Tác giả định cư tại Mỹ từ năm 1991 và hiện là kỹ sư phần mềm cho Raytheon. Tác giả đã tham gia VVNM từ năm 2002 và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017.
***
Cũng như bao đứa con trai khác, hồi bé tôi mơ ước được đi máy bay. Vì lớn lên ở Việt Nam sau 1975, mơ ước đó xem ra khó thành hiện thực. Thế rồi khi tôi 18 tuổi, giấc mơ ấy đã đến khi tôi leo lên chiếc máy bay TU134 của Liên xô tại phi trường Tân Sơn Nhất để đi định cư ở Mỹ theo diện bảo lãnh, như đã kể trong bài viết dự thi Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi vào năm 2002. Ở Mỹ trên 30 năm, tôi đi máy bay tương đối cũng khá nhiều và cũng có nhiều kinh nghiệm lý thú để hôm nay kể cho quý vị thưởng thức.
Ngoài chuyến bay từ Sài gòn sang Thái Lan rồi từ Thái Lan qua Mỹ của chuyến đi theo diện bảo lãnh vào năm 1991, chuyến bay nội địa tôi bay đầu tiên là mùa hè năm 1992 từ Los Angeles sang Houston. Hè năm đó, bà chị họ muốn về Việt Nam chơi một tháng nên mua vé máy bay cho tôi và người anh giữa qua Houston để trông coi tiệm tạp hóa của bả ở Galveston. Chúng tôi đi hãng Continental vào chuyến đó. Bây giờ Continental đã bị United mua lại nhưng cái logo hình địa cầu màu vàng trên nền xanh vẫn còn trên một số các máy bay cũ của Continental. Lần đầu tiên hai thằng con xa nhà (hai anh em chúng tôi sống với má từ nhỏ và cùng bà đi định cư theo diện bảo lãnh do ba tôi bảo trợ) cho nên má tôi đi theo xe ra tận phi trường LAX để tiễn. Chuyến đi tương đối cũng bình thường không có gì đáng nhớ.
Năm 1998, tôi mua vé máy bay đi từ Los Angeles sang thủ đô Hoa Thịnh Đốn để sau đó lái xe qua West Virginia cho cuộc phỏng vấn vào trường đại học ở đó. Tuyến đường bay này là tuyến bay nội địa dài nhất vì phải tốn 5 giờ bay. Khi đặt vé máy bay, tôi chọn đồ ăn Á Đông. Theo cái vốn tiếng Mỹ nghèo nàn, tôi nghĩ oriental là thuộc về Á Đông, chắc sẽ được ăn các món ngon. Nếu không sushi thì cũng mì xào gì đó. Chắc chắn là ngon hơn pasta hay burger của Mỹ. Trước khi đẩy xe phục vụ đồ ăn, cô chiêu đãi viên đi ngang qua ghế tôi ngồi và dán một tờ giấy với chữ Oriental to tướng. Tôi tỏ ra tự hào vì chỉ có mình là có món ăn đặc biệt.
Khi xe đồ ăn tới, tất cả mọi người xung quanh đều được phát cho một mâm đồ ăn có pasta, rau xà lách, bịch táo và ly nước. Riêng tôi thì nhận được một gói giấy bạc trông rất cầu kỳ. Khi mở ra, tôi phải cố lắm mới không … òa lên khóc vì gói đồ ăn trước mắt nhìn chẳng khác nào ai đó mới ói ra. Đó là một đống nhơm nhớp vừa màu đỏ, vừa màu ngà ngà. Tôi tự an ủi mình “Không sao, nhiều khi nhìn vậy mà không phải vậy”. Thế rồi, tôi lấy cái muỗng ra, múc một miếng và cho vào miệng. Tôi phải đưa tay trái thật nhanh lên cổ ngăn cho mình không ói và phun đồ ăn vào người ngồi phía trước. Lúc này thì tôi nhìn nhận: “Món này, nhìn vậy mà thật là vậy”. Không biết món này là món gì và của dân tộc nào, nhưng thú thật là nhìn vừa tởm và ăn vừa ghê. Đang định đóng giấy bạc lại để “tuyệt thực” thì tôi đổi ý. Chuyến bay còn hơn 3 tiếng mới tới nơi. Hơn nữa, vì ỷ y là được phục vụ đồ ăn, tôi đã không ăn tối trước khi lên máy bay cho nên bây giờ bụng quá cồn cào. Tôi quyết định tìm cách nào đó để ăn cái món này.
