Tác giả tên thật là Phương Nguyễn. Sinh năm 1957 tại Phủ Cam, Huế, là cựu học sinh trường Jeanne D’Arc. Bà hiện ở tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tác giả vừa nhận giải Đặc Biệt năm 2023.
***
Tôi sống ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Một thành phố với nhiều cảnh đẹp, rất thơ mộng, thành phố được che chắn bởi một rừng thông bạt ngàn, quanh năm xanh mướt. Một rặng núi hùng vĩ bao quanh nhiều hồ lớn, nước xanh trong vắt, là phi trường của đủ loại thủy phi cơ. Seattle còn có tên gọi rất thơ “Cao Nguyên Tình Xanh.”
Ngoài ra Seattle có tháp Space Needle cao 180 mét, trên đỉnh tháp là đài quan sát, cho khách du lịch ngắm toàn cảnh, từ thành phố đến dãy núi Olympic hùng vĩ, dãy núi Reneir quanh năm tuyết phủ trắng xóa, ngắm vịnh Puget thơ mộng. Seattle còn có một thành phố chìm dưới lòng đất. Vùng đất này cũng là quê hương của nhiều ngành công nghệ lớn, như Microsoft, Amazon, và Boeing.
Thiên nhiên đã ưu đãi dành riêng cho Seattle mưa, lạnh. Mùa đông ở đây kéo dài, mưa dai dẳng gần cả năm, mây trắng chùng thấp, quấn quýt ngọn thông già, màn sương trắng đục như tấm màn che phủ thành phố, gió rít từng cơn mang theo giá lạnh, cái lạnh hiu hắt, ngấm sâu vào da thịt, khiến lòng người cũng tê cóng theo.
Vì vậy, mỗi khi có dịp rời Seattle để đi tiểu bang khác, nhất là về California, trong lòng không giấu được niềm háo hức. Hôm nay được về miền nắng ấm để dự buổi họp mặt hội cựu học sinh hai trường Thiên Hựu và Jeanne d’ARC (TH&JD) của Huế. Về để tìm lại hồi ức của thời áo trắng, cái thời mà tâm hồn là một cánh đồng mênh mông đầy ảo vọng, về để nhớ lại những kỷ niệm yêu thương thời cắp sách tới trường.
California đón tôi bằng nắng ấm chan hòa, hàng cọ cao vút, làn gió biển nhẹ thổi mát rượi làm cho người phấn chấn thêm lên. Ngay từ khi đặt chân xuống phi trường LAX, không những thời tiết hâm nóng con người mà ấm cả tâm hồn. Một cảm giác rộn ràng như thể đang được quay về một khoảng đời rất đẹp, thời hè của xứ Huế, của những buổi tan trường, đạp xe dưới hàng phượng hồng, ánh mắt e thẹn dưới vành nón lá nghiêng che.
Đưa tay nhẹ đón cánh phượng bay
Để nghe rạo rực, tuổi thơ ngây
Đếm bước dạo quanh sân trường vắng
Thẫn thờ chẳng biết đợi ai đâ .
Buổi họp mặt được tổ chức tại hội trường lớn, trang hoàng thanh nhã và đầm ấm. Những tà áo thướt tha, những bộ vest sang trọng, những tiếng cười rộn rã, những ánh mắt quen thuộc sao bao nhiêu năm xa cách, có những anh chị không gặp mấy chục năm, vậy mà vẫn nhận ra nhau, ôm chầm nhau như thuở còn chung trường, chung ghế đá.
Hai trường Thiên Hựu và Jeanne d’ARC, một trường nam, một trường nữ, đã từng là biểu tượng của nền giáo dục Huế thuở trước. Điều đặc biệt hai trường này do các cha và các soeurs chính Pháp phụ trách. Cho nên về giáo dục, được học văn hóa đa dạng, giúp cho học sinh dễ hội nhập vào xã hội Tây phương, không những về ngoại ngữ mà cả về phong tục tập quán xứ người. Về tôn giáo, tuy trường căn bản là đạo Thiên Chúa, nhưng không hề ép học sinh theo đạo, trong học trình có đề cập đến các tôn giáo khác. Về sĩ số học sinh, ít hơn so với các trường khác, vậy nên các cựu học sinh thân nhau, gắn kết với nhau nhiều hơn.
