đông người đi chợ cho các tiệc tùng ăn uống chiều hôm đó. Như chúng ta biết, ngày lễ này được long trọng tổ chức vào mỗi thứ Hai cuối cùng của tháng Năm nhằm vinh danh những người lính đã xả thân hy sinh trong quân đội Hoa Kỳ. Ngược dòng lịch sử và theo các sử gia thì cuộc nội chiến Mỹ được xem là có nhiều người chết nhất nên những nghĩa trang thành hình từ đấy. Vào mấy năm cuối của thập niên 1860 thì ở nhiều quận, hạt, tỉnh, thành, thiên hạ bắt đầu tới sửa sang, dọn dẹp vệ sinh cho những ngôi mộ của người thân mình, mang theo bông hoa trang hoàng cho các ngôi mộ đó; những chiến binh đã nằm xuống!
Là con trai trưởng trong một gia đình có chín anh em, tôi sống với Mẹ trong hầu hết bảy mươi bốn năm đời mình. Chỉ có hai lần tôi phải xa Mẹ lâu nhất, mỗi lần tám năm, đều liên quan đến nước Mỹ và Mẹ. Lần thứ nhất từ năm 1991 khi Mẹ đi tỵ nạn Hoa Kỳ theo diện H.O. Tôi kẹt lại quê nhà cho đến cuối năm 1998 mới đi đoàn tụ gia đình theo diện ODP. Đi hay ở, một quyêt định không phải dể dàng với tôi lúc bấy giờ. Những năm chín mươi sau những tháng năm sống vất vả, cay đắng và tủi nhục để kiếm sống và tồn tại, đứa con một sĩ quan tù cải tạo, nhờ thời kỳ mở cửa, các công ty nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, tôi được làm việc cho văn phòng đại diện công ty Hoa Kỳ AMP tại Việt Nam. Mức lương 700 USD của một giám đốc kỹ thuật hồi đó là một con số rất lớn nếu so với đồng lương 50 USD của một kỹ sư mới ra trường.
Cũng như bao đứa con trai khác, hồi bé tôi mơ ước được đi máy bay. Vì lớn lên ở Việt Nam sau 1975, mơ ước đó xem ra khó thành hiện thực. Thế rồi khi tôi 18 tuổi, giấc mơ ấy đã đến khi tôi leo lên chiếc máy bay TU134 của Liên xô tại phi trường Tân Sơn Nhất để đi định cư ở Mỹ theo diện bảo lãnh, như đã kể trong bài viết dự thi Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi vào năm 2002. Ở Mỹ trên 30 năm, tôi đi máy bay tương đối cũng khá nhiều và cũng có nhiều kinh nghiệm lý thú để hôm nay kể cho quý vị thưởng thức.
Trời mới hửng sáng, bà Năm đã trở dậy. Căn nhà im lặng như tờ, giờ này mọi người còn đang ngủ cả, bà lặng lẽ đến bên bàn thờ, thắp nhang cho chồng. Tay run run, nhưng bà vẫn cố gắng không để tàn nhang rơi xuống thảm. Con dâu đã dặn bà chỉ được dùng nhang điện, nến điện, nó sợ mùi nhang và sợ tàn nhang làm hư tấm thảm đắt tiền. Nhưng bà nghĩ không có hương khói, người chết biết đường đâu mà về? Bà chỉ an tâm, sung sướng khi có ông bên cạnh, mặc dù ông bây giờ chỉ là một hồn ma. Hương khói làm ấm lòng bà, ấm lòng cả người đã khuất, bà không thể để bàn thờ chồng hương khói lạnh tanh....
Sau mấy ngày đi chơi thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở thành phố, ăn fast food và các món ăn Ý, Pháp, Mexico… hôm nay ba mẹ con quyết định tìm nhà hàng Việt Nam vì thèm bữa cơm có canh chua, cá kho tộ, rau muống xào tỏi. Từ nơi khách sạn, Quỳnh cùng hai con đi bộ gần 3 blocks đường đến một nhà hàng Việt Nam rộng lớn và nổi tiếng với các món ăn đậm đà hương vị ẩm thực Việt. Ba mẹ con vừa đói vừa mệt nên hào hứng ăn ngon lành, hết sạch, chuẩn bị món tráng miệng và sau đó chương trình là sẽ đi dạo bờ biển đón gió đêm. Trong lúc hai con xúm lại xem lại các hình chụp trên điện thoại, Quỳnh cũng rảnh rang đưa mắt ngắm nghía xung quanh tiệm thì bất chợt như có linh tính mách bảo, nàng nhận ra có một bóng dáng rất quen thuộc đang đi ngang phía trước hồ cá trong tiệm, cùng với vài người nữa, đang tìm vào ngồi ở chiếc bàn phía bên hông cửa nhà hàng, đối diện xéo với bàn của nàng.
Nhìn lại cuộc sống của mình trong bao năm qua tôi phải thú thực rằng giấc mơ Mỹ quốc của mình đã đạt được nhiều hơn những gì mình đã từng ao ước rất nhiều. Đúng nửa thế kỷ, tròn 50 năm đã trôi qua từ cái ngày tôi có giấc mơ Mỹ quốc nhỏ nhoi nhất, nếu có ai hỏi như thế tôi có còn ao ước hay còn một giấc mơ Mỹ quốc nào nữa không thì tôi xin trả lời rằng có. Có điều giấc mơ Mỹ quốc hiện tại của tôi không còn là giấc mơ cho riêng tôi nữa mà là giấc mơ cho các thế hệ con cháu của mình. Tôi mơ đến một nước Mỹ mang đầy đủ các giá trị cốt lõi về tự do, dân chủ, bác ái, nhân đạo, và bình đẳng. Một nước Mỹ với tượng nữ thần Tự Do cầm đuốc soi sáng để thắp lên hy vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Một nước Mỹ sẽ luôn nằm trong giấc mơ của những đứa trẻ ở các nước đang phát triển như giấc mơ Mỹ quốc đầu tiên mà tôi đã có đúng nửa thế kỷ trước.
Huy về nhà nghỉ spring break hai ngày sớm hơn dự định. Trường võ bị West Point cho phép Huy về nhà sớm trước khi kỳ nghỉ spring break thực sự bắt đầu vì Huy có lịch làm diễn giả khách mời (guest speaker) ở một số trường trung học. Ngày đầu tiên về làm diễn giả khách mời ở ngôi trường trung học ngày xưa, Huy có dịp gặp lại cô Smith, thầy Williams, thầy hiệu trưởng sau khi hoàn thành xong ba buổi nói chuyện với vài trăm em học sinh trung học. Cô Smith và thầy Williams rất vui mừng nói rằng họ rất tự hào khi biết Huy đã vượt qua nhiều năm tháng gian khổ ở trường võ bị West Point, nhất là khi biết Huy đã hoàn tất các cuộc hành quân Norwegian Rucksack March. Về làm diễn giả ở ngôi trường trung học ngày xưa, đối với Huy, điều này là điều đặc biệt nhất trong kỳ nghỉ spring break năm ấy.
Nhạc sĩ Cung Tiến