Tôi nhớ đến chuyện con cá gỗ mà ba tôi hay kể cho tôi khi tôi còn bé, lúc ông mới ra tù cải tạo. Chuyện rằng ở một gia đình nghèo kia, mỗi ngày chỉ ăn cơm với nước mắm. Một hôm thằng con than với bố nó rằng ăn cơm với nước mắm chán quá, nuốt không vô. Nghe thế, ông bố mới lấy một khúc gỗ và đẽo một con cá rồi treo trên tường. Mỗi khi ăn cơm với nước mắm, ông bố bảo thằng con cứ nhìn con cá gỗ để tưởng tượng là mình đang ăn cơm với cá.
Thế là tôi cố hình dung trong đầu xem cái món “đồ ói” nửa đỏ nửa ngà trước mặt mình nó giống món ngon nào mình đã ăn trong đời. Chợt tôi nhớ đến món me xay mà tôi và chúng bạn rất thích khi còn học tiểu học vào đầu thập niên 1980 ở Việt Nam. Cái món me xay này, hình tròn và dẹp như một đồng cắc, cũng màu đỏ sậm như bãi nhổ của các bà ăn trầu có vị chua chua ngọt ngọt rất ngon. Cái món “đồ ói” Oriental trước mặt tôi cũng có màu đỏ đậm pha với màu ngà, nhìn cũng giống món me xay thời thơ ấu. Thế rồi, tôi tự chuẩn bị tâm lý cho mình. Trước khi đưa muỗng “đồ ói” vào miệng, tôi tự nhủ thầm:
- Ngoan nào, hãy mở miệng ra để được quay về với tuổi thơ, với món me xay.
Thế rồi lấy hết sức bình sinh, tôi đưa muỗng thức ăn vào miệng. Nhanh như chớp, tôi phải đưa tay trái lên để chặn cổ mình lại, không cho thức ăn trào ngược ra ngoài. Thì ra sự tưởng tượng chỉ lừa được cái tay phải và cái mồm nhưng cái bao tử thì tỉnh táo hơn, không để bị dụ.
Cái gì làm hoài cũng quen. Đau thương lâu ngày cũng thành một cái thú. Sau vài muỗng đầu, tôi cảm thấy cái món đồ ăn kia cũng không đến nỗi tởm lợm như lúc ban đầu. Cái tay trái bớt làm việc và cái bao tử cũng bớt thổn thức mỗi khi cái mồm nuốt thức ăn vào. Những người bên cạnh ăn xong trong vòng 10 phút và các cô chiêu đãi bắt đầu đi lượm rác. Tôi thì cứ chậm rãi đưa từng muỗng thức ăn vào mồm. Vừa cố nuốt, cả thức ăn lẫn nước mắt, tôi vừa tự trách mình: ”Sao không bình thường như những người chung quanh, kêu các món đồ ăn thông dụng. Bày đặt oriental làm gì để bây giờ nước mắt đong đầy?” Sau khi vật lộn với món oriental food khoảng nửa tiếng, cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy no bụng. Tôi quyết định lăn ra ngủ để quên đi niềm đau không hề chôn dấu vừa rồi.
Sau bốn ngày ở Hoa thịnh Đốn và West Virginia, tới giờ về lại Cali. Nghĩ tới cái món Oriental mà tôi sẽ …bị phục vụ trên chuyến về, tôi quyết định ăn thật no bụng tại phi trường trước khi lên máy bay. Một phần vì phải thức dậy lúc 4 giờ sáng do chuyến bay sớm, một phần vì muốn “Hãy quên như chưa ăn lần nào”, tôi đã ngủ suốt chuyến về. Cô chiêu đãi không hề đánh thức tôi dậy khi phục vụ đồ ăn cho mọi người.
Đi máy bay ngại nhất là chuyến bay bị hoãn. Năm 2017, nhóm hướng đạo của con gái bay lên San Francico để hòa cùng hàng ngàn các nữ hướng đạo trên khắp nước Mỹ đi băng qua cầu Golden Gate. Gia đình chúng tôi cùng với các gia đình của các em trong đội quyết định đi từ phi trường Long Beach cho gần nhà. Hãng máy bay chúng tôi chọn là JetBlue.