Buổi họp mặt hôm nay không những các anh chị ở trên nước Mỹ, mà ở Canada cũng về dự, rất đông. Lễ khai mạc, dâng hương, cầu nguyện, một phút mặc niệm kính nhớ công ơn của các Ân Sư. Dưới mái trường thân yêu, các vị đã đào tạo được nhiều học sinh ưu tú.
Hiện diện hôm nay tôi chỉ biết được một ít các anh chị đã phục vụ cộng đồng hải ngoại về dự. Đức Ông Nguyễn Ngọc Hàm ở Illinois; Bác Sĩ Lê Đình Thương, ở New Jersey; Bác Sĩ Vĩnh Chánh ở California (Bác Sĩ Vĩnh Chánh đã được giải Chung Kết Viết về nước Mỹ); anh Phạm Nguyên Hanh,ở California; Ban Biên Tập tạp chí Khoa học Công Chánh; anh Trần Tiễn San ở California; Ban Biên Tập nguyệt san Biệt Động Quân; anh Lê Nhật Thăng ở Georgia; Chủ biên báo điện tử Sông Vàng và Webmaster của hai trường TH&JD; anh chị Họa Sĩ Phi Lộc; chị Mộng Điệp cây vợt bóng bàn của đội tuyển VNCH trước 1975. Và còn nhiều các anh chị khác nhưng tôi chưa biết hết được. Dù các anh chị ở cương vị nào tâm hồn vẫn trẻ trung, vui vẻ.
Trong phần sinh hoạt văn nghệ, các anh đọc thơ của mình sáng tác, những vần thơ đầy chất thiền, và chan chứa tình người, hát những bản tình ca quê hương mang nhiều dấu ấn kỷ niệm. Các anh chị đã là những ông bà, nội, ngoại, vậy mà khi lên sân khấu múa theo điệu nhạc dân ca, ai nấy đều duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển như thuở đôi mươi, tà áo tím, nón bài thơ, khăn rộng vành, toát lên vẻ kiêu sa của cô gái Huế.
Tà áo tím hững hờ qua Bạch Hổ
Nón nghiêng che tốc lộng gió chiều đông
Thoảng hương xưa lay động cánh phượng hồng
Tím mơ màng, một dòng sông dậy sóng.
Những tràng pháo tay, tiếng cười rôm rả, bùng nổ cả hội trường. Thời điểm này, chắc không ai còn nhớ đến tuổi tác, bệnh tật, hay những lo toan thường nhật, mà chỉ có niềm vui, sự gắn bó, và tình bạn xuyên thời gian. Tôi ngồi lặng giữa dòng người nhộn nhịp để ngắm từng khuôn mặt, có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, có lẽ là niềm xúc động, một ký ức đang bừng sống lại, hình như mình đang được ở trong mái trường. Dẫu đời người có bao biến động, dẫu đã rời xa quê hương, lang bạt khắp bốn phương, thì mối dây gắn kết với quý anh chị bạn học cũ vẫn luôn nồng cháy trong tim.
Buổi họp mặt khép lại với bài ca “Nối Vòng Tay Lớn” cả hội trường cùng nắm tay nhau, hòa chung tiếng hát, lòng biết ơn các anh ban tổ chức, và niềm hy vọng hướng đến năm sau. Dẫu cho tuổi đời chất chồng, răng long, tóc bạc, tay run, gối mỏi, nhưng trái tim của những người cựu học sinh hai trường Thiên Hựu và Jeanne D’ARC vẫn mãi trẻ trung, vẫn mãi rực rỡ nồng ấm như ánh nắng California trong ngày hạnh ngộ.
Tôi rời California về lại Cao Nguyên Tình Xanh, vùng trời mưa lạnh, hành trang còn đọng lại chút nắng ấm của miền Nam California, với nhiều hồi ức đẹp của một ngày khó quên.
Phương Lâm
Gửi ý kiến của bạn