Không biết vì phi trường nhỏ hay vì hãng máy bay nhỏ mà chúng tôi phải đi bộ ra tới máy bay để dùng cầu thang leo lên máy bay giống như hôm rời Việt Nam đi định cư tại Mỹ năm 1991. Mấy đứa con và bạn của chúng rất thích việc này vì chúng được xem cận cảnh máy bay. Nếu sử dụng cầu hành khách bình thường, chúng ta đi bên trong và vì thế không thấy được máy bay từ bên ngoài.
Lên máy bay, an tọa được khoảng 20 phút thì phi công yêu cầu chúng tôi xuống khỏi máy bay vì phi trường San Francisco đang quá bận bịu và không có chỗ cho máy bay chúng tôi tới theo thời gian như đã hoạch định. Thế là chúng tôi kéo nhau ra khỏi máy bay. Nửa tiếng sau, nhân viên hãng hàng không cho chúng tôi lên lại máy bay. Lần này an tọa sau một tiếng mà máy bay cũng vẫn không cất cánh. Phi công thông báo là phi trường San Francisco chưa cho phép cất cánh vì vẫn còn ứ đọng các chuyến bay. Có lẽ sợ hành khách than phiền, phi công không bắt mọi người phải ra khỏi máy bay lần này. Sau cùng thì máy bay cũng cất cánh và chúng tôi tới San Francisco trễ gần 4 tiếng so với dự định. Để xin lỗi hành khách, họ cho mỗi gia đình một tín dụng $50 để sử dụng cho chuyến bay trong tương lai.
Chuyến đi San Francisco đó chưa phải là chuyến bị đình trệ lâu nhất mà tôi gặp phải. Năm 2023, gia đình chúng tôi quyết định đi thăm Hoa Thịnh Đốn để ngắm hoa anh đào. Chuyến về lại Cali theo dự kiến là 6:30 sáng. Chúng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra phi trường cho kịp. Sau khi tới cổng (gate) chờ lên máy bay, tôi nhận ra màn hình TV báo rằng chuyến bay bị hoãn. Thế là chúng tôi lấy đồ ăn ra ăn sáng vì sáng nay thức dậy quá sớm, chưa kịp ăn uống gì cả. Ăn xong, tới 7 giờ, màn hình vẫn chưa cho biết giờ bay mới. Ngồi chán chê tới 9 giờ nhân viên hãng hàng không mới thông báo là một con ốc của bộ phận chứa dầu nhớt bị mất nên chuyến bay bị hoãn. Phụ tùng thay thế ở Boston. Vì vậy họ phải chờ một chuyến bay của hãng từ Boston bay đến Hoa thịnh đốn để có phụ tùng thay thế. Dù biết rằng khi có phụ tùng thay thế và hãng hàng không chỉ cho phép máy bay cất cánh sau khi kiểm tra và xác nhận an toàn, tôi vẫn cảm thấy bất an. Lo thì lo chứ biết làm sao vì đâu thể lái xe xuyên nước Mỹ để về Cali.
Đến 11:30, năm tiếng trễ hơn dự định ban đầu, cuối cùng máy bay đã cất cánh. Vì có thay đổi về thời gian, hãng bay bắt chúng tôi phải ghé Boston để bắt một chuyến khác về lại Cali. Hai chuyến cách nhau 5 tiếng. Chúng tôi tới Boston khoảng một giờ chiều và quyết định ra khỏi phi trường để đón Uber vào thành phố thăm trường Harvard. Chúng tôi về tới Cali khoảng 8:30 tối, 12 tiếng trễ hơn dự định ban đầu. Hãng máy bay cũng cho chúng tôi $100 tín dụng cho những chuyến bay trong tương lai.
Có lẽ chuyến bay hè năm 2024 từ Oakland đến Las Vegas là kịch tính nhất trong các chuyến bay. Nhân dịp đội bóng rổ của con trai đi thi đấu ở Las Vegas, vợ, con trai và tôi bay từ phi trường John Wayne lên Oakland nơi con gái đang học đại học. Chúng tôi bay tiếp từ Oakland qua Las Vegas để mừng sinh nhật con gái. Trong lúc ăn tối tại Berkeley, tôi nhắc bà xã:
- Em coi chuyến bay tối nay mấy giờ để anh còn tính xem khi nào mình phải có mặt ở phi trường.
Bà xã xem lại chuyến bay qua điện thoại và giật mình:
- Chuyến bay bị hoãn 1 tiếng từ 9:30 giờ đêm qua 10:30 giờ đêm.
Tôi trấn an:
- Kệ, một tiếng cũng không sao.
Tưởng nói như thế bà xã sẽ yên tâm. Ngược lại, bà xã cuống lên, mắt vẫn chằm chằm nhìn cái điện thoại:
- Họ nói rằng mình sẽ đáp xuống Las Vegas vào lúc 11:50AM, tức là trưa mai mới tới.
Nghe thế, tới lượt tôi nhảy đỏng lên:
- Vậy là hỏng hết. Ngày mai đội bóng của con sẽ đấu trận đầu tiên lúc 9 giờ sáng.
Trong lúc bà xã tiếp tục tỏ ra căng thẳng với chuyến bay, tôi móc điện thoại ra để xem có thể mướn xe cấp tốc được không. Theo bản đồ google thì lái xe từ Berkeley tới Vegas tốn khoảng mười tiếng. Nghĩ cũng ngán nhưng chỉ có cách đó thì chúng tôi mới tới Vegas kịp cho trận đấu đầu tiên ngày hôm sau của con trai. Đang tìm kiếm chỗ mướn xe thì bà xã tỏ ra vui mừng, sau khi đã nói chuyện với nhân viên hãng hàng không qua điện thoại:
- Không cần mướn xe nữa, họ nói là chuyến bay sẽ đáp xuống Vegas vào lúc 11:50PM, chứ không phải 11:50AM. Cái đó là lỗi của phần mềm.
Tôi là dân làm phần mềm, và cũng đã viết mấy cái lỗi này trong phần mềm của mình nhiều lần, cho nên tin ngay là chúng tôi sẽ đến Vegas vào đêm nay chứ không phải trưa mai. Sau khi ăn tối xong, chúng tôi ra khỏi nhà hàng để lên xe lái ra phi trường. Chín giờ đêm, giữa mùa hè mà sao trời Berkeley lạnh quá. Cái điện thoại cho tôi biết là đêm đó nhiệt độ tại Berkeley là 64 độ F. Cái áo lạnh của tôi khá dày nhưng tôi vẫn thấy lạnh run.
Vào đến phòng chờ đợi ở phi trường Oakland, màn hình báo cho chúng tôi biết rằng chuyến bay lại bị hoãn lần nữa và giờ cất cánh mới là 11:30 đêm. Vậy là thêm một tiếng chờ đợi vất vưởng ở sân bay. Tôi chỉ lo là con trai thức khuya ngày hôm sau sẽ không có sức để thi đấu bóng rổ. Tôi thở phào khi chúng tôi được lên máy bay vào lúc 11:30. Theo như màn hình thì chúng tôi sẽ đáp xuống Vegas vào lúc 12:50 sáng. Tôi không thích ngủ trễ cho nên cứ chỉ mong mau tới Vegas để về khách sạn ngủ. Khoảng 12:40, từ cửa sổ máy bay, tôi nhìn thấy máy bay đã xuống rất thấp và chuẩn bị đáp. Tôi có thể thấy phi đạo phía dưới đất. Tiếng động cơ của máy bay nhỏ bớt và đầu máy bay chúi xuống thấp. Đang mơ mộng về cái giường và chiếc gối của khách sạn thì bỗng nhiên tiếng động cơ máy bay hú lên và đầu máy bay ngóc lên cao. Phi đạo phía dưới càng ngày càng xa ra. Mọi người nhìn nhau, vừa lo lắng, vừa thắc mắc tại sao phi công lại tăng tốc và cho máy bay bay lên cao thay vì đáp xuống. Tôi từng xem nhiều phim về tai nạn máy bay cho nên trong đầu suy đoán đủ thứ chuyện nguy hiểm. Liệu phi công phải cho máy bay bay lên lại vì bánh xe không mở ra được? Hay là phi công thiếu kinh nghiệm cho máy bay hạ độ cao chậm quá cho nên bị trật phi đạo? Bao nhiêu câu hỏi nhảy múa trong đầu. Tôi nghĩ chắc là nguy kịch lắm cho nên phi công không dám giải thích cho hành khách sợ mọi người hoảng loạn. Người Mỹ thường rất minh bạch và luôn giải thích cho mọi người khi có vấn đề.
Tôi có thói quen là mỗi khi máy bay cất hay hạ cánh, tôi đều đọc kinh cầu nguyện. Tôi cầu nguyện cho đi tới nơi và về đến chốn để còn lo cho vợ con. Hôm đó tôi cũng cầu nguyện cho máy bay đáp an toàn nhưng tự an ủi mình là nếu có gì thì ít nhất vợ con đều ở bên mình. Lỡ điều xấu nhất xảy ra thì cùng về thiên đàng với nhau. Qua cửa sổ, tôi thấy máy bay đang bay một vòng lớn để quay lại vị trí đáp. Sau khoảng 10 phút, máy bay bắt đầu hạ thấp cao độ từ từ đáp xuống phi đạo. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi bánh xe chạm mặt đất. Phi công hôm đó nhất định không giải thích tại sao máy bay phải bay hai lần mới đáp được.
Do bị hoãn hai lần, cộng thêm phải bay vòng vòng trên trời sau lần đáp hụt, chúng tôi ra khỏi máy bay vào lúc 1:15 sáng. Vừa bước ra tới bãi đậu xe, tất cả chúng tôi bị sốc vì dù là nửa đêm, nhiệt độ của Vegas nóng như lò than. Tôi đưa cái điện thoại lên coi và thấy nhiệt độ lúc đó là 104 độ F. Vậy là từ Berkeley lạnh lẽo với 64 độ, bây giờ chúng tôi đang ở Vegas nóng tới 104 độ.
Sau hai ngày ở Vegas, chúng tôi ra phi trường để đưa con gái về lại Berkeley. Khi kiểm tra giờ bay, vợ tôi cho biết là chuyến bay đúng giờ, không bị hoãn. Chúng tôi ra tới phi trường vào lúc 8 giờ tối để chuẩn bị cho chuyến bay lúc 9 giờ. Đến 8:30, màn hình cho biết chuyến bay bị hoãn cho đến 10 giờ. Một tiếng sau, màn hình lại thông báo chuyến bay bị hoãn cho đến 11:30. Một số hành khách tỏ ra khó chịu và tiến đến quầy vé để chất vấn nhân viên hãng hàng không tại sao lại bị hoãn nhiều lần như thế. Chuyến đi cũng bị hoãn nhiều lần nhưng không thấy ai chất vấn nhân viên hãng hàng không có lẽ là vì đi tới Vegas, ai cũng trong tâm trạng vui vẻ. Còn bây giờ, sau vài ngày chơi bài và chắc thua nhiều tiền, mọi người đều không vui và dễ gây gỗ. Sau khi bị nhiều người chất vấn, nhân viên hàng không thông báo qua loa phóng thanh:
- Chuyến bay bị hoãn là do phi hành đoàn đang bị kẹt trên đường đến đây. Quý vị cứ yên tâm, máy bay đã sẵn sàng. Chừng nào phi hành đoàn đến là máy bay sẽ cất cánh ngay.
Cứ mỗi lần thấy các phi hành đoàn đi vào, chúng tôi đều nhìn họ và hy vọng họ đi vào cổng máy bay của chúng tôi. Nhưng tất cả đều đi vào các cửa khác. Cuối cùng, vào khoảng 12:30 sáng, một phi hành đoàn khoảng 6 người đi vào và lúc này chuyến bay của chúng tôi là chuyến cuối cùng trong ngày, mọi người đều vỗ tay như thể chào mừng một ban nhạc rock vậy. Chúng tôi về đáp xuống phi trường Oakland vào khoảng 2 giờ sáng. Tôi chỉ mong được về khách sạn để ngủ. Thế nhưng ước muốn nhỏ bé ấy cũng không thành. Đứng chờ khu hành lý, chúng tôi chỉ lấy được một vali. Sau khi máy ngừng chạy và mọi người lấy hết hành lý ra về, chúng tôi vẫn không thấy cái hành lý thứ hai đâu cả. Tôi xua tay:
- Thôi kệ, mệt quá rồi. Cứ về khách sạn để ngủ cái đã, còn cái vali thứ hai đó cũng chẳng có gì mắc tiền, ngày mai gọi hãng máy bay tính sau.
Bà xã nhất định không chịu:
- Ngày mai cơ hội mất luôn cái vali sẽ cao hơn. Nhất định bắt họ tìm cho được ngay bây giờ.
Thế là chúng tôi phải tới khu dịch vụ khách hàng và giải thích sự việc. Cô nhân viên chỉ cho chúng tôi tới khu tìm đồ thất lạc (lost and found). Đến tới nơi, nhân viên khu tìm đồ thất lạc đòi xem receipt. Sau khi đưa cho anh receipt, anh ta nói:
- Chờ tôi chút, tôi sẽ vào trong nhà kho để tìm.
Sau mười phút, anh ta trở ra, lắc đầu:
- Tôi không tìm thấy món hành lý nào có số receipt như vầy.
Bà xã hỏi lại:
- Vậy bây giờ hành lý tôi ở đâu?
Anh nhân viên từ tốn:
- Bạn hãy trở lại quầy phục vụ khách hàng để họ giúp đỡ.
Bà xã bực bội:
- Hồi nãy họ gởi chúng tôi qua đây. Bây giờ anh lại gởi chúng tôi qua đó. Trời khuya rồi, chúng tôi cần về khách sạn.
Anh nhân viên thanh minh:
- Xin lỗi, tôi chỉ lo khu thất lạc này. Nếu hành lý của quý vị không có trong này, trách nhiệm thuộc về bên dịch vụ khách hàng.
Thế là chúng tôi lại từng bước chân không âm thầm quay lại quầy dịch vụ khách hàng. Lúc đầu nhân viên tại đây cũng không biết phải làm gì ngoài việc đề nghị chúng tôi cứ về khách sạn và liên lạc lại với hãng hàng không ngày hôm sau. Cô nhân viên hy vọng là ngày hôm sau cái vali của chúng tôi sẽ được tìm thấy. Bà xã tôi rất cứng rắn, đã quyết định phải lấy được cái vali tối này là phải làm tối nay.
Sau khi nói qua nói lại khoảng mười phút, bỗng dưng cô nhân viên phục vụ khách hàng thông minh đột xuất hỏi:
- Oakland có phải là điểm đến cuối cùng của quý vị không?
- Không, ngày mai chúng tôi bay về phi trường John Wayne. Đó mới là trạm chót của chuyến đi này.
Mắt cô nhân viên sáng lên như đèn pha:
- Vậy tôi biết chuyện gì đã xảy ra với hành lý của quý vị rồi. Chờ tôi một chút.
Thế rồi cô gọi điện thoại cho khu khuân vác. Cúp điện thoại xong, cô tươi cười:
- Có sự nhầm lẫn. Vì John Wayne mới là trạm chót, bên khuân vác họ chuyển hành lý của quý vị sang máy bay ngày mai quý vị sẽ bay để về đó. Mời quý vị theo tôi tới khu khuân vác để lấy lại hành lý.
Cô ta giải thích cũng có lý nhưng cũng vô lý. Nếu họ muốn chuyển hành lý sẵn cho chuyến bay ngày hôm sau thì tại sao họ chỉ chuyển có một cái vali, trong khi cái kia thì chúng tôi đã lấy lại khu baggage claim hồi nãy rồi. Tuy thắc mắc nhưng vì mệt quá, tôi cũng chẳng buồn hỏi cô nhân viên. Chúng tôi về tới khách sạn là 3 giờ sáng. Vậy là chúng tôi tốn trên dưới 6 tiếng đồng hồ cho cả chuyến đi và về giữa Oakland và Vegas. Thêm vào đó là màn máy bay chuẩn bị hạ cánh rồi lại bay lên. Thế mà hãng hàng không cũng chẳng thèm cho chúng tôi voucher để chuộc lỗi.
Đúng như ông bà ta nói “Tiền nào của đó”. Các hãng máy bay giá rẻ thường hay bị hoãn chuyến bay vì họ sử dụng một phi hành đoàn cho nhiều chuyến bay để tiết kiệm tiền. Gần đây tai nạn máy bay khá nhiều do các nhân viên kiểm soát không lưu bị sa thải hàng loạt cho nên nhiều khi tôi tránh đi máy bay khi có thể. Nhưng theo thống kê thì xác suất bị mất mạng vì đi máy bay vẫn thấp hơn nhiều so với đi xe hơi. Hơn nữa, giầy dép còn có số cho nên khi cần bay thì cũng vẫn phải bay thôi.
Hoàng Đình Minh Long
Gửi ý kiến của bạn